Tháng 6/2021
Lê Thy đánh máy từ sách do TM gởi tặng
Hồi ký gồm 11 chương sẽ lần lượt đăng tải trên Blog
Tiểu sử tác giả
Tựa: của Mai Thảo và Vũ Khiêm
Tiểu sử tác giả
Ông Trần Huỳnh Châu sinh năm 1937 tại Nha Trang. Thời chiến tranh trước năm 1954 ông theo gia đình tản cư về nguyên quán tức vùng rừng núi Quảng Nam. Tới năm 1952 ông trốn về vùng do chính quyền Quốc Gia kiểm soát, trở lại Nha Trang rồi vào Ba Ngòi làm giáo viên ở một trường tiểu học tư thục. Một năm sau, ông trở về Nha Trang, tiếp tục theo học trường Võ Tánh cho đến khi đổ văn bằng Tú Tài phần nhất. Vào Sài Gòn theo học trường Chu Văn An rồi thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1958.
Vốn thuộc gia đình cách mạng nên Trần Huỳnh Châu luôn luôn có những tư tưởng và hành động tích cực trong tâm niệm là phải làm một cái gì cho Tổ quốc. Cho nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã được nhiều người chú ý. Một năm sau khi tốt nghiệp, Trần Huỳnh Châu đã giữ một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là Chánh sự vụ Sở Thông Tin Đô Thành. Ba năm sau, ông được cử làm Phó Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi. Năm 1968, ông nhập ngũ theo lệnh động viên vào khóa 3/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Khi nhận cấp bậc chuẩn úy trừ bị, ông lại được biệt phái về Bộ Nội Vụ để đi làm Phó Tỉnh Trưởng Kiến Hòa. Tên tuổi ông trong giới hành chánh mỗi ngày một nổi bật và được coi là một trong những cán bộ trẻ có tài. Năm 1973, ông được mời giữ chức Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ.
Khi miền Nam lọt vào tay Cộng sản, Trần Huỳnh Châu bị bắt đi “cải tạo” ở trại Long Thành từ tháng 6/1975 đến tháng 10/1975. Ông bị đưa ra Bắc tháng 11/1975, lao động khổ sai ở Quảng Ninh. Tới tháng 8/1978 Cộng sản chuyển ông vào trại cải tạo Lý Bá Sơ ở Thanh Hóa.
Tháng 4/1980 ông mang được một người con trai lên chín tuổi, bỏ vợ và hai người con ở lại, dùng thuyền vượt biển tới Thái Lan. Với uy tín của ông, đồng bào trong trại tị nan Sonkhla đã đề cử ông giữ chức vụ trưởng trại. Cũng chính trong thời gian này, ông đã dành thì giờ để viết tập hồi ký này. Nhưng tập Hồi ký này lại được hoàn tất ở trại tị nạn Ga Lang (Nam Dương) và ngay sau đó đã được chuyển sang Hoa Kỳ, giao cho Ban Chấp hành Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh để tùy hoàn cảnh mà phổ biến.
Tập Hồi Ký của ông Trần Huỳnh Châu do Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh và Tạp chí Tiểu Thuyết Nguyệt San hợp tác ấn hành bằng Vịệt ngữ . Hiện (1981) Hội này đang gấp rút dịch sang Anh ngữ để giao cho một tổ chức quốc tế, mục tiêu là tranh đấu cho nhân quyền, xuất bản và phổ biến khắp thế giới.
Tựa của Mai Thảo
Từ cuối thu ’75 đến đầu xuân ’76, sau khi đã sắp đặt xong guồng máy bạo lực chuyên chính trên toàn lãnh thổ Miền Nam, bầy đao phủ đỏ ở Hà-nội lập tức bắt tay vào thực hiện một loại biện pháp hành hạ và trả thù dân chúng Miền Nam, trong đó lớn lao và thâm độc mọi rợ nhất là cuộc di chuyển hàng trăm ngàn trí thức, chính khách, nghệ sĩ, sĩ quan, công chức quốc gia từ những trại tập trung miền Nam ra những trại tù khổ sai miền Bắc.
Tàn nhẫn không thua gì vụ đày ải hàng triệu thường dân Nga vô tội tới địa ngục Siberie thời Staline; thú vật không kém gì vụ lùa đẩy sáu triệu người Do Thái Âu Châu tới những lò nấu xác của phát xít Đức thời Đệ Nhị Thế Chiên, cuộc chuyển tù vĩ đại từ Nam ra Bắc khởi sự từ mùa đông ’75 đen tối ở Việt Nam cũng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tội ác của loài người. Không được gặp mặt thân nhân trước phút đội gai đi vào con đường khổ hình thăm thẳm của phát vãng biệt xứ vô thời hạn, hai người một còng, từng đoàn, từng đợt tù nhân của chế độ mới, trong mùa nắng đầy đọa, bị đẩy xếp lên những đoàn công-voa, những xe tải bít bùng, những toa tàu đóng kín, đi suốt đêm ngày, đi suốt miền Trung, tới những đia ngục trần gian miền Bắc, đói khát, ngã bệnh một số tù nhân bỏ mình ở dọc đường. Một số tới nơi ít ngày rồi chết. Với phần còn lại, là những tháng năm khổ hình dằng dặc bắt đầu.
Thiết lập phần lớn ở những vùng rừng núi hoang dậm lam chướng nhất trong đó có những trại tù đã rùng rợn nổi tiếng của thực dân và đế quốc để lại, mỗi trại “tập trung cải tạo” của Cộng sản ở miền Bắc là một đáy thẳm âm ty tách rời hẳn với thế giới loài người. Ở những cõi âm này không có tự do, không có ánh sáng. Không có hy vọng, không có ngày mai. Ở những công trường của khổ sai lạo động này, “nhân đạo” là một danh từ tối thậm vô nghĩa, nhân phẩm bị nghiền nát, nhân tính là kẻ thù. Và tồn tại và sống sót và trở về được là một phép lạ, một kỳ diệu.
Loài người sẽ chẳng bao giờ có nổi một ý niệm về những nơi chốn giam cầm khủng khiếp ở “thiên đường Xã Hội chủ nghĩa Liên Xô”, nếu không có Khu Ung Thủ, Quần Đảo Ngục Tù của Soljenetsyne . Cũng vậy, mặc dầu chỉ thu gọn vào hơn 190 trang sách và đó là điều đáng tiếc nhất của thiên hồi ký nầy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy được sự thật hãi hùng của những trại tập trung của Cộng sản ở miền Bắc, nếu không có những thiên hồi ký như Những Năm Cải Tạo ở Bắc Việt này của Trần Huỳnh Châu.
Thời đại chúng ta, nếu thiên đường vẫn chỉ là ảo tưởng và thần thánh đã chết, ngược lại địa ngục lại có thật, lại có thật những thể chế chuyên chính xây cất trên những địa ngục của người mà chuyên chính vô sản ở Việt Nam hiện nay và hệ thống lao tù của nó là hiện thân kinh hoàng nhất. Đi theo Trần Huỳnh Châu từng bước một, trên con đường khổ hình của ông, đi theo Trần Huỳnh Châu, từng bước một, từ những trại giam ở Thủ Đức, Long Thành miền Nam tới những trại tù Quảng Ninh, Lý Bá Sơ ở miền Bắc, do đó không chỉ là một chia xẻ đau lòng và phẫn uất với cảnh ngộ tù nhân Trần Huỳnh Châu và hàng trăm ngàn đồng bào ta còn bi đọa đày ở những nơi chốn tác giả thiên hồi ký này vừa may mắn ra thoát, mà còn để thấy được trọn vẹn trong một lần, cái địa ngục Mác-xít vĩ đại chưa triệt hủy được đi trên trái đất này, trong đó có cái địa ngục chủ nghĩa, địa ngục chuyên chính mà năm mươi triệu đồng bào Nam Bắc chúng ta đã bị đọa đầy từ sáu năm nay./.
Mai Thảo
Tựa của Vũ Khiêm
Khi Đỗ Tiến Đức điện thoại yêu cầu tôi thay mặt cho Hội Cựu Sinh-Viên Quốc Gia Hành Chánh viết lời đề tựa cho tập Hồi Ký Những Năm “Cải Tạo” Ở Bắc Việt của Trần Huỳnh Châu, tôi không hiểu vì sao anh em lại dành cho tôi vinh dự này. Nhưng Đỗ Tiến Đức bảo là vì tôi thân với Trần Huỳnh Châu hơn nên phó thác cho tôi việc này. Dĩ nhiên là tôi vui lòng nhận lãnh, chẳng phải vì Trần Huỳnh Châu không có những người bạn thân khác ở Hoa Kỳ – mà thật ra Anh có nhiều lắm – mà vì tôi muốn nhân danh một người bạn đã quen Trần Huỳnh Châu từ 25 năm nay và nhân danh một người tỵ nạn đến đây từ năm 1975 để giới thiệu tập Hồi Ký này cho tất cả bạn đọc, vì tôi nghĩ nó chí tình hơn và vô tư hơn là giới thiệu của một trong những bạn đi sau và đã từng bị Cộng sản giam giữ kẻo bạn đọc có thế nghĩ rằng vì cùng chung cảnh ngộ nên ca ngợi lẫn nhau.
Khi nhận được tập bản thảo viết tay của tập Hồi Ký, tôi thật bồi hồi xúc động vì biết rằng nội dung của nó chắc chắn đã được viết ra bằng tim, bằng óc và với nhiều nước mắt. Tôi cố đọc ngấu nghiến cho xong tập Hồi Ký để có một cảm nghĩ tổng quát hầu viết lời giới thiệu. Thú thật, tôi đã nhiều lần không cầm được nước mắt dù là mới chỉ đọc lướt qua, bởi vì mỗi trang, mỗi cảnh ngộ đều là những hình ảnh sống về những sự đau đớn, quằn quại, khắc khoải của những người thân yêu của tôi và chắc chắn cũng là những người thân yêu của nhiều bạn đọc. Tôi phải nhìn nhận rằng Trần Huỳnh Châu là một con người can đảm, bởi vì những người bị tù Cộng sản được thả ra hoặc trốn thoát được ra mà sau này đến được Hoa kỳ, ít có ai còn đủ can đảm ngồi viết lại tất cả chuỗi ngày đau khổ của mình. Một số tuy có viết nhưng chỉ đủ đăng một vài kỳ báo và một số khác chỉ có thể ngồi kể lại những giai thoại đau thương chứ không viết ra được. Điều can đảm hơn nữa là Trần Huỳnh Châu vẫn còn kẹt vợ con ở nhà vì anh ra đi chỉ mang được một đứa con. Nhưng anh không hề sợ hãi.
Lập trường của Trần Huỳnh Châu rất vững là đối với Cộng sản thì không có vấn đề tình cảm. Khi chúng đã muốn hại vợ con mình thì dù có van lạy hay tìm cách nịnh bợ thì chúng vẫn hại vợ con mình như thường. Còn nếu chúng đã không dám thì dù có chửi cha chúng lên chúng cũng không dám. Đối với Cộng sản , chỉ có tranh đấu chứ không có lùi bước. Tranh đấu bằng mọi cách, tranh đấu cho đến khi nào toàn bộ chế độ của chúng phải sụp đổ mới thôi chứ không có chuyện do dụ, lừng khừng.
Tôi không ngạc nhiên khi thấy Trần Huỳnh Châu có lập trường vững chắc như vậy vì Anh vốn xuất thân từ một gia đình cách mạng miền Trung. Thân phụ Anh là cựu nghị sĩ Trần Cảnh dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Đọc tập Hồi Ký Ngục Tù của Trần Huỳnh Châu, tôi có cảm tưởng như đọc cuốn Hồi Ký Ngục Tù cuả Gary Powers, người phi công Mỹ lái máy bay U-2 đã bị bắn rồi trên không phận Nga Xô 22 năm trước đây, rồi bị KGB cầm tù 5 năm rồi mới được trao đổi với Đại Tá Abel, trùm gián điệp của Nga.
Hai tập Ngục Ký tựa tựa giống nhau về tâm tư của người bị giam giữ trong những chuỗi ngày khắc khỏai đợi chờ, nhưng có một điều khác giữa hai Hồi Ký đó là Gary Powers đã đợi chờ trong hy vọng vì biết chắc thế nào cũng có ngày được trả tự do, còn Trần Huỳnh Châu và các bạn đồng tù đã đợi chờ trong tuyệt vọng vì biết chắc rằng Cộng sản không bao giờ có ý định trả tự do cho ai cả trừ phi chúng bị bó bụộc phải tha một ít người để lấp liếm tội ác đang bị thế giới cáo buộc hoặc trong trường hợp chúng thật cần thiết đến mình.
Tôi hồi tưởng lại ngày mới sang đây, trong một lần trao đổi thư tín với một người bạn Mỹ đang làm việc tại Quốc Hội Hoa Kỳ, người đó viết cho tôi đại ý rằng “trước đây nhiều người nói nếu miền Nam Việt Nam sụp đổ thì thế nào cũng có tắm máu. Nhưng tin tức cho biết rằng đã không có tắm máu ở Việt Nam sau khi Cộng sản nắm quyền. Vì thế rất khó mà thuyết phục các nhà lập pháp làm điều họ muốn, vì đối với họ, sự giúp đỡ những người ty nạn thuần túy là vì lý do nhân đạo…” (ngụ ý là nếu người tỵ nạn không chạy sang Mỹ thì cũng đâu có chết vì đâu có ai giết họ!)
Ôi! tôi biết làm sao để nói cho người bạn đó hiểu rằng sống dưới chế độ Cộng sản , được tắm máu còn sướng hơn là chết dần chết mòn trong những trại tù heo hút nơi rừng thiêng nước độc trong lúc vợ con vẫn mòn mõi đợi chờ, và trong nhiều trường hợp vẫn tiếp tục thư từ và gửi qua tiếp tế khi chồng, cha mình đã ra người thiên cổ từ lâu!
Tôi biết làm sao để làm cho nhiều người Mỹ khác tin được rằng chế độ Cộng sản chẳng qua chỉ là một nhà tù vĩ đại trong đó cán bộ Cộng sản là cai tù và tất cả mọi người dân già trẻ lớn bé, đều là những tên tù khổ sai trong suốt cả cuộc đời. Chỉ có những ai đã từng sống dưới chế độ Cộng sản mới tin được những điều có vẻ phi lý đó. Riêng cá nhân tôi mới chỉ sơ sơ nếm mùi Cộng sản có một năm ở Hà Nội từ năm 1954 qua năm 1955 đã phải tìm cách trốn vào Nam nên cũng biết qua thế nào là sự bạo tàn của Cộng sản .
Tập Ngục Ký của Trần Huỳnh Châu không phải là một áng văn chương, vì đây không phải là một cuốn truyện hay tiểu thuyết sáng tác qua kinh nghiệm của đời mình. Đây là một Bản Cáo Trạng, một Chứng Liệu Sống về những tội ác tày trời của tập đoàn Cộng sản Việt Nam mà chắc chắn sau này lịch sử Việt Nam sẽ nghiêm khắc lên án. Tập Ngục Ký của Trần Huỳnh Châu sẽ góp phần không nhỏ trong việc cảnh tỉnh những ai trong thế giới tư do còn tin rằng Cộng sản dù sao cũng vẫn là người. Không! Trăm ngàn lần không! Tập đoàn Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn mất hẳn nhân tính. Họ chỉ là những người khát máu không hơn không kém. Nhưng thôi, lên án Cộng sản thì có viết cả đời cũng không tố giác hết tội ác của chúng. Hãy để nhũng người đọc Hồi Ký Ngục Tù tự tìm hiểu lấy xem con người Cộng sản dã man hay còn nhân đạo.
Vì vậy, thay mặt Hội Cựu Sinh Viễn Quốc Gia Hành Chánh, tôi long trong giới thiệu tập Hồi Ký Những Năm “Cải Tạo” Ở Bắc Việt của Trần Huỳnh Châu, một cựu nghệ sĩ (lúc thiếu thời Anh đã từng dạy đàn để sinh sống), một cựu Hành Chánh gia nguyên Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hoà, một cựu Chiến sĩ Cách Mạng Việt Quốc và là một cựu Tù Nhân Khổ Sai của chế độ Cộng sản bạo tàn, đã trốn thoát được đến bến Tự Do.
Ngày 1 tháng 6 năm
1981
Vũ Khiêm
(Cựu Sinh viên QGHC, Ban Đốc Sự, Khoá 7)
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần I
Từ Nam ra Bắc
Posted on June 16, 2021 by Lê Thy
Nhưng phà đã chạy. Trên dòng sông, gió mát thổi lộng vào xe làm tôi thấy dễ chịu, thấy lòng lại khoan khai báo. Và lại lẩm nhẩm hát “Trên sông Bạch Đằng, quân Nam ầm reo…” Và nghĩ đến thân phận của tôi, thân phận một thằng tù, tay bị xiềng, ngồi trên chiếc xe bít bùng, vẫn cố nhoài người ra để nhìn cho được dòng sông Bạch Đằng, vẫn tưởng như đâu đây còn vang tiếng loa xưa của vị anh hùng Trần Hưng Đạo, vẫn thấy mình là một người Việt Nam, một người yêu nước, cũng như cha tôi, một đảng viên VN Quốc Dân Đảng, rất yêu nước, và nhất định không chấp nhận chủ nghiã Cộng sản , và cho dù Cộng sản có nói gì, có bảo là chúng tội bán nước hay có bảo là phải “kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội”, tôi thấy tôi vẫn một lòng yêu nước và yêu tự do, và Hồ Chí Minh là kẻ có tội nặng nhất trong lịch sử nước nhà, và dòng sông Bạch Đằng vẫn làm cho tôi xúc động, và chiếc xiềng trong tay vẫn không làm cho tôi xấu hổ, và tôi vẫn miên man nghĩ đến lịch sử oai hùng của dân tộc và nghĩ đến một tương lai tươi sáng trong tự do.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần II
Posted on June 16, 2021 by Lê Thy
II – NHỮNG NGƯỜI PHỤC QUỐC BỊ ĐÀY RA BẮC
Tháng 4 năm 1977 trại chúng tôi đón tiếp một số khách mới, từ Miền Nam ra. Tối hôm ấy, khoảng 8 giờ, chúng tôi thấy khoảng mười chiếc xe đò chạy vào sân trại. Trước đó, một số tù hình sự đã được di chuyển đến nơi khác để có phòng trống.
Sân trại được thắp đèn sáng lên. Chúng tôi leo lên sập, nhìn qua cửa sổ để quan sát. Nhìn thấy từng cặp đeo “đồng hồ Seiko” từ trên xe bước xuống, chúng tôi biết đây là những người đồng cảnh ngộ với chúng tôi rồi. Ở trong tù, lúc nào chúng tôi cũng muốn gặp người mới đến để hỏi xem có tin tức gì bên ngoài không. Tin tức bên ngoài cũng cần thiết cho chúng tôi sống như là cơm nước. Nhưng tối hôm ấy, chúng tôi không được tin tức gì vì anh em mới đến được dọn vào các buồng khác. Trưa hôm sau, chúng tôi hỏi nhỏ mấy người làm bếp lúc đưa cơm thì được biết đó là những người trong Nam mới ra. Sự ngăn cách các buồng giam làm chúng tôi chưa hỏi gì thêm được. Nhưng đến đêm hôm sau, chúng tôi nghe tiếng hát đồng ca bài “Việt Nam Việt Nam” từ bên phòng giam của những người mới ra, vọng lại. Phía chúng tôi tuy cũng có hát nhạc Miền Nam cũ, nhưng thường chỉ hát nhỏ với nhau thôi, không dám hát lớn. Nay nghe những người mới ra hùng dũng hát lớn như thế, chúng tôi khoái lắm. Nhưng vẫn chưa nói chuyện với nhau được.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần III
June 16, 2021 by Lê Thy
III – ĐÓI
Cái làm chúng tôi khổ cực nhất trong thời gian ở tù là ĐÓI. Đói triền miên. Đói ngày đói đêm. Đói sáng đói chiều. Đói ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Ăn xong bữa ăn, chúng tôi ngẫm nghĩ không biết đã ăn chưa. Nếu chưa ăn sao mình lại rửa chén. Nếu ăn rồi sao bụng vẫn đói thế này.
QUY CHẾ
Theo quy chế, mỗi đầu người chúng tôi được hưởng khẩu phần là 15 ký gạo. Tiền mỗi tháng là 15$ cho lương thực và thực phẩm (tức là gạo cấp phát sẽ tính thành tiền để trừ vào số 15$ nầy). Ngoài ra, mỗi tháng mỗi người còn có 3$ để mua những thứ lặt vặt như khăn mặt, bản chải răng, xà-phòng, kem đánh răng, thuốc lá v.v…
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần IV
June 16, 2021 by Lê Thy
IV – RÉT, NÓNG, và BỆNH TẬT
Đói rét vẫn đi liền với nhau. Càng đói càng thấy rét, và càng rét càng thêm đói.
Chúng tôi được chở ra Bắc vào đầu mùa đông năm ’76 là mùa đông rét nhất trong mấy mươi năm. Đêm rét nhất năm đó là 3o C. Thế mà trại giam không có cửa kính, nằm trên sập gỗ và chúng tôi thiếu áo ấm, thiếu mền, thiếu ăn. Có bao nhiêu áo quần đem mặc cả vào người, kể cả áo mưa. Có bao nhiêu khăn lông đem quấn cả vào đầu vào cổ. Có bao nhiêu tấm nylon đem che loạn cả lên. Người nào trông cũng giống như đàn bà đẻ ở nhà quê ngày xưa. Buồng nào trông cũng như buồng đẻ. Nhưng không có lò than để sưởi. Lạnh nhất là những hôm gió bấc mưa phùn tháng chạp ta. Giá mỗi buổi sáng có một tô phở nóng nước béo ăn vào thì chắc ấm được ngay. Nhưng buổi sáng không có ăn gì. Buổi trưa ăn đói. Buổi chiều ăn đói. Cho nên bụng thì cồn cào lép kẹp, quần áo thì mong manh, mà rét năm ’76 kéo dài gần hai tháng liền. Rét liên tục từ Noël tới Tết. Sau Tết trời mới bắt đầu dễ chịu lại. Năm đầu tiên rét nhiều và thiếu áo ấm nhưng được cái là chúng tôi mới ra chưa phải lao động. Những năm sau thì ít rét hơn, và chúng tôi đã được gia đình gởi áo ấm ra (trại cũng có phát cho mỗi người một cái áo trấn thủ, tức là loại áo vải may kẹp bông bên trong nhưng bông mỏng thôi, và chỉ che được từ ngực tới giữa bụng, không có tay), nhưng lại phải làm lao động ngoài trời.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt, Phần V
June 16, 2021 by Lê Thy
V – KHỔ SAI
Mỗi bước vào nhà tù Cộng sản, ai cũng được nghe thuyết ngay rằng “Lao Động là Vinh Quang”. Câu nầy thực ra chẳng mới mẻ gì. Vã lại chúng ta chẳng ai khinh lao động, dù là lao động chân tay hay trí óc. Có thể có một số người ở thành phố, giầu sang, ngại lao động chân tay. Nhưng đó chỉ là số ít và tất cả chúng ta đều biết rằng, nếu chúng ta ngại làm việc chân tay thì đó là vì chúng ta lười biếng, hoặc vì thấy lối làm việc đó không đem lại kết quả bằng những phương cách làm việc khác, chứ chúng ta không hề có ý khinh bỉ lao động chân tay. Quan niệm kẻ giàu sang không thèm động đến chân tay, cái gì cũng phải có kẻ hầu người hạ, là quan niệm đã qúa xưa mà chúng ta không cần phải nhắc đển để bàn cãi gì nữa.
Trần Huỳnh Châu – Những năm cải tạo ở Bắc Việt. Phần VI
June 16, 2021 by Lê Thy
VI.- KHAI BÁO, KIỂM ĐIỂM
Trong nhà tù Cộng sản, chúng có đề ra 4 tiêu chuẩn mà chúng gọi là bốn tiêu chuẩn cải tạo:
1. Khai Báo
2. Lao động, nội quy
3. Thi hành nội quy
4. Tố giác lẫn nhau
Điều mà Cộng sản muốn chúng tôi làm trong trại giam là: (1) khai báo tất cả các hoạt động công khai hay bí mật của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước kia và nhất là các hoạt động của Mỹ. Về 3 tiêu chuẩn còn lại, thì (2) chúng muốn chúng tôi làm khổ sai cho chúng, thỉnh thoảng có sách báo Mác-xít thì đọc và nói như những con vẹt; (3) giữ trật tự trong trại; và (4) dòm ngó nhau trong anh em để báo cáo tất cả những lời nói hành động của anh em cho tên cán bộ quản giáo biết..
Chúng bắt chúng tôi khai báo rất nhiều lần. Riêng thời gian đầu ở Long Thành đã phải khai báo hàng chục lần rồi. Khi ra Bắc, chúng lại bắt chúng tôi làm lại các bản tự khai. Trước mỗi lần khai báo, chúng soát xét đồ đạc của chúng tôi để tịch thu tất cả những bản thảo của những kỳ khai báo trước còn giữ lại. Mục đích là để chúng tôi mỗi lần khai đều phải dùng trí nhớ mà viết ra, và nếu khai dối thì các bản khai sẽ không phù hợp nhau được.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần VII
June 16, 2021 by Lê Thy
VII- VỤ ĐẤU TRANH tại Trại Số 5 Thanh Hóa
Đầu tháng 8-1978, chúng cho chúng tôi vào Thanh Hóa. Trại Quảng Ninh cách Mông Cáy (biên giới với Trung quốc) không xa mấy, cách bờ biển vịnh Hạ Long cũng gần, nếu Trung Cộng tấn công thì chắc không giữ được, nên chúng đưa chúng tôi đi.
Khởi hành từ trại Quảng Ninh lúc 1 giờ sáng, chúng tôi đến Phân trại B trại số 5 Thanh Hóa vào khoảng 9 giờ tối. Ngủ một đêm, sáng hôm sau gặp mấy người tù hình sự trong đội làm bếp đem cơm đến cho chúng tôi, chúng tôi tìm cách hỏi nhỏ về địa điểm trại. Họ cho biết là trại thuộc huyện Thiệu Yên. Thiệu Yên là huyện mới, ghép hai huyện cũ là Thiệu Hoa và Yên Định. Trại nằm trên phần đất Yên Định cũ. Chúng tôi hỏi thêm ”trại Lý Bá Sơ ngày trước ở Thanh Hóa nầy ở đâu?” Thì được trả lời ‘‘Đúng nó đây rồi”.
Sau này, chính tên Thiếu tá Trại trưởng có lần nói chuyện với chúng tôi cũng xác nhận đây chính là trại Lý Bá Sơ ngày trước, nay phát triển thành nhiều trại ở Thanh Hoá. Kinh tế Miền Bắc thì không phát triển nổi, nhưng nhà tù thì phát triển lắm.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần VIII
June 16, 2021 by Lê Thy
VIII- THƯ TỪ, TIẾP TẾ, THĂM NUÔI
Theo nội quy của các trại cải tạo thì chúng tôi được phép viết thư về nhà mỗi tháng một lần, được nhận quà gia đình gởi đến theo đường bưu điện ba tháng một lần (gởi quà tối đa 5 kí), và được thăm nuôi ba tháng một lần.
Nhưng đó chỉ là nguyên tắc. Thực tế là trong thời gian ở tù 4 năm, 7 tháng (kể cả thời gian ở trại Long Thành) tôi chỉ được thăm nuôi tổng cộng bốn lần, tức là nếu tính đều ra thì hơn một năm mới được một lần thăm nuôi (so với chế độ Cải Huấn của ta trước kia, một tuần lễ được thăm nuôi hai lần). Ở Long Thành một năm trời, được thăm nuôi một lần trước khi ra Bắc. Ra Bắc từ cuối năm ’76, mải đến giữa năm ’79 (hai năm rưởi) chúng tôi mới bắt đầu được thăm nuôi.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần IX
June 16, 2021 by Lê Thy
IX- XÃ HỘI MIỀN BẮC QUA CÁI NHÌN HẠN CHẾ CỦA MỘT NGƯỜI TÙ
Không ai ở Miền Nam muốn ra sống tại Miền Bắc. Nhưng khi đặt chân lên bến Sáu Kho, Hải Phòng năm 1976, chúng tôi nói với nhau là dù sao thì cũng đã bị bắt buộc phải ở Miền Bắc rồi, thử cố nhìn xem đời sống và con người thực chất như thế nào tại phần đất Việt Nam mà Cộng sản nói rằng ”về cơ bản, đã hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Ngày từ bến Sáu Kho về trại Quảng Ninh, chúng đã dùng vải che cửa xe ô-tô để chúng tôi không nhìn được ra ngoài. Rồi chúng tôi chỉ ở trong trại giam, tiếp xúc với cán bộ trại giam, một ít tù hình sự, và nhìn thấy cách làm việc của một vài hợp tác xã gần đấy. Rồi một chuyến đi từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Lần nầy thì xe không bị che vải, có thể nhìn ra ngoài rõ ràng hơn. Và ở trại số 5, gốc là trại Lý Bá Sơ, tôi ở cả ba phân trại: phân trại B, phân trại A, rồi phân trại C. Thế thôi, cái nhìn thật là hạn chế. Tôi rất tiếc là không được xem tường tận một nhà máy, một nông trường nào ở Miền Bắc để có thể có những nhận xét thật rõ ràng, cụ thể, chi tiết.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần X
June 16, 2021 by Lê Thy
X- TRÊN ĐƯỜNG VỀ NAM
Chiều ngày 11-1-1980, đội chúng tôi đang trên đường về trại sau giờ lao động khổ sai, thì có một cán bộ đi xe đạp từ phân trại A qua, đến gần chúng tôi và hỏi anh Đội trưởng:
– Trong đội nầy có ai tên Trần Huỳnh Châu không?
Đội trưởng Nguyễn Thành Danh trả lời có, và chỉ tôi. Tên cán bộ không nói gì, bảo để về trại sẽ hay. Tôi nghĩ chắc lại có gì rắc rối cho mình đây.
Đến cổng trại, trong khi các anh em khác vào trại, tôi được gọi riêng vào gặp cán bộ trực. Tên cán bộ trực hỏi tỉ mỉ về lý lịch của tôi, xong rồi bảo tôi về trại dọn gấp tất cả đồ đạc cá nhân để di chuyển ngay. Tôi bảo chưa ăn cơm chiều, tên cán bộ bảo lãnh phần cơm mang theo để tối ăn.
Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần XI. Hết
June 16, 2021 by Lê Thy
XI- MỘT VÀI CẢM NGHĨ
Cơn ác mộng của tôi đã qua. Nhưng tôi đã phải rời bỏ quê hương, và dân tộc Việt Nam hãy còn sống trong nô lệ, những bạn bè thân thiết của tôi vẫn còn ở trong những trại khổ sai đểu cáng ở Miền Bắc và Miền Nam.
Thế mà vừa đến được trại tị nạn, tôi có ngay cái cảm tưởng là đa số chúng ta đã quá bội bạc với những người còn ở lại. Mọi người chỉ trông thư, trông tiền, trông ngày đi định cư, nôn nao bàn tán hàng ngày về những tin tức định cư mà tâm tư dành cho những người còn ỏ tù tại Việt Nam thì dường như chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ trong lòng. Anh em còn ở trong tù từng phút từng giây mong đợi ở những người bên ngoài. Chiến dịch nhân quyền mà hồi ở tù chúng tôi biết được qua những bài báo chống đối Cộng sản, và qua những tin tức rất hạn chế nghe được, đã an ủi chúng tôi rất nhiều. “Thế giới chưa quên chúng ta” – chúng tôi đã nói với nhau như vậy khi nói đến chiến dịch nhân quyền. Nhưng chỉ chiến dịch nhân quyền chưa đủ. Kẻ lì lợm như Cộng sản, nhất là Cộng sản Việt Nam, phải chịu những đòn nặng nề hơn, cụ thể hơn, mới mong có sự thay đổi.
SOURCE:
https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16
No comments:
Post a Comment