Friday, April 1, 2022

* Trận An Lộc 1972 - Phần 2 (gồm 5 phần)


Posted on March 4, 2013 by Lê Thy

 

 

Trận Chiến An Lộc được khởi diễn ngày 04 tháng 04 năm 1972, và được xem như kết thúc vào ngày 07 tháng 07 năm 1972

 

Trận An Lộc 1972:


Phần 1: https://mauaotran.blogspot.com/2022/03/tran-loc-1972-phan-1-gom-5-phan.html
 

Phần 2: https://mauaotran.blogspot.com/2022/03/tran-loc-1972-phan-2-gom-5-phan.html
 

Phần 3: https://mauaotran.blogspot.com/2022/03/tran-loc-1972-phan-3-gom-5-phan.html
 

Phần 4: https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/tran-loc-1972-phan-4-gom-5-phan.html
 

Phần 5 và hết: https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/tran-loc-1972-phan-5-va-het.html

 oOo

 

Chương 6 đến Chương 11

 


1- CUỘC TẤN CÔNG LẦN THỨ BA và TRẬN CHIẾN ĐỒI GIÓ
(Khởi phát vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng 04 năm 1972)

 

Sau 2 ngày đêm, cường độ pháo kích của địch giảm dần, mùi thuốc súng vừa lắng dịu … Khi hoàng hôn vừa đổ xuống, bỗng dưng cường độ pháo của Cộng quân lại gia tăng đột ngột trở lại, và có phần khốc liệt hơn hai lần trước, trên 9000 quả đạn pháo đủ loại thi đua nhau nã vào Thị Xã An Lộc.

Ðịch pháo vào các mục tiêu:

a. Bệnh viện Tỉnh Bình Long: nơi đây, đạn pháo của Cộng quân đã sát hại gần 2,000 dân chúng vô tội, các cụ già, đàn bà trẻ em đã bi thương tích, đang nằm ngổn ngang trong, ngoài hành lang, ngay cả ngoài sân bệnh viện, trong các lều vải của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 được dựng lên để che nắng mưa sương gió cho người đang bị thương tích, đang nằm chờ được đến phiên chữa trị. Thịt xương tung tóe, máu đổ thành vũng, tiếng rên la ngút trời xanh.

b. Các nơi thờ phượng Tôn Giáo :

• Tại Nhà Thờ Chính Tòa Tỉnh, Cộng quân pháo sập tháp chuông, sập luôn mái ngói thính đường, chỉ còn trơ lại chiếc Thánh Giá có treo hình Chúa ở giữa, ngay cả sân bên ngoài của Nhà Thờ cũng bị trúng pháo; duy nhất chỉ có Tượng Đức Mẹ, là không có một dấu tích miểng pháo nào.

Theo lời tường thuật của Thiếu Tá Bùi Quyền (Sĩ Quan Hành Quân Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù), Ông không là người Kitô Giáo, phát biểu rằng:

“ … Tôi cũng rất lấy làm lạ, vào lúc đó, trong Thành Phố, không có một nơi nào mà không có vết tích do miểng pháo cùa địch, duy nhất chỉ có Tượng Đức Mẹ ở Nhà Thờ Công Giáo là không thấy “một vết miểng nào”, cho nên các binh sĩ Dù (toán có trách nhiệm thu nhặt dù tiếp tế, trong khi chờ đợi dù rơi xuống, tụ đến đứng xung quanh tượng Đức Mẹ, hy vọng sẽ được an toàn… Mà quả thật như vậy, không có binh sĩ nào bị thương trong lúc thu lượm dù tiếp tế…”

• Chùa Phật, toạ lạc gần cổng Phú Lố phía Tây thành phố, cũng bị trúng hàng trăm quả pháo, san bằng ngôi chánh điện Phật Đường, kèm theo gần NGÀN sinh linh tín đồ, đang quây quần dưới chân Phật Tổ từ bi, bị thương vong thảm hại, tiếng kêu Trời, tiếng rên la vang dậy, mỗi lần có tiếng nổ chát chúa của pháo địch rơi ngay vào nơi Phật tử đang quỳ tụng niệm, cầu ơn trên Phật Tổ che chở độ trì….

Cuộc pháo kích lần này, có thể nghĩ, Cộng quân cố ý nhằm sát hại dân lành, để tạo thêm rối loạn cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà đang trấn thủ, vì chúng đã biết chắc rằng, sau gần suốt tuần lễ pháo kích, dân chúng vì không có hầm trú ẩn tránh pháo, nên bị thương khá nhiều, bắt buộc phải đến Bệnh Viện Tỉnh để nhờ điều trị.

Còn số dân khác, may mắn không bị thương tích, thì tụ tập đến những nơi thờ phượng (Chùa, Nhà Thờ) để cầu nguyện ơn trên che chở, cho tai qua nạn khỏi….

Chỉ có một số độ vài trăm dân chúng, may mắn được ẩn núp cùng chung với các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà là được thoát nạn trong đợt pháo kích nặng nề lần này.

Như vậy, ngoài những mục tiêu quân sự (các Bộ Chỉ Huy, các nơi xét thấy trực thăng có thể đáp được, v..v, Cộng quân đã “chấm” những toạ độ Bệnh Viện Nhà Thờ, Chùa) từ trước.

Khi vừa dứt tiếng pháo, tại mặt phía Bắc, nơi tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 8 Bộ Binh và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Cộng quân gom hết các cán binh, luôn cả những cán binh chuyên lo việc “nấu ăn” của các Trung Đoàn Bộ Binh Công Trường 5 còn lại, và Trung Đoàn què quặt chiến xa 203, mở trận tấn công thêm một lần nữa. Nhưng lần này, lại gặp phải lực lượng Biệt Cách Dù ngay ở tuyến đầu, nên chỉ trong khoảnh khắc, các mũi tấn công của địch đều bị bẻ gãy, các chiến xa địch rồ máy phóng đại vào tuyến phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị sụp hố, chỏng gọng, bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù tiến đến cận kề bắn hạ thật dễ dàng. Quân địch bị Lực Lượng Biệt Cách Dù và Trung Đoàn 8 Bộ Binh đánh tan nhanh chóng.

Sau gần một tiếng đồng hồ, Đại Tá Trường và Trung Tá Huấn lên tần số báo cáo với Tướng Hưng, Cộng quân đã sử dụng cấp Trung Đoàn Bộ Binh có chiến xa trợ chiến, nhưng cường độ tấn công lại rời rạc, cán binh lớ ngớ như mất hết tinh thần chiến đấu… nên tất cả đều bi đẩy lui…. bỏ lại trận địa hơn 200 xác chết cùng với 6 T.54 bị quân ta bắn hạ. Quân Bạn bị thiệt hại nhẹ. Tuy nhiên, về hướng Bệnh Viện Tỉnh, khu nhà Thờ, dường như bị trúng pháo rất nhiều, kế đến Trung Tá Biết, Liên Đoàn 3 Biệt Động quân, báo cáo tình hình mặt phía Đông, Cộng quân cũng sử dụng cấp Trung Đoàn cũng có chiến xa trợ chiến… nhưng tất cả đều bị các chiến sĩ Biệt Động Quân đẩy lui. Địch bỏ lại trên chiến địa trên 100 xác chết và 2 T.54 bị bắn hạ. Biệt Động Quân có 5 tử thuơng và 20 bị thương… Địch rút ra khỏi vòng chiến. Tại mặt phía Tây, Trung Tá Quân (Trung Đoàn 7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh) báo cáo lực lượng địch cỡ cấp Tiểu Đoàn cũng khai hoả, nhưng không thấy tấn công, dường như để thăm dò. Tuy nhiên về phía Chùa Phật gần cổng Phú Lố, dường như bị trúng pháo khá nhiều, không biết ra sao!! Bạn không có thiệt hại, địch không rõ. Mặt phía Nam, Đại Tá Lưỡng báo cáo: “Không thấy địch động tịnh”.

Lực lượng Cộng quân tấn công lần “thứ ba” này, do Công Trường 5 và Công Trường Bình Long, được tăng cường thêm 1 Trung Đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, cố gắng dồn hết nỗ lực tấn công thêm một lần nữa, sau 2 lần tiên khởi đã thất bại ê chề.

Về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được tăng cường thêm được 3,000 quân tinh nhuệ – Nhẩy Dù và Biệt Cách Dù, đang có mặt tên trận tuyến, mà địch không ngờ đến, cho đến khi các đơn vị bộ binh và chiến xa địch tấn công, trong vòng khoảnh khắc, địch bị đẩy lui hoàn toàn và bị diệt gọn nhanh chóng, cả 3 mặt Bắc, Đông Bắc, và Đông.

Tóm lại, cuộc tấn công lần “thứ ba”, Cộng quân cũng bị thất bại, không lấn chiếm được thêm một “tấc đất” nào, mà còn để lại trận địa thêm vài trăm xác cán binh, và gần chục chiến xa bị bắn cháy, cũng như một số “tù binh” bị bắt sống.

Cộng quân chỉ đạt được kết quả, sát hại khoảng 4,000 dân cư của Tỉnh Bình Long…Đó là thành tích ưu việt của bọn con cháu Ông Hồ và cái Đảng vô thần của Cộng Sản Việt Nam .

 

2- TRẬN CHIẾN ĐỒI GIÓ
(Khởi diễn vào đêm 18/4 /72)

 

Cùng thời điểm, đêm 18 rạng 19 tháng 04 năm 1972, một lực lượng khác của Cộng quân khởi phát cuộc pháo kích và tấn công “Căn Cứ Hoả Lực Pháo Binh dã chiến” của Quân Dù, trên đỉnh đồi Gió và Đồi 169.

Tương quan lực lượng giữa đôi bên :

ĐỊCH:

Cộng quân tung vào chiến trận 2 Trung Đoàn chính quy: Trung Đoàn 141 của Công Trường 7 và Trung Đoàn 172 của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, và 1 Đại Đội Chiến Xa T.54 của Trung Đoàn 203 Chiến Xa, dưới sự yểm trợ của Sư Đoàn 69D “130 ly”. Quân bộ chiến khoảng 4,000 cán binh, chưa kể Thiết Giáp.

BẠN :

Bộ Chỉ Huy (Nhẹ) Lữ Đoàn 1 Dù, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, Đại Đội Công Binh Chiên Đấu, Pháo Đội 1 Dù. Quân số 800 chiến binh.

Nói về Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, sau khi được đổ quân an toàn xuống khu vực Đồi Gió, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 Dù, cùng 2 Tiểu Đoàn 5 và 8, di chuyển vào Thị Xã An Lộc, còn Tiểu Đoàn 6 Dù, được cắt cử ở lại để yểm trợ cho Công Binh thiết lập căn cứ hoả lực Pháo Binh Dù trên đỉnh đồi Gió.

Trung Tá Nguyễn Văn Đĩnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, cắt cử Đại Đội 61, trấn thủ ấp Srok Ton Cui (dưới chân đồi, Đông Bắc Đồi Gió); còn Tiểu Đoàn (-) được chia làm hai, 1/2 do Tiểu Đoàn Phó Thiếu Tá Phạm Kim Bằng trực tiếp yểm trợ cho căn cứ Pháo Binh Dù trên đỉnh Đồi Gió (6 khẩu 105 ly); 2 Đại Đội còn lại, do Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy, di động trấn giữ phía Đông triền đồi 169.

Sự hiện diện bất ngờ, ngoài dự liệu của địch, về căn cứ hoả lực tại Đồi Gió của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đã bắt đầu gây khó khăn cho tất cả các cánh quân địch trong vòng chu vi 8 cây số đang bủa vây An Lộc, như một chiếc gai nhọn đang đâm thủng chiếc bọc bao vây An Lộc, cho nên Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt quyết định, bằng mọi giá, phải nhổ đi “cái gai” căn cứ Pháo Binh trên cao thế này.

Cộng quân điều động 2 Trung Đoàn coi như thiện chiến nhất của 2 Công Trường 7 và 9, tấn công thẳng lên Đồi Gíó, nơi có đặt 6 khẩu 105 ly của Pháo Đội 1 Nhảy Dù.

Địch chia quân thành 2 cánh: Cánh thứ nhất gồm Trung Đoàn 141 của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt có 6 T.54 trợ chiến, xâm nhập và tấn công Đồi Gió từ hướng Bắc, Đông Bắc; Cánh quân thứ nhì do Trung Đoàn 272 của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, có 6 T.54 trợ chiến, xuất phát theo sau cánh quân thứ nhất, theo lộ trình Liên Tỉnh Lộ 245 bọc sâu xuống ấp Srok Ton Cui, tiến công từ phía Bắc, Tây Bắc đồi Gió. Nhưng cánh quân này vừa mới tập họp được, chuẩn bị dàn quân để hợp đồng tấn công lên Đối Gió, cùng với cánh quân thứ nhất, thì gặp phải cánh quân của Tiễu Đoàn 6 (-), chận cắt ngang, gây thiệt hại khá nặng.

Khởi đầu địch áp dụng chiến thuật “Tiền pháo hậu xung”. Địch tập trung hoả lực pháo binh trên 2,000 quả 130 ly vào đỉnh đồi Gió và vùng yên ngựa trên đỉnh đồi Gió và đồi 169, phá huỷ hết các khẩu pháo của Quân Dù, kho đạn pháo binh nổ tung. Sau trận pháo kích, bộ binh và chiến xa ồ ạt tiến lên… các chiến sĩ Dù trên các giao thông hào có dịp tác xạ, hết đợt xung phong này đến đợt xung phong khác, địch cũng không chiếm được mục tiêu, ngưng pháo để cho bộ binh tiến vào, bộ binh và chiến xa vẫn tiến không nổi, được lệnh tháo lui, rồi gọi pháo tiếp tục bắn phá. Những T.54 thi đua nhau bị các chiến sĩ Dù bắn lật lăn xuống triền đồi, đè bẹp một số cán binh Cộng Sản đang tiến lên phía sau.

Các chiến sĩ Dù trên vòng đai phòng thủ vị trí pháo binh đã đẩy lui trên 10 đợt tấn công, bắn cháy hết 6 T.54 của địch. Tuy nhiên cũng phải trả một giá khá đắt, vị Đại Đội Trưởng 63 tên Cao Quốc Tuấn bị tử thương, và hơn 100 chiến sĩ bi thương vong, cuối cùng Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng cũng bị thương, nên buộc phải rút theo triền đồi về phía Đông để sát nhập với Bộ Chì Huy Nhẹ Lữ Đoàn 1 Dù đang đóng quân cùng Đại Đội Công Binh Chiến Đấu trên đỉnh ngọn đồi 169, và cùng nhau chuyển tải thương binh, theo hướng Tây, nương theo đường thông thuỷ rút lui về An Lộc.

Riêng cánh quân của Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Đĩnh đang ở phía Đông triền đồi 169, vì còn đứa con (Đại Đội 61 Dù), đang trú quân tại Ấp Srok Ton Cui, Trung Tá Đĩnh phải rút xuống triền đồi, vượt qua con suối Rộ, dầy đặc lau sậy, cuối cùng cũng bắt tay được với Đại Đôi 61 Dù; chờ cho đến trời hừng sáng, Trung Tá Đĩnh chỉ huy 3 Đại Đội tung phá vượt vòng vây vế phía Nam, Cộng quân bị đánh bất ngờ. Một trận thư hùng lại diễn ra dọc theo Liên Tỉnh Lộ 245 về phia Nam, các chiến binh của Tiểu Đoàn 6 Dù có dịp tạo thêm thành tích, bắn cháy thêm 4 T.54, dọc theo con lộ số 245; địch quân bám theo sát Tiểu Đoàn 6 Dù (-). Phần vì gần hết đạn dược, phần vì có khá nhiều thương binh, Tiểu Đoàn 6 Dù khẩn liên lạc với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 Dù, cho các trực thăng Cobra và các phi tuần phản lực cơ Hoa Kỳ đến yểm trợ, cuối cùng Tiểu Đoàn 6 Dù (-), cũng vượt ra khỏi vòng vây của địch quân, và được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho trực thăng đến bốc thẳng về Lai Khê, vào chiều ngày 20 tháng 04 năm 1972. Kết quảTiểu Đoàn 6 Dù bị tổn thất khá nặng. (xem sơ đồ số 9)

 XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

 

3- KẾT QUẢ TỔN THẤT ĐÔI BÊN:

ĐỊCH :

2750 thương vong,
10 T.54 bị bắn hạ

BẠN :

300 tử trận,
300 bị thương
Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Hỗn Hợp thuộc Trung Đoàn 8 Bộ Binh hoàn toàn bị hư hại (16 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly) + Đại Đội Pháo Binh Dù (6 khẩu 105 ly).

DÂN CHÚNG : Ước tính gần 5,000 thương vong

 

4- NHẬN ĐỊNH

Từ cuộc tấn công lần đầu (13 tháng 04), đến cuộc tấn công lần thứ nhì (15 tháng 04), cho đến lần thứ ba này, so sánh cường độ sau 3 đợt tấn công của Công Trường 5 và Bình Long Cộng Sản Bắc Việt vào tuyến phòng thủ phía Bắc và phía Đông của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, nhận thấy cường độ tấn công càng lúc càng giảm dần và yếu đi, vả lại lần thứ ba này lại chạm mặt với đơn vị thiện chiến Biệt Cách Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, nên bị chận đứng và bị đánh tan nhanh chóng.

Còn về trận chiến Đồi Gió, mặc dù Cộng quân thành công trong việc dập tắt được căn cứ hoả lực Pháo Binh, và đẩy lui được Tiểu Đoàn 6 Dù ra khỏi khu Đồi Gió và Đồi 169, nhưng cũng phải trả một giá rất đắt. Trên 2750 cán binh của hai Trung Đoàn 141/CT7 và 272/CT9 bị thương vong, và 10 trong số 12 chiến xa tham chiến bị bắn hạ.

Việc điều quân tấn công Đồi Gió của Cộng quân, dường như không có sự Chỉ Huy thống nhất? (Cánh quân thứ nhất thì khởi phát tiếng súng lệnh tấn công vào lúc 3 giờ sáng, trong lúc đó cánh quân thứ nhì thì tới trời vừa hừng sáng mới tập họp xong chưa kịp tấn công, lại bị Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà “bất thần” tấn công, cắt ngang nửa chừng).

 

5- ĐỒI GIÓ ĐỔI TÊN
(Tác Giả PHAN NHẬT NAM)

Nhà văn gốc Quân Đội Phan Nhật Nam viết về “Một chiến trường đẫm máu” có đoạn nói đến Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, “Đồi Gió đổi tên”, như sau:

21giờ00 của ngày 19 được đánh dấu bởi quyết định của”Lê Lợi”: Tiểu Đoàn 6 Dù không còn nhiệm vụ giữ pháo nữa, chỉ còn nhiệm vụ giữ cao địa. Tiểu Đoàn Trưởng toàn quyền quyết định. Pháo còn nữa đâu mà giữ, chưa đầy 48 giờ, đã mất 6 khẩu pháo với ngàn quả đạn, bây giờ ở đây làm gì? Dọt ! Đĩnh dẫn Đại Đội 60 và Đại Đội 62 xuống đồi, hướng về phía Ấp Srok Ton Cui, nơi đang có 61 trấn thủ, để lại trên đồi 2 Đại Đội 63 và 64 cho Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng trấn giữ.

Vinh “con” ào xuống như núi lở, Cộng quân bung ra khép lại. Vinh tiếp tục lấn… Chân Đồi Gió và Ấp Srok Ton Cui lại kẹt thêm cái suối Rộ. Vinh cựa quậy khó khăn dưới đám lau sậy, ruộng sũng nước. Nó bâu tôi như đĩa đói, dứt không nổi Anh Năm. Vinh hét với Đĩnh trong máy… Tối quá chỉ còn sờ ngực áo mà đánh lưỡi lê thôi… quên sờ nón sắt mà nhận Bạn.

Nhưng Cộng quân cố chận bằng mấy lớp hàng rào người. 23giờ00 đêm, Vinh cũng sờ được cái Ấp…nơi đây Đại Đội 61 đang trông chờ từ lúc chập tối, 400m từ chân đồi đến người lính gác của Đại Đội 61, thành phần của Tiểu Đoàn 6 Dù đi mất 3 giờ, 3 giờ thêm một số thương binh vì lưỡi lê và mảnh lựu đạn của 400m cận chiến.

Bây giờ là 00giờ00 của ngày 19 bước qua 20. Cộng quân không phải chỉ có một thành phần, một cánh quân, nhưng mà là một lũ người, một lớp sóng người chen vai thích cánh lố nhố đầy chân Đồi Gió, chân đồi phía Tây lẫn phía Đông.. Cộng quân tràn ngập đường 245 như trẩy hội. Cộng quân bao quanh Ấp Srok Ton Cui như đám người đói vây quanh vị trí phát chẩn. Không phải là một cuộc điều quân, nhưng là một chợ người, lộn xộn ồn ào, la hét tìm đơn vị, chuyển lệnh – Ngày hôm nay sao máy bay “nguỵ” nhiều quá! – Sao mày không bắn! Tao chỉ có AK – AK thì AK, bắn cho “nguỵ” sợ…Ở trong này, Đĩnh thì thầm liên lạc với các Đại Đội 61, 62, và 60 : các Toa dặn lính đừng bắn phải tiết kiệm đạn tối đa, chỉ nổ súng khi nào thấy chúng nó tấn công mình. Phải đợi trời sáng, khi xác định được rõ mục tiêu, chúng ta sẽ đồng loạt nổ súng, cắt đứt ngang đoàn quân của chúng, nhớ chuẩn bị các M.72 để hạ Tăng chúng nó!!

– Các Đại Đội Trưởng đáp, nhận rõ 5/5 .

Dù vô trật tự đến tới đâu, Cộng quân cũng tập họp lại được hàng ngũ. 3 giờ sáng, tiếng kèn thúc quân vang lên lồng lộng… xong rồi tụi nó chuẩn bị dứt mình.

Tiếng kèn thúc quân xoáy trong đêm, vang dọc theo đường 245… Bỏ mẹ, chúng nó bố quân cả 3 cây số đường dài.. đồng thời từ phía Bắc đầu đường 245, có tiếng động cơ máy nổ, ánh sáng đèn pha quét ngang dọc trong bóng đêm của tăng T.54.

3 giờ đúng, Đồi Gió bị tấn công trước, Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng, mặt đen xì, con người quá khổ, chậm rãi điềm tĩnh và hùng tráng như một hiệp sĩ thời cổ, đứng ra khỏi hầm, điều khiển hai Đại Đội 63, 64 phân công. 63 của Hoàng và 64 của Tuấn, 2 Đại Đội đã thử lửa với quân Cộng Sản Bắc Việt từ ngày 17, hai Đại Đội Trưởng “tới” quá mức dũng cảm như những thiên thần tung hoành trên đầu lũ quỷ say máu. Tất cả đều ở tuyến đầu chiến đấu, không còn Khinh Binh, Tổ Trưởng, Trung Đội Trưởng, Tiểu đoàn Phó…chỉ còn một hàng ngang theo giao thông hào, điểm phân biệt người chỉ huy là tay nói máy chuyền lệnh, tay ném lựu đạn, 2 Đại Đội chỉ trừ những người chết hay bị thương mê man, thương binh chỉ tạm băng bó sơ qua vết thương, đứng hoặc dựa lưng vào thành giao thông hào để chiến đấu.

4 giờ trong bóng tối ngả màu tím của ngày sắp đến, 6 chiếc T.54 chia từ hai hướng Đông và Đông Bắc, bắt đầu lên đồi, lính tùng thiết Cộng Sản Bắc Việt chạy lố nhố theo sau để tính bề diệt gọn. Trăng thượng tuần gấn sáng rọi ánh sáng trắng lạnh xuống sườn đồi vằng vặc, khối sắt đen lóng lánh tiến dần vào cùng động cơ vang ầm ì, ngọn đèn vẫn giữ nguyên độ sáng, ở vị thế “pha”, luồng ánh sáng dọi thẳng lên đồi hỗn xược thách thức… Hai chiếc T.54 đầu tiên bò lần lần từng bước lên ngọn đồi dựng đứng.

Để tao thanh toán nó, Tuấn đứng thẳng khỏi giao thông hào, kéo chiếc ống M.72 cơ hữu (trên nguyên tắc chỉ khinh binh mới có M.72). Rút hết các chốt an toàn.Tách! Sợi dây an toàn cũng đã bị đứt, Tuấn đưa chiếc hoả tiễn lên vai nheo mắt… 100 thước, còn xa, 80 thước, hơi xa, 50 thước, đủ! Tuấn bị loá mắt bởi hai ngọn đèn dọi thẳng mặt…Ầm ! Quả hoả tiễn dập vào giữa hai điểm sáng, hơi chếch cao một chút, trúng ngay pháo tháp… Chiếc thứ hai tăng tốc độ hú lớn nhấc một cái lên tuyến phòng thủ, Hạ Sĩ Nhu, Tiểu Đội Trưởng can trường không kém Đại Đội Trưởng, nhảy vội lên pháo tháp, quả lựu đạn phát nổ sau khi Nhu vùa kịp nhảy xuống. Chiếc thứ ba thì lãnh 1 quả M.72, nằm yên bất động.

Ba chiếc T.54 của phía Đông thì do chính Hoàng và một vài binh sĩ khác hạ. Cộng quân lại lui xuồng chân đồi, để đại pháo rưới thêm một lớp, lớp thứ sáu kể từ lúc khởi đầu trận đánh. Ngày tới với ánh sáng cùng cơn mưa pháo thứ bảy, đỉnh đồi bây giờ tan hoang, điêu tàn và bốc khói, khói của đạn địch và khói của đạn ta cháy dở “Hột Lạc” dài 30m ngang 70m, hứng khoảng trên 2000 quả đạn trong một đêm với vị trí dã chiến, ngày chiếu ánh sáng rọi rõ cảnh vật tan nát…

Tiểu Đoàn Phó Bằng bị “tung” một mắt. Tuấn hứng một quả 75 ly, quả đạn nổ ngay trên thân thể người sĩ quan trẻ mới 23 tuổi… số tuổi quá nhỏ đem so với chiến trường nặng độ. Đồi Gió kể từ đó mang tên mới: Đồi “Quốc Tuấn”, danh hiệu truyền tin của Tuấn, Cao Quốc Tuấn.

Với một con mắt đẫm máu, Bằng nghiến răng, nhướng mắt còn lại giữ vững đồi cho đến lượt tấn công thứ 16. 12 giờ trưa ngày 20, Bằng kiệt lực suôi tay bỏ rơi chiếc combine’, gọi Hoàng đến: “Thay tôi đem hai Đại Đội về 169 (Tây Nam Đồi Quốc Tuấn), với một cái yên ngựa chừng trên 2 Km đường rừng rậm. Nhớ đem hết thương binh, kẻ chết phải chôn lại…(xem Bản Đồ số 9).

 



6- CÂU CHUYỆN TRẬN ĐỒI GIÓ

Do một nhân chứng sống, Thiếu Tá Ngô Xuân Vinh, Đại Đội Trưởng Đại Đội 62 Dù (năm 1972).

Thiếu Tá Ngô Xuân Vinh, xuất thân từ Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, được xem là người “HÙNG” của trận chiến An Lộc 1972. Khi còn mang cấp bậc Đại Úy, Vinh giữ chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 62 Nhảy Dù. Trong trận Đồi Gió, Vinh là vị Đại Đội Trưởng được Tiểu Đoàn Trưởng chỉ định theo sát bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn chiến đấu, là Đại Đội sau cùng có trách nhiệm chận địch để cho Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 6 Dù cùng hai Đại Đội 60 và 61 vượt thoát vòng vây ra khỏi Ấp Srok Ton Cui vào sáng ngày 20 tháng 4, về phía Nam con đường 245, và cũng là vị Đại Đội Trưởng đầu tiên bứng được “chốt” quân Cộng Sản tại vùng Xa Cam và bắt tay được với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù ở phía Nam An Lộc (ngày 08 tháng 06 năm 1972).

(Vào trung tuần tháng 5 năm 2007, Vinh gọi điện thoại cho cá nhân tôi, để cám ơn đã nhận được quyển Chiến Thắng An Lộc 72 (Ấn Bản lần đầu), nhân tiện Vinh có thổ lộ một vài chi tiết về Trận Đồi Gió và Trận “nhổ” chốt Xa Cam).

Nội dung cuộc điện đàm được tóm lược như sau:

“Thưa Niên Trưởng, Vinh rất cám ơn Niên Trưởng đả gửi tặng quyển sách Chiến Thắng An Lộc 72. Lật ngay tờ đầu, Niên Trưởng có ghi “Thân Tặng cho Người Hùng An Lộc Ngô Xuân Vinh”, Vinh cảm thấy thẹn lòng, vì thật sự trong cuộc phá vòng vây của Tiểu Đoàn 6 Dù, vào sáng ngày 20 tháng 04 năm 1972, Đại Đội của Vinh được chỉ định đánh chận đoạn hậu, và quăng trái khói để các trực thăng võ trang và không quân của Hoa Kỳ nhận biết lằn ranh giới giữa Bạn và Địch (thông thường khi mở cuộc xuất phát hay tấn công vào quân địch thì Đại Đội 62 lãnh “ấn tiên phong”, còn khi rút lui, muốn chận được địch không đuổi kịp theo đơn vị, thì cũng Đại Đội 62. Thật sự toàn thể Đại Đội 62 của Vinh rất lấy làm hãnh diện nhận lãnh trách nhiệm “Đi đầu!! Chận đuôi” do Tiểu Đoàn Trưởng giao phó.

Như Niên Trưởng đã biết, từ lúc vượt được con suối Rộ đầy lau sậy, Đại Đội 62 dẫn đầu, đã nhiểu lần đánh cận chiến với quân địch, có một số binh sĩ thương vong. Đến khi bắt tay được với Đại Đội 61, chưa kịp nghỉ ngơi, lại gặp Tăng và Bộ Binh địch ùn ùn kéo đến, di chuyển vòng quanh Ấp Srok bọc vòng xuống phía Nam từ con đường đất 245. Từ lúc 3 giờ sáng, Trung Tá Đĩnh đã lên tần số căn dặn các Đại Đội một vài điều quan trọng, nhất là phải tiết kiệm tối đa đạn dược, đồng thời chỉ định cho Đại Đội 62 “bao chót”, có nhiệm vụ chận địch và ném trái khói.

Khi Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và hai Đại Đội 60 và 61 bắn hạ hai T.54 của quân địch trên đường 245 và vượt qua về phía Nam, đến phiên Đại Đội 62 chuẩn bị vượt qua con lộ đất đỏ đó, thì hai T.54 khác trờ tới chận cắt ngang lối tiến của Đại Đội 62, Bộ Binh địch bu như kiến, tràn đến, buộc lòng Đại Đội 62 phải nghênh chiến, các chiến binh Dù của hai Trung Đội đi đầu nhanh chóng bắn hạ 2 T.54 và một số cán binh tùng thiết, Vinh và Trung Đội còn lại đi đoạn hậu, thì vẫn còn kẹt lại phía bờ rừng bên kia đường 245, buộc phải dừng lại cản bước tiến của Cộng quân, lại một trận xáp chiến, một số chiến sỉ Dù bi thương vong, trong đó có Hạ Sĩ Nhất Bùi Hân và Binh Nhì Nguyễn Đình Huy (chiến binh mang hành trang cho Vinh) bị trúng đạn, thương tích khá trầm trọng, Vinh vội đưa vai lên cõng người đã cùng mình vào sinh ra tử, thì Huy vội nói: Đại Úy cứ để tụi em ở lại đây để chận tụi nó. Đại Úy mau chỉ huy anh em còn lại vượt qua khỏi con đường này đi. Hãy dồn cho chúng Em vài khẩu M.72 và vài băng đạn M.16 và mấy quả đạn M.79; quăng trái khói liền lên kẻo không còn kịp nữa!!!. Tôi đành phải cắn răng nhìn lại hai chiến binh của mình, thấy mình mẩy đẫm đấy máu, liệu bề thương tich khá nặng, nên đành phải làm theo lời yêu cầu cương quyết của họ, vội gọi hai khinh binh đang cầm 2 khẩu M.72, và 2 binh sĩ kế cận đang cầm súng phóng lựu M.79 cùng một số băng đạn M.16 để lại dưới gốc cây (nơi hai chiến binh tử chiến), và vội rút chốt trái khói “đỏ” bật lên như lời căn dặn của Tiểu Đoàn Truởng, đánh dấu lằn ranh giữa Địch và Bạn.

…Vinh tiếp tục chỉ huy Đại Đội 62 còn lại khoảng ½ , tiếp tục theo hướng đoàn quân đi trước, khoảng 2 phút sau, từ lúc vượt qua con đường 245, Vinh nghe nhiều tiếng súng trường M.16 và AK nổ rang, tiếng phóng lựu và 2 tiếng nổ bùng của M.72, sau đó thì tiếng súng im bặt… Có lẽ Hân và Huy đã làm tròn nghĩa vụ của người chiến binh Dù “đền xong nợ nước!!!” Lòng đau như cắt, thêm niềm hối hận… Vinh nghĩ Hạ Sĩ Nhất Hân và Binh Nhì Huy mới đúng là người Anh Hùng thật sự trên trận mạc!!!!

Kế đến Tiểu Đoàn 6 (-) được trực thăng bốc về căn cứ Lai Khê để chỉnh đốn lại hàng ngũ, và bổ sung quân số, lên được gần 600.

Khi về đến căn cứ Lai Khê, kiểm điểm lại quân số cả 3 Đại Đội và Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, chỉ còn chưa đầy 150, như vậy còn thất lạc khá nhiềụ. Vinh lãnh lệnh Trung Tá Đĩnh, và được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cung cấp cho 2 trực thăng đổ quân và 2 Gunship, bay trở lại tìm kiếm, trực thăng bay rà sát ngọn cây, nhận thấy trái khói “’vàng” từ dưới đất bốc lên, rà một vòng để xác định rõ, thấy mặc đồ Dù, Vinh vội ra hiệu cho trực thăng đáp xuống, bốc lên từng đợt 10 chiến sĩ Dù cho mỗi chiếc, cùng lượt đổ xuống, một số đạn dược và lương khô cũng như nước uống cần thiết tiếp tế, cho toán còn lại, chờ đợi đợt thứ hai.. Cuộc tìm kiếm liên tiếp 2 ngày, gom lại được cũng trên 200.

Cuối cùng rồi Tiểu Đoàn 6 lại được lệnh lên trực thăng đổ vào chiến trường An Lộc. Lần này Đại Đội 62 được hãnh diện dẫn đầu đoàn quân đi công phá “chốt Xa Cam” do một lực lượng cấp 2 Trung Đoàn của Cộng quân án ngữ “Đóng chốt”.

Khi Đại Đội 62 tiến đến vị trí cố thủ trên trận địa chốt Xa Cam thì đã thấy ngổn ngang xác chết và súng đạn trong các hầm hố kiên cố cũng như giao thông hào. Có một hầm rộng lớn, được tìm thấy dưới đường rầy xe lửa, nhiều xác chết vẫn còn nguyên vẹn trong vị thế như người còn sống. Vì bị trúng “BOM CBU” của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Đại Đội 62 dẫn đầu đoàn quân trên 2000 chiến sĩ (một số là của các đơn vị Bộ Binh của Sư Đoàn 5 và Biệt Động Quân..), tiến dần lên phía Bắc, vẫn còn một số chốt kháng cự, hạ thêm được vài chục tên trong vùng càn quét… Đến khi nhận được lệnh của Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Đĩnh, cho bắn lên 3 phát súng để làm hiệu cho Tiểu Đoàn 8 Dù đang trú đóng vùng phía Nam An Lộc….Có 3 tiếng súng hiệu đáp trở lại, với khoảng cách ước chừng 500 thước phía trước, Đại Đội 62 cẩn thận tiến lần lên. Khinh binh đi đầu đã nhìn thấy được các chiến binh Dù của Tiểu Đoàn 8 đang vẫy tay ra hiệu… Vinh liền báo ngay cho Trung Tá Đĩnh là đã nhìn thấy rõ quân Bạn (Dù) ở phía trước rồi… Độ 10 phút sau, Trung Tá Đĩnh di chuyển lên tuyến đầu của Đại Đội 62… và hân hoan ôm chầm Thiếu Tá Tuyển, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 8 Dù. Cùng lúc tiếng reo mừng vang dậy giữa hai cánh quân (Tiểu Đoàn 8 và Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù), cũng như những chiến binh được bổ sung cho các đơn vị đang tử thủ An Lộc.

Kể như Đại Đội 62 đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên “kỳ vọng” giao phó… Đoạn đường tuy không dài, nhưng đầy máu xương của trên 300 chiến sĩ cùa Tiểu Đoàn 6 Dù trong trận Đồi Gió, và gần chục chiến binh trong trận “bứng chốt Xa Cam !!!!….

Vinh ngồi bệt dưới chân một gốc cây cao su của đồn điền Xa Cam, lòng vẫn không vui, măc dù đã trả được mối hận “Trận Đồi Gió”, nhưng hình ảnh và vong linh của Hai Chiến Binh Anh Hùng Bùi Hân và Nguyễn Đình Huy cùng những chiến sĩ can trường khác dường như vẫn còn phảng phất đâu đây!!!

Sau đôi giây, Vinh ngập ngừng dường như bị xúc động… Tôi hỏi thêm Vinh, “có đọc đoạn văn của Phan Nhật Nam, Tựa Đề “Đồi Gió Đổi Tên” hay không? nhận định như thế nào về bài viết đó?

Vinh cười khẽ!!

– Anh đó là một nhà Văn, nên lời lẽ đượm mùi Văn Chương chữ nghĩa, bài viết khá trung thực. Vinh đọc thấy Ông ta viết câu “Vinh con ào xuống như núi lở”. Thật sự thì khi tuột dốc để xuống chân đồi, thi ai ai cũng tuột mau, còn chữ “VINH CON”, e có người ngộ nhận “em” là đứa nhỏ con!! Thật sự em cao 1 m 72, cân nặng khoảng 100 kí lô (vào lúc đó 1972).

– Anh xin phép Vinh để tóm lược ý chánh của cuộc điện đàm hôm nay, viết gọn lại, và sẽ được đăng trong ấn bản lần nhì!! Vậy Vinh có muốn nhắn gửi cho Anh cần phải ghi thêm những gì, để cho đọc giả tường tận hơn trong trận Đồi Gíó và trận “bứng chốt” Xa Cam này hay không ?

– Nếu có thể được, thì Vinh nhờ Anh, ghi thêm TÊN của Hạ Sĩ Nhất Bùi Hân và Binh Nhì Nguyễn Đình Huy vào đề mục “Danh Sách Những Vị Anh Hùng có liên quan đến trận chiến An Lộc đã hy sinh vì Đại Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc trong lần tái bản thứ nhì là đủ rồi. Thành thật cám ơn Niên Trưởng.”

 

 

7-  KHÔNG QUÂN YỂM TRỢ TRONG ĐỢT TẤN CÔNG LẦN THỨ BA

Trong suốt đêm 18 tháng 04, những chiếc AC 130 (Spectre của Không Lực Hoa Kỳ), loại phi cơ có thiết trí đại bác 105 ly, và nhiều khẩu đại liên đủ cỡ, được điều khiển bằng “Radar = Hệ thống mắt thần”, bay ở cao độ, ngoài tầm sát hại của các loại phòng không địch, thay phiên nhau yểm trợ quân Bạn tại các tuyến đầu xung quanh thành phố An Lộc, đặc biệt là mặt phía Bắc và Đông, nhất là tại căn cứ Đồi Gió và Đồi 169. Do sự phối hợp điều khiển của các Cố Vấn Mỹ đang có mặt trong các đơn vị Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, sự yểm trợ rất đắc lực của các trực thăng võ trang và Không Quân Chiến thuật cũng như Chiến Lược Hoa Kỳ gần như chính xác này, đã gây rất nhiều thương vong cho các cán binh Cộng Sản Bắc Việt đang áp dụng chiến thuật xung phong “Biển Người”, cũng như các chiến xa địch bị bắn cháy, hầu như không thoát được chiếc nào, dù trong đêm tối. Sự yểm trợ được tiếp diễn qua suốt ngày hôm sau, cho Lực Lượng Dù tại Đồi Gió. Còn về các phi vụ B.52, cũng được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 hoạch định cho oanh tạc 3 Box B.52 tại các vị trí của Cộng quân (xung quanh khu vực Đồi Gió và Đồi 169) ngoại trừ mục tiêu Phi Trường Quản Lợi, nơi đặt bản doanh đầu não của Cục R Cộng Sản Bắc Việt vì Không Lực Hoa Kỳ âm thầm từ chối.

 

Kết luận:

Sau 3 lần tấn công đều bị thất bại và thiệt hại quá nặng nề, Công trường 5 Cộng Sản Bắc Việt được lệnh rút ra khỏi vòng chiến, thực lực còn khoảng một Trung Đoàn, được gom để lại tăng cường cho Công Trường 9, rút về điểm tập trung vùng phía Tây Nam An Lộc giáp ranh Việt Cambodia (vùng đồng bằng Sông Cửu Long, thuộc Quân Khu 4 Việt Nam Cộng Hoà, để bổ sung quân số và chấn chỉnh lại đội ngũ) (1).

(1)              Hồi ký “Chặn đường 10,000 ngày” của Tướng Cộng Sản Bắc Việt, Hoàng Cầm, trang 278.

SOURCE:

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/03/04

No comments:

Post a Comment