Thursday, April 28, 2022

Bốn mươi năm vẫn một bóng hình anh tôi: Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (Lê Văn Kim)

 

MỘT LỜI MỞ ĐẦU:

Thành kính ghi ơn các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Cán Bộ, Công Chức các ngành trong Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Bào Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến chống cộng sản xâm lăng để bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam.

 


 

Tên các Tướng lãnh được xếp theo thứ tự vần a,b,c..., quay theo chiều kim đồng hồ  từ trên đỉnh 12 giờ:

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai (1925-1975): Tư Lệnh Sư Đoàn  Bộ Binh.

Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (1933-1975): Tư Lệnh Phó Quân Đoàn .

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (1927-1975): Tư Lệnh Quân Đoàn .

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (1928-1975): Tư Lệnh Quân Đoàn.

Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ (1933-1975): Tư Lệnh Sư Đoàn  Bộ Binh.

 

 

Ghi chú những chữ viết tắt:

VNCH: Việt Nam Cộng Hòa

CSVN - VC: Cộng sản Việt Nam - Việt cộng, cùng một nghĩa: quân xâm lăng.

Chữ Anh, viết hoa: Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng

 

 

 


Chiến trường An Lộc

Trên đường ra mặt trận sáng ngày 23-02-1971 chiếc phi cơ trực thăng chở Trung Tướng Đỗ Cao Trí  phát nổ trên bầu trời phía Bắc Tây Ninh - một thiên tài về quân sự của Quân Lực VNCH đã khuất bóng, một khúc quanh mới trong lịch sử chiến tranh Việt Nam bắt đầu. Trên chuyến bay chỉ huy hành quân định mệnh đó, ngoài phi hành đoàn, đoàn sĩ quan tùy viên, còn có nhà báo Mỹ gốc Pháp, ông Francois Sully (nhiều tài liệu cho là cố vấn Mỹ, thực chất lúc đó quân đội Mỹ không được quyền đánh sang đất Miên).

Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân Quân Lực VNCH, cảm thấy mình có trách nhiệm, ông cho gọi gấp Đại Tá Đặng Văn Phước, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 51 trực thăng, Sư Đoàn I Không Quân VNCH - Đà Nẵng, về Sài-Gòn trình diện ngay Bộ Tư Lệnh Không Quân, để tham khảo về vụ nổ trực thăng của Tướng Trí, vì ông Phước có rất nhiều kinh nghiệm bay trên các loại phi cơ trực thăng, từ H-34 đến UH-1. Khi được vị Tư Lệnh hỏi tại sao trực thăng của Tướng Trí đang bay lại phát nổ trên trời? Ông Phước điềm nhiên trả lời cho Tướng Minh: “Trực thăng đang bay mà phát nổ, chỉ có một trục trặc duy nhất là nghẹt filter (bộ phận lọc gió để đưa vào buồng nổ của động cơ), mà trực thăng của V.I.P. (Very Important Person), làm sao có thể xảy ra được?” Bằng một cử chỉ thân thiện với Đại Tá Phước, Tướng Minh đưa ngón tay trỏ lên, chận ngang hai vành môi của ông rồi như ra lệnh Đại Tá Phước: “Xuỵt! Anh biết nhưng nên im lặng!”

Vài ngày sau đó, tang lễ của Tướng Trí đã được tổ chức trọng thể tại tư gia, đường Phùng Khắc Khoan cạnh nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Linh cữu ông được chuyển đi bằng một chiếc thiết vận xa M-113 đưa đến nghĩa trang Quân Đội Quốc Gia Biên Hòa, theo sau là gia đình cùng thân quyến, chiến hữu, bạn hữu, chính khách Việt Mỹ, và đã được an táng theo đúng lễ nghi quân cách của một vị cố Đại Tướng.

Ông là vị Tướng đầu tiên được an táng tại nghĩa trang quân đội, tỉnh Biên Hòa, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông, và đã được đặt nằm bên cạnh mộ các chiến sĩ Quân Lực-VNCH, đúng như ước nguyện lúc ông còn sống: “Một lòng sống chết với lính” (1929-1971). Hưởng dương 42 tuổi.

Cuộc chiến An Lộc đã bắt đầu từ hôm đó.

Đại Tướng Đỗ Cao Trí với tài thao lược quân sự xuất chúng, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, ông vừa bình định xong lãnh thổ đem lại an ninh ở nông thôn, vừa mở các cuộc hành quân tấn công liên tục các Sư Đoàn nồng cốt của Cộng Sản Bắc Việt. Theo Tướng Trí, phải tận diệt luôn đến hạ tầng cơ sở, tiêu diệt tận gốc nguồn tiếp liệu về vũ khí, đạn dược và lương thực của địch, lúc đó mới được kể là chiến thắng. Kể từ tháng 3-1970, Ông đưa chiến tranh ra khỏi lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật. Dùng các lực lượng xung kích, các đơn vị Thiết Giáp, Bộ Binh, Biệt Động Quân tinh nhuệ để tiêu diệt các căn cứ chiến lược chủ yếu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) bên đất Miên, hầu cắt đứt con đường chuyển vận huyết mạch chính của chúng từ Miền Bắc xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 


Tướng Trí mất đi, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô được đưa về thay thế chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, theo đề nghị của Phó Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương.

Cái chết của Tướng Trí đã làm cho Tướng Minh dè dặt hơn trong bối cảnh lịch sử chiến tranh Việt Nam lúc đó; không phải ông sợ đánh giặc, mà chỉ sợ phải đánh thế nào cho đúng qui ước về chính trị lẫn quân sự bởi vì tất cả tiềm năng chiến đấu của Quân Lực-VNCH hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ. Trước khi tổ chức lại việc phòng thủ một vùng chiến thuật khá rộng lớn và quan trọng nhất là gìn giữ thủ đô Sài-Gòn, Tướng Minh đã tăng cường thêm lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến để tấn công và đẩy lui quân VC vào sâu trong đất Miên.

Tướng Minh đã chọn Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, người Trung Đoàn Trưởng được tin cậy nhất lúc ông còn làm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh - Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật, làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, một cánh tay mặt của Tư Lệnh Quân Đoàn III.

Sư Đoàn 5 Bộ Binh đảm trách hành quân và an ninh lãnh thổ gồm ba tỉnh: Bình Dương, Bình Long và Phước Long.

Một năm sau khi Tướng Trí mất, không có cuộc tấn công nào vào mật khu VC trên đất Miên, các cuộc hành quân của Quân Đoàn III chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ; một năm đủ để VC bổ sung thêm quân số và tiếp tế đầy đủ đạn dược, quân cụ chiến tranh cần thiết từ Nga-Tàu qua ngã cộng sản Bắc Việt, để tiến sát Sài-Gòn. VC đã lợi dụng được thế thượng phong, tăng cường thêm các sư đoàn chủ lực với đại pháo và xe tăng nằm trong các mật khu trên đất Miên; trong lúc Quân Lực-VNCH đang đi trên con đường “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” do các chính trị gia Mỹ vạch ra.

Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) đang bị lập lờ trên bàn hội nghị Ba- Lê vì cái gọi là “chính phủ MTGPMN” không có đất, không có dân, thì làm sao được gọi là một quốc gia để cùng ngồi ngang hàng với chính phủ VNCH trên bàn hội nghị bốn bên: Hoa Kỳ - Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức cộng sản Bắc Việt) và Việt Nam Cộng Hòa - Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (một hư cấu do cộng sản Bắc Việt dàn dựng).

Chiếu theo căn bản Hiệp Định Genève 1954 (ký giữa Pháp và Đảng Cộng Sản Việt Nam), hai miền Nam Bắc Việt Nam đã là hai quốc gia; miền Bắc: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo; miền Nam: Việt Nam Cộng Hòa, theo chính thể tự do dân chủ. Không có cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong đó! Cộng sản miền Bắc đã ngang nhiên xâm nhập miền Nam, rồi dàn dựng lên MTGPMN, quyết tâm tấn công và chiếm đoạt một vùng đất nào đó, để có một thế đứng cho MTGPMN trên bàn hội nghị.

Thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long, mảnh đất hiền hòa của dân lành miền Nam đang sinh sống, mà Bắc quân đã tàn ác, vô nhân, quyết xua quân tấn chiếm.

Phần trận chiến An Lộc được trích dưới đây từ bài viết: “TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972.” của Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng, sĩ quan quân báo phòng 2, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Quân Lực VNCH.

 


 

“2 giờ sáng ngày 31 tháng 3, lực lượng CSBV pháo kích và tấn công dữ dội tất cả các căn cứ đóng quân của Chiến Đoàn 49, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, suốt trục lộ 22 từ tiền đồn Xa Mát ở biên giới Việt Miên dẫn vào đến Thiện Ngôn phía bắc tỉnh lỵ Tây Ninh. Quan trọng nhất là... Căn cứ Lạc Long, vì không chịu nổi cường lực tấn công của địch nên toàn bộ đơn vị hơn cấp tiểu đoàn, gồm bộ binh, pháo và quân xa rút khỏi căn cứ định về thị xã Tây Ninh, lọt vào ổ phục kích cấp trung đoàn của chúng buổi sáng sớm hôm đó, bị tổn thất rất nặng. Ngay trong buổi sáng đó, Tướng Minh chỉ thị cho Tướng Hưng và tôi bay lên Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân Đoàn III ở Tây Ninh gặp ông. Khi Tướng Hưng và tôi đến đã thấy Trung tá Bình, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn III & Vùng 3 Chiến Thuật chờ Trung tướng Minh ở phòng khách trước văn phòng Tư lệnh. Tướng Minh từ Biên Hoà đến, đi thẳng vào phòng không bắt tay ai, kể cả Tướng Hưng. Chúng tôi theo vào. Tướng Minh nhìn thẳng vào Trung tá Bình và tôi, xát muối: “Mấy người làm tình báo như vậy đó. Nó đánh tan Trung Đoàn 49 rồi! Tính sao đây? Tình hình sẽ ra sao?” Trung tá Bình (hiện ở Nam California) trước năm 1971 là Trưởng Khối Tình báo Quốc Nội của Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu, là một sĩ quan Quân Báo lỗi lạc, nắm vững tình hình CSBV trên toàn quốc cả miền Bắc lẫn miền Nam, bình tĩnh trình Trung tướng Minh rằng ông tin chắc chắn CSBV và Trung Ương Cục Miền Nam (TWC/MN)- (Đầu não chỉ huy của quân sự MTGPMN-Việt Cộng) vẫn nhắm tấn công vào Bình Long và chiếm An Lộc. Trận đánh trong đêm và sáng đó trên trục lộ 22, ở Tây Ninh, chỉ là ‘hư chiêu’ ”…

“Nhưng tình hình đã diễn ra khá kỳ lạ,…Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Chiến dịch Nguyễn Huệ của CSBV ở QĐ III & V3CT thực sự mở màn. Đêm 4 rạng ngày 5, tháng 4, 1972…”.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP 

 

Tướng Hưng ra lệnh cho Thiếu Tá Dưỡng lên ngay Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn (TTHQ/SĐ), và nóí thêm là:“Tụi nó đánh lớn rồi. Chiến dịch của tụi nó mở màn”. Trận chiến đã bắt đầu.

…“Khi trực thăng chỉ huy của Tướng Hưng đang bay trên vùng không phận Lộc Ninh, Tướng Hưng nhận được báo cáo của Trung tá Nguyễn Đức Dương là đơn vị Thiết kỵ của ông đang di chuyển trên Quốc Lộ-13 bị phục kích ở phía nam ấp Lộc Thạnh nên xin hủy bỏ “mấy con gà cồ” - tức 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu 155 ly được tăng phái cho Thiết đoàn 1 Kỵ binh trước đó- để được nhẹ nhàng và di chuyển nhanh hơn. Câu trả lời cũng là lệnh của Tướng Hưng cho Trung tá Dương nghe rõ trong máy dẫn hợp, cho phép ông này phá hủy các khẩu pháo đó sau khi hạ thấp bắn trực xạ vào toán quân Cộng Sản( CS) phục kích hai bên đường. Dĩ nhiên khẩu lệnh được mã hoá bằng các ám hiệu truyền tin. Một chập sau nghe Trung tá Dương báo cáo đã thi hành xong, tuy nhiên không thể tiếp tục tiến về thị xã Lộc Ninh vì CS phục kích với đơn vị lớn. Tướng Hưng ra lệnh cho Trung tá Dương đưa thiết kỵ trở lại Ngã ba Lộc Tấn chờ đón Tiểu đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng (BĐQ/BP), sau đó sẽ tập trung lực lượng, trở lại giải tỏa Lộc Ninh.’…

“Khi tiếp xúc được với Tướng Minh, trên trực thăng chỉ huy, Tướng Hưng báo cáo việc này cho Tướng Minh. Tức khắc, Hưng bị xát muối lần đầu tiên trong chiến trường An Lộc 1972. Tiếng nói của Tướng Minh, Tư lệnh Quân đoàn, nghe rất rõ: “Đánh đấm gì lạ vậy! Chưa có gì mà đã bỏ của …” Máy bị cúp. Tướng Hưng ngỡ ngàng. Mọi người trên trực thăng buồn bã và yên lặng chỉ nghe tiếng mấy cánh quạt và tiếng máy nổ phành phạch. Trực thăng phải rời vùng để Không Quân VN vào đánh yểm trợ cho căn cứ chỉ huy của Chiến đoàn 9 đang bị tấn công bộ binh. Sau các oanh tạc cơ của Không Quân VN rời vùng, trực thăng chỉ huy của Tướng Hưng cũng quay về Lai Khê vì sắp cạn nhiên liệu…

Trên chiến trường, người chỉ huy nắm rõ tình hình nhất phải là người trực tiếp tại mặt trận, không chỉ nghe báo cáo tường trình, nhìn bản đồ rồi quyết định; không phải Tướng Hưng quyết định bỏ của chạy lấy người, mà Anh chỉ muốn bảo toàn tính mạng của binh sĩ trong tình huống nguy ngập ấy. Anh thương yêu binh sĩ của Anh vô cùng. Một lần lúc Anh còn là Trung Tá, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 31, Sư Đoàn 21 Bộ Binh; trong chiến dịch U-Minh 1970, Anh đã từ chối đổ quân vào ban đêm do Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ra lệnh: “Thiếu Tướng muốn phạt tôi thế nào cũng được, tôi chấp nhận, nếu Thiếu Tướng muốn thực hiện kế hoạch đó, xin cứ kiếm người thế tôi, vì nếu đổ quân ban đêm kiểu đó, (binh lính) chỉ làm mồi cho địch.” Ông Nghi biết Anh là một sĩ quan rất giàu kinh nghiệm chiến trường, trầm ngâm trong giây phút, rồi phải nghe theo.

…“Một chập sau nghe tiếng Đại tá Miller hỏi: “What did Gen. Minh say, 45?” Không có tiếng trả lời. “Forty-five, hay 45”, là danh hiệu chỉ huy trong hệ thống truyền tin của Tướng Hưng. Miller hỏi Tướng Minh đã nói gì. Không ai còn đủ sức trả lời cho ông ta. Vả lại có những điều một tư lệnh Việt Nam không thể nói cho cố vấn Hoa Kỳ của mình biết. Và nhiều điều ở chiến trường An Lộc, Tướng Hưng không thể nói cho Đại tá William Miller cố vấn trưởng Sư đoàn biết, nên sinh ra sự hiểu lầm lớn sau đó trong trận chiến quan trọng này.”…

… “ Tướng Hưng có biệt tài về sử dụng không yểm dù điều động các chiến đấu cơ xạ kích vào địch quân chỉ cách quân bạn một con đường hay đánh bom với các tọa độ chính xác mà không cần nhìn vào bản đồ khi ngồi trên trực thăng. Sở dĩ được như vậy là vì trên bản đồ mà ông sử dụng hằng ngày ông ghi tọa độ tất cả các ngã ba, ngã tư của các con đường, các ngã ba sông, các thị trấn, thị xã, các cao điểm, và các điểm nhớ quan trọng. Gần như ông thuộc lòng tọa độ địa hình các nơi đó trong toàn lãnh thổ trách nhiệm. Ngày thường, khi thuyết trình tình hình cho ông nên thận trọng về địa điểm và tọa độ. Cách ‘đọc bản đồ trong trí nhớ dựa trên các điểm chuẩn’ này rất khoa học và cần thiết cho mọi cấp chỉ huy. Đó là ưu điểm để nhanh chóng đánh trả đũa quân địch bằng pháo binh hay không quân, hoặc hướng dẫn điều động quân nhanh chóng và chính xác, nhất là khi chỉ huy trên trực thăng, từ khi ông còn làm Trung đoàn trưởng ở Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Làm việc với ông, tôi đã cố gắng học nghệ thuật tác chiến này.”

Cộng quân tiếp tục tấn công dồn dập, quyết chiếm Lộc Ninh để có thế mạnh trên bàn hội nghị Ba-Lê; vận dụng tất cả hệ thống phòng không để triệt tiêu sức yểm trợ của Không Quân VNCH, hàng trăm chiến xa, với các sư đoàn nồng cốt tăng cường cho Trung Ương Cục của MTGPMN. Chiến trận tiếp tục với cường độ tấn công mạnh của VC đối đầu với sức kháng cự mãnh liệt của các chiến sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Biệt Động Quân Biên Phòng, Thiết Giáp và các Chiến Đoàn Đặc Nhiệm.

…“Các căn cứ của Chi Khu Lộc Ninh, của Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 của Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị pháo kích dữ dội nhiều đợt suốt đêm 5 rạng ngày 6 này. Căn cứ Chiến đoàn 9 ở cuối sân bay bị pháo nặng nhất, hầm cứu thương sập, tất cả Trung đội Quân y bị chết gần hết. Trong ngày quân CSBV mở nhiều đợt tấn công vào căn cứ nhưng đều bị đẩy lùi. Sự thực căn cứ nầy đứng vững được là nhờ vào yểm trợ của Không Quân VN với các khu trục, phản lực đánh sát bờ rào đất khá cao chung quanh. Cộng quân tổn thất rất lớn về nhân mạng. Căn cứ Tiểu đoàn 53 Pháo binh gần đó của Trung tá Thông cũng bị pháo giập nặng; các ụ pháo và các khẩu pháo của Tiểu đoàn hoàn toàn bị... câm tiếng, không còn một khẩu nào sử dụng được. Thương binh ở hai căn cứ này lên quá cao. Không một trực thăng nào của Không Quân VN hay Hoa Kỳ đáp được xuống được để tải thương hay tiếp tế suốt hai ngày đêm liền vì phòng không của địch quá dày và quá mạnh.”…

…“Tiểu đoàn 3/9 (-) (không nhớ tên Tiểu đoàn trưởng) hành quân ở phía nam thị xã, trong buổi chiều đó tuy bị Cộng quân bám tấn công nhưng báo cáo là đã về được cuối sân bay, ở bìa rừng cao-su hướng đông phi đạo và của căn cứ Chiến đoàn 9. Tướng Hưng trực tiếp liên lạc với Tiểu đoàn trưởng và chỉ thị cho giữ quân tại chỗ để bảo vệ mặt ngoài cho Chiến đoàn chỉ trừ một đại đội vào căn cứ tăng cường cho Đại tá Vĩnh và một trung đội khác cho TĐ53/PB của Trung tá Thông. Tất cả các đơn vị của Chiến đoàn nằm chịu trận tại chỗ, suốt đêm 6 rạng ngày 7, kể cả hai đơn vị dã ngoại là Tiểu Đoàn 2/9 (-), Đại Đội 9 Trinh Sát và Tiểu Đoàn 3/9 (-), hứng pháo của địch quân đến 4 giờ sáng ngày 7 thì mất liên lạc với Đại úy Nguyễn Quang Nghi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2/9 và cả Trung uý Thái Minh Châu, Đại đội trưởng Đại Đội 9 Trinh Sát. Coi như cánh quân cuối cùng ở phía bắc Lộc Ninh kéo về thị xã Lộc Ninh bị tan rã. Tướng Hưng mất gần 2 nghìn quân, hơn 80 chiến xa và quân xa, và hơn hai chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Màn đêm sắp phủ trùm lên sự nghiệp làm tướng của Tướng Hưng.”

Anh rất mến thương các chiến hữu đã và đang sát cánh bên Anh, cùng chiến đấu chống quân thù cộng sản Bắc Việt. Mất đi trên 2 ngàn quân thiện chiến chỉ trong vài ngày, nào ai có biết cho nỗi lòng Anh đang đau quặn.

…“Tướng Minh chưa một lần nào nặng lời với ông. Tướng Hưng nói với tôi, ‘Dưỡng à, trận chiến nầy vô cùng nguy hiểm, sống chết chỉ trong giây phút. Cùng khoá, cùng trung đội của Thầy Chiêu, ngày nay tôi đã lên tướng mà Dưỡng và các bạn khác, đến nay, chưa một người nào thăng được cấp trung tá. Như vậy là quá mức rồi, chết cũng đáng. Còn Dưỡng, tội tình gì mà ở đây cho thiệt thân, uổng mạng. Ngày mai về Lai Khê đi. Đưa Đại uý Bé lên đây là được rồ̀i’.”

Tình đồng đội của người chiến binh Quân Lực-VNCH thật khắng khít và cao thượng vì họ cùng nhau chiến đấu cho một lý tưởng chung, chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc và Đồng Bào Việt Nam, họ sẽ không bỏ cuộc trong một cuộc chiến đầy cam go, bất khuất, cuộc chiến chống làn sóng xâm lược đỏ của ngoại bang.

…“Tôi không nói gì và suy nghĩ nhiều về lời tâm sự của Tướng Hưng. Một chập sau tôi dứt khoát trả lời là tôi không về Lai Khê...   Buổi cơm thật buồn, vì chúng tôi mất mát, tổn thất lớn lao, mà chính tôi cũng có trách nhiệm là không hiểu tường tận về khả năng to lớn của CSBV ở biên giới tây bắc, vùng Lưỡi Câu, nơi tập trung quân trước trận đánh và các căn cứ địch trên dòng sông Cửu Long trong tỉnh Kratié của Kampuchia.”

Trận chiến càng ngày càng khốc liệt hơn khi CSBV tăng cường thêm chiến xa với bộ binh tùng thiết, quyết tử chiến để chiếm Lộc Ninh.

“Khởi đầu ở buổi sáng, khoảng 6 giờ, khi binh sĩ ở mặt tiền căn cứ của Chiến đoàn 9 thấy chiến xa CSBV lù lù tiến vào cổng của căn cứ, hoảng sợ bỏ chạy mà chưa có tấn công bộ binh như mấy ngày trước. Chiến xa của chúng vào trận địa chậm một đôi ngày nhưng gây ngay chấn động. Chừng bốn chiếc T. 54 của chúng tiến vào con đường dốc và bắn đại bác vào căn cứ. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh trong hầm chỉ huy được báo cáo tin này. Ông báo cáo lên Bộ Tư lệnh nhẹ của Tướng Hưng là căn cứ bị chiến xa tấn công.”

Bộ chỉ huy căn cứ Chiến Đoàn 9 bị tràn ngập bởi chiến xa và bộ binh VC, một số cấp chỉ huy, cố vấn Mỹ và binh sĩ rút nhanh ra đều bị VC bắt; một số đông còn lại tiếp tục chiến đấu thật dũng cảm, họ nhất quyết không đầu hàng. Họ chấp nhận tấtcả những gian nguy mà người lính Quân Lực-VNCH đang đối đầu trong mọi cuộc chiến, dù phải hy sinh chính cả bản thân mình để chống lại làn sóng xâm lăng của quân thù cộng sản Bắc Việt.

…“Thiếu tá Trần Đăng Khoa, Trung Đoàn phó yêu cầu “Xin dội bom trên đầu tôi, chúng đã tràn ngập căn cứ và đang bắn vào hầm chỉ huy, xin 45 đừng do dự…” Tướng Hưng nói: “Khoa, đây 45 nghe rõ, tôi sẽ làm đúng lời yêu cầu của anh. Tôi sẽ lo chu đáo cho gia đình anh...” Mấy tiếng sau cùng của Thiếu tá Khoa: “Xin cám ơn và vĩnh biệt 45...” nghe rõ kèm theo một tiếng nổ. Mắt Tướng Hưng hoen đỏ, đầy nước mắt.”...”.

Sau khi Lộc Ninh mất, Anh đã thấy rõ mưu đồ VC đánh chiếm An Lộc đúng như đã dự đoán. Anh ra lệnh phá cầu Cần Lê để chận đường tiến vào An Lộc của Bắc quân, trưng dụng tất cả các loại xe be kéo gỗ và các loại xe vận tải lớn hiện có trong tỉnh để làm chướng ngại vật án ngữ trục lộ dẫn vào thành phố.

…“Ở đây phải ghi nhận quyết tâm và kiến thức quân sự vững chãi của Tướng Hưng. Ông đã nhận định rõ kích thước lớn lao của trận chiến sắp diễn ra, hay đã diễn ra từ hai hôm trước, nên nhanh chóng chọn quyết định phản ứng thích nghi của một vị tướng chỉ huy ngoài mặt trận và can đảm nhận chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình trước thượng cấp. Ở chiến địa, tình hình chuyển biến nhanh chóng từng phút, từng giây, thân làm tướng chỉ huy mà còn hỏi trình thưa gởi về lệnh lạc thì làm sao mà đánh giặc được...Vì vậy, mặc dù bị Tướng Minh xài xể nặng, khi buông ống nói điện thoại với Tướng Minh, ông chuyển sang tần số gọi Trung tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 7, hỏi xem chuyện lập chướng ngại vật trong vòng đai phòng thủ phía bắc tiến triển đến đâu...”

“… Sau khi Tướng Hưng tự ra lệnh phá hủy cầu Cần Lê (không phải do Đại tá Trần Văn Nhật, Tiểu khu trưởng Bình Long, đề nghị, như một số bài báo viết sai lạc) một số nhịp cầu hư hại nặng. Ở vùng cầu Cần Lê, Chiến đoàn 52, được tướng Hưng cho điều động Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân - vừa mới được tăng viện- tiến lên ấp An Hữu phía nam cầu, tiếp ứng và yểm trợ, về được An Lộc với hơn 400 quân còn tác chiến được. Tình hình đã không còn nguy hiểm như buổi sáng ngày đó.”

Là một chiến hữu và bạn cùng khóa với Anh, Thiếu Tá Nguyễn Văn Dưỡng, người sát cánh bên Anh từng giây phút tại An Lộc, chắc hẳn ông hiểu rõ Anh nhiều hơn ai hết.

“…Thử nghĩ, nếu An Lộc mất ngay trong ngày đó, 7/4/1972, Saigòn sẽ ra sao? Washington sẽ nghĩ gì và làm gì? Sách lược “Việt Nam hóa Chiến tranh” của Nixon-Kissinger ở giai đoạn áp chót đó sẽ đi đến đâu? Mất An Lộc trong ngày đó sẽ tạo ảnh hưởng dây chuyền vô cùng khốc hại là chính phủ Nam Việt Nam và Quân Lực VNCH phải lo bảo vệ Thủ đô Saigòn là chính... Lấy quân ở đâu ra mà tăng cường tiếp viện cho Kontum và Quảng Trị? Hay Hoa Kỳ sẽ phải đưa Thủy Quân Lục Chiến trở lại Việt Nam? Không thể có chuyện đó. Và như vậy có phải sẽ mất tất cả hay không? Là thua cuộc sớm hơn và Hoa Kỳ còn tiếng tăm gì với thế giới! ... Vậy phải chăng quyết định sáng suốt và nhanh chóng của một tướng lãnh như Tướng Lê Văn Hưng ở An Lộc trong thời điểm đó không những là quyết định lớn nhất mang tính cách quyết định trong Chiến Tranh Việt Nam, đã cứu nguy cho cả Saigòn lẫn Washington? Ông có xứng danh là một danh tướng của miền Nam hay không?”

Không tiến quân nhanh qua cầu Cần Lê được để chiếm An Lộc, cộng quân đổi chiến thuật bao vây thành phố, cắt đứt các trục lộ giao thông chính dẫn vào thị xã, An Lộc hoàn toàn bị cô lập kể từ ngày 10 Tháng Tư, 1972. Được trau dồi đặc tính kiên cường và bất khuất trong kỷ luật quân đội, những người chiến binh Quân Lực VNCH lên cao tinh thần khi nghe Tướng Hưng ra lệnh: “Tử Thủ An Lộc.”

Trước đó tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, Tướng Hưng đã trình xong kế hoạch phòng thủ An Lộc cho Trung Tướng Minh: “…Khi nào tôi chết tại An Lộc, lúc đó Trung Tướng hãy lo!” Chắc hẳn còn nhiều bí ẩn khác, vì lúc đó các cố vấn Mỹ bên cạnh Tướng Minh còn chần chờ chưa chịu khai thác hết khả năng của Không Lực Hoa Kỳ.

“…‘Trong buổi sáng ngày 9 tháng 4, một phái đoàn phóng viên của Nhật báo Sóng Thần gồm Dương Phục, Thu Thủy và Nguyễn Tiến bay trực thăng lên An Lộc định phỏng vấn Tướng Lê văn Hưng về chiến trường sắp diễn ra. Lúc đó Tướng Hưng đang bận nên ủy thác cho tôi tiếp phái đoàn. Tướng Hưng nói với tôi là xin cáo lỗi phái đoàn vì ông bận việc hành quân không tiếp được, Chỉ cho phép tôi nói là

‘ÔNG NHẤT QUYẾT TỬ THỦ AN LỘC VÀ SẼ NHẤT ĐỊNH CHẾT Ở ĐÓ NẾU THÀNH PHỐ NẦY BỊ CÔNG SẢN CHIẾM’...”

Tình chiến hữu của các chiến sĩ Quân Lực-VNCH quá cao thượng, họ không những đang chiến đấu chống quân thù cộng sản Bắc Việt để bảo vệ Tổ Quốc và đồng bào Việt Nam, mà còn mang một tình đồng đội bác ái, vị tha.

“Nếu Tướng Hưng quyết tự sát khi mất An Lộc, tôi tin rằng chúng tôi sẽ đem được xác ông và xăng ra rừng đốt và mang than tro hài cốt về được Lai Khê trong vòng hai tuần. Tôi khẳng định với Hưng, như lời hứa của một người bạn, là tôi sẽ giữ mạng sống của mình và mang xác Hưng về. Tôi ở lại với Hưng ở chiến trường nầy. Chuyện này sau đó tôi cho Đại uý Dương Tấn Triệu, Trung uý Lê văn Chánh, Đại đội trưởng Trinh Sát và Trung Uý Nguyễn Đức Trạch, tức nhà thơ Trạch Gầm, con trai trưởng của Nữ sĩ Tùng Long, là những sĩ quan thân tín phụ trách những công tác mật và gay go trong các mật khu của CSBV trong khu vực chiến thuật của Sư đoàn trước trận chiến. Ba sĩ quan ưu tú này là những người bạn thân cận, dám sống chết với tôi.”

An Lộc bị vây, việc tiếp tế chỉ còn trông nhờ vào Không Quân VNCH và Không Lực Hoa Kỳ. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, xin Bộ Tổng Tham Mưu điều động thêm Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Trung đoàn 15 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh tăng viện ở mặt trận Bình Long. Và cũng vì sợ nguy ngập cho Saigòn, nên Tổng Thống Thiệu còn điều động hai Lữ Đoàn 3 Dù từ Vùng 2 Chiến Thuật về tăng viện Tướng Minh, đưa Lữ Đoàn 1 Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù vào An Lộc cho Tướng Hưng.

Phi Đoàn 221 trực thăng, Sư Đoàn III Không Quân, Biên Hòa, do Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức, Phi Đoàn Trưởng nhận lãnh trách nhiệm nầy (đưa Lữ Đoàn 1 Dù và Liên Đoàn 81 Biệt kích Dù vào An Lộc cho Tướng Hưng). Cuộc giải vây cho An Lộc, thực sự đầy nguy hiểm! Khi chiếc trực thăng chỉ huy CNC - Command And Control - của Thiếu Tá Ức với “slick” cuối cùng vừa chạm đất, trên một bãi đáp bí mật (đã do Đại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn 1 Dù, chọn) để tiến quân lên tái chiếm đồi Gió; ông Lưỡng trong ánh mắt đăm chiêu, bắt tay từ giã ông Thiếu Tá Phi Đoàn Trưởng 221 với lời cám ơn đầy tình chiến hữu: “Cám ơn anh, chắc anh em mình sẽ khó có cơ hội gặp trở lại.”

“…Toàn bộ đại bộ phận của Lữ đoàn 1 Dù gồm Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 Dù đã đổ quân hoàn tất vào khoảng 3 giờ chiều ngày 15 tháng 4 ở bãi đáp gần đồi Gió.”

Cuộc đổ quân thần sầu của Lữ Đoàn 1 Dù để giải vây An Lộc, không bị một thiệt hại nhỏ về đạn pháo của Bắc quân, là do công của Đại Tá Lê Quang Lưỡng vạch ra sau khi tham vấn với Tướng Hưng tại hầm Bộ Tư Lệnh hành quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh - An Lộc, ngày hôm trước.

…“Kế hoạch nầy khi đưa về SĐ5 thì được Đại tá Cố vấn William Miller yểm trợ hết mình, nhưng Tướng Hưng do dự vì muốn gặp Đại tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù trước cuộc đổ quân vào giải tỏa An Lộc ngày hôm sau 14 tháng 4. Ngày đó, vào sáng tinh sương, một trực thăng bay sát ngọn cây đưa Đại tá Lê Quang Lưỡng vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu của Đại Tá Trần Văn Nhựt. Tôi được lệnh đến đó đón Đại Tá Lê Quang Lưỡng về Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Khi vào hầm chỉ huy của Tiểu khu, tôi hiểu vì sao sau nầy các cố vấn Hoa Kỳ “mê” và hết lời khen ngợi Đại tá Trần Văn Nhật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long. Hầm ngầm của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, gọi là B-15, trước đó của Lực lượng Đặc Biệt Quân Lực-VNCH, được Hoa Kỳ xây dựng, sâu, kiên cố và rộng rãi gấp ba lần chiếc hầm u tối, chật hẹp, của Bộ Tư lệnh Hành Quân Sư Đoàn. Trong hầm, đèn sáng choang, các sĩ quan Việt Mỹ ngồi ở các bàn hành quân đề huề, đâu ra đó; bản đồ thành phố, bản đồ hành quân đầy đủ. Cũng không thiếu thuốc lá, café, trà ngon và thực phẩm khác.”

Phi Đoàn 221 trực thăng, liên hồi, tiếp tục đổ quân của Trung Đoàn 8 - Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào An Lộc. Sau khi đổ xong hai Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 8, thì trời đã sụp tối, mây mù, mưa lất phất. Thiếu Tá Ức, Phi Đoàn Trưởng ra lệnh các phi công của ông quay trở về Lai Khê vì thời tiết xấu không cho phép đổ quân tiếp, phải đợi sáng mai; riêng ông ở lại, cùng sẵn dịp, viếng thăm một người bạn, hay nói đúng hơn, phải là một chiến hữu tâm giao, và ông sẽ bay về lại   Lai Khê sau đó. Thiếu Tá Ức đi thẳng vào Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn, ông và Tướng Hưng tay bắt mặt mừng sau cái chào tay thân thiện của người có cấp bậc nhỏ hơn. Tướng Hưng đã mời Thiếu Tá Ức ở lại “chơi qua đêm,” và nhường lại chiếc “ghế bố Tướng” cho ông Ức nằm; cùng xếp thêm 3 cái khác cho cả phi hành đoàn, phi công phụ và 2 xạ thủ đại liên nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, thức dậy sớm khoảng 5, 6 giờ, ông Thiếu Tá Không Quân chắc ngủ không được thẳng giấc vì nghe tiếng ồn ào trên máy tuyền tin và tiếng pháo địch rót vào ầm ĩ, vang dội cả đêm. Thấy Tướng Hưng ngồi khoanh tay, mắt luôn dán nhìn vào tấm bản đồ hành quân của tỉnh Bình Long và thành phố An Lộc, đang chăm chú vào các tọa độ để điều quân trên các mặt trận ngoài vòng đai qua ống liên hợp.

“Chuẩn Tướng không ngủ à!”

Tướng Hưng quay sang ông Ức: “Tôi đang tìm cách cứu An Lộc.”

Chắc hẳn Trung Tá Ức giờ đây nơi hải ngoại và cả phi hành đoàn trực thăng chỉ huy - CNC - của ông, sẽ không bao giờ quên được một đêm dài “An và Lộc”, trên “Đoạn Đường Chiến Binh” mà những người lính bộ binh can trường của Quân Lực-VNCH đang đi.

“Xin tưởng tượng, một thành phố với chiều ngang 1 km và chiều dài 2 km chỉ trong đêm 12 rạng 13 tháng 4, phải chịu từ bốn đến năm nghìn quả đạn đại pháo của Cộng Sản Bắc Việt thì có nơi nào không bị pháo dội? Binh sĩ phòng thủ và cư dân trong thành phố bị thương rất cao. Bịnh viện tỉnh nằm trước mặt Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn, cách một con đường, bị pháo nhiều đợt. Người bị thương đưa vào đó trong những ngày trước chết nằm la liệt khắp nơi.”…

“…An Lộc là một thành phố của một tỉnh, không có hệ thống phòng thủ kiên cố như Điện Biên Phủ, như Khe Sanh. Trong thành phố đó nếu tính theo tỷ lệ nhân số thì chỉ có một quân nhân trong năm hoặc sáu cư dân. Vậy nếu An Lộc được bảo vệ bằng bốn, năm, hay sáu nghìn chiến sĩ thì có từ hai mươi nghìn thường dân hay nhiều hơn. Khi trận chiến khởi diễn, mấy nghìn cư dân, từng đoàn, chạy theo xa lộ về Chơn Thành, hay Bình Dương, bị bộ đội cụ Hồ bắn thẳng bằng súng trường AK-47 hay pháo kích pháo, thây chết đầy đoạn đường dài mấy cây số quãng từ đồn điền cao su Xa Cam trở về hướng nam. Ngày đầu tiên, khi tấn công An Lộc từ hướng đông, chúng đã lùa hàng trăm thường dân ở Quản Lợi làm mộc che phía trước bộ đội của chúng tiến theo ở phía sau. Hèn nhát và vô nhân. Chúng tôi thà chịu đựng cuộc tấn công đó một cách khó khăn và tránh làm thiệt hại cho thường dân, tránh không sử dụng hỏa lực tập thể của pháo binh hay không quân. Ngược lại cũng trong ngày nầy, chúng pháo kích vào nhà thương tỉnh lỵ, và nhiều lần khác trong các ngày sau, quần chúng bị thương hàng mấy trăm người đến đó, bị chết gần hết. Rồi thây người chết bị chúng dập thêm pháo, tan xác, mất đầu, cụt tay chân. Rồi đợt pháo khác nữa...thây người biến thành những đống thịt nhầy nhụa hay văng vãi tứ tung khắp trong ngoài bệnh viện. Đại tá Bùi Đức Điềm, Tham Mưu Trưởng hành quân của Tướng Hưng phải tự mình lái xe xúc đất bulldozer đào các đường rãnh sâu dài nhiều chục thước và rộng trên ba thước rồi chiến sĩ Đại Đội 5 Trinh Sát phụ chôn xác tập thể dưới các đường rãnh đó, như nói trên…”.

Trong lúc VC, do Tướng Trần Văn Trà chỉ huy, vừa bao vây vừa đánh nhấp thử vào các tuyến phòng thủ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh VNCH trong ba tuần lễ kế tiếp. Phải chăng ông Trà, lúc đó đang câu giờ để chờ đoàn xe tăng Bắc quân bên kia biên giới, được tăng phái từ Bắc Việt, cùng với lực lượng của các sư đoàn chủ lực, nghiền nát An Lộc? Lúc đó Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đã dàn xong thế trận, với các đơn vị chủ lực, Dù, Biệt Kích 81 Nhảy Dù, Biệt Động Quân, các Thiết Đoàn Kỵ Binh của Quân Đoàn, các Sư Đoàn 9, 21 Bộ Binh tăng phái từ Vùng 4 Chiến Thuật, đánh từ ngoài vào trong An Lộc; Trung Đoàn 7, 8 và phần còn lại của Trung Đoàn 9, Sư Đoàn 5 Bộ Binh “tử thủ An Lộc” cùng với dân quân cán chính tỉnh Bình Long.

VC dốc toàn lực vào muốn nghiền nát An Lộc ngõ hầu tạo nên thế mạnh trên bàn hội nghị Ba-Lê, bộ binh và xe tăng bọn chúng tràn đầy thành phố; nhưng với ý chí bất khuất của dân quân cán chính tỉnh Bình Long, tất cả những đợt tấn công của cộng quân đều bị đẩy lui, và cuối cùng, ngày 18 Tháng Sáu, 1972, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh tuyên bố An Lộc đã được hoàn toàn giải tỏa. Không những Tướng Minh đã trực tiếp cứu An Lộc mà còn gián tiếp làm cho một số chính trị gia Mỹ được hồi sinh, trên con đường “Việt Nam Hóa Chiến Tranh”.

“Anh hùng An Lộc” vang danh khắp bốn vùng chiến thuật.

Tướng Lê Văn Hưng quyết tử thủ An Lộc không những chỉ vì địa vị làm cấp chỉ huy của mình mà còn vì sự sống còn của Tổ Quốc Việt Nam. Anh hiểu rất nhiều về người Mỹ, Anh đã đụng chạm đến các viên chức cố vấn Mỹ từ lúc còn là cấp chỉ huy nhỏ. Theo ông James E. Parker, Jr., một giới chức tình báo của CIA, tác giả cuốn sách “Last Man Out” trang 344: “Why fighting a losing battle?” - “Tại sao lại đánh một trận chiến đang thua?” Tác giả thắc mắc thì tướng Hưng mỉm cười và hỏi lại: “What are my choices?” - “Tôi còn có những lựa chọn gì nữa đâu?" rồi chậm rãi nói tiếp:“This is my country.” - “Đây là đất nước của tôi.”

Anh đâu có tự đặt ra cái danh xưng “Anh hùng An Lộc” đó!

Cho dù có hơn 50 cái huy chương Anh Dũng Bội Tinh trên áo ngực, thêm một Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, một trong những huy chương cao quý nhất của Việt Nam Cộng Hòa, sau trận chiến An Lộc, Anh vốn là người biết nhiều, nói ít. Anh biết rằng những chiến sĩ đã hy sinh mới xứng đáng là anh hùng. Mắt Anh vẫn luôn hoen đỏ, Anh thương những người lính ấy vô cùng:

“Nhất Tướng Công Thành Vạn Cốt Khô”


An Lộc còn là nhờ sự chiến đấu can trường của dân quân An Lộc. Nhờ sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Quân LựcVNCH. Nhờ vào sự yểm trợ của Không Lực Hoa Kỳ. Nhờ và còn nhờ rất nhiều yếu tố khác hơn nữa.

Vì bốn chữ: “Anh hùng An Lộc” mà có một số người ganh ghét Anh vì vị kỷ cá nhân, rồi đưa ra những lời dèm pha, trách móc:

Nhờ Dù (lính nhảy dù) vào cứu An Lộc đó!

Nghe Dù nhảy vô, Tướng Hưng “mừng hết lớn” (?) Nhờ Biệt Kích 81 Dù cứu An Lộc mà! “…một cô thơ ký hành chánh tỉnh chạy giặc ẩn trú trong khu vực của Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù đã viết hai câu đối ca ngợi chiến sĩ của đơn vị thiện chiến này “An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.” Như vậy cô thư ký nầy cũng đã tham dự vào chiến công giữ vững An Lộc.”

Anh hùng cái gì, suốt trận An Lộc “ổng” ở dưới hầm không à! Không thấy sao? Ở dưới hầm cả tháng nên khi lên gặp ánh sáng, mắt “ổng” nháy lia lịa, không thấy sao? Người ta đâu có biết những cái nháy mắt là cái bẩm tật hồi còn nhỏ của Anh, từ lúc Anh còn phụ mẹ buôn bán tại chợ quận Hóc Môn. Than ôi! Cái bẩm tật của những kẻ tiểu nhân là ưa nói xấu người khác.

“…Địch chiếm Ty Chiêu Hồi và Trường Trung học Tỉnh, đang tấn công vào Đại đội 5 Trinh Sát, cũng... chỉ cách một con đường. Như vậy Bộ Tư Lệnh Hành Quân đang bị tấn công ở phía tây bắc cách hầm chỉ huy của Tướng Hưng chừng 150m và hướng đông bắc chừng hơn 100m. Tướng Hưng tức tốc ra khỏi hầm hành quân với toán Truyền tin vô tuyến và Thiếu úy Tùng, Sĩ quan Tùy viên, theo sau là Đại tá Ulmer. Toán binh sĩ tùy tùng tư lệnh nằm trong villa và canh gác đêm qua liền bố trí bao quanh Tướng Hưng và Đại tá Ulmer đứng trên sân gần cột cờ, đang liên lạc với các đơn vị trưởng.”

“…Tôi nằm ở một nơi bên trong bờ rào đất đắp dọc theo con đường trước dãy nhà làm việc. Tiếng súng nổ dòn dã ở khắp các tuyến khác. Một chập sau, tôi tự thấy mình vô lý quá. Nhiệm vụ của mình đâu phải là nằm đây để bắn... ai đó mà phải ở gần tướng tư lệnh sư đoàn giúp đỡ ông ta khi cần biết đến những gì liên quan đến địch quân. Nhìn quanh không thấy Trung tá Đăng, Trưởng phòng 3 ở đâu, chắc là ông đã trở xuống Trung tâm Hành Quân, tôi trở lại sân cờ nơi Tướng Hưng đứng và đến gần Thiếu úy Tùng, sĩ quan tùy viên của ông. Lúc đó tôi mới biết là Tướng Hưng vừa cầm ống vô tuyến vừa liên lạc với Trung úy Chánh, Trung tá Quân Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 7 và Trung tá Biết, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3/Biệt Động Quân, vừa liên lạc điều động phản lực oanh kích Không Quân VN yểm trợ cho tuyến của mấy ông nầy.”

Ra đến hải ngoại, nhiều ông cấp lớn còn lên tiếng ba hoa là nếu không có mấy ông ấy ở An Lộc thì Tướng Hưng đã đầu hàng rồi. Các ông đó, được bổng lộc của Mỹ quá nhiều nên quên cả cội nguồn dân tộc, không còn nhớ những gì đã xảy ra trong ngày cuối cùng khi miền Nam Việt Nam bị sụp đổ đớn đau.

“…Sự ghét bỏ Tướng Hưng của Đại tá Miller dù muốn che đậy qua vẻ lịch sự thường nhật của người phương Tây, nhưng Ông đã không tự kềm chế được lúc đó -

-và sau nầy nữa-- khi về lại Hoa Kỳ, Miller đã tạo nên một luồng dư luận lớn tấn công vào uy tín của Tướng Hưng và Bộ Tham mưu Hành Quân cuả Sư Đoàn 5 Bộ Binh là bất lực, thụ động, không làm được việc gì, “kể cả công việc tham mưu hành quân hoàn toàn do toán cố vấn Hoa Kỳ của Ông ta đảm trách suốt trận đánh An Lộc.” Ông ta còn cung cấp tài liệu thiếu chính xác mà nhiều bịa đặt nói trên cho Trung úy James H. Willbanks, trong toán cố vấn của Chiến đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh tăng phái, mà, sau này về Mỹ đi học lại, đã dựa vào để viết, trình, luận án Tiến sĩ (sau đó in thành sách với tựa đề “The Battle of AnLoc”, Indiana University Press, 2005), như nói phần trên. Tài liệu này của Wilbanks và các cuộc hội thảo khác về Trận An Lộc của Đại tá William Miller đã biếm nhẽ và hạ thấp uy tín của Tướng Lê Văn Hưng đến mức cao nhất trong Quân lực Hoa Kỳ. Trở lại thời điểm đó, nhìn rõ cục diện chiến trường mới thấy rằng sự hiểu biết của William Miller là nông cạn, đúng như Tướng Hưng nhận xét.”…

“…Thế nhưng nếu rút quân Dù đi khỏi khu vực đó hợp lực với một số đơn vị khác mà mở cuộc phản công chiếm lại phía bắc thành phố và Sân bay Đồng Long như chủ trương của Đại tá Cố vấn William Miller là thứ chiến thuật không tưởng, hạng bét. Vậy mà không hiểu tại sao Đại tá Miller không hiểu rõ tình thế lúc đó vẫn tiếp tục thôi thúc và cãi vã với Tướng Hưng về việc này cho mãi đến cuối tháng 4/1972.”

Những cái nhìn thiển cận đó chỉ đúng trong một góc cạnh nhỏ của một vòng tròn; Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, đã vẽ được một vòng tròn hoàn hảo 360 độ để điều quân cứu An Lộc, ắt phải chính nhờ một tâm điểm cố định: “Tướng Lê Văn Hưng - Tử Thủ An Lộc”.

“Quyết định quan trọng nhất là rút Tiểu đoàn 5 Dù của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu từ ngoại vi đông nam An Lộc lên phía bắc, vào thành phố, để phản công chiếm lại các nơi đã bị địch chiếm, đồng thời đưa Đại đội Trinh Sát của Lữ đoàn Dù từ tuyến phòng thủ gần Bộ Chỉ Huy Tiểu khu lên bảo vệ cho Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn 5 Bộ Binh mà Đại đội 5 Trinh sát đã quyết tử giữ vững hơn bốn giờ trước đó. Quyết định nầy vô cùng quan trọng là tuy nới lỏng hệ thống phòng thủ tuyến nam và đông nam An Lộc, nhưng bảo đảm được sự tồn tại của An Lộc vì đã bảo vệ được Bộ Tư lệnh Hành Quân Sư Đoàn 5 cũng là Bộ Tư lệnh Hành Quân của chiến trường An Lộc. Tướng Hưng và Đại tá Lưỡng đã quyết định vận mệnh của An Lộc... trên hết mọi quyết định khác của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III & Vùng 3 Chiến Thuật hay của Bộ Tư Lệnh TRAC (Third Regional Assistance Command- Bộ Tư Lệnh Yểm Trợ Vùng 3 Chiến Thuật), của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH hay của Bộ Tư Lệnh MACV (Military Assistance Command Vietnam), của Saigon hay Washington. Thực là rõ ràng.”…

Sự thật về An Lộc chỉ có những con người thật mới biết rõ.



 

Tuy bị khiển trách nhiều nơi Tướng Minh trong lúc đang đánh giặc nhưng Anh vẫn biết Tướng Minh có tài và hiểu biết nhiều về chính trị. Sau khi giải tỏa được An Lộc, biết Không Lực Mỹ sẽ không can thiệp nhiều thêm khi không có lý do chính đáng, Tướng Minh đã hội thảo với Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính (thành viên trong Phật Giáo Hòa Hảo - Tỉnh Long Xuyên), Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân VNCH, về khả năng tác chiến của Không Quân VN, nếu như ông muốn chiếm lại Lộc Ninh và được Tướng Tính trả lời là sẽ dùng hết khả năng Không Quân Sư Đoàn 3 của ông. Tướng Minh ra lệnh Tướng Tính, cần nhất là phải “bứng” hết các kho đạn, xăng dầu và tiếp liệu của “nó” trước. Tướng Tính thi hành đúng chỉ thị của Tướng Minh, ông cho triệt hạ một số trong nhiều cơ sở đó sát thành phố Lộc Ninh; thi hành chưa xong công tác đó thì Tướng Minh đã bị “bứng” khỏi chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật. Tướng Hưng trước đó đã được bổ nhiệm về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh - Quân Khu IV và Vùng 4 Chiến Thuật.

Có phải các ông quan to chức lớn hơn quá sợ “băng miền Tây” của Tướng Minh đang ở gần Dinh Độc Lập hay là bị Mỹ ngăn cản lại vì Lộc Ninh “đã được giá” rồi chăng? Và có thể cả hai đều là câu trả lời.

Sáng ngày 30 tháng Tư, 1975, phi trường Tân Sơn Nhất gần như tê liệt, hầu như không còn một phi cơ nào cất cánh lên được sau đêm mưa pháo dữ dội của địch quân vào đêm trước. Bộ Tư Lệnh Không Quân đã “di tản”, cấp chỉ huy cao không còn ai. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, bị thiệt hại nặng vì đạn pháo của quân cộng sản Bắc Việt, chỉ còn một đơn vị của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù bảo vệ. Binh sĩ hoang mang vì không còn người chỉ huy, tình cảnh lúc đó thật bi thương, ai oán.

Tôi đang bàng hoàng ngơ ngác. Một anh bạn tôi la lớn: “Tao chạy trước!” Tôi rất ngạc nhiên vì tôi biết anh là người rất trầm tĩnh và can đảm trong mọi nhiệm vụ những lần hai đứa đi công tác chung. Anh vụt chạy về hướng ngã tư Bảy Hiền, rồi chạy thẳng đến Quân Vụ Thị Trấn để mong tìm được thêm tin tức gì mới của các cấp chỉ huy, giống như những binh sĩ bị lạc đơn vị lúc VC tấn công vào Sài-Gòn - Tết Mậu Thân - 1968. Không có một lệnh gì mới tại Quân Vụ Thị Trấn, vì họ cũng không còn cấp chỉ huy. Anh vụt trực chỉ về tư dinh của Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, cậu ruột của anh, góc đường Phan Thanh Giản/Pasteur: “Cậu Minh kêu tao lên lầu.

- “Mình thua rồi con à!”

Rồi ổng kéo hộc tủ bàn viết ra, đưa một cái đồng hồ Rolex cho tao.”

- “Cậu cho con cái nầy nè, nhớ cất để làm của”

 - “Tao thấy trong đó có một cây P-38 và một trái lựu đạn ‘mini’, chắc để dành cho gia đình ổng quá!”

Lúc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, ông Hương bổ nhiệm Trung Tướng Nguyễn Văn Minh giữ chức vụ Tổng Trấn Sài-Gòn Gia Định. Sau đó ông Hương bị áp lực của quốc hội VNCH trao quyền hành lại cho ông Dương Văn Minh, ông Tổng Thống 48 tiếng đồng hồ của miền Nam tự do, cho triệu tập một nội các để chuẩn bị ra mắt đồng bào, hội đồng tướng lãnh do Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cầm đầu đã trình cho Tổng Thống Dương Văn Minh một bản thỉnh nguyện thư, có chữ ký của một số các sĩ quan quân đội trong nội các mới, để “Đầu hàng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vô điều kiện” và hỏi: “Có ai có ý kiến gì không?” Tướng Minh phẫn nộ, đứng dậy đập bàn: “Ai đầu hàng, đầu hàng hồi nào?” Chữ ký của Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đã “được ai đó” tùy tiện ký sẵn; toán cận vệ theo ông đã xô xát và suýt nổ súng với toán giữ anh ninh trong phòng họp.

Trong lúc hai cậu cháu đang ngồi nói chuyện thì nghe tiếng ồn ào dưới sân nhà, một chiếc xe Falcon đen và hai chiếc xe Jeep với một toán lính Thủy Quân Lục Chiến, một người Mỹ mặc thường phục, áo trắng, trên nách ông có đeo một khẩu súng cá nhân, đang xông vào xin gặp Tướng Minh. Người mặc áo trắng nói như ra lệnh ông Tướng: “In the order of General XYZ you and your family have 5 minutes to leave here, General!”-“Theo lệnh của Tướng XYZ, ông và gia đình chỉ có 5 phút phải rời khỏi nơi đây, thưa Ngài!” Vừa nói, ông Mỹ vừa kẹp Tướng Minh đi ra, đẩy vào chiếc xe Falcon, còn các anh lính theo ông Mỹ đó dẫn bà Minh và các đứa con còn lại theo sau, đoàn xe trực chỉ ra một chiếc trực thăng đang đậu tại trụ sở chính của Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên mà không phải là Tòa Đại Sứ Mỹ; lúc đó Trung Tướng Nguyễn Văn Minh vẫn còn đang mặc bộ đồ ngủ (pyjama)…Một loạt tiếng súng M-16 bắn chỉ thiên, toán lính cận vệ của Tướng Minh vẫn còn đang ngơ ngác không biết ai đã vào bắt đi chủ tướng của mình. Vài tiếng đồng hồ sau, miền Nam Việt Nam hoàn toàn lọt vào tay cộng sản. Mỹ đã giúp kết thúc cuộc đời làm tướng của ông Nguyễn Văn Minh.

Phải chăng đời binh nghiệp của hai ông tướng tài ba trong Quân Lực VNCH, Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Văn Minh đã được hoạch định trong một cái triết lý tầm thường của những lái buôn chính trị ngoại bang: “Oán Trả - Ân Đền”.

Vài tháng sau, tôi và anh bạn đó bị VC bắt, tuy ở hai nơi xa khác nhau, nhưng cùng chung một tội danh: “Quân Đội Ngụy, hoạt động gián điệp tình báo cho Đế Quốc Mỹ.”

Giờ đây nơi hải ngoại, đến ngày 30 Tháng Tư mỗi năm, ngồi bên tách cà-phê đắng, tôi vẫn còn bùi ngùi nhớ lại hình ảnh Ngày 30 Tháng Tư năm ấy... Đất Nước tôi! Ôi, Đất Nước tôi!

 

Gia đình và Tổ Quốc Việt Nam

Căn cứ Lai Khê rộn rịp, tưng bừng chào đón các chiến binh của sư đoàn “tử thủ” An Lộc. Minh Ngà hân hoan đón mừng chồng, Thiếu Úy Đồng tùy viên của Anh, và anh mình về trong niềm hân hoan khôn tả: “An Lộc xong rồi mà Anh còn đeo  hai trái lựu đạn làm em thấy sợ quá” - Ôm và vuốt tóc người em gái út của mình, tay Anh vừa chỉ từng trái lựu đạn đang đeo trên áo, vừa nói: “Một trái cho địch, một trái cho ta”. Ôi, sao anh tôi quá anh hùng!

“Tôi còn, An Lộc còn.” Câu nói đã được ghi nhận trong buổi tiệc liên hoan mừng chiến thắng tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh - Lai Khê. Khi mọi người hàn huyên tâm sự về cường độ pháo dập của cộng quân thật khủng khiếp chưa từng thấy trong chiến sử Quân Lực VNCH, tưởng chừng như san bằng cả thành phố, sẽ không còn một ai sống sót; Anh mỉm cười, nhớ lại lời đã hứa với Tướng Minh: “…Khi nào Tôi chết tại An Lộc, lúc đó Trung Tướng hãy lo!” rồi thốt lên: “Tôi còn, An Lộc còn.” Và được các nhà báo Mỹ chuyển ngữ “: “As long as I’m still alive, An Loc will remain standing for - General Le Van Hung.”

Vài hôm sau anh về thăm má, hai má con ôm choàng rơi lệ: “Con còn sống, má mừng!” Sau đó những buổi cơm gia đình thân mật, trò chuyện huyên thuyên, Ngọc, Ngà không ngớt hỏi han đủ điều, rồi kể cho anh mình nghe những tin tức chiến sự trong thời gian anh đang nằm tại An Lộc, anh lắng nghe, rồi chỉ mỉm cười về những tin tức đó, nụ cười của niềm tự tin muôn thuở. Đang nói về chuyện anh làm tướng, má vui miệng cười: “Ai như con, người ta làm tướng có nhà lầu, xe hơi, tiền của khắp nơi, còn tướng gì như con...tướng nghèo!” - Anh cũng nở một nụ cười trên môi, nhìn “trách” má: “Tại má, tại má lúc sanh con ra, má không chịu cấy cái máu tham vào người con làm chi, thì bây giờ...nghèo là phải”, bốn má con cùng nhau cười. Minh Ngà nhìn má: “Má biết hông, ảnh chỉ mê đánh giặc chớ không mê tiền đâu.” Cả bốn má con lại cùng nhìn nhau cười. Anh tôi đó!

 


Con đường quan lộc của Anh suôn sẻ bao nhiêu thì con đường hạnh phúc gia đình Anh trắc trở bấy nhiêu. Anh lập gia đình rất sớm với chị Nguyễn Thị Xuân Mai, sanh ra cháu Lê Kiều Ánh Tuyết, không mấy năm thì anh chị chia tay. Sau đó anh gặp chị Trần Xuân Nga, sanh ra cháu Lê Kiều Ánh Nguyệt, rồi sau hai người lại cũng chia tay. Người cuối cùng cho đến khi anh tuẫn tiết là chị Phạm Thị Kim Hoàng, nữ sinh trường trung học Vĩnh Long, sanh ra hai cháu, trai Lê Uy Hải và gái Lê Thiên Hà; (riêng cháu Hà, lúc chưa sanh anh muốn coi như là một nàng công chúa: “nếu con gái, anh sẽ đặt tên cháu là Lê Hoàng Vương Khanh, Lê là họ của anh, Hoàng là tên của chị,” và sau nầy các em cũng không biết rõ thêm).

Anh rất có hiếu với mẹ, mỗi lần đi phép về thăm nhà, anh luôn lo chu đáo những gì mẹ cần nơi anh. Anh vẫn thường xuyên hỏi thăm mẹ hoặc gởi lính đem quà biếu về cho mẹ, những lúc anh bận công tác xa. Đôi lúc mẹ nhớ anh, mẹ lại đi thăm anh, có những nơi ở Vùng 4 miền Nam, sông rạch chằng chịt, mẹ và Minh Ngọc, Minh Ngà phải đi xuồng qua, nhất là lúc anh còn làm Quận Trưởng Trà Ôn. Con người anh rất tình cảm, thương yêu gia đình nhưng không quên tổ quốc.


Một lần sau khi cơm nước xong, mẹ thường ăn trầu, anh tự tay khui lon sữa bò lấy sữa ra, rồi dùng nó để cho mẹ nhổ trầu. Rảnh rỗi sau khi ăn, anh lại thích dùng súng bắn chim để giải trí, anh bắn súng rất giỏi, bách phát bách trúng. Một hôm, anh đang nhắm để bắn một con chim đang đậu trên cành cây cổ thụ, nghe tiếng mẹ hỏi: “Con đang làm gì đó?” - “Con bắn chim” - “Thôi đi con, nếu con bắn nó chết, nó không về ổ được, thì con nó làm sao?” - Anh ngừng lại, má nói tiếp: “Tỉ dụ như má đang đi xe đò xuống thăm con, bị Việt Cộng giựt mìn chết, thì má làm sao thấy con”. Anh chùn tay, cặp mắt chớm buồn nhìn má; từ đó anh không còn bắn chim nữa. Anh rất thương má. Anh thường đi chùa, ăn chay theo lời má dặn, một cách đơn giản, đọt bí, bầu luộc chấm với chao; má thường nói: “Ăn chay mà cần gì phải ăn ngon, nấu nồi kiểm đủ thứ làm chi, rồi còn làm thịt giả chay chi cho mang tội.” Ngày chay nào anh không đi chùa được, anh cho lính đem lễ vật đến cúng. Trong những ngày anh bị vây ở An Lộc, các thầy hằng đêm tụng kinh cầu an, cầu nguyện cho anh.

Anh rất thương lính, những lúc má, Minh Ngọc, Minh Ngà xuống Cần Thơ thăm, anh thường dẫn đi xem nhà ăn của lính, một hình thức anh kiểm soát luôn cách nấu ăn cho quân đội của các ông nhà thầu nấu ăn cho lính, rồi giới thiệu má và các em anh. Binh sĩ dưới quyền rất thương phục anh. Trong trận chiến An Lộc, đại đội trinh sát cận vệ chỉ còn lại 42 người, vẫn chiến đấu oai hùng, đẩy lui hàng chục đợt tấn công của địch để bảo vệ bộ chỉ huy.

Anh rất kính trọng những người lính đã hy sinh; trước khi xác lính được liệm vào quan tài, anh đi dọc theo hàng ponchos gói xác những người lính, đang nằm bất động trong đó, trịnh trọng đưa tay lên chào những người mà vài giờ trước đó đã theo lệnh anh tấn công địch, họ đã theo lệnh anh để hy sinh bảo vệ Đồng Bào và Tổ Quốc Việt Nam, họ rất xứng đáng được cấp chỉ huy nghiêm kính chào lần chót.

Lúc anh làm Tỉnh Trưởng Phong Dinh, các quận, xã, ấp đều được anh để ý và bổ nhiệm các cấp chỉ huy giỏi trông coi. Thị xã Cần Thơ được thanh bình yên ấm.

Anh còn rất thương thú vật, nơi anh ở, anh nuôi nhiều giống vật lạ, khỉ, nhím...; anh thích nhất là mấy con chó Berger Đức, giống chó rất khôn và trung thành; khi anh ngủ, mấy chú chó đó là toán cận vệ sát bên anh, chúng theo anh từ Cần Thơ lên đến Lai Khê. Một sự thông minh của loài chó nầy rất khó tưởng tượng được, căn cứ quân sự thì lúc nào trực thăng cũng bay lên xuống không ngừng, vậy mà khi thấy mấy chú chó quẫy đuôi chạy ra, đó là lúc chiếc trực thăng chỉ huy của anh đang đáp xuống.

Một hôm anh vội vã về thăm má và các em ở Gia Định; má hỏi:

“Con về lần nầy sao không ở lâu?”

- “Tổng Thống Thiệu kêu trình diện

- Minh Ngọc nhanh miệng: “chắc Ổng cho anh lên hai sao chớ gì?”

- Vẫn một nụ cười tự tin trên môi:

- “Chuyện riêng của anh.”

- Anh đã đem theo chuyện riêng đó cho đến ngày anh tuẫn tiết. Anh biết nhiều, nói ít, chắc tại anh không thích làm những điều gì mà người khác nhờ ông Thiệu nói. Anh chiến đấu chống cộng sản xâm lược để bảo vệ Tổ Quốc và Đồng Bào Việt Nam, anh không đi bảo vệ cho một chế độ cầm quyền.

Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, rồi đến Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam rất quí mến và biết tài đánh giặc của anh; khi Tướng Nghi rời nhiệm sở, Tướng Nam thay thế và đưa anh lên làm phụ tá Tư Lệnh, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật. Anh duyệt lại khả năng của các ông trung đoàn trưởng, anh biết rất nhiều về các ông ấy vì đôi giày sô của anh đã “dẫm nát” Vùng 4 Chiến Thuật. Trí nhớ rất sáng suốt, anh nhớ rất nhiều tên các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ dưới quyền. Trước ngày anh tuẫn tiết không lâu, một sĩ quan đến viếng thăm anh tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn:

“Anh Truyền đi đâu vậy, đến đây có việc gì không?”

-“Dạ, đến thăm Chuẩn Tướng chơi, chớ không có gì.”

-“Lúc nầy ra sao?”

-“Dạ cũng bình thường, thưa Chuẩn Tướng, làm quận trưởng cũng mệt quá.”

-“Tôi biết, thôi ráng đi.”

Anh còn nhớ Trung Úy Truyền, Đại Đội Trưởng thuộc Trung Đoàn 31/Sư Đoàn 21 Bộ Binh của anh, nằm mọp chiến đấu bên bờ ruộng, cạnh anh và các cố vấn Hoa Kỳ trong trận Mậu Thân 1968. Mắt anh đăm chiêu, không phải vì cố ráng nhớ tên người sĩ quan đó mà chắc đang lo lắng thêm vì tình hình chiến sự của hai vùng Chiến Thuật 1 và 2.

Giờ đây ông Truyền đang làm quận trưởng Phong Thuận, tỉnh Phong Dinh - Cần Thơ - Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền, một cái tên khá dài, anh vẫn còn nhớ, có lẽ cũng vì cùng họ Lê.

Vài tuần lễ trước biến cố đau thương của dân tộc, anh đưa một phong thơ, nhờ anh sĩ quan tùy viên đem về Sài-Gòn đưa cho má và các em. Anh dặn dò Ngọc, Ngà, ở gần ráng lo cho má khi không có anh: “…hai em thay anh lo cho má như từ thuở nào…, nhưng bản tính cố hữu của anh là rất ít nói… “Con xin lỗi má, con nhớ má lắm, vì tình hình đất nước không cho phép, nên con không về thăm má được…Nếu Sài-Gòn có bề gì, má và gia đình hai em phải xuống liền Cần Thơ vì nơi đây con còn có cả một lực lượng Hòa Hảo...” Đọc xong, má ngậm ngùi: “Chắc Cần Thơ giống như An lộc quá hai con ơi!” Những dòng chữ anh viết mãi mãi nằm trong ký ức của má và các em. Không ngờ sau nầy, bức thơ đó là bức thơ tuyệt mạng của anh tôi!

Vài ngày sau khi Sài-Gòn sụp đổ, Má anh đến gặp Ba, tuy hai người đã không còn chung sống với nhau nữa, cho Ba hay tin anh đã chết. Má của anh và má của em như là hai người bạn thân từ thuở trước, liên lạc với nhau rất thường; lúc má anh còn buôn bán tại chợ quận Hóc Môn, má em phụ giúp bà nội lo ruộng vườn ở tại thôn Thuận Kiều, xã Bà Điểm, quận Hóc Môn. Ba buồn, nhưng biết rõ tính anh. Trận An Lộc, ba rất hãnh diện với bạn bè của ba: “Đánh giặc phải lì như thằng Hưng mới được.” Rồi má anh tiếp tục kể về cái chết của anh cho ba nghe. Các sĩ quan tùy viên và những người thân của anh còn lo sợ VC biết sẽ trả thù, chỉ còn anh Tài, lính nấu cơm cho Anh, lẻn về tìm nhà má, kể cho má biết mọi chuyện. Xác Anh đã được chị Hoàng và các người sát cánh bên Anh lo chôn cất chu đáo.

Theo lời thuật của Trung úy Nghĩa, tùy viên của Anh:

“... Tôi bước vào phòng trình tự sự lên 2 vị Tướng. Tôi thấy mắt Chuẩn Tướng hơi chùng xuống, rồi gật đầu tỏ ý không cần thêm gì nữa. Tôi bước ra ngoài, một nhân viên văn phòng trao chiếc radio và cho biết đài phát thanh Sài Gòn thông báo dân chúng đón nghe thông điệp khẩn của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi quay trở vào phòng trình Chuẩn Tướng. Lúc nầy Thiếu Tướng Nam đã trở về phòng ông.

Chuẩn Tướng vội vã rời phòng bước xuống bậc thềm hướng về toà nhà Tư Lệnh. Mười lăm phút sau, tôi ghi vội nội dung lời phát biểu cuối cùng của Tổng Thống Minh, định sang trình 2 vị Tướng. Gặp Chuẩn Tướng đang bước xuống bậc tam cấp, tôi vừa trao tờ giấy vừa nói vắn tắt :

- Tổng Thống Minh đã đầu hàng! ...

Chuẩn Tướng quày quả đẩy cửa vào Phòng Tư Lệnh, 15 phút sau, Chuẩn Tướng trở lại văn phòng mình và bảo tôi gọi để ông nói chuyện cùng 16 Tiểu Khu Trưởng. Đó là lệnh ban hành thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Vùng 4 kể từ giờ phút nầy. Các đơn vị dừng quân và bố trí tại chỗ chờ lệnh Quân Đoàn. Nếu nó ‘bung’ thì làm lại liền. Thiếu Tướng Tư Lệnh cũng gọi cho 3 Tư Lệnh Sư Đoàn 7, 9 và 21.

Mặc dù nhận rõ thông điệp của Tổng Thống Minh, nhưng hai vị Tướng Lãnh trách nhiệm sinh tử Vùng 4 lúc nầy muốn ngăn trở những hỗn loạn có thể xảy ra trong cảnh tối tăm nầy. Chính vì vậy mà giờ phút nầy, Chuẩn Tướng vẫn liên lạc cùng Tướng Tần, Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân, hỏi ông về việc sử dụng bom CPU. Tôi không rõ chuyện thảo luận của 2 vị về việc nầy, nhưng 1 tiếng sau đó, sau khi rời phòng họp, Tướng Tần cùng các sĩ quan của ông đã lên các phi cơ rời căn cứ ... nối gót lực lượng Hải Quân! ...

Giờ phút nầy, tôi đang giúp Chuẩn Tướng điều chỉnh lại bộ dây ba chạc trên người ông, Chuẩn Tướng như đang trong tư thế đối đầu tại chiến tuyến. Cửa phòng xoạc mở, 3, 4 Đại Tá tất bật kéo nhau vào. Các vị nầy trong số 7 vị Đại Tá được Tư Lệnh Quân Đoàn đề cử vào chức vụ Phụ Tá Tư Lệnh Phó đặc trách về Xây Dựng và Bình Định, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân... Thấy điệu dạng họ như vậy, Chuẩn Tướng cười mỉm :

- Các ông làm gì vậy? Tôi còn đây mà.

Thì ra các vị đến để yêu cầu ông Tướng trình Tướng Tư Lệnh để họ được đảm nhiệm chức vụ Trung Đoàn Trưởng, lấp chỗ các vị đã tự ý rời nhiệm. Tôi ngầm hiểu ý nghĩa về việc yêu cầu đó: Thông thường các Trung Đoàn Trưởng được cấp trực thăng C N C sử dụng trong ngày. Tôi được biết Đại Tá Bùi Huy Sảnh, Trung Đoàn 33 cũng vừa rời bỏ chức vụ. Chẳng biết ông có di tản được không?”

“…13 giờ, chúng tôi trở vào Bộ Tư Lệnh, cách tư dinh Tư Lệnh Phó độ 300 mét. Tôi thấy xe Falcon đen cũng đưa bà Tướng cùng 2 con rời cổng dinh. Tôi hơi ngạc nhiên và lo lắng ...Có tiếng ồn ào phía Phòng 2 Quân Đoàn: Một núi giấy tờ đang được đốt cháy ngùn ngụt. Có lẽ các hồ sơ quan trọng được thiêu hủy? Tôi không rõ Đại Tá Trưởng Phòng có còn đó không, và việc thiêu hủy giấy tờ nầy do lệnh của ai? Tôi cũng không rõ giờ phút nầy có còn đủ các Trưởng Phòng không? Chuẩn Tướng cũng không gọi đến vị Trưởng Phòng nào, ngay cả Trung Tá Tòng, Trưởng Phòng 3! Tôi tự hỏi, “Trong tình huống nầy, 2 vị Tướng có còn chỉ huy cấp dưới được nữa hay không.” Khuôn viên Bộ Tư Lệnh vắng ngắt, nghẹt thở.

14 giờ 30, Chuẩn Tướng lại trở về tư dinh. Ông bước lên bực thềm, nhưng không bước vào trong như mọi khi, mà đứng tại hiên tiền đình, nhìn mông lung ra khoảnh sân phía trước. Tôi đứng bên trái Chuẩn Tướng, cách vài bước, hơi chếch phía sau, hướng tầm mắt theo ông. Mới vào Hè mà cảnh vật như đã sang Thu, Đông. Trời chiều ảm đạm, thê lương, từng mảng mưa bụi lạnh lẽo thả xuống tàn phượng vĩ đang nở hoa đỏ ối giữa sân, thêm hình ảnh bất động của Chuẩn Tướng trước mặt, tất cả mang đến cho tôi một cảm giác u-buồn, tan tác...Bất chợt, Chuẩn Tướng quay lại hỏi tôi:

-Cô đi đâu?

- Thưa, cô đến nhà thờ xin lễ rửa tội.

Vừa lúc đó cửa cổng dinh mở toang, chiếc Falcon trườn vào. Tôi thở ra nhẹ nhõm.”

“…Mấy ngày nay, tình hình chiến sự, tình hình đất nước đen tối như vậy, mà người thợ may riêng không ngớt giải quyết mớ vải vóc mới tinh cho bà Tướng cùng thân quyến. Bây giờ lại đi xin rửa tội. Tôi không bao giờ nghĩ ra chuyện ông bà Tướng đã âm thầm cùng bàn bạc chuẩn bị cái chết cho toàn gia đình. Và phần bà đã dọn mình bằng chính cung cách riêng của bà. Bà muốn khi từ giã cõi đời sẽ cùng con cái được đón nhận là con chiên của Chúa, và bước vào áo quan với bộ đồ mới tinh, trong trắng...Nhưng vào phút cuối cùng, khi nhìn thấy 2 con thơ dại, Chuẩn Tướng thay đổi ý và nằn nì bà ở lại đùm bọc 2 con.”

“…Gương mặt Chuẩn Tướng thoáng chút rạng rỡ khi thấy vợ con về đến dinh an toàn. Ông bước đến bên xe đón bà, trao đổi vài lời rồi lên xe trở lại Bộ Tư Lệnh.”

“…Tôi không nghe Chuẩn Tướng báo với Thiếu Tướng chuyện ông tính đến đài phát thanh mà không thành. Cuộc điện đàm giữa 2 vị Tướng kết thúc. Buông ống liên hợp xuống, Chuẩn Tướng thừ người, ngồi bất động. Lần đầu tiên tôi nhận ra vẻ mệt nhọc tuyệt vọng trên gương mặt ông. Chỗ dựa cuối cùng đối với đơn vị và những đàn em thân tín mà ông từng chỉ huy giờ đã bật gốc.”

“…10 phút sau, Chuẩn Tướng gọi tôi lên lầu gặp ông. Tại đây tôi thấy ngoài tôi và Thiếu Tá Phương, còn có đông đủ những binh sĩ đã từng phục dịch Chuẩn Tướng cùng gia đình rất lâu năm. Chuẩn Tướng đứng tại phòng ngủ, hai cánh tay ghì chặt đứa con gái 3 tuổi để cho đầu cháu tựa vào má ông. Bà Tướng đứng bên cạnh. Hai bàn tay măng non của cháu bé hồn nhiên lùa vào mái tóc cha làm lõa xõa vài lọn tóc rối trên trán Chuẩn Tướng. Bức tranh bi thảm ấy khiến lòng tôi ngậm ngùi tê cứng. Bằng giọng nói tha thiết, ân cần, Chuẩn Tướng gởi lại bà cùng 2 con cho chúng tôi. Ông quả quyết từ giờ cho tới sáng sẽ không có chuyện gì xảy ra, bảo chúng tôi cố gắng hộ tống bà cùng gia đình về Sài Gòn rạng sáng ngày mai, 1 Tháng 5. Đó là lời uỷ thác cuối cùng của Chuẩn Tướng. Dù đã từng xông pha bao chiến trận, nhưng trong giờ phút tử biệt nầy, Chuẩn Tướng không nén được nỗi uất nghẹn trong lời nói. Ông lấy lại trầm tĩnh thật nhanh, quát bảo tất cả trở xuống dưới nhà, chỉ còn mình tôi và bà Tướng ở lại. Để rồi giây phút vĩnh quyết đã đến!...”

Đúng 8 Giờ 45 Phút tối ngày 30 Tháng Tư, 1975, một tiếng súng nổ vang dội trong phòng, lá cờ Quốc Gia Việt Nam, Nền Vàng Ba Sọc Đỏ mà Anh hằng ấp ủ trong tim tung ra như hàng vạn cánh bông cờ, ôm trùm phủ xác thân Anh trong giờ tiễn biệt.

Mờ trong bóng đêm, trên cõi vô hình, thấp thoáng hàng hàng lớp lớp hình bóng các chiến binh anh hùng của Tổ Quốc Việt Nam đang vẫy tay chào đón thêm một vị Anh Hùng Dân Tộc, Anh Hùng An Lộc, Anh Hùng của Tổ Quốc Việt Nam: Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng. (1933-1975) Hưởng dương 42 tuổi.

Vài ngày sau, một toán công an Việt Cộng ụp thẳng vào nhà tại đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định, trong lúc má và Minh Ngà còn đang ngơ ngác, run sợ. Một tên nói rặt giọng “bắc kỳ bảy lăm” tra hỏi tông tích anh:

“Thằng Hưng đâu rồi?”

- “Con tôi nó chết rồi.”

- “ Bà nói dối, nó đâu rồi, chỉ ngay.”

- “Tôi nói thiệt, con    tôi nó chết rồi.”

- “Bà nói dối, thằng Hưng chết là thằng Hưng giả, thằng Hưng thiệt nó đi vào rừng rồi.” Bọn chúng vẫn còn khiếp sợ uy danh của Anh, chia nhau đi lục soát từng góc, khắp nơi trong một căn nhà nhỏ. Sau đó mỗi ngày, chúng thay phiên đến ngồi tại nhà má liên tục cả tháng trời để mong tìm xem người anh hùng An Lộc thực sự còn hay chết.

Mỗi năm kế tiếp, để tưởng nhớ đến ngày giỗ anh, má và Minh Ngà thường cúng giỗ vào ngày 30 Tháng Tư, mà không dùng ngày âm lịch như thông lệ của nhiều người Việt Nam. Một mâm cơm đơn giản với vài miếng thịt heo quay và một cái dá heo, một chai bia, thắp lên hai ngọn đèn cầy, đốt vài nén nhang, má nói: “Anh con thích.” Theo tuổi già sức yếu, má đã qua bên kia thế giới để gặp anh ngày 28 tháng 10, (ÂL), năm Ất Sửu - 09 Tháng 12, 1985.

Đọc lại những gì đã viết về Anh cho Minh Ngọc, Minh Ngà nghe. Ba đứa cùng nhìn nhau khóc trào. Trong những giọt nước mắt long lanh ấy, vẫn còn hiện rõ hình bóng Anh, với một nụ cười tự tin của một chàng thư sinh trong bộ đồ lính trận, giày sô, nón sắt. Anh chưa chết đâu anh!

Bốn mươi năm vẫn một bóng hình anh tôi: Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng.

Ước mong những người Việt đang xa quê hương đừng quên Ngày 30 Tháng Tư, Ngày Tang Thương của đất nước Việt Nam và hãy cùng nhau tay trong tay quyết tâm đấu tranh để giải thể đảng cộng sản, quang phục lại quê hương Việt Nam.

“Non cao những ngóng cùng trông,

Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.

Xương mai một nắm hao gầy,

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.”

“Dù cho sông cạn đá mòn,

Còn non còn nước, vẫn còn thề xưa.”

 

Lê Văn Kim

30 Tháng Tư, 2015

Nam California, Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment