Lời giới thiệu:
Tác giả, Thiếu Tá Phạm Văn Hồng xuất thân
Khóa 20 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh/Quân Đoàn
I/Phòng 3. Ngày 16 tháng 1 năm 1974, đương sự và G. Kosh, một nhân viên của
lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Đà Nẵng có nhiệm vụ theo tàu Hải Quân VNCH ra đảo Hoàng
Sa khảo sát, nghiên cứu kế hoạch thiết lập sân bay. Ba hôm sau, quân Trung cộng
đánh chiếm Hoàng Sa, bắt tất cả quân nhân VNCH kể cả nhân viên của tòa lãnh sự
Mỹ. Sau một tuần, Trung cộng đã thả người Mỹ vì lý do “nhân đạo”, và sau 29
ngày, các quân nhân VNCH mới được trả tự do. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thiếu
Tá Hồng K20 bị cộng phỉ giam trong trại lao động khổ sai hơn 8 năm ở Quảng Nam.
Thiếu Tá Phạm Văn Hồng K20 là một trong những nhân chứng vụ cộng phỉ thảm sát
Trung Tá Võ Vàng K17 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Trân trọng.
*****
Khi nhắc đến
danh tánh cố Trung Tá Võ Vàng, cựu Sinh
Viên Sĩ Quan khóa 17 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, có lẽ rất nhiều chiến
hữu phục vụ tại vùng I chiến thuật, nhất là các chiến hữu Biệt Động Quân và người
dân thị xã Huế, hẳn không ai xa lạ gì với tên tuổi của anh. Lý do dễ hiểu là vì
trong biến cố Mậu Thân 1968, với trách nhiệm tái chiếm các mục tiêu từ Vĩ Dạ,
Dương Nổ, Bãi Dâu và cuối cùng là Gia Hội, đơn vị anh đã đạt chiến thắng lẫy lừng
và thanh toán mục tiêu trước giờ ấn định, đến nỗi người dân cố đô Huế đã hết sức
cảm phục và thỉnh cầu vị Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật lưu giữ Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân mà anh là
Tiểu Đoàn Trưởng ở lại thị xã để dân chúng được yên tâm sinh sống hầu tái thiết,
an cư lạc nghiệp. Ý dân là ý trời, tiểu đoàn cuả anh phải "trấn thủ lưu đồn"
tại vùng sông Hương, núi Ngự suốt sáu tháng mới được “buông tha”, lên đường chiến
đấu tại những chiến trường khác cũng đang rất cần sức chiến đấu cuả Tiểu Đoàn
anh.
Tên tuổi cuả
anh đã bị bọn quỉ đỏ ghi vào sổ đen từ dạo ấy.
Sau này với
chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 5
thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh, anh lại tạo một chiến thắng lẫy lừng khác tại vùng
cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, đó là mặt trận
Bình Đê, Sa Huỳnh: Trong cuộc thư hùng nẩy lửa này, Trung Đoàn 10 địa
phương cộng phỉ gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Và đây chính là nguyên nhân sâu xa
dẫn đến cái chết đầy oan khiên và đau đớn của anh sau này.
Người viết
bài tường thuật này có cơ duyên biết khá nhiều về Trung Tá Võ Vàng, nhất là sau
khi tên dã thú bắn anh 7 phát đạn từ sau ra trước, người viết lại là người đầu
tiên khiêng thi thể của anh từ suối lên mặt đường và làm biên bản về cái chết
đau thương này ....
Sau ngày 29
tháng 3 năm 1975, ngày thành phố Đà Nẵng bỏ ngỏ, bọn cán ngố tiến vào thị xã,
người dân xứ sông Hàn mới lần đầu tiên nghe được từ ngữ "Uỷ Ban Quân Quản”.
Đến ngày 5 tháng 4 năm 1975, những quân nhân không còn đơn vị, từ sáng sớm đã
nghe một bản thông cáo của Uỷ Ban Quân Quản thành phố đọc đi đọc lại trên đài
phát thanh Đà Nẵng đại khái nói rằng:"Tất cả các sĩ quan Ngụy, không chậm
trễ, hãy tập họp về số 2 đường Đống Đa, Đà Nẵng để nghe nói chuyện về tình hình
đất nước.".
Đây là cú lừa
đầu tiên mà tất cả quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vốn chân thật chưa hề
bao giờ ngờ được sự trí trá xảo quỵêt của bọn lưu manh, đã vấp phải. Bị thôi
thúc bởi bản thông cáo, tất cả các sĩ quan lũ lượt kéo nhau đến địa điểm nói
trên để tìm hiểu xem hiện tình đất nước biến chuyển như thế nào. Và thế là, tất
cả những người chân thật ngay thẳng, đã tự động.... chui vào rọ! Có vào mà
không có ra!
Cuộc đời tù
"cải tạo" của những quân nhân còn kẹt lại khắp các vùng xứ Quảng bắt
đầu từ đây. Chúng tôi bị đưa lên trại Kỳ Sơn thuộc tỉnh Quảng Tín. Nơi đây chỉ
là một vùng rừng núi hoang vu, cạnh một suối nước chảy quanh co dưới chân khu mỏ
vàng Bồng Miêu. Bây giờ danh nghĩa của chúng tôi bị gọi là những người "tù
cải tạo". Ngày ngày chúng tôi ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng phải
lên rừng chặt cây, cắt tranh, rồi chính mình cùng nhau dựng lên những căn nhà để
tự nhốt mình.
Mới đầu, anh
Võ Vàng và chúng tôi ở cùng khối 2 thuộc trại 1 Kỳ Sơn nhưng khác nhà. Anh ở
nhà 6 còn tôi ở nhà 9. Hai nhà này hầu hết là sĩ quan cấp tá, và thường đi lao
động chung với nhau. Sau một thời gian ngắn, qua sự xào xáo "biên chế"
lại, anh Vàng về ở cùng nhà với chúng tôi.
Thực sự thì
khi anh còn ở Biệt Động Quân, tôi đang ở Tiểu Đoàn 3/1 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh,
tôi chỉ nghe danh anh chứ chưa hề biết mặt. Mãi cho đến sau này, khi anh rời
Binh chủng Biệt Động Quân về ngồi tạm tại Phòng 3 Quân đoàn I để chuẩn bị theo
học khóa tham mưu tại Đà Lạt tôi mới hân hạnh được biết anh, vì tôi đã về Phòng
3/QĐI từ trước. Sau khi tốt nghiệp khóa học, Bộ Tổng Tham Mưu/Tổng Cục Quân Huấn
chỉ định Trung Tá Võ Vàng K17 về phục vụ tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam do
những chiến công mà anh đã đạt được cùng những kinh nghiệm chiến trường vô cùng
quý báu mà anh đã thu thập qua những trận ác chiến với cộng quân. Những kinh
nghiệm này cần được gìn giữ, lưu truyền cho các đàn em của anh. Trong thời gian phục vụ tại Trường Mẹ,
Trung Tá Võ Vàng K17 đã đảm nhận chức vụ trưởng khoa chiến thuật rồi Trưởng khối
Huấn luyện quân sự. Với chức năng của một Niên Trưởng, Anh đã đem tâm huyết
trao hết kinh nghiệm đầy máu và nước mắt cho đàn em của mình đang còn miệt mài
kinh sử dưới mái Trường Mẹ.
Đến tháng 3
năm 1972, tình hình chiến sự vô cùng sôi động, Trung Tá Võ Vàng K17 muốn được
trở lại chiến trường xưa, đơn vị cũ… để cùng đồng đội chia xẻ hiểm nguy, mặc dầu
chị Võ Vàng không vui! Anh đã đạt được ước nguyện của người trai Võ Bị.
Đến bây giờ
anh lại tái ngộ với tôi ở một nơi, trong một cảnh ngộ thật nghiệt ngã mà cả anh
cũng như tôi, chẳng ai mong ước: Trại 1
“Cải Tạo” Kỳ Sơn.
Mỗi ngày anh
cùng tôi rong ruổi trong công tác đốn củi, cắt tranh, làm rẫy, trồng sắn, cuốc
ruộng, cấy lúa v.v.... Thôi thì đủ thứ tạp dịch không tên, kể sao cho xiết.
Rồi ngày 11 tháng 4 năm 1976, ngày báo hiệu
đại hoạ đã tới. Hôm đó là chủ nhật, anh Võ Vàng có tên gọi trong danh sách thăm
nuôi. Người thăm anh không ai khác hơn là chị Võ Vàng.
Kịch bản đã
được soạn thảo từ lâu, mãi đến hôm nay mới là thời điểm cho bọn khát máu thực
hiện. Chúng chuẩn bị tạo yếu tố tâm lý rất ác độc, nhưng hoàn toàn là bịa đặt,
về con người anh Võ Vàng, bằng cách là trong những lần sinh hoạt của toàn trại
trên hội trường, tên Chính Uỷ Trung Đoàn đến nói chuyện với tù nhân đã ngược ngạo,
láo khoét tuyên bố rằng:
- Tên Trung
Tá Võ Vàng là một tên mang rất nhiều tội ác với nhân dân và chiến sĩ cách mạng.
Tên này độc ác đến nỗi mỗi khi sát hại một chiến sĩ cách mạng, hắn đều cắt tai
rồi xâu thành chuỗi đeo tòng teng trước ngực, đi nghênh ngang trong thành phố
Đà Nẵng.
Thật rõ ràng
là chỉ những người cộng sản chuyên nghề lừa đảo mới tuyên bố được những lời
gian trá trắng trợn như thế. Thử hỏi vào thời điểm đó, thành phố Đà Nẵng có khoảng
tám trăm ngàn dân, liệu có một người dân nào nhìn thấy anh Võ Vàng đeo tai Việt
cộng trước ngực, đi nghênh ngang trong thành phố?
Song song với
sự chuẩn bị yếu tố tâm lý, chúng đã tiên liệu thời gian anh Vàng sẽ có thăm
nuôi, vì qui chế của tổng trại Kỳ Sơn lúc đó là 3 tháng được thăm một lần. Một
tên quân báo từ quân khu 5 đã xuống chờ sẵn tại trại 1. Đến ngày anh được thăm
nuôi, chúng cử một cảnh vệ tên Bốn, là một tên có máu lạnh, hướng dẫn bốn năm
người trong danh sách ra khu thăm nuôi gặp gia đình. Sau ít chục phút gặp người
thân, tên Bốn ra lệnh cho mấy anh em chuẩn bị về trại.
Anh Vàng cũng cùng với mấy
anh em khác sẵn sàng trở lại trại, thì tên quân báo nói trên đã chờ sẵn tại khu
thăm nuôi, lấy uy quyền của một cấp lớn hơn cho phép ở lại với gia đình thêm một
thời gian. Tên Bốn lại hô tất cả mọi người tập họp đầy đủ để trở lại trại. Anh
Vàng thi hành lệnh, tên quân báo này lại một lần nữa ra lệnh cho anh Vàng được ở
lại. Dĩ nhiên là lẽ thường tình được một cấp lớn hơn cho phép, lại thêm yếu tố
tình cảm gia đình thì đương nhiên anh Vàng nghiêng về phía ở lại. Tên cảnh vệ
đành tức tối dẫn toán được thăm nuôi trở về trại, trong đó không có anh Võ
Vàng. Đây là một yếu tố tâm lý vô cùng thâm độc, chúng cố tình kích động vào sự
tự ái của tên Bốn hầu gây lòng hận thù với tên vệ binh này, để chúng xử dụng
tên này một cách đắc lực và hiệu quả trong chủ đích sát hại anh trong vài ngày
sau.
Dường như
linh tính được báo trước nên tuy được thăm nuôi và lại được hưởng thời lượng gấp
đôi, gấp ba những anh em khác, nhưng khi về trại mặt anh lại lộ rõ vẻ không vui
như lẽ thường tình. Và quả đúng, đến chiều anh bị gọi lên ban chỉ huy trại để
nhận lệnh.
Xin được tản
mạn ra ngoài đề, để mô tả căn nhà chúng tôi ở. Cũng giống như tất cả các nhà
khác trong trại là có bốn sạp ở bốn góc, được ghép bằng những cây rừng do chính
những người tù đi chặt về ghép lại với nhau thành bốn sạp để nằm. Bốn sạp bốn
góc đã tạo thành chữ thập dùng làm lối đi ở giữa. Tôi may mắn được nằm ngay
trung tâm chữ thập, còn anh Vàng thì ngược lại, xuyên tâm đối với tôi, nghĩa là
anh nằm tuốt phía ngoài bìa. Mô tả như vậy để quí độc giả hiểu được rằng chỗ
tôi nằm là đắc địa, vì tại tâm của chữ thập có đào một cái hố để tối đến đốt lửa,
hun khói để vừa đuổi muỗi, vừa sưởi ấm cho bớt lạnh. Củi đốt thì khỏi lo, sống ở
rừng, mỗi khi hết giờ lao động, mỗi người tù đều phải vác về một cây củi để
dùng cho chính mình vào buổi tối.
Chính vì vị
trí đắc địa này mà mỗi tối anh Vàng thường lân la đến chỗ tôi nằm để hút thuốc
lào với anh Phạm Ngọc Bảo. Anh Bảo là người có quan hệ mật thiết với anh Vàng,
vì hai anh có nhà ở cạnh nhau trong vùng bãi biển Thanh Bình, Đà Nẵng. Hơn nữa,
anh Bảo thuộc khóa 12 còn anh Vàng khóa 17 Võ Bị. Phần tôi là em út của cả hai
anh vì tôi thuộc khóa 20. Vì tình Võ Bị này mà ba anh em chúng tôi rất thương
yêu và tuyệt đối tin tưởng nhau. Yếu tố tin tưởng này rất quan trọng, vì ở
trong tù một sự kiện vô cùng ô nhục là tình trạng “ăng ten”, nên không ai dám hở
miệng tâm sự với người khác. Ba anh em chúng tôi thì không phải e ngại về yếu tố
này.
Và rồi, như
thường lệ, ngay buổi tối hôm thăm nuôi định mệnh này, anh đã kể hết một cách tường
tận về chuyện được thăm nuôi thêm giờ, gây tức tối cho tên vệ binh và trại bắt
anh phải làm kiểm điểm, vì đã cưỡng lệnh cảnh vệ. Anh hỏi ý kiến tôi và anh Bảo
xem nên viết kiểm điểm như thế nào. Tôi đã rất chân tình góp ý với anh là chỉ
viết thật ngắn gọn rằng: “Khi tôi được anh cảnh vệ ra lệnh về lại trại, tôi đã
nghiêm chỉnh thi hành và chuẩn bị trở về, thì cán bộ của quân khu đã có nhã ý cố
giữ tôi được ở lại với gia đình thêm ít phút nữa. Tôi cam đoan đây là lời khai
sự thật của tôi v. v...”
Sáng thứ
hai, ngày 12 tháng 4 năm 1976, anh viết xong bản kiểm điểm ngắn gọn như tôi đã
góp ý và nộp cho ban giám đốc trại, rồi trở về tiếp tục đi lao động cùng chúng
tôi.
Buổi tối,
anh lại đến chỗ tôi nằm và hút thuốc cùng anh Bảo, nhưng tâm trạng của anh vô
cùng bồn chồn và lo lắng. Dường như tử thần đã báo trước cho anh thời điểm chấm
dứt cuộc sống sắp tới. Tôi và anh Bảo trấn an anh cách nào cũng không làm anh
giảm được sự bồn chồn lo lắng ấy.
NGÀY ĐỊNH MỆNH
Hôm nay là
thứ Ba, ngày 13 tháng 4 năm 1976, như thường lệ, nhà chúng tôi được phân công
đi phát rẫy trên đồng Cò Bay, lối đi lên vùng mỏ vàng Bồng Miêu và do chính tên
Bốn dẫn đi. Khi vài anh có nhiệm vụ trực trong nhà, ra nhà kho để nhận dụng cụ
phát rẫy gồm dao tông và rựa về, anh Vàng đã nhận một con dao tông giống như
tôi. Và dường như muốn đè nén nỗi lo âu, anh luôn luôn đi cạnh tôi và trò chuyện
cho khuây khoả... Đến khi vào khu vực phát rẫy, những người cầm rựa thì đốn những
cây tương đối nhỏ, còn những người cầm dao tông như anh và tôi thì phải hạ những
cây có đường kính lớn hơn. Gặp những cây quá lớn cành lá xum xuê thì hai anh em
chúng tôi cùng đốn một cây.
Bỗng nhiên
khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi đã tiến lên cao được khoảng mươi thước cách đường
mòn, thì từ phía dưới đường, tên Bốn nói với lên trên:
- Anh trưởng
toán đâu, cho tôi mười người cầm dao tông đi theo tôi lên phía kia đốn những
cây lớn hơn.
Lúc đó anh
nhà trưởng đi kiếm những người cầm dao tông. Anh Vàng nói với tôi:
- Ê mày,
thôi tụi mình xuống đi, nó đang kiếm người cầm dao tông kìa.
- Kệ cha nó,
mình cứ lơ đi, coi như không nghe thấy. Tôi trả lời.
Chỉ một lát sau
đó, tên Bốn đứng ngay sau lưng chúng tôi dưới đường mòn, vừa nói vừa chỉ thẳng
vào anh Vàng:
-Anh kia!
(Làm như tên này không biết tên anh Vàng) Xuống đây đi đốn chỗ khác.
Thế là anh
Vàng rời tôi đi xuống, trong khi tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ mà tên này không gọi
tôi. Đấy là giây phút cuối cùng, sau đó tôi vĩnh viễn không bao giờ còn đứng cạnh
anh nữa.
Anh mới rời
tôi khoảng vài chục phút thì một loạt đạn chát chúa vang lên. Tôi chẳng hiểu
chuyện gì xảy ra nhưng vẫn nhủ trong lòng chắc có chuyện chẳng lành....
Mãi cho đến
giờ nghỉ trưa, tôi tụt xuống đường mòn để chuẩn bị ăn trưa thì gặp ngay anh Lê
Văn Lộc, Thiếu Tá Cảnh Sát, nguyên Trưởng Khối CTCT, ty Cảnh Sát Thừa Thiên –
Huế, hôm nay làm nhiệm vụ anh nuôi, nấu nước cho anh em uống. Thấy tôi, mặt anh
chảy dài, mắt đỏ ngầu, ứa nưóc mắt và nói ngay với tôi rằng:
-Anh Vàng chết
rồi!
Tôi hết sức
bàng hoàng, tay chân bủn rủn. Lần lần tôi mới vỡ lẽ. Số là, sau khi tên Bốn
tách mười người đi đốn cây ở chỗ khác, y đã dẫn toán này đi xa nơi cũ, chỉ chừng
vài ba chục mét về hướng đồng Cò Bay, gần cây cầu lủng, điạ danh "cây cầu
lủng" anh em trại 1 Kỳ Sơn ai cũng biết, tên Bốn chỉ cho mọi người lên đó
mà đốn. Khu vực này cây cối cũng có lớn, nhỏ, có hơn chỗ cũ gì đâu, mục đích
chính chỉ là y muốn tách rời mười người này ra xa khỏi toàn khối 2 của chúng
tôi. Sau đó, Bốn lại lấy hai người trong số mười người dao tông này, để đi đốn
đót về làm chổi cho trại! Màn trình diễn này quá tồi. Nếu đốn đót thì phải gọi
những người cầm rựa mới đúng vì dễ khoèo, dễ phứt, chứ sao lại lấy người cầm
dao tông?
Hai người mà
Bốn chỉ định là anh Võ Vàng và anh Nguyễn Văn Bá, Trung Tá Thủ Khoa khóa 13 Võ
Bị....
Rõ ràng quá!
Ý đồ của Bốn là lấy anh Vàng ra khỏi đám đông để dễ dàng động thủ, che dấu dã
tâm đầy thú tính của mình. Khi hai anh vừa rời toán được mấy chục thước, thì Bốn
chỉ tay nói anh Vàng xuống suối mà tìm đót còn anh Bá thì đi thẳng qua bên kia
cầu lủng, chứ hai người cùng đi với nhau thì đót đâu cho cả hai người cùng đốn!
Anh Vàng vừa
xuống hướng suối không đầy mười thước, thì một tràng đạn AK nổ dòn. Mấy chục
con người mang thân tù tội đang cặm cụi đốn cây, đều ngừng tay. Linh tính cho
biết là chắc chắn có chuyện gì bất thường.
Phần tôi,
tôi biết được chi tiết vừa trình bày là do anh Bá kể lại. Và rồi, tiến xa hơn một
chút, tôi càng được tường tận hơn khi tên Bốn cất tiếng hỏi:
- Ai là nhà
phó trong toán này?
Anh em chỉ
vào tôi, trong tù ai cũng biết nhà phó là người chịu trách nhiệm về "cơm,
áo, gạo, tiền."
Bốn đã nhìn
tôi và chỉ xuống hướng suối để khiêng xác anh Vàng lên. Tôi và anh Trần Hữu Cảnh,
Thiếu tá Phòng 2 Quân Đoàn I, cùng đi xuống suối. Vừa rẽ khỏi đường mòn chừng
mươi thước, thì chứng kiến cảnh đau lòng đến xé ruột diễn ra trước mắt mình.
Anh Vàng nằm úp mặt xuống dòng suối cạn. Từ thắt lưng lên đầu thì ướt, phần còn
lại từ lưng xuống chân thì vẫn khô. Anh nằm úp mặt dưới suối. Hai anh em, tôi
và Cảnh lật xác anh lên, chúng tôi muốn oà khóc vì thấy những phát đạn quá tàn
bạo. Tôi đếm được tất cả bẩy vết đạn đều bắn từ sau ra trước, mà trong đó hình ảnh
của hai phát đạn xuyên ra phía trước thân thể anh, đã ám ảnh, đã hằn sâu, trong
tâm trí tôi cho đến suốt đời, vì hai phát này đã kết liễu đời anh, một phát từ
sau lưng bắn toác ra phía trước ngực, hơi chếch về trái, có nghĩa là anh đã bị
vận tốc xoáy của viên đạn phá tan tim và lồng ngực, phát thứ hai từ hàm phải
xuyên qua cửa miệng trái, vỡ hết hàm răng khiến cho miệng anh không còn khép lại
được nữa. Năm phát còn lại thì rải rác ở cánh tay, mông và ống chân...
Khiêng thi
thể của anh lên mặt đường, đặt gần nơi anh Lộc làm anh nuôi, lúc này tôi mới lục
trong túi của anh lấy ví, mở ra, thấy trong đó có tấm hình vợ con và số tiền
200 đồng. Một nhẫn vàng khoảng hai chỉ trên ngón tay và cổ tay còn đeo chiếc đồng
hồ Longine. Xin mở ngoặc là thời điểm này do bên quân đội quản lý, nên các tù
nhân vẫn còn được giữ các tư trang. Chỉ sau này, khi bọn bò vàng (công an) quản
lý thì tư trang và tiền bạc mới bị ký gửi.
Khi làm biên
bản, một sự lưu manh, xảo trá chuyên nghiệp của bọn cộng sản lại được thể hiện:
cụ thể là chiếc nhẫn vàng thì chúng buộc tôi phải viết lại là chiếc nhẫn màu vàng
và không ghi rõ trọng lượng! Sau này khi sang Hoa Kỳ, duyên may tôi được gặp chị
Võ Vàng, tôi mới vỡ lẽ là họ trả lại cho chị chiếc đồng hồ hiệu Seiko. Quá lạ!
Đồng hồ Longine đã bị “cải tạo” thành Seiko.
Sau khi làm
biên bản, thi hài anh Vàng vẫn được để nằm tại chỗ cho đến khi ăn cơm trưa
xong, một số anh em mới được phân công khiêng thi hài của anh về trại. Những
anh này gồm anh Nguyễn Văn Tố, Trung tá nguyên Tỉnh Trưởng Phú Yên, anh Nguyễn
Văn Chước, Trung Tá, nguyên gốc Biệt Động Quân cùng thời với anh Vàng, anh Đ H
X, Thiếu Tá thuộc Thiết Đoàn M48, Quảng Trị, và anh Trần Hữu Cảnh, Thiếu tá P
2/QĐI.
Một chuyện lạ
rất huyền bí không chứng minh được do chính anh Trần Hữu Cảnh kể lại cho tôi
nghe, đó là khi về đến gần cổng trại, phía bên tay phải là một căn nhà nhỏ
chúng tôi thường gọi là chuồng cu, dùng để nhốt những anh bị kỷ luật, cảnh vệ
đã chỉ cho toán khiêng xác anh Vàng vào trong đó, thì bỗng nhiên xác anh nặng
trĩu hai người khiêng bị trì hẳn xuống, không cách gì khiêng nổi. Anh Cảnh chợt
nghĩ ra rằng đây là nhà kỷ luật chắc anh Vàng nhất định không chịu vào. Anh Cảnh
bèn khấn vái với anh Vàng rằng:
- Xin anh
hãy thông cảm cho chúng tôi được khiêng anh vào, vì đây là lệnh của trại bắt tụi
tôi phải đưa anh vô, chứ không phải tụi tôi muốn như vậy.
Sau nhiều lời
khấn vái thì xác anh bỗng nhẹ hẳn đi để anh em khiêng vô.
Chưa hết,
sau này tôi lại được một vài anh em ở ngoài Tổng trại kể lại rằng tên Bốn sau
này dường như bị điên điên, khùng khùng, suốt ngày cứ lảm nhảm vừa đi vừa nói:
- Tôi đâu có
muốn giết anh! Tôi đâu có muốn giết anh!
Việc này tôi
chỉ nghe kể lại chứ không được chứng kiến nên không hiểu thực hư ra sao, xin chỉ
viết lại với sự dè dặt tối đa.
Về việc mai
táng cho anh thì đến xế chiều, khi đào huyệt chôn anh lại gặp nhiều rắc rối. Những
người đào huyệt đang đào nửa chừng thì người trưởng trại tên Nhất đi họp ngoài
Tổng trại về, trông thấy bèn cho biết là chôn ở đây không được, vì vị trí này,
sau này người ta sẽ phóng đường để cho xe cộ có thể chạy được lên mỏ vàng Bồng
Miêu. Mọi người phải dừng tay, lấp hố, đi đào huyệt khác. Đến vị trí thứ hai mới
đào sâu được vài chục phân, thì gặp phải đá tảng, không cách gì đào nổi, nên lại
phải đi kiếm chỗ khác. Huyệt thứ ba ở khá cao trên triền núi. Lúc này đã sẫm tối
toán chôn cất mới hoàn tất việc mai táng cho anh.
Kiểm chứng lại
việc chúng muốn phục thù, cướp mạng sống của anh, mới thấy rõ là chúng chuẩn bị
một kế hoạch rất tỉ mỉ. Từ việc cử một tên cán bộ quân báo của Quân Khu 5 xuống
chờ sẵn, đợi dịp anh Vàng được thăm nuôi, chọn một tên vệ binh có máu lạnh dẫn
anh đi, gây cho hắn lòng căm phẫn với anh Vàng. Sau ngày chủ nhật được thăm
nuôi, ngày thứ hai bắt nộp bản kiểm điểm, rồi đánh giá là lời khai tránh trớ,
quanh co, ngoan cố không nhận lỗi, ngày thứ ba cho đi lao động, cố ý cắt cử tên
vệ binh Bốn hướng dẫn đi phát rẫy, rồi xuống tay hạ thủ và kết quả đã đúng như
dự tính.
Thế nhưng
nói như thế không có nghĩa là chúng không để lộ ra những màn diễn xuất quá tồi.
Ngay sau khi bắn anh Vàng, tên Bốn đã xuống suối nhúng nước cho quần ướt đến đầu
gối rồi thất thểu vác súng về trại, biết bao nhiêu cặp mắt anh em tù chúng tôi
thấy khẩu súng của y còn nguyên vẹn, nhưng đến xế trưa, khi bọn cán bộ từ trung
đoàn đến hiện trường làm biên bản thì báng súng lại có vết chém! Biên bản ghi rằng
tên Vàng phản động, tính chém vệ binh để cướp súng khiến vệ binh buộc lòng phải
bắn để tự vệ, nhưng lố bịch thay vết đạn bắn lại toàn từ phía sau ra phía trước!
Về điểm này xin được nói thêm là nhà 9 chúng tôi, tối tối thường có một y tá
người Bắc, thường lân la xuống trò chuyện và hút thuốc lào với anh em chúng
tôi. Ngay buổi tối hôm đó, như thường lệ, anh y tá này lại xuống, vừa bước vào
nhà anh đã buột miệng nói ngay:
- Đ.m. chúng
nó, chúng nó đang tâm bắn một người vô tội, vết đạn rõ ràng bắn từ sau ra trước
mà bảo người ta là phản động, cướp súng của vệ binh! Ngày mai ghi vào biên bản
xác minh, bố mày sẽ ghi rõ ràng là vết đạn bắn từ sau ra trước.
Và tiếc
thay, chỉ vài ngày sau khi mộc mạc thốt ra những lời kể trên, người y tá còn
chút nhân tính này không thấy xuất hiện tại nhà 9 chúng tôi nữa.
Cướp đi mạng
sống của anh Vàng, chúng vẫn chưa thỏa mãn được lòng hận thù của chúng. Chị
Vàng sống tại Đà Nẵng cũng không được yên thân. Sau này khi được gặp chị, tôi mới
được biết, chị bị cắt hết nguồn sống của mẹ con bằng cách không cho chị được tiếp
tục dạy học tại trường trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng nữa. Đồng thời còn cô lập gia đình chị bằng cách
phao tin Võ Vàng là một tên phản động khát máu, mặc dầu được đưa vào "trại
cải tạo" để giúp hắn trở nên người lương thiện nhưng vẫn giữ bản chất cũ,
đã cố tình cầm dao chém cảnh vệ để cướp súng, nên đã bị đền tội. Thế là tất cả
bà con chòm xóm, ngay cả người thân trong gia đình cũng phải xa lánh mẹ con chị,
vì sợ bị liên lụy, ấy là chưa kể nhiều người quá ngây thơ khờ dại, tin lời bịa
đặt, đã chê trách anh Vàng quá dại dột, dùng dao mà đọ sức với súng đạn thì làm
sao mà thắng nổi! Anh hùng rơm!
Mãi sau này, trong một dịp nhà báo Huy Phương
phụ trách chương trình “Huynh Đệ Chi Binh” của đài SBTN có nhã ý tìm gặp tôi và
muốn được tôi kể lại chuyện Trung Tá Võ Vàng bị thảm sát trong tù, tôi mới có dịp
tường thuật khá đầy đủ cùng khán thính giả của đài. Chị Vàng đã xem được cuộc
phỏng vấn này và chị đã phần nào được an ủi:
- Xem như anh Vàng đã được rửa mặt. (Rửa mặt ở
đây có nghĩa là rửa nhục, lấy lại danh dự).
Chỉ tiếc một
điều là sao lại có một số người quá nhẹ dạ cả tin, nhất là tin lời tuyên truyền
của cộng sản. Có lẽ họ chưa được nghe lời chỉ giáo của Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu.
Mặt khác, mới
thời gian ngắn trước đây tôi lại được dịp đọc một bài viết của anh Đ.H.X, cũng
viết về cái chết của anh Vàng. Với anh Đ.H.X, tôi cũng biết khá nhiều về anh
ngay từ khi mới nhập trại. Kẹt một nỗi là nay anh vẫn còn ở Việt Nam, bởi một
lý do tôi không tiện nói ra vì sẽ rất có hại cho anh trong cảnh ngộ quá ngặt
nghèo này. Đọc bài viết của anh, tôi vô cùng cảm phục cái tâm của anh, vì sau
khi chứng kiến cái chết của anh Vàng, phải khiêng anh về trại, mai táng cho
anh, anh đã nguyện trong tâm rằng sẽ kể lại đầy đủ cái chết đau thương này, thì
anh mới yên lòng trước khi nhắm mắt. Chỉ tiếc là hoàn cảnh của anh vẫn còn
trong tình trạng cá chậu chim lồng, nên chưa nói hết được những gì anh muốn
nói. Vả lại, anh mới chỉ viết được phần anh chứng kiến kể từ đoạn thi hài anh
Vàng được khiêng về trại và anh bị buộc phải làm biên bản sai sự thực, trái hẳn
với những gì anh được chứng kiến rồi tiếp theo phải ký vào biên bản trước họng
súng.
Tựu trung lại
cái chết của anh Võ Vàng tính đến nay, năm 2017, đã trôi qua hơn bốn thập niên,
nhưng hình ảnh quá đau thương tàn bạo, đối với người được chứng kiến tận mắt
như chúng tôi lúc nào cũng vẫn còn hiện rõ mồn một…!
Nếu được đọc lịch sử về cuộc nội chiến
Nam-Bắc của Hoa Kỳ, sự ứng xử của đoàn Bắc Quân chiến thắng với đội Nam Quân
chiến bại hết sức mã thượng, danh dự của kẻ chiến bại vẫn được tôn trọng, hoặc
gần hơn nữa, sự kiện bức tường Bá Linh sụp đổ, người Tây Đức cũng tiếp đón người
Đông Đức vô cùng quân tử, không một chút hận thù, mà có ai đó mơ mộng rằng nhà
nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đối xử nhân đạo, tử tế với Việt
Nam Cộng Hoà thì quả là người đó đã mắc bệnh… hoang tưởng!
Mặt khác, cuộc
cải cách ruộng đất còn đó, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm còn đó, và mới đây nhất làn
sóng đỏ tràn ngập miền Nam còn đó, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các trại tù khổ
sai, nhục hình mang danh "cải tạo" mọc lên như nấm gặp mưa, cách đối
xử với người tù vô cùng dã man, ác độc, mà vụ sát hại anh Võ Vàng là một điển
hình, thế mà lũ người Xạo - Hết - Chỗ - Nói vẫn lải nhải kêu gọi xóa bỏ hận
thù, hòa hợp hòa giải dân tộc thì quả là chúng đang bị chứng...mộng du!
California,
ngày 23 tháng 9 năm 2017
Phạm Văn Hồng
SOURCE:
.
No comments:
Post a Comment