Saturday, November 28, 2020

Tóm Lược Tiểu Sử và Thành Tích của SƯ ĐOÀN NHẢY DÙ - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

 


Các đơn vị Nhảy Dù Việt Nam đầu tiên được thành lập như sau:

Giai Đoạn I (Với các cấp Chỉ Huy người Pháp)

Tiểu Đoàn 1 Nhảy dù được thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1951 tại Chí Hoà Saigon.

Tiểu Đoàn 4 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1952 tại Đà Nẵng.

Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1952 tại Trường Bưởi,Hà Nội.

Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1953 tại Trường Bưởi Hà Nội .

Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1953 tại Hà Đông , Hà Nội.

Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1954 tại Chí Hòa,Saigon.

Trong thời gian này các cấp chỉ huy vẫn là người Pháp đảm nhiệm.



Giai Đoạn II (Do Các cấp Chỉ Huy Người Việt Nam)

Binh Chủng Nhảy Dù Việt Nam chính thức được thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1954 tại Nha Trang với cấp Liên Đoàn Nhảy Dù (Groupement Aéroportés Vietnamien,G.A.P.VN) do Thiếu Tá ĐỖ CAO TRÍ chỉ huy.

Đại Đội Quân Y Nhảy Dù được thành lập năm 1957.

Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1958 tại Tân Sơn Nhứt, Gia Định.



Giai Đoạn III (Cấp Lữ Đoàn)

Ngày 26 tháng 10 năm 1959, Liên Đoàn Nhảy Dù được nâng lên thành Lữ Đoàn Nhảy Dù Việt Nam.

Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù được tái thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1961.

Chiến Đoàn 1 & 2 được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1962

Tiểu Đoàn 2 được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1965.

Tiểu đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1965.




Giai Đoạn IV (Cấp Sư Đoàn)

Lữ Đoàn Nhảy Dù được nâng lên thành SƯ ĐOÀN NHẢY DÙ VIỆT NAM ngày 31 tháng 12 năm 1965

Đại Đội 1 Trinh Sát Nhảy Dù đươc thành lập ngày 31 tháng 12 năm 1965.

Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù được thành lập năm 1966 cùng lúc với Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù.

Tiểu Đoàn Quân Y và Bệnh Xá Đổ Vinh được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1966.

Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 6 năm 1968

3 Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn được nâng lên thành 3 Lữ Đoàn Nhảy Dù và 3 Đại Đội Công Vụ,đồng thời Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù và Tiểu Đoàn Công Binh Nhảy Dù cũng được thành lập cùng lúc.

Tiểu Đoàn Yểm Trợ được thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1968.

Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù được thành lập năm 1969 cùng lúc với Đại Đội 3 Trinh Sát Nhảy Dù.

Tiểu Đoàn Truyền Tin Nhảy Dù được thành Lập năm 1970 cùng lúc với Biệt Đội Tác Chiến Điện Tử.

Ngày 1 tháng 1 năm 1975, Lữ Đoàn 4 & Lữ Đoàn 5 Nhảy Dù được thành lập với các tiểu Đoàn:

Lữ Đoàn 4 : gồm Tiểu Đoàn 12, 14 và 15.

Lữ Đoàn 5: gồm Tiểu Đoàn 16, 17 và 18.

Cùng Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh Nhảy Dù và Đại Đội 4 Trinh Sát Nhảy Dù.

 

SƯ ĐOÀN NHẢY DÙ ĐƯỢC CHỈ HUY BỞI CÁC VỊ TƯ LỆNH

Đại Tá ĐỖ  CAO TRÍ – 01-09-1954 -- 1956

Đại Tá NGUYỄN CHÁNH THI – 01-09-1956 -- 1960

Thiếu Tướng CAO VĂN VIÊN – 12-11-1960 -- 1964

Trung Tướng DƯ QUỐC ĐỐNG – 19-12-1964 -- 1972

Chuẩn Tướng LÊ QUANG LƯỠNG – 01-11-1972 -- 30-04-1975.

Tóm Lược Tiểu Sử & THÀNH TÍCH của SƯ ĐOÀN NHẢY DÙ

(Trích trong Tiểu Sử 19 năm Sư Đoàn Nhẩy Dù xuất bản năm 1974)

Thành lập ngày 1-5-1955 với 4 Tiểu Đoàn tác chiến 1, 3, 5, 6 Nhẩy Dù và Tiểu Đoàn Trợ chiến gồm 4 Đại Đội Chỉ huy, Công vụ, Kỹ thuật, Súng cối, Công binh, và Phân Đội Truyền Tin, sau 4 năm hành quân công tác, Liên Đoàn Nhẩy Dù được cải danh Lữ Đoàn Nhẩy Dù kể từ 1-12-1959.

Để có khả năng đáp ứng theo nhu cầu đòi hỏi của chiến trường, cũng như tương xứng với lực lượng Tổng trừ bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Các đơn vị được tuần tự thành lập tổ chức:

Giải tán Tiểu Đoàn Trợ Chiến, các Đại Đội trực thuộc Tiểu Đoàn này trở thành Đại Đội Biệt Lập, Phân Đội Truyền Tin thành Đại Đội, và thành lập thêm Đại Đội Quân Y.

Cũng trong năm 1959 Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù và Bộ Chỉ Huy căn cứ Hoàng Hoa Thám, Tổng Hành Dinh của Sư Đoàn Nhẩy Dù hiện nay được thành lập, cuối năm 1961 tái lập Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù.

Tình hình chiến sự mỗi ngày thêm khẩn trương, các Tiểu Đoàn Nhẩy Dù thường xuyên tăng phái dài hạn cho các vùng, Khu chiến thuật. do đó 2 bộ chỉ huy Chiến Đoàn 1 và 2 Nhẩy Dù được thành lập ngày 15-1-1961 để trực tiếp chỉ huy các Tiểu Đoàn trong nhiệm vụ chiến thuật.

Theo đà tiến triển của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, các Tiểu Đoàn Nhẩy Dù ngoài nhiệm vụ chiến đấu còn cố gắng kiện toàn nhân sự, nghiên cứu tổ chức nội bộ cho phù hợp với sự lớn mạnh không ngừng của Quân Đội. Bởi thế, cuối năm 1965 Bộ Tổng Tham Mưu đã chấp nhận đề nghị của Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù cho thành lập thêm Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 9, Tiểu Đoàn Pháo Binh và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 3 Nhẩy Dù.

Với 8 Tiểu Đoàn tác chiến, 3 Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, 1 Bộ Chỉ Huy Tổng Hành Dinh, 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh, 6 Đại Đội Yểm trợ hành quân tiếp vận và 2 Trung Tâm Huấn Luyện, Lữ Đoàn Nhẩy Dù thành Sư Đoàn Nhẩy Dù kể từ ngày 01-12-1965.

Từ ngày thành lập Sư Đoàn đến nay. Trong khoảng thời gian này chiến trường trở nên sôi động ác liệt. Luôn luôn chiến đấu hăng say diệt địch là nhiệm vụ thông thường của người Chiến Binh Mũ Đỏ. Song song với nhiệm vụ chiến đấu ngoài mặt trận, Sư Đoàn Nhẩy Dù còn cải tiến không ngừng trong công tác xây dựng đơn vị.

Tinh thần cầu tiến, ý chí đua tranh là động lực chính trong công tác hằng ngày, các đơn vị lại được tiếp tục thành lập để tổ chức của Sư Đoàn ngày thêm vững chắc.

Ngày 1-12-1967 Tiểu Đoàn 11 Nhẩy Dù ra đời

Ngày 1-5-1968 Chiến Đoàn 1,2,3 Nhẩy Dù cải danh thành Lữ Đoàn, Mỗi Lữ Đoàn có 3 Tiểu Đoàn trực thuộc

1-6-1968 Tiểu Đoàn Quân Y

1-7-1968 Tiểu Đoàn Yểm Trợ

1-1-1969 Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh

1-8-1970 Đại Đội Truyền Tin biến cải thành Tiểu Đoàn

12-8-1970 tiếp nhận Đại Đội 5 và 6 Biệt Cách sát nhập Sư Đoàn, cải danh Đại Đội 2 và 3 Trinh Sát Nhẩy Dù

Cho đến nay Sư Đoàn đã có 3 Lữ Đoàn Nhẩy Dù gồm 9 Tiểu Đoàn tác chiến, Bộ Chỉ Huy Tổng Hành Dinh, Bộ Chỉ Huy Pháo Binh với 3 Tiểu Đoàn trực thuộc, Tiểu Đoàn Quân Y, Tiểu Đoàn Yểm Trợ, Tiểu Đoàn Truyền Tin, Tiểu Đoàn Công Binh, Tiểu Đoàn Khoá sinh Vương Mộng Hồng, 3 Đại Đội Trinh Sát, Đại Đội Tổng Hành Dinh, Đại Đội 204 Quân Cảnh, Trung Tâm Huấn Luyện Nhẩy Dù, Khối Bổ Sung, Bệnh viện Đỗ Vinh để điều trị thương bệnh binh Nhẩy Dù, đó là kết quả tổ chức của Sư Đoàn Nhẩy Dù cho đến 1974.

Trên phương diện hành quân, kể từ ngày thành lập, các đơn vị Sư Đoàn Nhẩy Dù đã tham dự hơn 30,000 cuộc hành quân lớn nhỏ: Nhẩy dù, trực thăng vận, hành quân bộ v.v.

Gót chân người Chiến Sĩ Nhẩy Dù đã dẫm nát các căn cứ hậu cần, các mật khu trên lãnh thổ 4 Quân khu. Sức mạnh của các Chiến Sĩ Nhẩy Dù đã tiêu diệt hàng trăm đơn vị chính quy Cộng Sản Bắc Việt, và địa phương.

Tổng số địch bị hạ, bị bắt, và ra quy chánh lên đến hơn 50,000 tên, trong số này có nhiều cán bộ quân sự và chính trị cao cấp như Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Tỉnh ủy, Huyện ủy, Ủy viên Kinh tài và hơn 50,000 vũ khí cộng đồng và cá nhân quân ta tịch thu, cùng với hàng trăm tấn quân trang quân dụng đạn dược, đây là chưa kể hàng trăm ngàn doanh trại, cơ sở, hầm hố, địa đạo của giặc Cộng bị các Chiến Sĩ Nhẩy Dù phá hủy.

Trại Hoàng Hoa Thám SĐ Nhảy Dù - Một Thời Để Nhớ

Mỗi độ tháng Năm về, lòng bồi hồi nhớ lại Mùa Hoa Phượng, màu hoa tươi thắm, đỏ tươi như màu Nón Đỏ mà Bố tôi và tôi đã từng đội, màu nón ấy gợi nhớ cho tôi biết bao là kỷ niệm, và dù có đi đâu, ở đâu hay bất chợt gặp những cây Phượng ở nơi nào đó, tôi vẫn không bao giờ quên được những hàng cây Phượng trong Trại Hoàng Hoa Thám. Những ai đã từng ở Sài Gòn cho đến tháng 04 năm 1975, chắc hẳn còn nhớ trên con đường LÊ VĂN DUYỆT, hướng từ Sài Gòn về Bà Quẹo, cách Ngã Tư Bảy Hiền khoảng non một cây số, về bên tay phải là Trại Hoàng Hoa Thám, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, trong đó có Trại Gia Binh Hoàng Hoa Thám, nơi trú ngụ của vợ con và thân nhân các Chiến Binh Nhảy Dù.

 Bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù

Nơi đó, với tôi có thật nhiều kỷ niệm, kéo dài từ tuổi thơ cho đến ngày tôi trưởng thành và trở thành người lính Nhảy Dù. Tôi chỉ còn nhớ lờ mờ khi gia đình tôi theo sự di chuyển của Bố tôi từ Biên Hòa(TĐ7ND) về Trại Gia Binh, lúc đó Cổng “C” còn nằm tận bên trong, hai bên đường vào Cổng “C” dành cho Gia Đình Binh Sĩ ra vào vẫn còn là những bãi đất trống. Tuổi thơ của tôi và các bạn cùng trang lứa là những ngày bắt dế, thả diều, bắn bi, chơi cù, chọi đáo, đào chì (*), tắm Quân xa (**)... thậm chí chơi đánh trận giả đều nằm trong vòng dây kẽm gai của Căn Cứ Hoàng Hoa Thám.

Tôi học lớp Nhì(lớp 4) thầy giáo Hòe, lớp Nhất (lớp 5) thầy giáo Pháp và thi đậu vào Trường Công Lập Hồ Ngọc Cẩn năm 1966. Tôi còn nhớ cùng lớp có Hiệu, Hành (con ông Cúc); Lụa(con ông Tư); Chung(con ông Nhuần); Kim(con ông Thuận); Phụng, Lan(con ông Tán); Mỹ Hoa, Minh ”lừa"(con ông Hạnh); Thập, Dũng ”C”, Sáng ”sịt”, Lâm Bền, Khánh, Loan, Tấn, v.v..

Trong Trại Gia Binh có mái trường Thống Nhất do Cha Vũ Ngọc Đáng làm Hiệu Trưởng, nhờ Ngài mà tất cả con em của lính đều được đi học. Nếu đi học Tiểu học Ngài không lấy tiền học phí, học Trung Học Đệ nhất Cấp học phí chỉ đóng một nửa, rồi kế tiếp Ngài mở rộng lên đến Trung Học Đệ Nhị Cấp, thì Ngày Đen Tối ấy sập đến và ngôi trường Thống Nhất của Cha cũng bị xóa sổ, Ngài cũng bị đi tù vì cấp bậc của Ngài lúc ấy là Trung tá, sau đó Ngài đi HO qua Mỹ, tuy bên đó nhưng Ngài vẫn luôn nhớ đến các học sinh bé nhỏ ngày nào, nên vì thế hằng năm Trường Thống Nhất (SĐND) tổ chức họp mặt vào Ngày Thánh Micae(29-9)do Ngài yểm trợ và giúp đỡ. Con viết những dòng chữ này như một nén nhang kính cẩn dâng lên Cha và xin thay mặt toàn thể Cựu Học sinh Thống Nhất muôn đời tri ân Cha đã khai sáng, giúp đỡ cho chúng con có được con chữ để bước vào đời.

Ngài qua Mỹ định cư và ở cùng nhà với anh Ruân(Cựu ĐĐT 92/TĐ9ND) cho đến ngày Ngài qua đời(21-12-2007). Xin thay mặt toàn thể Cựu Học Sinh Thống Nhất, chân thành cám ơn anh Ruân cùng Gia Đình đã chia ngọt, xẻ bùi với Cha trong những tháng ngày qua.

Trại Hoàng Hoa Thám từ cấp Lữ Đoàn lên cấp Sư Đoàn nên vì thế phải mở rộng doanh trại, gia đình tôi cũng vì thế di chuyển dọn nhà trong Trại Gia Binh tất cả là 4 lần và lần thứ 5 là vĩnh viễn mất tên trại Hoàng Hoa Thám, gia đình tôi “Được” đi vùng Kinh Tế Mới đợt đầu và Trại Gia Binh Hoàng Hoa Thám ấy mãi mãi là ký ức dù rằng nó vẫn đang hiện hữu... sau đó, nơi ấy được phép đi vào vì đã trở thành khu dân cư, mỗi lần có dịp đi qua lòng bàng hoàng nhớ lại cảnh cũ người xưa, mỗi người mỗi ngả, kẻ ly hương người ở lại... ngậm ngùi, chua xót, có chút gì cay cay trên đôi mắt, nhớ những hàng cây Điệp Tây kéo dài từ Cổng A đến Khối Bổ Sung thỉnh thoảng chen lẫn vài cây Phượng nở rộ vào mùa hè, màu Hoa Phượng đỏ tươi như những chiếc Nón Đỏ, màu nón của Binh chủng Nhảy Dù mà tôi đã chọn để tiếp nối bước chân Bố tôi là người lính Nhảy Dù. Những trưa hè, đi dưới hai hàng cây, lác đác vài cây Phượng trổ hoa, tiếng ve sầu kêu inh ỏi, khung cảnh thật yên bình, người Chiến Binh còn nhớ đến mùa hè năm nao? Ít nhiều trong chúng ta, ai cũng có một mùa hè cho riêng mình và... giá như... nhớ... nhớ... nhớ lắm Hoàng Hoa ơi!!!

Vì nhà trong Trại Gia Binh nên những ký ức về chiến tranh luôn hiện hữu, nhớ Tết Mậu Thân, bác Thạch Phòng 2/Bộ Tư Lệnh ở đầu nhà đã hy sinh tại Ngã tư Bảy Hiền, tiếng khóc của vợ Bác Thạch và ánh mắt ngơ ngác của những đứa con Bác mãi mãi không bao giờ quên, tôi cũng theo chân gia đình bác lên Nghĩa Trang Gò Vấp để đưa tiễn Bác Thạch. Sau này, Quỳnh con trai bác cũng đi lính Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 14 Nhảy Dù, Hồng, chị Quỳnh lấy chồng là Anh Minh Đại Đội 3 Trinh Sát Nhảy Dù, lứa chúng tôi, khi lớn lên phần đông đều chọn màu Nón Đỏ và các bạn tôi cũng đã hy sinh cho Tổ Quốc như Hưng, Thắng (Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù), Hòa (Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù), Toàn(Đại Đội 2 Công Binh Nhảy Dù), Khánh đi Hạ Sĩ Quan và Tử trận, Sơn(con ông Tuệ) đi Hạ Sĩ Quan và cũng Tử trận... lâu quá không còn nhớ được nhiều, nếu các bạn nào đã từng sống trong Trại Gia Binh còn nhớ ai xin tiếp tục ghi vào.

Còn nhớ khoảng thời gian khốc liệt của cuộc chiến như: cuộc hành quân Hạ Lào 71, An Lộc 72, tôi, mẹ tôi, và những người vợ lính trong Trại Gia Binh khắc khoải chờ tin Chồng, Con... từ chiến trường qua những người lính bị thương trở về. Lúc mùa Hè Đỏ Lửa nơi Sân Banh, kế bên là Bệnh Viện Đỗ Vinh vào khoảng chiều tối những chiếc trực thăng tản thương những người lính từ chiến trường An Lộc về, tôi, mẹ tôi, và những người vợ lính trong Trại Gia Binh cũng ùa lên đón thương binh và hỏi thăm tin tức người thân qua những người lính bị thương, di tản bằng trực thăng từ chiến trường về Bệnh Viện Đỗ Vinh(lúc đó Bố tôi ở Đại Đôi 81/Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù đang tham chiến tại Mặt Trận AN LỘC)... và như thế... những vành khăn tang vội vã, tiếng khóc của những người vợ, ánh mắt buồn nhớ của những người con, Nhảy Dù oai hùng lắm, thương vong cũng nhiều lắm.... Nếu ai đã từng sống trong Trại Gia Binh mới hiểu thấu những chịu đựng, mong chờ của người vợ lính. Tôi còn nhớ, khi Bố tôi đi hành quân, hàng tháng Mẹ tôi thường lên Hậu Cứ gởi Cafe, thuốc lá, loại mà Bố tôi thích, kèm theo 2 lon guigoz mắm ruốc xào với thịt ba chỉ hoặc những gì cần thiết do Bố tôi gởi thư về yêu cầu khi Mẹ tôi lên nhận lương từ ông Kế Toán Trưởng Đại đội. Sau này Mẹ tôi cũng vẫn làm như thế khi tôi trở thành người lính Nhảy Dù và cũng đi hành quân, xin cám ơn Mẹ đã luôn chu đáo cho Bố và con, và tôi càng thấm thía nỗi mong chờ của người vợ, người Mẹ có chồng, con là lính Nhảy Dù. Xin vinh danh những người Mẹ, Vợ, Chị có Chồng, Con, Em là Lính Nhảy Dù đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua, những mất mát đó không gì có thể bù đắp được và những chịu đựng ấy thật to lớn. Xin Kính Phục tấm lòng chịu đựng của Quý Mẹ, Vợ, và Các Chị. Xin Kính Cẩn thắp nén nhang lòng dâng lên tất cả các Chiến Sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc.... Luôn nhớ và Tri Ân các Chiến Sĩ đã bỏ lại một phần thân thể cho Quê Hương.

Trại Hoàng Hoa Thám với những hàng cây Điệp chạy dài từ Cổng “A”, đi thẳng khoảng vài trăm mét, bên phải sẽ gặp Trại Trần Quý Mai, Hậu Cứ Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, xích lên chút nữa, bên trái là Ngôi Thánh Đường(nhà thờ của Sư Đoàn Nhảy Dù) và mái trường Thống Nhất thân yêu, đi thẳng, bên trái là Phòng Sĩ Quan Trực Sư Đoàn, kế bên là nơi trưng bày những chiến lợi phẩm như: Thượng Liên 12.7 ly, Đại pháo 130 ly, xe tăng T54, và các súng Cộng Đồng khác cùng những hình ảnh về Đoàn Quân Mũ Đỏ đã tịch thu qua các cuộc hành quân, bên tay phải là Sân Cờ Bộ Tư Lệnh, rẽ trái là nơi làm việc của các Phòng 1, 2, 3, 4, và Phòng Tâm lý Chiến thuộc Bộ Tư Lệnh, rẽ trái lần nữa sẽ gặp Bệnh Viện Đỗ Vinh, Sân Đá Banh, đi thẳng nữa sẽ gặp Đại Đội 1 Quân Y, Tiểu Đoàn Truyền Tin, Phòng Huấn luyện Tae-kwon-Do, Ban Quân Nhạc, Nhà bếp Sư Đoàn, đằng sau là Phòng Khánh Tiết với những hàng cây Điệp thỉnh thoảng xen vào Cây Phượng Vĩ nở rộ vào mùa Hè kéo dài theo ký ức tuổi thơ của tôi, những ngày cùng các bạn đá banh, bắn chim, tắm Quân Xa(**), đào chì(*) trên sân bắn, lấy chì đổ chàm để chơi đánh đáo... nhớ lắm các bạn Trại Gia Binh ơi.... Trong Trại Hoàng Hoa còn có Trung tâm Huấn Luyện Nhảy Dù, có đài 11mét (thường gọi là Chuồng Cu), khi còn nhỏ, thường theo các bạn đi coi các Chú, các Anh học Nhảy Dù, thỉnh thoảng có Lực Lượng Mỹ đến nhảy Chuồng Cu, các bạn và tôi cũng Ô-Kê Salem với Lính Mỹ, chia nhau những hộp đồ hộp, những thanh kẹo Lính Mỹ cho..., nhớ lại thấy tếu, tuổi thơ của bọn mình sống trong Trại Gia Binh là như thế đấy, xin đừng cười.

Cuối con đường kéo dài từ Cổng “A” quẹo phải, đi qua hậu cứ TĐ8ND (đối diện là Câu Lạc Bộ Hoa Dù) là Khối Bổ Sung/SĐND(đối diện là Trại DAVID-UBLHQS [Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự] Bốn Bên). Nơi đây những người lính Nhảy Dù được bổ sung về các Đơn Vị sau khi học dù xong. Đã là lính Nhảy Dù ít nhiều cũng một lần ghé chân Trại Hoàng Hoa Thám như học dù, bị thương điều trị tại Bệnh Viện Đỗ Vinh, hoặc những đơn vị đồn trú trong Căn Cứ Hoàng Hoa Thám như Bộ Tư Lệnh, Quân Y, Truyền Tin, Pháo Binh, Tiểu Đoàn Yểm Trợ, TĐ8ND, TĐ9ND, TĐ2ND, ĐĐ1TS [Trinh Sát], ĐĐ3TS... và các lý do khác để một lần đặt chân đến Trại Hoàng Hoa Thám.... Nhưng mọi việc không xảy ra như thế và có những trường hợp người lính Nhảy Dù chỉ đúng một lần ghé qua Khối Bổ Sung và vĩnh viễn không còn cơ hội để nhận rõ Trại Hoàng Hoa của mình như trường hợp mà tôi được biết, qua lời kể của Cựu Th/úy Dũng 93(khóa 4/71) mãn khóa ngày thứ Bảy và 118 Tân Sĩ Quan, về trình diện Sư Đoàn Nhảy Dù tại Khối Bổ Sung rồi lên đường ra mặt trận vào sáng ngày Chủ Nhật hôm sau, trưa Chủ Nhật đã có mặt tại chiến trường, và đã có những người bạn của anh, các Tân Sĩ Quan về Nhảy Dù, chưa được đi phép, chưa được học Dù... đã hy sinh..., [họ] cũng chưa biết rõ Hậu cứ của đơn vị mình, vì thế những người Lính không biết Hậu Cứ của mình và cũng chưa biết rõ về Trại Hoàng Hoa đã ra đi vĩnh viễn.... Đó là sự khốc liệt của cuộc chiến mà người Lính phải chịu đựng.

Trong Trại Hoàng Hoa Thám có hai dãy nhà bán Cafe, quán cơm, ngôi chợ cho Vợ con Lính thường gọi là Chợ Sư Đoàn, nơi phục vụ cho các chiến binh khi bị Cắm trại, nơi lui tới của bạn bè trong Trại, cũng có quán nhậu lai rai, có bàn bi-da, cafe nhạc, điểm tâm, quán cơm... nơi này tôi cũng có dịp quen biết các anh, sau này nghe tin có anh đã hy sinh, có anh trở thành Thương Phế Binh... tôi còn gặp được TS1 [Trung sĩ] Kiệt 83 (hiện ở HOUSTON, TEXAS), anh Phương Kế Toán Trưởng 92, anh Cúc 204 QC [Quân Cảnh]... và cũng chính nơi này, những mối tình của các chàng Chiến Binh với các nàng thiếu nữ (con của Lính Nhảy Dù) đã nên duyên chồng vợ, và cũng có những mối tình không đoạn kết vì Chàng Chiến Binh đã đi mãi không về, Chàng đã hy sinh vì Quê Mẹ... và nước mắt khóc thầm của những nàng thiếu nữ cho những mối tình buồn trong cuộc chiến.... Thỉnh thoảng Phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn tổ chức chiếu phim vào chiều tối cho vợ con Gia Đình Binh Sĩ xem như các bộ phim mà tôi và các bạn thường được xem “Ánh Sáng Miền Nam”, “Chúng Tôi Muốn Sống”, “Bốn Ngày Phép”, v.v. mỗi lần có chiếu phim là cơ hội gặp gỡ của đám nhóc tụi tôi, để tụ tập chọc phá mọi người....

Xin Quý Vị dừng lại, ghé vào một quán Cafe ở Chợ Sư Đoàn, uống một ly cafe, hút một điếu thuốc CAPSTAN, nghe một vài bản nhạc để sống lại quãng thời gian năm ấy.... Bản nhạc “Anh không chết đâu Anh” về người Sĩ Quan Pháo Binh Nhảy Dù, Đại úy Đương đã hy sinh tại Ngọn Đồi 31 trong cuộc hành quân HẠ LÀO, kiêu hùng lắm! Riêng bản nhạc “Người ở lại CHARLIE” nói về sự hy sinh của Cố Đại Tá [Nguyễn Đình] Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù tại Căn Cứ CHARLIE, trong đó có Người Tài Xế kiêm Cận Vệ là Chú Thạch Phi, cấp bậc Trung Sĩ, khi nghe bản nhạc này lòng chợt buồn, có gì nghèn nghẹn... vì nhà chú Phi ở cùng dãy nhà với tôi trong Trại Gia Binh, thỉnh thoảng Chú lái xe JEEP đi công tác và ghé thăm nhà, Chú thường chở 2 thằng con trai của Chú, Cà Ri Lớn, Cà Ri Nhỏ, và tôi trên chiếc xe JEEP lạng một vòng Sư Đoàn cho thỏa chí, đôi lúc Chú cũng kể chuyện hành quân cho tôi nghe, Chú rất hiền và thương vợ con. Ngày nhận tin Chú tử trận, vợ Chú xỉu lên, xỉu xuống vì một nách 4 đứa con, tôi thấy đôi mắt của 2 thằng Cà Ri đượm vẻ buồn buồn... rồi thời gian trôi qua, tôi cũng là người Lính Nhảy Dù và từ ấy tôi cũng mất liên lạc với gia đình Chú. Sau cái ngày Vỡ Tổ, không biết gia đình Chú và 2 thằng Cà Ri về đâu? Bỗng nhiên tình cờ tôi liên lạc được với Hùng (con ông Đoàn, Bộ Chỉ Huy Pháo Binh) nhà ở gần tôi và nhà Cà Ri Lớn, hiện ở Mỹ, Chicago, Illinois cho tôi biết vào đầu tháng 4/75 có gặp thằng Cà Ri Lớn, đi lính Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 14, cùng Đại Đội 143 với Hùng, tên nó là Thạch Hùng và như thế nó cũng tiếp nối bước chân của Chú Phi, Bố nó, là đi lính Nhảy Dù, cho mãi đến bây giờ tôi mới biết được tên trong khai sanh của thằng Cà Ri Lớn là Thạch Hùng, mọi tin tức về nó và gia đình cũng chỉ có thế, cầu xin anh linh của Chú Phi luôn phù hộ cho vợ Chú và gia đình.

Sau khi uống Cafe xong, lòng bồi hồi nhớ lại cảnh cũ người xưa... một chút hoài niệm về quá khứ, về đời Quân Ngũ.... Xin mời Quý Vị vui lòng trở lại Cổng ”A” để tiếp nối chuyến đi thăm Trại Hoàng Hoa Thám.

Từ Cổng ”A” đi thẳng khoảng vài trăm mét, bên phải là Trại Trần Quý Mại, hậu cứ của Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, có đường đi qua Cổng Phi Long của Không Quân, cổng này các Lính Nhà Ta thường “chuồn” khi có lệnh Cắm Trại 100%, mời rẽ trái khoảng vài chục mét sẽ gặp Quầy hàng của Quân Tiếp Vụ bên trái, Bảo Sanh Viện, Chuẩn Y Viện dành cho Gia Đình Binh Sĩ, đối diện là Gia Binh của Công Binh, qua Cổng ”C” cũ, bên phải có một Lô Cốt là Gia Binh của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, thẳng lên bên trái sẽ gặp Chùa Hưng Pháp, đối diện là Gia Binh của Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, tiếp tục sẽ gặp Hậu Cứ của Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù, Trại Thạch Văn Thinh đối diện là Trại Trần Thanh Phương Hậu cứ của Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, kế bên cuối con đường là Hậu Cứ của Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù. Bên hông Hậu Cứ Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù có một con đường đất đỏ, bên phải là Trại Gia Binh, nếu đi thẳng sẽ gặp Hậu Cứ của Tiểu Đoàn Yểm Trợ, đi tiếp sẽ gặp lại nhà bếp Sư Đoàn, đối diện là Sân Bắn thẳng nửa là Đại Đội Quân Xa(có cái Hồ Nước mà bọn tôi thường tắm) cũng con đường này, khi đi hết vòng rào của Hậu Cứ Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, quẹo trái, thẳng lên là Hậu Cứ của Đại Đội 3 Trinh Sát Nhảy Dù, ngó qua là Đài 7, Sân Bắn, qua khỏi Ụ Đất sân bắn là Kho Đạn của Sư Đoàn và Đài 8 (vọng gác vành đai của Sư Đoàn và Bảo Vệ kho đạn).

Như vậy Quý Vị đã đi thăm một vòng Trại Hoàng Hoa Thám, vừa rồi Quý Vị đi thẳng từ Cổng”A” qua Sân Cờ quẹo trái, lần này đi lên chút nữa gặp Bồn Nước cao, rẽ trái sẽ gặp Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn, Đại Đội Kỹ Thuật bên phải, bên trái là Văn Phòng Chỉ Huy Căn Cứ Hoàng Hoa Thám, sau lưng Văn Phòng là Đại Đội 204 Quân Cảnh Nhảy Dù, từ Văn Phòng Chỉ Huy đi thẳng, bên trái là Bệnh Viện Đỗ Vinh mở rộng, có môt căn phòng dùng để Khám Sức Khỏe Học Dù, ngó qua là Sân Banh, nếu ai đã từng học dù còn nhớ, một lần khám là 10 người, bận Xà Lỏn, chạy từ Sân Banh, nơi để quần áo qua căn phòng khám sức khỏe học dù, sau khi đã sexy 100% trong phòng để Bác Sĩ khám. Đi qua Sân Banh, bên phải là Đại Đội Tổng Hành Dinh, đối diên là Hậu Cứ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, đi thẳng sẽ gặp Kho Quân Nhu, bên phải, đối diện là Phòng Khánh Tiết Sư Đoàn, đi thẳng thêm chút nữa sẽ có một ngã tư, bên phải là Đại Đội Quân Xa, bên trái là nhà bếp Sư Đoàn, đi thẳng tiếp là Kho Đạn, Vọng Gác Đài 8... như thế là giáp một vòng Trại Hoàng Hoa.

Con đường từ Cổng “A” đi vào gặp Trại Trần Quý Mại rẽ trái, cuối con đường này là Hậu Cứ của Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù, con đường này tuy không đẹp vì không có những hàng cây Điệp thỉnh thoảng chen lẫn vài Cây Phượng như con đường trong Bộ Tư Lệnh vì mới mở rộng thêm sau này, nhưng con đường này, tôi và các bạn thường đi để ra ngoài như xem Cine, coi đá banh tại sân Cộng Hòa, đi tắm hồ tắm Chi Lăng bên Gia Định hoặc đi ra ngoài Trại Gia Binh mỗi khi có việc.

Kính thưa Quý Vị, với những ký ức này chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, vì thời gian cũng tương đối dài hơn 36 năm, trí nhớ phần nào bị mai một nhưng cũng hy vọng gợi nhớ lại phần nào với những ai đã từng sống hoặc một lần nào đó ghé chân qua Trại Hoàng Hoa....

Trại Hoàng Hoa Thám Sư Đoàn Nhảy Dù, đoàn quân đã làm quân thù khiếp sợ, chiến đấu vì an nguy của Tổ Quốc, đã bao chiến sĩ ngã xuống cho Quê Hương, cho màu cờ, sắc áo của Binh chủng và cuối cùng Đoàn Quân ấy cũng phải tan rã theo sự bội vong??? Phải chăng lịch sử đã lập lại, ngày xưa Cụ Đề Thám đã làm giặc Pháp kinh hoàng, ăn không ngon, ngủ không yên bởi các Nghĩa Binh của Cụ, Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là Con Hùm Yên Thế... rốt cuộc Cụ cũng bị phản bội và bị giết chết. Ngày nay các Chiến Binh Hoàng Hoa Thám dù chiến đấu kiên cường nhưng cũng bị bội phản, và những cánh chim Dù bay muôn hướng, kẻ ở lại vướng vòng lao lý, bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc, người người mưu sinh vất vả.... Trại Hoàng Hoa kể từ ngày ấy không còn nữa nhưng những hàng cây ít nhiều cũng còn hiện hữu, nhắc tôi rằng đã một thời đã cưu mang tôi và bao gia đình, những người đã từng trú ngụ nơi đây, những Chiến Binh của một thời lửa đạn, đã từng ghé qua đây, Trại Hoàng Hoa Thám.

Nếu ai đã từng là Lính Nhảy Dù, ít nhiều cũng có kỷ niệm về Trại Hoàng Hoa.... Với tôi là những hoài niệm không bao giờ quên, thời gian hơn 1/3 thế kỷ trôi qua, trí nhớ phần nào bị bào mòn, lời văn không suông sẻ nhưng những gì ghi lại ở đây là tấm chân tình từ đáy lòng của người con đã sống và trưởng thành từ nơi đây, Trại HOÀNG HOA THÁM.

Kính gởi đến tất cả những ai và các bạn đã từng sống ở Trại Hoàng Hoa Thám hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù qua bao thăng trầm sóng gió của cuộc bể dâu....

Sài Gòn, cuối tháng Năm, mùa Hoa Phượng 2011

Người con Trại Gia Binh Hoàng Hoa Thám

MĐ 90

Chú Thích:

(*) Đào chì: trong Trại Hoàng Hoa Thám, đối diện với nhà bếp Sư Đoàn có một Sân Bắn, dùng để huấn luyện cho các Tiểu Đoàn về tập bắn, dài khoảng 250 mét, có ụ đất cao khoảng chục mét để dựng bia tập bắn, 8 thế bắn di chuyển từ 200 mét... sau khi bắn xong, những đầu đạn bằng chì bên ngoài bằng đồng ghim vào ụ đất, bọn tôi thường canh vào buổi trưa (lúc này không có mấy Chú An Ninh trong Trại đuổi) khi những người lính bắn tập xong, a... a... lê... nhào lên đào chì anh em ơi... ơi! Tay cầm lon sữa bò, tay kia cầm theo vật nhọn như con dao dài khoảng 20cm, đào vào ụ đất để kiếm những đầu đạn ghim vào, sau đó để đầu đạn vào lon sữa bò, nấu lên lấy chì, vỏ đồng bên ngoài, cân ký, bán ve chai, còn chì sau khi nấu đổ vào đít chén để làm chàm chọi đáo, nếu nhiều thì bán ve chai lấy tiền đi xem Cine, đi coi đá banh, đi tắm hồ tắm Chi Lăng..., nếu không có tiền thì đi tắm Quân Xa.

(**) Tắm Quân Xa: Kế bên nhà bếp Sư Đoàn là Đại Đội Quân Xa có một cái hồ dùng để rửa xe, [bề] ngang khoảng 2.5 mét, dài khoảng 3 mét, sâu khoảng 1.4 mét. Những trưa hè (lại buổi trưa vì buổi trưa các chú lính ăn cơm, nghỉ trưa) bọn tôi thường kêu nhau bằng ám hiệu: túc... túc a. a. là Tắm Quân Xa, lập tức có 3, 4 thằng hưởng ứng, theo nhau đến hồ Quân Xa. Khi tắm vì sợ ướt quần áo (khi về nhà sẽ bị ăn đòn) nên bọn tôi thường sexy 100% để tắm, mãi mê với kiểu bơi chó, bơi sải, thi nhau coi ai lặn lâu hơn.... Thình lình có chú lính hét lên ”bắt mấy thằng Quỷ con ưa phá này”... hoảng hồn bọn tôi nhào lên hồ, bỏ chạy quên cả lấy quần áo... thế là cả bọn long nhong không quần áo... về cũng không được, mà núp mãi cũng không xong... bàn tính một hồi, cả bọn cử tôi vào xin lỗi để xin lại quần áo, tôi không chịu mà bắt cả bọn phải theo tôi, không còn cách nào hơn, cả bọn theo tôi đi vào xin lại quần áo, tôi đi trước, hai tay bụm cái “của nợ”, cả bọn theo sau (4 thằng) tư thế giống tôi vào xin lỗi và lấy lại quần áo. Khi gặp chú lính cả bọn tôi mếu máo xin lỗi chú, chú lính nói: ”tụi mày vô đây tắm, lỡ xảy ra chuyện gì ai chịu trách nhiệm? Hơn nữa Sếp của tao la tao vì không trông nom cẩn thận để tụi mày vào đây tắm, nhớ chưa?” Cả bọn tôi dạ... dạ... lia lịa và hứa không tái phạm. Nhưng được khoảng một tuần lại nghe ám hiệu “túc, túc a.. a”, thế là lại lên đường, Hồ Quân Xa trực chỉ, lần này cử một em giữ quần áo, canh gác cho bọn tôi tắm nếu có chuyện gì, chạy được mà không sợ bị mất quần áo như lúc trước... đôi lúc cũng bị rượt đuổi nhưng chạy thoát... văng vẳng tiếng la từ đằng sau của chú lính: ”mẹ kiếp, mấy thằng con lính Nhảy Dù này, lì lợm quá!?!?!?”. Thưa Chú Lính, cho bọn cháu gởi lời xin lỗi chú, nếu tình cờ chú đọc được những dòng chữ này. Tuổi thơ của bọn cháu trong Trại Gia Binh, nhà nghèo, con đông nên niềm vui chỉ có thế, mong chú thông cảm. Chuyện này xảy ra vào khoảng năm 1966, 1967 lúc đó tôi và các bạn khoảng 11, 12 tuổi.

MĐ Vũ Viên

SOURCES: 

Text: 

https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vn/item/200-tr-i-hoang-hoa-tham-su-doan-nh-y-du-ql-vnch-m-t-th-i-d-nh-md-vu-vien 

Minh Anh Jessica - Hoài Niệm Miền Nam Một Thời

Photos: Fb Thinh Phan

 Related topic to read more:

http://saigonecho.info/main/lichsuvn/37-chientranhvn/28859-lc-s-binh-chng-nhy-du-vnch.html 

 *****

Source: Fb Hai Nguyen Minh

Xin được chia sẻ hình ảnh miếu của cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo trên đỉnh Charlie

Miếu của ông chắc do thân nhân ông lập nên... Miếu rất nhỏ và khiêm tốn, ở một vị trí cô quạnh trên triền dốc, cách đỉnh 1015 khoảng hơn 1km! Có lẽ đây là vị trí hầm chỉ huy, nơi ông đã hy sinh!




.

1 comment: