Sunday, November 15, 2020

Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh


Tướng Hiếu được bổ nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh ngày 14 tháng 8 năm 1969 và rời chức vụ này ngày 9 tháng 6 năm 1971.

Nỗ lực đầu tiên của Tướng Hiếu là kiện toàn khả năng chiến đấu của Sư Đoàn 5. Để thực hiện mục tiêu này, theo Đại Tá John Hayes, Cố Vấn Trưởng Mỹ của Sư Đoàn 5, Tướng Hiếu đã tận dụng vai trò tấn công của Trung Đoàn Thiết Kỵ 1 và thôi thúc các đơn vị của sư đoàn chuyển từ thế thủ qua thế công. Bằng cách ứng dụng chương trình đưa chiến tranh đến địch, trong vòng một năm, Sư Đoàn 5 đã cầy nát các mật khu của Việt Cộng nằm trong các Tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long (Chiến Khu D, C, Hố Bò, Tam Giác Sắt...) khiến cho Trung Ương Cục Miền Nam phải cuốn gói rời bản doanh chạy qua Cam Bốt.

Đại Tá Nguyễn Khuyến, Chỉ Huy Trưởng An Ninh Quân Đội Quân Đoàn III, nhận xét:

Khi tướng Trí về nắm chức Tư Lịnh Quân Đoàn 3 thì tình cờ cả 3 vị Tư Lịnh Sư Đoàn của Quân Đoàn 3 đều xuất thân từ Khóa 3 Đà Lạt. Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Thịnh giữ chức Tư Lịnh Sư Đoàn 25, Thiếu Tướng Hiếu, Sư Đoàn 5 và Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, Sư Đoàn 18. Trong 3 vị Tư Lịnh vừa kể thì Tướng Trí tỏ vẻ trọng dụng Tướng Hiếu nhứt vì Tướng Hiếu đã từng làm tham Mưu Trưởng cho Tướng Trí trước kia ở Quân Đoàn 1 và Quân Đoàn 2 vào năm 1963.

Thời gian Tướng Trí nắm chức Tư Lịnh quân Đoàn 3 là thời gian làm cho các Công Trường 5, 7, 9 của Việt Cộng điêu đứng nhứt. Tướng Trí đã chuyển từ thế thủ sang thế công, đẩy các đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam qua bên kia biên giới. Các chiến khu Dương Minh Châu, mật khu Hố Bò bị cày nát, không còn là nơi ẩn an toàn cho Trung Ương Cục Miền Nam nữa.

Như vậy là các đơn vị thuộc Sư Đoàn 5 đã triệt để thi hành mệnh lệnh của tư lệnh ban bố trong buổi họp ngày 07/10/1070, và đã đạt được thành quả mỹ mãn:

Quan niệm hoạt động trong tương lai của Sư Đoàn là săn diệt địch. Các đơn vị sẽ được giao mỗi đơn vị 1 đối tượng và phải nỗ lực ngày đêm để tiêu diệt đối tượng đó. Quan niệm này các Tiểu Khu cũng có thể áp dụng với các đơn vị ĐPQ+NQ. Nếu tất cả chúng ta đều áp dụng quan niệm săn diệt địch, chúng ta sẽ tiêu diệt được tất cả lực lượng của địch trong thời gian ngắn.

Khi Tướng Hiếu về chỉ huy Sư Đoàn 5 vào giữa tháng 8/1969, ba Trung Đoàn 7, 8 và 9 của Sư Đoàn còn đang giữ vai trò thứ yếu trong tư cách các đơn vị tăng phái cho các đơn vị của Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ trong các cuộc hành quân hỗn hợp Đồng Tiến. Mới hai tuần lễ sau, khi Tướng McAuliffe, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ đến thăm dò ý kiến Tướng Hiếu ngày 01/09/1969, ông đã phải lấy làm ngạc nhiên trước tầm hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn trong lãnh vực hành quân phối hợp, cũng như lập trường sắc bén và dứt khoát đầy tự tin của Tướng Hiếu. Và một tuần lễ tiếp sau đó, ngày 06/09/1969, trong buổi họp giữa hai bộ tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh VNCH và Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, đến lượt Tướng Milloy, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, phải lấy làm sững sờ trước uy phong của Tướng Hiếu, người mới nhập cuộc được non có ba tuần lễ, mà đã tỏ ra nắm vững được tình thế và mạnh dạn phán quyết các phương thức hành quân chung giữa hai sư đoàn Việt Mỹ. Sự kiện này dễ hiểu là vì Tướng Hiếu đã đến với Sư Đoàn 5 với hành trang đầy ắp kinh nghiệm chiến đấu liên tục chung với các đơn vị Mỹ Hàn trong ba năm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22.

Ngoài việc thi hành các cuộc hành quân Đồng Tiến chung với Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, Tướng Hiếu còn phải lo tiếp thu doanh trại Lai Khê do Sư Đoàn 1 Bộ Binh Mỹ nhượng lại. Tướng Hiếu đã chu toàn phận vụ này cách nhanh chóng, bằng cách rời bản doành bộ tư lệnh Sư Đoàn 5 từ Bình Dương lên Lai Khê vào ngày 27/2/1970, ba tuần lễ trước thời gian dự trù vào ngày 15/03/1970. Ngoài ra, việc tiếp thu doanh trại Mỹ này đã không xảy ra tình trạng thất thoát vật liệu và tẩu tán vật dụng tai tiếng như trong trường hợp doanh trại Đồng Tâm thuộc Quân Đoàn IV hay các doanh trại Đức Cơ, Đắc Tô, Lê Thanh, Play Mo Rong, An Khê, v.v... thuộc Quân Đoàn II.

Bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ di chuyển từ Lai Khê về Dĩ An. Và đến cuối tháng 4 năm 1970, đơn vị sau cùng của Sư Đoàn này lên tàu rút khỏi Việt Nam để trở về Hoa Kỳ theo chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Ý kiến của Tướng Hiếu, khi được Tướng Trần Văn Đôn hỏi, liên quan đến chương trình này là nó khiến cho QLVNCH suy yếu đi vì không được bổ sung quân số thay thế vào các khoảng trống tạo nên bởi sự triệt thoái của các đơn vị Mỹ. Tuy Tướng Hiếu than phiền là Sư Đoàn 5 phải cáng đáng thêm phần đất do hai Sư Đoàn Mỹ nhượng lại, nhưng trên thực tế, Tướng Hiếu đã chứng tỏ biệt tài quân sự của mình bằng cách tận dụng lực lượng hạn hữu mình có và thành công trong việc đánh bật Việt Cộng ra khỏi ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long trong thời giàn ngắn. Thành quả này cho phép Tướng Hiếu giao cho Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đảm nhiện trọng trách duy trì an ninh địa phương và rảnh tay tung các đơn vị chủ lực quân qua biên giới Cam Bốt chinh phạt địch quân.

Tháng 4 năm 1970, cũng là khởi điểm Sư Đoàn 5 tham chiến cùng các đơn vị thuộc Quân Đoàn III và Quân Đoàn IV và các đơn vị Hoa Kỳ vượt biên tấn công Việt Công trên lãnh Thổ Cam Bốt theo lệnh của Tổng Thống Nixon. Trong cuộc hành quân Toàn Thắng 46, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1970, Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 phối hợp cùng Trung Đoàn 11 Kỵ Binh Thiết Giáp Hoa Kỳ tấn kích vào vùng Lưỡi Câu ở phía Bắc Lộc Ninh.

Song song với các cuộc hành quân vượt biên chung với các đơn vị bạn Việt Mỹ (Toàn Thắng 42, 43, 44, 45 và 46), Sư Đoàn 5 còn đơn phương thực hiện các cuộc hành quân vượt biên cấp trung đoàn mang tên Toàn Tháng 1/B/5, 2/B/5, 3/B/5, 4/B/5, 5/B/5 và 6/B/5 với không yểm của Phi Đoàn 3/17 Không Kỵ Hoa Kỳ.

Đến cuối tháng 6 năm 1970, các đơn vị bộ binh Mỹ không còn được phép hành quân vượt biên và chỉ còn các đơn vị thuộc QLVNCH đảm nhận phận vụ này. Trọng phạm vi vùng hành quân của Quân Đoàn III, Tướng Đõ Cao Trí hội ý cùng Tướng Hiếu rồi ủy thác cho Tướng Hiếu việc điều nghiên và thực hiện chiến thuật dụ địch "Điệu Hổ Ly Sơn" sẽ tận dụng đến cả ba Sư Đoàn 5, 18 và 25 thuộc Quân Đoàn III. Kế hoạch của Tướng Hiếu là đặt bãy xập tại tỉnh Snoul với Trung Đoàn 8/SĐ5 nhử con mồi và điều động tám chiến đoàn gồm các đơn vị của Sư Đoàn 18 và 25 hành quân cầm chừng tại vùng Chúp gần bên theo kế "Dương Đông Kích Tây"; tám chiến đoàn này gồm từ 18 đến 20 ngàn quân sẽ là đơn vị trừ bị bủa vây chận địch khi địch sa vào bãy.

Cuối tháng 10 năm 1970, Tướng Hiếu khởi phát chiến thuật này với cuộc hành quân cường thám Toàn Tháng 8/B/5 với ba chiến đoàn tấn kích vượt biên từ Lộc Ninh lên tới tỉnh Snoul với mục đích để lại các toán trinh sát và rải xuống các máy dò thám quanh Snoul.

Đang khi chiến dịch dụ địch âm thầm tiến hành, vào tháng 2 năm 1971, Tổng Thống Thiệu có ý định cử Tướng Trí ra Quân Đoàn I thay Tướng Hoàng Xuân Lãm để cứu vãn cuộc hành quân Lam Sơn 719. Tướng Trí muốn Tướng Hiếu thay mình làm Tư Lệnh Quân Đoàn III. Việc chưa ngã ngũ thì Tướng Trí bị tử nạn trực thăng ngày 27/2/1971. Nhưng rồi thay vì chọn Tướng Hiếu, Tổng Thống Thiệu cử Tướng Nguyễn Văn Minh vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Tướng Hiếu cảm nghiệm ngay là kế hoạch dụ địch qui mô của mình không còn được sự hỗ trợ triệt để của cấp lãnh đạo mới tại quân đoàn.

Đầu tháng 5 năm 1971, Tướng Hiếu khuyến cáo Chiến Đoàn Tưởng CĐ8 - con mồi dụ địch - phải "Thường xuyên nhắc nhở đơn vị trực thuộc phòng thủ chu đáo các căn cứ và vị trí đóng quân. Đào hầm hố ẩn núp và chiến đấu đề phòng địch đột kích hoặc pháo kích" và ngõ hầu có thể cầm cự địch cho đến khi quân tiếp viện tới, đồng thời nhằm trấn an tinh thần CĐ 8, Tướng Hiếu nhắc khéo là đơn vị trừ bị trực sẵn gần bên: "Các Chiến Đoàn SĐ18 và SĐ25BB tiếp tục hoạt động tại khu vực trách nhiệm ấn định (không thay đổi). Trong thời gian sắp tới, SĐ18 và SĐ25 phối hợp tổ chức hành quân ngắn hạn ưu tiên tại khu vực Bắc QL7 về phía Đông Nam đồn điền CHÚP, dự trù 10 ngày kể từ ngày N thông báo sau."

Nhưng rồi khi địch bắt đầu cắn mồi với các đợt tấn công cấp trung đoàn vào vị trí đóng quân của Chiến Đoàn 8 tại Snoul vào cuối tháng 5, Tướng Minh không chịu cho phép Tướng Hiếu xử dụng đến lực lượng trừ bị gồm tám chiến đoàn nằm tại Chúp để bủa vây địch quân theo kế hoạch dự trù. Thành thử Tướng Hiếu buộc phải triệt thoái Chiến Đoàn 8 trở lui về Lộc Ninh. Tuy cuộc triệt thoái được coi là thành công, nhưng Tướng Minh đã viện cớ là Trung Đoàn 8 bị tổn hại nặng trên đường rút lui để cách chức quyền tư lệnh sư đoàn của Tướng Hiếu và đưa đàn em thuộc nhóm Băng Miền Tây về thay.

Khách quan mà nói, phải nhìn nhận là Quân Đoàn III dưới sự lãnh đạo của Tướng Đỗ Cao Trí, và Sư Đoàn 5 dưới sự lãnh đạo của Tướng Hiếu, vào những năm 1969-1971 đã chứng tỏ mức độ trưởng thành của QLVNCH đủ sức thay thế các đơn vị bộ chiến của quân lực đồng minh Hoa Kỳ: Việt Cộng đã không còn khu an toàn trong Vùng III, và Quân Đoàn III vượt biên hành quân thao túng bên phần đất Cam Bốt. Tổng Thống Thiệu đã phạm phải một lỗi lầm lớn lao khi đưa Băng Miền Tây của Tướng Nguyễn Văn Minh về ngự trị Quân Đoàn III, đánh chuông báo hiệu cho khởi điểm quá trình lụi bại của Quân Đoàn III nói riêng và của tập thể QLVNCH nói chung.

Nguyễn Văn Tín

Ngày 12 tháng 5 năm 2003

Cập nhật ngày 31.05.2003

 SOURCE:

http://nguyentin.tripod.com/tulenhsd5-u.htm?fbclid=IwAR3EtvvQuVibLNOIUBx1PIv7jLsuC2zBMfHYx8HgqyXMyuVTY-slFtPxGVI 


DANH SÁCH CÁC VỊ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH

01. Đại tá Vòng A Sáng 01/03/1955

02. Đại tá Phạm Văn Đổng 25/10/1956

03. Trung tá Nguyễn Quang Thông 18/03/1958

04. Đại tá Tôn Thất Xứng 16/09/1958

05. Trung tá Đặng Văn Sơn 19/11/1958

06. Đại tá Nguyễn Văn Chuân 03/08/1959

07. Chuẩn tướng Trần Ngọc Tám 20/05/1961

08. Đại tá Nguyễn Đức Thắng 16/10/1961

09. Đại tá Nguyễn Văn Thiệu 20/12/1962

10. Chuẩn tướng Đặng Thanh Liêm 02/12/1964

11. Chuẩn tướng Cao Hảo Hớn 05/06/1964

12. Chuẩn tướng Trần Thanh Phong 21/10/1964

13. Thiếu tướng Phạm Quốc Thuần 19/06/1965

14. Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu 15/08/1969

15. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng 14/06/1971

16. Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch 04/09/1972

17. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ 07/11/1973

SOURCE:

https://nhayduwdc.org/st/hhqlvnch/hhbb/05/ndwdc_st_hhqlvnch_hhsdbb_05_2013AUG04.htm?fbclid=IwAR34JHE8Aa9jBqMVit6kGxeRzL-eE19dEyjC6xEggprf4qth0DXFdwpNGz8#TS

.

No comments:

Post a Comment