Friday, July 18, 2014
Hà Nội những ngày Tháng Tám, 1954 là khoảng thời gian mọi người đều bối rối,
tất bật, và hoang mang với những gì sắp xảy đến. Còn tôi, người viết bài này,
khi ấy còn là một chú bé mới lớn, đủ để biết được nhiều chuyện nhưng chưa thể
cảm nhận và suy nghĩ về nhiều việc khác.
Ngã 5 trung tâm thành phố từ hồ Hoàn
Kiếm đến phố Hàng Ðào không còn nhộn nhịp sau ngày Hiệp Ðịnh Geneva 20 Tháng
Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Tôi nhớ rằng hiệp định đình chiến ký kết ngày 20 Tháng Bảy ở Geneva không được
đón mừng như sự khởi đầu của một giai đoạn hòa bình. Từ nhiều năm, tiếng
"đại bác đêm đêm vọng về thành phố" đã là chuyện bình thường không
làm mấy ai quan tâm lo lắng. Hệ thống đồn bót do quân đội Liên Hiệp Pháp thành
lập làm vòng đai bảo vệ vùng đồng bằng sông Hồng, có thông lệ bắn yểm trợ lẫn
cho nhau bằng ít phát trọng pháo vu vơ ngay cả khi không bị tấn công, mà chỉ
nhằm mục đích răn đe đối phương hay tạo sự an tâm cho đơn vị bạn.
Giữa đất nước chiến tranh, Hà Nội là một hậu phương hoàn toàn thanh bình. Thời
kỳ ấy hiếm có những cuộc đột kích vào thành phố hay nổ bom khủng bố. Chiến
tranh chỉ xuất hiện gián tiếp bằng những đơn vị quân đội trở về hậu cứ nghỉ
ngơi sau một chiến dịch dài. Lúc đó cái làm cho người dân e ngại là những chú
"Tây say," lính Lê Dương uống rượu đi lang thang phá phách trên đường
phố. Tuy nhiên chuyện ấy chỉ xảy ra ở một số khu vực gần các doanh trại và tình
trạng gây rối loạn ít khi lên tới mức độ trầm trọng.
Ðối với đám học sinh nhỏ chúng tôi thì chiến tranh là những hình ảnh lạ mắt, có
thể là hấp dẫn như phim chiếu bóng. Buổi nào có giờ nghỉ học tình cờ, chúng tôi
thường kéo nhau ra chơi ngoài bờ sông và từ trên đê cao thỉnh thoảng nhìn thấy
máy bay thả lính nhảy dù xuống bãi tập ở phía xa bên kia sông Hồng.
Cảnh tiêu điều của Chợ Hôm, chợ lớn thứ
nhì của Hà Nội sau chợ Ðồng Xuân.
(Hình:
Hà Tường Cát)
Trong mấy tháng đầu năm 1954, tôi theo dõi được trận Ðiện Biên Phủ qua những
chiếc máy bay. Những máy bay vận tải DC-3 Dakota của quân đội Pháp, sau này gọi
là C-47, lên xuống phi trường quân sự Bạch Mai đều đặn hàng ngày lượn vòng trên
phía Nam thành phố và bay qua nhà tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi cũng quen để phân
biệt được ngay cả các máy bay chiến đấu F6F Hellcat của hải quân và F8F Bearcat
của Không Quân, thoạt nhìn rất giống nhau.
Bay cao hơn ngang qua không phận Hà
Nội là những chiếc máy bay oanh tạc B-26 của Không Quân Pháp và sau đó một vài
chiếc PB4Y-2 Privateer của Hải Quân Mỹ cất cánh từ phi trường Cát Bi, Hải
Phòng.
Cũng là lần đầu tiên những chiếc "máy bay hai mình" Flying Box Car
của Mỹ (C-119 của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa sau này) chở hàng thả dù xuống
Ðiên Biên Phủ tiếp tế cho quân đội Pháp, thường xuyên bay ngang bầu trời Hà Nội
mỗi ngày. Ngoài ra đám bạn học chúng tôi cũng thường rủ nhau đến bãi đất trống
trước bệnh viện quân sự Ðồn Thủy để nhìn thấy tận mắt những chiếc trực thăng
tải thương từ Ðiện Biên Phủ trở về khi cứ điểm này chưa bị siết chặt vòng vây.
Bằng sự tò mò ham thích về các loại máy bay như thế, việc di cư vào miền Nam
bằng đường bay được coi như một cơ hội vô cùng thú vị, chứ ở tuổi thiếu niên
tôi chưa thể hiểu hay có quan tâm thắc mắc gì về tương lai. Có điều tôi không
khỏi có nhiều lưu luyến với những nơi chốn, với nếp sinh hoạt đã quen và một số
bạn bè thân ở lại miền Bắc. Thứ tình cảm ấy là do tuy còn bé, tôi đã có nhiều
kỷ niệm về Hà Nội hơn những người cùng lứa tuổi. Là con một trong gia đình nên
ông bố tôi đi đâu cũng dắt theo, chỉ dẫn tỉ mỉ về thành phố Hà Nội và làng mạc
phụ cận, từ Nghĩa Ðô trong các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài thời tiền chiến cho
tới làng Vòng nổi tiếng về làm cốm, Trại hàng hoa Ngọc Hà hay làng Nhật Tân
chuyên trồng cành đào bán ngày Tết...
Thời gian ấy nhiều người vẫn tin rằng di cư vào Nam chỉ là một cuộc ra đi tạm
thời, hai năm sau có tổng tuyển cử sẽ có thể trở về bình thường. Nhưng bố tôi
bảo rằng sẽ còn lâu lắm hay không bao giờ trở về nữa.
Tôi chẳng thắc mắc vì sao ông tin như vậy, và bây giờ chắc chắn hiểu rằng ông
không thể nào mường tượng rằng tôi sẽ còn phiêu bạt xa hơn rất nhiều nữa.
Những ngày trước khi rời Hà Nội, tôi thường xách chiếc Kodak 6x9, kiểu máy chụp
hình kéo ra như chiếc đàn phong cầm, đi chơi khắp thành phố để cố ghi lại những
kỷ niệm. Ðó là những hình ảnh qua cặp mắt của một thiếu niên, nghĩa là rất trẻ
con, không có trình độ diễn tả được những nét tiêu biểu trong sinh hoạt của một
thành phố đang biến chuyển.
Chợ Trời ở đường Hồ Xuân Hương gần hồ
Thuyền Quang, nơi dân chúng chuẩn bị di cư bán đi các đồ đạc trong nhà, là khu
vực đông đảo nhất Hà Nội vào Tháng Tám, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Thành phố đông đúc hơn do dân chúng từ các tỉnh đồng bằng đổ về tìm đường di
cư, nhưng sinh hoạt ở những khu phố buôn bán thì sút giảm không còn vẻ rộn rã
thường ngày. Nơi tập trung nhộn nhịp nhất là khu vực gần hồ Thiền Quang phía
Nam thành phố, một khu nhà dân, không có những cửa hàng thương mại nhưng có hè
phố rộng. Nơi đây trở thành Chợ Trời (dân Bắc gọi là Chợ Giời) có lẽ là đầu
tiên ở Hà Nội.
Khác với chợ trời năm 1975 ở Sài Gòn, dân Hà Nội 1954 không có nhiều thứ đồ gia
dụng nên hầu hết những món đem ra bán là đồ gỗ, bàn ghế, giường tủ và cả bàn
thờ.
Tôi rời bỏ miền Bắc ngày 30 Tháng Tám, 1954, 40 ngày sau Hiệp Ðịnh Geneve và
hãy còn thời gian hai tháng để ai muốn ra đi hay ở lại được quyền tự do chọn
lựa. Bố tôi nói là đừng nên đi trễ quá, có thể gặp khó khăn và không giải thích
gì thêm. Hầu hết những gia đình định di cư vào Nam đều giữ kín ý định cho đến
ngày ra đi. Trái lại gia đình tôi thì không làm được điều ấy. Trong khoảng một
tháng trước ngày đi, nhà tôi trở thành chỗ tạm trú của nhiều người quen từ Nam
Ðịnh, Ninh Bình, Phát Diệm lên Hà Nội tìm đường ra đi.
Ðến lúc ấy tôi mới dần dần hiểu ra rằng bố tôi là người có nhiều liên hệ với
Việt Nam Quốc Dân Ðảng, chẳng biết là đảng viên hay thế nào, vì ông không bao
giờ cho biết. Ông nói với con đủ mọi chuyện nhưng trước sau không bao giờ nói
chuyện gì liên quan đến chính trị. Sau này khi tôi trưởng thành và ông đã già
yếu cũng không khi nào ông tỏ ra thắc mắc với sinh hoạt của tôi và luôn luôn
đồng ý về tất các việc gì tôi làm. Ðó là điều khiến tôi rất thân và quý mến ông
bố mình.
Buổi tối trước ngày đi, gia đình tôi thuê một chiếc xe "ba gác," kiểu
như xe bò bánh gỗ nhưng do người kéo, chất đầy hành lý, đi đến nơi tập trung ở
một trường tư thục nhỏ ngay giữa trung tâm thành phố. Tôi nhớ đã làm một việc
dại dột là khi mọi người còn đang bận rộn thu dọn nơi tạm trú qua đêm thì lén
ra ngoài và đi bộ chừng hơn một cây số trở về để nhìn lại căn nhà cũ.
Bà mẹ tôi chửi mắng nặng nề khi thấy tôi về sau khoảng một giờ vắng mặt đâu mất
khiến mọi người đều sợ tôi "bị người ta bắt thì sao." Như thường lệ,
ông bố tôi bình thản can thiệp, nói rằng việc qua rồi không có gì lo lắng nữa.
Nhưng nghĩ lại tôi mới cảm thấy hơi sợ, không phải vì cho rằng có ai muốn bắt
mình, nhưng nhớ lại cảnh đường phố vắng lặng dù mới là chập tối, các nhà đều
đóng cửa sớm, sinh hoạt khác hẳn bình thường trước kia.
Chúng tôi lên máy bay từ phi trường Gia Lâm và bay ngang thành phố thân thiết
một lần chót cho tới gần 40 năm sau mới có lần thấy lại. Ðó là một máy bay vận
tải C-46 hai động cơ cánh quạt chở được trên 50 người, nghĩa là gần gấp đôi
loại C-47 quen biết hơn với mọi người. Thân máy bay ghi tên hiệu CAT (Civil Air
Transport) có vẻ như một máy bay hàng không dân dụng, thật ra hầu hết sứ mạng
của nó là những hoạt động bí mật. Ðây là kiểu máy bay gắn bó với chiến tranh
Việt Nam sau này, thường không sơn chữ số và dấu hiệu gì trên thân, thi hành
những phi vụ thả dù biệt kích, đồ tiếp liệu hoặc chuyên chở hàng hóa và nhân
viên cho các cơ quan dân sự hay tình báo Hoa Kỳ.
Bố tôi (quần áo trắng đội mũ) đứng chờ danh sách di cư vào Nam tại sở học chính Bắc Việt, Hà Nội, cuối Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Qua khung cửa sổ máy bay là hình ảnh của những nơi sẽ trở thành rất thân thuộc với tôi trong hơn 30 năm kế tiếp, từ bờ biển, sông ngòi, núi rừng Trường Sơn cho đến các chiếc tàu biển trên dòng sông uốn cong bên thành phố Sài Gòn có những nhà mái ngói đỏ.
Tuy nhiên khác nhạc sĩ Vũ Thành và nhiều người ở thế hệ ông chỉ có "Giấc Mơ Hồi Hương," sau này tôi có thể trở lại nơi cũ dù trong những hoàn cảnh và điều kiện khác với mong ước. Ðiều tình cờ chua chát là tôi trở về gần quê cũ, 23 năm sau cũng đúng vào ngày 30 Tháng Tám, trên đoàn xe chở "tù cải tạo" xuất phát từ trại T-20 đi ngược quốc lộ 1 về hướng Bắc.
Lần thứ nhất tôi thực sự trở lại Hà Nội là năm 1989 khi làm việc trong văn phòng của một nhóm tư vấn đầu tư ở Sài Gòn, và được cử đi thương lượng cho một hãng Pháp có dự án mua lại các xe điện cũ ở Hà Nội để thay thế bằng xe bus. Năm ấy thành phố chưa thay đổi nhiều ngoại trừ một số cư xá mới xây cất cho cán bộ công nhân và những "chuồng cọp" trên các tầng lầu. Trong thời chiến tranh, dân Hà Nội ở những căn hộ do chính quyền phân phối cấp phát, tìm cách tăng diện tích bằng cách lấn ra ngoài các bao lơn được quây xung quanh bằng lưới sắt và họ đặt cho cái tên là "chuồng cọp." Chưa phát triển theo đường lối kinh tế tư bản nên thành phố năm ấy còn sạch sẽ vì chẳng có nhiều hàng hóa tiêu dùng và rác.
Nhưng tới năm 2010 khi Hà Nội kỷ niệm "1000 năm Thăng Long" thì nhiều cảnh vật đã hoàn toàn khác. Ðường phố đầy người và xe cộ, nhất là xe máy hai bánh, hàng quán mọc lên vô trật tự khắp nơi và những nét cổ xưa chỉ còn rải rác len lỏi ở một đôi chỗ. Giống như Sài Gòn, Hà Nội có rất nhiều quán cà phê từ hạng sang trọng và đẹp cho đến những quán nằm trong các ngõ phố hay trên tầng lầu hiểm hóc. Ðó là nơi hấp dẫn du khách tò mò và người như tôi, muốn trao đổi tìm hiểu những khía cạnh sinh hoạt của người mới và người cũ.
Một buổi tối vào Cà Phê Giảng, tên quen thuộc của dân Hà Nội ngày xưa, bây giờ không còn là căn nhà nhỏ bé ở phố Cầu Gỗ mà là cửa hàng ba tầng lầu gần hồ Hoàn Kiếm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một nhóm sinh viên vừa mãn giờ học về. Họ không còn cắn hạt hướng dương bỏ rác đầy sàn mà phần lớn đều bận bịu với máy điện thoại di động trong tay. Tình cờ một cô bé nhận xét: "Bác nói tiếng Hà Nội chuẩn lắm." Tôi bật cười hỏi lại theo em thế nào là chuẩn? Ðúng là có một thời gian người dân miền Nam, trong đó có tôi, cảm thấy thứ tiếng của dân "Bắc Kỳ 75" rất khó nghe. Nhưng rồi tôi thành thật giải thích với họ: "Chẳng có thứ tiếng Hà Nội nào là chuẩn. Thời vua Lý Thái Tổ 1000 năm xưa khác, thời Tây trước 1954 khác và sau này khác. Không có người Hà Nội truyền thống đâu, hầu hết họ là người từ những nơi khác đến thành phố làm việc ở mỗi thời kỳ của lịch sử. Như thế tôi coi giọng Hà Nội ngày nay không giống tôi mới là Hà Nội chuẩn."
Tôi hiểu nhiều người sẽ không đồng ý với tôi về suy nghĩ ấy. Nhưng thời gian đem đến mọi thay đổi và muốn hay không muốn, phải chấp nhận thực tế là nói chuyện 60 năm cũ thì được, chứ người ta không thể trở lại với sinh hoạt của 60 năm hay 1000 năm trước. (HC)
Hà Tường Cát
Source: nguoiviet.com
No comments:
Post a Comment