Posted on June 20, 2016
Phóng sự chiến trường của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên
Ngày 15 tháng giêng năm 1972, tại bãi đáp trực thăng Ba Gi cách thị xã Qui Nhơn 12 cây số về hướng Tây Bắc, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu II, Trung Tướng Ngô Dzu trả lời cuộc phỏng vấn của báo chí trong và ngoài nước một cách khẳng định là Cộng quân sẽ đánh lớn tại Quân Khu II. Tướng Ngô Dzu cũng cho biết, hiện nay Trung Đoàn 21 thuộc Sư Đoàn 2 Sao Vàng của Bắc Việt đang thiết lập các căn cứ trong vùng thung lũng An Lão, nằm về phía Bắc của Qui Nhơn. Và cũng theo tin tình báo mới đây thì Bộ Chỉ Huy Quân Khu 5 của Cộng quân được ghi nhận đã xuất hiện trong quận Hoài An, tỉnh Bình Định, làm cho tình hình của vùng này trở nên nghiêm trọng.
Trung Tướng Ngô Dzu còn cho biết thêm, quân số của Cộng quân xâm nhập vào Quân Khu II đã lên đến 60 ngàn người, ông cũng tiên đoán chừng một tháng nữa, địch quân sẽ di chuyển các cơ sở đến vùng Tam Biên, sẽ dùng chiến thuật "công đồn đả viện" để đánh Cao Nguyên và biến Kontum thành một Điện Biên Phủ. Một cố vấn dân sự cao cấp Mỹ của Quân Khu II, ông John Paul Vann tin rằng Cộng quân sẵn sàng hy sinh 10 ngàn quân để chiếm cho được vùng Cao Nguyên. Cuộc chiến sẽ trải rộng từ thành phố Kontum đến Pleiku và Bình Định. Ông cũng tiên đoán là chiến xa của Cộng quân sẽ tấn công vào Benhet và Tân Cảnh đầu tiên.
Cùng lúc với Tướng Trần Nam Trung của Bắc Việt đọc nhật lệnh kêu gọi Cộng quân đánh lớn, đánh mạnh khắp nơi, thì báo Washington Star của Mỹ, số ra ngày 10 tháng 4 năm 1972 loan tin sư đoàn cuối cùng của Bắc Việt đã lên đường tiến vào miền Nam để tăng cường cho 120 ngàn Cộng quân đang rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Những tin tức chiến sự như vậy là một hứa hẹn những tháng ngày đầy máu và nước mắt cho cuộc sống đang yên vui bình lặng của người dân miền Nam.
Rồi những gì mọi người chờ đợi cũng sẽ đến. Mùa xuân đến và mùa xuân đã qua. Khi những tia nắng của một sớm mai hè vừa đủ ấm để ửng hồng đôi má của người con gái Cao Nguyên thì tiếng súng bắt đầu nổ. Theo tài liệu bắt được trong mình của một Chuẩn Úy Việt Cộng tên Khổng Thanh Hiền thì lệnh tấn công tại mặt trận Tam Biên được ấn định vào ngày 13 tháng 3 năm 1972. Đó cũng là ngày mà lực lượng Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đụng độ ác liệt với các đơn vị của Sư Đoàn Thép 320 Cộng quân chung quanh Căn Cứ Hỏa Lực 5. Sư Đoàn Thép là sư đoàn đã từng chiến thắng tại Điện Biên Phủ trước đây và hiện là một trong những đơn vị nòng cốt của Bắc Việt. Lần ra quân này, chỉ sau 3 ngày đụng trận với một vài đơn vị của Lữ Đoàn 2 Dù, Sư Đoàn Thép đã phải để lại nhiều tổn thất. Một trong những xác Cộng quân bỏ lại chiến trường, có xác của Chuẩn Úy Khổng Thanh Hiền thuộc Tiểu Đoàn Phòng Không của Trung Đoàn 64, Sư Đoàn 320. Những tài liệu tịch thu được trên mình của sĩ quan này là do Tướng Phạm Ngọc Mậu ký ngày 20 tháng 10 năm 1971. Các nguồn tin tình báo của Quân Khu II cho rằng Tướng Phạm Ngọc Mậu đã thay thế Tướng Hoàng Minh Thảo, chỉ huy mặt trận Cao Nguyên Trung Phần mà Hà Nội gọi là Mặt Trận B3.
Đúng như sự dự đoán của những giới chức thẩm quyền của Quân Khu II, Tân Cảnh là nơi đầu tiên mà chiến trận bùng nổ. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt không thua gì cuộc chiến tại vùng Trị Thiên, chỉ khác nhau về mặt địa thế: một bên là đồng bằng, một bên là rừng núi, và điều này ảnh hưởng phần nào đến sự yểm trợ của chiến xa và không lực.
Vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 23 tháng 4 năm 1972, Công Trường 2 Cộng quân được yểm trợ bởi nhiều chiến xa T-54 đã ào ạt tấn công vào căn cứ hỏa lực Tân Cảnh, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 22 Bộ Binh do Đại Tá Lê Đức Đạt làm tư lệnh, và đây cũng là bản doanh của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 42 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Thông làm Trung Đoàn Trưởng. Thoạt tiên Cộng quân dội xuống Tân Cảnh cả ngàn quả đạn đại bác 82 ly và hỏa tiễn 122 lỵ Trận mưa pháo kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.
Lúc 22 giờ 30 phút cùng ngày, Trung Tâm Hành Quân của căn cứ Tân Cảnh bị hư hại hoàn toàn vì một hỏa tiễn điều khiển chống chiến xa của Cộng quân chui ngay vào cửa hầm. Hầu hết những người trong Bộ Tham Mưu của Đại Tá Đạt và trong Ban Chỉ Huy của Trung Tá Thông đều bị thương. Chỉ có Đại Tá Đạt và Trung Tá Thông là thoát nạn vì đã rời hầm chỉ huy trước đó để đi đôn đốc binh sĩ của mình. Trung Tâm Hành Quân phải dời qua một hầm kế bên.
Đến 23 giờ, cánh quân tiền phương của Cộng quân được phát hiện cách quận Dakto chừng một cây số về hướng Tây với sự yểm trợ của 3 xe tăng T-54. Lập tức phi cơ AC-130 cất cánh từ phi trường Nha Trang bay đến oanh kích và bắn cháy ngay 3 chiến xa này khi còn cách Dakto chừng 500 mét, nhưng không ngăn được bước tiến của toán tiền phương địch. Đúng nửa đêm, Cộng quân ào ạt tấn công tiền đồn Tân Cảnh.
Sau khi đạo quân tiền phương với quân số chừng một trung đoàn tấn công vào Tân Cảnh, một trung đoàn Cộng quân thứ hai xuất hiện cách Tân Cảnh 3 cây số về hướng Tây Bắc, kéo ra Quốc Lộ 14 và cắt đoạn đường Dakto-Tân Cảnh ra làm bốn đoạn, khiến cho sự liên lạc giữa hai nơi chỉ còn qua máy vô tuyến mà thôị
Ngay sau khi phát giác sự xuất hiện của cánh quân thứ hai này, mặc dầu thời tiết được loan báo là xấu, các toán A-1 Skyraider thuộc Phi Đoàn 530 của Không Đoàn 72 Chiến Thuật và các khu trục A-37 của Không Đoàn 62 Chiến Thuật biệt phái cho Pleiku đã nhất loạt cất cánh từ phi trường Cù Hanh để bay lên oanh kích cánh quân này.
Khoảng 2 giờ 30 sáng, vừa pháo kích vừa xung phong, hai trung đoàn Cộng quân cố gắng tràn ngập căn cứ Tân Cảnh, nhưng gặp phải sự kháng cự quá ư mãnh liệt của các chiến sĩ Trung Đoàn 42, nên trận chiến kéo dài cho đến lúc trời sáng, Tân Cảnh vẫn còn đứng vững. Trời vừa sáng thì thời tiết trở thành bất lợi cho những người đang tử thủ trong Tân Cảnh. Sương mù xuống thấp làm cho Không Quân bị bó tay, không thể yểm trợ được.
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 24 tháng 3, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II hoàn toàn mất liên lạc vô tuyến với căn cứ hỏa lực Tân Cảnh. Cả Bộ Tham Mưu của Tướng Ngô Dzu như ngồi trên lửa. Không ai dám mở lời tiên đoán số phận của Tân Cảnh như thế nào. Đích thân Tướng Dzu gọi cho các đơn vị yểm trợ như Không Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh... để hỏi, không ai biết số phận của Tân Cảnh bây giờ ra sao.
Cho đến 10 giờ sáng, một sĩ quan Truyền Tin la lên, "Liên lạc được rồi." Tướng Dzu chụp lấy máy hỏi dồn. Đại Tá Đạt báo cáo đã đẩy lui được địch quân. Mọi người trong Trung Tâm Hành Quân đều thở phào và nét mặt người nào cũng lộ vẻ phấn khởi. Cũng vào lúc này, thời tiết đã trở nên quang đãng hơn, các phi cơ chiến đấu của Không Đoàn 72 Chiến Thuật bắt đầu cất cánh và mấy chiếc trực thăng tiếp tế đạn dược đã lọt được màn lưới lửa phòng không của địch, đáp an toàn xuống căn cứ Tân Cảnh.
Mặc dù vẫn còn đứng vững trước đợt tấn công thứ nhất, nhưng với sự tăng cường thêm một sư đoàn thứ hai của địch quân từ căn cứ hậu cần 609 nằm bên kia biên giới (ở bên Lào) tiến qua, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã cho căn cứ Tân Cảnh và một số các căn cứ hỏa lực khác dọc theo dòng sông Poko ở phía Tây Quốc Lộ 14 di tản chiến thuật, rút về lập một phòng tuyến mới ở ngang căn cứ Bravo, cách Kontum 20 cây số về phía Bắc.
Cùng với kế hoạch di tản chiến thuật một số các căn cứ hỏa lực ở mạn Bắc thành phố Kontum, Tướng Ngô Dzu đã thành lập một ủy ban có tên là Ủy Ban Di Tản Đồng Bào Kontum và Pleiku. Ủy ban này do Đại Tá Hồ Hồng Nam, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị của Quân Đoàn II làm chủ tịch. Phương tiện di tản sẽ bằng máy bay C-130 của Hoa Kỳ và C-123 của Việt Nam Cộng Hoà. Một nguồn tin cho biết bệnh tim của Tướng Ngô Dzu bị tái phát, nhưng ông bất chấp, dồn nỗ lực vào hai việc là di tản đồng bào ra khỏi vùng lửa đạn và tái chiếm các căn cứ mà quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã di tản chiến thuật trong những ngày vừa qua.
Người dân của hai thành phố Pleiku và Kontum đã sống trong lo sợ phập phồng từ những ngày trước Tết Nguyên Đán vì những tin tức chiến sự ngày càng nặng nề. Cơn ác mộng đó cứ chập chờn trong mọi sinh hoạt của người dân Tây Nguyên cho đến hôm nay, chiến trận đã thực sự bùng nổ.
Tôi đến Pleiku trong những ngày thành phố này đang di tản. Thành phố có lệnh giới nghiêm lúc 7 giờ tối, nhưng mới 5 giờ chiều trên các đường phố đã không thấy bóng dáng một người dân. Chỉ có những chiếc xe nhà binh chạy hết tốc lực. Những người ngồi trên xe, ai cũng mặc áo giáp, đội nón sắt cẩn thận. Trong thành phố, nhà nào cũng làm hầm nấp pháo kích. Đa số đều làm hầm nổi. Gia đình của các quân nhân, công chức được lệnh di tản khỏi Pleiku để cho người chiến sĩ rảnh tay chiến đấu. Các công chức chuẩn bị nhận súng khi có lệnh.
Vẻ kinh hoàng hiện trên nét mặt mọi người. Nỗi lo âu chồng chất bởi nhiều vấn đề. Di tản: đến đâu, ăn đâu, ở đâu?. Nhà cửa, tài sản để lại, ai trông coỉ Lâu mau mới về? Bà vợ của một giáo sư buồn rầu tâm sự với tôi:
- Tôi bụng mang dạ chửa. Cả tuần lễ nay tôi lo quá, chẳng ăn uống gì được. Nhà nào cũng làm hầm, nhưng ăn thua gì cô. Chồng tôi nhất định ở lại đây. Tôi và các cháu tính về Saigon, nhưng giá máy bay đắt quá, cả gia đình phải mấy chục ngàn tiền vé, tiền đâu mà đi!
Giá vé máy bay Pleiku-Sài Gòn ngày thường là 3,800 đồng. Nhưng lúc này giá chợ đen khoảng 10 ngàn một vé. Nếu muốn mua giá chính thức thì phải chờ hơn nửa tháng. Súng đạn đã nổ sát một bên rồi, có ai kiên nhẫn chờ hơn nửa tháng nữa mới rời thành phố?
Một khu chợ trời thành hình dọc theo đường Hoàng Diệụ Đồ đạc bán rất nhiều và rất rẻ. Người bán nhiều hơn người mua. Những nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, dầu hôi... giá tăng lên vùn vụt. Những người nghèo dành dụm được ít vàng phải đem bán để lấy tiền di chuyển. Vàng xuống giá rất nhanh. Các tiệm vàng đều bán ra mà không mua vào. Vàng y giá 20 ngàn đồng một lượng, trong khi gạo 20 ngàn một tạ. Ai cũng cố bán ti vi, tủ lạnh, radio... để bọc tiền mà chạy. Nhưng ai dám bỏ tiền ra mua mấy thứ đó lúc nàỵ Có người treo bảng bán cả nhà, bán thật rẻ mà đã 3 tuần nay không có một người nào hỏi đến.
Lệnh di tản được ban ra. Dân Kontum di tản về Pleiku. Các trường học ở Pleiku được trưng dụng để làm trại tiếp cư. Trong khi đó, gia đình quân nhân, công chức ở Pleiku lại di tản đi nơi khác. Tôi nêu lên sự thắc mắc này, một giới chức thẩm quyền ở Pleiku giải thích: dân Kontum tạm thời di tản về đây để chờ lập cầu không vận chuyển đi các nơi khác như Nha Trang, Saigon...
Hôm qua, ngày 27 tháng 4, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiếp tế từ Qui Nhơn lên Pleiku 400 tấn gạo. Người dân Pleiku mỗi ngày tiêu thụ 30 ngàn tấn. Tỉnh Pleiku chưa có kế hoạch nào về việc phân phối số gạo nói trên. Cho tới hôm nay, kho gạo an toàn của Pleiku chưa hề đụng tới. Kho gạo này có thể nuôi toàn thể dân Pleiku trong vòng một tháng. Gạo và những nhu yếu phẩm khác vẫn tăng giá vùn vụt. Mua được một ký gạo là một chuyện rất khó khăn, vì trong hoàn cảnh này, có tiền chưa chắc đã mua được. Tất cả tiệm ăn trong thành phố đều đóng cửa. Khoảng 50 phóng viên Việt Nam và ngoại quốc đang có mặt ở đây phải ăn hủ tiếu hoặc phở thay cơm và bánh mì. Những gia đình giàu có vội vàng ra đị Những người khác lần lượt tiếp nối. Và thành phố Pleiku ngày càng hoang vắng.
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Sau khi bắt lại liên lạc vô tuyến với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, suốt ngày hôm đó tại căn cứ Tân Cảnh, các chiến sĩ của Trung Đoàn 42 Bộ Binh đã anh dũng đẩy lui nhiều đợt xung phong mãnh liệt của Cộng quân có quân số đông gấp ba lần và được yểm trợ bởi 60 chiến xa T-54 cùng với một trung đoàn pháo. Cuộc chiến đấu hào hùng này đã kéo dài suốt 24 tiếng đồng hồ không ngừng một giây phút. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II theo dõi những diễn tiến tại Tân Cảnh cho đến 19 giờ 45 phút ngày 24 tháng 4 thì một lần nữa mất liên lạc với căn cứ này. Và theo tin của một số binh sĩ và đồng bào vừa thoát khỏi quận Dakto thì Cộng quân đã tràn vào căn cứ Tân Cảnh vào lúc tối ngày 24.
Trong lúc đó, tại quận Dakto, Trung Tá Lò Văn Bảo chỉ huy lực lượng Địa Phương Quân vẫn tiếp tục kháng cự với Cộng quân, mặc dù đã có lệnh di tản chiến thuật khỏi nơi này. Trung Tá Bảo gốc người Thái vùng Bắc Việt, ông gọi máy vô tuyến về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nói rằng ông sẽ quyết chiến với địch quân, chết chứ không lùi bước. Rồi sau đó cũng như Đại Tá Đạt, người ta không biết số phận của Trung Tá Bảo như thế nào vì mọi liên lạc đều bị gián đoạn.
Chờ hai ngày ở phi trường Pleiku dưới trời nắng cháy và cát bụi, đến ngày thứ ba tôi mới được theo máy bay quan sát lên Kontum. Máy bay bay giữa những cụm mây trắng, bên dưới là núi rừng trùng trùng điệp điệp. Pleiku cách Kontum chừng 45 cây số đường bộ.
Sau khi Tân Cảnh và Dakto di tản chiến thuật, thành phố Kontum ngày càng chịu áp lực nặng nề của Cộng quân. Con đường duy nhất nối liền Kontum và Pleiku đã bị cắt đứt. Phi trường Kontum bị pháo kích vào mỗi ngàỵ Phương tiện còn lại duy nhất là máy bay quân sự. Hôm trước đến Phòng Báo Chí của Quân Đoàn để xin phương tiện, gặp mấy người từ Kontum về, một anh nói với tôi:
- Cô nên mặc áo giáp, đội nón sắt vì trên Kontum Việt Cộng pháo kích dữ lắm, pháo như mưa. Xuống máy bay là phải chạy tìm chỗ nấp liền. Nên kiếm cái ba lô để mang theo thức ăn. Các tiệm ăn trên Kontum đều đóng cửa hết.
Tôi nghĩ chết sống có số. Với tôi, nhiều khi mang áo giáp, đội nón sắt rồi nặng quá chạy không nổi thì cũng chết. Ngày đầu chờ máy bay, tôi còn mang theo bánh mì và một bộ quần áo. Nhưng chờ đợi mãi, đến ngày thứ ba, khi leo lên máy bay, tôi chỉ mang cái máy ảnh, ít thuốc cần thiết và băng cá nhân. Người nữ phóng viên chiến trường không cần mang son phấn nên hành trang cũng nhẹ bớt phần nào. Có những đoạn máy bay bay thật thấp. Tiếng người phi công nói qua ống nghe:
- Cô nhìn xuống mặt đường, có mấy chiếc xe đò bị Việt Cộng giựt mìn còn xác nằm bên đường đó.
Con đường ngoằn ngoèo bên dưới thật vắng, không có bóng một chiếc xe nào đang di chuyển. Thỉnh thoảng thấy một vài chiếc xe hàng bị lật. Trước đây vài ngày, nghe nói có nhiều xe hàng liều mạng chở người tị nạn từ Kontum về Pleiku, giữa đường bị Việt Cộng giựt mìn hoặc từ trên núi bắn B-40 xuống. Máy bay bay ngang một làng nào đó. Khắp làng không thấy bóng dáng một người dân. Tôi hỏi người phi công:
- Sao không thấy một người dân nào cả? Đây cách Kontum chừng bao nhiêu cây số và đang ở về hướng nào?
Người phi công chấm một dấu đỏ trên bản đồ ghi dấu vị trí hiện tại của máy bay và đưa tấm bản đồ về phía tôi:
- Dân đã được di tản rồi. Cô không nhìn thấy những hố bom B-52 dưới kia sao? Còn cách Kontum 20 cây số về hướng Nam.
Hai người xạ thủ đại liên nói đùa với tôi:
- Nếu thấy Việt Cộng, tụi tôi nhường súng cho cô bắn.
Tôi nhìn xuống bên dưới, có 3 chiếc xe mang cờ Công giáo, chiếc đi giữa chở một cái hòm, hình như là một đám tang. Về sau tôi được biết người chết là một thanh niên, một trong những người đang ngồi ở phi trường đợi máy bay để rời Kontum, rồi bị pháo kích mà chết. Hôm đến Phòng Báo Chí của Quân Đoàn II, gặp Đại Úy Vượng, ông khuyên:
- Cô lên Kontum thì nên chuẩn bị sẵn cho một cuộc chạy bộ. Hãy mang giày nào cho dễ chạy. Trên đó không có xe cho cô di chuyển. Có mượn được xe cũng không có xăng. Xuống phi trường, cô phải chạy bộ vào thành phố, chỉ chừng 3 cây số thôi. Tại Kontum, bây giờ, một giọt xăng quý như một giọt máu.
Vậy là tối hôm đó tôi tìm mua một đôi giày ba ta để chuẩn bị cho một cuộc chạy bộ từ phi trường vào thành phố. Nhưng rồi cũng may, trực thăng hạ cánh cách tòa hành chánh tỉnh chừng một cây số. Thế là tôi chỉ đi bộ vào phố chứ khỏi chạy bộ. Lúc đó Việt Cộng đang pháo vào phi trường. Những đoàn người trên đường ra phi trường phải dừng lạị Một người trong nhóm đó thở dài:
- Trời ơi, Việt Cộng pháo vào phi trường mãi. Không biết bà con của mình đợi ở đó có sao không!
Tôi đến đây nhằm ngày Chủ Nhật, chỉ có con đường ra phi trường là còn có người di chuyển. Hằng ngàn người, đa số là vợ con của quân nhân và công chức tụ tập trước MACV để xin máy bay di chuyển. Phải có giấy của Đại Tá Tỉnh Trưởng ký trước, rồi đến xin giấy của Đại Tá Mỹ ở MACV. Bao giờ cầm được giấy lên máy bay mới biết chắc mình được đi. Giấy được đi phải là giấy ưu tiên một. Đối với máy bay Mỹ, mọi người giữ được kỷ luật như vậy, còn với máy bay Việt Nam, dân cứ ào lên, ào lên. Không có cách gì để giữ cho được trật tự.
Cách đây vài hôm ở phi trường Cù Hanh, hơn 10 ngàn người tràn lên một chiếc máy baỵ An Ninh, Quân Cảnh không thể nào ngăn cản được. Một ông Trung Tá rút súng bắn dọa một phát, viên đạn vô tình lại trúng vào cánh máy bay sao đó mà máy bay không cất cánh được. Và người ta lại kiên nhẫn ăn, ngủ ngay tại phi trường để chờ. Tội nhất là những đứa bé sơ sanh, phải dầm mưa dãi nắng và chịu đói khát, đau ốm đã bao nhiêu lâu rồi. Vấn đề tiếp tế cho Kontum ngày càng trở nên khó khăn, tất cả chỉ còn trông chờ vào các trực thăng Chinook. Những nhu yếu phẩm cần thiết làm sao có đủ cho đồng bào tị nạn chạy về từ Dakto, Tân Cảnh.
Tôi đến toà hành chánh tỉnh Kontum vào lúc 10 giờ sáng. Quân nhân, công chức tụ họp từ từng dưới lên cả trên lầu. Họ chia ra từng nhóm, người nào cũng nói về chuyện di tản. Họ đến đây để xin giấy di chuyển cho gia đình. Tôi đang đứng ở cầu thang hỏi thăm mấy người ở đây thì Đại Tá Nguyễn Bá Thìn, Tỉnh Trưởng Kontum đi ra, thấy tôi ông chào hỏi và nói:
- Bây giờ tôi đi thăm các trại tạm cư, cô có đi không? Cô nên viết để kêu gọi giúp đở cho hoàn cảnh này.
Tôi lên xe của Trung Tá Đổ, Tiểu Khu Phó, hướng về các trại tạm cư. Trường học và các cô nhi viện được trưng dụng để làm trại tiếp cư. Chúng tôi ghé lại một trường học. Trên sân trường, người Thượng nằm, ngồi dưới các gốc cây, họ vừa chạy về từ Dakto, Tân Cảnh. Nét mặt người nào cũng có vẻ ngơ ngác trông thật tội nghiệp. Trong khi Đại Tá Thìn hỏi thăm những cán bộ Bình Định Nông Thôn về vấn đề phân phát gạo cho đồng bào tị nạn, thì tôi đi chụp hình và tìm những người Thượng biết nói tiếng Việt để hỏi thăm. Mấy người này đến từ làng Konkring. Tôi nghe tiếng Đại Tá Thìn hỏi:
- Ty Y Tế có rắc thuốc không?
Gần 10 năm làm báo, đây là lần đầu tiên tôi thấy một ông Đại Tá Tỉnh Trưởng đi kiểm soát nhà cầu của một trại tị nạn. Vấn đề giữ được vệ sinh ở trại này thật là khó khăn. Cán bộ thì ít, người tị nạn thì đông. Tất cả nhân lực đang dồn vào chiến trận, vào việc di tản dân Kontum đi nơi khác và tiếp cư dân nơi khác về Kontum. Mỗi người được lãnh 500 gram gạo một ngày, nhưng không dám ăn hết, để dành lại một ít phòng hờ ngày mai không được phát gạo nữa. Thời chiến chinh, ai mà biết được những gì sẽ đến trong ngày mai.
Vào lúc 16 giờ ngày 29 tháng 4, một phi cơ quan sát trong lúc bay trên không phận Dakto, bỗng nhiên thấy ánh sáng của một tấm kiếng từ dưới đất chiếu lên. Phi công liền xuống thấp để quan sát thì thấy một đám đông đang tụ họp quanh khu chợ. Dakto và ra dấu hiệu cấp cứu. Khi phi cơ xuống thấp hơn nữa, thấy đám đông đó là khoảng 200 binh sĩ của ta. Những người này đang làm dấu hiệu cho phi cơ đáp xuống. Phi công định đáp xuống một bãi trống phía Tây của chợ, nhưng địch biết được ý định đó nên bắn lên máy bay như mưa và đồng thời mở đợt tấn công vào đám binh sĩ của ta đang bị vây.
Được tin báo của máy bay quan sát, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tin rằng nhóm 200 binh sĩ đang bị vây khổn ở chợ Dakto gồm có Bộ Tham Mưu của Đại Tá Đạt và binh sĩ của Trung Đoàn 42 Bộ Binh trên đường di tản khỏi căn cứ Tân Cảnh. Vì vậy, cuộc giải vây cho nhóm 200 người đang cầm cự với địch đã được thực hiện với ưu tiên một.
Ngày hôm sau, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đưa được Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh cùng với 200 binh sĩ từ chợ Dakto về căn cứ của Quân Đoàn. Cùng đi với Đại Tá Đạt, có Trung Tá Nghiêm Kế, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 22 Công Binh Chiến Đấu, một đơn vị yểm trợ của Sư Đoàn 22.
Ký nhi viện Vincent cũng là một trong những trại tạm cự Chúng tôi đến thăm vào buổi trưa, các dì phước đều mặc áo màu xanh, lúp màu xanh và đang làm việc rất bận rộn. Có mấy dì phước ngồi ghi tên những người mới đến vào danh sách. Người tị nạn ở đây đa số là người Thượng từ các buôn ở mạn Bắc của Kontum chạy về. Tôi ngồi xuống bên cạnh một dì phước rất trẻ, nói được tiếng Barna. Sinh hoạt chung với họ rồi nói được tiếng của họ. Ký nhi viện này ở bên cạnh trường trung học Quenot của cha Trường. Trường học thật khang trang đẹp đẽ. Những cây phượng trong sân nở hoa đỏ rực. Xác hoa phượng phủ đầy các lối đi.
Đại Tá Thìn hỏi các dì phước:
- Vấn đề vệ sinh ở đây làm cho các sơ vất vả lắm phải không?
Một dì phước trả lời:
- Người Thượng họ tắm cả ngày, tắm nhiều hơn mình nữa, nhưng họ không có quần áo để thay. Có một bộ đồ là họ mặc cho đến khi rách, chứ không giặt giũ gì cả. Mà muốn giặt cũng không có đồ để thaỵ
Tôi hỏi dì phước:
- Thưa sơ, trại này hiện có bao nhiêu người?
- Đã tiếp nhận hai ngày nay là 950 ngườị Số người mới đến còn đang lập danh sách.
Một dì phước quay lại hỏi tôi:
- Cô có nghe tin gì về Konkring không? Có mấy sơ ở Konkring cũng thuộc về Vincent de Paul, ở đây chúng tôi không được tin tức gì hết, chắc bị Việt Cộng bắt giữ lại hết rồi.
Các dì phước ở đây nhắc đến những người ở Konkring một cách quan tâm và thương mến. Buổi loạn ly bom đạn đâu có tránh ai, Việt Cộng đâu có chừa ai.
Rời trại tạm cư ở ký nhi viện Vincent, chúng tôi đến thăm một trại tạm cư khác tại một trường trung học. Chúng tôi đến lúc đồng bào đang ăn cơm. Thức ăn thật đơn giản: rau luộc và một món mặn. Vợ chồng, con cái ngồi bẹp xuống nền của lớp học. Họ ăn một cách ngon lành, nhưng trên mặt vẫn còn những nét sợ hãi vì đoạn đường họ đã vượt qua và những hiểm nguy họ đã gặp.
Tôi hỏi một người đàn bà ngồi gần cửa:
- Chị chạy mấy ngày mới tới đây?
Người đàn bà đặt chén cơm xuống, nhìn tôi rồi trả lời:
- Đi 4 ngày trong rừng, mới ló đầu ra là gặp ngay Việt Cộng. Chạy đến chảy máu chân cũng không hay. Về tới đây mới biết mình còn sống.
Một ông cụ ngồi nhìn chén cơm mà không ăn, nước mắt rưng rưng:
- Mấy đứa con tôi thất lạc hết rồi. Không biết chúng còn sống hay đã chết. Ngày nào tôi cũng đi tìm chúng nó. Có ai thấy chỉ dùm tôi.
Tỉnh Kontum có khoảng 50 ngàn dân, gồm 30 ngàn người ở thành phố và 20 ngàn người rải rác các quận chung quanh. Người Thượng ở trong những làng mạc xa xôi hẻo lánh. Trong khi dân Kontum di tản về Pleiku hoặc Saigon, dân ở các làng, các quận lại đổ về Kontum tị nạn. Những gia đình giàu có đã đi hết rồi, bây giờ còn lại đa số là gia đình của quân nhân và công chức. Phía bên Mỹ thông báo rằng, đến ngày 1 tháng 5, họ không cấp phương tiện để di tản đồng bào nữa.
Ngày 29 tháng 4, một vị thượng tọa dẫn 5 ngàn tín đồ đi bộ từ Kontum về Pleikụ Đoàn người ngày đi đêm nghỉ, cuối cùng cũng về tới Biển Hồ. Nhà cầm quyền Kontum lo lắng rất nhiều về việc di tản, nhưng không đủ phương tiện. Tướng Ngô Dzu cũng rất khổ tâm về việc nàỵ Một ngày chỉ có 4 chiếc Chinook tiếp tế. Sự tiếp tế nhỏ giọt nên cũng đến ngày thành phố Kontum không có điện vì thiếu dầu, một số dân trong các làng đói vì thiếu gạo. Bây giờ Kontum đã bị cô lập, cuộc sống của những người còn lại ở đây chỉ mong vào sự tiếp tế của máy bay mỗi ngày.
Thành phố Kontum chỉ mới hoang vắng, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên vẹn với nét đẹp của một thành phố miền Cao Nguyên. Dòng sông Dabla vẫn lặng lờ uốn khúc quanh co, và trên bờ, màu hoa phượng vĩ vẫn rực rỡ trong khói lửa chiến tranh đang bao trùm thành phố.
Buổi sáng tôi ra phi trường để gửi bài về toà soạn thì chợt bắt gặp một tà áo xanh, màu áo xanh đồng phục của những nữ tiếp viên hàng không Air Việt Nam. Người con gái có đôi mắt to và đen, nét mặt buồn như muốn khóc. Nàng có vẻ lạc lõng giữa một rừng người đang chờ di tản ở phi trường và hình như đang tìm kiếm một người nào đó. Khi đi ngang qua chỗ Đại Úy Hoà và tôi đang đứng nói chuyện với nhau, người con gái dừng lại ấp úng hỏi vị sĩ quan:
- Thưa Đại Úy, Đại Úy có thể cho tôi biết trong số thương binh mà Đại Úy đã di tản về các bệnh viện có Thiếu Úy Nguyễn... không?
Đại Úy Hoà, Quân Y, nhìn người con gái một lát rồi chậm rãi trả lời:
- Tôi làm sao nhớ hết được. Nếu cô cho tôi thêm số quân, đơn vị của người đó, tôi sẽ tìm dùm cho cô. Chừng nào cô mới có chuyến bay trở lại đây?
Người nữ tiếp viên có vẻ mừng rỡ:
- Thiếu Úy Nguyễn..., thuộc Trung Đoàn 42, tôi không nhớ số quân của anh ấy. Sau khi Tân Cảnh di tản, tôi không được tin tức gì của anh ấy nữa. Tôi tình nguyện bay đường Saigon-Kontum mỗi ngày hai chuyến, sáng và chiều, để lên đây mong kiếm được tin tức của anh. Nhưng mỗi lần máy bay hạ cánh có một tiếng đồng hồ, nên tôi chỉ luẩn quẩn hỏi thăm ở trong phi trường này mà thôi.
Đại Úy Hoà hứa với người nữ tiếp viên hàng không:
- Tôi sẽ hỏi phòng hành quân dùm cô. Đồng thời tôi sẽ dò xem danh sách của thương binh. Trưa nay, lúc máy bay của cô đáp xuống, tôi sẽ ra đây trả lời cho cộ Hiện nay, những người sống sót của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 22 và Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn 42 đóng ở Tân Cảnh đã về đây hết, tôi cũng sẽ hỏi thăm dùm cô.
Sau khi người nữ tiếp viên trở lại máy bay về Saigon. Đại Úy Hoà làm đúng lời hứa, đã đi nhiều nơi để dò thăm tin tức. Nhưng tên của người sĩ quan này không có trong danh sách những thương binh, cũng không có mặt trong số những người về từ Tân Cảnh. Vậy chỉ còn một là thất lạc trong rừng, hai là bị lọt vào tay địch, ba là đã chết mất xác. Tôi thấy Đại Úy Hòa có vẻ ái ngại khi đến giờ phải ra phi trường gặp lại người nữ tiếp viên hồi sáng. Các phi trường Kontum và Pleiku bị pháo mỗi ngày, nhưng nàng vẫn tình nguyện bay lên đây ngày hai chuyến, với hy vọng có chút tin tức hay được gặp lại người yêu.
Buổi trưa tôi từ chối không đi cùng Đại Úy Hoà ra phi trường. Tôi sợ phải nhìn thấy những giọt nước mắt và nét tuyệt vọng trên khuôn mặt hiền lành của người con gái đó. Tôi sợ một câu trả lời từ miệng mình thốt ra là một sự thật phũ phàng dập tắt hết mọi niềm hy vọng. Tình yêu của người con gái đó quá đẹp và quá hiếm trong những ngày ly loạn như hôm nay.
Kiều Mỹ Duyên
SOURCE:
https://dongsongcu.wordpress.com/2016/06/20/cao-nguyen-suong-mu-hay-khoi-sung/
.
No comments:
Post a Comment