Saturday, July 9, 2022

Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ : Sách Nói "TÔI PHẢI SỐNG"

 




Playlists:
 
 
 

 

.

Trích đoạn: Phạm văn Duyệt – Những Văn Nghệ Sĩ can trường

LM. NGUYỄN HỮU LỄ (1943 - ...)

Trước 75, Linh Mục Phó Xứ tại các họ đạo ở miền Tây hơn 5 năm.

1976, bị bắt vì tội chống chế độ.

Linh Mục từng phát biểu: "Tôi không chấp nhận sống trong chế độ cộng sản, vì chủ trương vô thần và sự cai trị độc tài, tước đoạt hết các quyền căn bản của nhân dân. Nếu có điều kiện, tôi sẽ chống lại, nếu yếu thế hơn, tôi sẽ trốn chạy, nhưng dứt khoát không đầu hàng. Tôi tin rằng chế độ này không thể mang lại hạnh phúc cho dân tộc".

Bị đưa ra Bắc. Chủ mưu cướp Tàu Sông Hương trên hành trình từ Tân Cảng ra Hải Phòng.

1977, lưu đày lên trại Quyết Tiến, xa biên giới Trung quốc 10 km. Cách ly ở khu kiên giam cùng 5 bạn tù khác. Trại này nổi danh là trại Cổng Trời vì nằm ở cao độ 2.500 m so với mực nước biển, cao gần đụng trời. Thêm nữa, đây là trại trừng giới dành cho tù nhân thuộc diện bất trị, lên đó một thời gian rồi phải...về trời. Ít ai sống sót vì sự giam giữ khắc nghiệt của cán bộ, cùng với khí hậu lạnh thấu xương.

Tình huống này được diễn tả qua tâm trạng của một thi nhân gởi cho người em gái ở quê nhà:

Phương ấy chẳng biết trời có lạnh 

Anh ở phương này lạnh buốt xương 

Tại đây, Linh Mục Lễ đã gặp Người Tù Kiệt Xuất - Đại Úy Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện.

Hai yếu tổ chính hành hạ tù nhân là đói và rét. Nhà giam xây tường bằng đá. Về đêm hơi ẩm tỏa ra biến buồng giam thành tủ lạnh. Tù nhân phải nằm co ro trong đó. Thêm nữa là đói. Không bao giờ được ăn no một bữa. Đói rét như cặp bài trùng, như hai hung thần tranh nhau hành hạ cấu xé da thịt xanh xao của đám tù khốn khổ.

Một bữa rời khu kiên giam đi gặp trại trưởng, tay chân Linh Mục Lễ hoàn toàn tê cóng. Muốn đưa ra bưng chén trà nóng uống cho ấm bụng nhưng không thể với tới vì cơn lạnh làm tay chân run rẩy, hai hàm răng đánh lập cập chẳng nói nên lời. Cả ngày đêm lúc nào cũng quấn chăn vào người.

Mùa đông luôn luôn dưới 0°C, mặt nước hồ đóng váng, không ai dám tắm, chỉ lau mình.

Trại Cổng Trời đúng là nơi chốn Tử Địa, Thần Chết chờ chực tha đi bất cứ lúc nào.

May thay, giữa năm 1978, Trung Quốc chuẩn bị gây chiến. Nhờ vậy mà tù nhân được chuyển về Thanh Cẩm, Thanh Hóa.

Với ý chí vượt thoát. Linh Mục quyết tìm đường trốn trại với 4 bạn tù tâm giao khác. Chẳng may cơ sự bất thành, bị bắt lại. Tất cả chịu những đòn thù. Hôm ấy, tên trật tự Bùi Đình Thi nhảy chồm tới vồ lấy anh Tiếp (Thiếu Tá Phi Công), hắn dùng hai tay túm lấy một tay anh kéo lên, rồi dùng gót chân dậm điên cuồng vùng ngực và bụng, giữa tiếng chửi rủa cổ võ của đám đông cán bộ vây quanh.

Không chịu nổi cú đòn hiếm độc này, anh Tiếp kêu lên thật to: "chắc con chết mất Mẹ ơi !". 

Anh Lâm Thành Văn (Phục Quốc) thì Thi bỏ đói cho đến chết. Còn Đại Tá Trịnh Tiểu và Giáo Sư Nguyễn Sĩ Thuyên bị đánh đập tàn nhẫn.

Riêng Linh Mục Lễ bị Thi và cán bộ thay nhau đấm đá túi bụi khiến Ông ngã quỵ xuống đất, miệng lẩm bẩm khấn nguyện: "Lạy Chúa, xin Người nhận lấy linh hồn con".

Linh Mục nằm chờ chết. Bỗng dưng bản năng sinh tồn trổi dậy một cách mãnh liệt. Như có sức thiêng trợ giúp, Ông bật vùng dậy, nhào lên như con sư tử bị thương, lấy hết tinh lực, húc mạnh vào Thi làm hắn té nhào. Rồi vụt chạy vào buồng giam, nhanh như con thỏ, phóng lên bệ nằm, hai tay vồ lấy móng cùm bằng sắt nặng hơn 1.5 kg, đứng trên bệ xi măng cao giơ lên thủ thể, quyết thí mạng, Thi khựng lại ngay trước cửa cách chừng 2 m. Ngài trợn mắt hét to qua hơi thở gần tắt nghẹn: 

- Bùi Đình Thi ! Mày đã dồn tau vào bước đường cùng. Bữa nay tau đổi mạng với mày. Mày vô đây! Vô đây!  

Dù đang điên tiết vì vồ hụt con mồi đã bị thương, nhưng không dám bước tới. Hắn nghiến răng nghe ken két, giơ thẳng tay chỉ vào mặt Linh Mục: "ĐM mầy Lễ ! Tao giế - ế - ế - ế - ế - t mầy !". May thay, chính cái móng cùm đã cứu mạng Ngài. 

Viên cán bộ vừa đi tới, có vẻ hài lòng thấy hai tên tù đang chực chờ giết nhau. Nếu anh ta biết hai tù nhân này là một giáo dân và một linh mục, chắc anh càng vui sướng hơn. Y ra lệnh cho Thi:

 - Cùm cổ nó lại !

Thấy Thi bước vào, Linh Mục nói:

- Báo cáo cán bộ. Tôi không vào cùm. Nếu bị cùm, anh Thi sẽ đánh tôi chết. 

- Tôi bảo anh vào cùm !

- Nhưng cán bộ có bảo đảm là anh Thi không đánh tôi?

- Tôi bảo đảm !

Linh Mục Lễ nói: Lần đó tôi mới hiểu và cảm nhận được một loại sức mạnh của ý chí mà người ta thường gọi là bản năng sinh tồn - vốn là một bí mật của sinh vật, chỉ được khơi dậy khi sinh vật đó bó tay, không có phương cách gì khác để bảo vệ sự sống còn.

Sau 13 năm tù. Một hôm có viên sĩ quan an ninh hỏi:

- Anh Lễ, anh nghĩ thế nào về chủ nghĩa cộng sản?

- Nói thật lòng, tôi nghĩ là chế độ này không thể tồn tại được ông ạ !

- Anh căn cứ vào đâu mà nghĩ như thế?

- Chủ nghĩa cộng sản chủ trương đi ngược lại với bản chất tự nhiên của con người là nhu cầu chiếm hữu cũng đủ nói lên điều tôi khẳng định.

Viên sĩ quan trầm ngâm một lúc rồi nói vừa đủ hai người nghe:

- Anh Lễ, anh hãy giữ suy nghĩ đó trong lòng và đừng nói ra. Tôi cũng nghĩ như anh nhưng anh biết hoàn cảnh tôi, sính ra và lớn lên trong chế độ. Anh Lễ, vì quý anh, nên tôi thành thật khuyên anh là khi nào được về, anh hãy tìm cách ra khỏi nước mà sống.

Ở tù càng lâu, Linh Mục càng tạo được mối dây liên lạc gần gũi với một số cán bộ trại như Trung Úy T, nhờ Linh Mục dạy Anh Văn. Một người nữa là cô KT, cán bộ tài vụ, người đã rơm rớm nước mắt vẫy tay từ biệt Ngài nhân ngày được thả ra khỏi tù với lời nhắn nhủ trong giây phút chia ly: "đừng quên viết thư về cho em". Linh Mục nhận thấy rõ rệt là khoảng cách lằn ranh do ý thức hệ tạo ra càng lúc càng thu hẹp lại và lu mờ dần. Điều này càng củng cố lý luận của Ông, chỉ vì chủ nghĩa ngoại lai mà dân tộc Việt Nam bị phân ly, nhìn nhau như kẻ thù. Trong thực tế, dân tộc Việt Nam là một, chẳng vì lý do gì phải chia rẽ, hờn căm, chém giết nhau.

Tháng 6.88 được tha về. Quay lại nhìn trại Nam Hà lần cuối, Linh Mục buộc miệng: Thời gian qua mau ! Mới ngày nào mình ngỡ ngàng trên chuyến xe từ Hải Phòng đến đây trong đêm sương mù giá lạnh, mà bây giờ đã gần 12 năm ! Đời người như một giấc chiêm bao !

Kết thúc quãng đời tù, Linh Mục đưa ra nhận định: Lòng nhân đạo của con người thì có giới hạn nhưng sự ác độc thì vô tận ! Nhất là khi sự ác độc đó được khuyến khích cổ vũ bởi chế độ phi nhân bạo tàn như cộng sản Việt Nam.

Ra tù, Linh Mục vượt biên rồi định cư ở Tân Tây Lan. Còn Bùi Đình Thi tới Mỹ theo diện H.O. Nhưng đến 2005, Thi bị Bộ Di Trú trục xuất qua Marshalls Island theo phán quyết: Bùi Đình Thi đã vi phạm nhân quyền của nhiều người tù chính trị trong trại cải tạo cộng sản sau 1975.

Năm 2003, Linh Mục Lễ phát hành bút ký Tôi Phải Sống, với sự hoan hỷ giúp sức của hằng trăm thân hữu. 

- Lời Giới Thiệu của Nguyễn Cao Quyền ngày 20.6.2003 (baovecovang.wordpress.com): Thụ phong Linh Mục 1970. Sau 75, bị cuốn vào vòng lao lý. Lê gót chân hết nhà tù này đến trại giam khác từ Nam chí Bắc để chịu kiếp đọa đày mà những người cộng sản nhẫn tâm áp đặt đối với đồng bào ruột thịt.

Một phần bút ký tả lại khung cảnh hãi hùng của 13 năm tù ngục. Vì tiếp giáp với thần chết trong suốt thời gian cơ cực ấy nên tác giả đã nêu quyết tâm phải tồn tại để làm nhân chứng sống cho một giai đoạn cực kỳ thảm thương của đất nước, và để thay đổi quan điểm sai lầm của một phần dân tộc về cái chủ nghĩa ngoại lai đã lỗi thời đáng vứt vào sọt rác của lịch sử.

- Tâm tư của Linh Mục Lễ tại buổi phát hành Tôi Phải Sống ở Brisbane (Việt Báo 26.1.04): Tôi đến đây là để chia xẻ cùng với quý vị cái đau chung của Tổ Quốc, cái nhục chung của đồng bào. Ngoài thiên chức của một Linh Mục, tôi vẫn là một người Việt Nam, luôn luôn sát cánh cùng mọi người trong nổ lực phục hồi nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo cho đất nước.

- Bài viết của Nhà Văn Huy Phương nhân dịp tái bản Tôi Phải Sống (Người Việt 19.11.13): Tôi Phải Sống được xem là cuốn sách bán chạy nhất tại hải ngoại vào những năm 2002 - 2004 với hơn 17.000 ấn bản đã bán sạch. Do nhu cầu muốn mua Bút Ký này của rất đông độc giả, Linh Mục sẽ cho tái bản lần thứ ba vào cuối tháng 11.13 với phần bổ sung cho những thiếu sót và lược bỏ vài chỗ không cần thiết.

Tuy bận rộn vì công việc bộn bề, Linh Mục vẫn tiếp tục tranh đấu cho quê hương. Một trong những thao thức của Ông là khởi xướng Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Saigon. Tại Đại Hội Thế Giới của Phong Trào này, Linh Mục đã phát biểu (Việt Tân.org, 13.5.07):

Kể từ ngày 2.7.76 u ám đó trong lịch sử Việt Nam, Saigon đã bị cưỡng bức thay tên đổi họ, trở thành cái tên quái đản và đầy nhục nhã. Cái tên dính đầy máu me của một kẻ sát nhân ! Kẻ giết người không gớm tay trong cuộc "Cải Cách Ruộng Đất", kẻ chôn sống hằng ngàn đồng bào vô tội tại Cố Đô Huế. Ôi đau thương và ngập tràn bi hận cho số phận của Saigon được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông ! 

Trong tình cảnh uất nghẹn đó, Linh Mục ghi lại mấy lời thơ của một người đã khóc thay cho Saigon:

Tên em "Hòn Ngọc Viễn Đông"

Bị ép duyên lấy thằng chồng bất lương 

Đưa em vào thế cùng đường

Phải mang tên gọi thảm thương "Thành Hồ".

 
.

No comments:

Post a Comment