Wednesday, December 9, 2020

Lâm Vĩnh Thế - Trung Tướng Phan Trọng Chinh (1930 - 2014)

 Nhì Chinh

          Vị tướng được kể tên thứ nhì là Trung Tướng Phan Trọng Chinh (1930-2014)

 

Trung Tướng Phan Trọng Chinh (1930-2014)
 

          Ông sinh ngày 1-2-1931 tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Việt, theo học Khóa 5 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, mãn khóa ngày 24-4-1952 với cấp bậc Thiếu Úy, và lần lượt thăng cấp như sau: (7)

·       Thăng cấp Trung Úy vào tháng 1-1954

·       Thăng cấp Ðại Úy ngày 29-9-1954

·       Thăng cấp Thiếu tá vào tháng 9-1956

·       Thăng cấp Trung Tá vào tháng 12-1963

·       Thăng cấp Ðại Tá nhiệm chức vào ngày 6-3-1965

·       Thăng cấp Ðại Tá thực thụ vào ngày 1-11-1965

·       Thăng cấp Chuẩn Tướng nhiệm chức năm 1966

·       Thăng cấp Chuẩn Tướng thực thụ năm 1967

·       Thăng cấp Thiếu Tướng nhiệm chức năm 1968

·       Thăng cấp Trung Tướng thực thụ năm 1973

Trong thời gian 1954-1956, ông là vị Tiểu Ðoàn Trưởng đầu tiên của Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù.  Cuối tháng 9-1956, ông thăng cấp Thiếu Tá và đảm nhận chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Ðoàn (đến năm 1959 đổi tên thành Lữ Ðoàn) Nhảy Dù.  Ngày 26-10-1960, ông rời Lữ Ðoàn Nhảy Dù và đảm nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân.  Ngày 11-11-1960, ông tham gia cuộc đảo chánh của lực lượng nhảy dù dưới sự lãnh đạo của Ðại Tá Tư Lệnh Nguyễn Chánh Thi.  Cuộc đảo chánh thất bại, ông bị bắt giam và bị Tòa án mặt trận Sài Gòn xử 18 năm khổ sai và đày ra Côn Ðảo. 

Sau khi cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 thành công, lật đổ được chế độ Ngô Ðình Diệm, ông được Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng trả lại tự do, xóa bản án, thăng cấp cho ông lên Trung Tá, và bổ nhiệm ông làm Tỉnh Trưởng Pleiku.  Ngày 6-3-1965, ông thăng cấp Ðại Tá nhiệm chức và được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 25 Bộ Binh.

Chính trong thời gian nắm giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 25 Bộ Binh này, Tướng Chinh đã để lại những dấu ấn rõ rệt về các đức tính tốt đẹp của ông: trong sạch thanh liêm, không bao giờ lợi dụng chức vụ để lo cho gia đình, tận tâm trong công việc và nhiệm vụ, thương yêu, gần gủi và chia xẻ mọi hiểm nguy với binh sĩ dưới quyền.  Dưới đây là một số giai thoại về các đức tính đó của ông đã được truyền tụng trong dân gian:

“Trong suốt mấy năm liền đảm nhiệm trọng trách đó, tôi thấy tướng Chinh không mấy khi về Sài Gòn thăm gia đình vợ con và bạn bè.  Ông bận lo thị sát chiến trường, thanh tra các địa phương.  Một đặc điểm đáng nêu lên đây là tướng Chinh đi thanh sát toàn bằng xe, di chuyển trên đường bộ, mặc dù vùng ông trấn đóng rất nguy hiểm.  Bọn CS địa phương thường hay đặt mìn, bắn sẻ và phục kích từng toán lẻ tẻ.  Thỉnh thoảng về thăm gia đình, vợ con, ông cũng dùng xe chớ không bao giờ dùng trực thăng như đa số các vị tướng lãnh khác.  Đoàn xe của tướng Chinh di chuyển thường chỉ gồm có một chiếc Dodge 4x4 trí súng đại liên với mấy tay xạ thủ, một jeep ông ngồi cùng với tài xế và đại úy Đoàn, sĩ quan tùy viên của ông.” (8)

“Khoảng năm 1966-67, đường Saigon – Đức Hòa còn là đường đất bụi.  Hôm đó, tôi trên xe cứu thương, trương cờ Hồng Thập Tự mà chạy.  Xe tôi đi sau một đoàn xe của quân đội, tôi bóp kèn, thì tất cả đều dạt vào trong.  Nhưng đến xe đầu tiên thì tôi biết là xe của ông Tướng (vì có gắn ngôi sao), xe tôi không dám vượt qua.  Nhưng tôi thấy Tướng Chinh vỗ vai người tài xế, và xe ông dạt vào trong cho xe tôi chạy.  Đến tối, tôi xin gặp Trung Tướng và xin lỗi.  Nhưng Tướng Chinh nói: “NGÔI SAO CỦA TÔI KHÔNG THỂ BẰNG SINH MẠNG CỦA MỘT THƯƠNG BINH”. Câu nói đó đã chạm vào tim tôi, nước mắt tự rơi không kềm được. Một câu nói thật ngắn, gọn, nhưng sao hay trong văn chương, đẹp trong tình người đến như vậy???.   Sau đó ông hỏi tôi: “Cô có biết tại sao Trung Tướng Chinh là ông Tướng duy nhất không dùng trực thăng khi đi hành quân hay không?  Dạ, lúc đó cháu còn nhỏ nên không biết điều đó ạ!  Tại vì ông muốn chia xẻ tất cả những nguy hiểm, gian khổ cùng chiến sĩ, chứ không như các ông Tướng khác cô à.  Nước mắt tôi lại rơi cho điều vô cùng tốt đẹp ấy.  Có người còn kể: “Tướng Chinh thường nói: “Là lãnh đạo, lúc nào cũng phải đi tiên phong.” ” (9)

          Với bản chất cương trực như thế, ông không tránh khỏi đã có những đụng chạm với một số cố vấn Mỹ khi những vị cố vấn này có những cử chỉ hay hành động có tính cách khinh thường hay nhục mạ QLVNCH.  MỘt sĩ quan trong bộ tham mưu Sư Ðoàn 25 Bộ Binh đã kể lại cuộc đụng độ nẩy lửa giữa Tướng Chinh và viên sĩ quan đại tá cố vấn Mỹ như sau:

“Những chuyến đi thanh sát như thế, không mấy khi tướng Chinh đem viên đại tá Mỹ cố vấn trưởng sư đoàn đi theo.  Việc ấy không ngờ đã khiến cho tên cố vấn Mỹ, có máu thực dân phong kiến và xấc láo, tên Hê-Li-Cớt, để tâm hiềm khích.  Hôm ấy tướng Chinh về nhà thăm gia đình một đêm.  Sáng hôm sau, ông lên bộ chỉ huy sư đoàn như thường lệ.  Các bạn quân nhân nào đã từng phục vụ trong vùng Hậu Nghĩa đều biết chuyện này. Mỗi sáng, trước khi cho phép xe cộ lưu thông, gồm cả xe nhà binh lẫn xe dân sự, xe vận tải, xe đò, v.v...tiểu đoàn 25 công binh phải lo mở đường xong xuôi để bảo đảm an toàn cho mọi người.  Đoàn xe mở đường thường gồm có một chiếc GMC và 1 chiếc Dodge 4x4 chở đầy các chuyên viên rà mìn.  Bởi thế, không một xe nào, dù là xe của ông tướng tư lệnh có thể vượt qua luật lệ ấy.  Khi tướng Chinh vừa bước vào văn phòng tư lệnh sư đoàn, viên đại tá Mỹ Hê-Li-Cớt, từ phòng bên cạnh đã bước sang, hạch hỏi tướng Chinh, tại sao đến giờ này ông mới đến văn phòng.  Trước thái độ hỗng hách ấy, tướng Chinh đã dạy cho hắn biết bài học về quân phong và quân kỷ, đồng thời cũng nhắc cho anh ta biết rằng, dù sao anh ta cũng chỉ là một đại tá đang đứng trước một vị tư lệnh sư đoàn.  Nhưng viên đại tá Mỹ phách lối này đã chẳng biết phục thiện, về sau lại còn tỏ ra xấc láo hơn nữa, nên tướng Chinh đã phải ra lệnh trục xuất tên cố vấn Mỹ ấy ra khỏi văn phòng làm việc, sát vách với văn phòng của ông.  Tướng Chinh đuổi tên Hê-li-Cớt qua vùng Compound của Mỹ.  Nhưng Hê-Li-Cớt cũng bướng, không chịu dọn đi.  Tướng Chinh liền ra lịnh cho trung tá Trà, chỉ huy trưởng tổng hành dinh sư đoàn 25, dọn dùm đồ đạc của hắn qua bên Compound Mỹ, dưới sự bảo vệ của quân cảnh VN.  Bên phía Mỹ, chẳng hiểu viên đại tá thực dân này đã nói gì vơi binh sĩ Mỹ dưới quyền của y, người ta thấy bọn quân cảnh Mỹ cũng lên súng M.16 và gờm sẵn trong tư thế chiến đấu.  Nhưng rất may đã không xảy ra vụ sô sát đáng tiếc nào giữa binh sĩ Mỹ và binh sĩ VNCH thuộc sư đoàn 25BB.   Dù vậy, báo chí Mỹ và báo chí Việt Nam cũng đã bình luận sôi nôi một thời về hành động cứng cỏi, để bảo vệ danh dự của quân đội VNCH và thể diện dân tộc.” (10)

Sau cuộc đụng độ nảy lửa đó, các giới chức Hoa Kỳ tỏ ra không thích Tướng Chinh, và vì vậy trong các báo cáo, tài liệu của Hoa Kỳ, Tướng Chinh không được đánh giá tốt.  Sau đây là một bằng chứng về nhận xét lệch lạc của CIA về Tướng Chinh:

“The controversial commander of the ARVN 25th Division, General Phan Trong Chinh has stepped-up the tempo of hamlet construction to one month, and consolidation phases to one and one-half months.  Chinh’s order has been issued in an apparent attempt to make the pacification effort in his area look good.” (11)

(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Viên tư lệnh gây tranh cải này của Sư Ðoàn 25 QLVNCH, Tướng Phan Trọng Chinh, đã tăng nhịp độ xây dựng các ấp lên một tháng, và các giai đoạn củng cố các ấp lên một tháng rưởi.  Lệnh của Chinh đã được ban hành thấy rõ là nhằm giúp cho cố gắng bình định trong khu vực của ông ta có vẻ tốt đẹp.”).

Dĩ nhiên, nhận xét như vậy của người Mỹ về Tướng Chinh chắc chắn đã có ảnh hưởng không tốt đến cấp lãnh đạo của VNCH.  Sau đây là một bằng chứng rõ rệt về việc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định không bổ nhiệm Tướng Chinh vào chức vụ Tư Lệnh Quân Ðoàn II vào tháng 4-1972:

“MR 2 commander Gen. Ngo Dzu simply panicked and fled from Corps headquarters at Pleiku to coastal Nha Trang, leaving the de facto leadership of ARVN forces in the interior to MR 2 senior adviser John Paul Vann… Thieu was considering replacing him with a known incompetent named Phan Trong Chinh. Acting on an ostensibly spontaneous impulse, Bunker sent Thieu a list of candidates on which Chinh's name did not appear.  Thieu picked one that did, that of Gen. Nguyen Van Toan.” (12)

(xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tư Lệnh Vùng II Tướng Ngô Dzu hoảng hốt bỏ bộ tư lệnh Quân Ðoàn ở Pleiku chạy về Nha Trang ở duyên hải, trên thực tế giao quyền chỉ huy các lực lượng của QLVNCH trong nội địa lại cho cố vấn trưởng Vùng II Jean Paul Vann… Thiệu đang tính thay thế hắn [tức là Tướng Ngô Dzu] bằng Phan Trọng Chinh, một người đã được biết là không có khả năng.  Hành động theo phản ứng liền lập tức, Bunker [đại sứ Mỹ tại VNCH lúc đó] gửi đến Thiệu một danh sách của những ứng viên trong đó không có tên của Chinh.  Thiệu chọn một tên có trong danh sách, đó là Tướng Nguyễn Văn Toàn.”).

Sau khi rời chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 25 Bộ Binh, Tướng Chinh đã liên tục đảm nhận các chức vụ sau đây:

·       Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn III, 1968

·       Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn, 1969-1973

·       Chỉ Huy Trưởng Trường Chỉ Huy và Tham Mưu, 1974-1975

Sau ngày 30-4-1975, ông định cư tại thành phố Rockville, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.  Ông qua đời ngày 17-11-2014 tại thành phố Vienna, tiểu bang Virginia, Hoa kỳ, hưởng thọ 85 tuổi.  Lễ an táng của ông đã được cử hành rất trọng thể và theo đúng lể nghi quân cách dành cho một tướng lãnh của QLVNCH. 

Lâm Vĩnh Thế

Ghi Chú:

1.    Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  California: Hương Quê, 2011.  Tr. 203-204.

2.    Những Giai Thoại Sạch của Tướng Thắng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  http://www.generalhieu.com/ndthang-u.htm

3.    Clarke, Jeffrey J., United States Army in Vietnam: advice and support: the final years, 1965-1973.  Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1988, tr. 256.

4.    “CIA report on the Situation in South Vietnam as of 10/24/66,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 24-10-1966, giải mật ngày 4-3-1994, gồm 15 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu Declassified Documents Reference System (DDRS), các tr. II-1 và II-2.

5.    “CIA report on the Siituation in South Vietnam covering period 10/31-11/6/66,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 7/11/1966, giải mật ngày 16/12/1993, gồm 24 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu DDRS, các tr. II-1 và II-2.

6.    Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn.  Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2010.  Tr. 192.

7.    Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 127-128.

8.    Nguyễn Ðức Thắng, Phan Trọng Chinh, Lê Minh Ðảo, Lý Tòng Bá, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vanghe.blogspot.ca/2011/09/nguyen-uc-thang-phan-trong-chinh-le.html

9.    Tưởng nhớ Trung Tướng Phan Trọng Chinh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vietnamcuongthinh.blogspot.ca/2015/03/tuong-nho-trung-tuong-phan-trong-chinh.html

10.                       Tướng Phan Trọng Chinh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/ptchinh-u.htm

11.                       “Intelligence report on the situation in South Vietnam,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 19-12-1966, giải mật ngày 16-6-1998, gồm 24 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu DDRS, tr. II-4.

12.                       Ahern, Thomas L., Jr., CIA and the generals: covert support to military government in South Vietnam.  Langley, Va.: CIA, 2009.  Tr. 113.

SOURCE:

https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/-nhut-thang-nhi-chinh-tam-thanh-tu-truong?fbclid=IwAR13QLsm6qgtybW38i2YPr_0mCBmAkDz8z4_NOQ6BZ9tN-j_K6mErbJ5P5M


No comments:

Post a Comment