THÔNG BÁO HỘI THẢO
Hướng tới kỷ niệm 50 năm kết thúc nội chiến ở Việt Nam:
Người Mỹ gốc Việt và di sản chiến tranh
Thời gian: ngày 27 – 28 tháng 10 năm 2023
Địa điểm: Đại học Oregon, Eugene, OR 97403 (bang Oregon, Hoa Kỳ)
Do Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ, Đại học Oregon tổ chức với
sự hỗ trợ của Viện Hòa bình Hoa Kỳ, Washington, DC
Tóm tắt
Để kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc nội chiến ở Việt Nam, Trung
tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ tổ chức một cuộc hội thảo kéo dài hai ngày tại Đại học
Oregon vào cuối tháng 10 tới. Đây là một thời điểm quan trọng và có nhiều ý
nghĩa, và hội thảo là một cơ hội để các trí thức trẻ và nhà hoạt động trong
cộng đồng người Việt tự do ở Hoa Kỳ từ khắp nơi gặp gỡ, ôn lại, trao đổi, và
thảo luận về những vấn đề của cộng đồng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Những
vấn đề chính sẽ được thảo luận là hậu quả và di sản chiến tranh để lại, hoạt
động chính trị, kinh tế, và văn hoá để phát triển sức mạnh của cộng đồng, nỗ
lực giữ gìn di sản lịch sử cho thế hệ sau, và những vấn đề mới nảy sinh trong
quan hệ giữa các thế hệ. Chúng tôi hy vọng hội thảo sẽ giúp tăng thêm sự hiểu
biết về những vấn đề chúng ta đang và sẽ đối mặt và tìm ra những cách giải
quyết để có một cộng đồng mạnh hơn.
Lịch sử
Mặc dù được coi là nhóm di dân trẻ của Hoa Kỳ, cộng đồng
người Mỹ gốc Việt đã có mặt được gần nửa thế kỷ. Cộng đồng này ra đời kể từ khi
kết thúc nội chiến ở Việt Nam với hàng triệu người bỏ nước ra đi để thoát khỏi
chế độ cộng sản. Bản thân cộng đồng này là di sản của cuộc chiến đó, và nếu nói
rộng hơn, là di sản của cuộc tranh đấu chính trị của những người cộng hoà quốc
gia trong suốt thế kỷ 20.
Từ những ngày đầu tiên, công việc xây dựng cộng đồng đòi
hỏi sự tham gia tích cực của nhiều cựu viên chức chính quyền hay quân đội của
Việt Nam Cộng Hoà, các lãnh tụ tôn giáo, trí thức, và những người có kiến thức
chuyên môn và kinh nghiệm làm việc và hoạt động trước năm 1975. Mặc dù phải lo
cuộc sống ở nước định cư, tinh thần quốc gia trong cộng đồng dân tị nạn Việt
Nam rất mạnh mẽ và nhiều người vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chính trị từ xa.
Cộng đồng đông đảo lên rất nhiều trong suốt thập niên 1980
với những đợt “thuyền nhân” trốn khỏi Việt Nam, và sau đó vào thập niên 1990,
khi hàng trăm ngàn cựu tù nhân “trại cải tạo” và gia đình đến Hoa Kỳ. Ở các
thành phố lớn bắt đầu hình thành những khu dân cư có đông người Việt, cùng với
những hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá và chính trị ở từng địa phương cụ thể.
Người Việt tự do bắt đầu tham gia vào chính trị Mỹ, đặc biệt là tranh cử ở các
cấp chính quyền, trong khi các nhà hoạt động hướng về Việt Nam đòi hỏi dân chủ
và nhân quyền cho quê hương. Năm mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, cộng
đồng đang đối mặt với một thách thức lớn khi thế hệ đầu tiên có kinh nghiệm
trực tiếp tại Việt Nam đang dần qua đi và một thế hệ mới sinh ra ở Mỹ trưởng
thành.
Di sản và tương lai
Nhiều cá nhân và gia đình người Mỹ gốc Việt vẫn đang phải
đối mặt với những tổn thương lâu dài của chiến tranh hay tù đày. Tổn thương
không chỉ do phải chống chọi với bệnh tật về thể chất mà còn là tình cảm và tâm
lý. Nhiều người trong thế hệ đầu tiên vẫn còn đau buồn và mặc cảm khi nhớ đến
quá khứ. Điều này góp phần tạo ra rạn nứt giữa thế hệ thứ hai với thế hệ thứ
nhất vì thế hệ sau khó hiểu hết trải nghiệm trực tiếp của thế hệ đi trước.
Những người con lai, nhiều người đến Mỹ khi còn nhỏ, là một nhóm đặc biệt đối
mặt với các vấn đề riêng.
Mối quan hệ với Việt Nam là một vấn đề di sản phức tạp, và
ở đây cũng có khoảng cách giữa các thế hệ. Một lý do tiếp tục mối quan hệ là
người thân trong gia đình, bạn bè, và đồng đội còn ở Việt Nam, nhiều người
trong số họ là cựu quân nhân, thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà. Một lý do khác
là ước muốn đóng góp cho một Việt Nam độc lập, công bằng, thịnh vượng và dân
chủ. Nói chung trong cộng đồng ít có sự bất đồng về quan điểm trong hai lý do
này. Bất đồng nếu có là cách tiếp cận với chính phủ cộng sản Việt Nam. Nhiều
người coi việc liên hệ với chính phủ Việt Nam là cần thiết mặc dù có thể không
thích, trong khi nhiều người khác từ chối mọi liên hệ. Thế hệ người Mỹ gốc Việt
sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ nói chung ít quan tâm đến Việt Nam hơn.
Tình trạng không được tôn trọng và đối xử công bằng trong
xã hội Mỹ là một di sản khác của chiến tranh. Cộng đồng thường bị đổ lỗi cho
một cuộc chiến thất bại do những sai lầm chính sách của Hoa Kỳ. Sự hiểu biết
sai lạc và thái độ miệt thị đối với cộng đồng vẫn tràn ngập trong sách vở và
trên phương tiện truyền thông dòng chính. Đây là nguyên nhân có nhiều hoạt động
biện minh và giữ gìn ký ức về Việt Nam Cộng Hoà trong những người thuộc thế hệ
đầu tiên. Nhưng thế hệ thứ hai quan tâm đến hiện tại nhiều hơn quá khứ, và họ
thường nhạy cảm hơn đối với những vấn đề của xã hội Mỹ đương đại, ví dụ như
phân biệt chủng tộc, bất công giàu nghèo, hay ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu
Mục tiêu của hội thảo là tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo
cộng đồng và các học giả thuộc các thế hệ khác nhau tương tác, chia sẻ quan
điểm, và học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi cũng muốn ghi lại những cuộc thảo luận để
đưa vào một báo cáo hội thảo và dự định sẽ phỏng vấn những người tham gia qua
hình thức video nếu họ cho phép.
CHƯƠNG
TRÌNH HỘI THẢO
Ngày đầu tiên, thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023
PHẦN I: Đối mặt với di sản chiến
tranh & thời hậu chiến: Phần này cung cấp một cái nhìn tổng quan về di sản
chiến tranh & thời hậu chiến và tìm hiểu cách cộng đồng đối phó với di sản
đó.
Phiên thảo luận 1 — Đối
mặt với những chấn thương:
Di sản chiến tranh trên cơ thể và tâm thức của người Mỹ gốc
Việt là gì? Người Mỹ gốc Việt đã đối phó với chấn thương cá nhân và tập thể như
thế nào? Yếu tố nào giúp cho khả năng phục hồi của họ? Có chính sách hay cơ
quan nào hỗ trợ người Mỹ gốc Việt phục hồi không? Làm sao (tái) xây dựng khả
năng phục hồi của cộng đồng để đối phó?
Phiên thảo luận 2 – Giúp
đỡ người còn ở lại:
Người Mỹ gốc Việt đã chăm sóc những người bị bỏ lại—đồng
đội, gia đình, bạn tù (còn sống hay đã chết), và những đứa trẻ bị bỏ lại—như thế
nào? Nỗ lực này có ý nghĩa gì với họ? Họ tìm thấy nguồn lực cho công việc này ở
đâu? Họ gặp phải những thách thức và vuọt qua bằng những chiến lược nào? Ở cấp
quốc gia, chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có hỗ trợ (hay đàn áp, phớt lờ) những nỗ
lực này không? Làm thế nào để có được sự hỗ trợ từ các chính phủ? Những người
bị bỏ lại phía sau và vẫn còn ở Việt Nam nghĩ gì (kỳ vọng) về cộng đồng người
Việt hải ngoại? Làm thế nào để chúng ta thu hút các thế hệ người Mỹ gốc Việt
khác quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và đặc biệt là những người ở lại?
PHẦN II: Quan hệ với Việt Nam: Phần này tập trung vào các vấn đề
kinh tế, xã hội và chính trị trong mối quan hệ phức tạp giữa cộng đồng và quê
hương.
Phiên thảo luận 3 – Căn
cước, lý tưởng & chính trị:
Người Mỹ gốc Việt có quan hệ như thế nào với đất nước, chế
độ, và người dân Việt Nam? Căn cước chính trị và lý tưởng ảnh hưởng thế nào đến
quan hệ của người Mỹ gốc Việt với Việt Nam và chính quyền Việt Nam hiện tại, và
ngược lại? Kinh nghiệm (xã hội, văn hóa và chính trị) của người Mỹ gốc Việt ở
Mỹ ảnh hưởng đến quan điểm của họ về Việt Nam và chế độ Việt Nam như thế nào?
Có phải quan điểm của chính phủ Việt Nam về người Mỹ gốc Việt đã thay đổi theo
thời gian? Tại sao quá khó hòa giải giữa nhiều người Mỹ gốc Việt và chính quyền
Việt Nam?
Phiên thảo luận 4 – Hoạt
động xuyên quốc gia:
Những công việc văn hóa, giáo dục và xã hội mà người Mỹ gốc
Việt đã tham gia liên quan đến Việt Nam và người dân Việt Nam là gì? Mục đích
của những công việc này là gì? Những thách thức chung (trong cộng đồng, bên
trong Việt Nam, và cả với chính phủ Hoa Kỳ) mà người Mỹ gốc Việt phải đối mặt
khi thực hiện những công việc này là gì? Hình thức hợp tác và/hoặc hỗ trợ giữa
người trong cộng đồng và người ở Việt Nam là gì? Làm thế nào để thu hút các thế
hệ người Mỹ gốc Việt khác tham gia nhiều hơn vào những công việc này? Những nỗ
lực này thể hiện quan điểm, thái độ và mối quan hệ của cộng đồng với Việt Nam,
chế độ Việt Nam, cũng như người dân Việt Nam như thế nào?
Ngày thứ nhì – thứ Bảy, 29 tháng 10, 2023
PHẦN III: Quan hệ với dòng chính và xã hội Hoa Kỳ: Phần này đề cập
đến những nỗ lực của cộng đồng nhằm ổn định cuộc sống, đạt được sức mạnh kinh
tế và quyền lực chính trị, chống lại bất công, đồng thời tạo ra tri thức và lưu
giữ ký ức.
Phiên thảo luận 5 – Kinh
doanh và chính trị:
Cộng đồng đã đối phó với nghèo khổ, phân biệt chủng tộc và
tình trạng không có quyền lực chính trị như thế nào? Họ tìm nguồn lực ở đâu để
vươn lên? Họ có chiến lược gì để được lắng nghe và tham gia vào nền kinh tế và
chính trị dòng chính? Họ đã gặp phải những chướng ngại nào? Có phải các thế hệ
khác nhau và các nhóm người Mỹ gốc Việt khác nhau trải nghiệm, giải thích và
giải quyết những thách thức đó một cách khác nhau? Thái độ chung của dòng chính
đối với họ và hoạt động kinh doanh cũng như chính trị của họ có thay đổi theo
thời gian không? Thay đổi thế nào?
Phiên thảo luận 6 – Hoạt
động sáng tạo văn hóa, lưu trữ và bảo tồn:
Người Mỹ gốc Việt ghi nhớ chiến tranh và tưởng niệm người
đã mất trong chiến tranh như thế nào? Tại sao việc bảo tồn ký ức và văn hóa lại
quan trọng đối với người Mỹ gốc Việt? Họ đã làm gì để cho ký ức được bảo tồn và
dễ tiếp cận? Khía cạnh nào của ký ức và văn hóa đang được sáng tạo và bảo tồn,
và cho mục đích gì? Những nỗ lực này được hiểu, tiếp nhận hoặc phản đối như thế
nào bởi các nhóm người Mỹ gốc Việt khác nhau, bởi công chúng (và chính phủ) Hoa
Kỳ, và bởi chính phủ Việt Nam?
PHẦN IV: Bên ngoài nước Mỹ và hướng tới tương lai: Phần này thảo
luận về các cộng đồng người Việt hải ngoại khác bên ngoài nước Mỹ, và cách thức
mà giới học giả và nhà hoạt động có thể làm việc với cộng đồng của họ để giải
quyết các vấn đề di sản chiến tranh/hậu chiến trong tương lai.
Phiên thảo luận 7 — Cộng
đồng người Việt hải ngoại trên toàn cầu:
Người Mỹ gốc Việt quan hệ như thế nào với các cộng đồng hải
ngoại toàn cầu và các cộng đồng tị nạn khác. Mối quan hệ trong cộng đồng hải
ngoại được duy trì như thế nào trên toàn cầu? Một số thuộc tính độc đáo của
trải nghiệm người Mỹ gốc Việt là gì? Một số khía cạnh chung/chia sẻ (hoặc tương
phản) là gì? Có thể học được gì từ việc xem xét (so sánh và đối chiếu) kinh
nghiệm của các nhóm cộng đồng người di cư khác nhau trên toàn cầu?
Phiên thảo luận 8 — Tôn
giáo như phương tiện hàn gắn và hội nhập cộng đồng:
Người Mỹ gốc Việt sùng đạo như thế nào? Các tôn giáo đóng
góp như thế nào vào việc xây dựng cộng đồng, kết nối người Mỹ gốc Việt với
nhau, với những người Mỹ khác và với người Việt Nam tại Việt Nam cũng như trên
toàn cầu? Các cơ sở tôn giáo Việt Nam ở Mỹ và các cộng đồng hải ngoại khác khác
với cơ sở tôn giáo ở Việt Nam như thế nào? Các tổ chức và nghi lễ tôn giáo Việt
Nam thay đổi thế nào khi họ thích nghi với quê hương mới? Làm thế nào để các cơ
sở tôn giáo của người Mỹ gốc Việt thu hút những người Mỹ gốc Việt trẻ hơn, sinh
ra ở Mỹ?
Phiên thảo luận 9 — Mối
quan tâm & khát vọng của thanh niên:
Người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai mong muốn, trăn trở và quan tâm điều gì? Họ có những khó khăn thách thức gì mà thế hệ thứ nhất không biết hay khó hiểu? Căn cước người Mỹ gốc Việt của họ mạnh đến mức nào? Họ nghĩ gì về thế hệ trước và đời sống chính trị của cộng đồng? Điều gì có thể làm giảm bớt xung đột giữa các thế hệ?
PLEASE CLICK “READ MORE” TO READ ENGLISH PART