Sunday, July 24, 2022

* * 50 năm Mùa Hè Đỏ Lửa | Nhà văn Phan Nhật Nam | Bước Chân Dĩ Vãng #40 | Jimmy TV

 

 

Lâm Hảo Dũng: Bên Đồi Chư Pao

  

Súng dội trời trai thôi cũng nản

Chiến chinh không thấy một ngày mai

Những bông  hoa dại buồn trong gió

Như khóc than thời chôn xác trai

Chư Pao ngỡ chết trong lòng địch

Vẫn có ngày vui dù mong manh

Những chiến binh ngồi nghe đạn réo

Pháo gầm bom nổ rát trời xanh

Chư Pao một dãy mồ chôn xác

Những chiến binh dầu đêm cuối thu

Ai muốn qua vùng Tân Phú ngắm

Những hầm than máu chảy về đâu?

Chư Pao ai oán hờn trong gió

Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường

Những mồ hôi đổ tan thành đá

Tan nát lòng ta khách viễn phương

 

SOURCE:

https://www.gio-o.com/LamHaoDung/LamHaoDungBenDoiChuPao.htm

 oOo 

Lâm Hảo Dũng, chàng thi sĩ lính

(Nguyễn Mạnh Trinh)

 

Lâm Hảo Dũng

 

Tôi đọc những bài thơ đầu của Lâm Hảo Dũng khi tôi ở Pleiku những năm đầu của thập niên 70. Lúc ấy chiến tranh thật khốc liệt và tuổi trẻ chúng tôi vật vã theo với đà chiến cuộc. Bạn bè, có đứa vừa đùa giỡn với nhau ở bãi đậu phi cơ thì đã vội ra đi trong một phi cụ không về, thân xác vỡ trên trời. Bạn bè vừa bù khú tối hôm qua, vừa ngâm những câu thơ biên tái vừa bi thảm vừa hùng tráng, mấy ngày sau đã thành tử sĩ thân xác gói trong poncho để trở về đất mẹ. Và đời sống lúc ấy, với hiện thực đầy mầu đen tối, thì những câu thơ, như : Chư Pao ai oán hờn trong gió / mỗi một khăn tang một tấc đường truyền cảm và tạo rung động biết bao.


Những địa danh trong thơ Lâm Hảo Dũng, nhắc lại những chiến trường thật, những mẫu người lính thực. Những tờ báo như Văn như Khởi Hành, như Văn Học thời ấy, với những tác giả trẻ, và những bài thơ rực lửa chiến tranh, một thời đã khiến những người lính như chúng tôi cảm thấy tâm sự của mình, nỗi niềm của mình được cất lên và sự chia sẻ tột cùng đã làm cho phong vị những bài thơ trở thành lời đồng vọng của tuổi trẻ. Thời gian ấy, tôi còn trẻ lắm, mới trên hai mươi và kinh nghiệm cuộc sống chỉ là những lúc bốc đồng theo tình cảm yêu ghét của mình. Và tâm tư cũng như những trang giấy trắng tinh nhìn đời ngây thơ mơ mộng. Những bài thơ biên tái của phong vị những bài hành có lúc đã tạo thành thi vị cho cuộc sống chúng tôi, những người đọc yêu thơ lãng mạn mong tìm được sinh khí trong mầu đen ảm đạm của cuộc chiến ý thức hệ tương tàn.

Có người đã nhận xét rằng chiến tranh trong một thời ấy nhiều khi đã được nhìn ngắm ở Sài Gòn, từ những chốn xa hoa vũ trường son phấn hay những quán cà phê thời thượng với những nhà văn nắm những tờ báo những cơ quan ngôn luận trên tay và một loại văn chương đầy triết lý xa rời thực tế đã thành một thời thượng văn chương. Nhận xét ấy có lẽ chỉ là một trong nhiều góc cạnh để nhìn ngắm. Vì thực ra, cũng có những văn thơ của những người lính thực sư đã tạo thành một bản sắc cho văn học Việt nam – văn chương của những người lính.

Ðất nước chúng ta là một đất nước tràn đầy bi thảm của những cuộc chém giết vô nghĩa lý. Và thi ca, cũng nhuốm mầu khói lửa đạn bom. Ðọc trên báo chí và các tạp chí văn chương, chúng ta thường thấy thi sĩ làm thơ lính và người lính làm thơ chiến tranh. Ðôi lúc, hình như sự phân biệt không có lằn ranh biên giới. Trong sự liên tưởng, ai là thi sĩ-lính? Quang Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Hoài Thư, Hà Thúc Sinh…? Ai là lính-thi sĩ? Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng…? Có phải vì chất “lính” nhiều hay ít không? Chưa chắc, bởi đó chỉ là cảm quan mà thôi. Và một câu hỏi tiếp. Lâm Hảo Dũng – thi sĩ lính hay lính thi sĩ? Ðọc lại những tập thơ và những bài được coi là đặc sắc nhất của thi sĩ họ Lâm, thấy chất “lính” tràn khắp kể từ những lúc lang thang từ quân khu này sang vùng chiến thuật khác, và ngay cả lúc đã không còn chiến tranh lưu lạc xứ người. Nhà văn Trần Văn Nam gọi Lâm Hảo Dũng là nhà thơ của thời chiến vùng Tam Biên thì nhà văn Lương Thư Trung gọi anh là thơ của ngọn Thất Sơn Châu Ðốc, là ngọn gió nồm nam thổi cuối trời. Cả hai người đều nhận định về một thi sĩ-lính rất nhiều nét đặc sắc và biểu tỏ được cuộc sống của một người lính tác chiến trong một thời đại nhiều máu xương bị phung phí với nhịp độ ác liệt của chiến tranh.

Thơ của Lâm Hảo Dũng tuy diễn tả hiện thực chiến tranh nhưng lại có nét bình dị của phảng phất mùi hương đồng gió nội. Thơ dù có chết chóc, dù có những nỗi buồn của kẻ xa xứ nhớ nhà nhưng vẫn là âm hưởng của một đời sống của một thôn xã thanh bình thuở nào. Những câu thơ gợi lại những ngày xa xôi với những loại rau, những con cá trèn, con tép bạc của bữa cơm gia đình nuôi lớn tuổi trẻ thơ:

Con cá trèn con tép bạc trên sông
Nghe xao xuyến rau sam cùng diệu trắng
ta vẫn thích có một lần rau đắng
khóc khi xa rau muống mọc trên đồng.

Như dòng sông biền biệt chảy xuôi, những câu thơ gọi lại một thời nào đã xa xôi lắm nhưng còn gần gũi, của quê mẹ yêu thương, của những ân tình chan chứa trong tâm hồn hoài niệm:

theo những dòng kinh dừa nước mọc
quê em nhà lá mái xiêu xiêu
cỏ mọc bùn trơ từng gốc mắm
chiều mưa tu hú mỏi mòn kêu

hoa bần năm ngoái trôi theo nước
ta lại rời xa đất ấy rồi
chỉ biết rừng sâu con vượn hú
mà hồn đi lạc ở Ðầm Dơi…
"

Có nhiều người làm thơ, thường thích làm mới thi ca với những kỹ thuật mà có sự ví von là “phức tạp hóa những điều đáng lẽ phải đơn giản”. Từ ngôn ngữ đến hình ảnh, từ cấu trúc đến cách ngắt vần, từ những con chữ như một lối phù thủy văn chương, tất cả đều có một mục đích và dụng công để làm khác đi những phương cách mà họ cho là những ngã đường mòn. Dĩ nhiên thơ làm mới như vậy cũng có sự thích thú khi đọc nó. Nhưng có những “quá tay” để thơ thành một thứ phù chú và nhiều khi diễn tả những ý tưởng chỉ có một mình tác giả hiểu hoặc nhiều khi chính tác giả cũng mù mờ.

Ở Lâm Hảo Dũng, không cố tình làm mới, không “ưỡn ẹo” với con chữ, thơ như một cách thể hiện đời sống giản đơn nhưng lôi cuốn độc giả ở sự thành thật với những mảnh đời thực và cảm xúc thật. Một người lính tác chiến có đời sống khác biệt với người lính ở hậu phương và họ cũng ít có thời giờ để triết lý, để luận về cuộc đời. Họ sống và làm thơ về cõi sống ấy. Như một cách thế tạo sự liên cảm và xúc cảm. Sống trong chiến tranh, gần gũi cái chết và sự tàn phá, nhưng người lính như Lâm Hảo Dũng không hận thù và khác với những người lính bên kia lúc nào cũng sáng tác theo một con đường vạch sẵn theo chủ đích chính trị. Người lính ngỏ trong thơ thành thực tấm lòng của mình, không muốn chiến tranh nhưng vẫn phải chiến đấu vì bổn phận đối với đất nước, với quốc gia:

bởi chiến tranh hoài sao biết được
nên đời trai gửi gió sương nuôi
một mai máu có trào trên đất
hãy cắn răng đau hãy hận đời

mẹ đâu có muốn ta làm lính
một lính vu vơ để biết buồn
thà thương liếp cải hai hàng mướp
một lũy tre gìa rộn nhớ thương

ta uống mồ hôi hay nước mắt
gởi em trôi nổi cuối trời xa
biết ai sẽ ấm trong lòng nhỏ
và mẹ tơi bời để xót xa
"

Những bài thơ lục bát của Lâm Hảo Dũng chan chứa những thi ý ca dao. Những ngôn ngữ của đời sống hàng ngày, những hình ảnh của mộc mạc đơn sơ khiến người đọc gần gũi với không gian và thời gian đó.

Hồi tôi ngày ở Tam Quan
có ăn mè xửng em làm hay chưa
súng ai bắn nát ngọn dừa
thương cây thánh giá nhà thờ gãy đôi
em dệt chiếu dưới đồi mười
mà buồn cháy đỏ hai mươi năm rồi
Về Bà Gi chỉ mình tôi
Bỗng yêu chết được ma Hời tháp Chiêm

Mè xửng làm nhớ em ở Tam Quan, chiến địa dữ dội nơi mà thánh giá nhà thờ gãy gục để nhớ về em ngồi dệt chiếu, một hình ảnh của qúa khứ phảng phất nỗi buồn của dân tộc bị diệt vong. Ý thì chỉ có thế nhưng từ những hình ảnh ấy đã tượng hình ra nhiều điều liên tưởng để suy niệm về kiếp người trong chiến tranh và thân phận con người trong hoàn cảnh ấy.

Những địa danh mà thi sĩ nhắc đến thường gởi theo những mảng đời sống kèm theo và những kỷ niệm của một cuộc đời lang bạt trong vòng quay của chiến cuộc. Hàm Rồng, một ngọn núi quen thuộc cuả những người lính trấn tam biên mà những người phi công từ Ban Mê Thuột trở về Pleiku trong lúc không hành nhìn thấy như một dấu hiệu của cánh cửa đất nhà. Hàm Rồng, nơi có người lính trẻ bâng khuâng nỗi buồn của thời chinh chiến. Hàm Rồng,những căn cứ của người lính dừng chân để nhớ nhà. Và Hàm Rồng cũng chứa chan tâm sự những người tuổi trẻ tóc còn xanh mà đã bạc theo chiến trận:

con đường ấy vẫn hoen mầu bụi đỏ
gió lơ thơ nghe nắng mới ngập ngừng
anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ
nghe nỗi buồn đâu đó đến bâng khuâng

hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp
và quê hương tha thướt lá xanh trà
em có thả những chùm mây nhung nhớ
cho rừng hoang im lắng tiếng chim ca

đời viễn khách mơ hồ không biết được
bước chân vang rộn rã buổi quay về
em mắt biếc hồn nhiên bên cánh cửa
gủi hương nồng quay quát bóng người đi

Em“ của Lâm Hảo Dũng không phải là những hình ảnh của phố thị kiêu sa, của những phấn son trang điểm mà là những hình ảnh gợi cảm nên thơ trong đời sống những người lính, bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Ðó là của “hay những tối lang thang đời quán vắng / nhớ hồn em ngan ngát mái buồn tênh, là em của nỗi buồn bên mái lá tóc em dài chắc biết tôi thương / cánh hoa chùm gửi nở bên đường Lâm Hảo Dũng trong ngày đi thương sợi khói bên nhà, nỗi nhung nhớ đơn sơ, những mối tình lãng mạn với khung cảnh gần cận thân thương. Thơ ở một góc cạnh nào đó để nhìn ngắm cuộc đời với nỗi niềm của những người luôn quay nhìn về những kỷ niệm đẹp đã qua, những tháng ngày không thể quên được trong tâm thức.

Với một địa danh nổi tiếng trong quân sử, Lâm Hảo Dũng đã viết những câu thơ để đời như:

Chư Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi một khăn tang một tấc đường
”.

Tôi rất tiếc là không đọc được toàn bài thơ mà chỉ được đọc hai câu thơ này mở đầu cho một bút ký chiến tranh của một người lính Biệt Ðộng Quân viết về những ngày mùa hè đỏ lửa Tây nguyên.

Chư Pao là một đỉnh núi khống chế con đường tiếp vận quốc lộ 14 từ Pleiku đi Kontum và chính nơi đây cả ngàn tử sĩ của hai bên đã nằm xuống trong những trận chiến ác liệt thời mùa hè đỏ lửa. Người thi sĩ ấy là một pháo thủ đã có một thời gian chiến đấu ở Tây Nguyên. Ông làm thơ về tuổi thanh xuân chiến tranh của mình với những địa danh mà ông không thể nào quên trong trí nhớ ..

Nhiều bài thơ Lâm Hảo Dũng đã viết về vùng tây nguyên như “Ngày về Ban Het”, “Miền Ba Biên giới”, ”Ba năm làm lính về Dakto”, “Khi ở trung đoàn 42”…

Những câu thơ của một người lính nói về cái chết sao lạnh lùng dửng dưng. Lâm Hảo Dũng có những câu thơ như xé lòng người dù đó là sự thật, của một trận chiến đầy tang tóc thương đau cho cả một dân tộc

Chắc mai ồ nhỉ ngày mai nhỉ
ta với sương ngàn với gió trăng
chắc em – có lẽ là em thật
sung sướng trong tay cốc rượu mừng

bởi bao nhiêu trận kinh hồn trước
đều thấy mơ hồ ở Dakto
khi đi là tự xây mồ sẵn
nay suối buồn kia mai đỉnh xa

ta vẫn thênh thang đùa với ruợu
uống đi ta sẽ có quê nhà
uống đi chiến thắng vang lừng lắm
ta uống dường như để tiễn ta

Những con đường của người lính qua đi với vết tích của những ngày chiến trận. Thi sĩ làm thơ trong cái vướng vất của nỗi niềm chia ly, của những biên giới tử sinh có lúc chỉ là một đường chỉ mảnh.

ai biết con đường loang máu đỏ
những hồn lưu lạc dưới poncho
những hồn vất vưởng bên bờ suối
đi hái hoa xuân mọc dưới mồ

ta bỗng cười khan đùa chiến trận
Bình Tây chưa chết vẫn còn đây
Hạ Lào đi suốt vùng biên giới
Như Ngok Tu Ba xác ngập đầy

Hè nay ta lại trên đầu súng
Chợt xót xa cho khách chiến bào
Ðang đốt đời trong cao điểm đó"
(Bao giờ thấy lại ngọn Chu Pao)

Thơ ông đầy cảm khái. Nhưng hình như ở bên trong người lính vẫn còn hình bóng của cậu học trò mắt biếc với môi tươi vào chiến trận với tấm lòng trong veo không hận thù đầy nét nhân bản.

Thơ ông lãng mạn nhưng vẫn lạc quan và tin tưởng vào một ngày mai thanh bình cho quê mẹ.

nên ta cố sống dù câm điếc
Dù có xuôi tay mắt có mù
Ðể thấy em ngày vui áo biếc
Ðể ta buồn suốt một đời thu

Lắm khi gái thượng mà duyên dáng
Ði tắm hò reo đêm sáng trăng
Ta muốn buông mình con thú dữ
Bắt đầu trong suốt kiếp cô đơn

Có không ngày của thanh bình đến
Ta nhớ vườn xưa nhớ mẹ già
Còn hái mồng tơi ngoài dậu cũ
Lệ buồn năm tháng có phôi pha?

Chiến trận khốc liệt, nhắc đến bạn bè để thoảng nỗi đau kẻ còn người mất. Nhắc lại chiến địa để nhớ đến những người nằm xuống khi tóc còn xanh và lòng vẫn mãi yêu đời mà phải xuôi tay. Gặp bạn phút giây rồi chia tay,con đường lính trận sao cứ dài hun hút

Ta pháo miền cao theo Biệt Ðộng
Ngậm ngùi thấy lại Dakto xưa
Ðâu ”căn cứ sáu” mưa trên xác
“căn cứ năm” tràn bóng ma đưa

Ta kể nhau nghe đời chiến trận
Thằng Nam mất tích ở Nam Lào
Y Uyên bỏ cuộc vài năm trước
Thằng Sự khinh đời cũng chết mau

Thôi nhé Viêm ơi tàu đã đến
Ta lên Tân Cảnh ghé Kontum..

Lâm Hảo Dũng ”một máy truyền tin hai đệ tử / một hầm trú ẩn chuột kêu vang / sách không có đọc nằm như chết / nhớ mẹ già nua ở Sóc Trăng của đời lính tiền sát pháo binh đã trải qua biết bao nhiêu trận chiến và những câu thơ hiện thực như thế đã làm người đọc thấy được một chân dung người lính thật rõ nét với cả sự phác thảo chân thực không vẽ vời chẳng lên gân anh hùng mà tự nhiên gần gũi cuộc sống Những người lính sống thực cuộc đời mình bằng thi ca.

Ðời lính lang thang, rày đây mai đó, nhưng ở nơi đâu cũng đều thấy nhớ nhà. Nhớ quê hương miền đất phù sa Cửu Long. Nhớ những mẫu người xa xưa quê kiểng, nhớ mẹ già, nhớ cảnh vật làng quê của những con người chân chất:

Tóc em dài chắc biết tôi thương
cánh hoa chùm gửi nở bên đường
giục tôi quay quắt hồn quê cũ
(rồi cũng đau tê biệt núi rừng)

tôi lữ hành ngủ đậu nơi đây
mai đi về biển mốt đồi tây
khi đêm bên thác sầu cây cối
thèm bát canh rau dáng mẹ gầy..

Từ Mây Viễn Xứ (bút hiệu đầu tiên) đến Lâm Hảo Dũng, trước sau vẫn là một người thi sĩ yêu mến quê hương với cả tấm lòng. Thơ trong một khoảng thời gian dài và một không gian bao la rộng, từ miền tây nguyên trấn thủ lưu đồn đến vùng bình nguyên cây xanh nắng mượt hay ở xứ sở lưu vong tuyết trắng mù trời, tất cả chỉ là những tưởng vọng và nhớ về của một người đã đi trên những quãng đường của đời mình đang lúc và sau khi chiến tranh, với khúc quân hành vang dội trong lòng. Thơ có lúc như những lời đồng vọng của bạn bè, của những người còn ở lại và những kẻo lưu lạc xa quê, và cả những hồn linh của muôn ngàn chiến sĩ đã chết dưới màu cờ cho sông núi.

Nguyễn Mạnh Trinh từ LHD

Source:

https://www.luanhoan.net/Bai%20Moi%20Trong%20Ngay/html/bm%2030-11-09.htm

 .

No comments:

Post a Comment