Thursday, March 25, 2021

Tù binh Lê Văn Chép - Vũ Uyên Giang

  

Tác giả: Vũ Uyên Giang

Source: https://www.thica.net/tac-gia/vu-uyen-giang/


Vũ Uyên Giang tên thật là Nguyễn Quang Vinh, cựu ký giả ở Saigon (1966-1968). 

Sĩ Quan Trừ Bị QL VNCH phục vụ trong ngành Quân Báo (1968-1973). 

Sau khi giải ngũ Tháng 2/1973, là nhân viên Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn (1973-1975).

Tù nhân trong các trại tù của cộng sản (1975-1981).

Vượt ngục và vượt biển tìm tự do đến Thái Lan 1981. 

Nhân viên Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, Thailand (1981-1983).

Sinh viên Trường Đại Học Cộng Đồng Wilbur Wright College tại Chicago, Illinois (1983-1986).

Chủ bút Chicago Việt Báo (1986-1987).

Chủ nhiệm và Chủ bút Nguyệt san Thời Việt tại Chicago (1987-1992).

Chủ nhiệm và Chủ bút Tạp chí Đất Sống tại Charlotte, North Carolina (1999-2002). 

Chủ nhân cơ sở Thương mại AN HÒA Inc. tại Charlotte, North Carolina và San Leandro, CA (1993-2007).

Chủ trương nhà xuất bản Đất Sống 2006. Về hưu kể từ Tháng 6/2007

Hiện cư ngụ tại North Carolina USA (từ 1993)

Tác phẩm đã xuất bản:

Ði Trên Ðỉnh Buồn (truyện 1971)

Trên Ðường Biên Giới (truyện 2000)

 ***

Lời nói đầu: Đây là một câu chuyện có thật xảy ra ở chiến trường Tây Ninh vào tháng 6 năm 1971 khi Sư đoàn Nhảy Dù VNCH vây hãm Công trường 9 Việt cộng ở đồn điền cao su Mimot sâu trong đất Miên và bắt sống tù binh Lê Văn Chép, bí danh Năm Thái cấp bậc đại úy, chính trị viên tiểu đoàn D.1 thuộc trung đoàn Q.761/ công trường 9 Việt Cộng.

*

Sau khi trực thăng của Trung tướng Đỗ Cao Trí (1), Tư Lệnh Quân đoàn III và Quân khu 3 bị phát nổ trên khung trung khi vừa cất cánh tại sân bay Tây Ninh East; Trung tướng Đỗ Cao Trí bị tử nạn. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô được bổ nhiệm thay thế Tướng Đỗ Cao Trí về làm Tư lệnh Quân đoàn III ở Biên Hòa và tiếp tục cuộc hành quân Toàn Thắng 1/71 đánh sang Kampuchia để lùng diệt các đại đơn vị của VC. Vào Tháng 6 năm 1971, trong cuộc hành quân Toàn Thắng 2/1971, các lực lượng VNCH tham chiến thuộc Vùng 3 Chiến Thuật gồm Sư đoàn Dù, Biệt Động Quân, Sư đoàn 18 BB, Sư đoàn 25 BB và Lữ đoàn 3 Kỵ Binh. Liên binh của QĐVNCH đã lùa các Công trường 5, 7 , 9 và Đoàn 429 Đặc công chạy sâu và các đồn điền cao su Mimot, Mimai, Chlong, Dambe, Kratié… Sư đoàn Dù khi vây hãm Công trường 9 của VC ở Mimot đã bắt sống 1 tù binh thuộc Tiểu đoàn D.1/ Trung đoàn Q 761/ Công trường 9; y khai tên là Lê Văn Chép, cấp bậc binh 2 là tân binh mới xâm nhập vào Nam và được bổ sung cho Tiểu đoàn D 1. Tên tù binh được trực thăng giải giao về BTL Tiền phương Sư đoàn Dù ở B 16 (tiền thân của B 16 là B 33) Lực Lượng Đặc Biệt. Biệt đội Quân Báo Sư đoàn Dù do Đại úy Bé làm Biệt đội trưởng phụ trách thẩm vấn tên tù binh để thu thập các tin tức cần thiết cho chiến trường đang nóng bỏng ở đất Miên.

Thiếu úy Vũ đang uống cà phê ở Quán Mường thì nhận được lệnh của Trung tá Nguyễn Văn Tại, Trưởng Phòng 2 Hành quân/ BTL Tiền Phương QĐ III phải trở về Phòng 2 gấp. Anh vội trả tiền và ra xe Jeep phóng về B 16 LLĐB, nơi đóng quân của BTL Tiền phương Quân đoàn. Bước vào Phòng 2, anh giơ tay chào Trung tá Tại, hỏi:

– Có chuyện gì gấp hả Trung tá?

– Cậu sang ngay Biệt đội Quân báo/ Sư đoàn Dù để thẩm vấn 1 tên tù binh thuộc Công trường 9 VC do lực lượng Dù bắt được ở đồn điền cao su Mimot. Ông Tướng đang hỏi tin rối rít cả lên. Trung tá Tại nói.

– Dạ được rồi Trung tá, tôi sẽ sang bên Dù liền. Nói xong anh quay ra leo lên xe Jeep lái sang Biệt đội Quân báo Sư đoàn Dù.

Khi đến nơi, Vũ vào gặp Đại úy Bé, Biệt đội trưởng Quân báo Sư đoàn Dù và trình bày việc bên Quân đoàn muốn thẩm vấn tên tù binh. Đại úy Bé nói:

– Kẹt quá toa. Ông tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Sư đoàn Dù đang ngồi chờ kết quả thẩm vấn tên tù binh; bọn moa đang hành quân quần thảo với CT 9 VC ở Mimot nên rất cần tin tức cho chiến trường. Toa thông cảm chờ bọn moa nghe.

– Đại úy. Ông có thể cho tôi ngồi quan sát cuộc thẩm vấn được không?

– Được. Toa có thể ngồi ngoài của sổ nhìn vào để nghe buổi thẩm vấn chẳng sao. Đại úy Bé nói.

Đại úy Biệt đội trưởng Biệt đội Quân báo sai lính mang 1 chiếc ghế sắt kê ở cửa sổ phòng thẩm vấn cho Thiếu úy Vũ ngồi quan sát. Anh nhìn vào bên trong phòng thẩm vấn quan sát tên tù binh; viên Trung sĩ Thẩm vấn viên đang ghi chép gì đó trên giấy. Vũ thấy tên tù binh khoảng ngoài 30 tuổi, vóc cao ráo, có vẻ chững chạc, ăn nói khôn ngoan và đặc biệt là y rất có tác phong của một cán bộ chỉ huy; hơn nữa y lại đang chỉ trỏ trên tấm bản đồ mà viên Trung sĩ Thẩm vấn viên của Nhảy Dù trải trên bàn; điều này càng cho Vũ chắc chắn tù binh Lê Văn Chép là một sĩ quan cán bộ chứ không thể nào là một tân binh mới từ Bắc xâm nhập vào bổ sung cho Công trường 9.

Vũ ít có liên lạc với Biệt đội Quân báo Dù nên không biết khả năng của vị Trung sĩ Thẩm vấn viên ra sao. Anh thường làm việc với các Biệt đội Quân báo của Sư đoàn 5BB do Đại úy Bé làm Biệt đội trưởng, hoặc với Phòng 2 Sư đoàn 25BB; những sĩ quan thẩm vấn của 2 đại đơn vị này rất xuất sắc và có nhiều kinh nghiệm điều tra tù hàng binh. Vũ tiếp tục theo dõi cuộc điều tra; anh thấy tên tù binh Lê Văn Chép rất khôn ngoan, lanh lợi và ánh mắt của hắn sắc như dao, cứ đảo qua đảo lại để quan sát bên trong phòng thẩm vấn và lom lom ngó người Trung sĩ Thẩm vấn viên. Vũ thầm nghĩ trong đầu, với kinh nghiệm của một sĩ quan thẩm vấn tù binh như anh, anh đoán chắc tên tù binh này cũng phải là một sĩ quan cán bộ của Q761/ Công trường 9 chứ không phải là một tân binh mới từ Miền Bắc xâm nhập vào bổ sung cho Công trường 9 như lời hắn khai. Đến 8 giờ tối, Vũ quay trở về Phòng 2 Quân đoàn, báo cáo sự tình cho Trung tá Tại và nhận xét của anh về tên tù binh; anh cũng yêu cầu ông lên trình với Đại tá Ngô Văn Minh, Tham Mưu trưởng hành quân Quân đoàn can thiệp lấy tên tù về Ban Thẩm vấn Quân đoàn để điều tra. Sau đó Vũ lái xe Jeep trở về Ban Thẩm Vấn Quân đoàn nằm ở Bunker số 1 ngay ở tay phải của cổng vào B 16.

Khoảng 10 giờ tối, Trung tá Tại gọi điện thoại cho Ban Thẩm vấn báo cho Vũ biết sáng ngày mai bên Phòng 2 Sư đoàn Dù sẽ giải giao tên tù binh Lê Văn Chép cho Ban Thẩm vấn Quân đoàn do sự can thiệp của Đại tá Ngô Văn Minh, Tham Mưu trưởng Hành quân QĐ III. Trung tá Tại đã thuyết phục bên BTL Tiền phương Sư đoàn Dù là Thiếu úy Vũ là một sĩ quan thẩm vấn tù binh có nhiều kinh nghiệm và rất có khả năng trong việc điều tra. Trung tá cũng cho biết ngày mai khi Vũ thẩm vấn tên tù, Đại tá Ngô Văn Minh, Trung tá Nguyễn Văn Tại, Trung tá Be Trưởng Phòng 2 Dù và Đại úy Bé sẽ ngồi dự thính nghe Thiếu úy Vũ thẩm vấn người tù.

Sáng sớm ngày hôm sau, Phòng 2 Sư đoàn Dù giải giao tù binh Lê Văn Chép cho Ban Thẩm Vấn Quân đoàn III; Vũ kêu Trung sĩ Phán ký nhận và giao cho Quân cảnh giam trong khu nhà giam tù binh. Anh cũng phân phối binh lính thuộc quyền sắp xếp chỗ thẩm vấn tù binh và kê 4 chiếc ghế để các vị sĩ quan đến quan sát cuộc thẩm vấn của Vũ. Đúng 9 giờ sáng, các sĩ quan dự thính đến nơi, được mời ngồi vào vị trí đã kê ghế dành riêng cho quý vị đó. Trước khi dẫn tên tù binh ra làm việc, Vũ mời các sĩ quan dự thính an tọa. Anh nói:

– Thưa Đại tá, thưa nhị vị Trung tá và Đại úy Biệt đội Quân báo Sư đoàn Dù. Qua sự quan sát và kinh nghiệm của bản thân là một sĩ quan thẩm vấn tù binh chuyên nghiệp tôi cam đoan với quý vị tù binh Lê Văn Chép là một sĩ quan trong quân đội cộng sản. Trong khi tôi làm việc yêu cầu các vị không đặt các câu hỏi cắt ngang sự thẩm vấn của tôi vì có thể tôi đang giăng bẫy tên tù, quý vị hỏi là đã tạo cơ hội cho hắn thoát cái bẫy của tôi. Ngay cả khi tôi làm như sắp áp dụng biện pháp tra tấn hay hù dọa, xin quý vị cứ bình tâm đừng can thiệp để đương sự không thể tránh né, cũng như có thì giờ để thoát những bẫy rập tôi bủa vây y. Xin cảm ơn quý vị.

Vũ ra lệnh cho Trung sĩ Phán kêu Quân cảnh giải giao tù binh Lê Văn Chép lên cho anh làm việc. Vũ chỉ chiếc ghế trước mặt bảo Chép ngồi xuống. Trên bàn làm việc của Vũ đặt Bản sao Cung từ tù binh do Biệt đội Quân báo Dù chuyển cho anh cùng với tên tù binh khi giải giao cho anh. Vũ bắt đầu hỏi:

– Tên anh là Lê Văn Chép quê ơ Vũ Thư, Thái Bình có đúng không?

– Dạ đúng thế ạ. Chép trả lời.

– Vậy anh đi lương hay đi giáo? Đa số dân Vũ Thư là Công giáo phải không?

– Dạ đúng thế ạ. Nhưng tôi không theo tôn gáo nào ạ.

– Thế anh nói là dân Vũ Thư, Thái Bình thì anh có biết Huyện Vũ Thư là tên sáp nhập của 2 huyện mà thành là những huyện nào không? Vũ hỏi.

– Dạ Huyện Vũ Thư được sáp nhập bởi 2 huyện Vũ Tiên và Thư Trì ạ. Chép trả lời.

– Vậy anh ở bên Vũ Tiên hay Thư Trì?

– Dạ tôi ở bên Vũ Tiên ạ.

– Anh ở xã nào của Vũ Thư? Vũ hỏi.

– Dạ tôi ở xã Vũ Đoài ạ.

– Vũ Đoài có gần Nam Định không?

– Dạ tiếp giáp với Tỉnh Nam Định.

– Anh sinh năm, nào nhỉ?

– Dạ sinh năm 1940.

– Vậy là năm nay anh 31 tuổi?

– Da đúng thế ạ.

– Anh thi hành nghĩa vụ quân sự năm nào?

– Dạ mới năm ngoái. Năm 1970 vì nhu cầu lấy quân tôi mới bị động viên vào Nam ạ.

– Anh thuộc Đoàn Xâm Nhập số mấy, quân số bao nhiêu người và tập kết ở bãi nào?

– Dạ tôi thuộc Đoàn 2235 XN cùng với Khung Tiểu đoàn 2 Tỉnh Thái Bình. Quân số 2000 người và tập kết ở Ông Cụ ạ. (một đoàn xâm nhập quân số thường từ 1000 đến 2000 người gồm vừa án bộ, binh sĩ và dân công tải đạn hoặc lương thực vào Nam)

– Anh có được học Công ước Genève về tù binh không?

– Dạ có ạ. Chúng tôi đã được quán triệt rồi ạ.

– Vậy anh có biết lứa tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự năm 1968 là tuổi nào không?

– Dạ từ 18 đến hai nhăm.

– Anh nói 18 đến 25? Vậy năm 1970, anh 30 tuổi là ngoài tuổi nghĩa vụ sao anh lại bị động viên?

Lê Văn Chép hơi sững người vì bị hỏi đột ngột mà y không đề phòng. Y liền nói: vì tôi có mẹ già nên được hoãn lại ạ.

– Anh có cam kết với tôi là mới xâm nhập vào Nam đầu năm nay (1971) phải không?

– Dạ. Đúng thế ạ. Chép trả lời.

– Thôi được. Anh đứng lên, cởi hết quần áo ra, chỉ mặc quần đùi thôi. Vũ ra lệnh.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

Các sĩ quan dự thính nhìn Vũ lom lom với ánh mắt ngạc nhiên không biết anh chàng Vũ định làm gì người tù binh? Anh ta định đánh đập, tra tấn tù binh hay sao? Vũ đưa mắt ra dấu bình tĩnh cho các sĩ quan dự thính để họ an tâm vì đây là kế hoạch thẩm vấn của Vũ. Quan niệm của Vũ là: Khi thẩm vấn một tù binh tứ là đang tranh thủ đánh đòn cân não với đối tượng… trước hết phải đấu trí, rồi đấu lý, cuối cùng mới phải áp dụng biện pháp đấu lực với những đối tượng cực kỳ ngoan cố. Hiện tại anh đang đấu trí và đấu lý với tù binh Lê Văn Chép, chưa đến giai đoạn phải đấu lực với y.

Tù binh Lê Văn Chép đã cởi bỏ hết quần áo, trên người y chỉ còn 1 chiếc quần đùi. Vũ tiến đến trước mặt anh ta, kêu anh ta dang hai tay ra; Vũ tiến đến nắn bóp kỹ lưỡng từng bắp thịt, từng bàn tay, bàn chân, lưng, ngực ngưới tù rồi nói:

– Anh có công nhận hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam rất gian khổ phải không? Thường một Đoàn Xâm Nhập khi đến điạ phận Quảng Bình gần biên giới Lào phải bỏ lại hết các giấy tờ tùy thân, hình ảnh của người thân rồi vượt núi 1001 mét cao trắc trở; trong khi mỗi đoàn viên còn phải mang vác vũ khí, vác pháo, súng cối, đạn dược các loại cộng thêm lương thực 10 đến 15 ngày ăn; trung bình mỗi người mang vác khoảng 80 đến 100 kí lô. Sau khi vượt núi 1 ngàn linh 1 sang đến bên Lào đi theo đường mòn Hồ Chí Minh leo đồi, vượt suối… vất vả trăm chiều. Sau hơn 3 tháng trời gian khổ như thế vào đến bãi tập kết B3, hoặc Ông Cụ, hoặc Hải Yến… mọi người đều mệt lả. Sau đó mới được bổ sung về đơn vị mới. Với sự gian khổ trên đường xâm nhập như thế anh có công nhận với tôi là các bắp thịt tay, chân ngực bụng đều cứng như sắt không? Bàn tay, bàn chân đều chai hết không? Vũ hỏi.

– Dạ đúng ạ. Trên đường xâm nhập quả là rất vất vả, gian nan ạ. Chép trả lời.

– Anh đã xâm nhập vào chiến trường B (2) lâu lắm rồi nên các bắp thịt tay chân, ngực đều đã nhão mềm cả rồi chứng tỏ anh đã xâm nhập vào Miền Nam lâu rồi. Anh sinh năm 1940 thì tuổi của anh phải đi nghĩa vụ từ năm 1959, 1960 hoặc trễ lắm là 1961 chứ không phải mới xâm nhập trong năm nay. Ở Miền Bắc không có chế độ hoãn dịch vì cha mẹ già yếu hoặc con một; chế độ hoãn dịch chỉ có ở trong Miền Nam chúng tôi mà thôi. Anh phải là 1 sĩ quan chỉ huy nên anh ít vận động hơn các binh lính; do đó tay anh không còn chai cứng, bắp thịt vì ít vận động nên trở thành mềm và da trắng trẻo hơn; hơn nữa anh còn biết Công ước Genève về tù hàng binh, chỉ có sĩ quan mới được học tập về Công ước tù binh này. Anh cũng biết sử dụng bản đồ một cách thành thạo vì chính tôi đã quan sát ngày hôm qua khi được Sư đoàn Dù thẩm vấn anh đã chỉ trỏ trên bản đồ. Chỉ có sĩ quan mới được học cách đọc và chấm tọa độ trên bản đồ. Tác phong của anh cũng là tác phong của một sĩ quan vì khi hút thuốc, các cán binh thường cầm điếu thuốc bằng ngón trỏ và ngón cái để giấu điếu thuốc trong lòng bàn tay tránh phát ra ánh lửa, trong khi sĩ quan thường kẹp đếu thuốc bằng ngón trỏ và ngón giữa theo kiểu tiểu tư sản…

Lê Văn Chép ngớ người trước sự phân tích, nhận xét của Thiếu úy Vũ, y chưa kịp có phản ứng nào thì chợt nghe Vũ hỏi:

– Năm Thái là ai? (3)

Lê Văn Chép giật bắn người như bị điện giật, mặt y tái đi… Y nghĩ thầm nghĩ “không hiểu sao tên sĩ quan này lại biết rõ hắn là ai mà gọi đúng tên hắn? Chắc anh ta đã biết mình rồi nên mới gọi như thế.” Như một phản xa tự nhiên hắn lắp bắp:

– Dạ tôi là Năm Thái ạ. Tôi tên thật là Lê Văn Chép, cấp bậc Tiểu đoàn bậc trưởng (Đại úy), bí danh Năm Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn D.1/ Trung đoàn E 1 (4)

– Được rồi anh Năm Thái. Bây giờ anh tạm nghỉ uống nước cho khỏe rồi chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện nhé. Vũ cho Lê Văn Chép mặc quần áo và gọi Quân Cảnh mang Lê Văn Chép vào phòng giam.

Năm Thái theo người Quân cảnh đi vào trong nhưng trong đầu y vẫn thắc mắc “không biết sao người sĩ quan thẩm vấn này lại biết rõ tung tích của y; hơn nữa hắn lại rất am hiểu cả đến quê quán Vũ Thư, Thái Bình của Chép. Người này quả là bản lãnh…”

Khi Lê Văn Chép đã được Quân cảnh dẫn đi khuất, Thiếu úy Vũ quay lại các sĩ quan dự thính. Anh nói:

– Trình Đại tá và nhị vị Trung tá. Tù binh Lê Văn Chép nhân thân bây giờ đã bị phát giác. Y chính là Năm Thái, Đại úy Chính trị viên Tiểu đoàn D 1/ Q 761/ Công trường 9. Với cương vị là một sĩ quan, hơn nữa lại là Chính trị viên (cộng sản luôn đề cao vai trò chính trị chỉ huy quân sự) nên các tin tức khai thác tiếp theo sẽ vô cùng quan trọng cho chiến trường. Tôi sẽ thẩm vấn đương sự và viết trong bản cung từ để gửi đến quý vị. Quý vị có thể tiếp tục ngồi quan sát hoặc có thể về, tôi sẽ ưu tiên điều tra những tin tức cần thiết cho chiến trường trước vì mặt trận vẫn còn đang nóng bỏng, cần những tin chiến thuật cho các đơn vị ta đang tham chiến.

– Em giỏi lắm và có nhiều kinh nghiệm điều tra, rất bình tĩnh và nắm vững tình hình từ ở ngoài Miền Bắc đến hành trình xâm nhập v.v… em đều nắm rõ như lòng bàn tay khiến tên tù binh không thể nào ngờ. Mà sao em biết nó là Năm Thái mà gọi đích danh nó vậy? Đại tá Ngô Văn Minh hỏi.

– Cám ơn Đại tá. Đó là chuyên môn của Trung Tâm Thẩm Vấn Quân đoàn mà thôi Đại tá. Sở dĩ tôi gọi tên Năm Thái chỉ là thăm dò phản ứng của y, vì bất cứ người cán binh nào trong đơn vị cũng phải biết Chính trị viên của đơn vị, tôi hỏi để thăm dò nhưng không dè lại chính là y; khiến y giật mình ngỡ tôi đã biết y nên phải thú nhận.

Sau đó Đại tá Ngô Văn Minh, Tham Mưu trưởng Hành quân Quân đoàn, Trung tá Nguyễn Văn Tại, Phòng 2 Quân đoàn và Trung tá Be, Trưởng Phòng 2 Sư đoàn Dù rời khỏi Ban Thẩm vấn; chỉ còn Đại úy Bé Biệt đội trưởng Biệt đội Quân báo Sư đoàn Dù xin được ở lại để theo dõi cuộc thẩm vấn của Vũ. Đại úy Bé đến bắt tay Vũ và nói:

– Cảm ơn toa. Toa thật là một sĩ quan thẩm vấn quá giỏi mà từ trước đến nay moa mới gặp; từ nay nếu có tù binh, moa sẽ ưu tiên để toa thẩm vấn, moa chỉ nhận bản cung từ toa giao là đủ để trình lên thượng cấp rồi.

– Không có gì đâu Đại úy. Đó là chức trách của tôi, vì đã thẩm vấn quá nhiều tù binh, hồi chánh viên cộng thêm trí nhớ tốt nên trước khi thẩm vấn đã nghiên cứu trận liệt về đơn vị, quê quán người tù để nắm vững về cá nhân của chúng; khi đó mình sẽ chủ động quần thảo chúng, tạo cho họ có cảm giác mình đã biết rõ về họ. Chính vì thế tạo cho đương sự trở nên hoang mang không biết mình hiểu rõ họ đến đâu và sẽ có nhiều sơ hở để ta khai thác.

Trung sĩ Ông Tấn Phán bưng đến 2 ly cà phê cho Đại úy Bé và Thiếu úy Vũ:

– Mời Đại úy và Thiếu úy uống cà phê.

– Cám ơn em. Mời Đại úy. Cậu kêu Quân cảnh mang tù binh Lê Văn Chép lên để tiếp tục thẩm vấn nhé. Vũ nói.

– Dạ. Thiếu úy. Trung sĩ Phán vừa nói vừa đi vào khu giam tù binh có Quân cảnh canh gác bên ngoài.

Người Quân cảnh dắt tù binh Lê Văn Chép bí danh Năm Thái lên phòng thẩm vấn của Thiếu úy Vũ; dáng vẻ của Chép đã không còn vênh váo như trước, thay vào đó là một nét mặt của một kẻ đã chấp nhận thua cuộc. Đợi cho Chép ngồi yên vị trên ghế, Vũ bắt đầu nói về chủ thuyết cộng sản qua Chủ nghĩa duy vật lịch sử là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về xã hội của triết học Marx-Lênin, là kết quả của sự vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật vào việc nghiên cứu đời sống xã hội và lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là một trong ba bộ phận hợp thành triết học Marxist. Chủ nghĩa duy vật lịch sử lý giải sự tiến hóa của xã hội loài người bằng sự phát triển của trình độ sản xuất. Trình độ sản xuất thay đổi khiến quan hệ sản xuất cũng thay đổi dẫn đến những mối quan hệ xã hội thích ứng với những quan hệ sản xuất đó cùng với những tư tưởng nảy sinh ra từ những quan hệ xã hội đó cũng thay đổi kéo theo sự thay đổi hệ thống pháp lý và chính trị. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx trở thành phương pháp luận của nhiều nhà nghiên cứu trong các bộ môn như sử học, xã hội học v.v… Từ căn bản ấy dẫn đến thực tế chế độ cộng sản Hà Nội mà cộng sản Hà Nội luôn tuyên truyền và bắt mọi tầng lớp dân chúng học tập theo Tư Tưởng Hồ Chủ Tịch… thực chất là cóp nhặt từ những sách của Lenine, Stalin, Khruschev, Mao Trạch Đông… mà chế ra sách Tư tưởng của Hồ. Tất cả những điều viết trong cuốn sách đều cóp nhặt của những lãnh tụ cộng sản Nga Hoa và được đảng cộng sản Việt Nam (ngụy danh dưới tên gọi Đảng Lao Động Việt Nam) và được guồng máy tuyên truyền của đảng nhồi sọ mọi tầng lớp quần chúng trong và ngoài đảng để tạo ra những huyền thoại chung quanh con người Hồ Chí Minh. Thực tế nền kinh tế dưới chế độ cộng sản đã bị phá sản nên đã đẩy người dân xuống đáy vực thẳm của sự đói rách, khốn khổ tột cùng.

Tù binh Lê Văn Chép ngồi nghe mà thầm thán phục viên sĩ quan ngụy có những lý luận sâu sắc, chứng tỏ anh ta có đào sâu suy nghĩ và nghiên cứu kỹ về chủ thuyết cộng sản. Chép nói:

– Vâng thưa anh. Những điều anh nói về triết học Marxist Leninist chứng tỏ anh có nghiên cứu kỹ về chủ thuyết này. Chúng tôi từ những ngày còn trẻ đã được học tập nên chúng tôi cho rằng vì đất nước chưa hòa bình, thống nhất nên vẫn còn nhiều khó khăn gian khổ và phải thắt lưng buộc bụng để chi viện cho Miền Nam.

– Anh nói thế là sai rồi. Cái căn bản lý luận Mác xít đã sai, dẫn đến việc điều hành sai, nền kinh tế của xã hội chủ nghĩa sai vì là nền kinh tế tập trung với mỹ từ nhân dân làm chủ và nhà nước quản lý dưới sự lãnh đạo của đảng. Anh cứ nhìn nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa ở các nước cộng sản trên thế giới từ cái nôi cộng sản là Liên xô, Trung cộng, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Rumani, Hung Ga ri v.v… Nước nào cũng nghèo đói, cũng chậm tiến, lạc hậu. Sau mấy chục năm tiến lên xã hội chủ nghĩa mà dân các nước ấy vẫn sống trong sợ hãi và đói nghèo; cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc… Nhưng tôi đó là lý tưởng của anh, con đường các anh chọn, tôi không muốn đề cập đến. Bây giồ nói chuyện của chúng ta. Anh đã là tù binh chiến tranh của chúng tôi, bị bắt ở chiến trường; anh cũng đã được học về công ước Genève về tù binh tất nhiên anh phải hiểu nghĩa vụ của một người tù binh cấp sĩ quan là phải thành thật khai báo để chúng tôi thiết lập hồ sơ cho anh. Bây giờ ta tiếp tục nhé.

– Tên thật của anh là?

– Dạ. Lê Văn Chép

– Năm sinh? Ở đâu?

– 1940; ở Vũ Thư, Thái Bình

– Gia cảnh của anh ra sao? Thuộc thành phần nào?

– Dạ. Tôi có 1 vợ, 2 con và thuộc thành phần bần nông.

– Anh thi hành nghĩa vụ quân sự năm nào?

– Dạ năm 1960 và học ở Trường Lục quân Sơn Tây.

– Năm nào anh tốt nghiệp? Sau đó được bổ sung đi đâu?

– Dạ cuối năm 1961; sau đó được bổ sung về Tiểu đoàn địa phương Tỉnh Thái Bình.

– Khi nào anh mới xâm nhập vào Miền Nam?

– Giữa năm 1963, toàn Tiểu đoàn địa phương Tỉnh Thái Bình được lệnh đi B với khung Tiểu đoàn cộng thêm một số tân binh mới được bổ sung. Thời gian này tôi mang cấp Trung úy và giữ chức Phó Chính trị viên Đại đội. Tiểu đoàn mang tên Đoàn 2263 Xâm Nhập xuất phát từ Thái Bình được xe chở đến Quảng Bình; sau đó vượt núi 1001 để sang Lào, theo đường mòn Hồ Chí Minh để vào tập kết ở B 3. Đoàn 2263 Xâm Nhập được tách làm 2 bộ phận; một nửa Tiễn đoàn kết hợp với các lực lượng địa phương cấp Huyện để thành lập Tiểu đoàn 1 Đồng khởi hoạt động ở Chiến khu D; nửa còn lại của Tiểu đoàn kết hợp với các đơn vị cấp Huyện thuộc Phước Thành để thành lập Tiểu đoàn 2 Đồng Khởi hoạt động độc lập ở Phước Thành. Tôi được biên chế về Tiểu đoàn 1 Đồng khởi hoạt động ở chiến trường Tây Ninh. Khi ấy Trung đoàn Q761 đã được thành lập vào Tháng 1/1961 và tham dự trận đánh Bình Giả tiêu hao gần hết quân số nên Tiểu đoàn D 1 Đồng Khởi và D 2 Đồng Khởi được bổ sung về cho Trung đoàn Q761 trở thành D 1 và D 2 của Trung đoàn E 2 (Q761). Tháng 9 năm 1965, Sư đoàn Công trường 9 được thành lập, Q 761, Q762 và Q 763 trực thuộc Sư đoàn này.

Sư đoàn 9 có tham dự Trận Tổng Công kích và Tổng Khởi nghĩa Mậu Thân 1968 không? Vũ hỏi.

– Cuối năm 1967, Công trường 9 được lệnh chuẩn bị Tổng công kích Mậu Thân bằng cách xâm nhập tiến sát vào vùng ngoại ô thuộc tỉnh Gia Định của Sài gòn ém quân chuẩn bị xâm nhập sâu vào nội đô nhân dịp Tết Mậu Thân. Sau trận này, Cộng trường 9 thiệt hại rất nặng gần như tiêu hao hơn 2/3 quân số. Q 761 chỉ còn dưới 500 quân, Q 762 còn được 500 quân và Q763 hao hụt gần hết quân phải rút trở ra và dạt sang Kampuchia.

Vũ trải tấm bản đồ hành quân vùng Mimot và hỏi Lê Văn Chép:

– Nào bây giờ anh có thể nói về bố quân của Trung đoàn E.1 (tức Q 761) ở đồn điền cao su Mimot. Các anh làm nhiệm vụ gì ở đây?

– Dạ thưa anh. Toàn Sư 9 (công trường 9) có nhiệm vụ bảo vệ R (Trung Ương Cục) khi R rút chạy khỏi cuộc hành quân của VNCH năm 1970 vào vùng Móc câu (biên giới Việt Miên thuộc ranh của Tỉnh Bình Long – Tây Ninh và Kampuchia). Chúng tôi đóng chốt ở đồn điền cao su Mimot để chặn đường tiến quân của các anh không cho tiến sâu vào mặt Tây Bắc vì Trung Ương Cục R và Bộ chỉ huy Miền đang đóng ở tỉnh Kratié (tiếng Miên là Khêt Kracheh).

– Còn E 2 và E 3 cùng Chỉ huy sở F 9 trú đóng ở đâu?

– Chỉ huy sở F 9 đóng sát Bộ Chỉ huy Miền thuộc địa phận tỉnh Cần Ché (Việt cộng gọi Tỉnh Kracheh là Cần Ché). Còn E 2 bố quân ở phía Tây của Lộ 702 và E 3 đóng quân ở dọc ranh giới 2 Tỉnh Cần Ché và Kampong Cham để chặn lực lượng VNCH tiến lên hướng Bắc.

Sau 6 giờ đồng hồ thẩm vấn tù binh Lê Văn Chép, bí danh Năm Thái, Đại úy Chính trị viên Tiểu đoàn D 1/ Trung đoàn Q 761 (E 1)/ Công trường 9; Vũ miệng hỏi, tay viết những lời khai của y, mắt quan sát từng hành động của Chép từ ánh mắt đến các diễn biến trên mặt, cử chỉ v.v… để phát hiện y có toan tính hoặc khai man điều gì; trong khi đầu óc vẫn phải đối chiếu với trận liệt của ta ghi nhận về đơn vị Cộng trường 9 VC. Chép đã khai báo rất phù hợp với ghi nhận của ta về tổ chức, nhân sự và danh tính từ Tư lệnh Sư đoàn 9 (Tạ Minh Khâm bí danh Sáu Khâm) trở xuống đến các Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng v.v… một cách chính xác. Có đôi lúc tù binh Chép định quanh co liền bị Vũ phát giác và chặn lại khiến y phải khai hết mọi chuyện không dám tránh né quanh co nữa. Trong đầu óc của Lê Văn Chép nghĩ là Vũ đã biết rõ đơn vị của Chép trong lòng bàn tay nên khi hắn định giở trò khai láo, liền bị Vũ phát giác; từ đó y đã không còn cách né tránh nên đã phải khai hết toàn bộ sự thật.

Vũ đúc kết thành một bản cung từ sơ khởi dầy 60 trang giấy khổ 8.50 x 17 chú trọng vào những chi tiết có lợi cho cuộc hành quân đang tiếp diễn ở vùng Mimot, Kampong Cham và Kracheh để các cấp chỉ huy của QĐVNCH đang điều động cuộc hành quân có những kế sách hữu hiệu. Sau khi hoàn tất, Vũ đã photocopy cho Đại úy Bé, Biệt đội trưởng Biệt đội Quân Báo Sư đoàn Dù 1 bản, 1 bản đem lên văn phòng Đại tá Ngô Văn Minh, Tham mưu trưởng BTL Tiền phương Quân đoàn III, 1 bản cho Trung tá Nguyễn Văn Tại, Phòng 2/QĐ III Hành quân và một bản kèm theo Phiếu Giải Giao Tù binh để chuyển về Trung tâm Thẩm vấn Quân đoàn III ở Biên Hòa để tiếp tục khai thác các tin tức chiến thuật và chiến lược khác.

Vũ lái xe ra chợ Thái Hiệp Thạnh Tây Ninh kiếm 1 nhà hàng để dăn bụng, sau đó ghé cà phê Thằng Cuội của Đặng Hoàng Long để nhâm nhi ly cà phê tự thưởng cho mình sau 1 ngày làm việc vừa mệt mỏi tinh thần, vừa uể oải thân xác vì ngồi suốt ngày để thẩm vấn tù binh.

Qua lời khai của tù binh Lê Văn Chép, bí danh Năm Thái, Đại úy Chính trị viên của Tiểu đoàn D 1/ Trung đoàn Q 761/ Cộng trường 9; Quân đội VNCH đã tiếp tục tấn công lên Tỉnh Kracheh lên Dambe, Chlong (Việt cộng là Chơ lông) lùa Trung ương cục R và Bộ Chỉ huy Miền chạy càng sâu trong đất Miên…

Vũ Uyên Giang

Georgia tháng 10 năm 2019

Ghi chú:

(1) Hành Quân Toàn Thắng 1/71 là cuộc hành quân tiếp nối của Toàn Thắng Tháng 3 năm 1970, QLVNCH tấn công vào các cứ điểm ẩn nấp của VC trên đất Kampuchia mà chúng thường gọi là An Toàn Khu do sự dung dưỡng của chính quyền trung lập Shihanook thân cộng. Sau khi Shihanook bị Tướng Lon Non lật đổ năm 1970 và trở thành Tổng thống của Kampuchia.

(Trích Wipimedia Đỗ Cao Trí (1929-1971): Tướng Đỗ Cao Trí sinh ngày 20 tháng 11 năm 1929 trong một gia đình điền chủ lớn tại làng Bình Trước, Biên Hòa, miền Đông Nam phần Việt Nam. Do gia đình có điều kiện khá giả nên thời niên thiếu ông được học ở các trường danh tiếng dạy theo chương trình Pháp: trường Tiểu học Nguyễn Du, Biên Hòa, trường Trung học Lycée Petrus Ký, Sài Gòn. Năm 1947, ông tốt nghiệp Trung học Phổ thông với văn bằng Tú tài phần I.

Đầu tháng 8 năm 1947, sau khi rời ghế học đường, ông tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, được cho theo học khóa Đỗ Hữu Vị tại trường Sĩ quan Nước Ngọt ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), khai giảng tháng 8 năm 1947. Tháng 6 năm 1948, mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường, ông được chọn đi du học khóa Bộ binh tại trường Thực tập Bộ binh Auvours, Pháp. Tháng 10 về nước, ông gia nhập Binh chủng Nhảy dù và đi du học tiếp khóa căn bản Nhảy dù tại Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù Pau ở Pháp. Tháng 2 năm 1949 mãn khóa về nước, ông phục vụ trong Đơn vị Nhảy dù của Quân đội Liên hiệp Pháp.

Ngày 22 tháng 1 năm 1955, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm. Cuối tháng 10,chuyển biên chế sang Quân đội Việt Nam Cộng hòa (cải danh từ Quân đội Quốc gia). Ngày 10 tháng 2 năm 1956, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Tháng 9 cùng năm, nhận lệnh bàn giao Liên đoàn Dù lại cho Trung tá Nguyễn Chánh Thi (nguyên Phó Tư lệnh Liên đoàn). Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Đệ Tam Quân khu (gồm 4 tỉnh: Kontum, Pleiku, Phú Yên và Bình Định). Đầu năm 1958, ông bàn giao chức vụ Tư lệnh Đệ Tam Quân khu lại cho Đại tá Bùi Hữu Nhơn (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu). Sau đó ông được cử đi du học tại Hoa Kỳ qua các khóa:

– Khóa Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth ở Tiểu bang Kansas.

– Khóa Dân sự vụ tại Học viện Fort Gordon ở Tiểu bang Georgia.

– Khóa Điều không tại Học viện Không quân Fort Kisler ở Tiểu bang Mississippi. Tháng 4 năm 1959 mãn khóa về nước, ông được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn I. Sau đó giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân đoàn I do Trung tướng Trần Văn Đôn làm Tư lệnh.

Đầu tháng 8 năm 1961, chuyển về Duyên hải Nam Trung phân ông được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Hạ sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng hòa (Đồng Đế, Nha Trang) thay thế Trung tá Đặng Văn Sơn được cử đi làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ. Cuối tháng 1 năm 1962, ông tổ chức lễ mãn khóa cho khóa 2 Nhân vị Sĩ quan Đặc biệt Hiện dịch dưới sự Chủ toạ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trung tuần tháng 12 cuối năm, bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng trường Hạ sĩ quan lại cho Đại tá Nguyễn Văn Kiểm. Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh thay thế Đại tá Nguyễn Văn Thiệu được cử làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh.

Ngày 7 tháng 7 năm 1963, ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm. Đến ngày 21 tháng 8 cùng năm, ông được cử kiêm Tư lệnh Quân đoàn I thay thế Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm xin từ nhiệm vì lý do sức khoẻ. Ông là một trong các tướng Tư lệnh Quân đoàn ủng hộ cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm nổ ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Ngày 2 tháng 11, ông được đặc cách thăng cấp Trung tướng tại nhiệm. Cuối tháng 11, bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh lại cho Trung tá Nguyễn Văn Hiếu (nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn), chỉ còn giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I. Ngày 12 tháng 12, ông chuyển về Cao nguyên Trung phần làm Tư lệnh Quân đoàn II và vùng 2 Chiến thuật thay thế Trung tướng Nguyễn Khánh. Ngược lại tướng Khánh chuyển ra miền Trung thay ông làm Tư lệnh Quân đoàn I. Trung tuần tháng 3 năm 1964, chủ tọa buổi lễ mãn khóa 12 Đệ nhị Song ngư Sĩ quan Hải quân ngành chỉ huy (khai giảng ngày 13/8/1962) tại Trung tâm Huấn luyện Hải quan Nha Trang cùng tra kiếm danh dự và gắn cấp hiệu Hải quân Thiếu úy cho Thủ khoa Trần Trọng Ngà.

Ngày 14 tháng 9 năm 1964, ông bị Trung tướng Nguyễn Khánh Chủ tịch Hội đồng Quân đội Cách mạng kiêm Thủ tướng Chính phủ giải nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II vì có liên can đến cuộc Biểu dương Lực lượng vào ngày 13/9/1964 do Trung tướng Dương Văn Đức Tư lệnh Quân đoàn IV cầm đầu. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có được cử thay thế vào chức Tư lệnh Quân đoàn II. Cùng lúc, người anh là Nha sĩ Đỗ Cao Minh và em rể là Thiếu tướng Dương Ngọc Lắm cũng bị bắt vì cùng tham gia vào cuộc Biểu dương Lực lượng. Qua thượng tuần tháng 8 năm năm 1965, ông bị buộc phải Giải ngũ (Do Quyết định của Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia). Ngày 15 tháng 5 năm 1967, ông được cử đại diện Việt Nam Cộng hòa đi làm Đại sứ tại Đại Hàn Dân quốc.

Trong kế hoạch loại trừ thế lực của các tướng lĩnh ủng hộ Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. Cuối tháng 7 năm 1967 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu hồi về nước và ông trở lại Quân đội, phục hồi nguyên cấp và bổ nhiệm ông thay thế Trung tướng Lê Nguyên Khang (nguyên Tư lệnh Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến kiêm nhiệm Tư lệnh Quân đoàn III) giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

Ngày 23 tháng 2 năm 1971, ông bị tử nạn phi cơ trực thăng tại Trảng Lớn, Bắc Tây Ninh, trong khi đang bay thị sát chiến trường trong cuộc hành quân Toàn thắng 1/71. Chiếc trực thăng UH.1 phát nổ và bốc cháy sau khi cất cánh từ Trung tâm Hành quan của Quân đoàn III tại Tây Ninh được 10 phút. Ông tử nạn tai chỗ, hưởng dương 42 tuổi. Tử nạn cùng với ông còn có phóng viên chiến trường người Pháp Francois Sully, viết cho báo New York Time khi đang thị sát chiến trường Campuchia.

Về sau có tin đồn cho rằng tướng Trí bị mưu sát do sự tranh giành quyền lực từ các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn, bởi chiếc trực thăng phát nổ quá đột ngột không rõ nguyên nhân. Anh ruột của Ðỗ Cao Trí là nha sĩ Ðỗ Cao Minh, cho biết rằng Ðại tá Chiêm, Phụ trách ban an ninh phủ Tổng Thống kể như sau: “Sáng hôm đó ký giả tuần báo Newsweek, ông Francois Sully, gặp Tổng thống Thiệu đúng 8 giờ, sau đó gặp Trung tướng Ðỗ Cao Trí lúc 9 giờ để cùng đi thị sát mặt trận Campuchia. Theo thông lệ, Sully phải để hành lý xách tay lại văn phòng bí thư hay tùy viên, lúc về thì lại cầm theo. Không hiểu giữa thời gian đó, có ai gài bom nổ chậm trong cặp không?”

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Tổng thống Thiệu cùng phu nhân đến dự lễ tẩm liệm. Trong buổi lễ, Tổng thống thay mặt Chính phủ và Quân đội truy thăng cho ông cấp bậc Đại tướng.

Ngày 26 tháng 2, lễ an táng được cử hành trọng thể với lễ nghi quân đội. Tổng thống Thiệu đến dự lễ an táng cùng truy tặng đệ nhất đẳng Bảo quốc Huân chương và Quân công bội tinh kèm Anh dũng bội tinh với nhành dương liễu. Linh cữu được đặt trên một chiếc Thiết vận xa M.113 đưa đến nơi an nghỉ tại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa. Ông là vị tướng đầu tiên cùng an nghỉ với hàng chục ngàn tử sĩ chung một nghĩa trang theo nguyện vọng lúc sinh tiền. Trên mộ ông có khắc 2 câu thơ: Sống giữa ba quân, Thác giữa ba quân. Khóa 24 sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt (khai giảng 7/12/1967, mãn khóa 17/12/1971) được mang tên Khóa Đỗ Cao Trí để tưởng niệm. (Hết trích)

Các sĩ quan cùng tử nạn trên trực thăng Tướng Đỗ Cao Trí gồm có:

– Trung tướng Đỗ Cao Trí (được vinh thăng Đại tướng)

– Thiếu tá Trần Minh Châu, Truyền tin Quân đoàn (được vinh thăng Trung tá)

– Thiếu tá Đặng Quốc Sĩ, Trung Tâm Hành Quân Quân đoàn (được vinh thăng Trung tá)

– Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, sĩ quan Tùy viên của Tướng Trí (được vinh thăng Thiếu tá)

– Đại úy Thành, Hoa tiêu trực thăng

– Đại úy Phan Tất Đắc, Hoa tiêu trực thăng

– Ký giả Francois Sully, ký giả Hoa Kỳ gốc Pháp, một ký giả thân cộng của báo New York Time đã bị chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm trục xuất ra khỏi Miền Nam.

– còn 2 Trung sĩ người Việt và 2 Trung sĩ xạ thủ Mỹ. Tất cả các vị này đều được truy thăng lên một cấp và được tổ chức lễ nghi an táng theo quy chế của Quân đội.

Năm 1983, hài cốt của ông được thân nhân bốc đem hỏa thiêu, di cốt được đưa vào thờ trong một ngôi chùa tại quê nhà, Biên Hòa.

(2) VC gọi Miền Bắc là chiến trường A, Miền Nam là chiến trường B

(3) Năm Thái theo sự theo dõi của Quân báo VNCH là Chính trị viên của Tiểu đoàn D.1/ Q 761/ CT 9

(4) Công trường 9 (tức Sư đoàn 9VC) được chính thức thành lập vào tháng 9 năm 1965 tại Chiến Khu D. Tư lệnh đầu tiên là Đại tá Hoàng Cầm (Ghi chú ** của tác giả) (tên thật là Đỗ Văn Cầm, sinh năm 1920 tại Hà Tây bí danh Năm Thạch), Lê Văn Tưởng làm Chính ủy. Tư lệnh CT 9 vào năm 1968, 1969 là Tạ Minh Khâm (bí danh Sáu Khâm); sau đó là Nguyễn Thới Bưng (bí danh Út Thới)… Công trường 9 còn có tên gọi là Sư đoàn Đồng Dù. Sư đoàn gồm có 3 Trung đoàn: Q 761 (hay E 1), Q 762 (hay E 2) và Q 763 (hay E 3).

a. Trung đoàn Q 761 (E 1) được thành lập vào tháng 7 năm 1961. Đây là Trung đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập, thành phần binh sĩ và sĩ quan chỉ huy đều từ Miền Bắc xâm nhập vào Nam. Q 761 có 3 Tiểu đoàn: D 1, D 2 và D 3. Trung đoàn đã tham dự trận đánh Bình Giả nên còn có tên là Đoàn Bình Giả.

b. Trung đoàn Q 762 (E 2) được thành lập vào tháng 7 năm 1962, gồm có 3 Tiểu đoàn D 4, D 5 và D 6; vì đã tham dự trận Đồng Xoài nên còn mang danh hiệu là Đoàn Đồng Xoài.

c. Trung đoàn Q 763 tiền thân là Trung đoàn E 2 độc lập của Quân khu 9, khi thành lập Sư đoàn năm 1965 đã được sáp nhập vào Công trường 9 và được đổi tên là E 3 hay Q 763) gồm 3 Tiểu đoàn D 7, D 8, D 9. Trung đoàn Q 763 còn có tên là Đoàn Lộc Ninh. Đến năm 1969 Trung đoàn này bi trả về Quân khu 9 và mang lại tên E 2 trực thuộc Sư đoàn 4 (F 4); để trám vào chỗ trống Trung đoàn Hoa Lư E 95 được sáp nhập vào Công trường 9 hoạt động ở Miền Đông.


Ghi chú (**) của tác giả: 

Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 9 VC khi thành lập vào tháng 9 năm 1965 tại Chiến khu D là Đại tá Hoàng Cầm, tên thật là Đỗ Văn Cầm, bí danh Năm Thạch từ Miền Bắc vào Nam. Sau Hoàng Cầm được thăng cấp Thiếu tướng, được chuyển về làm Tư lệnh phó Đoàn 301 (tương đương cấp Quân đoàn của VNCH. Đoàn 301 gốm có 3 Sư đoàn Công trường 5 (1/), CT 7 (2/) và CT 9 (mật danh là Sư đoàn Đồng Dù). Năm 1972, Hoàng Cầm được thăng cấp Trung tướng chỉ huy tấn công vào Quận Lộc Ninh; sau đó là vây hãm An Lộc. 

Cộng sản miền Bắc có 3 người cùng mang tên là Hoàng Cầm, 1 là tướng Hoàng Cầm, 2 là Hạ sĩ Hoàng Cầm là anh nuôi đã chế ra Lò Hoàng Cầm để phân tán khói khi nấu nướng và người thứ 3 là Nhà thơ Hoàng Cầm (tên thật là Bùi Tằng Việt ở 43 Lý Quốc Sư Hà Nội; đã qua đời). Cấp bậc của tướng Hoàng Cầm sau ngày 30 tháng 4/1975 là Thượng tướng.

1/ Công trường 5 CSVN được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1965 (nhân kỷ niệm Ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 1940) gồm có 2 Trung đoàn Q 764 (còn gọi là E 4) và Q 765 hay E 5 (tiền thân là Trung đoàn E 55). Sư 5 VC là một Sư đoàn thiếu nên được giao nhiệm vụ là Sư đoàn trừ bị của Bộ chỉ huy Miền, hoạt động chủ yếu ở chiến trường Bà Riạ, Long Khánh và Biên Hòa. Tư lệnh đầu tiên của Công trường 5 là Nguyễn Hòa, Chính ủy là Lê Xuân Lưu. Từ 1965 đến 1968 trang bị của Công trường 5 rất thô sơ chủ yếu chỉ có CKC, rất ít AK 47 và một số súng chiến lợi phẩm thu được. Khi tham dự trận Tổng Công kích Mậu Thân 1968, Công trường 5 được bổ sung thêm Trung đoàn E 88 (thuộc Sư đoàn 308 Miền Bắc) thành một Sư đoàn hoàn chỉnh.

2/ Công trường 7 CSVN: Sư đoàn 7 thành lập trên cơ sở 2 Trung đoàn 141 và 165 của Sư đoàn 312 cũ ở miền Bắc. Các Trung đoàn được chính Sư đoàn 312 huấn luyện, rồi đi B (vào chiến trường miền nam) và tổng hợp lại thành 1 Sư đoàn hoàn chỉnh. Sau đó đội hình có thêm nhiều Trung đoàn khác hành quân vào nam, phối thuộc cho Sư đoàn như Trung đoàn 16 (Trung đoàn 101 Sư đoàn 325), Trung đoàn 14 (Trung đoàn 18 Sư đoàn 325), Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312), Trung đoàn 95C (thuộc Sư đoàn 9)… Sư đoàn có mật danh “Công trường 7” và là phiên bản chiến đấu ở xa của F312, nhiều chỉ huy cũng từng là chiến binh F312. Do thời chống Pháp, Sư đoàn 312 có mật danh “Bến Tre” nên Sư đoàn 7 còn được gọi là “Sư đoàn Bến Tre”.

 

VŨ UYÊN GIANG

Nguồn: Tác giả gửi

SOURCE:

https://sangtao.org/2020/03/02/tu-binh-le-van-chep/

.

No comments:

Post a Comment