Friday, April 22, 2022

Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 5/10)

 


Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 1/10)

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/nhat-ky-hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-110.html

Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 2/10)

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/nhat-ky-hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-210.html

Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 3/10)

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-3.html

Nhật Ký Hoàng Khởi Phong - Ngày N +... (Phần 4/10)

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/nhat-ky-hoang-khoi-phong-ngay-n-phan-410.html

 oOo

Phần 5

 

Ngày N + 14, l 2 giờ 30
Đây là lần đầu tiên và có lẽ là lần cuối cùng tôi nói chuyện trực tiếp với tù binh. Họ có vẻ lo sợ trong đáy mắt. Dĩ nhiên họ cũng đánh hơi được cái gì bao quanh họ. Họ sợ tôi bạo hành, ngược đãi họ. Không một ai già cả trong đám này. Họ đều là tù binh Bắc Việt xâm nhập. Tôi từ tốn nói với họ:
"Tôi là Chỉ huy trưởng mới của các anh. Thiếu tá Đèo Ngọc Thanh đã đổi đi đơn vị khác. Ở đây ai có cấp bậc cao nhất?"
Thái độ cố hữu của tù binh Cộng sản là không bao giờ trả lời.
"Tôi nắm hồ sơ của các anh trong tay. Tôi biết ai là người có cấp bậc cao nhất. Nhưng tôi muốn xem thái độ cộng tác của các anh mà thôi. Cốt cách của các anh tôi biết rất rõ. Hiện tình hình chiến sự bất lợi cho chúng tôi. Tôi được lệnh di chuyển các anh tới chỗ an toàn hơn. Tôi muốn bảo vệ sinh mạng các anh. Nhưng các anh phải tự bảo vệ các anh trước bằng cách tuyệt đối thi hành những mệnh lệnh do toán áp giải của tôi ban ra. Khi di chuyển trên xe phải ngồi, không một ai được đứng. Không được nói chuyện. Nói tóm lại càng giữ im lặng càng tốt. Tôi sẽ có lệnh riêng cho toán áp giải các anh." Quay qua ông Đại đội trưởng chuyên trách tù binh tôi nói nhỏ:
"Ông đã cho chỉ thị đặc biệt cho nhân viên đi xe này chưa? Còng tay họ lại, nếu cần bịt mắt. Về kỹ thuật giải giao trên xe chắc tôi không phải nhắc các anh phải không?"
"Tôi có ra lệnh rõ ràng chi tiết cho họ rồi. Cũng không cần phải bịt mắt vì xe đó tôi có cho chăng bạt kỹ lưỡng rồi. Chỉ có người tò mò tới tận nơi mới biết xe đó chở tù thôi."
"Mấy giờ rồi ông Kiệm?"
"Mười hai giờ ba lăm, anh Ba."
"Ông đã gọi toán hành sự ở bến tầu về chưa?"
"Họ về rồi."
"Toán tuần tiễu đã bốc người của mình ở trạm kiểm soát chưa?"
"Để tôi lên máy check lại."
Từ máy truyền tin vang lên:
"Kinh Kỳ gọi Hồng Hà."
Mọi người căng lên. Kinh Kỳ là danh hiệu tôi đặt cho chiếc xe tuần đặc biệt chung quanh Ty Ngân khố. Ai cũng biết cái gì phải đến đã đến.
"Hồng Hà nghe."
"Mặt trời vừa mới mọc."
"Kinh Kỳ zu-lu đến nhà mới sẽ có người đổi phiên. Trả lời."
"Tôi nghe Hồng Hà năm."
"Ông Kiệm đâu rồi, check cho tôi toán tuần tiễu đương phiên. Bây giờ là mười hai giờ bốn lăm. Tất cả có mặt ở trạm kiểm soát phía nam thành phố lúc một giờ ba mươi. Xuất phát từ đây ông Kiệm đưa toán tuần liễu hạ phiên chạy vòng vòng trong phố một chút rồi hãy trở xuống hướng nam. Nhớ là tôi không muốn thấy có những người không phải là lính trong đoàn xe. Khoan đã, mình có bao nhiêu xe có gắn đại liên."
"Đồn có bốn, mình có hai anh Ba."
"Đây là thứ tự đoàn xe: toán tuần tiễu thượng phiên đi đầu, kế đó hai xe GMC, một xe chở tù có một xe đại liên chạy kế. Rồi tới toán tuần tiều hạ phiên của ông Kiệm, kế đó là một xe Jeep gắn đại liên, rồi hai xe Dodge, rồi hai GMC còn lại, sau cùng là toán tuần tiễu chót. Mình có bao nhiêu Jeep cả thấy?"
"Đồn và đại đội D2 Quân cảnh có chín, mình có năm, anh Ba."
"Giữ cho tôi một Jeep đại liên đi sau chót."
"Trong trường hợp bị phục kích thì sao anh Ba?"
"Thường thường khi phục kích đoàn xe bao giờ địch cũng đánh cắt ra làm hai, ba khúc. Những xe nào đi đầu thoát khỏi dọt đi luôn. Tuyệt đối không quay lại. Những xe bị kẹt lại dĩ nhiên là phải chiến đấu rồi. Bình tĩnh là yếu tố duy nhất để tìm đường sống. Nhẩy ngay xuống xe, nấp vào hố, mương, gò đất, gốc cây... Tất cả những xe đại liên nào không trúng đạn giây phút đầu là phải khai hỏa ngay lập tức vào hai vệ đường, đừng có hốt hoảng cứ đằng trước mà nã đạn thì bắn lộn vào quân nhà đó. Phải nhớ là bình tĩnh, bình tĩnh, bình tĩnh."
"Tôi đi được chưa anh Ba?"
"Rồi, anh có năm phút để dặn lính mấy điều vừa rồi, anh đi ngả kho đạn tới trạm kiểm soát nam chờ tôi."
"Bao giờ em đi anh Ba?"
"Toán của ông đi với tôi, chờ ông Kiệm đi trước độ mười phút, toán của ông có hai GMC cứ tà tà đi thẳng quốc lộ 1 không phải vòng vèo đâu."
"Xe anh Ba đi ở chỗ nào?"
"Kế chiếc xe đại liên sau cùng. Kể từ giờ tất cả các máy truyền tin phải mở 24/24."


Ngày N + 14, 1 giờ 30 phút
Tôi nói Thiếu úy Cảm cứ dẫn đoàn xe đi từ từ tới điểm hẹn, tôi muốn nhìn thành phố Qui Nhơn lần chót. Chính nơi đây vợ tôi đã sinh ra, và đã lớn lên. Chính nơi đây ngay sau khi thành hôn tôi phải về ra mắt cả họ ngoại vợ tôi. Vì tôi là một anh Bắc Kỳ, mấy người anh em họ với vợ tôi lúc đầu nhìn tôi hơi kỵ, nhưng rồi họ thân với tôi ngay. Chính nơi đây qua Nguyễn Bắc Sơn tôi giao tình với Nguyễn Mộng Giác, Lữ Quỳnh. Từ liên hệ này lan sang những Lữ Kiều, Nguyên Minh, xem chừng ra Qui Nhơn tặng cho tôi nhiều hơn nhưng nơi khác. Những nơi khác tôi đến với lòng phiền muộn và đi với lòng buồn bã, ở đâu đâu tôi cũng làm rơi vãi tuổi trẻ, ở đâu đâu tôi cũng chỉ thấy cái không khí thời chiến hủy hoại chúng ta đến tận cỗi rễ. Chỉ nơi đây Qui Nhơn cho tôi được đôi điều ấm cúng của tình người, để sau cùng hết sức oái ăm, hết sức oan trái, tôi đến đây ba ngày nhìn thấy Qui Nhơn rồi cũng chẳng còn gì? Có còn chăng chỉ là mấy cái tháp của dân Chàm đã dựng cách đây vài thế kỷ. Rồi những tháp Chàm này sẽ đứng vững được bao lâu?
Tôi đi ngang qua một cây cầu nhỏ ở đầu thị xã, mấy người nghĩa quân già vẫn giữ an ninh đầu cầu. Tôi nhìn thấy những cánh bèo của mùa hè đầy hoa tím, tôi nhìn thấy những ngọn lúa ngã rạp dưới gió. Và đây những cao ốc đầu tiên của thành phố, những người cảnh sát dã chiến còn đang đứng gác trên các cao ốc, những bầy sẻ vẫn bay lên, xà xuống, những con én lạc đàn của mùa xuân đang chao mình trong nắng. Tất cả có biết không? Những người có trách nhiệm với Qui Nhơn đang tìm cách đào tẩu. Những người mới mấy tháng trước đây còn khệnh khạng ra vào, còn quyền uy ngập mặt, họ đang cúi đầu xuống, giấu mặt đi, len lén đào tẩu không một lời báo động với thuộc hạ. Cả tôi nữa, tôi đã dàn ra một số những xen kịch đủ để làm cho những người dân yên tâm ở trong nhà, đủ cho những người nghĩa quân già gác trên đường vào thị xã, những người cảnh sát dã chiến phòng thủ trên các cao ốc. Tôi cũng bỏ đi như một tên ăn cắp. Phải chi tôi được chỉ huy bởi những tiểu tướng của Quang Trung. Những tiểu tướng ít tài nhưng có dư lòng quyết chiến. Đất Qui Nhơn ơi? Sao cay nghiệt thế này.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP


Ngày N + 14, 1 giờ 45
Bây giờ thì xa hẳn rồi. Qui Nhơn ở đằng sau lưng mười cây số. Trong suốt mười cây số vừa qua, có những lúc tôi giận mình đến nghẹt thở, muốn bảo Phúc thắng xe lại, để tôi xuống, đưa cho tôi khẩu "Đại Cồ Việt" của ông Thanh. Tình hình này rồi sớm hay muộn cũng có lúc mình là cá nằm trên thớt. Tại sao không nhân cơ hội cái lưới chưa chụp xuống thì làm bậy một vài đường gươm.
Phải đổi máu của mình lấy một chút gì chứ? Phải đổi thịt của mình lấy một chút gì chứ? Nhưng rồi tôi vẫn ngồi bất động trên xe và bây giờ là đoàn xe trước mặt, Qui Nhơn mười cây số sau lưng.
Tôi biết phẩm chất lính của tôi. Họ đều có người thân ở Nha Trang, Sài Gòn. Và cả tôi nữa. Trăm tay súng của hai đơn vị gộp lại chúng tôi cũng chỉ là một con chốt nhỏ. Bõ bèn gì. Phúc vừa lái xe vừa liên lạc, gã nói vào ống liên hợp:
"Hồng Hà gọi."
"Phú Quốc nghe năm."
"Kinh Kỳ nghe năm."
"... nghe năm."
"Hồng Hà đã nhìn thấy nhà mới." Tôi giằng lấy cái ống liên hợp nói không ngụy thoại gì cả:
"Kiệm, Cảm cho khởi hành đi, giữ tốc độ đều, khoảng cách đều. Xe đi đầu đừng có chạy nhanh quá."


Ngày N + 14, 3 giờ 20
Qua con dốc này là tôi đã có thể nhìn thấy những cánh đồng đầu tiên của tỉnh Tuy Hoà. Từ cuối đoàn xe tôi thấy chiếc đầu tiên đã lên tới đỉnh. Tự nhiên tốc độ phía trước chậm lại. Tôi nghe báo cáo từ cái loa truyền tin:
"Kinh Kỳ gọi Hồng Hà."
"Tôi nghe."
"Trình anh Ba một GMC bị hư không chạy được."
"Đẩy nó sát vệ đường, san người sang những xe khác. Tôi lên đó ngay bây giờ."
Chiếc xe đã bò lên được đỉnh đèo, tôi bảo Phúc mời mấy sĩ quan lại hội ý với họ một chút. Vài phút sau mọi người hiện diện đủ. Tôi nói:
"Tôi muốn có ý kiến chung về một việc. Bây giờ là ba giờ rưỡi. Mình nghỉ đây nửa tiếng rồi lên đường. Mình có thể tới Tuy Hoà vào lúc hơn năm giờ, nếu mình đi luôn tối nay thì mới có hi vọng tới Nha Trang. Trong trường hợp phải đi đêm tôi muốn biết ý các ông đi thẳng hay ghé Tuy Hoà nghỉ mai đi."
Một phút nặng nề trôi qua. Trung úy Kiệm lên tiếng trước:
"Nghỉ đêm ở đây đi anh Ba. Mình dọt khỏi Qui Nhơn rồi. Thế là an toàn tương đối rồi. Đi đêm tôi sợ đường không bảo đảm.
"Ý kiến các ông kia sao?"
"Anh Ba quyết định sao cũng được. Tụi em không có ý kiến."
"Tôi thấy đã đi thì đi luôn. Mình sẽ vượt đèo Đại Lãnh vào lúc sáu giờ rưỡi. Trời hãy còn sáng. Nhỡ đêm nay họ chỉ cần có một đại đội mò được đến đây, rồi đóng chốt bít khúc đèo Đại Lãnh lại thì mình công cốc."
Thế là mấy người nhao nhao lên:
"Đi luôn đi anh Ba."
Đúng lúc dó tôi thấy còi xe inh ỏi. Một đoàn xe lẫn lộn năm chiếc vừa Jeep cảnh sát, vừa xe du lịch dân sự lại có thêm một chiếc Jeep nhà binh bắt đầu leo dốc. Đó là đoàn xe của Đại tá Tiểu khu trưởng tiểu khu Bình Định, cùng Trung tá Trưởng ty Cảnh sát. Tôi quay mặt đi, giấu một nụ cười, không có lẽ giấu một hạt lệ thì đúng hơn. Tôi cười vì tôi đã tính đúng giờ khắc phải bỏ. Tôi khóc cho những người ở lại vẫn tin rằng giờ này cấp chỉ huy của họ còn đang hiện diện đâu đó trong nhiệm vụ. Tôi không sợ phải chạm mặt Đại tá ở đây, nhưng không muốn nhìn thấy ông khi đi ngang chỗ tôi, nên cố tình ngồi quay lưng lại. Dầu sao thì tôi cũng chẳng hơn gì ông ta. Nói cho cùng tôi cũng chỉ là một sĩ quan đào nhiệm, dù cho tôi có mang hết được binh sĩ của tôi, tôi vẫn là một cấp chỉ huy hèn nhát không hơn kém. Tôi nghe giọng một người sĩ quan trẻ nói bâng quơ:
"Anh Ba Râu nhà mình giỏi thật."


Ngày N + 14, 6 giờ 40
Tuy Hoà ngay trước mặt, có một giây tôi muốn rẽ vào, nhưng xe tôi chạy gần đoạn hậu, tự nhiên tôi thấy nóng ruột kỳ lạ, máy mắt, tim đập loạn xa. Trong suốt một tháng nay, nhiều lần cái chết xảy ra ngay trước mắt, nhưng chưa bao giờ gặp hiện tượng này. Tôi nói với Phúc:
"Tự nhiên anh linh tính như có chuyện bất trắc sắp xảy ra. Anh muốn trở lại Tuy Hoà đêm nay."
"Chắc tại anh suy nghĩ nhiều quá đó, bây giờ mình trở đầu đoàn xe không kịp đâu anh."
Lúc đó tôi mới để ý tới trên đường thiên lý, không phải chỉ có một đoàn xe của tôi. Một đoàn xe khá đông, nhưng tôi đoán chắc là gồm rất nhiều đơn vị, họ qua mặt đoàn xe tôi dễ dàng vì tốc độ của chúng tôi tương đối chậm. Tôi muốn đoàn xe của mình không bị chen kẽ bởi những xe lạ. Tất cả cứ trôi về phương nam trong lúc nắng chiều lịm dần. Ban đầu tôi còn nhìn thấy những xe chạy đầu, dần dần chỉ thấy vài xe trước mặt. Xe đã phải lên đèn, những chiếc xe đầu đoàn đã bắt đầu leo dốc đèo Đại Lãnh. Đúng vào lúc đó tôi thấy một bó lửa túa ra từ bụi cây ven đường, một chiếc xe chạy bên hông đoàn xe tôi bị trúng đạn, nó chạy nghiêng hai bánh vài chục thước nữa trước khi lật xuống bên vệ đường. Đoàn xe của tôi bị cắt khúc trên đầu bốn chiếc Jeep của toán tuần tiễu một, cùng với chiếc GMC chở tù binh và một chiếc Jeep đại liên đi kế lồng lên chạy về trước. Phúc thắng xe thật gấp, liếc mắt lại đằng sau, thấy đường trống, bẻ quặt tay lái, chân đạp thắng, chiếc xe như oằn lại, chồm lên vệ cỏ bên đường rồi trở mũi ngược lại hướng Tuy Hoà không đầy chớp mắt. Tôi hét to:
"Stop lại." Tôi nhẩy xuống núp vào một mô đất ngay bên đường. Cả đoàn xe còn lại của tôi đã dừng lại kip thời, những binh sĩ trên xe nhẩy xuống. Một số người chạy ngược lại phía tôi. Tôi thấy đã đến lúc phải đứng dậy. Tôi xách khẩu "Đại Cồ Việt" chạy lên phía trước. Súng nổ ran ở phía đầu đoàn xe. Hai chiếc xe đại liên phía trước khai hỏa không ngừng dọc theo hai vệ đường. Vài binh sĩ xách súng chạy lúp xúp theo tôi. Địch chỉ bắn có một trái B40 rồi thôi. Tôi nói với Kiệm và ông Đại đội trưởng của tôi:
"Đi tiếp hay quay lại?"
"Quay lại đi anh Ba."
"Tôi nghĩ là mình nên đi bừa đi, hiện giờ nó mới có chỉ ít người bắn một trái B40 rồi thôi. Đợi đêm nay nó về đây đông hơn là mình bỏ mẹ."
"Tôi chỉ sợ mình lên được nửa đèo nó lăn đá xuống mình cũng đủ lật xe mà chết."
"O K. mình quay lại. Bây giờ xe tôi đậu đầu, đường hiện trống, các ông ra lệnh cho trở đầu đoàn xe mình về lại Tuy Hoà."


Ngày N + 14, 8 giờ 20 tối
Thiếu úy Huy đồn Quân cảnh Tuy Hoà tới gặp tôi với vẻ mặt lo sợ:
"Ngày mai tôi rút theo Đại úy được không?"
"Ra lệnh cho anh rút không thuộc vào thẩm quyền của tôi. Nhưng nếu anh hỏi tôi giúp cho anh một số ý kiến. Trước tiên là phải tuyệt đối bình tĩnh. Sửa soạn đơn vị kỹ càng. Cắt một người lúc nào cũng đi theo hộ tống Đại tá Tỉnh trưởng để có thể biết lúc nào phải rút."
"Cả ngày nay tôi không thấy ông Tiểu khu trưởng."
"Còn ông Tham mưu trưởng thì sao? Tiểu khu ngày hôm nay có làm việc không?"
"Có Đại úy. Buổi trưa nay tôi có họp với toàn thể các sĩ quan trưởng phòng của tiểu khu. Đại tá Tiểu khu trưởng ra một số chỉ thị xong rồi đi từ lúc đó tới bây giờ tôi không thấy."
"Anh có chắc là ông ấy còn ở đây không?"
"Chắc còn Đại úy. Chắc ngày mai tôi dọt theo đoàn xe của Đại úy cho rồi."
Chúng tôi ngồi bó gối nhìn nhau. Đồn Quân cảnh Tuy Hoà nhỏ bằng cái lỗ mũi, quân số của nó vỏn vẹn trên dưới có mười bẩy, mười tám người. Đột nhiên nó phải chứa hơn trăm người từ Qui Nhơn về, lính ngủ la liệt khắp nơi. Nhưng tôi biết họ nhắm mắt chứ chưa một ai ngủ thật. Tôi, Kiệm, Cảm, bác sĩ Huấn, Huy và mấy người sĩ quan trẻ tôi chưa thuộc hết tên của trại giam Qui Nhơn đều im lặng hút thuốc. Phúc chạy lăng xăng. Nó mang ớ đâu về mấy đòn bánh tét. Phúc cắt ra mời mọi người ăn. Mỗi người cầm một miếng chiếu lệ, Phúc nói với tôi:
"Em kê cái ghế bố cho anh trong phòng Thiếu úy Huy đó, khi nào anh buồn ngủ đã có chỗ sẵn."
"Chú ngủ ở đâu?"
"Em ngủ ở đây."
"Còn mấy ông kẹ này thì sao?"
"Lo gì anh Ba, kê mấy cái ghế sát lại với nhau, kéo mấy cái bàn ráp lại. Thiếu gì chỗ."
"Ngày mai mình đi lúc nào Đại úy."
"Càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ là mình dậy độ sáu giờ, sắp xếp đoàn xe xong bẩy giờ là vừa. Thôi đi ngủ đi mấy ông kẹ."


Ngày N + 14, 12 giờ 30 đêm

Tôi không sao ngủ nổi, ngồi dậy quờ quạng trong bóng đêm. Tôi thấy Huấn cũng không ngủ được, tôi rủ Huấn ra ngoài. Cả hai đi lặng lẽ. Đồn Quân anh Tuy Hoà tọa lạc ngay bên cạnh Tiểu khu. Từ quốc lộ 1, nếu lấy hướng nam bắc làm chuẩn, khu vực buôn bán, dân chúng ở nằm bên tay trái, bên tay phải phần lớn là các ty sở và đơn vị quân đội. Một con đường khá rộng dẫn từ quốc lộ 1 ra tới sát biển. Con đường dài chừng hơn một cây số, hai bên đường là những hàng phi lao thẳng tắp. Cảnh đêm cũ ở Phú Bổn lại tái diễn. Người ta ngủ ở khắp nơi, xe nhà binh, xe dân sự nằm dài theo hai vệ đường và đều quay đầu ra quốc lộ 1. Không ai bảo ai, họ đều hướng về một phía. Phía đó là sinh lộ duy nhất đưa họ xuôi nam. Phía đó là phía duy nhất giúp họ tránh khỏi nơi dầu sôi lửa bỏng, nơi tên bay, đạn lạc và mạng con người rẻ hơn bèo.
Cảnh chinh chiến ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế. Huấn nói với tôi:
"Anh Ba à, tôi nghi ngày mai mình có thể bị đụng nặng. Anh Ba có tin vào số mạng không?"
"Ông Đốc ơi, suốt đời tôi, tôi không bao giờ tin vào số mạng, tôi không tin cả Phật, Chúa, tôi chỉ tin ở tôi thôi."
"Từ hôm có công điện cử anh Ba ra ngoài này, tôi nghe lính bàn tán về anh Ba nhiều lắm. Cứ theo cách họ nói thì anh có vẻ là một sĩ quan của đoàn quân Lê dương, nên lúc đầu tôi không mấy thiện cảm với anh Ba. Đến khi gặp anh rồi mới thấy lính nói về anh Ba không đúng."
"Ông nghĩ tôi như thế nào?"
"Mới có bốn ngày kể từ lúc anh Ba bước chân vào đơn vị, tôi không thể nói gì cho đúng về một cá nhân. Nhưng chắc chắn bọn lính nói sai về anh Ba. Ít nhất là nói không đủ. Ở Phú Quốc anh Ba hay đánh tù lắm phải không?"
"Không. Tôi hay đánh lính của tôi mỗi khi họ bỏ đơn vị đi cả mười, mười lăm ngày khiến người khác phải gác thay. Tôi đánh lính như anh đánh em vậy."
"Anh Ba bị các xếp ghét lắm phải không?"
"Họ không ghét tôi đâu, họ sợ thì đúng hơn."
"Anh Ba bị phạt nhiều lắm phải không?"
"Độ tám mươi ngày trọng cấm đâu có nhiều so với mười hai năm quân ngũ. Mỗi năm trung bình có bẩy ngày."
"Anh Ba ghét Mỹ lắm phải không?"
"Không. Tôi ghét da trắng, mắt xanh, tóc vàng, mũi lõ."
"Tôi thấy anh Ba có vẻ nghệ sĩ hơn là chiến sĩ."
"Thế là ông cũng lầm về tôi luôn. Suốt đời tôi chỉ mê dậy học, tôi cũng thích văn chương lắm. Nhưng văn chương không phải cứ làm vài bài thơ là thành thi sĩ, hay viết một hai cái truyện ngắn lèm bèm mà là văn sĩ đâu. Hãy nhìn trước mặt ông coi. Chúng ta có biết bao nhiêu điều phải nói, thế mà các ông văn nghệ sĩ hàng đầu của chúng ta còn mải thai nghén trong các tháp ngà. Văn chương của tôi chính là đời sống của tôi. Tôi sẽ là nhà văn. Bây giờ thì chưa."
"Tụi nó nói anh Ba có in sách, dường như là hai quyển thơ phải không?"
"Đúng, thật ra nó cũng chưa phải là thơ. Đó là những phẫn nộ, những bất công, những dồn nén không có lối thoát nên tôi để nó bùng lên trong vài trang giấy. Mình về đi ông Đốc."
Gió thổi từ biển về luồn qua những rặng phi lao, tạo nên những tiếng thì thầm, tiếng oán than, đôi lúc nó rít lên, trong lúc những cọng phi lao rơi lả tả xuống mặt đường.


Ngày N + 15, 3 giờ sáng
Tôi vẫn không sao ngủ được, càng suy nghĩ càng thấy cuộc chiến đang đi vào hồi kết cục. Tôi sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở miền Nam. Tôi nhớ như in ngày lên mười một tuổi, vừa đậu tiểu học xong thì cha tôi có một quyết định lớn, ông bỏ hết gia tài, sản nghiệp, bỏ cái dinh cơ đã được tạo dựng từ nhiều thế hệ trước, tay trắng dẫn anh em chúng lôi vào Nam. Bởi lẽ đó đối với tôi cả miền Bắc, ngoại trừ căn nhà tôi, còn tất cả là phát nguyên của máu và thù hận. Những năm cơ cực ở miền Nam qua đi, các anh chị tôi trưởng thành, mỗi người gây dựng cho mình một tiểu gia đình ấm cúng, hòa thuận. Chúng tôi lớn lên trong sự cần mẫn của cha tôi, trong sự lương thiện của một gia tộc thấm nhuần Nho giáo. Do sự lương thiện này mà các anh tôi mỗi người có được một căn nhà đơn sơ, nằm trong các ngõ hẻm ở Phú Nhuận, ở Bàn Cờ, ở Phú Thọ v.v... Các anh tôi đi làm bằng những phương tiện khiêm nhường, những chiếc xe Mobylette hay Honda. Nhưng không phải vì vậy mà tôi không yêu miền Nam vô vàn. Tôi yêu từng con đường, từng ngõ hẻm, từng sân banh, từng xóm điếm.
Năm hai mươi tuổi tôi nhập ngũ tình cờ, nhưng không phải vì vậy mà tôi không yêu quân đội. Chính quân đội đã cho tôi thỏa mãn trọn vẹn cái máu giang hồ vặt của tôi. Do đó trong hồ sơ quân bạ của tôi người ta đã phải đóng thêm vài tờ giấy để phụ ghi về mục thuyên chuyển. Những xáo trộn về chính trị đã thay đổi dần bộ mặt miền Nam. Cha tôi một công chức đã về hưu, sau cùng đã đi gác đêm cho những cơ sở tư nhân Mỹ. Mỗi lần thay đổi guồng máy cai trị, miền Nam lại tiến xa hơn trên vũng lầy tồi tệ. Những năm gần đây nhất, càng lúc tôi càng có cơ hội để chứng nghiệm những nhân vật cao cấp của miền Nam, tiêu máu xương thuộc hạ như tiêu bạc giả. Ngay cả quân lực miền Nam, cái xương sống của chế độ, cái tập hợp kỳ diệu này đã chống đỡ miền Nam qua những thời điểm đẫm máu nhất của nội bộ dân Việt, cái tập thể kỳ lạ đã giúp miền Nam đứng vững trong Tết Mậu Thân 68, đã chống đỡ miền Nam suốt một mùa hè 72. Bây giở cái tập thể kỳ diệu đó đang tan ra, cái khối vững chắc đó, do những thẩm thấu của chính tri, đã chia ra thành những mảng nhỏ. Và bây giờ mùa xuân năm 75 những mảng nhỏ này dang vỡ vụn ra từng phần.
Trong bóng đêm đầy đặc, giữa tiếng muỗi vo ve, thạch sùng tắc lưỡi, đột nhiên tôi nghe được những âm thanh kỳ lạ, hỗn tạp. Những âm thanh của sắt thép chém vào nhau, của bom đạn, của những đường đạn đạo đi qua thân người, có lúc tôi còn nghe được cả tiếng ngựa hí, quân reo, voi lồng, đường tên xé gió. Tất cả vang lên trong đầu tôi, tôi tưởng chừng như sắp chết giữa những âm thanh kinh hoàng đó, thì đột nhiên những tiếng động đó chấm dứt. Trong bóng đêm một hai tiếng tiêu nổi lên. Khúc tiêu dồn dập hơn, hình ảnh người lính Biệt động quân ngày nào đang thổi khúc tiêu chót trong cơn tàn chinh chiến. Bóng anh rõ hơn, cặp mắt anh sâu thẳm như bóng đêm, và tôi thiếp đi trong tiếng tiêu kỳ diệu đó.


Ngày N + 15, 6 giờ 30 sáng

Tôi giật mình choàng dậy bởi những tiếng lách cách của bàn ghế thu dọn lại. Phúc đã nai nịt gọn gàng từ hồi nào. Sáng nay tôi mới nhìn thấy rõ Phúc tuy hơi mập, nhưng rất điển trai, trông lại phúc hậu, đúng là típ người mà vợ tôi mô tả là "tốt bụng". Bỗng nhiên tôi ghét, sợ cái chữ "tốt bụng" này. Những lời nói của vợ tôi mấy bữa trước như ám ảnh tôi: "Người ta chết nhiều quá, lại chết toàn người tốt bụng không à!" Mới sáng ra đã có những ý nghĩ không hay. Phúc lăng xăng thu dọn đồ đạc. Nó nói với tôi:
"Anh đánh răng rửa mặt. Em đã pha sẵn cho anh một phin cà phê. Để em ra ngoài kia kiếm bậy bạ cái gì anh em mình ăn sáng rồi đi là vừa."
Lại một ý nghĩ không tốt nữa. Tôi lại sợ cái chữ "ma đói" của Phúc. Tôi xót xa nhìn Phúc như nhìn một đứa em nhỏ sắp rơi xuống hố mà không làm gì để giúp được. Tôi không hiểu tại sao Phúc lo cho tôi nhiều thế. Mấy năm trước khi Phúc làm việc với tôi ở Biên Hoà. Tôi còn bận mờ người để chống đỡ những thủ đoạn vặt vãnh của một anh xếp, mà binh sĩ Quân cảnh gọi trại tên anh thành ra "MA SANH QUỈ", vì cái tên thật của anh này khi dịch ra tiếng Việt là ngựa sanh rùa. Sáng nay tôi hiểu ra, quân lực miền Nam bên cạnh những người đã chết rất trẻ, đã anh hùng tới phút chót của đời, bên cạnh những Nguyễn Đình Bảo Nhẩy dù, Lê Hằng Minh Thủy quân Lục chiến, Lưu Trọng Kiệt Biệt động quân, cùng hàng vạn những người anh hùng khác đã chết không nêu danh tánh, chúng ta có không thiếu loại hai anh em ma sanh ra quỉ, ngựa sinh ra người này. Chúng ta có không ít những người mà binh sĩ gọi là thượng đội hạ đạp, nịnh trên nạt dưới, tham nhũng, hối lộ, lạm quyền v.. v... Những người anh hùng thật sự không sớm thì muộn cũng đã trở về an nghỉ thật sâu trong lòng đất. Mùa chinh chiến đang ở vào hồi kết cục, cảnh cuối của một giai đoạn lịch sử nào mà không kết thúc bằng những bãi tha ma?
Huấn, Kiệm, Cảm và mọi người khác đã lục tục dậy tất cả, họ cũng khăn áo kỹ càng, tôi nói với Cảm:
"Cậu ra check lại mấy cái xe, bảo mấy ông tài lo xăng nhớt, nước nôi cho cẩn thận. Hôm nay mình phải leo đèo Đại Lãnh."


Ngày N + 15, 7 giờ sáng
Thiếu úy Huy đồn Quân cảnh Tuy Hoà đang xem lại giấy tờ sổ sách của đơn vị. Huy nói với tôi:
"Tình hình này chắc tôi cũng rút luôn hôm nay, Đại úy. Sáng nay tôi dậy sớm, vào Tiểu khu thấy trống trơn, có một ông sĩ quan trực đêm qua, nhưng sáng nay ông ấy biến từ sớm."
Đúng lúc đó tôi nghe tiếng depart của súng cối. Cái tiếng depart này làm tim tôi muốn vỡ ra từng mảnh. Nó cho tôi linh cảm thấy trước tôi không phải chạy đâu xa, họ đã có mặt ở đây. Có nhiều đủ để cầm chân chúng tôi ngay tại cái rọ này. Chắc chắn họ sẽ đóng một chốt thật lớn trên đầu đường ra quốc lộ 1, chúng tôi có cả ngàn người lính ở đây, nhưng chúng tôi không có người chỉ huy. Không ai có thể bảo ai lúc này. Một tiếng nổ lớn kinh hoàng vọng lại từ phía quốc lộ. Một cụm khói bốc cao. Đám đông ùa chạy lại phía tôi, rồi tiếng depart thứ hai, thứ ba. Dường như trong gió, có tiếng rít của đạn súng cối, hai quả đạn sau này có điều chỉnh kỹ hơn, nên nó nổ ngay giữa đoàn xe, không biết có ai tử thương không. Tôi đảo mắt một vòng, một chiếc xe Dodge trúng đạn bốc cháy, đám đông kinh hoàng chạy ngược lại phía tôi, đàn bà, con nít khóc như ri, còn những người mang quân phục, người thì có súng, người thì tay không.
Giữa đám đông hỗn loạn này tôi thấy một người lính vừa chạy vừa thay áo, cởi được cái áo lính gã vứt xuống đường, vừa chạy vừa moi trong túi xách một cái quần dân sự. Gã ngừng lại ngay giữa đường, cởi nốt cái quần. Đôi giầy nhà binh làm gã không kéo được cái quần ra, gã ngồi xuống vừa cởi giầy, mặt như là mếu.
Tôi muốn bắn gã ta nhưng ngừng lại kịp thời. Tôi nhân danh cái gì mà bắn người lính này, vốn từ lâu rồi là lính kiểng. Cứ trông bộ mặt gã ta, giữa đất Tuy Hoà, một chân trên bờ, một chân dưới biển, mà mặt trắng như sữa, lại còn cái kính Ray Ban gọng vàng. Cái quần vẫn còn kẹt ở đầu gối, cứ nhìn những tảng mỡ bụng trắng nhễ nhại, cứ nhìn cái bắp vế nhẽo nhẹt, tay chân run lẩy bẩy, thì tôi biết đây không phải là lính của vua Quang Trung. Những người lính của vua Quang Trung thường mặt xạm đen vì nắng gió, hai thế kỷ trước cũng thế, bây giờ cũng vậy. Hai thế kỷ trước họ cứ đi mỗi nhóm ba người, hai người võng một người, thay phiên mà đi, hễ cứ ngồi võng là ngủ, xuống đất là đi. Cứ đằng trước mà tiến. Cứ thế trong mười ngày tiến một mạch từ Phú Xuân tới Thăng Long, trong một đêm đánh đồn Ngọc Hồi, Hà Hồi, bắt sống không còn một mạng giặc. Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự sát. Thừa thắng quân kéo tới bổ vây Thăng Long. Cứ hai mươi người khiêng một cái tạm gọi là lá chắn, phủ đầy rơm rạ ướt để đỡ tên, đạn, và quân có đoản đao, đoản kiếm nương theo đó mà tiến đến chân thành. Người này ngã kẻ kế tiến lên. Như sóng dâng, như vũ bão. Tôn Sĩ Nghị phải mở cửa sau, bỏ quân, bỏ lính, bỏ ấn tín, phù hiệu mà chạy. Hậu duệ của những người lính này, hai thế kỷ sau cũng vậy. Mặt vẫn xạm đen vì nắng gió, thân thể dẫu có nhỏ bé nhưng chắc nịch. Họ vẫn thường đội nón đỏ, nón xanh, nón nâu, vẫn mang hai mươi kí vừa vũ khí, đạn dược, lương thực trên người. Họ đã chống đỡ miền Nam suốt hai chục năm, chỉ tiếc thay những tướng quân không phải là những Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng, Ngô Văn Sở v.v...
Bởi chúng ta có quá nhiều tướng kiểu "Quế tướng quân" nên mới có cái hạng lính mới nghe tiếng súng mà đã cởi giầy, tụt áo. Bây giờ thì gã đã cởi xong giầy, đá cái quần lính ra xa, xỏ vào người một cái quần thường, bây giờ trông gã bảnh trai, diêm dúa. Gã nhập vào đám đông. Bây giờ tôi trông thấy rất nhiều người cởi giầy, bỏ áo. Có những cái áo có lon mai bạc, mai vàng trên cổ. Chưa bao giờ tôi thấy nhục nhã thế này. Địch còn cách đây cả cây số, mới có ba trái bích kích pháo mà cả đoàn quân đã tan. Tôi nhìn thấy từ quốc lộ 1, hai chiếc chiến xa dĩ nhiên của địch, lù lù tiến tới. Hai chiếc chiến xa đậu lại, bóng chúng đen sậm trên nền trời mỗi lúc mỗi tỏ. Hai họng súng đại bác quay về phía chúng tôi. Một trái đạn nổ trong tiểu khu. Đám đông từ trong Tiểu khu túa ra. Từ sáng tới giờ, từ lúc Thiếu úy Huy nói chuyện với tôi thì tiểu khu hầu như đã bỏ trống. Những trái đạn bích kích pháo ban đầu làm cho người ta chạy vào trú ẩn trong đó, bây giờ phát đại bác nổ trong Tiểu khu, nên đám đông lại chạy ngược trở ra. Tôi nói với Kiệm, Cảm và những sĩ quan của đơn vị tôi:
"Mình bị chận đầu rồi. Tập họp toàn thể lính lại, chúng ta vào trong tiểu khu cố thủ." Kiệm hốt hoảng rõ rệt, anh không hô nổi một cái khẩu lệnh tập họp. Bởi chính Kiệm bây giờ cũng đã áo quần dân sự. Tôi nhìn thấy lính của tôi, lác đác đã có người trút bỏ quân phục. Tôi buồn bã hỏi Thiếu úy Huy:
"Sau Tiểu khu có ngả nào đi được không?"
"Không Đại úy. Kế tiểu khu là một xóm chài, mình sát ngay bờ biển rồi Đại úy. Chạy dọc theo bờ biển mình còn phải qua hai nhánh sông. Mà rốt cuộc mình vẫn phải ra quốc lộ 1. Mình có thể thoát thân bằng đường biển. Nhưng đào đâu ra thuyền lúc này."
"Vậy thì mình phải rút vào Tiểu khu. Địch đâu có nhiều. Nếu nhiều, họ đã tấn công vào đây rồi. Họ chỉ bắn vài phát là vì họ cũng không có đủ lực lượng. Dồn thú tới đường cùng còn nguy hiểm huống hồ dồn cả ngàn người có vũ khí trong tay. Tập họp lại. Anh em mình vào Tiểu khu, ở đó có hàng rào, có lũy đất bao quanh, có địa thế rõ ràng để phòng thủ. Tập họp lại."
Đích thân tôi ra lệnh tập họp. Quân số của tôi và Kiệm cộng lại là một trăm sáu mươi lăm người. Một số thoát đi tối hôm qua, bây giờ ít nhất cũng còn một đại đội đầy đủ. Vũ khí thì không bao giờ thiếu, người ta đã vứt xuống đường như củi khô.


Ngày N + 15, 7 giờ 15 phút
Kiệm, Cảm, Huy đưa lính của ba đơn vị: Trại giam Tù binh Qui Nhơn, Đồn Quân cảnh Qui Nhơn, Đồn Quân cảnh Tuy Hoà vào trong Tiểu khu xong. Tôi thấy đám đông hỗn loạn bên ngoài chạy tới chạy lui, tiến ra quốc lộ 1 thì không được, Việt cộng có hai chiến xa đậu ngạo nghễ ở đó, chạy lui ra phía xóm chài, rồi cũng không có ngõ thoát. Cảnh tượng trong Tiểu khu còn làm tôi não lòng hơn nữa. Bốn chiếc xe V100 (giống thiết giáp nhưng chạy bằng bánh cao su) nằm im lìm với đại liên 30 trên pháo tháp, quân phục vất la liệt. Tôi nhìn thấy một áo có lon trung tá, nếp hồ ủi còn láng bóng. Bảng tên trên cái áo này là "Hung" không biết là Hưng hay Hùng. Trên cái áo này, tôi nhìn thấy một cái "lục quân huân chương" trơ trẽn trên nắp túi áo trái. Cái huy chương này dùng để tưởng thưởng cho những người hội đủ điều kiện nghĩa là mười năm "sĩ quan" đổ lên. Ông Hưng hay Hùng ơi, ông giả đò khiêm tốn chỉ đeo "Lục quân huân chương" làm gì, mang tới lon trung lá thì tối thiểu cũng phải mười năm quân vụ. Đến tôi là đại úy quèn mười hai năm quân vụ có tới tám mươi ngày trọng cấm mà cũng còn có "Lục quân huân chương" như ông, thì có danh giá gì cho cam.
Nhưng phải công nhận rằng ông không "hùng" bằng tôi, hay ít ra gọi cho đúng: ông "hèn" hơn tôi. Giờ này áo ở đây mà người "hùng" biến đâu. Tôi nhìn quanh, tưởng chừng như bất cứ ai mặc dân sự lớn tuổi cỡ bốn mươi trên hay dưới một chút, đều có thể là trung tá Hùng hay Hưng này. Nhưng chỉ bắt gặp những khuôn mặt sợ hãi, hốt hoảng. Tôi thấy phải chặn đứng tình trạng này. Tôi nói với Phúc:
"Chú chạy ra xe GMC của mình lấy cho anh cái máy phóng thanh xách tay lại đây."
"Anh làm gì với cái đó?"
"Kêu gọi mọi người bình tĩnh. Kêu gọi mọi người chống cự chờ tiếp viện của quân đoàn."
Năm phút sau Phúc mang về cho tôi một máy phóng thanh xách tay. Đứng trên đầu một xe GMC đậu ngang cổng Tiểu khu Tuy Hoà, tôi kêu gọi mọi người hãy tỉnh cơn mê sảng lại. Từ trên nóc xe cao này tôi nhìn thấy một chiếc trực thăng đậu im lìm sau những lùm cây, trong một bãi đất trống phía sau Tiểu khu.


Ngày N + 15, 7 giờ 30 phút

Giữa đám đông hỗn độn ngược xuôi, giữa những tiếng kêu gọi ầm ĩ, giữa những tiếng súng cá nhân vọng từ đầu quốc lộ lại, giọng tôi cất lên. Qua cái máy phóng thanh xách tay, tiếng tôi nghe rõ mồn một:
"Các quân nhân thất lạc đơn vị chú ý. Các quân nhân thất lạc đơn vị chú ý. Chúng ta đã bị địch chận đầu trên đường ra quốc lộ 1, chúng ta đã bị bao vây ở đây. Chúng ta chỉ có một đường sống duy nhất là chiến đấu. Bây giờ còn quá sớm để Không quân có thể yểm trợ chúng ta. Chúng ta có cả ngàn tay súng ở đây, địch cũng không có nhiều. Tôi Đại úy Nguyễn Vinh Hiển Chỉ huy trưởng Trại giam Tù binh Việt cộng Qui Nhơn, đơn vị tôi quyết định rút vào cố thủ trong Tiểu khu Tuy Hoà. Tôi kêu gọi mọi quân nhân thuộc các đơn vị hãy ở lại chiến đấu cùng đơn vị chúng tôi. Chúng ta phải kháng cự lại trong lúc chờ không quân tới giải tỏa quốc lộ 1. Phải bình tĩnh chiến dấu như một người LÍNH."
Tôi kêu gọi lần thứ hai, một đại úy khác đứng lại, anh đeo phù hiệu quân cụ, anh nói với tôi: "Đại úy cho tôi mượn cái máy phóng thanh." Anh nhảy lên mũi xe đứng kế tôi, anh xưng tên họ, cấp bậc, đơn vị, anh cũng kêu gọi binh sĩ thuộc đơn vị anh ở lại chiến đấu.
Rồi một trung úy thuộc Tiểu khu Bình Định, anh cũng mượn máy phóng thanh kêu gọi các quân nhân khác hãy ở lại chiến đấu. Trong máy phóng thanh anh lập lại tên tôi và nói: Tôi kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu, và nhận sự chỉ huy của Đại úy Nguyễn Vinh Hiển.
Cả ba chúng tôi đứng chơ vơ trên mũi xe, một phút trôi qua, tôi thấy một số binh sĩ súng cầm tay đi vào Tiểu khu, một vài chuẩn úy, thiếu úy thật trẻ, tiến vào đứng lớ ngớ bên trong vòng đai phòng thủ. Tôi nói với ông Đại úy Quân cụ:
"Ông kêu gọi thêm độ vài lần nữa, tôi phải vào trong tổ chức phòng thủ."
Tôi bắt tay ông ta, chúng tôi xiết tay nhau thật chặt, mắt nhìn mắt, diện đối diện. Gió từ biển thổi vào tóc anh và tóc tôi dựng lên. Tôi nhẩy xuống xe bước vào Tiểu khu.


Ngày N + 15, 7 giờ 45 phút
Tôi nói với dám đông:
"Địa thế đây rất dễ cho chúng ta phòng thủ. Có hàng rào, lũy đất sẵn sàng, vuông vức bốn cạnh. Bây giờ các anh đứng bốn hàng dọc, các sĩ quan đứng trước. Hiện thời binh sĩ của đơn vị tôi đã chia đều trên bốn mặt của Tiểu khu. Mỗi một hàng sẽ lo một mặt. Tôi cũng đã có sĩ quan của tôi ở đủ bốn nơi, các anh sẽ nhận lệnh trực tiếp từ mấy trung úy của tôi."
Trong chớp mắt đám đông chia ra làm bốn hàng, có cả chục sĩ quan, cao nhất là một đại úy. Một đại úy già chắc cũng sắp đến tuổi về hưu. Tôi nói với ông ta:
"Đại úy phụ với tôi coi tổng quát. Ông nhiều tuổi hơn tôi, nhiều kinh nghiệm nhà binh hơn, ông thấy gì phải làm cứ việc ra lệnh. Kể từ giờ phút này, lính trong đơn vị tôi sẵn sàng nghe lệnh của ông."
"Tôi là sĩ quan tài chánh có biết đánh nhau bao giờ. Đại úy cứ chỉ huy đi."
Bây giờ tôi có tới hơn ba trăm tay súng. Dễ chừng đến bốn trăm người. Quân số này tương đương với một tiểu đoàn. Nhưng súng ống thì nhiều vô kể. Tôi nói với Kiệm bây giờ đã khoác thêm một chiếc áo Jacket nhà binh, có hai mai trên cổ áo:
"Ông cho câu công tắc hai chiếc V1OO này lại, chạy đậu bít cổng ra vào cho tôi. Mời ông Đại úy Quân cụ vào. Ai muốn chiến đấu nãy giờ đã hiện diện trong Tiểu khu. Xong rồi ông ra kiểm điểm lại coi tất cả có bao nhiêu đại liên M60 và bao nhiêu súng phóng lựu M79."
Kiệm xem chừng đã bình tĩnh trở lại. Anh hăm hở chạy đi, hai chiếc V100 phun một lớp khói đặc, trước khi nổ máy. Bây giờ tôi có một ban chỉ huy tiểu đoàn gồm bốn sĩ quan trời ơi: tôi, một Đại úy Tài chánh, một Đại úy Quân cụ, một Trung úy Địa phương quân. Súng đạn nhiều vô số kể. Không kể bốn ụ đại liên 30 trên bốn lô cốt bốn góc Tiểu khu, trên các lũy đất phòng thủ, ngoài trừ mặt tiền là nhà dân chúng, chúng tôi đã bố trí hai xe V100 với hai ổ đại hên bên trên, ba cạnh còn lại, một phía là biển, hai phía là đồng trống lác đác có vài căn nhà dân. Trên ba cạnh này cứ mỗi mười lăm, hai mươi thước tôi lại có một M60 và cứ mỗi M60 lại có một M79 phóng lựu đi kèm. Lác đác đó đây tôi thấy một vài ống phóng hỏa tiễn chống chiến xa loại cá nhân. Tôi thầm nghĩ trong bụng với quân số thế này, với vũ khí đó, và vị trí phòng thủ kiên cố Việt cộng muốn xơi tái chúng tôi cũng cần phải có quân số đông gấp đôi, và cũng phải bỏ xác lại không ít. Tôi nói thầm với mình: Phải đổi máu mình lấy cái gì chứ.


Ngày N + 15, 8 giờ 30 phút
Một tràng đạn AK nổ chát chúa phía đằng sau Tiểu khu, tôi chạy lại đó. Trên lũy đất phòng thủ, hàng trăm khẩu súng đủ mọi loại trả lời, hàng trăm người lính bắn xối xả về phía trước. Tôi chưa nhìn thấy bóng dáng một địch quân, chỉ là một cánh đồng lúa xanh rờn. Bốn năm khẩu M60 rung lên, đất bay mù trời dưới nhịp bắn tự động. Tôi hỏi Kiệm, người phụ trách mặt này:
"Cái gì vậy? Địch đâu?"
"Bọn nó núp ở bờ ruộng trước mặt đó, Đại úy."
"Đông không?"
Để trả lời tôi một tràng AK nổ ròn rã. Địch núp ngay trước mặt, khoảng 100m. Tôi chợt nghĩ ra họ không có nhiều, họ chỉ có vài người ở phía này, họ muốn dò thử lực lượng chúng tôi. Chỉ năm phút qua, họ đã biết phẩm chất của những người lính bên trong hàng rào. Cứ tình hình này họ cứ việc nằm dưới ruộng, bắn bâng quơ vào trong này, rồi hàng trăm khẩu súng khai hỏa, chả mấy chốc mà núi đạn cũng hết. Chả mấy chốc mà họ tiến vào với tiểu đội đủ bắt một tiểu đoàn lính đầu hàng. Tôi hét lớn:
"Không được bắn bừa bãi, chỉ khai hỏa khi thấy rõ địch quân. Đại liên bắn nhịp ba, nhịp bốn. Phúc đâu. Lấy cho anh cái máy phóng thanh."
Một tràng AK nổ phía tay phải, thềm bắn bên đó cảnh cũ tái diễn, tôi nghe cả tiếng M79 bắn đệm cho M60. Tôi nhìn thấy lính phòng thủ mặt mày tái mét. Tôi quay lại hội ý với ông Đại úy Quân cụ và ông Đại úy Tài chánh. Bây giờ chúng tôi chia ra mỗi người một mặt. Tôi nói với hai người bạn đồng cảnh:
"Ra lệnh cho họ bắn cầm chừng phải tiết kiệm đạn." Phúc đã mang máy phóng thanh về. Tôi mặc áo giáp, đội nón sắt, đứng thẳng trên lũy đất. Dĩ nhiên tôi cũng sợ, nếu bên ngoài kia địch chỉ có một người bắn giỏi, có một chỗ nấp bắn thì tôi là một cái bia không chối cãi được.
Tôi nghe giọng tôi vang lên trong lúc cả hai phía đều im tiếng súng:
"Các quân nhân chú ý! Các quân nhân chú ý! Chỉ khai hỏa khi thấy rõ địch. Tôi nhắc lại chỉ khai hỏa khi thấy rõ địch quân. Đại liên bắn nhịp ba, nhịp bốn, không được bắn bừa bãi, phí đạn."
"Bên phải nghe rõ."
"Bên trái nghe rõ."
Bây giờ thì dường như mỗi sĩ quan phụ trách một ổ đại liên. Cảnh tượng hệt như trên thềm bắn ở các quân trường. Chỉ cần có sĩ quan giám xạ, hạ sĩ quan phụ trách thềm bắn để sửa thế bắn cho những người bắn tập trên xạ trường. Đây không phải là những người lính đối diện với địch quân, mà là những đại đội khóa sinh, đang thực tập tác xạ. Trên bờ mấy thửa ruộng ở bên ngoài chắc địch quân đang tìm một cách khác để tấn công. Lợi dụng lúc cả hai bên ngưng tiếng súng, tôi đi một vòng tuần hành quan sát cả trong lẫn ngoài. Không biết địch sẽ làm gì. Tôi thắc mắc nhất là tại sao hai chiếc chiến xa của địch lại án binh bất động. Chúng vẫn đậu im lìm trên đầu quốc lộ. Chúng cũng không thèm sử dụng hai khẩu đại bác trên pháo tháp. Tôi thầm nghĩ mình cần vài người can đảm. Với hàng trăm chiếc xe đậu thành hàng dài trên con đường dẫn ra quốc lộ 1, chỉ cần vài người men theo hông những chiếc xe này tiến ra. Chỉ cần một tiểu đội không sợ chết. Tôi không nghĩ là "cảm tử", cảm tử có nghĩa là mười phần chết đến chín, nhưng tình cảnh này không đến độ như thế. Chỉ cần một tiểu đội không sợ chết, trang bị ống phóng M72, tiến ra hạ được hai chiến xa này thì chúng tôi thoát. Ít nhất cũng thoát được ra quốc lộ 1, nếu không chúng tôi hoàn toàn bị vây khổn. Tôi nhìn lại chung quanh, chắc chắn phải là một tiểu đội có sự thuần nhất về chỉ huy, có sự thuần nhất về đơn vị. Tôi nói với Phúc:
"Tìm cho anh Thượng sĩ Điệp lại đây"


Ngày N + 15, 9 giờ sáng
Phúc dẫn Điệp lại chỗ tôi. Tôi cho Điệp biết ý định muốn triệt hạ hai chiếc thiết giáp của Việt cộng. Tôi nhìn thấy thật rõ những giao động trên nét mặt Điệp. Tôi biết Điệp khá lâu. Anh là một hạ sĩ quan thật trẻ với cặp bậc thượng sĩ, anh đã làm việc với tôi hơn một năm trời ở Pleiku. Anh đã có vợ và hai con. Tôi nói rõ ràng:
"Đây không phải là lệnh. Đây là yêu cầu, nhưng tôi biết anh có thể làm được."
Một phút nặng nề trôi qua. Điệp nói với tôi:
"Anh Ba cho em vài phút, em kiếm mấy khẩu M72 với vài người nữa chịu chơi đi với em".
"Cứ kiếm người đi, kiếm trong đơn vị mình được rồi. Kiếm mấy cậu còn độc thân nghe Điệp"
"Anh Ba yên trí. Em ở đây lâu rồi, em biết thằng nào chịu chơi, thằng nào chơi chịu."


Ngày N + 15, 9 giờ 15 sáng
Một trái bích kích pháo nổ ngay sân cờ Tiểu khu Tuy Hoà, một người chết ngay, một người bị thương nặng và vài người bị thương nhẹ. Cùng lúc đó tiếng hô xung phong vang lên từ mấy bờ ruộng. Hàng chục khẩu M79 và hàng chục khẩu M60 khai hỏa. Rõ ràng địch vẫn chỉ khiêu khích để binh sĩ trú phòng hao tổn đạn dược. Họ bắn không kể trời đất gì nữa. Tôi gào vào máy phóng thanh xách tay:
"Bên phải ngừng bắn!"
"Bên trái ngừng bắn!"
Bây giờ các sĩ quan chỉ còn là khẩu đội trưởng của một ổ súng đại liên. Tôi thầm cám ơn Huấn vô cùng. Anh đã làm tất cả những gì một y sĩ trẻ mới ra trường có thể làm được. Anh băng bó cho mấy người bị thương nhẹ, chích một liều thuốc an thần cho người bị nặng. Kẻ chết thì đã chết rồi. Chúng tôi khuân xác người vừa nằm xuống tới một căn phòng trống trong tiểu khu. Trong suốt một giờ liền, địch bắn bâng quơ vài quả đạn súng cối, nổ nhiều tràng AK vào trong Tiểu khu. Số tổn thất nhân mạng không bao nhiêu, nhưng tôi không làm sao kiểm soát nổi binh sĩ. Trong vòng đai tiểu khu, những khẩu M60 và M79 đua nhau nổ, lác đác đã có vài khẩu hết đạn. Khói súng và cát bụi bay mờ trời, mùi thuốc đạn khét lẹt. Tình trạng này chỉ kéo dài một tiếng nữa, địch chỉ cần tiếp tục khiêu khích thêm một tiếng nữa, tôi e rằng đến cả những khẩu colt cũng hết đạn.

 

Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1988, bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả

http://www.talawas.org

 

No comments:

Post a Comment