Thursday, March 25, 2021

Yung Krall (tức Đặng Mỹ Dung) chọn lựa giữa hai chiến tuyến qua tác phẩm "Nghìn giọt lệ rơi" - Vũ Uyên Giang

 

 

Yung Krall, tác giả của quyển tự truyện bằng Anh ngữ A Thousand Tears Falling (Nghìn Giọt Lệ Rơi) do Nhà Xuất bản LongStreet Spress ở Attlanta, Georgia xuất bản lần thứ nhất năm 1995, tên thật của chị là Đặng Mỹ Dung, sinh năm 1946 tại Cần Thơ, Miền Nam Việt Nam (trong một vùng được gọi là Vùng Giải Phóng). Giống như hàng ngàn trường hợp các gia đình Việt nam khác bị phân chia giữa lằn ranh Quốc gia và cộng sản; gia đình và bản thân của chị cũng là một trong số nạn nhân ấy. Sự mâu thuẫn giữa cuộc đấu tranh ý thức hệ trong gia đình những người Việt bị lôi cuốn trong cuộc chiến dai dẳng nhiều chục năm vì những nhân danh của hai phía, gây nên những thương tổn tình cảm trong mối giây liên hệ huyết thống. Nỗi đau khổ của những gia đình bị ly tán bởi chiến tranh Quốc - cộng không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian từ 1954 đến lúc cuộc chiến kết thúc năm 1975, khi Miền Nam bị người bạn đồng minh bội phản, đâm sau lưng chiến sĩ, mà nó còn di hại cho đến ngày nay đã được chị trình bày qua 28 Chương với hơn 400 trang sách.
 

Trong phần viết ngắn này, người viết không có ý định điểm sách hoặc phê bình sách vì nó sẽ quá dài cho 1 bài giới thiệu những Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ; nên người viết chỉ xin tóm lược những nét chính về thái độ can đảm của tác giả quyển Nghiøn Giọt Lệ Rơi khi đứng giữa hai chiến tuyến và quyết định của chị là đứng hẳn về phiá đối nghịch với sự tàn ác cuả cộng sản, đối nghịch hẳn con đường cha chị đã chọn lựa là trung thành với cộng sản.

 

I. Tóm lược nội dung sách:
 

Cha của chị Đặng Mỹ Dung tên thật là Đặng Văn Quang, bí danh Đặng Quang Minh, một cán bộ tập kết ra Bắc khi Mỹ Dung mới lên 9 tuổi, cùng 1 người anh ruột 18 tuổi của Mỹ Dung (Đặng Văn Khôi. Sau này Khôi trở thành một Sĩ quan Hoả tiễn phòng không tốt nghiệp ở Nga). Mỹ Dung cùng mẹ và  5 chị em khác ở lại Miền Nam, nhưng vì cả họ nội gồm các cô và chú đều tham gia cộng sản nên mẹ chị (bà Trần Thị Phàm) phải dắt nhau về tá túc bên ngoại ở Long Thành, Cần Thơ. Bên ngoại của Mỹ Dung lại là những người không thích cộng sản tàn ác.
 

Năm 18 tuổi (1964), Mỹ Dung tốt nghiệp Trung Học và để kiếm tiền phụ giúp mẹ nên chị đã xin vào làm việc ở Phòng 5 Tâm Lý Chiến thuộc Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 4 QLVNCH lúc đó do Đại úy Nguyễn Đạt Thịnh phụ trách và được giao nhiệm vụ làm phóng viên. Chị cũng đã từng bị cơ quan An Ninh Quân Đội điều tra vì cái lý lịch có cha vô danh, nhưng mọi chuyện cũng êm xuôi. Khi bà Phàm (mẹ của Mỹ Dung) bị bệnh nặng, cả gia đình phải di chuyển về Sàigòn sinh sống; Mỹ Dung cũng rời nhiệm sở ở Phòng 5 của Đại úy Nguyễn Đạt Thịnh để theo mẹ về Sàigòn. Tại đây, Mỹ Dung đã xin được một chân thư ký kế toán kiêm điện thoại viên của một ấn quán với một đồng lương khiêm tốn. Dung liền rời bỏ Sàigòn và một mình trở lại Cần Thơ làm việc lại cho Phòng 5 Tâm Lý Chiến của Đại Uùy Nguyễn Đạt Thịnh; nhưng cũng chỉ được hơn một năm, một phần vì nhớ mẹ và em; một phần vì công việc làm không thấy được tương lai nên Mỹ Dung trở lên Sàigòn sống với gia đình. Thời gian này hai người chị của Mỹ Dung đang việc cho một cơ quan của Mỹ nên đã giới thiệu cho chị nộp đơn xin với Trung Tâm Bachelor Officers Quarter (BOQ) tại tầng lầu cuối cùng của cao ốc Rex và chị đã được nhận vào làm với lương tháng 5,500 đồng. Sau 4 tháng huấn luyện, chị được chuyển về làm việc ở văn phòng Brinks BOQ; tại đây Mỹ Dung đã gặp Trung úy Hải quân John J.Krall; một thời gian sau, hai người đã yêu nhau. Ngay sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ Dung đã kết hôn với John J.Krall ngày 3 tháng 8 năm 1968 tại Monterey, California. Lúc này 2 người chị của Mỹ Dung cũng đang sống ở Mỹ; và cả 3 chị em đã trở thành con chiên của Chuá. Năm 1970 em trai của chị là Hải Vân đã tình nguyện gia nhập binh chủng Không quân/ QLVNCH, được gửi sang Lacland, Texas, Hoa kỳ để huấn luyện; trong lúc đó thì Dung cũng có thai cháu đầu lòng. Vào tháng 1/1971, khi Dung mới hạ sinh con trai đầu lòng Lance thì cũng nhận được tin Hải Vân đã bị tử nạn khi đang trong một phi vụ huấn luyện trực thăng ở gần căn cứ Hunter Army Airfield thuộc tiểu bang Georgia.
 

Năm 1973, Mỹ Dung cùng cháu trai Lance có dịp về thăm mẹ ở Việt Nam; dịp này chị cũng nhận lời bảo trợ cho Cô Nhi Viện Minh Trí ở Gò Vấp do Sơ Hồ Thị Trọng trông coi hơn 350 trẻ cô nhi trong điều kiện thiếu thốn. Khi trở về Hawaii, Hoa kỳ, Mỹ Dung đã liên lạc với Lois Taylors, một biên tập viên của tờ báo điạ phương Honnolulu Star Bulletin để Taylors viết một bài về sự thiếu thốn, khó khăn của Cô Nhi viện hòng vận động những tấm lòng thiện tâm. Nhờ thế Mỹ Dung đã nhận được sự trợ giúp của nhiều người, nhiều giới... Vài tháng sau, Mỹ Dung lại có dịp trở về Sàigòn và mang theo một số vật dụng và tiền để giúp cho Cô Nhi Viện Minh Trí.
 

Một buổi sáng đầu năm 1975, khi tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam đã quá rối rắm, thình lình Mỹ Dung nhận được 1 cú điện thoại "collect call" của một người Pháp tên là Jean Sagan ở Paris, Pháp quốc; ông này xưng là bạn của cha Mỹ Dung. Ông cho biết tình hình Việt Nam sẽ sụp đổ nhanh chóng và khuyên Mỹ Dung bằng mọi cách phải đem gia đình (mẹ và em) rời Sàigòn ngay. Chính ông Sagan đã khuyên Dung nên nói cho chồng (John Krall) biết và gặp Đô Đốc Gaylor, Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương để nhờ ông này giúp. Vì ông là người tốt bụng; ông ta sẽ giúp. Thật là một gợi ý đáng qúy trong  khi Dung đang lo lắng không biết làm cách nào đem mẹ và em ra khỏi Việt Nam. (Chương 16)
 

Mỹ Dung nhớ mang máng là đã nghe ở đâu đó tên của ông Jean Sagan, nên lục tìm trong sổ điện thoại thì chợt nhớ ra rằng cách đây vài năm, chính ông Sagan đã gửi từ Paris một bì thư có chưá hình ảnh của cha chị, Đại sứ Đặng Quang Minh chụp chung với những cán bộ cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN như Hô Chí Minh, Lê Đức Thọ v.v... và một số hình ảnh của ông và người anh ruột Đặng Văn Khôi chụp trước điệm Cẩm Linh ở Nga sô.
 

Mỹ Dung bàn với chồng lúc đó đã lên Thiếu tá và John Krall quyết định nghỉ 30 ngày để bay sang Việt Nam một cách bất hợp pháp vì không kịp xin visa nhập cảnh VN, cũng như không có sự cho phép của đơn vị nhằm tìm cách đưa gia đình vợ rời VN. John đến Sàigòn nhưng tình thế lúc đó đã cực kỳ hỗn độn, anh làm đủ mọi cách vẫn không sao xin được giấy phép để đem gia đình nhà vợ đi, mà ngay chính bản thân anh cũng chưa chắc đã có chỗ để rời VN. Anh liền điện thoại từ văn phòng hãng thông tấn AP về Mỹ cho vỡ và nhắc Mỹ Dung về lời cuả ông Jean Sagan nên gọi điện thoại xin gặp thẳng Thủy sư Đô Đốc Gaylor.
 

Ngay buổi sáng hôm nói điện thoại với chồng, Mỹ Dung đã gọi điện thoại cho Đô Đốc Gaylor, nhưng người tùy viên cho biết ông vừa ngủ, chị liền xin nói chuyện với bà Gaylor, sau một hồi do dự, người tùy viên cũng thông báo cho bà Gaylor. Sau khi nghe Dung trình bày, bà đã đánh thức Đô đốc dậy và đưa điện thoại cho ông. Mỹ Dung trình bày sự việc với ông và cho ông biết chị chính là con gái một ông Đại sứ CSVN ở Mạc Tư Khoa; trước tình trạng nguy cấp của Sàigòn, chị lo lắng đến sự an nguy của mẹ và em nên xin giúp đỡ đem họ rời khỏi Việt Nam; để đổi lại, Mỹ Dung sẽ cộng tác với chính phủ để làm mọi chuyện khi nào họ cần đến. Đô đốc hứa sẽ cử người tiếp xúc để tìm cách giúp cho gia đình Mỹ Dung. Sau 1 thời gian ngắn Dung đã nhận được điện thoại của Trung tá Dave Smith, nói ông sẽ đến nhà Mỹ Dung để bàn chuyện giúp đem gia đình nàng rời VN. Chưa đến 24 giờ sau, một nhân viên tình báo CIA tên là Bob Jantzen đã đến tiếp xúc với Mỹ Dung và đã lấy các chi tiết để giúp đem mẹ và em cuả chị rời VN đến nơi an toàn.
 

Ngày 23 tháng 4 năm 1975, gia đình của Mỹ Dung đã đến được Guam an toàn; 5 ngày sau, cả gia đình đã đến phi trường Honolulu, Hawaii  để đoàn tụ với Mỹ Dung.
 

Ít ngày sau, vợ chồng Mỹ Dung qua trung gian của nhân viên CIA Bob Jantzen đã được gặp 1 người cán bộ phái khiển tên là Robert Hall đến từ Washington DC. Sau lần gặp gỡ này, Mỹ Dung đã được bố trí làm việc cho CIA và sau vài năm hoạt động, có những lần vào tận hang ổ của CSVN ở New York, Washington DC, San Francisco hoặc Paris. Mỹ Dung đã phá vỡ các ổ CSVN nằm vùng nấp dưới danh nghiã các Hội Liên Hiệp Việt Kiều, Hội Việt Kiều Yêu Nước; qua đó những khuôn mặt cộng sản nằm vùng như Nguyễn Thị Ngọc Thoa (1 nữ cán bộ phái khiển điều hành một mạng lưới tình báo của CSVN ở Washington DC), Nguyễn Văn Lũy (Chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước ở San Francisco), Huỳnh Trung Đồng (Chủ tịch Hội Liên Hiệp Việt kiều ở Paris), Nguyễn Ngọc Giao (một cán bộ hoạt động về Việt kiều ở Pháp v.v... Nhưng vụ án lớn Mỹ Dung đã phá được là ổ gián điệp ở Hoa Kỳ là vụ Đại sứ VC Đinh Bá Thi, David Trương (tức Trương Đình Hùng, con trai của luật su Trương Đình Dzu, 1 ứng cử viên đối lập tranh chức Tộng thống với ông Nguyễn Văn Thiệu ở Miền Nam Việt Nam) và 1 nhân viên cao cấp tên Ronald Humphrey, làm việc ở Tầng lầy 7 Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Tất cả các nhân vật liên hệ bị ra toà và bị xử án (vì có bằng chứng cụ thể là những tài liệu đánh cắp bị cơ quan an ninh chụp được). Kết quả Đinh Bá Thi bị trục xuất về VN và bị chết trong một tai nạn xe do VC dàn cảnh vì nghi ngờ lòng trung thành của Thi; còn Trương Đình Hùng tự David Trương và Humphrey mỗi người lãnh 15 năm tù. Cho đến nay, những người này cũng đã mãn hạn án tù. Nghe nói Trương Đình Hùng đã sang Âu Châu sinh sống.

 

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP


Trong thời gian từ 1975 đến 1977, Mỹ Dung đã nhiều lần gặp Cha mình: lần thứ nhất tại Tokyo, Nhật Bản khi Dung đọc trên tờ Japan Times thấy có đăng tin và hình của Đại sứ Đặng Quang Minh sẽ cùng 1 cán bộ sộng sản khác tên Đỗ Quang Oánh đến Tokyo để tham dự một Hội Nghị Quốc Tế về chống bom Nguyên tử. Quá mừng, Dung liền dắt theo con trai (Lance) bay sang Tokyo để gặp cha sau hơn 20 năm xa cách.  Nhưng trái với những suy nghĩ về tình phụ tử, Dung đã nhìn thấy rõ hơn lòng trung thành của cha mình với chủ nghĩa cộng sản. Ông nhất định đổ diệt cho Đế quốc Mỹ và CIA đã giết Hải Vân và ông cũng nói với Dung rằng chính những kẻ này đã bắt ép mẹ và em của Mỹ Dung đi sang Mỹ. Cả hai điều này Mỹ Dung biết rất rõ là Hải Vân không bị ai giết cả mà chỉ là tai nạn, còn chuyện ép gia đình đi di tản, cũng chẳng có ai cưỡng ép mà do chính sự hy sinh của Mỹ Dung để cứu mẹ và em mình vì sợ hãi họ gặp hiểm nguy khi cộng sản xâm chiếm hoàn toàn Miền Nam.
 

Qua lần gặp gỡ với người cha ruột là một cán bộ cao cấp cộng sản, Mỹ Dung đã nhìn thấy hố cách biệt và những mâu thuẫn giữa cái nhìn từ hai phiá đối nghịch nhau. Ngay đứa con của Mỹ Dung, chỉ là một đứá trẻ 5 tuổi mà đã biết nhận xét về cộng sản khi cháu nói với người thông ngôn của ông ngoại mình (đại sứ Đặng Quang Minh) như sau:
 

-Tôi đã nghe nói cộng sản giết hại đàn bà và trẻ em ở quê hương của mẹ tôi.

Ông ta hỏi: "Cháu nghe ở đâu những điều đó?"

-Mẹ tôi giúp đỡ những người tị nạn. Họ đã kể cho mẹ tôi nghe những sự sợ hãi đối với cộng sản. Tôi hy vọng ông đừng gây tổn hại cho mẹ tôi và tôi.

Rồi cháu còn nói: "Tôi hy vọng rằng ông sẽ đối xử tốt với người Sàigòn. Tôi đã ở đó và họ rất tốt với tôi".

Người thông ngôn bèn nói: "Tôi sẽ đối xử tốt với người Sàigòn. Cháu đừng lo"

Lance lại nói: "Cha tôi là một người Mỹ, nhưng ông ấy rất buồn khi thấy dân chúng bị cộng sản giết hại"

Mỹ Dung đã xin lỗi cha về những gì cháu Lance vừa nói, và ông Đặng Quang Minh đã cho rằng "người lớn đầu độc con nít về những điều như vậy, chứ con nít không đáng trách" (trang 246)

Trong lần gặp này, ông Đặng Quang Minh đã nói với Dung: "Ba không muốn làm con thay đổi, nhưng ba cũng muốn rằng con đừng hủy hoại niềm tin của ba" (trang 247)

Lần gặp cha thứ hai vào giữa tháng 9 năm 1975, Mỹ Dung cùng với mẹ (bà Trần Thị Phàm) sang Paris để gặp ông Đặng Quang Minh nhân dịp ông sang công tác ở đây. Lần gặp gỡ này, cả ông Đặng Quang Minh lẫn Phan Thanh Nam, xử lý thường vụ Đại diện của Chính Phủ Lâm Thời MTGPMN tại Pháp đều động viên mẹ và em của Mỹ Dung trở về VN; mà họ coi như đó sẽ là một chiến thắng lớn khiến đế quốc Mỹ phải bẽ mặt. Nhưng bà Trần Thị Phàm nhất quyết không trở về VN và cũng không dự bữa tiệc do Đại sứ VC Võ Văn Sung khoản đãi.
 

Sau khi cha rời Paris trên một chuyến bay của hãng Aeroflot, Mỹ Dung được đưa đến gặp Đại sứ Võ Văn Sung và ông này đã có ý định móc nối chồng của Mỹ Dung làm việc cho chúng sau này. Khi trở về Hoa Kỳ, Mỹ Dung được CIA yêu cầu dọn lên vùng Washington DC sinh sống. Phan Thanh Nam cũng tuyển mộ Mỹ Dung làm việc cho cộng sản để thu lượm tin tức trong chính quyền Hoa Kỳ và chúng khuyên Mỹ Dung phải giả vờ như là một người chống cộng. (nguyên văn: "You should even pretend that you are anti-communist" - Trang 322)
 

Ngày 13 tháng 12 năm 1977, vợ chồng Mỹ Dung cùng bà Trần Thị Phàm đến Heathrow, Anh quốc để đón ông Đặng Quang Minh. Sau đó lại có Hoà Bình, em của Mỹ Dung cũng sang bằng chuyến phi cơ khác. Gia đình đã gặp nhau trong những ngày Giáng Sinh lạnh giá ở Anh; mọi người nhân dịp này cùng kêu gọi ông Đặng Quang Minh hãy nghỉ hưu để đoàn tụ với gia đình, nhưng ông cương quyết từ chối, ngay cả việc ở lại căn nhà số 8 Regal Lane, Luân đôn. Nhân dịp này nhóm CIA đã có kế hoạch bắt cóc ông Minh nếu Mỹ Dung đồng ý; nhưng sau cùng chị đã từ chối thực hiện kế hoạch này.
 

Qua những liên hệ với Võ Văn Sung, Phan Thanh Nam, Đinh Bá Thi  v.v... và các ổ cộng sản trá hình dưới các chiêu bài Hội Việt Kiều Yêu Nước, Hội Việt Kiều Đoàn Kết, Hội Aùi hữu Việt kiều v.v... Hơn nữa được sự móc nối của Phan Thanh Nam để làm việc cho chúng; Mỹ Dung đã trở thành một gián điệp nhị trùng, xâm nhập vào hang ổ của CSVN tại Hoa kỳ và Pháp để phá vỡ một ổ gián điệp đã đánh cắp những tài liệu của chính phủ Hoa kỳ ở cấp cao. Việc này cũng dắt đến những hệ lụy bởi sự hăm doạ dưới hình thức thư nặc danh hoặc xâm nhập vào nhà riêng của Mỹ Dung để đập phá đồ đạc v.v... nhưng Mỹ Dung cương quyết làm một công việc phải làm là dẹp các tổ chức cộng sản đang hoạt động trên đất Mỹ. Toàn bộ những tên gián điệp cộng sản đã bị đưa ra toà và người nhân chứng trong vụ này là một người mang mật danh Keyseat có điạ chỉ ở nhà số 8 Regal Lane, Luân đôn; chính là tác giả của quyển sách Nghìn Giọt Lệ Rơi. Toàn thể những cán bộ điệp báo của CSVN đã bị đưa ra toà và bị giam giữ nhiều năm; riêng Đinh Bá Thi vì có quy chế ngoại giao nên bị trục xuất về nước và cũng bị cộng sản thanh trừng dưới hình thức tai nạn.

 

II. Con người cộng sản không chú trọng tình cảm gia đình:

 

Đọc từng trang sách cho đến trang cuối, gấp cuốn sách lại mà người đọc còn bâng khuâng. Những trang sách với giọng văn trong sáng, mạch lạc và lôi cuốn vì những pha gay cấn khi một người phụ nữ Việt Nam phải vào tận hang ổ của cộng sản ở Paris, ở New York, ở Luân đôn để làm gián điệp nhị trùng. Hấp dẫn và nghẹt thở không kém truyện của Ian Fleming hay Alfred Hitcock. Nhưng qua đó người đọc cũng ngậm ngùi trước sự hy sinh lớn lao của Mỹ Dung trước một người cha chỉ biết có những đồng chí và đảng. Ông quay lưng  trước mọi lời năn nỉ của vợ con sau hơn 20 năm chia cách; thậm chí khi gặp nhau lần đầu tiên với con gái ở Đông Kinh (Nhật bản) ông đã không dám nhận Mỹ Dung là con gái ruột mà chỉ giới thiệu với các đồng chí của ông chị là người cùng quê. Tình cảm ruột thịt gia đình, nhất là tình cha con, tình vợ chồng sau 20 năm chia xa lẽ ra phải quyến luyến không rời khiến người đọc phải bồi hồi xúc động, nhưng ngược lại ông vẫn coi trọng đảng của ông, tổ chức của ông và các đồng chí của ông hơn. Hay nói cho đúng hơn con người cộng sản một khi đã tuyên thệ dưới cờ đảng, họ chỉ biết trung thành với đảng, nhắm mắt đi theo con đường của đảng, gạt bỏ mọi tình cảm huyết thống gia đình; vì vậy khi gia nhập vào cộng sản họ luôn luôn dùng từ "thoát ly gia đình" đã nói lên sự thoát ly mọi liên hệ, ràng buộc gia đìønh, vợ con, huyết thống; đối với họ chỉ còn có đảng là con đường duy nhất họ gắn bó đời họ. Sau ngày 30/4/1975, người dân Miền Nam, đã được chứng kiến những người cha từ trong rừng trở về và chối bỏ giúp đỡ, bảo lãnh con ruột của mình là quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đang bị cộng sản giam cầm đầy ải trong các lò tập trung cải tạo; trong khi nếu đặt trường hợp ngược lại, người Miền Nam sẵn sàng làm mọi cách để cứu giúp kẻ thâm tình của mình. Trường hợp Dương Văn Minh che giấu người em ruột của ông, Dương Văn Nhựt là một cán bộ cộng sản ở trong nhà của Minh cả tháng trời là một thí dụ điển hình. Còn rất nhiều trường hợp khác như thế, người viết không liệt kê trong bài này.

Chính ông Đặng Quang Minh đã thú nhận qua câu trả lời Mỹ Dung khi chị nêu câu hỏi với ông về số phận những người tù binh Mỹ còn ghi nhận mất tích: "...but you must understand that before me is the party. It is not simple as you think" (...nhưng con phải hiểu rằng trước mặt Ba còn có đảng. Không đơn giản như con nghĩ đâu.) (Trang 243)
 

Mặc dù ông Đặng Quang Minh nói rằng: "...Ba không muốn tranh cãi với con. Ba không bao giờ muốn thay đổi tư duy của con. Nếu con cảm thấy hài lòng và sung sướng với niềm tin của con thì ba cũng cảm thấy hạnh phúc cho con. Gia đình thì rất qúy giá đối với ba, con biết không?". Khi Mỹ Dung nói: "Ồ! Nhưng đảng lại qúy giá đối với ba hơn bất kỳ ai khác trong chúng con." Thì ông đã xác quyết là: "Đất nước còn qúy giá hơn đối với ba"... (trang 254). Điều này đã chứng minh rằng đối với ông, gia đình chỉ là thứ yếu và lòng trung thành của ông đối với đảng còn nặng hơn bất cứ thứ tình cảm gia đình, thân tộc, huyết thống nào khác.
 

Trong lần gặp gỡ tại Anh quốc vào tháng 12/1977, ông Đặng Quang Minh được vợ (bà Trần Thị Phàm), hai người con gái (Mỹ Dung và Hoà Bình), cháu ngoại (Lance) đã cố thuyết phục ông nên xin nghỉ hưu để về sống chung với gia đình vì gia đình rất cần đến ông sau 21 năm dài chia xa. Nhưng ông đã nhất quyết từ chối vì theo ông: "đảng còn cần đến ông nên ông không thể trốn tránh nhiệm vụ" và cho dù ban ngày ông đến nhà Mỹ Dung để ở với vợ con, nhưng đến đêm ông nhất quyết đòi về ngủ trong phòng dành cho khách của Toà đại sứ cộng sản VN mà ông nói là để chấp hành quy tắc chung của đảng. Điều này đã chứng tỏ rằng: ông sống trong guồng máy của đảng cộng sản nhiều năm nên ông biết rõ sự kiểm soát chặt chẽ đời sống, tâm tư, tình cảm, cách sống của từng cá nhân trong guồng máy đó, nhất nhất đều phải tuân thủ theo sự giám sát, theo dõi của đảng; không thể trệch hướng. Đó là lý do ông nhất định phải trở về Toà đại sứ để ở chung với những kẻ tai mắt của đảng, nguyên tắc của cộng sản là kẻ này phải theo dõi kẻ khác để kịp thời báo cáo cho đảng như trong quyển Thằng Người Có Đuôi của nhà văn Thế Giang đã phơi bày rất rõ qua truyện ngắn Một Ngày Của Đồng Chí Chủ Tịch, cho thấy sự  rình rập không phải chỉ ở trong dân chúng, đảng viên mà còn  ở ngay trong hàng ngũ lãnh đạo với danh nghĩa "bảo vệ lãnh đạo”... :
 

“Người đàn ông già (đồng chí Chủ tịch) chợt yên lặng. Xoáy mắt nhìn tận đáy mắt người thư ký, ông hỏi  nhỏ như toả hơi lạnh từ thân vào cái mặt trắng bệch:

    - Anh bắt đầu làm việc cho Phạm Hùng từ bao giờ?

   Người thư ký chết điếng người, nói không ra lời:

  - Việc gì? Việc gì? Ý đồng chí muốn nói việc gì? 

   - Cái việc bẩn thỉu đó, việc nhòm lỗ khoá ấỵ

   - Không. Không. Tôi chỉ giúp ông ấy những việc... những việc  thuần túy theo chức nghiệp của mình thôi.

   - Ờ... ờ  cái nghiệp cũ ấy hả? Ta đã lôi anh ra khỏi cái  nghề sát sinh, tắm rửa thay quần áo và mở cho một con đường thênh thang về chính trị, thế mà vẫn chứng nào tật  nấy, ăn cháo đái bát, cái máu rình mò bẩm báo công an chưa nhạt được hả"

    Cũng trong Thằng Người Có Đuôi, tác giả cho thấy vì sống trong một xã hội luôn bị rình rập cho nên các sống cảnh giác đa nghi đã hằn sâu vào tâm khảm của một người tuy đã thoát khỏi vùng đầy nghi kỵ, tị hiềm mà chưa thể chặt đứt con ma nghi ngờ ra khỏi con người.

   "Tôi không phải đoàn viên, chả phải đảng viên, chưa một  ngày đứng trong cơ chế cộng sản; trong tôi không có những cuộc đấu tố rùng rợn, không có bội phản gỉa trá, nhưng thói đa nghi, đề phòng cảnh giác luôn luôn bắt tôi phải soi mói, phân tích và phê bình con người. Và với tính chất này, chế độ đã biến con người trở thành kẻ thù của con  người."

Qua những đoạn văn trên đây, người ta cũng đã nhìn thấy bản chất thật của cộng sản; nên việc ông đảng viên cộng sản Đặng Quang Minh phải từ bỏ thâm tình mà chỉ ở trong hang ổ, nơi có những đồng chí, đồng loại của ông là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

 

III. Cộng sản tàn ác trả thù người dân Miền Nam:

 

Sau khi miền Nam bị rơi vào tay giặc cộng, biết bao thảm cảnh đã xảy ra cho quân dân Miền Nam từ những lần đổi tiền, từ những việc bắt buộc, cưỡng bách lao động người dân lên  vùng rừng thiêng nước độc mệnh danh hoa mỹ Kinh Tế Mới, hoặc đi làm thủy lợi, từ những cuộc đánh tư sản mại bản làm một cái cớ để tước đoạt tài sản của nhân dân, từ những cuộc đẩy người dân ra biển cho họ chết vì giông tố bão bùng và hải tặc (mà cái đau đớn là nạn nhân phải bỏ tiền ra để mua lấy cái chết) vân vân.... Dù tác giả Mỹ Dung không trực tiếp chứng kiến thảm trạng đó sau khi Miền Nam thân yêu lọt vào tay giặc nhưng chị cũng đã viết lại thảm cảnh này qua lời kể của ông Huỳnh Ngọc Châu bạn của ông Đặng Quang Minh (cha của tác giả), một kỹ sư Dầu Hỏa làm việc cho Hãng Dầu Esso Oil Company; (ông Châu cũng là con rể của một nhà báo cộng sản là Cao Minh Chiếm, người đã bị chính quyền Miền Nam trục xuất ra Bắc năm 1965 và sau đó được cộng sản đưa sang Pháp để làm công tác tuyên truyền) trong Chương 23 từ trang 324 đến 329 khi chị đến nhà ông Châu ở số 15 đường Rue de Savoir, Paris để thăm ông. Cuộc đánh tư sản và chiếm đoạt tài sản của người dân đã được Mỹ Dung kể lại tóm lược như sau:
 

Gia đình Ông Châu là một gia đình thân cộng, cha cuả ông Châu là ông bà Huỳnh Ngọc Nhuận, một triệu phú ở Miền Nam từng che giấu nhiều cán bộ cộng sản trong nhà ở Gia định. Ông Nhuận lại là bạn của Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Gia đình ông bà Nhuận là một gia đình giàu có, làm chủ nhiều ruộng đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long, có nhà ở Bạc Liêu, có biệt thự ở Sàigòn... Năm 1976, chính gia đình của ông Châu đã bị cả một Tiểu đội VC đột nhập vào nhà, bắt mọi người tập trung ở phòng ăn dưới họng súng AK 47 và bắt đầu lục soát nhà để tìm kiếm tiền và vàng. Sau đó đã tra hỏi bà Nhuận xem vàng và tiền giấu ở đâu. Khi bà nói không có tiền cất giấu thì chúng bèn lôi xệch bà khỏi ghế và bắt đầu nạt nộ, hăm doạ ông bà Châu. Hành động man rợ và vô nhân đối với một bà cụ 70 tuổi chỉ có cộng sản dã thú mới có can đảm làm. Sau đó chúng bèn bắt bà Nhuận đem đi mà chúng nói để tiếp tục điều tra. Còn mọi người trong nhà thì bị đuổi ra khỏi nhà và lùa vào căn phòng dành cho người giúp việc ở phía sau. Chúng nói là chính quyền cách mạng niêm phong nhà để điều tra và cấm mọi người không được vào. Ngay cả khi đứa con của ông bà Châu khóc vì khát sữa, bà Châu xin chúng cho vào nhà để lấy sữa cho con cũng bị từ chối.
 

Chỉ một thời gian sau, gia đình ông Châu được phép trở lại căn nhà, nhưng chỉ còn là căn nhà trống rỗng; tất cả đồ đạc trong nhà đã được cách mạng tịch thu hết. Chính quyền cách mạng cũng yêu cầu gia đình ông phải dâng hiến căn nhà cho chính quyền cách mạng vì nó quá lớn so với gia đình ông. Bà Nhuận, mẹ của ông Châu thì bị đưa đi giam ở  nhà giam tỉnh Cần Thơ cách xa Sàigòn 400 Ki lô mét. Ông Châu phải đi tìm Nguyễn Hữu Thọ để xin giúp đỡ và đích thân Thọ đã đích thân đi xuống Cần Thơ để can thiệp thả bà ra. Lúc đó ông Châu mới biết những người cộng sản đã cưỡng đoạt hết mọi đất đai, ruộng vườn, nhà cửa của gia đình ông bằng cách ép buộc mẹ ông (bà Nhuận) phải ký giấy dâng hiến cho chính quyền cộng sản và chúng cho rằng như thế là trả về cho nhân dân.
 

Qua sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Thọ, ông Châu và gia đình đã được đưa đi Pháp để trị bệnh ung thư ruột.
 

Sau khi kể cho Mỹ Dung nghe câu chuyện của gia đình, ông Châu còn nói với chị: "Cháu phải chia xẻ câu chuyện này với chính quyền Hoa kỳ, nếu không phải giới báo chí. Đây là lúc Tây phương phải biết về sự ngu xuẩn và khờ khạo của họ khi họ đã làm trong chiến tranh Việt Nam. Henry Kissinger phải vùi đầu xuống bùn đen khi đã tham gia Hoà Đàm Ba Lê. Thuở đó Hà Nội đã đạo diễn gần như 85 phần trăm."
 

Cộng sản thường dùng chiêu bài tuyên truyền lừa mị dân chúng là "họ đã giải phóng nhân dân, tầng lớp công nông ra khỏi sự áp bức của Mỹ - Ngụy và kể từ nay giai cấp công nông, bần cố nông sẽ là chủ của đất nước và chúng chỉ là những tên đầy tớ trung thành..."; nhưng bên cạnh đó, chúng luôn trương khẩu hiệu "Nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý và đảng lãnh đạo". Người dân sau một thời gian đã nhìn rõ bộ mặt thật lưu manh, xảo quyệt và đê hèn của cộng sản. Những người chủ thì tiếp tục bị đày đoạ, bóc lột và bóp chẹt tự do còn hơn cả thời nông nô, phong kiến và ngày nay người ta thấy những tên đầy tớ trung thành của nhân dân ăn trên ngồi chốc, sống xa hoa vương giả, ở trong những biệt thự bề thế; trong khi tầng lớp chủ nhân thì bị đầy đoạ trong đói nghèo, khổ sở ở những nhà tranh xiêu vẹo, dột nát; có nhiều gia đình ở chung trong những căn nhà tối tăm ẩm mốc, chia xẻ với nhau từng manh chiếu hẹp dưới đáy sâu địa ngục (Hình ảnh này rẫy đầy ở Hà Nội, Hải Phòng, Sàigòn và nhiều nơi khác ở mọi miền đất nước). Chỉ cần ghé đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội sẽ thấy hàng ngàn người dân "khiếu kiện kêu oan" sống cảnh màn trời chiếu đất để mong được những tên đầy tớ của nhân dân đang nắm giữ quyền lực trong tay ghé mắt đến cứu xét, giải oan cho trường hợp oan sai của họ thì sẽ biết những tên đảng viên cộng sản có "hiếu với dân" như chúng vẫn tuyên truyền ngoài cửa miệng hay không.
 

Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy con người cộng sản không có nhân tính chúng chỉ muốn trả thù quân dân Miền Nam bằng mọi cách để tước đoạt tài sản, sinh mạng, của cải vật chất của người dân Miền Nam kể cả những cách man rợ nhất. Đây chỉ là một câu chuyện liên quan đến một gia đình có nhiều liên hệ với cộng sản mà còn bị chúng tước đoạt tài sản do công sức mồ hôi nước mắt của chính gia đình nạn nhân qua nhiều thế hệ; sau ngày đen tối 30/4/1975 còn hàng nhiều trăm ngàn, hoặc cả triệu trường hợp bi thảm hơn thế nữa xảy ra cho nhân dân miền Nam mà cộng sản thường gọi chung là bọn ôm chân đế quốc Mỹ. Bao nhiêu sinh linh đã chết dưới bàn tay độc tài khát máu của cộng sản, bao nhiêu thảm trạng nhà tan cửa nát, bao nhiêu người bị lùa vào các ngục tù trên khắp mọi miền đất nước? Ở đâu cũng là nhà tù, chỗ nào cũng là trại giam. Từ Bắc chí Nam, từ thành phố đến nông thôn, từ hải đảo đến rừng sâu núi thẳm... nhà giam mọc lên như nấm để  giam cầm, đầy ải quân dân cán chính miền Nam. Chưa nơi nào trên thế giới lại có hệ thống nhà tù rộng lớn như ở Việt Nam sau ngày cộng sản cưỡng chiếm. Bất kể mọi phương tiện nào có thể giam cầm người dân là chúng trưng dụng hết từ nhà thờ, đình chùa, trường học, rạp hát v.v...  đều biến thành những chỗ nhốt người. Chúng chỉ muốn trả thù người dân Miền Nam bằng mọi cách để cho họ đói rách, lầm than dưới tận cùng đáy sâu của mấy từng địa ngục.

 

IV. Ý chí cương quyết của tác giả đứng về chiến tuyến của tự do:

 

Đọc hết quyển sách, người đọc không khỏi bâng khuâng khi nhận ra rằng cuộc chiến tranh do cộng sản gây nên đã tàn hại bao nhiêu sinh linh vô tội của cả 2 miền đất nước, chúng đã dùng những chiêu bài bịp bợm, xảo trá để lừa gạt toàn thể những người dân lành ở cả 2 miền đất nước: ở miền Bắc thì bưng bít những sự thật, tuyên truyền và dùng bạo lực để cưỡng bách người dân ăn đói mặc rét để tập trung sức lực, tiền của vào xâm lược miền Nam tự do; ở miền Miền Nam thì dùng những xảo thuật tuyên truyền, lợi dụng vào tình cảm gia đình thân tộc của những người có thân nhân tập kết ra Bắc năm 1954, lợi dụng những mâu thuẫn và bất mãn xã hội kể cả việc dùng bạo lực trấn áp và đe doạ để lôi kéo người dân tiếp tay cho chúng. Tôi có một anh bạn mà tôi quen thời còn là học sinh trung học), gia đình sống trong một vùng xôi đâu ở nông thôn, năm lên 14 tuổi chỉ vô tình nhìn thấy một tên VC chui ra từ hầm bí mật khi đang đi rong chơi băét dế, hái hoa ở một ven rừng. Tên VC biết rõ gốc gác gia đình người bạn tôi nên chỉ hăm doạ và dặn không được tiết lộ cho ai biết rồi thả bạn tôi ra về. Khi về nhà, anh không dám kể cho ai nghe mà quyết giữ bí mật trong lòng, nhưng hôm đó có người chú ở trên Tỉnh về chơi và dắt anh đi lên Tỉnh để mua sắm sách vở, quần áo cho anh chuẩn bị nhập học, ngày hôm sau sẽ về. Chẳng may cũng trong đêm hôm đó, có một toán lính nhảy toán xuống vùng rừng đó, tuy chưa khám phá ra cái hầm bí mật, tuy chưa bắn chết tên VC trong hầm, nhưng VC đã nghi bạn tôi tiết lộ hoặc báo cáo tin tức cho quân đội quốc gia. Chúng liền cử người đến giết cả nhà gia đình người bạn tôi không từ già trẻ, trai gái, bé lớn... không chừa một mống với tội danh là "việt gian" sao mà giống trong truyện Cô Gái Đồ Long, Hân Tố Tố giết cả nhà Long Môn Tiêu Cục quá vậy?. Cả gia đình chỉ còn một mình anh bạn tôi sống sót nhờ được người chú dắt lên Tỉnh mua sắm áo quần. Sau lần đó, người chú đưa anh lên Sàigòn và vào học chung trường với tôi; nhờ đó tôi mới quen anh và mới được anh kể cho nghe niềm đau u uất của gia đình anh. Những chuyện như vậy xảy ra rất nhiều khắp nơi ở Miền Nam làm những người dân lành khác chứng kiến phải sợ hãi, phải đóng góp nghĩa vụ luá gạo cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoặc phải làm giao liên, kinh tài, hoặc thu lượm các tin tức tình báo cho chúng mỗi khi chúng yêu cầu. Chống lại, không đóng góp, không làm việc cho chúng đồng nghĩa với phản động, đồng nghĩa với việt gian và số phận là cái chết không chỉ riêng bản thân 1 cá nhân mà là cả nhà.
 

Người ta cũng thấy trong thời gian chiến tranh, những người giã từ hàng ngũ cộng sản để hồi chánh với chính quyền quốc gia; cá nhân người đó đã được an phận sống trong phần đất tự do, dân chủ và nhân quyền, nhưng thân nhân của họ ở miền Bắc thì bị trù dập, dày đoạ đến khốn khổ; bị cúp lương thực, bị cắt tem phiếu, bị đuổi việc ở các xí nghiệp hoặc hợp tác xã, bị chèn ép đủ mọi cách... Hoặc trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Miền Bắc, các văn thi nhạc sĩ dính dấp trong nhóm này đã bị trù dập nhiều chục năm dài, có những người đã chết trong nghèo đói như Nguyễn Bính dù đã cố phản tỉnh làm thơ bợ đỡ đảng; hoặc trong vụ án những người bị quy kết là tay sai của Nga chủ trương xét lại như Ung Văn Khiêm, Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Trung tướng Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Đình Huỳnh và con trai là Vũ Thư Hiên v.v... và v.v...; không chỉ những cá nhân này bị tù đày mà thân nhân cùng gia đình cũng bị cô lập cũng bị vạ lây nhiều chục năm dài. Ngay ở thời buổi bây giờ, hơn 30 năm sau chiến tranh chấm dứt, người cộng sản vẫn trù dập những ai bất đồng quan điểm, không ngoan ngoãn cúi đầu làm một thứ lừa bị bịt mắt chỉ đi theo hướng của đảng đều bị tù đầy, sát hại mất mạng dù là những đồng chí đã từng sát cánh bên nhau trong chiến tranh như trường hợp Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn v.v... và những kẻ công thần sau khi chanh vắt hết nước bị đào thải như Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ v.v... hoặc những người đã nhìn rõ bộ mặt thật của cộng sản nên đang ra sức đấu tranh cho dân chủ như Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến, Hà Sỹ Phu, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyeẽn Khắc Toàn v.v... và v.v... cho thấy rằng chỉ cần đi chệch hướng của đảng đã vạch thì dù kẻ có công đến đâu cũng bị tiêu diệt và đảng vẫn là một nhúm người cấu kết chặt với nhau vì quyền lợi phe nhóm.
 

Nói như vậy để thấy cộng sản VN là những con người hẹp hòi, xảo quyệt, đê hèn, tàn ác với ngay cả đồng chí của chúng. Vì thế  cho nên nếu qủa thật ông Đặng Quang Minh là một người thực tâm yêu nước như ông hằng ôm ấp mộng tưởng, nếu ông không bị chết sớm thì ngày nay ông cũng sẽ nhìn thấy rõ hơn bản chất của cộng sản và không chừng ông cũng sẽ bị đào thải như những người điển hình kể trên. Nhưng qua cách trình bầy của tác giả Đặng Mỹ Dung trong sách Nghìn Giọt Lệ Rơi và những lời đối đáp của ông, cho ta thấy ông là người trung kiên với đảng và lý tưởng cộng sản.
 

Chị Đặng Mỹ Dung là một người can đảm khi đã dứt bỏ tình riêng thân tộc để đứng hẳn về phiá chính nghĩa, để tiếp tay với cái tốt tiêu diệt cái xấu, kẻ ác và muốn làm như vậy chị đã hoạt động cho cơ quan tình báo trung ương của Hoa kỳ (CIA) là một điệp viên để xâm nhập vào tận hang ổ của chúng ở New York, Paris, Luân Đôn. Là một người phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt, cái bản tính nhút nhát, và an phận thích lo việc trong nhà để phục vụ chồng con  hơn là  dấn thân trong những việc nguy hiểm ngoài xã hội. Nhưng trường hợp của chị phải chia đều tình nhà, nợ nước, phận làm con v.v...; chị vẫn chu toàn việc nhà lo cho chồng, nuôi nấng giao dục, dạy dỗ con nhưng vẫn hoạt động như một gián điệp nhị trùng xâm nhập vào những tổ chức của cộng sản VN để phá vỡ những ổ gián điệp của cộng sản. Cái ý chí cương quyết đứng hẳn về phiá "đại nghĩa thắng hung tàn" ấy phải là một quyết định can đảm và cứng rắn mới làm nổi. Những Đinh Bá Thi (đại sứ VC ở New York) đã bị chính quyền Hoa kỳ trục xuất, Trương Đình Hùng, Ronald L.Humphrey bị toà xử 15 năm tù; còn những tên cộng sản khác hoạt động ngụy danh dưới các tổ chức Việt Kiều Yêu Nước, Hội Liên Lạc Việt Kiều, Hội Đoàn Kết Việt Kiều v.v... như Huỳnh Trung Đồng, Phan Thanh Nam,  Nguyễn Ngọc Giao, Nguyễn Thị Ngọc Thoa v.v... đều bị lộ diện và phải thay đổi điạ bàn hoạt động hoặc mai danh ẩn tích.
 

Hành động can đảm của chị Đặng Mỹ Dung cho ta thấy sự chọn lựa đúng đắn khi đứng hẳn về chiến tuyến của chính nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền để phá vỡ những ức chế, tàn ác và bất công mà cộng sản đã gieo rắc cho nhân loại nhiều chục năm qua cũng là một sự hy sinh lớn lao của cá nhân chị với thân tình ruột thịt là người cha ruột 21 năm xa cách của mình. Lần chia tay ở Luân đôn để tiễn ông về lại Việt Nam, chị đã thú nhận với ông là "Con chống cộng sản chứ con không chống Ba!" và đã nhận được câu trả lời lạnh tanh từ người cha: "Con là con. Ba là Ba. Ba không chịu trách nhiệm về những gì con làm." (Giòng 21 và 22 Trang 395/ Chương 22).
 

Cuối cùng, người anh ruột của Mỹ Dung, Đặng Văn Khôi, một sĩ quan chuyên về hoả tiễn phòng không tốt nghiệp ở Nga, cũng đã thức tỉnh nhìn rõ mặt thật của cộng sản. Anh đã vượt thoát thiên đường đỏ của cộng sản vào năm 1986 và hiện định cư ở New York và sinh sống bằng nghề dạy đàn guitare. Ông Đặng Quang Minh cũng đã qua đời vì 1 cơn đau tim vào tháng 4 năm 1986 tại Việt Nam.
 

Cái hệ lụy của cuộc chiến tương tàn do cộng sản Việt Nam gây ra cho bao nhiêu gia đình nhân dân Việt đã khiến bao nhiêu "nghìn giọt lệ rơi" như trường hợp tác giả Mỹ Dung, nếu nhân lên chắc phải đến nhiều triệu triệu giọt lệ rơi trên khắp mọi nơi người Việt có mặt trên mặt hành tinh này vì họ phải lánh xa, thật xa thiên đường đỏ của đảng cộng sản mới được hít thở không khí tự do, dân chủ và nhân quyền mà không phải phập phồng lo âu vì bóng dáng của chiếc buá liềm cộng sản.
 

Chừng nào dân Việt mới không còn rơi lệ vì khổ đau hỡi những người vong bản cộng sản Việt Nam!

 

Vũ Uyên Giang

(Trích trong "100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ" của Hồ Nam và Vũ Uyên Giang - đang in)

 SOURCE:

http://anhduong.net/LinhTinh/June06/YUNG_KRALL.htm

 

.

No comments:

Post a Comment