Wednesday, July 20, 2022

Tài liệu về DI CƯ 1954 - Đi cùng Thánh Giá sang phía Tự Do

 

Friday, July 18, 2014 – Hiệu đính tháng 7/2022

 


Trang đầu nhật báo The Los Angeles Times số ra ngày 21 Tháng Bảy, 1954, với bản tin lớn nhất có tựa đề: "Armistice signed ending fighting in Indo-China, Vietnam to be split in 2 Zones." (Hình: Hà Giang/Người Việt)

 

Ngày 21 Tháng Bảy, 1954, nhật báo The Los Angeles Times đi tin lớn: "Armistice signed ending fighting in Indo-China, Vietnam to be split in 2 Zones" (Hiệp định đình chiến được ký kết, chấm dứt chiến tranh Ðông Dương, Việt Nam bị chia đôi).
Nhật báo The New York Times cũng đi tin lớn: "Indochina armistice is signed; Vietnam split at 17th parallel; US finds it can "respect" pact" (Hiệp Ðịnh Ðình Chiến đã được ký kết, Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến 17, Hoa Kỳ tôn trọng thỏa thuận.)
Tại Pháp, đài phát thanh Hirondelle của quân đội Pháp vang lên lời loan báo: "Hiệp Ðịnh Ðình Chiến đã được ký kết." Tờ báo của quân đội Pháp cũng đăng nguyên câu ấy trên trang nhất bằng chữ lớn.
Mọi người bàng hoàng dù biết trước thế nào việc này cũng sẽ đến.
Thôi, thế là không còn gì để phải băn khoăn về tình hình đất nước!
Giờ đây, điều khẩn cấp nhất mà nhiều người cần quyết định là ở lại đất Bắc hay đưa gia đình vào Nam. Và nếu đi, thì phải làm gì cho kịp thời hạn. Hà Nội có 80 ngày, Hải Dương có 100 ngày, còn Hải Phòng thì có 300 ngày cho mọi người di tản.
Người muốn di cư vào Nam thường là vì lý do chính trị, kinh tế, hay những kinh nghiệm đau thương từng có với Việt Minh - tức Cộng Sản. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.

Hãm hại người Công Giáo muốn ra đi
Giới tư sản lo gia tài của họ có nguy cơ bị tịch thu. Thành phần trí thức không thích Chủ Nghĩa Cộng Sản. Người theo đạo Công Giáo thấy rằng không thể tiếp tục sống nơi họ không được thờ phượng Chúa.
Cũng có người từng là nạn nhân trực tiếp, hay có người thân bị đấu tố, tài sản bị tước hết trong cuộc cải cách ruộng đất từ năm 1953. Cả những đồng bào Thượng ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, trước đây theo quân đội Pháp chống Việt Minh cũng tràn về Hà Nội để tìm đường vào Nam lánh nạn.
Ký giả Gertrude Samuels, trong bài "Passage to Freedom in Vietnam," đăng trên ấn bản Tháng Sáu, 1955 của The National Geographic, viết về trường hợp của ông Ngô Văn Hội, một người mà ông mô tả là "còm cõi trong chiếc áo rách nát và quần cụt đen," như sau: "Gia đình tôi có nhiều người bị giết, cả vì bom của Pháp lẫn vì bị Việt Minh sát hại. Chúng tôi còn bị cộng sản cấm đi nhà thờ."
Và kết luận: "Ðó là lý do tại sao ông Hộ mang vợ và 7 con đến nhà thờ Hưng Yên, nơi ông cùng nhiều người khác trong cùng xứ đạo, bắt đầu cuộc hành trình hơn 1,600 cây số đi tìm tự do."
Theo ghi chép của ông Ðức Khương, trong tài liệu "Người Công Giáo di cư, khúc quanh lịch sử," Giáo Phận Thái Bình có 80,000 giáo dân cùng hơn 60 linh mục đi theo làn sóng di cư.

Trong khi đó, cũng trong tài liệu này, sổ tay của ông ÐÐK, một người Công Giáo Thái Bình, sau này định cư tại Hố Nai, ghi lại: "Sáng ngày 27 Tháng Bảy 1954, cha Chánh Xứ Ðaminh Ðỗ Ðức Thụ cùng toàn thể dân xứ hiệp dâng Thánh lễ cuối cùng tại nhà thờ nhà xứ Lai Ổn để xin ơn bình an cho cuộc lữ hành. Sau Thánh lễ, cha xứ bùi ngùi lên tiếng từ giã thầy xứ và những giáo dân ở lại, từ giã ngôi thánh đường thân yêu, giã từ quê hương yêu dấu là nơi tổ tiên đang an nghỉ, làm nhiều người mủi lòng và khóc nức nở."
"Ðúng 13 giờ cùng ngày, cha xứ dẫn đoàn chiên lên đường, đoàn người lũ lượt theo nhau, tay xách, nách mang ra đi trong thinh lặng buồn bã. Họ bỏ lại sau lưng tất cả nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên. Hành trang quý nhất họ mang theo là một "niềm tin." Thỉnh thoảng, người ta ngoảnh đầu lại ngắm nhìn làng xã thân yêu mỗi lúc một xa dần, rồi mất hút. Sau ba cây số, qua sông Luộc rồi họ nghỉ đêm tại Phụ Dực. Sáng ngày, một đoàn xe đến chở dân xứ sang An Thổ, nghỉ lại đây một đêm, cha xứ cho giết con ngựa quý của mình đãi giáo dân một bữa tiệc."
"Ngày hôm sau, đoàn xe lại đến chở dân xứ ra Xuân Sơn (Kiến An), nghỉ lại đây 25 ngày tại giáo xứ Liễu Dinh để chờ đón những người trong xứ đi sau. Ở đây, tất cả mọi người đều được chích ngừa và chủng đậu. Ngày thứ 25, xe lại đến chuyển dân xứ ra Hải Phòng tá túc qua đêm. Sáng sớm hôm sau, dưới cơn mưa dầm, đoàn xe tiếp tục chuyển bánh ra bờ biển, sau đó mọi người được hướng dẫn xuống tàu 'há mồm.'"

Ký giả Gertrude Samuels, theo sát cuộc di cư kéo dài gần một năm, cho biết, ở nhiều nơi, cả làng kéo nhau đi, và câu hỏi chung của ông với nhiều người "tại sao lại bỏ hết để đi vào Nam," đã được đáp lại bằng những câu trả lời tương tự:
"Vì chúng tôi muốn sống tự do."
"Vì chúng tôi sợ chủ nghĩa Cộng Sản!"
"Vì muốn con cái chúng tôi được tự do theo Ðạo."
"Vì chúng tôi bị bắt phải bỏ Ðạo."
Nhiều tài liệu, tuy đưa ra những con số khác nhau, đều cho rằng việc cấm Ðạo là nguyên nhân khiến phần lớn người Bắc di cư vào Nam là tín đồ Công Giáo.


Trang đầu nhật báo The New York Times số ra ngày 21 Tháng Bảy, 1954 nói về Hiệp Ðịnh Geneva: "Indochina armistice is signed; Vietnam split at 17th parallel; US finds it can "respect" pact." (Hình: Hà Giang/Người Việt)

 

Bác Sĩ Tom Dooley, viết về thời gian phục vụ trên chiến hạm USS Montague trong công tác đưa người di cư vào Nam trong cuốn "Deliver Us From Evil" (Xin Cứu Chúng Con Khỏi Mọi Sự Dữ), xuất bản năm 1961, kể lại một chuyện đàn áp tôn giáo hãi hùng. Ông viết: "Một hôm người ta đưa đến trại tị nạn (ở Hải Phòng) bảy em trai bị thương ở hai tai, máu chảy lênh láng, và một người đàn ông miệng bê bết máu đã ngất xỉu, để xin cấp cứu."
"Tôi đã dùng thuốc trụ sinh, và mọi phương tiện khó khăn lúc đó, để cứu sống những nạn nhân này, nhưng họ vẫn bị tàn tật suốt đời."
"Một người được chứng kiến câu chuyện, sau đó kể cho chúng tôi biết là, hôm đó Việt Minh kéo vào làng, họ đến ngôi trường mà một thầy giáo bị tố cáo là đã lén lút tổ chức những lớp học giáo lý vào buổi tối."
"Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói ra đằng sau."
"Hai người công an đi đến từng đứa trẻ. Một người dùng hai tay nắm chặt lấy đầu đứa bé. Người kia lấy một chiếc đũa bằng tre chọc mạnh sâu vào cả hai đôi tai, máu các em chảy ròng ròng, và cả làng có thể nghe thấy tiếng kêu hét kinh hoàng của những nạn nhân khốn khổ."
"Sau khi đã phải chứng kiến cảnh từng học trò của mình bị chọc hỏng tai, thầy giáo bị trừng phạt bằng một hình phạt nặng nề hơn. Một công an nắm chặt đầu ông, còn người kia banh miệng ông ra, dùng kéo cắt đi chiếc lưỡi đã dám rao giảng những giáo điều đi ngược với chính sách của đảng. Những em học trò này từ nay không thể nghe được lời rao giảng nào nữa, và thầy giáo bị câm thì không còn bao giờ nói được những điều bị cấm."

Bác Sĩ Tom Dooley tâm sự: "Lúc đó tôi mới chỉ là một bác sĩ giải phẫu còn non tay nghề, nhưng đã phải đối phó với nhiều trường hợp mà sách vở nhà trường chưa bao giờ nói đến: chẳng hạn phải làm gì cho trẻ em đã bị chọc đũa vào lỗ tai, cho các bà cụ mà xương cổ vốn đã xốp còn bị đập giập vì báng súng, và cho một linh mục bị đóng đinh vào đầu, vì bị Việt Minh chế nhạo việc chúa Giê Su bị đội vòng gai trên đầu khi chịu chết trên Thánh Giá."

Lập thành trì chống Cộng tại miền Nam
Có nhiều con số khác nhau liên quan đến số người Công Giáo di cư từ Bắc vào Nam.
Theo bản tường trình 14 trang về tình hình người tị nạn ở Bắc Việt của Giám Mục Phạm Ngọc Chi (địa phận Bùi Chu), gửi Bộ Truyền Giáo Roma, tháng 10, 1955, thì trong tổng số 860,206 người di cư vào Nam, có 676,348 giáo dân.

Tác giả Jean Marvier trong cuốn "Les combattants de Dieu" cho rằng 100% người di cư là người Công Giáo.
Theo tác giả Piero Ghedo, trong cuốn "Catholiques et bouddhistes au VietNam," xuất bản năm 1970, thì thống kê của Giám Ðốc Ủy Ban Tị Nạn Sài Gòn cho rằng có tổng số 928,152 người di cư, trong đó 794, 876 là người Công Giáo.
Tác giả Chester Cooper trong "The lost crusade, America in VietNam," đưa ra con số 85% người Bắc di cư là người Công Giáo.
Hai tác giả J. Buttinger trong "VietNam, a dragon embattled," và Bernard Fall trong "Les deux VietNam," cùng đưa ra con số là 65% hay khoảng 650,000 trong 1 triệu người di cư là người Công Giáo.


Dù con số là bao nhiêu, 65%, 78% hay 85%, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người Công Giáo trong cuộc di cư của gần 1 triệu người Bắc vào Nam cách đây 60 năm.
Và khẳng định mạnh mẽ nhất vai trò then chốt này của người Công Giáo trong việc di cư, không ai khác hơn, lại chính là Việt Minh, thông qua thực tế là họ tìm đủ mọi cách ngăn cản người Công Giáo đồng loạt theo nhau vào Nam vào thời gian ấy.

Tập tài liệu lưu trữ tại Bộ Ngoại Giao Ba Lan, có tên "Tường trình về hoạt động của phái đoàn Công Giáo tại Việt Nam từ ngày 13 Tháng Tư đến ngày 30 Tháng Năm, 1955, Hà Nội," mang chữ ký của Wojciech Ketrzynski, cho chúng ta thêm nhiều chứng cớ về tầm quan trọng của việc người Công Giáo di cư, đối với Việt Minh.

Tập tài liệu nói trên do Tiến Sĩ Trần Thị Liên, tiến sĩ sử học tại Pháp, dịch và phổ biến năm 2005. Ngay từ đầu, tài liệu đã hé lộ cho thấy ngay sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan đã được phía Việt Minh yêu cầu giúp giải quyết vấn đề người Công Giáo ồ ạt di cư vào Nam.

Là một thành viên phái đoàn Công Giáo Ba Lan được Việt Nam mời qua thăm vào mùa Xuân 1955, ông Wojciech Ketrzynski kết luận bản tường trình nói trên bằng câu: "Trong tổng thể các vấn đề chính trị của Việt Nam, yếu tố Công Giáo tuy không giữ vai trò quan yếu nhất, nhưng vì là nhóm tôn giáo có tổ chức, thuần nhất và lớn mạnh nhất, Công Giáo có một trọng lượng nhất định trong cán cân quyền lực chung."
Trước cuộc di cư, dân số miền Bắc khoảng 12 triệu người, so với dân số khoảng 11 triệu người ở miền Nam. Con số 1 triệu người di cư vào Nam, với Việt Minh, vừa là một sự mất mặt, vừa là một đe dọa lớn.

Một mặt họ đàn áp người Công Giáo, vì chống đối họ, mặt khác lại tìm đủ mọi cách để đe dọa, ngăn cản, thậm chí hãm hại người Công Giáo tìm cách di cư vào Nam, vì không thể đứng yên nhìn cán cân quyền lực nghiêng về phía đối phương.
Người Công Giáo di cư còn đóng vai trò lớn vì họ không chỉ đi từng người, từng nhà, mà là đi từng làng một. Việc họ đi theo các vị linh mục, lãnh đạo tinh thần, và chăm lo cho cả đời sống xã hội của họ, là một điều hết sức tự nhiên. Thái độ tôn kính và vâng lời gần như tuyệt đối của con chiên với các cha, các giám mục của cộng đồng người Công Giáo miền Bắc cũng gây một ảnh hưởng lớn trong việc tái định cư và hòa nhập của người Bắc di cư vào xã hội miền Nam.
Nhiều thống kê cho thấy, ngoại trừ Hà Nội là một trong 2 điểm tập trung cho quá trình di cư, giáo phận nào có giám mục chọn ra đi thì số linh mục và giáo dân cũng ra đi đông đảo; ngược lại giáo phận nào mà giám mục chọn ở lại thì số ra đi cũng ít hơn.
Khi đã vào Nam rồi, người Công Giáo lại tiếp tục sống quây quần sinh hoạt với nhau trong những giáo xứ, giáo phận, tạo thành một cộng đồng có bản sắc riêng, và tạo nên những thành trì chống Cộng vững chắc cho miền Nam. (H.G.)
 

SOURCE: nguoiviet.com

 

Di Cư 1954


Di Cư 1954 - Cuộc bỏ phiếu bằng chân lịch sử 

- Passage to Freedom

.

No comments:

Post a Comment