Friday, July 18, 2014
Người Việt lãng mạn của chúng ta thường bị giằng xé với hai giấc mơ tương phản.
Sống tại vùng chật hẹp với giang hồ sông nước là sự cách trở, chúng ta mơ chân
trời xa lạ “như lũ chim quyết tung trời mây”... Và dù có gặp “biển hồ mênh mông
không nơi ngừng cánh tránh gió táp,” chúng ta vẫn “thề quyết ra đi từ đây.”
Nhạc sĩ Lâm Tuyền ghi lại cho tiềm thức chung cái giấc mơ đó.
Thế rồi, khi đã toại lòng với “bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà, nơi xa
xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời,” thì cũng chính tâm hồn lãng mạn ấy hát khúc
ngày về. Giấc mơ hồi hương là phần tương phản của cái chí tung hoành đi tìm đất
lạ.
Nếu đọc lại nhiều bài viết của Vũ Hoàng Chương thì có thể mường tượng ra giấc
mơ giang hồ đó. Nó trải rộng trong hồn thơ chứ vẫn thu hẹp vào khoảnh đất nhỏ
xíu. Từ Nam Ðịnh đến Hà Nội đã là một phiêu lưu. Lên tới núi rừng Việt Bắc thì
đấy là cõi bạt ngàn!...
Quỳnh Giao nhắc lại Lâm Tuyền hay Vũ Hoàng Chương vì nhớ tuổi ấu thơ thao thức
của mình khi sắp được đi Vũng Tầu! Lên tới Ðà Lạt thì đã tựa như vào Thiên Thai
trong cổ tích....
Thế rồi một biến cố đã giập giấc mơ vào thực tại. Với nhiều người thì đấy là
cơn ác mộng.
Hiệp định Genève năm 1954 chia đất nước ra hai vùng giới tuyến làm nhiều người
phải giang hồ thật! Phong trào di cư từ Bắc vào Nam là biến cố lớn lao nhất thế
kỷ, cho đến ngày có cuộc di tản năm 1975 và sau đó.
Nền tân nhạc cải cách Việt Nam xuất phát đầu tiên từ trong Nam vào quãng
1938-1940. Rồi bùng phát và trưởng thành là ở ngoài Bắc trong thời kỳ
1945-1954. Ðấy là giai đoạn hào hùng mà lãng mạn với rất nhiều ca khúc trữ
tình. Rồi cuộc di cư 54 là một giao động lớn trong thế giới tân nhạc ấy.....
Chúng ta có những nhà soạn nhạc đã thành danh ở miền Bắc. Phần lớn trong số này
cũng là nhạc công, là nhạc sĩ trình diễn chuyên nghiệp với một hay nhiều nhạc
cụ. Những người vào Nam từ trước chỉ là một thiểu số hiếm hoi. Sớm nhất thì có
Lê Thương từ năm 1941, trễ hơn chục năm thì có Phạm Duy và Phạm Ðình Chương
trong “gia đình Thăng Long.”
Phong trào di cư từ 1954 mới xô đẩy đa số còn lại vào Nam và làm thay đổi không
khí tân nhạc.
Các nhạc sĩ tên tuổi từ miền Bắc có Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Ngọc Bích,
Hoàng Trọng và Vũ Thành. Những nhạc sĩ kế tiếp nổi danh như cồn ở trong Nam thì
có Ðan Thọ, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Cung Tiến. Phải gõ chữ vân vân vì nhiều
lắm. Những người còn ở lại miền Bắc, như Văn Cao, Hoàng Giác, Hoàng Phú, Tô Vũ
hay Ðoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý thì hết viết... như cũ.
Nhớ lại chuyện 60 năm trước, chúng ta tự hỏi là lớp nhạc sĩ di cư đã sáng tác
những gì sau đó?
Trong mọi cơn chấn động bàng hoàng, con người chúng ta chỉ là lũ trẻ thơ. Hãy
nhìn bầy trẻ khi chúng hãi sợ, hoặc gặp điều phật ý mà khó hiểu. Có những đứa
thì hờn lẫy giẫy giụa, nhưng cũng có đứa lặng người không thể gào khóc. Còn gào
thét là còn tin rằng ai đó sẽ phải lo cho mình, chứ nếu lặng người nín thinh
thì đấy là lúc đứa trẻ bần thần tuyệt vọng nhất. Sau cơn chấn động như 1954 hay
1975, chúng ta đều lặng người trong tê tái.
Nhưng các nhạc sĩ của chúng ta lại khác bầy trẻ. Họ không nín lặng mà khóc bằng
nhạc.
Cảm hứng viết nhạc hoài hương có sẵn trong tâm khảm đã từ biến cố 54 đưa tới
nhiều ca khúc về cố hương.
Không kể những bài đã có từ trước như “Ôi Quê Xưa” của Dương Thiệu Tước,
“Tình Hoài Hương” của Phạm Duy
hay “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương,
chúng ta nhớ lại “Khóc Biệt Kinh Kỳ”
và “Bên Bờ Ðại Dương” của Hoàng Trọng,
“Xa Quê Hương” của Ðan Thọ,
“Bóng Quê Xưa” của Nhật Bằng
và “Tìm Về Bến Xưa”
hay “Thanh Bình Ca” của Nguyễn Hiền, v.v....
Ðan Thọ và Nguyễn Hiền là hai nhạc sĩ có nhiều tác phẩm về nỗi hoài niệm quê
hương đã mất kể từ thời 54. Ngày nay, Ðan Thọ vẫn còn và có lẽ không quên sự
thổn thức của 60 năm trước.
Ngồi nhớ và nghe lại thì sau biến cố Genève 54, các nhạc sĩ của chúng ta còn bị
giằng xé theo một cách khác. Nhiều người vẫn tin vào một ngày trở về.
“Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành là tác phẩm đẹp nhất của đề tài này. Ngoài lời
một được gợi lên từ một bài thơ, lời hai của chính tác giả trong điệp khúc có
âm điệu khải hoàn ca: “ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang” vì đấy là
lúc giấc mơ đã thành, là “cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương.”...
Người khác thì khám phá và hát mừng sự bao la choáng ngợp của miền đất mới.
Vào Nam từ trước, Phạm Ðình Chương sớm ngợi ca miền Nam đôn hậu từ hình ảnh Cửu
Long của trường ca Hội Trùng Dương. Rồi qua năm 1955, ông chấm nơi này là “Ðất
Lành” và hát về mối tình Nam-Bắc một nhà: “Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa.
Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mâu. Ðồi nương thương sức cần lao, se duyên Nam
Bắc ngọt ngào tình yêu”...
Cũng trong dòng nhạc đó, trường ca “Con Ðường Cái Quan” do Phạm Duy thai nghén
từ năm 54 tại Paris và hoàn thành về sau ở trong Nam đã có những giai điệu “tốt
tươi” nhất - chữ “tốt tươi” là của ông - là từ đoạn 16 trở về sau, khi chàng lữ
khách mơ giấc hải hồ vào tới trong Nam!
Trong số nhạc sĩ di cư, Hoàng Trọng nổi danh từ đất Nam Ðịnh với nhiều ca khúc
luyến nhớ. Sau khi vào Nam, từ “Mộng Ngày Hồi Hương” năm 1956, ông hòa vào niềm
vui mới qua bài “Ðẹp Mùa Yên Vui” sáng tác năm 1958 với lời từ của Hồ Ðình
Phương: “Miền Nam mưa nắng giao hòa, Câu hát câu hò say trời quê đẹp như gấm
hoa...”
Sự giằng xé dễ hiểu mà đáng thương của người viết nhạc diễn tả tâm tình day dứt
của chúng ta giữa cái cũ đã mất và cái mới đã thành đời sống thật.
Ngồi hát lại trong tâm tưởng, “Con Ðường Cái Quan” đã từ đoạn Cửu Long Giang mà
hò “Về Miền Nam” và dẫn tới đoạn kết là “Ðường Ði Ðã Tới.” “Về Miền Nam” cũng
là tên ca khúc của Trọng Khương. Chúng ta không đi nữa mà về. Thâm tâm hát mừng
như vậy thật, chứ không vì sự tuyên truyền của loại nhạc cổ động, mà dẫu gì thì
hai miền vẫn chung một đất nước.
Rồi thời gian và sự tự do của miền Nam hàn gắn tất cả và dẫn tân nhạc qua một
thế giới khác lạ.
Sau khi đất nước chia đôi, trong số đông đảo các nhạc sĩ và ca sĩ di cư vào Nam
có nhiều nhạc công cự phách. Nhạc khúc mới và cách trình diễn tân kỳ thổi gió
mới vào nhạc qua đài phát thanh, phần phụ diễn văn nghệ của phim chiếu bóng rồi
đại nhạc hội và phòng trà hay khiêu vũ trường...
Khác bộ môn văn chương là nơi mà lối viết của dân miền Nam làm phong thái chân
phương của nhà văn miền Bắc trở thành sống động hơn, với những đối thoại rất
gần với thực tế ngoài đời, bộ môn tân nhạc ở miền Nam lại tiếp nhận tính chất
trang nhã nhiều khi cầu kỳ của ca nhạc sĩ di cư từ miền Bắc. Nghệ sĩ di cư như
Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Anh Ngọc cùng các ban nhạc và lối hòa
âm đã thật sự làm tân nhạc miền Nam đổi khác. Từ đó, các nhạc sĩ trong Nam
không còn viết như trước nữa, nhiều ca sĩ cũng trình bày theo giọng Bắc.
Sau đấy còn có sự đóng góp của đông đảo thi sĩ di cư từ miền Bắc, và cả các nhà
thơ tòng quân nhập ngũ, khiến nghệ thuật phổ thơ vào nhạc còn đem lại một phong
thái khác hẳn cái thời mà chúng ta gọi là “tiền chiến.”
Cũng từ đấy, người nghe khó phân biệt được sáng tác Y Vân, Nguyễn Văn Ðông, Lê
Dinh, Minh Kỳ hay Lam Phương với ca khúc của nhạc sĩ di cư đất Bắc. Nếu có khác
thì đấy là giữa thể loại ca khúc của thành phố thanh bình, có men rượu, khói
thuốc và cả một chút Paris, với nhạc chân quê hay nhạc của người lính thời
chiến.
Cho đến khi Nam Bắc thật sự là một nhà, và khi nền tân nhạc hết phân biệt hậu
phương hay tiền tuyến thì chúng ta gặp cuộc đổi đời thứ hai, biến cố 1975. Lần
này cũng vẫn phong ba giông tố, nhưng không là một nơi chốn mới của quê hương
mà là một sự giã biệt bi thảm hơn. Sang năm, chúng ta sẽ viết lại chuyện
này....
Từ nhiều tháng nay, người viết ngồi dưỡng bệnh bằng nhạc, cho đến khi tòa soạn
Người Việt yêu cầu một bài đặc biệt về tân nhạc trong và sau biến cố 54.
Không vì “yêu sách” của tờ báo mà vì yêu nhạc, Quỳnh Giao cố gõ lại trí nhớ mà
gửi độc giả bài này, với một kết luận là sự tri ân của một người đã nghe và
hát: “Nền tân nhạc Việt Nam có nhiều tác phẩm nghệ thuật nhất, và đáng nhớ nhất
vì còn được hát ngày nay, là ở miền Nam, trong giai đoạn 1954-1975. Trước đấy
thì chưa có và sau đó thì không còn...”
Quỳnh Giao
No comments:
Post a Comment