Monday, November 30, 2020

Cái nón sắt của người lính VNCH – Trịnh Khánh Tuân & Huỳnh Công Minh



“Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này. Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai?”

Cái nón sắt đề cập trong bài hát này chính là cái nón sắt được trang bị cho người lính VNCH trong nhu cầu bảo vệ sinh mạng ngoài mặt trận. Trong suốt chiều dài cuộc chiến 20 năm trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, cái nón sắt là một vật không thể nào thiếu trên người chiến sĩ VNCH, đó là cái nón sắt M1.

Cái nón sắt này của QLVNCH phát xuất từ cái nón sắt của quân đội Mỹ dùng từ Chiến Tranh Thế Giới Thứ II đến năm 1985. Cái nón sắt này ngoài việc bảo vệ an toàn cho sinh mệnh người lính, nó còn là một vật rất đa dụng trong sinh hoạt của người lính như có thể chứa nước uống, nấu cơm canh, để múc nước tắm, làm ghế ngồi, ngoài ra còn đựng được nhiều loại đồ vật khác nhau… khi dừng quân.

Cấu tạo

Nón M1 được chế tạo theo tiêu chuẩn một cỡ duy nhất phù hợp cho mọi người. Độ sâu của mũ khoảng 18 cm, chiều rộng 24 cm và chiều dài 28 cm, khối lượng mũ khoảng 1.3 kg.

Nón có hai lớp. Lớp bên ngoài của mũ là một vỏ kim loại còn gọi là “nồi thép,” phần ngoài của vỏ được sơn theo sắc phục của các đơn vị sử dụng. Bên trong, lớp thứ nhì là một mũ bằng nhựa được chế tác bằng thứ nhựa đặc biệt tăng thêm độ cứng, từ đó gia tăng thêm mức độ an toàn cho người lính; phần vỏ phía trong bằng hợp chất nhựa này là hệ thống dây treo có thể điều chỉnh để phù hợp với kích thước các cỡ đầu người sử dụng.

Hệ thống dây trong nón nhựa là để đỉnh đầu không áp sát với nón nhựa, và có một khoảng cách nhất định để đầu không bị nóng thái quá dưới ánh nắng. Phần bên ngoài nón sắt có gắn thêm vào một băng cứu thương và được bao bằng một lớp lưới để giảm độ phản chiếu ánh sáng từ vỏ sắt hoặc để ngụy trang cây cối tùy theo địa hình khi tham chiến. Người dùng nón có thể gắn thêm cành, lá cây để tăng mức độ ngụy trang, tránh sự quan sát của địch quân. Chiếc nón sắt M1 được quân đội Mỹ sử dụng đến năm 1985, sau đó được thay thế bằng M1C và M2.

Nón sắt là một vật cần thiết cho người lính VNCH để bảo vệ cho người lính chiến và nói lên được sự quan tâm đến sinh mạng của một người cầm súng khi ra trận. Qua đó chúng ta thấy mối chăm sóc đặc biệt của chính quyền với hàng ngũ bảo vệ quốc gia, họ cần được trang bị những nhu cầu cần thiết trong việc giảm thiểu mức độ sát thương của địch ngoài mặt trận.

Nón sắt M1 có công dụng giúp người lính ngoài mặt trận giảm được mức độ thương vong do các mảnh văng do bom, đạn, lựu đạn, mìn… từ phía địch gây ra. Nón sắt dùng để chống lại mức độ sát thương của các loại đạn bắn thẳng như AK-47… Nếu khoảng cách bắn xa cũng như góc va chạm giữa đạn và mũ nhỏ thì viên đạn sẽ bị nảy ra và gây ra một vết lõm trên mũ, tránh được thương vong cho người đội.

Nếu khoảng cách gần và góc va chạm giữa đạn và mũ gần như vuông góc thì đạn sẽ dễ dàng xuyên qua mũ và gây sát thương. Rất nhiều chiếc mũ sót lại sau trận chiến với các vết thủng do đạn bắn thẳng gây ra đã chứng tỏ điều này.

Câu chuyện về cái nón sắt

Quân lệnh của Tướng Nguyễn Khoa Nam về cái nón sắt. Cuối năm 1969, lúc bấy giờ, tình hình an ninh các xã ấp, quận lỵ thuộc tỉnh Định Tường rất rối ren. Tin tức từ các chiến trường lớn nhỏ dồn dập báo về với bao sự chết chóc, bị thương và tổn thất.

Đúng vào thời điểm dầu sôi  lửa bỏng càng ngày càng gia tăng thì Đại Tá Nguyễn Khoa Nam, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, được Bộ Tổng Tham Mưu điều động về giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh khu chiến thuật Tiền Giang, thay thế cho Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh được thăng tiến làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Quân Khu IV.

Tin tức được loan truyền nhanh chóng, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ các đơn vị tác chiến, đến những quân binh chủng ngành trực thuộc Sư Đoàn, đều tỏ vẻ lạc quan thấy rõ, với sự lãnh đạo mới của người hùng oanh liệt thuộc binh chủng thiện chiến Nhảy Dù. Song song đó, một lệnh đặc biệt lần đầu tiên trong quân sử Sư Đoàn, với công văn được gởi đi khắp các đơn vị trong Sư-Đoàn có nội dung: “Tất cả quân nhân các cấp luôn luôn phải mang súng và đội nón sắt khi di chuyển bất cứ ở nơi nào. Ngoài ra, xe Jeep đều phải tháo mui để trần.”

Bấy lâu, người quân nhân Sư Đoàn đội nón lưỡi trai bằng vải ka-ki xanh khi đi ra ngoài, còn chiếc nón sắt chỉ sử dụng lúc ban đêm đi trực hay canh gác tiền đồn mà thôi! Phải công nhận, trọng lượng chiếc nón sắt của Mỹ mà bên trong còn có thêm một chiếc nón lót nhỏ hơn bằng nhựa, cùng với những dây da và vải để điều chỉnh khi đội chụp lên đầu không phải là nhẹ. Nếu ai không quen thì sẽ cảm thấy nặng nề và khó chịu lắm!

Nhưng nay lệnh của Tư lệnh Sư đoàn ban ra thì ai mà dám không thi hành? Cho nên, từ Đại tá Tư lệnh trở xuống đến hàng binh, bắt buộc quân nhân các cấp đều phải kè kè bên khẩu súng lục, hay cây súng M-16 và chiếc nón sắt to tướng bên cạnh, lúc làm việc cũng như khi đi ra ngoài. Hiện tượng mới lạ này không chỉ thấy được trong căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Bình Đức mà ngay cả trong thành phố Mỹ Tho. Kể từ những tháng ngày cuối năm 1969, nhan nhản trên các đường phố và nơi chợ búa, người dân thành thị thấy lính Sư Đoàn 7 đầu đội nón sắt.

Trịnh Khánh Tuân & Huỳnh Công Minh

SOURCE:  Anka Pham - Thời Luận

 

No comments:

Post a Comment