Lời mở đầu: Bài này trích trong quyển “Chính Biến 1-11-1963 & Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của tác giả Ngô Đình Châu, xuất bản năm 2009.
Trong những năm đầu tiên của chế độ, khi toàn dân cùng với chính quyền bắt tay vào việc xây dựng đất nước, thì đã gặt hái được những thành quả ngoạn mục như sau:
Trước hết là việc chuyên chở và định cư cho hơn 900.000 người di cư, trong đó có gần 700.000 người Công giáo. Việc chuyên chở người di cư từ Bắc vào Nam được kế hoạch và sử dụng phương tiện chuyên chở của Pháp và Mỹ. (Sài Gòn trong tôi - Ngô Đình Châu)
Công cuộc định cư sở dĩ hoàn thành mau chóng và tốt đẹp là một phần nhờ ông Diệm đã chọn được, những vùng đất phì nhiêu rộng lớn cho dân di cư. Ví dụ như ông Diệm đã:
– Lấy đất Cái Sắn màu mỡ cấp phát cho 45.000 nông dân.
– Lấy bờ biển Bình Tuy và đảo Phú Quốc, nổi tiếng nhiều hải sản cho dân chài lưới.
– Lấy Long Khánh, Định Quán, Gia Kiệm, Hố Nai cho dân khai thác lâm sản và làm đồ mộc.
– Lấy Ban Mê Thuột và Cao Nguyên đất đỏ phì nhiêu cho dân trồng trọt hoa mầu xuất cảng.
– Lấy vùng Ngã Ba Ông Tạ, Tân Bình, Gò Vấp chung quanh Sài Gòn cho dân thương mãi và kỹ nghệ…
Nhờ chính quyền dành cho mọi sự dễ dàng, nhờ Tổng Thống Diệm chú tâm nâng đỡ, chẳng bao lâu người dân di cư miền Bắc đã hội nhập dễ dàng vào cuộc sống của dân miền Nam, mà trước đó họ coi là vùng đất xa lạ.
Và cũng chẳng bao lâu, đời sống dân di cư đã đi từ ổn định, đến trù phú còn hơn cả dân địa phương. Công cuộc định cư mau chóng và tốt đẹp cho hơn 900.000 người di cư, đã làm cho các quốc gia trên thế giới, nhất là Hoa Kỳ phải khâm phục. (Sài Gòn trong tôi - Ngô Đình Châu)
Một bác sĩ trẻ của Hải Quân Mỹ, ông Tom Dooley, một nhân vật rất mộ đạo Thiên Chúa, từng tham gia vào việc chuyên chở người Bắc di cư vào Nam, Ông nhận thấy tinh thần chống cộng cao độ của người Thiên Chúa Giáo Việt Nam, nên ông đã tình nguyện ở lại miền Nam để thực hiện nhiều công cuộc nhân đạo, viết sách ca ngợi công trình di cư và định cư, làm cho nhân dân Mỹ càng thêm kính phục Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Đây là một thành công lớn về mặt xã hội của Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.
Trong những năm 1955–1956. Ngoài công cuộc định cư cho dân miền Bắc, nhiều cải cách xã hội, cũng như những biến cố chính trị tốt đẹp khác, càng làm tăng thêm uy tín của ông Diệm:
– Ngày 4 tháng 4 năm 1956, Chính Phủ bắt ông Ưng Bảo Toàn, Tổng Giám Đốc Thương Mãi ở Bộ Kinh tế vì tội bán gạo chợ đen cho bọn VC.
– Ngày 28 tháng 4 năm 1956, quân đội viễn chinh Pháp xuống tàu về nước.
– Ngày 13 tháng 7 năm 1956, xử tử tướng Ba Cụt, một vị lãnh tụ nghĩa quân Hòa Hảo, chấm dứt tình trạng mất ổn định tại miền Tây Nam Phần.
– Ngày 21 tháng 8 năm 1956, Chính Phủ bắt ông Vũ Đình Đa và đồng bọn về tội biển thủ mấy triệu bạc của Ngân Hàng Quốc Gia.
– Ngày 26 tháng 10 năm 1956, ông Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa.
Sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp Định Genève được ký kết giữa bọn cộng sản bắc việt, tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Pháp, tạm thời chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Hệ thống bộ máy dân sự và lực lượng quân sự của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được tập trung ở miền Bắc, và hệ thống bộ máy dân sự và lực lượng quân sự của chính quyền Liên Hiệp Pháp được tập trung ở miền Nam.
Điều 14 phần (d) của Hiệp định cho phép người dân ở mỗi phía di cư đến phía kia, và yêu cầu phía quản lý tạo điều kiện cho họ di cư trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến (Điều 2), tức chấm dứt vào ngày 19 tháng 5 năm 1955.
Để giám sát thực thi hiệp định, Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến được thành lập theo điều 34 của Hiệp Định với đại diện của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, và Canada.
Theo tuần báo Time, những người di cư vào miền Nam, đặc biệt những người Công Giáo Việt Nam, đã bị đàn áp tôn giáo khắc nghiệt dưới chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (cộng sản). Nhiều người lại vì lý do chính trị: họ là những người làm việc cho Pháp, hay giới tư sản, tiểu tư sản không có cảm tình với nhà cầm quyền cộng sản.
Một số người là nạn nhân của chính sách “Cải cách ruộng đất” tàn độc của cộng sản tại miền Bắc Việt Nam, bị cộng sản cướp mất tài sản nên phải bỏ quê ra đi. Vào lúc này, các Linh Mục miền Bắc cũng đã cùng với các con chiên di cư vào Nam.
Bên phe cộng sản luôn hèn hạ tìm cách ngăn cản, đe dọa và phá hoại cuộc di cư của đồng bào. Những tờ bích chương và bươm bướm do Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến in và trao cho hai bên phổ biến cho dân chúng, biết về quyền tự do di tản thì bị bọn cộng sản dấu đi, không phân phát cho đồng bào biết.
Hơn nữa, chính Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã mở cuộc điều tra đơn khiếu nại của Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà về hành động “cưỡng bách di cư.” Trong số 25.000 người Uỷ Hội tiếp xúc, hoàn toàn không có một ai nhận là họ bị “cưỡng bách di cư” hay muốn trở về miền Bắc cả, như lời tố cáo láo phét và xảo trá của bọn cộng sản.
Ngoài những người di cư vào Nam vì lý do tôn giáo (chiếm 2/3 tổng số), số còn lại là những người thuộc khuynh hướng chính trị chống cộng sản. Những người có liên hệ với chính quyền Pháp hay Chính Phủ Quốc Gia. Thành phần tư sản thành thị và những gia đình nông thôn lo ngại vì chính sách cải cách ruộng đất.
Thêm vào đó là những người thuộc dân tộc thiểu số, đã từng theo quân đội Pháp chống Việt Minh. Trong đó có khoảng 45.000 người Nùng vùng Móng Cái và 2.000 người Thái và Mèo từ Sơn La và Điện Biên. (Sài Gòn trong tôi - Ngô Đình Châu)
Tiến trình
Hàng loạt “tàu há mồm” (landing ship) đã đón người di cư rời miền Bắc.
Ngày 9 tháng 8 năm 1954, Chính phủ Quốc gia Việt Nam của tân Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, lập Phủ Tổng Uỷ Di Cư Tỵ Nạn, ở cấp một Bộ trong Nội Các với ba Nha đại diện: một ở miền Bắc, một ở miền Trung và một ở miền Nam để xúc tiến định cư.
Thêm vào đó là Uỷ Ban Hỗ Trợ Định Cư, một tổ chức cứu trợ tư nhân giúp sức. Vì không có đủ phương tiện cho những người di cư vào Nam, nên chính quyền Pháp và Bảo Đại phải kêu gọi các nước khác giúp chuyên chở và định cư. Các chính phủ Anh, Ba Lan, Tây Đức, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Úc và Ý hưởng ứng cùng các tổ chức Unicef, Hồng Thập Tự, Catholic Relief Services (CRS), Church World Services (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Rescue Committee (IRC), Care và Thanh Thương Hội Quốc Tế.
Ngày 4 tháng 8 năm 1954, cầu hàng không được nối phi trường Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn trong Nam với các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai, Hà Nội và Cát Bi, Hải Phòng ngoài Bắc được thiết lập. Nỗ lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ (khoảng 1200 km đường chim bay). Phi cảng Tân Sơn Nhứt trở nên đông nghẹt; tính trung bình mỗi 6 phút một là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới. Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213.635 người.
Ngoài ra, một hình ảnh quen thuộc với người dân tỵ nạn là “tàu há mồm” (landing ship), đón người ở gần bờ rồi chuyển ra tàu lớn neo ngoài hải phận miền Bắc. Các tàu thủy vừa hạ xuống, hàng trăm người đã giành lên. Các tàu của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan… giúp được 655.037 người “vô Nam.” “Nam” được hiểu là cả dải duyên hải miền Nam Việt Nam, từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.
Vì số người di cư quá đông, Cao Uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận, nên ngày cuối cùng thay vì là ngày 19 tháng 5 được đổi thành ngày 19 tháng 8. Trong thời gian gia hạn, thêm 3.945 người đã vượt tuyến vào Nam. Chuyến tàu thuỷ cuối cùng của cuộc di cư cập bến Sài Gòn vào ngày 16 tháng 8 năm 1955. (Sài Gòn trong tôi - Ngô Đình Châu)
Thêm vào đó, còn tới 102.861 người tự tìm đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng. Tính đến giữa năm 1954 và 1956, khoảng trên 900.000 – 1.000.000 người đã di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có khoảng 700.000 người Công Giáo, tức khoảng 2/3 số người Công Giáo ở miền Bắc đã bỏ vào Nam.
Tất cả những thành công trong hai năm đầu của chế độ được xem như là kết quả của những nỗ lực, của một chính quyền tuy còn yếu kém về mặt quản trị, nhưng lại được một sự quyết tâm cộng tác của toàn dân.
Tuy nhiên những nỗ lực này, tự nó và nếu chỉ riêng nó, cũng chưa đủ để hoàn thành việc củng cố miền Nam, nếu không có sự yểm trợ tối đa và vô điều kiện của Hoa Kỳ, mà đặc biệt là của ba người Mỹ đã từng liên hệ chặt chẽ với ông Diệm từ trước. Đó là Hồng Y Spellman, Giáo Sư Buttinger và một nhân vật cao cấp CIA, ba nhân vật (từ đầu) đã hoán cải được quan niệm của Tổng Thống Eisenhower, vốn đã muốn bỏ rơi Việt Nam.
Trong ba nhân vật đó thì Đại Tá Lansdale đóng vai trò cố vấn trực tiếp bên cạnh Tổng Thống Diệm. Ông ta nổi tiếng đến độ không một nhà viết sử nào, khi nói đến sự nghiệp của ông Diệm mà không nhắc đến thân thế và hoạt động của ông ta. Đại Tá Lansdale đến Đông Dương từ năm 1954, làm cố vấn phản du kích cho quân đội viễn chinh Pháp. (Sài Gòn trong tôi/BV/ Ngô Đình Châu)
SOURCE:
Fb Quân đội Việt Nam Cộng Hòa - Brian Vu
+ Điều 14 phần (d) của Hiệp định cho phép người dân ở mỗi phía di cư đến phía kia, và yêu cầu phía quản lý tạo điều kiện cho họ di cư trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến (Điều 2), tức chấm dứt vào ngày 19 tháng 5 năm 1955.
+ Ngày 9 tháng 8 năm 1954, Chính phủ Quốc gia Việt Nam của tân Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, lập Phủ Tổng Uỷ Di Cư Tỵ Nạn, ở cấp một Bộ trong Nội Các với ba Nha đại diện: một ở miền Bắc, một ở miền Trung và một ở miền Nam để xúc tiến định cư.
+ Thêm vào đó là Uỷ Ban Hỗ Trợ Định Cư, một tổ chức cứu trợ tư nhân giúp sức.
+ Ngày 4 tháng 8 năm 1954, cầu hàng không được nối phi trường Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn trong Nam với các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai, Hà Nội và Cát Bi, Hải Phòng ngoài Bắc được thiết lập.
+ Vì số người di cư quá đông, Cao Uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận, nên ngày cuối cùng thay vì là ngày 19 tháng 5 được đổi thành ngày 19 tháng 8.
No comments:
Post a Comment