Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 1/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/nhat-ky-hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-110.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 2/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/nhat-ky-hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-210.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 3/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-3.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 4/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/nhat-ky-hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-410.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 5/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/nhat-ky-hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-510.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 6/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-610.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 7/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-710.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 8/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-810.html
Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 9/10)
https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/hoang-khoi-phong-ngay-n-910.html
oOo
Ngày N + 41
Rốt cuộc, ông Minh Cồ cũng giựt được cái cờ để phất. Sáng nay, ông tuyên thệ
nhậm chức Tổng thống. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu trình nội các lâm thời với một danh
sách vỏn vẹn có bốn người. Ông Mẫu, ngay khi nhậm chức đã tung ra một quả bom,
làm cả miền Nam ngơ ngác. Ông chính thức gửi văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt
Nam, từ ông Đại sứ đến nhân viên các cấp, nhất là cơ quan D.A.O. Người Mỹ đâu
có cần ông Mẫu đuổi, họ bỏ miền Nam vì miền Nam hết còn giá trị với người Mỹ.
Họ đã biết chắc được mâu thuẫn giữa Trung cộng và Nga khó có thể hàn gắn được.
Trung cộng mỗi lúc mỗi ngả dần theo Mỹ để được hưởng một chút tiến bộ về khoa
học kỹ thuật. Họ đã dùng Trung cộng để ngăn chặn Nga, họ thả miền Nam bởi vì
đối với dân Việt, kẻ thù nguy hiểm nhất lúc nào cũng là Trung cộng. Nuốt được
miền Nam, bọn Cộng sản ngoài Bắc sẽ phải ôm chân con gấu Nga ở xa, để chống con
chó sói Trung cộng ở gần, nghĩa là Mỹ đã đẩy Việt Nam vào thế ngăn chặn Trung
cộng ở phía Nam.
Kampuchia là lá bài của Trung cộng với Pol Pol và đám Khmer đỏ hiếu sát. Rồi
đây, trong vài năm tới, tình hình Đông Nam Á đố có yên được. Ông Mẫu ơi, ông
khỏi cần đuổi Mỹ. Họ đang kiếm cớ để đi. Giờ thì họ đã có cớ để ra đi sớm sủa.
Ván bài miền Nam đã vật đến lá chót.
Ngày N + 41, 10 giờ sáng
Đài Phát thanh Quân đội đọc nhật lệnh của Tân Tổng Tham Mưu Trưởng. Tôi nghĩ
tới văn phòng Đại tướng Cao Văn Viên trong Tổng tham mưu trống trơn, sáng nay
ông đã không tới văn phòng, và tập hồ sơ trình ký còn dở dang trước bàn giấy.
Trên đài phát thanh, người được bổ nhiệm chức tân Tổng Tham Mưu Trưởng là Trung
tướng Vĩnh Lộc, có một thời được mệnh danh là "Anh Cả Trường Sơn".
Ông cựu cũng như tân không ai có mặt ở văn phòng. Ông cựu Đại tướng Viên có lẽ
đã có mặt ở tầu Mỹ.
Mấy năm sau này, khi sự tranh chấp quyền lực giữa các tướng mới nhen nhúm, ông
Kỳ phổi bò, bị ông Thiệu cho vào xiếc, ngồi chơi xơi nước, thỉnh thoảng ngứa
miệng tuyên bố vài câu vớ vẩn vô hại. Hai tướng còn lại là ông Thiệu và Khiêm ở
trên hai cái đỉnh của quyền lực. Mỗi người có một phe nhóm riêng, vây cánh
riêng. Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng đứng giữa các tranh chấp quyền lực này.
Ông được ông Thiệu tin cậy, và ông Khiêm nể mặt. Những anh nhà báo, nhà văn
quân đội thay phiên bốc thơm ông Tướng "văn võ song toàn này". Võ thì
tôi chưa biết rõ, tôi là một đại úy, nghển cao cổ, kiễng hẳn chân lên thì tôi
cũng chỉ với tới ông Đại tá xếp xòng của tôi. Khi tôi là thiếu úy, ông Viên là
Thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn III, thỉnh thoảng tôi được nhìn, chỉ đứng xa nhìn
thấy ông to lớn, có dáng võ biền, chỉ có dáng võ biền thôi, còn thực sự tôi
cũng không biết. Còn văn thì ông Viên ra sao? Tôi biết ông học thi cao học văn
chương Pháp. Trong các tướng thối thân từ quân đội Pháp, học lực trung bình thì
có Trung học hồi xưa, khá thì có Tú tài, còn dốt đi từ khố xanh khố đỏ đi lên
cũng không phải là ít. Giữa đám tướng lãnh như thế, có một ông có "Cao học
văn chương" đâu phải bỡn. Tôi không bao giờ dám coi thường lòng hiếu học
của ông. Có điều phàm làm tướng, chỉ huy cả triệu quân dưới cờ, thì trọng trách
phải giữ cho quân đội được nghiêm minh, trên dưới rõ rệt. Quân ra quân, tướng
ra tướng. Những năm trước 70, quân đội còn có chút tôn ti. Từ đó trở về sau,
quân đội do những thẩm thấu của chính trị, mỗi ngày mỗi nát ra. Ông làm Tổng Tư
lệnh có bao giờ nghĩ đến điều này? Tệ trạng tham nhũng mỗi ngày mỗi lớn, đến độ
lập ra một nha Tổng thanh tra Quân lực, rút cục cái nha này, mỗi lần đi tới
đâu, là cả địa phương phục dịch, bưng bít. Những người lính chiến đấu thiếu
giầy, thiếu áo, thiếu lương khô và thậm chí cả đạn dược. Nạn lính ma, linh
kiểng có mặt trên cả bốn quân khu. Có bao giờ ông nghĩ đến những điều này hay
ông còn bận đi học. Giả dụ như một người khác trong địa vị của ông, có đi học
cũng phải kín đáo, lén lút một chút, chứ đâu có lộ liễu đến độ cả nước biết ông
thi cao học văn chương. Đám sinh viên văn khoa nhiều người đã vô cùng khó chịu,
trước một ông Đại úy nào đó mỗi lần đi lấy cua cho Đại tướng, mặt vênh váo như
mới dự trận về. Đó là văn của ông. Võ mãi hôm nay tôi mới thấy rõ, ông cuốn
gói, không một lời từ giã ngay cả những người làm việc trực tiếp dưới quyền
ông, trong văn phòng của ông. Ông bỏ cả ấn tín, phù hiệu, và cái cờ nhỏ có bốn
sao của ông để lại nơi bàn giấy. Thật chẳng khác nào đám tướng cuối triều Trần.
Ông quên cả những nhật lệnh ông đọc mỗi dịp Tết về gửi toàn quân, cả triệu
người đứng nghe im phăng phắc. Mãi tới hôm nay, tôi mới nhìn rõ cái nhân cách
"văn võ song toàn" của ông Đại tướng. Giờ này đâu đó trên tầu Mỹ,
không biết họ dàn chào ông Đại tướng của miền Nam với lễ nghi quân cách như thế
nào?
Ngày N + 41, 12 giờ trưa
Đường Sài Gòn Vũng Tầu bị địch chặn ngang gần cầu Cỏ May, Cộng sản pháo vào phi
trường Biên Hoà. Đại tá Tỉnh trưởng Biên Hoà Lưu Yểm cùng một số thuộc hạ bỏ
đơn vị chạy về Sài Gòn. Không hiểu ông "Quế Tướng Công" đang làm gì,
còn có mặt ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn III, hay ông đã tháp tùng Đại tướng Tổng Tham
Mưu Trưởng "thăm viếng" Hải quân quân lực bạn? Thế là một phần đời
nữa của tôi đã trôi ra biển. Bây giờ địch không còn tiến đánh từng thành phố,
quân ta bỏ chạy trên nhiều mặt trận. Tôi nhớ những ngày tháng thụ huấn ở trường
Quân cảnh Vũng Tầu năm 1964, rồi sau đó năm năm đi đủ nơi, trở về làm một sĩ
quan huấn luyện viên bất đắc dĩ. Tôi nhớ tới những ngày ngắn ngủi ở Biên Hoà,
năm 1965, tôi bị phạt chờ Tiểu đoàn III Quân cảnh tống đi nơi khác. Dịp chờ đợi
này, tôi là sĩ quan hộ tống đạn dược, mỗi ngày hộ tống hai chuyến xe bom. Một
cho phi trường Biên Hoà, một cho phi trường Tân Sơn Nhất. Năm đó Bắc việt đang
bị Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ oanh tạc dữ dội. Bom đạn sao mà nhiều đến thế.
Nếu Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ cứ oanh tạc Bắc việt bằng gạo, có lẽ chiến
tranh sẽ có những biến chuyển khác ngay từ dạo đó. Bởi Bắc việt hàng năm hạn
hán mất mùa, lại dồn mọi nỗ lực cho chiến tranh, nên nạn đói luôn luôn đe dọa
ngoài đó. Cứ oanh tạc bằng gạo, chắc chắn những xạ thủ phòng không ngoài Bắc sẽ
bắn máy bay cách xa cả cây số, vừa đỡ tốn máu xương cả hai bên, mà có khi Bắc
việt còn thua xiểng liểng. Vả lại gạo rẻ hơn bom đạn cả ngàn lần.
Ngày N + 41, 12 giờ 30
Nhiều phản lực cơ Phantom của Mỹ xuất hiện trên vòm trời Sài Gòn, sau đó hàng
trăm chiếc trực thăng đủ mọi kiểu bay rợp một góc trời. Mỹ chính thức bỏ Việt
Nam, quay lưng lại với người bạn đồng minh nhỏ bé mà một thời báo Mỹ ca tụng
với những danh từ hoa mỹ: "Tiền đồn chống Cộng", "Pháo đài Tự
do". Vài chiếc trực thăng bỏ hàng ngũ, bay đến những cao ốc có người Mỹ
trú ngụ, đáp trên nóc những cao ốc này. Cả Sài Gòn nghển cổ nhìn lên trời, nhìn
những chiếc máy bay lạ, đủ kiểu như những tín hiệu cuối cùng của sự sống
Ngày N + 41, 2 giờ chiều
Giao tranh giữa hai bên diễn ra khắp các nơi phụ cận Sài Gòn trong một bán kính
không đầy hai mươi cây số. Sài Gòn mỗi lúc mỗi giống Nam Vang. Bên ngoài tòa
Đại sứ Mỹ, dân chúng tụ tập hàng ngàn người. Những người có Pháp tịch cũ, đã
trở lại Việt tịch bây giờ lại hốt hoảng xin trở lại Pháp tịch.
Ngày N + 41, 4 giờ 30
Dân Sài Gòn đập cửa phòng thông tin Hoa Kỳ. Dân chúng lũ lượt khuân đi những
bàn ghế, máy đánh chữ, dụng cụ văn phòng, sách vở. Sau cùng họ chất cả tấn báo
chí, tranh ảnh lại và đốt những món đồ không quý giá này.
Ngày N + 41, 6 giờ chiều
Yên cho tôi biết, toàn thể đại gia đình anh đã thuê một số phòng khách sạn gần
ngay bờ sông Sài Gòn. Vợ con Yên vẫn ở tại nhà anh ở đường Chi Lăng Phú nhuận.
Anh cho tôi biết là sẽ đi rất bất ngờ, anh dặn tôi đi đâu cứ cách vài tiếng là
phải ghé bến tầu hoặc về nhà anh ở Phú nhuận, hoặc trên khách sạn chỗ toàn thể
đại gia đình anh tập trung.
Ngày N + 41, 8 giờ tối
Địch quân tấn công quận Hốc Môn và Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Sài Gòn
bây giờ nằm trong tầm đại bác của Cộng sản. Chúng đã có mặt ở bốn phía. Thế mà
không thấy ông Kỳ và cái plan biến Sài Gòn thành Stalingrad đâu cả?
Ngày N + 41, 2 giờ đêm
Suốt từ chập tối tới giờ, tôi nghe những tiếng nổ của súng lớn vẳng từ xa lại.
Đêm nay 29-4-1975, trăng hạ tuần trông giống như một cái sừng trâu mỏng, nhọn.
Tôi leo lên mái nhà, nằm dưới cái tàn cây trứng cá, ngửa mặt nhìn trời, thỉnh
thoảng lao vụt qua màn đêm, những chiếc máy bay cô quạnh, đơn lẻ. Xóm đêm tĩnh
mịch, tiếng những con vật ăn đêm mò mẫm trong bóng tối, và tiếng quả tim tôi
đập mỗi lúc một to. Tôi chợt nghĩ tới số phận tôi qua lời tiên đoán của
"Khôi cụt", một người tài hoa ngày nào trên đất Đà Lạt. Khôi xuất
thân khóa 16 Đà Lạt, ra trường xong được một thời gian, gửi lại cho miền Nam
một bàn tay. Cách đây sáu tháng, có lần ghé nhà tôi chơi, ngủ đêm. Khôi hỏi tôi
về ngày sinh tháng đẻ của tôi, anh nổi tiếng là một người coi tử vi giỏi. Tôi
gạt đi vì chẳng bao giờ tin vào "khoa học huyền bí".
"Tôi chỉ nhớ ngày tây, lại không rõ giờ nào làm sao ông hành nghề
được."
"Bố khỉ, tôi biết ông không tin. Cho ông hay có nhiều thằng đặt bạc thước
trước mặt tôi cũng không coi, tôi chỉ coi cho những người tôi quý thôi. Thôi
được, đưa ngày sinh của hai đứa nhỏ đây. "
Chập sau, Khôi nói với tôi bằng một giọng hết sức nghiêm trọng:
"Số hai đứa nhỏ kỳ lắm, tụi nhỏ sẽ phải xa bố, xa mẹ. Cứ theo như lá số
của cả hai đứa, tôi thấy việc đó sắp xẩy ra. Ông có xin du học hay chạy chọt
làm Tùy viên quân sự ở đâu không?"
"Không."
"Thế thì kỳ thật, cứ như tài nghệ của tôi về tử vi, tôi quả quyết với ông,
hai đứa bé này hễ có bố thì không có mẹ và ngược lại. Và thời gian xa vắng này
kéo dài lâu lắm, giá chót là 15 năm đổ lên. Đưa ngày sinh tháng đẻ của ông
đây."
"Đã nói với ông rằng tôi không bao giờ hỏi bà cụ tôi về vụ tôi sinh giờ
nào. Có đưa cũng vô ích."
"Mẹ kiếp, nước sắp đại loạn hay sao mà tôi bấm tử vi cho mấy đám, đám nào
cũng có cái vụ xa cách, chia lìa, tan tác."
Giờ đây tôi biết Khôi đã đoán đúng. Cũng như tiếng tiêu của anh Biệt động quân
ngày nào báo hiệu trước, đã đến lúc bách điểu chia ly, trăm hoa tàn tạ.
Ngày N + 42, 8 giờ sáng
Đài phát thanh Quân đội từ mấy ngày nay không hề có bình luận, thông cáo hay
tin tức, thay thế vào đó những bản nhạc hùng. Hôm nay thế chỗ cho những bản
nhạc hùng tráng, quân hành, là những bản nhạc nặng tình quê hương, những bản
nhạc có thể đúng dưới mọi chế độ.
Đài phát thanh Sài Gòn đọc hết thông cáo này đến thông cáo khác, kêu gọi dân
chúng bình tĩnh, giới hạn di chuyển, và kêu gọi quân đội ở yên vi trí, tiết
kiệm máu xương.
Đài phát thanh của Việt cộng loan báo tới tấp những phần đất chiếm được, và rêu
rao chính sách mười điểm về cái gọi là "chủ trương hòa hợp dân tộc".
Ngày N + 42, 11 giờ trưa
Giao tranh vẫn tiếp diễn xung quanh Sài Gòn. Quân lực miền Nam bây giờ không
còn một ông tướng nào, ngay cả những ông tá cũng khó kiếm. Sự chống trả của
miền Nam hiện nằm trong tay những sĩ quan cấp úy cỡ đại đội trưởng. Cả quân lực
tan biến hết, đọng lại còn những đơn vị nhỏ chai lì cố giữ từng tấc đất trong
phạm vi trách nhiệm của những quân nhân vô danh.
Ngày N + 42
Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên làn sóng điện. Ông kêu gọi mọi
quân nhân buông súng chờ các đơn vị của Cộng sản đến tiếp thu.
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Ngày N + 42, 3 giờ chiều
Ghé nhà Nguyễn Trường Yên, Yên không có nhà , vợ con Yên đồ đạc sẵn sàng. Tôi có ý đinh chờ Yên về đi luôn một thể. Tôi nóng ruột muốn chạy về nhà đón anh Tư tôi, vừa ra khỏi ngõ nhà Yên, một trái đại bác nổ trên đường Chi lăng, trái nổ làm tử thương ba người dân, bị thương nhiều người khác. Người chết nằm tênh hênh trên mặt lộ. Địch pháo tới tấp vào phi trường Tân sơn nhất. Nhiều cụm khói bốc cao tại phi trường.
Ngày N + 42, 4 giờ 30 chiều
Nhà đóng cửa im lìm. Cậu mợ tôi, anh chi Tư tôi và lũ nhỏ không một ai có nhà.
Vừa ra khỏi cổng gặp Tô Thế Liệu, một anh bạn dạy võ bị. Anh đến tìm tôi kiếm
đường chạy ra ngoại quốc. Tôi và Liệu chạy thẳng ra khách sạn nơi toàn gia đình
Yên trú ngụ, dọc dường thấy dân chúng phá nhiều căn nhà trước đây do Mỹ trú
ngụ. Liệu lái xe len lỏi giữa dòng xe cộ hỗn loạn ngược xuôi. Dường như không
một ai tỉnh táo, biết mình phải làm cái gì, định làm cái gì? Cảnh bến tầu làm
tôi không còn tin ở mắt mình. Dân chúng bị chặn lại ở cổng Bộ Tư Lệnh Hải quân,
một số xe du lịch bỏ lại đậu ngổn ngang trên bờ. Một số trẻ em bán báo, đánh
giầy hôi của, đập kính xe lấy đồ đạc bên trong. Tôi gặp Yên đứng đón người nhà ngay
cổng Bộ Tư Lệnh Hải quân.
Tôi hỏi Liệu:
"Sao ông đi hay ở?"
"Đi chứ, nhưng tao còn kẹt cái xe đi mượn của ông anh phải mang về
trả"
"Giờ này còn sợ mất chiếc Honda này làm gì? Mạng còn không lo, lo gì cái
xe."
"Không được, tao phải trả ông ấy cho đàng hoàng, tao sẽ quay lại."
"Tao cũng chỉ đi nhờ thôi, không một ai hứa với ai điều gì bây giờ."
"Mấy giờ tầu nhổ neo ông Yên?"
"Không biết chắc giờ nào. Nhà tao cũng còn kẹt người, kẹt cả đống người,
bây giờ mới có 6 giờ, chắc cũng phải tối mới đi được."
"Tôi quay về đón ông anh tôi, ông cho tôi một giờ, tôi trở lại, ông đón
tôi ở ngoài này được không?"
"Không được. Tao đâu có đưa gia đình tao vào bằng cổng Bộ Tư Lệnh. Tao đón
bằng ca nô."
"Sao ông Liệu?"
"Tao phải về."
Ngày N + 43, 8 giờ sáng
Tầu đã ra tới Hải phận Quốc tế. Từ đài chỉ huy của chiếc HQ 8, tôi dùng ống
nhòm quan sát tứ phía. Cả một hạm đội què quặt dìu nhau trên con đường vô định.
Trên vùng biển này, hạm đội Mỹ với những tầu chiến khổng lồ xuất hiện rải rác
trong tầm quan sát. Qua máy truyền tin, hạm đội Việt Nam liên lạc với nhau, sắp
xếp lại đội ngũ. Chiếc HQ 8 có bốn máy liệt hai, được chiếc khác giòng dây kéo
phụ.
Ngày N + 43, 10 giờ sáng
Một phi đội trực thăng của Không quân Việt Nam bay quần trên chiến hạm Mỹ, và
tuần tự đáp xuống, cứ đổ hết người trực thăng bị hất xuống biển, lấy chỗ cho
chiếc khác đáp. Tôi thấy một máy bay quan sát thả một vật to xuống biển, mới
đầu tôi tưởng là bom, tới khi thấy ca nô Mỹ cấp cứu, tôi mới biết đó là người
phi cảng bỏ máy bay nhẩy xuống nước. Anh ta nhẩy không có dù ở một độ cao cách
mặt biển chừng hai, ba chục thước. Chiếc máy bay không người lái tiếp tục bay
về phía trước, rồi mất hút trong khoảng tiếp giáp giữa trời và biển.
Ngày N + 44, 4 giờ chiều
Tầu tới hải phận Phi Luật Tân. Tôi nghe được trên máy truyền tin một giọng chỉ
huy, ra lệnh cho hạm trưởng chiếc HQ 8 phải hạ cờ Việt Nam Cộng hòa xuống, treo
cờ Mỹ lên để tiến vào hải cảng Subic.
Ngày N + 44, 5 giờ chiều
Bạn tôi, Hải quân Thiếu tá Nguyễn Trường Yên, trong vị trí chỉ huy cuối cùng
của anh, trước sự chứng kiến của hơn hai trăm người "may mắn" có mặt,
xếp hàng trên boong tầu. Phía đối diện là thủy thủ đoàn với quân phục đầy đủ.
Chúng tôi làm lễ hạ kỳ lần chót, chúng tôi hát bài quốc ca lần chót với đúng lễ
nghi quân cách. Bạn tôi co tay mặt để lên vành mũ két. Tôi thấy những giọt nước
mắt lặng lẽ chấy trên khuôn mặt rám nắng của anh. Không phải chỉ riêng Yên
khóc. Dường như bất cứ ai có mặt trên tầu, ý thức được chuyến hải hành lần cuối
này đều hát lạc giọng. Lời ca bị gió biển át đi, và lá cờ dường như rực rỡ hơn
trong nắng chiều.
Lá cờ Mỹ được kéo lên, những ngôi sao trắng nhẩy múa bay lượn dưới bầu trời
xanh của miền nhiệt đới.
Tôi thấy một vài thủy thủ liệng nón của họ xuống biển, có cả một hai cái mũ két
sĩ quan với cặp lon vàng chói. Cảnh hệt như đoạn cuối của phim: "Tant
qu'il y aura des hommes". Có khác chăng là người. Chúng tôi bỏ lại những
gì xác định vị trí của chúng tôi, vị trí của những kẻ đã làm mất quốc gia mình,
để đi vào vùng trời vô định của những kẻ lang thang vô tổ quốc. Còn người thiếu
phụ trong phim, liệng xuống biển một vòng hoa cuối cùng cho người tình, và cũng
đồng thời giã biệt vùng đất bất ổn của chiến tranh, của bom đạn, để trở về với
xứ sở thanh bình, yên vui bên những người thân yêu của bà.
Ngày N + 44, 9 giờ tối
Một đám thanh thiếu niên, gây một đống lửa nhỏ trên boong tầu. Họ tình cờ gặp
nhau trong hoàn cảnh bi đát này. Họ hát với nhau những bản nhạc nói về quê
hương, nói về chiến tranh, họ hát với nhau những bản nhạc tình. Gió biển thổi
nhẹ làm ngọn lửa nhẩy múa trên boong. Đôi lúc tôi muốn xuống ngồi với họ, nghe
những giọng hát học trò, hát bằng trái tim tinh khôi của họ. Nhưng rồi tôi vẫn
ngồi yên trên đài chỉ huy, như tôi đã ngồi suốt ba ngày nay. Tôi thiếp đi giữa
gió biển, giữa lời ca, giữa những ánh sáng bập bùng. Tôi thiếp đi giữa những
tiếng tiêu huyền diệu của anh lính Biệt động quân ngày nào trên đập Đồng cam,
trong lúc con tầu tiến dần về bến.
Thay đoạn kết
Thư gửi các em học sinh trường tiểu học Vườn Hồng
California, tháng 8, năm 1988
Thân gửi các em học sinh của trường Tiểu học Vườn Hồng
Đáng lẽ trường của các em tên là Nguyễn May, để kỷ niệm một binh sĩ Quân cảnh
của Tiểu đoàn 7, chết trong lúc anh canh gác tù binh, đang triệt hạ những cây
cao su, khai quang khoảnh đất để dựng lên ngôi trường đặc biệt này. Tôi phản
đối cái tên này, thứ nhất nó không hay, lại cũng không may gì cả. Hạ sĩ Nguyễn
May, dù đã được huấn luyện kỹ lưỡng kỹ thuật canh gác, áp tải tù binh, trong
một phút lãng mạn nhớ nhà, anh bỏ cái nón sắt xuống, ngồi tựa vào gốc cây hút
thuốc. Một tù binh, trong lúc đốn cây cao su, đã bất ngờ bổ một búa vào đầu
Nguyễn May. Anh chết tức khắc, đám tù binh túa ra chạy trốn. Sự kiện xẩy ra đột
ngột đến độ khi hai người binh sĩ cùng toán với Nguyễn May, bắn được loạt đạn
chỉ thiên lên trời, thì mười bẩy người tù đã khuất trong những lùm cây tứ phía.
Có ba người tù già không dám chạy ngồi lại sợ mặt cắt không còn hột máu. Tôi
không muốn dùng tên trường Nguyễn May, bởi lẽ sau này, khi chiến tranh tàn, sẽ
không còn lính, không còn tù, nhưng ngôi trường còn đó, vẫn là chỗ học hành của
các trẻ em xã An Thới. Cái tên gợi chết chóc, lính, tù và thù hận đó không nên
tồn tại với những trẻ em sẽ theo học vỡ lòng tại trường này.
Đó là việc hai mươi năm trước, cũng khoảng tháng 8, ngôi trường khai giảng lần
đầu, có độ ba mươi, bốn mươi em đủ các trình độ từ lớp một đến lớp năm, chen
chúc, xúm xít trong hai phòng học rộng. Hai ông thầy bất đắc dĩ là hai binh sĩ
Quân cảnh có dáng thư sinh, có bằng Trung học đệ nhất cấp, bởi vì trường của
các em không phải do Bộ Giáo dục dựng lên, cũng không phải do Cục Xã hội, Cục
Tâm lý chiến của Tổng Cục Chiến tranh Chính trị làm ra. Đó là ý kiến của tôi,
được Thiếu tá Đoàn Đức Hải Chỉ huy trưởng đời thứ ba của Trại giam Tù binh Phú
Quốc chấp thuận. Trại giam được thành lập chưa được một năm mà đã đến đời Chỉ
huy trưởng thứ ba, đủ hiểu những biến cố xoay quanh hơn một ngàn binh sĩ Quân
cảnh, Công binh, Địa phương quân, mười cố vấn Mỹ, tám ngàn tù binh trong một
khoảng đất dài năm cây số, ngang bốn cây số đó nó phức tạp, đa dạng như thế
nào.
Do đó, một buổi sáng hai mươi năm trước, không có cắt băng khánh thành, ngôi
trường âm thầm khai giảng với bảng tên kỳ khôi có bốn hàng chữ. Hàng chữ đầu,
khổ vừa ghi "Bộ Chỉ Huy Trại Giam Tù Phiến Cộng Trung Ương Phú Quốc",
hàng chữ thứ hai to hơn gồm: "Trường Tiểu học Vườn Hồng". Ngay dưới
bảng tên trường có hai câu thơ với khổ chữ nhỏ nhất:
Khi
sương mai long lanh trên đọt cỏ
Là lúc vườn hồng hé nở nụ tươi.
Sự kiện có hai câu thơ ngay trên cái bảng tên trường, đủ hiểu mọi người còn bận
tối mặt với những sinh hoạt của một trại tù, vừa khai phá rừng, vừa thành lập
trại, vừa tiếp nhận, quản trị, canh gác. Không một ai để ý đến con cái binh sĩ
không có chỗ học. Nên ý kiến của tôi khi được chấp thuận, tôi muốn thực hiện ra
sao chẳng ai buồn ngó ngàng, đếm xỉa. Tôi dù bận mờ người, giữ một lúc ba, bốn
chức vụ, nhưng tôi vẫn thiết tha đến ngôi trường này.
Trong sân chơi, các em có cầu tuột, có xích đu, có cả những khóm hoa cúc dễ coi
sóc và những cây mai rừng được bứng về trồng ngay trước cổng. Có tới gần mười
ngàn tù binh thì vấn đề nhân công đâu có khó gì. Bên trong các lớp học, tôi
treo một bức bản đồ Việt Nam suốt từ mũi Cà mâu tới ải Nam quan, trên tấm bản
đồ này là câu châm ngôn: "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời".
Ngày đó tôi hai mươi lăm tuổi, phải làm một sĩ quan cai tù bất đắc dĩ, còn các em
là con của các binh sĩ phục vụ cho miền Nam, cũng vì tai trời ách nước, nên có
mặt ở nơi góc bể chân trời này, thiếu cả ánh sáng đèn điện mỗi đêm. Tôi cũng
muốn nhắc tới những ngư dân Quỳnh Lưu, đã một lần đứng dậy đòi quyền làm người,
phát động một cuộc nổi dậy chống bạo quyền ngoài Bắc năm 56, và phiêu dạt từ xứ
Nghệ an tới chót cùng hải đảo này. Các em con của các ngư dân này chưa hề một
lần thấy ánh sáng đô thị, chưa bao giờ thấy xe hỏa, chưa một lần thấy được con
báo, con voi. Đó là bối cảnh chung của ngôi trường kỳ dị Vườn hồng, nó được
khai sinh bởi những tình cờ của cuộc nội chiến nồi da xáo thịt. Nếu muốn chính
danh hơn nữa, thì đây là cuộc chiến ủy nhiệm của hai khối quyền lực Tư bản và
Cộng sản, mà ở đó, những kẻ lãnh đạo của hai miền Nam và Bắc, đã đẩy hai nửa
phần dân tộc vào một cuộc chiến tranh mà cả hai đều rêu rao giương cao ngọn cờ
dân tộc, nhưng sự thật, cả hai guồng máy lãnh đạo đều không một bên nào đích
thực đại diện dân tộc.
Chính nơi đây, tôi đau buồn thấy cái vô lý của đời người, cái vô nghĩa của cuộc
chiến. Chính nơi đây, tôi thấy người anh là lính Công binh, góp phần kiến thiết
trại giam để nhốt người em ruột của mình. Chính nơi đây, Nguyễn May trong lúc
nhớ nhà, châm điếu thuốc, không có khói buồn bay lên cây, mà nhận một nhát búa
bổ đôi sọ. Chính nơi đây, tôi thấy tù binh Nguyễn Mạnh cũng chỉ vì nhớ nhà,
muốn xin hồi chánh, đã được các bạn đồng tù của Mạnh tặng một cái đinh đóng
xuyên qua màng tang. Rồi những em bé con của các ngư dân An Thới, cứ sàn sàn
năm một, cứ mỗi ngày hai lần giải trí bằng cơm, và việc học ngừng lại ở hai năm
đầu của bậc tiểu học.
Tôi nghĩ tới cụ Phan Bội Châu cả đời bôn tẩu, những mong dành được quyền tự
quyết cho dân tộc Việt, và tôi nghĩ tới cụ Phan Chu Trinh cũng cả đời lặn lội
với ý tưởng phải cải tiến dân sinh trước, để làm bàn đạp cho các cuộc vận động
lớn của dân tộc. Tôi hiểu rằng cả hai cụ Phan đã thất bại, bởi quan điểm của
hai cụ đều có chỗ cực đoan, quan điểm của hai cụ phải được dung hòa, bồi bổ lẫn
cho nhau. Nên tôi yêu ngôi trường đó biết dường nào, nên tôi treo ở các phòng
học bản đồ nguyên vẹn của nước ta, bởi vì Nam hay Bắc nếu còn chấp nhận di động
trong quỹ đạo của đế quốc đỏ hay đế quốc trắng, thì tâm nguyện của cụ Phan Sào
Nam sẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Tôi treo câu châm ngôn : "Ngày nay
học tập, ngày mai giúp đời" để tưởng nhớ cụ Phan Tây Hồ. Ngày nào còn giặc
dốt, ngày đó chúng ta còn khó thực hiện được chuyện thống nhất xứ sở.
Thời của chúng tôi và các em quả là khó hơn thời của hai cụ. Hai cụ chỉ cần
chống một lực lượng ngoại bang, còn chúng ta phải cố gắng thoát ra khỏi ảnh
hưởng của cả hai khối Tư bản, Cộng sản. Họ đâu có tử tế gì hơn Thực dân Pháp,
nếu không muốn nói họ tệ hại hơn. Bởi lẽ thời của các cụ, nước ta chỉ có một kẻ
thù rõ rệt trước mặt. Bây giờ cùng một lúc chúng ta có hai kẻ thù, lộ dạng dưới
hình thức hai người bạn, giúp chúng ta thật nhiều bom, đạn, súng ống, và máu
của cha anh, bằng hữu chúng ta đổ ra từ Nam quan tới mũi Cà mâu, chỉ để cho
những tập đoàn lãnh đạo tại Nga, Mỹ chia chác những quyền lợi, những tài nguyên
trên khắp địa cầu.
Các em thân mến,
Ngày đó, các em tuổi từ năm đến mười, tôi hai mươi lăm tuổi, mỗi lúc mỗi xót xa
cho thân phận những kẻ trong hàng rào. Họ là những thí dụ tuyệt hảo của phản
ứng Pavlov. Họ gật đầu và lắc đầu y hệt nhau trước một sự việc. Họ tuyệt thực,
biểu tình phản đối không nhận quần áo cũ của lính "ngụy", bởi vì quần
áo họ còn lành, rồi chỉ vài tháng sau, họ lại biểu tình đòi phát quần áo cũ của
lính "ngụy" vì quần áo họ đã rách. Họ là những con người khác nhau về
vóc dáng, nhân dạng, nhưng bên trong họ là những cái máy phản ứng như nhau với
những điều kiện, hoàn cảnh giống nhau. Những xót xa của tôi không dừng ở đó,
đối với những người ngoài hàng rào như ba của các em, như tôi, tôi đau buồn
thấy hàng ngũ của chúng ta rời rạc quá, những bất công không phải chỉ lẩn quất
ở Sài Gòn, ở Cần thơ, ở Nha Trang. Chính ngay nơi đây, tôi thấy khoảng cách của
giầu, nghèo quá xa, tôi thấy những binh sĩ của tôi phục vụ tổ quốc qua hai thái
độ: Kẻ thì du lịch đủ năm trở về nhận một chỗ tốt hơn, người thì mong cho chóng
hết hạn đi đầy, trở về nguyên quán. Chúng ta vạch ra một con voi, khi nặn xong,
nó ... không phải là con chuột, nó là con mèo cũng chẳng to hơn con chuột là
mấy. Tôi bất lực trong hiện tại bao nhiêu, tôi càng để tâm tới ngôi trường của
các em nhiều hơn. Bởi lẽ đó, nhiều hôm rảnh rỗi, tôi lái xe tới quan sát các
em, nghe tiếng cười đùa hồn nhiên của các em. Mỗi lần như vậy, tôi như có đủ
sức chịu đựng thêm một ngày hay một tuần, những công việc bên hàng rào kẽm gai
trùng điệp, cùng với những phản ứng đồng bộ của tù binh mỗi ngày mỗi nhiều.
Tôi không được dự ngày khai trường thứ hai của các em, trước đó một tháng, tôi
đổi về đất liền. Hôm ra phi trường giã từ nơi đây, tôi ngừng xe tại cổng
trường, nhìn các em chơi đùa hồn nhiên nơi cầu tuột, nơi xích đu. Cửa lớp đóng
trong những tháng hè, nên tôi không nhìn được một lần chót bản đồ nguyên vẹn
đất nước ta, và câu "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời", vốn ám ảnh
tôi từ ngày còn là một cậu bé học trường Tiểu học Hải dương. Vả lại bất cứ căn
phòng nào, lớp học nào đóng kín cửa ra vào, cửa sổ, đều là những căn nhà buồn
bã. Tôi lên phi cơ với tấm lòng của lớp học đóng cửa trong những ngày hè.
Các em thân mến,
Năm nay tôi bốn lăm tuổi, xa nhà mười ba năm. Các em, từ những bé năm đến mười
tuổi, ngày nay đã trở thành những thanh niên từ hai mươi đến ba mươi. Ngôi
trường xưa nếu còn, chắc cũng mang tên khác. Cái bản đồ chắc đã được tô mầu đỏ
và dĩ nhiên cái câu "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời" đã được
thay bằng những câu khác như "Yêu nước là yêu Chủ nghĩa xã hội".
Những người mặc áo nâu trước kia bây giờ mặc áo xanh, còn những người trước mặc
áo xanh như ba các em và tôi, giờ đây có lẽ chỉ mặc trần trụi một chiếu quần
đùi trong ban ngày, ban đêm dùng cái áo mỏng để thay chăn. Chiến tranh đã tàn,
nhưng khoảnh đất cũ vẫn đầy thù hận, máu vẫn đổ ra, bởi vì những con người phản
ứng đồng bộ trước kia, đột nhiên chạm mặt chiến thắng, chạm mặt sự thật: Họ mất
hoàn cảnh chung, điều kiện chung, họ mất luôn cả điểm tựa chung là chiến tranh,
do đó họ mất luôn cả sự đồng bộ về phản ứng. Mỗi cá nhân phản ứng một khác. Mỗi
một tỉnh ủy, đảng ủy, chính ủy chạm mặt với một thực tế khác, lại có một sự
hiểu biết khác, nhưng tựu trung những sự hiểu biết của họ đều quá lỗi thời, vì
đã từ lâu họ được tôi luyện trong chiến tranh, và hầu như họ đã quên hết tất cả
thế giới bên ngoài.
Do đó họ lạc hậu so với nhân loại, họ quản trị toàn bộ quốc gia mười ba năm
nay, họ có được một kỳ công khác là kéo quốc gia thụt lùi lại nửa thế kỷ so với
toàn nhân loại. Tôi không có gì để viết cho các em còn ở lại quê nhà, vì tôi
không có đủ can đảm nói về những khổ đau mà bản thân tôi không có mặt. Điều tôi
biết chắc là những em còn ở lại mỗi ngày mỗi chịu những khó khăn hơn. Vả lại
không có gì vô lý cho bằng ngồi an toàn ở xa quê hương nửa vòng trái đất, lại
muốn những người ở lại làm điều này, làm điều khác. Chỉ có những kẻ vô sỉ mới
có thể ngoạc mồm ra rao giảng về những điều họ không hoàn toàn biết, lại càng
vô sỉ hơn nữa khi rao giảng về những điều không có thật.
Vả chăng nữa, những dòng chữ này không thể chắp cánh bay qua đại dương được.
Tôi chỉ biết gửi tới các em còn ở lại lòng khâm phục của tôi đối với những khó
khăn, những bất trắc mà các em đang hứng chịu, đang đương đầu.
Chắc hẳn một số em đã theo cha mẹ tị nạn ngay khi miền Nam sụp đổ, đôi kẻ chậm
chân hơn là những thuyền nhân đến rải rác trong những năm phong trào vượt biên
lên cao, nhiều kẻ bây giờ đã nằm im đâu đó trong lòng đất, dưới đáy biển. Tôi
mong gửi những dòng chữ tâm sự này đến với các em hiện đang "may mắn"
có mặt ở ngoài phần đất quê nhà.
Đã mười ba năm nay, những kẻ ly hương như chúng ta, cứ đến tháng tư lại tổ chức
thật nhiều lễ lạc. Mấy năm xa nhà đầu tiên, tôi rất hăng tham dự những buổi lễ
này, những đoàn thể mọc lên như nấm, những tổ chức được khai sinh nhiều như
những tổ hợp tác xã nơi quê nhà. Thế hệ của tôi, bốn mươi đến năm mươi tuổi
hiện đang nắm giữ "diễn đàn" chống Cộng ở ngoại quốc, thế hệ của tôi
đang hô hào trên "diễn đàn" bảo tồn văn hóa, thế hệ của tôi hiện nay
đang đứng ở đầu ngọn sóng ly hương, thế hệ của tôi hiện đang chống đỡ với sức
hút của hội nhập, đồng hóa nơi xứ người. Do nhu cầu thực tế, thế hệ của tôi đã
lập nên hàng ngàn tổ chức, đoàn thể ở khắp bốn biển năm châu. Điều đau buồn
nhất là dường như những hoạt động ồ ạt của thế hệ chúng tôi phóng vào khoảng
không, bởi vì nó không hữu hiệu. Bởi vì chính chúng tôi chưa bao giờ sống thực,
bới vì chính chúng tôi chỉ là những con người giả do nhu cầu xã hội tạo thành.
Năm 1963, khi có cuộc đảo chánh lật đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm,
chúng tôi tưởng chừng đã đóng góp rất nhiều cho lịch sử, và rồi chúng tôi dừng
lại ở đó, đóng góp tuổi trẻ của chúng tôi cho một chế độ còn tồi tệ hơn cả cái
chế độ mà người ta gọi là "gia đình trị". Đôi kẻ hài lòng với cái danh
vọng nhất thời, trở thành những lãnh tụ sinh viên, chuyên xuống đường hoan hô
đả đảo. Đôi kẻ trở thành dân biểu, những công cán ủy viên, những thứ trưởng rất
trẻ trong một bầu không khí hỗn loạn của chính trị.
Trong một thời khoảng ngắn ngủi từ cuối 63 đến đầu 66, miền Nam chúng ta thay
đổi lãnh đạo bốn lần và dễ chừng đến năm, sáu nội các góp mặt. Những năm đầu
60, chiến tranh chỉ là những hoạt động lẻ tẻ, phá rối trị an, Cộng sản ban đầu
chỉ có một số rất nhỏ còn mai phục tại miền Nam sau hiệp đinh Genève 1954, thấy
rõ sự suy yếu chính trị của miền Nam, nên bọn đầu sỏ ở Hà nội quyết định dựng
lên tổ chức Mặt trận Giải phóng miền Nam, nhưng kỳ thực Bắc việt đã dồn hết nỗ
lực vào trận chiến này. Thời điểm này, Nga và Trung hoa chỉ có những xung đột
ngầm, nên cả hai hỗ trợ miền Bắc tối đa. Để có thể giữ vững vai trò của mình
tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ vận động với một số các quốc gia khác tham chiến. Năm
1965, khi thế hệ chúng tôi ngẩng mặt lên, phía trước đã là cả khối Cộng sản và
quay sang hai bên phải trái, tám quốc gia trong khối tự do đã hiện diện ở miền
Nam.
Chiến tranh, từ những hoạt động quấy phá lẻ tẻ vài năm trước, đột nhiên vươn
mình lớn dậy nơi Đồng xoài, Bình giả, nơi Đỗ xá, Pleime. Trong không khí chính
trị, chúng tôi bị nhào nặn thành những con người giả, bây giờ trong chiến
tranh, chúng tôi bị cuốn đi bởi bom, đạn và xác người, nên không còn có dịp để
nhìn kỹ lại con người đích thực của thế hệ chúng tôi, cũng như những đóng góp
đích thực của chúng tôi. Chúng tôi có những ngộ nhận đáng tiếc, hệt như một cậu
bé nhìn bóng mình trong vách tường, và tưởng chừng như mình vụt to lớn như Phù
Đổng. Chúng tôi tham dự một đêm hát cho quê hương trong khuôn viên đại học, và
tưởng chừng như chúng tôi đã sống và thở cho quê hương. Chúng tôi làm vài bài
thơ, dăm bản nhạc tranh đấu, đã tưởng chừng như chúng tôi đang phản kháng.
Chúng tôi làm một vài bài thơ, viết một vài bài văn thơ đả kích chế độ, đã
tưởng chừng như chúng tôi đang đối lập. Chúng tôi tham dự vài buổi xuống đường
đã tưởng chừng chúng tôi đang làm cách mạng...
Các em thân mến,
Tôi không hề chối cãi sự bất phục nơi các em dành cho thế hệ chúng tôi, bởi vì
miền Nam mất không hoàn toàn do lỗi của những người lãnh đạo miền Nam, càng
không phải do lỗi của người Mỹ đã bỏ rơi chúng ta. Chính "thế hệ chúng
tôi" đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thất bại ê chề nhục nhã này.
Phải mang các em từ đường phố vào trường học, một số "giáo sư" trong
thế hệ chúng tôi lại mang những em đang ở trong lớp xuống đường. Phải nói tiếng
nói bất khuất của tuổi trẻ trong diễn đàn quốc hội, nhiều dân biểu trẻ tuổi
"gật" trước những yêu sách của chính quyền, của nhà thờ, của chùa
chiền. Phải nói tiếng nói chí công của pháp luật, nhiều thẩm phán của thế hệ
chúng tói nói tiếng nói của cường quyền. Phải nói lên những thống khổ của dân chúng,
nhiều ký giả của thế hệ chúng tôi nói lên tiếng nói của tiền bạc. Phải viết
những tác phẩm cổ võ, hô hào cho sự chiến đấu bảo vệ tự do, nhiều nhà văn của
thế hệ chúng tôi viết những tác phẩm để phục vụ thị hiếu tầm thường của con
người. Phải tố cáo những bất công, những nhũng lạm trong quân đội, nhiều người
trong thế hệ chúng tôi làm ngơ trước tệ trạng làm suy yếu quân đội, chạy chọt
lấy một chỗ an nhàn. Nếu những người lãnh đạo quốc gia là cột trụ của căn nhà,
những cơ quan trung ương là những cái đà chính, thế hệ chúng tôi chính là những
cái đà phụ, những tấm ván. Căn nhà của chúng ta có những cột trụ bị mối đục
luỗng, những đà chính bị mọt ăn, những đà phụ rời rạc, gẫy vụn. Một căn nhà như
thế không thể nào đứng vững trước trận bão của chiến tranh.
Đã mười ba năm nay, mỗi lúc tôi một thấy "thế hệ chúng tôi" đang dựng
lại ngày cũ. Những năm ngơ ngác ban đầu trên xứ người qua đi, những con người
ngụy tín cũ dần dần hồi phục. Nên vì vậy mà mười ba năm nay, cho dù "thế
hệ chúng tôi" thành lập cả ngàn đoàn thể, tổ chức, chúng tôi lăn xả vào
chống Cộng, nhưng bọn Cộng sản vẫn mạnh khỏe ở bên kia bờ biển. Chúng tôi còn
bận giành quyền lãnh đạo lẫn nhau, chúng tôi còn bận đổ tội lẫn cho nhau, chúng
tôi còn bận chống lẫn nhau, trước khi có dịp chống Cộng.
Hãy nhìn kỹ những vết xe chúng tôi để lại, hãy nhìn kỹ những con đường chúng
tôi đi, dấu vết xấu xí nham nhớ chúng tôi để lại khắp miền Nam và giờ đây chúng
tôi mang sang xứ người những ví dụ tuyệt hảo của lòng háo danh, ích kỷ, hời
hợt, tự mãn, đố kỵ, giả trá. Xưa kia, chúng tôi được xã hội nặn thành những con
người giả, bây giờ tồi tệ hơn, chúng tôi tự phết thêm một lớp sơn lên những con
người giả hình cũ, những mong lớp sơn mỏng biến chúng tôi thành con người mới
không vết tích.
Hãy nhìn kỹ những gì thế hệ chúng tôi làm, tôi không muốn vạch cái áo vá víu
trên lưng chúng tôi cho các em xem, đầy những nhọt bọc, tôi viết những dòng chữ
này cũng hệt như nghiến răng bóp vỡ một cái ngòi. Trên lưng chúng tôi có cả
trăm cái nhọt bọc này, và dường như nó đã lây sang các em. Có rất nhiều dấu
hiệu của sự truyền nhiễm tính xấu. Hãy ngừng lại tự kiểm. Hãy sống đích thực,
yêu ra yêu, ghét ra ghét. Muốn ăn chơi cứ ăn chơi cho thỏa, không giấu giếm,
không ngụy tạo. Muốn hội nhập với đời sống nơi đây, hãy lao vào đời sống mới
với hết khả năng. Nơi đây chính là nơi pha trộn mọi chủng tộc, mọi mầu da. Nước
Mỹ có hình ảnh của một con bạch tuộc, nghìn cánh tay, nó ngấu nghiến mọi nền
văn minh, cả cái tốt lẫn cái xấu. Nó nghiền nát mọi quá vãng con người, để cải
biến thành một con người khác máy móc hơn, ít cảm tính hơn.
Các em thân mến,
Tôi cố hình dung ra các em nơi xứ sở này. Có thể tôi đã gặp các em đâu đó trong
những dịp lễ lạc, hội họp. Nếu các em "may mắn" rời khỏi nước vào
tháng 4-75, và được sự hướng dẫn tận tình của cha mẹ, giờ đây các em có thể là
những người trung lưu trong xã hội Mỹ, một kỹ sư, một bác sĩ hay một người thợ
tiện như tôi.
Các em có thể đã yên bề gia thất, có một mái nhà và đang mờ người giữa những
đống "bill" đầu tháng. Chậm chân hơn và mới thoát hiểm một vài năm,
các em có thể còn đang lặn lội trong các trường, đang tìm một nghề nghiệp nào
đó nuôi thân. Cũng có thể các em đang hoạt động trong cộng đồng, hoạt động trên
lãnh vực văn hóa, chính trị, cách mạng. Các em có thể đang mưu cầu một đường về,
một ngày về. Tôi thiết tha yêu cầu các em một điều duy nhất: Hãy sống thực với
chính mình, bởi lẽ chúng ta có thể dối trá với mọi người, nhưng không thể dối
trá chính mình, và dối trá chính là khởi đầu của sự hèn hạ.
Không một ai có thể cưỡng bách các em về, nếu lòng các em đã chọn nơi đây là
đất lành. Các em có thể cư xử như một người Do thái đối với quốc gia họ, người
Do thái đã lưu vong hơn hai ngàn năm, họ lập lại quốc gia với dân số chưa đầy
ba triệu người, nhưng ba mươi triệu người Do thái ở khắp nơi trên trái đất đã
đóng góp tích cực cho quốc gia họ đứng vững trước làn sóng thù nghịch, của hơn
một trăm triệu người Á Rập vây quanh khoảnh đất quê hương của họ. Chuyện về hay
ở là chuyện của mai hậu, đó không phải là việc làm của một người, của một nhóm
người, đó cũng không phải là việc làm của một năm, hai năm, năm năm. Đó là việc
của nhiều thế hệ, đó là việc làm của mọi người, làm với lòng thành của mình tin
vào tương lai của quốc gia chúng ta. Tôi không bao giờ lo sợ nước Việt bị mất
đi trên bản đồ thế giới. Tiền nhân chúng ta đã đứng vững được suốt mười thế kỷ
đô hộ của Bắc phương, cha ông chúng ta cũng đã đuổi được người Tây phương ra
khỏi bờ cõi. Người Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Anh, Đức... có thể sau này sẽ thiết lập
những cộng đồng con người trên những hành tinh xa xôi. Song trên mặt địa cầu,
này tôi vẫn vững tin quốc gia chúng ta sẽ còn đó mãi mãi. Điều mà tôi băn
khoăn, chính là trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước hiện tại, các em và chúng
tôi sẽ đóng góp, sẽ phục vụ cho quốc gia một cách hữu hiệu. Chúng ta không
những chỉ chống Cộng, mà phải chống lại mọi chế độ đi ngược lại đại khối dân
tộc. Nếu "thế hệ chúng tôi" ý thức được điều này sớm sủa hơn, nếu
chúng tôi can đảm chỉ trích, vạch rõ những sai lầm của miền Nam từ hai, ba thập
niên trước, có lẽ giờ này các em và chúng tôi đang ở một nơi khác, làm một công
việc khác.
Dường như "chúng tôi" đang đi lại những vết xe cũ, do đó cộng đồng
Việt nơi đây mỗi lúc mỗi giống như miền Nam thu nhỏ lại, hãy cứ mở những tờ báo
phát hành ở khắp nơi, những con người giả hình cũ đang xuất hiện, với một lớp
sơn mỏng hào nhoáng bên ngoài, họ có mặt ở mọi nơi, từ các công xưởng tới các
văn phòng, từ cơ sở thương mại tới các đoàn thể. Họ ủng hộ người này, đả kích
người khác, họ quyên tiền, họ gây quỹ, họ làm cho tôi có cảm tưởng một khi đại
cuộc chống Cộng đã xong, các em và chúng tôi lại một lần nữa phải chống lại
những sai lầm gây nên bởi lòng háo danh, ích kỷ, hời hợt, tự mãn, đố kỵ và giả
trá. Tôi không chấp nhận chống ngoại thù trước mặt, và dung túng nội thù ngay
sát nách mình. Bài học năm 75 còn đó, trong hàng ngũ chống Cộng của chúng ta đã
dung dưỡng những kẻ nguy hiểm không thua gì Cộng sản. Giờ đây chúng ta phải đặt
một nền móng suy nghĩ khác, không thể dễ dãi với những kẻ đội lốt chống Cộng mà
mưu lợi cho cá nhân mình.
Đối với các em đã nhận nơi này là quê hương, đã quay lưng lại với phần đất cũ,
các em có lý của các em, các em không có trách nhiệm gì trong việc mất miền
Nam, các em không có bổn phận chuộc lại những lỗi lầm cũ, tôi chỉ xin các em
một điều, hãy lương thiện và thành thật, hãy sống trung thực với những yêu,
ghét của chính mình, hãy sống với quả tim chân thật, yêu đời và yêu người. Tôi
cầu chúc các em bắt gặp được cái bóng hạnh phúc nơi xứ người, mặc dù tận trong
thâm tâm tôi, tôi biết con đường các em chọn rồi cũng không dễ dàng.
Đối với các em nghĩ đến ngày về, nghĩ đến những trách nhiệm liên đới với cha,
anh, với bằng hữu, đồng bào, chắc chắn con đường đó không phải chỉ có hoa và
bướm. Các em đã chấp nhận chông gai, các em đã nhận lãnh trách nhiệm, ngoài
trái tim phải có để yêu mãnh liệt con đường các em chọn, các em còn cần phải có
một bộ óc đủ để phân biệt chân, giả. Đừng thấy người ta tụ họp chào cờ, hát
quốc ca và nghĩ ở đó toàn là người yêu nước. Ông Thiệu và đàn em ông ngày nào
mà chả chào cờ. Đừng thấy người ta họp hành chống Cộng, mà nghĩ ngay ở đó một
đường về đã mở. Đã nhiều kẻ đăng đàn cổ võ chống Cộng, một thời gian ngắn sau
hiện nguyên hình là một kẻ nằm vùng. Nếu họ nằm vùng vì lý tưởng, các em còn
không đau, có khi chỉ vì bọn Cộng sản quăng cho chút tiền, là có thể liếm được
những bãi nước miếng chính họ vừa nhổ. Tôi chưa nói tới những kẻ có máu lái
buôn trong người, họ hiện diện ở khắp nơi, chỗ nào đông người là có họ, cái họ
chú tâm, để ý không phải là mục đích của đám đông, không phải là chống Cộng,
không phải là văn hóa... Họ cần đám đông, đó là vấn đề "business"
thuần túy. Đã chọn con đường chông gai, ngay cả tính mạng các em cũng không
tiếc, nhưng cần nhất đừng lầm, mỗi một lần chúng ta lầm, là một lần cái đích dang
xa, là một lần chúng ta mòn mỏi. Đời người dài được là bao, chúng ta không thể
đem trái tim nồng nàn của chúng ta, giao cho bất cứ tổ chức nào, đoàn thể nào
chúng ta chưa biết rõ. Tôi biết chắc ngọn lửa chống Cộng vẫn âm ỷ trong lòng
mọi người trong nước cũng như ngoài nước. Tôi biết chắc chắn còn rất nhiều
người trước thế hệ chúng tôi, những người trong thế hệ chúng tôi và cả thế hệ
các em yêu nước thật sự, đương tìm tòi một đường hướng mới hữu hiệu hơn, đang
tìm cách ngồi lại với nhau trong tinh thần mới.
Các em thân mến,
Tôi vững tin vào lịch sử, tôi vững tin vào tương lai, mọi đế quốc rồi sẽ sụp đổ
như băng tuyết tan dưới ánh mặt trời, càng lúc tôi càng có cảm tưởng đó. Tư bản
cũng như Cộng sản hoặc nó phải biến đổi cho hợp với nguyện vọng của nhân loại,
hoặc nó phải sụp đổ nếu nó cưỡng lại đà tiến chung của nhân loại. Ngày đó có
thể là năm năm, có thể là mười năm, có thể là hai mươi năm, nhưng những dấu
hiệu thay đổi bắt đầu ló dạng. Chúng ta không chờ ngày đó, cả nhân loại đang
thúc cho ngày đó tới sớm, và chúng ta sửa soạn cho ngày đó.
Hơn nửa thế kỷ trước, khi đặt nền móng cho cuộc đấu tranh của dân Việt, hai cụ
Phan vẽ ra hai con đường, một là dành lại chủ quyền cho quốc gia, hai là cải
tiến dân sinh, cả hai quan niệm đó phải được thực hiện song phương. Những khó
khăn của chúng ta so với các cụ đã không ít đi, lại còn nhiều hơn dẫu chúng ta
không bị đô hộ bởi Nga, Tầu nhưng Nga, Tầu đã chi phối quốc gia chúng ta tới
tận cỗi rễ. Cách dậy dỗ và đào tạo của người Cộng Sản đã cho thấy dân trí ngày
nay so với thời các cụ cũng không hơn mấy chút. Chúng ta còn có thêm một khó
khăn mới trong thời đại chúng ta, đó là khoa học kỹ thuật tiến những bước của
đôi hia bẩy dặm, sự tiến bộ khoa học này đưa đến việc hình thành những đế quốc
kinh tế như Nhật bản, Tây đức. Trong mai hậu, việc của chúng ta chẳng những
phải đối phó với Cộng sản, Tư bản, chúng ta còn phải đối phó với những tính
toán của các con buôn quốc tế, sẽ nhẩy vào khai thác đất nước chúng ta.
Với những em đã chọn được con đường, đã chọn được tổ chức, tôi cầu chúc các em
đã chọn đúng, có một con đường đúng. Hãy lên đường bằng con tim quả cảm của các
em và bằng trí óc sáng suốt, minh mẫn, hãy yêu mãnh liệt sự chọn lựa của các em
và đủ sức đi suốt con đường các em đã chọn. Dẫu có chết, các em đã sống đích thực
với những điều các em trân quý ở trong lòng. Với các em không chấp nhận nơi đây
là quê hương, lại chưa tìm được cơ hội đóng góp tuổi trẻ cho đại cuộc, tôi tha
thiết mong các em bình tĩnh, cùng tôi quay lại lớp học cũ đọc lại câu:
"Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời", dẫu ở đâu chăng nữa chúng ta
cũng có một phần đời trên lưng, một xã hội trước mặt, hãy tìm tòi, hãy học hỏi.
Các em hãy cùng tôi lật lại một trang sử cũ viết về phong trào Đông Du, bao
xương máu đã đổ ra, bao tâm trí đã hao mòn, bao thân xác đã ngã gục và cụ Phan
Bội Châu chỉ có thể mang được vỏn vẹn vài trăm người lén lút cầu học nơi xứ
người. Trăm cay nghìn đắng, rốt cuộc Nhật cũng lấy lòng Pháp, cụ phải giải tán
phong trào lếch thếch dìu nhau về Trung hoa, và từ đó điều động công cuộc chống
Pháp để dành lại chủ quyền cho nước nhà. Cũng chính nơi đây cụ Phan và những
người đồng chí đã "dưỡng hổ di họa", đã làm ngơ cho Hồ Chí Minh nưong
tựa nơi xứ người, để rồi cụ bị thực dân Pháp bắt do sự chỉ điểm của những người
Cộng sản.
Trong tận cùng của bất hạnh, nước mất, nhà tan, hàng triệu người chết trong lao
tù, chết ở Lào, Miên, chết trong lòng biển, chúng ta có một điều an ủi nhỏ, là
sự có mặt của hàng triệu người Việt lưu vong khắp địa cầu, các em cùng tôi tính
nhẩm một điều, cứ một trăm người mới có một người về, thì mai này chúng ta cũng
có mười ngàn người trở về từ khắp mọi nơi, đã ra đi với lòng buồn bã, nhưng sẽ
trở về cùng với những điều học hỏi được nơi xứ người để đóng góp vào việc kiến
thiết lại xứ sở. Cho dù cả ngàn người mới có một người về, chúng ta vẫn có hàng
ngàn khoa học gia, hàng ngàn chuyên viên, trí thức. Ngay cả nước Nhật khi bắt
đầu canh tân dưới thời Minh trị đâu có được nhiều chuyên viên, trí thức như
thế. Ngày mà lịch sử xoay dòng chắc chắn không xa. Hãy bình tĩnh học hỏi, đừng
trở về với đầu óc rỗng, e rằng chúng ta sẽ chỉ giúp đất nước chúng ta những sự
khốn cùng.
Các em học sinh trường Tiểu học "Vườn Hồng"thân mến,
Tôi gửi tới các em những dòng chữ này, không cổ võ các em hội nhập đời sống nơi
đây, không thúc bách các em phải nghĩ đến chuyện trở về. Chỉ tha thiết mong mỏi
nơi các em một điều: Hãy trung thực với hoàn cảnh các em đang sống, như Phùng
Quán đã viết: "Yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ báo rằng ghét".
"Thế hệ chúng tôi" đáng bị các em bầy tỏ lòng chán chường, oán ghét.
Bất cứ ai dính dự vào miền Nam, đều có lỗi. Lớn có lỗi lớn, nhỏ có lỗi nhỏ. Hãy
nhìn những kẻ đang vỗ ngực tự hào mình vô tội. Một là họ ngu, hai là họ tưởng
mọi người ngu. Cả hai điều đó đều không chấp nhận được. Điều tôi đau buồn chính
là gần đây, trên những diễn đàn nổi, sự tham gia của lứa tuổi các em mỗi lúc
mỗi nhiều. Tôi bắt gặp bóng dáng "thế hệ chúng tôi" nơi các em, từ
khuôn viên một trường đại học, đến một buổi nói chuyện văn nghệ, từ một đoàn
thể xã hội, tới một buổi họp mặt thân hữu, những quần áo đẹp, những bắt tay xã
giao, những nụ cười thớ lợ, những câu nói nước đôi, những thủ đoạn vặt vãnh,
những tiểu xảo, những đãi bôi, những lừa lọc, những bon chen... Tất cả chỉ là
những hư danh phù phiếm.
Hãy ngừng lại các em, cuộc đời nơi đây dẫu không hoàn toàn đẹp, nhưng vẫn có ý
nghĩa của nó, vẫn có cả triệu con đường mở ra trước mặt, chọn con đường nào
cũng vậy: Đời sống chỉ hoàn toàn có nghĩa khi nó được điều động bởi một khối óc
minh mẫn, cởi mở và một trái tim chân thành, lương thiện. Hãy nhìn lại mới ngày
nào các em năm, mười tuổi, giờ đây đã hai mươi, ba mươi, chẳng mấy chốc đợt
sóng của "thế hệ chúng tôi" tan biến đi, đợt sóng của các em tiến
tới. Tôi mong nó tiến tới mãnh liệt, xóa hết những dấu vết xấu xí "chúng
tôi" để lại. Tôi không bao giờ mong một đợt sóng lăn tăn, èo uột, hờ hững,
chưa kịp tiến vào bờ, đã tan biến mất tăm trước khi chạm đất.
Các em thân mến,
Nếu có dịp tình cờ nào đó, các em đọc lá thư này, đọc quyển sách này. Xin hãy
coi đây như là một lời xin lỗi chân thành nhất của tôi gửi đến các em, bởi
chính tôi đã đóng góp một phần, cho dù chỉ là một phần rất nhỏ trong trang sử u
buồn này.
Sau cùng tôi xin gửi lời chúc tâm nguyện nhất tới tất cả các em, và hy vọng một
ngày nào đó không xa, khi lịch sử xoay dòng, các em và tôi có dịp về thăm ngôi
trường cũ để chứng nghiệm một lần trong đời câu châm ngôn: "Ngày nay học
tập, ngày mai giúp đời".
Hoàng Khởi
Phong
California,
tháng 10, năm 1988.
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1988, bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả
No comments:
Post a Comment