Sunday, July 10, 2022

Bản Tướng mạo Quân vụ - Mai vàng & Mai trắng (Source: Fb Quoc Gia Nguyen)

 

IMAGE: INTERNET



IMAGE: INTERNET

 

IMAGE: INTERNET

.

Thế hệ trẻ sinh ra sau năm 1975 không thể biết và hiểu những từ ngữ ngày xưa thời Việt Nam Cộng Hòa.

Và cũng chưa chắc những người đã từng sống ở miền Nam trước 1975 kể cả những vị từng khoác áo lính vẫn còn nhớ và hiểu rõ những câu chữ ngày ấy...

Bài viết này xin nhắc lại về chữ Tướng mạo Quân vụ.

Một thanh niên hay thiếu nữ khi quyết định phục vụ Quân đội dù đến tuổi quân dịch hay tình nguyện thì phải đến những Trung tâm Tuyển mộ Nhập ngũ.

Khi hoàn thành Khóa Huấn luyện từ Quang Trung, Đồng Đế hay Chi Lăng, Thủ Đức, Đà Lạt... mỗi người đều được cấp một số quân đính vào thẻ bài không bao giờ trùng lặp và sẽ theo họ suốt đời, kèm theo đó là Hồ sơ Quân bạ.

Tập Hồ sơ này ghi chú chi tiết tất cả thông tin Quân nhân gồm tên tuổi, sinh quán, gia đình, từ ngày nhập ngũ đến lúc tốt nghiệp ra Trường về phục vụ ở Đơn vị nào, cấp bậc gì, chức vụ gì...v..v...

Tập Hồ sơ Quân bạ gốc được lưu trữ tại Bộ Quốc phòng, các phó bản giữ tại các Quân đoàn, Tiểu khu, Đơn vị.

Điều đó có nghĩa rằng mỗi Quân nhân đi đâu về đâu, tình trạng đương sự hiện nay như thế nào thì các cấp chỉ huy quản lý đều nắm rõ.

Đó xem như là tiểu sử binh nghiệp hay lý lịch quân nhân chính thức.

Còn Tướng mạo Quân vụ thì khác. Ngoài xã hội ai cũng biết tướng mạo là dáng dấp dung mạo, có nghĩa là vẻ bề ngoài của một người.

Nhưng trong Quân đội thì ý nghĩa của chữ này lại khác đi, Tướng mạo Quân vụ là thái độ, tư cách, tính cách, đức tính, thăng thưởng, lỗi lầm, kỷ luật, hình phạt... của một Quân nhân trong khi phục vụ quân ngũ.

Từ ngữ này không chính thức, không phải là một quy chuẩn quy tắc gì cả.

Nhưng nếu trong Hồ sơ Quân bạ có ghi một nhận xét gì đó về đương sự thì đó chính là Tướng mạo Quân vụ. Đây là cách nói để mô tả thân thế hoạt động tính cách của một Quân nhân như thế nào.

Ví dụ 1: "Trung úy C có tướng mạo quân vụ không tốt, anh ta thường nhậu nhẹt bê tha, trễ phép và chểnh mảng khi thi hành phận sự" !

Ví dụ 2. Nếu trong Hồ sơ ghi: Trung sĩ A có kinh nghiệm chiến trường, hăng hái chiến đấu nhưng thường nóng nảy gây sự với đồng đội thuộc cấp. Đã bị phạt trọng cấm.

Chuẩn tướng B có khả năng điều động các Đơn vị thuộc quyền thực thi tốt nhiệm vụ, lập kế hoạch hành quân hợp lý, thi hành công tác Dân sự vụ xuất sắc. Vào ngày xxx, Chuẩn tướng B đã chỉ huy Binh sĩ giành chiến thắng tại yyy, cá nhân được ân thưởng Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu.

Thiếu úy Z luôn tuân hành mệnh lệnh, xông xáo ngoài mặt trận, gần gũi thuộc cấp, đời sống bình thường, đã được trao Bằng Tưởng lục vào ngày N.

Tất cả những điều đó gọi là Tướng mạo Quân vụ của một Quân nhân do sự xét đoán đánh giá của thượng cấp hoặc Thanh tra Quân đội. Một vị Chỉ huy có quyền xác định Tướng mạo Quân vụ của người khác thì cũng phải chịu sự nhận xét về bản thân từ cấp cao hơn, không có ai ngoại lệ.

Khi nhận lệnh thuyên chuyển về Đơn vị mới thì tập Hồ sơ Quân bạ (phó bản) của đương sự cũng được chuyển đến theo. Cấp Chỉ huy nhìn vào ghi chú Tướng mạo Quân vụ của Đơn vị cũ ra sao để có sự xác định tư cách quân nhân là tốt hay xấu, mẫu mực đàng hoàng hay thường tỏ ra ba gai vô kỷ luật, từ đó sẽ có cách đối xử phù hợp.

Đây là giải thích về một từ ngữ xưa của thời Việt Nam Cộng Hòa để em cháu hiểu thêm, người già nhớ lại...

Comments:

Quyển "Quân bạ" và túi hồ sơ (đựng các văn bản liên quan đến đời quân nhân của đương sự đã được ghi trong quân bạ). Không có phó bản mà là 2 quyển Quân bạ + Túi hồ sơ, 1 nằm ở phòng Tổng Quản Trị BTTM và 1 nằm ở đơn vị quản trị của đương sự (thường là cấp tiểu đoàn trở lên)

Bộ Quốc phòng (đường Gia Long) là nơi lưu trữ Hồ sơ Quân bạ của tất cả Quân nhân.

Ngày 30/4/1975, Cộng sản đã tịch thu hầu hết HSQB Quân nhân tại đây, sau này dùng làm tài liệu điều tra đối với từng người bị giam giữ.

Tổng Nha Nhân Lực trực thuộc Bộ Quốc Phòng là nơi lưu trữ Hồ sơ Quân bạ của toàn thể Quân nhân, không phải Phòng Tổng quản trị Bộ Tổng tham mưu

 

Mai vàng & Mai trắng

Thời Đệ nhất Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh quy định nhiều chi tiết về hệ thống cấp bậc, huân huy chương, quân phục và các mục vụ quy tắc khác cho toàn bộ Quân đội.

Đến đầu năm 1964 sau khi tiến hành cuộc Chỉnh lý, Tướng Nguyễn Khánh với các chức vụ đứng đầu đất nước và Quân đội đã đặt ra thêm một cấp bậc nữa gọi là Chuẩn tướng.

Ông cho rằng từ Đại tá vinh thăng Thiếu tướng với hai sao thì bất hợp lý, phải có cấp Tướng mang một sao để đánh dấu Quân nhân cao cấp nhất trong hàng Sĩ quan là Đại tá bắt đầu giữ cương vị "chuẩn" của một vị Tướng lãnh. Sau thời điểm đó đã có 9 vị Đại tá đầu tiên được thăng cấp Chuẩn tướng.

Đồng thời, Tướng Nguyễn Khánh cũng cải danh Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đổi tên Bộ Tổng Tham mưu thành Bộ Tổng Tư lệnh.

Sau khi Đại tướng Nguyễn Khánh buộc phải rời khỏi đất nước, ngày 19/6/1965 Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia ra mắt quốc dân thì Quân đội bắt đầu có những cải cách toàn diện.

Đầu tiên là sắp xếp lại địa giới trách nhiệm các Quân đoàn, thay đổi phiên hiệu các Đại đơn vị, thành lập các Binh chủng, quy định chi tiết cấp số trang bị của mỗi Đơn vị, mỗi Quân nhân.

Về cấp bậc Sĩ quan, thời Đệ nhất Cộng hòa quy định Sĩ quan cấp Úy mang bông mai màu vàng, Sĩ quan cấp Tá mang bông mai màu trắng. Tuy nhiên vì nhiều lý do như qua thời gian hoặc ánh sáng không phù hợp thì rất khó phân biệt giữa hai màu vàng và trắng. 

Đại Úy .... ĐẠT

 

Đại tá HỒ NGỌC CẨN (1938 - 1975)


Người ta đã kể câu chuyện hài hước rằng buổi chiều nọ có một ông Đại úy đang đi trên đường thì thấy một người mang hai bông mai "có thể màu trắng" đi ngược chiều. Ông Đại úy phân vân bối rối không biết có nên chào hay không vì nếu đó là thượng cấp mà không chào thì kẹt, ông bèn đưa tay lên chào.

Khi viên Sĩ quan kia chào lại rồi đi ngang, ông Đại úy cũng không thể xác định rõ là mai vàng hay trắng, thầm nghĩ nếu ông này là Trung tá thì sao còn trẻ quá, mà nếu "hắn" chỉ là Trung úy thì mắc mớ gì mình phải chào?!

Nhận thấy sự bất tiện như vậy, Trung tướng Nguyễn Hữu Có với chức vụ Tổng Ủy viên Chiến tranh (cương vị Tổng trưởng Quốc phòng) kiêm Tổng Tham mưu trưởng đã ra lệnh thay đổi: Lon cấp Tá phải có một vạch ngang phía dưới để dễ phân biệt trong mọi tình huống tránh ngộ nhận gây ra những trường hợp khó xử.

Bên cạnh đó, Trung tướng Có cũng ra lệnh Phòng Tổng Quản trị Bộ Tổng Tham mưu thiết kế phác thảo những bộ Huy chương bổ sung gọi là Bội tinh bao gồm đầy đủ những khía cạnh để có thể tưởng thưởng cho mọi tầng lớp từ Quân nhân, Cảnh sát, Viên chức Chính phủ, thường dân và người ngoại quốc với tất cả mọi mặt công trận hoặc công lao được ghi nhận.

Ba bộ dây Biểu chương đỏ xanh vàng, Huy chương cuống các loại...cũng ra đời vào thời gian này.

Bộ Tổng Tham mưu cũng bổ túc đầy đủ các loại Quân phục Đại lễ, Tiểu lễ, mùa Đông, mùa Hè, dạo phố, xuất ngoại với từng mục đích công du, công vụ, tu nghiệp, thụ huấn.

Có thể nói thời kỳ Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia nắm quyền điều hành đất nước từ 19/6/1965 đến 3/9/1967 là giai đoạn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trở nên hoàn chỉnh về mọi mặt, hình thành sự chuẩn mực từ lễ nghi quân cách đến quân phục, quân phong quân kỷ và nhiều việc khác, không thể liệt kê hết...

SOURCE: Fb Quoc Gia Nguyen

 

 


No comments:

Post a Comment