Atlanta, 4/2022
Tôi là người phụ nữ nuôi con một mình ở cái thời mà kinh tế đất nước đang đi xuống một cách kinh hoàng sau 1975. Thời bao cấp, mọi thứ đều theo chế độ tem phiếu, buôn bán tự do dĩ nhiên không được chấp nhận. Mọi mua bán bên ngoài các cửa hàng kinh doanh tổng hợp đều bị coi là trái phép, là “buôn lậu”… Sanh con thiếu tình cha, tôi phải tự lăn lóc với đủ thứ nghề để nuôi con. Vốn liếng chẳng có, cơ hội cũng không, ai bày vẽ chuyện gì tôi làm chuyện ấy. Thành công ít, thất bại nhiều, nợ nần chồng chất, bệnh hoạn triền miên…
Tuy nhiên, chính những năm tháng đầy khổ ải ấy, tôi đã học được thật nhiều đáng quý. Đó là những bài học về nghĩa tình. Đó là những kinh nghiệm sống không có trong sách vở học đường. Đó là những vốn liếng tôi mang theo suốt đời với bao trân quí. Có người bạn thân cứ trách nhẹ: Tại sao phải hồi tưởng đến những ngày khổ đau xa xưa ấy làm gì, cuộc đời ngắn ngủi, hãy vui với những gì mình đang có…
Tôi quan niệm rằng quá khứ dẫu vui hay buồn cũng là những bậc thang đưa ta đến hiện tại. Nghĩ về hay nhắc lại quá khứ là để cám ơn những buồn vui mặn nồng của đời sống từng trải qua. Khổ đau và hạnh phúc như là những cung bậc thăng trầm trong một bản nhạc. Nhớ lại đoạn đường đời gian nan của mình thuở đó, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu…
Khi con gái nhỏ mới tròn bốn tháng, tình duyên gãy đôi, tôi ôm con về nhà mẹ nương náu. Thật ra đó không phải là nhà mà chỉ là căn phòng nhỏ, chung vách với người hàng xóm. Nhà cầm quyền chỉ định chủ nhà phải thu dọn, nhường một phòng bên gian trái cho gia đình tôi cư ngụ sau khi căn nhà lớn của ba má tôi bị tịch thu. Chín mẹ con và đứa cháu ngoại, là con gái của tôi, tổng cộng mười người, tá túc trong căn phòng nhỏ, không có nhà vệ sinh riêng…
Trong cái ổ chuột tối tăm ấy, giường ngủ hai mẹ con tôi ở ngay lối đi xuống căn bếp dột nát. Khi ngủ vẫn nghe mùi hôi từ phòng tắm, cầu tiêu, cống rãnh. Sáng mở mắt ra là thấy cái gạc măng rê cũ rách bươm trước mắt vì chỗ ngủ của hai mẹ con ở ngay nhà bếp. Mùa mưa phải dùng nylon che tứ tung. Tôi còn nhớ cảm giác hạt mưa bắn vào mặt những khuya có cơn mưa lớn. Chăn màn ẩm mốc. Khi trở mình, chiếc giường tre kêu kẽo kẹt. Những đêm lạnh, hai mẹ con ôm nhau, đứa con rúc vào lòng…
…
Ầu ơ, ví dầu cầu ván long đinh;
cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
con đi trường học, mẹ đi trường đời…
Sài Gòn, khoảng
năm 1990
(ảnh: Didier NOIROT/Gamma-Rapho via Getty Images)
Trường đời của tôi từ khi có con bắt đầu với nghề giặt ủi. Mối lái nhận được từ Cúc, cô em dâu buôn bán áo quần cũ ngoài chợ trời. Việc của tôi là giặt ủi và tân trang mớ áo quần cũ trước khi bày bán. Việc này khiến tôi có cảm giác như mình đang tiếp tay với thành phần bất lương vì hàng tôi nhận đa số là đồ ăn cắp, rất hiếm là đồ mua lại từ những người túng thiếu.
Mỗi sáng, chừng bốn năm giờ, khi con gái còn ngủ say, tôi nhè nhẹ thức dậy, rón rén ém mùng chặn gối, sợ con giật mình. Tôi lẹ làng xách thùng đi hứng nước. Từ nửa khuya đến sáng thì mới có nước máy ri rỉ, ban ngày hầu như chỉ dùng nước giếng, thứ nước giếng vàng khè vì rễ cây và phèn. Hai cánh tay tôi rã rời vì múc nước bằng cái gàu với sợi dây nylon đứt không còn chỗ nối. Cái gàu lủng vá đi vá lại bằng dầu hắc nên khi gàu đầy nước thì trọng lượng nặng gấp đôi. Mà phải kéo thật nhanh; nếu không, khi đến miệng giếng, gàu nước chỉ còn một nửa.
Áo quần nhận về ngâm đêm hôm trước bằng xà phòng nước. Thuở đó xà phòng bột rất hiếm, “nhân dân lao động” được phân phối xà phòng nước, nấu từ cây thầu dầu, khi giặt đồ không ra bọt mà chỉ nhơn nhớt và có mùi nồng sặc. Giặt đồ xong, khi phơi còn phải ngồi canh chừng ăn trộm. Những năm sau 1975, tôi từng thấy người thành phố mặc áo quần may từ bao cát (loại bao cát làm công sự và hầm thời chiến tranh). Do đó, trộm cắp quần áo phơi là chuyện xảy ra thường ngày.
Đến khi ủi đồ mới thật khổ vì điện đóm. Để tiết kiệm nhiên liệu, mỗi tuần người ta cúp điện mấy đêm. Đêm nào có điện thì nhấp nha nhấp nháy. Nhà ai cũng dùng đèn bóng vàng vì rẻ tiền hơn đèn neon. Buổi tối, cắm bàn ủi vào là coi như cả xóm tắt tối thui vì bị “hút điện”. Bà con chưởi bới om sòm vì ăn cơm trong bóng đêm. Tôi phải đợi đến nửa khuya mới soạn bàn ra ủi. Xếp đặt đâu vào đó thì trời cũng vừa sáng để mang hàng đi giao, kịp cho người ta bán buổi chợ sớm. Thù lao ít lắm mà công việc thì quá nặng. Mới sanh con được vài tháng, ngày nào cũng phải xách nước nên gân xanh nổi u nổi cục trên hai tay tôi. Thiếu ăn, thiếu ngủ, tôi xanh mét như một tàu lá héo.
Nghề giặt ủi vất vả thế mà chỉ kiếm được ngày hai bữa cơm vào mùa Hè. Đến mùa Đông thì càng thê thảm vì áo quần phơi không khô, nhà thì chật chội. Tôi vừa trông con dại vừa tập đan len để kiếm thêm. Tôi phải nhờ má tôi giúp mới hoàn thành được một chiếc áo. Không may là ngay lúc ấy lại bùng lên phong trào đan len máy. Nghề đan len chỉ nuôi tôi lây lất qua một mùa Đông…
Chợ trời Sài Gòn
1990
(ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)
Với tôi, Tết không có nghĩa có mùa Xuân. Ước mơ luôn là một bữa cơm no và một bộ áo lành lặn cho bé con mình. Ngày nọ, có đứa bạn thương tình bày tôi bán giải khát “sinh tố giằm”, tức là trái cây chín, dùng muỗng giằm nát, cho thêm vào chút sữa đặc. Người bạn tốt bụng còn cho tôi tạm ứng tiền mua trái cây, đường, sữa, nước đá. Buổi tối bán xong thì gom vốn trả bạn. Thuở đó làm gì có tủ lạnh nên mọi thứ phải cất trong thùng chứa đá, tiền lời kiếm được mỗi ngày không đủ mua nước đá bảo quản trái cây qua đêm. Có khi cả ngày tôi bán chỉ được một nửa trái bơ, chút đu đủ, vài quả chuối… Tôi làm chủ quán được vài tháng, cuối cùng dẹp tiệm vì hết vốn và đổ nợ.
Bạn tôi không vì thế mà bỏ tôi. Bạn giúp tôi một cách tế nhị bằng cách gởi con cho tôi trông giùm rồi biếu tôi chút tiền. Sau đó một cô bạn thân khác cũng mang đứa con trai nhỏ đến gởi. Từ đó tôi làm “dịch vụ giữ trẻ tại gia”. “Nhà trẻ” có ba cháu: con tôi và hai đứa con của hai người bạn. Khi các cháu chơi vui thì không sao, lúc có đứa ho hen sổ mũi thì khổ lắm. Nhất là cậu ấm con cô giáo. Nó yếu ớt và có tật khóc nhè dai dẳng. Đặc biệt cậu chỉ thích ngậm vú thật mới chịu ngủ. Rốt cuộc, sau mấy tháng, các cháu ngày càng suy dinh dưỡng. Hai đứa con trai của bạn tôi bụng to, da vàng. Tôi thì gầy gò xanh mét…
Một lần, lại xảy ra “tai nạn nghề nghiệp”, khi bạn tôi mang con đến, kèm theo một “cà mèn” cháo thịt cóc. Bạn tôi giải thích là ông nội cháu ở quê nhờ người ta bắt cóc làm thịt rất kỹ càng, bỏ túi mật rồi mới nấu. Nghe đâu là món gia truyền có vị thuốc chữa được chứng bụng ỏng, da vàng, giúp xổ các chất độc. Trẻ con ăn vào còn có tác dụng diệt sán. Hai bà mẹ trẻ là tôi và nhỏ bạn hí hửng. Hôm đó tôi cố ép con tôi và thằng bé kia ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, đứa con của bạn tôi bị ngộ độc phải đưa đi bệnh viện cấp cứu! Hú hồn là cháu không mệnh hệ gì. Con gái tôi, có lẽ nhờ thể trạng tốt, nên không hề hấn…
Sài Gòn 1995
(ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)
Thời kỳ này nhà nước bắt đầu lỏng tay đối với những người buôn bán tư nhân. Bạn tôi có một quầy sách báo và cho thuê truyện. Cô ấy nhờ tôi giao sách báo kiếm thêm thu nhập. Dần dà bạn chia cho tôi một số mối để tôi đi giao sách báo với nguồn hàng từ các nhà xuất bản quen biết. Thế là tôi “gia nhập” làng báo chí và phát hành sách. Tuy nhiên, tôi chỉ có một “phương tiện giao thông”: Đôi chân của mình.
Do đó, tôi không tranh đua nổi vì lúc nào cũng chậm hơn người khác. Nghe tôi than thở và muốn mua một chiếc xe đạp, người bạn của em trai tôi cho biết sẽ bán rẻ chiếc xe cũ của cậu ta. Tôi hối hả đi mượn tiền. Hôm sau, cậu ấy đến, không phải với một chiếc xe đạp như tôi tưởng mà là một cái thúng, chứa ngổn ngang đồ phụ tùng xe đạp cũ gồm dây sên, bàn đạp, ổ bi… Trên vai hắn vác cái sườn xe trầy trụa, không biết sơn màu gì; tay còn lại cầm hai cái bánh xe, ruột gan lòi ra ngoài, căm xe thì cái còn cái gãy.
Nhìn khuôn mặt thất vọng của tôi, cậu ta cười: Không sao đâu chị, từ từ ráp lại, xe còn ngon lắm! Tôi ngậm ngùi trả tiền và nhờ anh mình ráp xe. Thiếu thứ gì thì mua thêm thứ nấy. Rốt cuộc tôi cũng “tậu” được chiếc xe làm phương tiện. Đó là chiếc “xe đạp” đúng nghĩa vì chỉ có thể leo lên đạp. Nó không có yên sau, thậm chí không có “phanh” (thắng xe). Mỗi sáng tôi đi giao sách báo và mỗi chiều đi thu tiền. Chiếc xe đạp lọc cọc cứ xẹp bánh dọc đường, ruột xe chằng chịt, không còn chỗ vá. Đạp được một quãng là phải nhảy xuống móc sên lại. Trong túi tôi lúc nào cũng có một cục đá để đóng vào cái líp xe khi cần…
Ngày nọ tiếp nối ngày kia, vốn này chồng lên vốn khác. Kết quả là… không còn đồng vốn nào. Nợ mang đầy đầu vì tiền lời mỗi ngày không đủ tiêu, thâm vào vốn, mà là vốn vay mượn. Suốt đời, tôi không bao giờ quên một chiều cuối năm, khi hạn chót cần phải trả các món nợ, mà tôi không thể kiếm đâu ra. Tôi đạp chiếc xe cọc cạch lang thang vô định, chiều tối vẫn không dám về nhà, cũng không biết đi đâu. Tôi muốn chết cho xong.
Với chiếc xe lọc cọc, lần nào đi chào hàng tôi cũng thua người ta. Tôi tiết kiệm từng đồng; thậm chí không dám uống nước và ngày nào cũng nhịn ăn. Chỉ nuôi một đứa con nhỏ mà tôi không lo được. Thế thì sống làm gì… Sau những ngày bôn ba, tôi còn bị suy thận. Hai ba lần nhập viện, tôi trối trăn nhờ đứa em gái nuôi giùm đứa con dại của mình… Tuy nhiên, khi tôi hoàn toàn bế tắc, ông anh trai biết chuyện thương tình cho một chỉ vàng để thanh toán hết số nợ sách báo cho đứa bạn thân. Tôi còn nhớ, lúc tôi đến gặp nó để trả nợ, nó tròn mắt ngạc nhiên: Ngày cuối năm chật vật, làm sao tôi kiếm được tiền trả nợ vậy? Tôi không thể giải thích gì hơn ngoài những lời vụng về cám ơn lòng tốt của bạn trong nước mắt. Hai đứa tôi cùng khóc…
Bây giờ, nghĩ lại, sau bao nhiêu gian truân, tất cả những gì còn lại từ cuộc đời, đối với tôi, là sự thấm thía của tình nghĩa trên suốt những chặng đường gập gềnh. Cho đến bây giờ, tôi không bao giờ có thể quên những người thân cũng như bạn bè một thời gắn bó và giang tay giúp đỡ khi tôi vò võ nuôi con và một thân một mình bôn ba giữa chợ đời mênh mông. Lòng tôi mãi khắc ghi những thời khắc ấy với những con người ấy…
Atlanta,
4/2022
Nguyễn
Diệu Anh Trinh
SOURCE:
https://baovecovang2012.wordpress.com
No comments:
Post a Comment