Wednesday, March 31, 2021

Dây Biểu Chương: Đeo thế nào cho đúng cách? Michael P.Do

 


Sau khi Đài Phát Thanh Việt Nam truyền đi buổi hội luận về việc tiếm mạo quân phục QLVNCH, có nhiều vị gọi điện thoại khích lệ và tán thành. Cũng có vị thắc mắc về việc đeo dây Biểu Chương vì họ thấy trong ảnh và đoạn video của nhóm chính phủ Đào Minh Quân có một anh mang quân phục Nhảy Dù, trên nón Beret đỏ có đeo một sao (Chuẩn tướng), và bên vai đeo một lúc hai dây Biểu chương. Một dây màu đỏ, một dây màu vàng; và đặc biết hai dây đeo ngược chiều với nhau! Vị thính giả này hỏi ý kiến rằng đeo như thế có đúng cách hay không.

Vì thế, nhân đây, chúng tôi xin trình bày sơ qua về việc đeo dây Biểu chương để quý vị tham khảo. Quý Niên trưởng nào thấy chỗ nào chưa đúng, xin vui lòng bổ khuyết. Xin cám ơn rất nhiều.

 ***

Thông thường, Anh Dũng Bội Tinh là loại huy chương để ân thưởng cho các quân nhân tỏ ra can trường, lập công đặc biệt trong khi chiến đấu. Anh Dũng Bội Tinh là tấm huy chuơng để đeo trên ngực trái, cùng một tấm bằng Tuyên Dương Công Trạng. Trước hết là một Công Lệnh ký bởi các vị Tư Lệnh tùy từng cấp. Tham chiếu bản Công Lệnh đó, Phòng Tổng Quản Trị sẽ làm bản Tuyên Dương Công Trạng cho từng cá nhân.

Tuỳ theo mức chiến công, mà quân nhân sẽ được tuyên dương công trạng từ cấp thấp nhất là Trung Đoàn (có kèm Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng), kế đó là cấp Lữ Đoàn (cũng ngôi sao đồng), lên đến cấp Sư Đoàn (ngôi sao bạc), cấp Quân Đoàn (ngôi sao vàng), và cấp Quân đội là cao nhất (ADBT với Nhành dương liễu. Xem ảnh 1).

 


Bản Tuyên Dương Công Trạng cấp Quân Đội và Công Lệnh phải được ký bởi Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH.

Trong bản Công Lệnh cấp chung cho tất cả các quân nhân đụợc ân thưởng, thì ghi chi tiết về chiến công, xảy ra lúc nào, ở đâu, đương sự đã làm gì, lập được công thế nào.

Trên tấm bằng cấp riêng cho từng người, có ghi rất rõ câu: Tuyên Dương Công Trạng trước (cấp nào) cho (tên họ, số quân, đơn vị quân nhân được thưởng) “về lòng dũng cảm mà đương sự đã biểu lộ trước hoả lực đối phương”. Như thế, rõ ràng, tấm bằng này và loại huy chương Anh Dũng Bội Tinh chỉ ân thưởng cho những quân nhân tỏ ra anh dũng trong chiến đấu, trước lằn tên mũi đạn quân thù mà thôi.

Nhưng sự Tuyên Dương này cũng dành cho các đơn vị các cấp, nếu đó là chiến công tập thể. Ví dụ, trong trận Mậu Thân 1968, nhiều đại đơn vị đều có công trận, đều được Tuyên Dương Công Trạng trước Quân Đội. Đơn vị nào được tuyên dương công trạng trước Quân Đội lần thứ nhất, tất cả các quân nhân trong đơn vị sẽ được đeo trên túi áo bên phải tấm huy chương ADBT với nhành Dương Liễu nằm trong một khung mạ vàng .



Nếu đơn vị được thêm một làn tuyên dương cấp Quân Đội nữa, thì tất cả quân nhân trong đơn vị sẽ được đeo dây biểu chương màu vàng là màu Anh Dũng Bội Tinh. Khi đơn vị được 4 lần tuyên dương, sẽ đeo dây màu xanh lục (màu Quân Công Bội Tinh), và nếu được 6 lần tuyên dương, thì sẽ đeo dây màu đỏ (màu Bảo Quốc Huân Chương). Đến sau lần tuyên dương thứ 8, thì sẽ đeo dây có điểm đủ ba màu (màu tam hợp). Quân nhân trực thuộc đơn vị trong thời gian được tưởng thưởng sẽ được cấp giấy phép đeo dây biểu chương (vĩnh viễn? Xin quý niên trưởng xác minh giùm). Nhưng các quân nhân từ đơn vị khác thuyên chuyển đến đơn vị được tưởng thưởng, chỉ được đeo các dây biểu chương của đơn vị trong thời gian phục vụ ở đó mà thôi. Khi rời đơn vị đó, thì không được phép đeo nữa.

Cách đeo dây biểu chương:

Quân nhân chỉ đeo một dây nào có giá trị cao nhất mà thôi, và đeo ở vai trái.

 


Dây biểu chương có hai phần chính và cách đeo như sau:

– Một cái vòng là dây lớn do ba dây nhỏ bện với nhau, một đầu cuối có ba vòng nhỏ kết như hình hoa thị; một đầu khác là sợi dây đơn ngắn mà cuối dây là một đũa đồng đầu nhọn. Khi đeo, vòng lớn này sẽ nằm dưới nách áo bên trái. Phần có hoa thị ở phía sau bên trên vai (chỗ chiếc nút cầu vai); phần dây ngắn có đũa đồng thả lỏng xuống ngực.

– Phần hai có hai vòng là dây chiếc. Hai dây chiếc này choàng qua trên cánh tay trái.

(Hình 4 trên là đúng cách, dưới là sai cách).

 


Tưởng cũng cần nói sơ về cách đeo các huy chương:

1.- Huy chương cá nhân đeo bên trên nắp túi áo trái, huy chuơng đơn vị, đeo trên nắp túi áo bên phải.

2.- Huy chương có giá trị cao đeo ở hàng cao, gần bên trái (gần trái tim) hơn huy chương giá trị thấp. Huy chương dân sự hay ngoại quốc, dù cao đến mấy cũng ở vị trí cuối cùng (hàng thấp và xa trái tim hơn).

Trong ảnh, theo thứ tự cao thấp về giá trị là: Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu, ngôi sao vàng, ngôi sao bạc, ngôi sao đồng, Chiến Thương BT, Tham Mưu BT, Dân Vụ BT, Quân Phong BT, Quân Vụ BT, Chiến Trường Ngoại Biên BT, và Chiến Dịch BT.

Để bớt rườm rà, quân nhân có thể gom hai ba huy chương Anh Dũng BT trên cùng một nền (ribbon). Ba ngôi sao đồng trên cái nền (ribbon) giữa trong hình trên  tượng trưng ba ADBT với ngôi sao đồng.  Trong ribbon bên trái có hai ngôi sao, một vàng một bạc là hai ADBT cấp Quân Đoàn và cấp Sư Đoàn.


Các loại Huy chương của QLVNCH, theo thứ tự  từ cao nhất đến thấp nhất:

– Bảo Quốc Huân Chương (Đệ Nhất Đẳng đến Đệ Ngũ Đẳng), dành cho Sĩ Quan – Quân Công Bội Tinh, dành cho Hạ Sĩ Quan, – Lục Quân Huân Chương, – Không Quân Huân Chương, – Hải Quân Huân Chương, – Lục Quân Vinh Công Bội Tinh – Không Quân Vinh Công Bội Tinh – Hải Quân Vinh Công Bội Tinh – Biệt Công Bội Tinh – Anh Dũng Bội Tinh (Nhành Dương Liễu, Ngôi Sao Vàng, Bạc, Đồng) – Phi Dũng Bội Tinh – Hải Dũng Bội Tinh – Ưu Dũng Bội Tinh – Nhân Dũng Bội Tinh – Trung Chánh Bội Tinh – Chiến Thương Bội Tinh – Danh Dự Bội Tinh – Chỉ Đạo Bội Tinh – Tham Mưu Bội Tinh – Kỹ Thuật Bội Tinh – Huấn Vụ Bội Tinh – Dân Vụ Bội Tinh – Quân Phong Bội Tinh – Chiến Dịch Bội Tinh – Quân Vụ Bội Tinh – Không Vụ Bội Tinh – Hải Vụ Bội Tinh

Sau năm 1972, có ban hành Chiến Trường Ngoại Biên Bội Tinh dành cấp cho quân nhân tham dự các cuộc hành quân ngoại biên. Chúng tôi không rõ nó được xếp ở thứ tự nào. Nhất Trí BT dành cho người ngoài dân chính có đóng góp đắc lực với Quân Đội. Vị Quốc BT dành cho gia đình tử sĩ đã hy sinh vì tổ quốc.Bội Tinh

Ghi chú:

Đối với Hoa Kỳ, Danh Dự Bội Tinh là huy chương cao quý nhất, do chính TổngThống trao tặng những quân nhân có chiến công rất lớn. Nhưng trong QLVNCH, Danh Dự Bội Tinh có vị trí khiêm tốn. Những quân nhân có Quân Phong Bội Tinh hạng 4 (sau 8 năm quân vụ không vi phạm kỷ luật) sẽ được đề nghị ân thưởng Danh Dự Bội Tinh. Sau khi có Danh Dự BT, nếu có tổng số điểm các huy chương đạt mức tối thiểu nào đó, sẽ được đề nghị ân thướng Lục Quân (hoặc Không Quân/Hải Quân) Huân Chương. Sau khi có loại Huân Chương này, sẽ được đề nghị ân thướng Bảo quốc Huân Chương (nếu là Sĩ Quan) hoặc Quân Công Bội Tinh (nếu là Hạ Sĩ Quan). Dĩ nhiên phải có đủ một số thâm niên quân vụ và điểm tổng cộng các huy chương ở mức tối thiểu do Bộ Tổng Tham Mưu ấn định.

Chúng tôi còn nhớ Anh Dũng BT với nhành Dương Liễu được 14 điểm, Vàng (13), Bạc (12), Đồng cấp Lữ Đoàn (11), Đồng cấp Trung Đoàn (10). Chiến Thương BT (12 điểm)… Các bằng Tưởng Lục cũng có điểm (khoảng 5,6,7 điểm tuỳ theo cấp). Các điểm huy chương cũng được dùng khi dự tranh thắng cấp thường niên.

 

 



 

 

 
 
***
 

 

 SOURCE:

http://michaelpdo.com/2016/02/day-bieu-chuong-deo-the-nao-cho-dung-cach/

.

No comments:

Post a Comment