Wednesday, April 13, 2022

Chương 16, 17, 18 - Tử thủ căn cứ hỏa lực 30 Hạ Lào (Trương Duy Hy)

 


Posted on March 27, 2022 by Lê Thy

(Nguồn: Lê Thy đánh máy từ sách in trước 1975 do TM gởi tặng)

 

Link: Chương 1, 2, 3

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/truong-duy-hy-tu-thu-can-cu-hoa-luc-30.html

Link: Chương 4, 5, 6

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/truong-duy-hy-tu-thu-can-cu-hoa-luc-30_8.html

Link: Chương 7, 8, 9

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/truong-duy-hy-tu-thu-can-cu-hoa-luc-30_9.html

Link: Chương 10, 11, 12

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/chuong-10-11-12-tu-thu-can-cu-hoa-luc.html

Link: Chương 13, 14, 15

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/chuong-13-14-15-tu-thu-can-cu-hoa-luc.html

Link: Chương 16, 17, 18

https://mauaotran.blogspot.com/2022/04/chuong-16-17-18-tu-thu-can-cu-hoa-luc.html

 

 oOo

Chương 16

HAI LẦN TRIỆT-THOÁI HAI LẦN ĐÌNH-HOÃN

Sáng 1 tháng 3-1971, Trung-tá Thạch mời tôi và Trí qua họp tại BCH/TĐ2 Dù.

Với đoạn đường không quá 50 thước từ hầm tôi đến chỗ họp, song tôi có cảm tưởng đó là đoạn đường tử thần! Muốn vượt qua phải chạy thật nhanh, chuyền từ hầm này đến hầm kế tiếp mới mong tránh được pháo kích. Tôi thường lấy Đài Tác-xạ của Trí làm trạm dừng chân, rồi cùng Trí chạy sang BCH/TĐ2 Dù.

Tại đấy, có cả Thiếu-tá Lê Văn Mạnh, Tiểu-đoàn Phó TĐ2 Dù mới ở tiền đồn về, cùng Đại-úy Trần Công Hạnh và Thiếu úy Sĩ-quan Liên-lạc Pháo-binh 320 đang ngồi đợi chúng tôi.

Trung-tá Thạch chỉ thị:

– Bây giờ các anh về lo thu xếp đồ đạc gọn gàng, các vật liệu cần thiết thì mang theo, cái gì không cần cho phá hủy tại chỗ. Chốc nữa, trực thăng sẽ đến triệt thoái… Ngay bây giờ các anh phải chuẩn bị sẵn sàng… Giờ trực thăng đến tôi báo sau…

Đại-úy Hạnh tiếp:

– Để giữ trật tự, các anh phải sắp hàng tại bãi đáp thứ 3, phân ra từng toán nhỏ trước khi lên phi cơ, chứ đừng tranh nhau, bọn phi công sẽ bỏ lại hết.

[Bãi trực thăng số 3: Mới thiết lập tầm tối hôm trước, nằm về phía Nam BCH/TĐ2 Dù – Vì bãi trực thăng số 2 đã bị Cộng quân điều chỉnh súng cối 82 ly bắn vào rất chính xác.]

Tôi và Trí nêu thắc mắc:

– Thưa Trung-tá, vậy chúng tôi có phá đại bác không? Bây giờ thì Trung-tá là Chỉ-huy Trưởng trực tiếp của chúng tôi, chúng tôi chỉ còn biết thi hành theo lệnh của Trung-tá thôi chứ chẳng còn liên lạc được với ai. Tất cả ăng-ten của chúng tôi đều bị gãy nát vì pháo kích. Nếu có lệnh của Trung-tá, bọn tôi sẽ phá súng trước khi rút… Tôi có đủ lựu đạn cháy…

Suy nghĩ một chút, Thiếu-tá Mạnh hỏi tôi:

– Ngoài việc phá súng bằng lựu đạn cháy, anh còn có cách gì làm cho súng bất khiển dụng mà khỏi phá hủy không?

– Thưa Thiếu-tá, cái đó là nghề của bọn tôi. Chúng tôi có thể tháo chốt một vài cơ phận cần thiết hoặc siết chặt một con ốc cũng đủ biến khẩu đại bác thành khối sắt vô dụng… nhưng không biết Thiếu-tá có cho lệnh không?

Thiếu-tá Mạnh thoáng nhìn qua Trung-tá Thạch hội ý.

Trung-tá bảo:

– Lệnh phá súng! Chúng tôi không được Thượng-cấp đề cập đến. Nhưng thôi, nếu các anh tháo cơ phận chôn giấu thì càng hay. Như vậy chúng ta dự phòng được vào phút chót, lỡ có lệnh gì thay đổi mình có thể xử dụng lại được.

– Thưa Trung-tá, vậy chúng tôi sẽ chôn giấu khối kích hỏa và cần vận dụng… thiếu một trong hai món này, súng bọn tôi chỉ là khối sắt không hơn không kém.

– Thôi các anh về chuẩn bị…

Theo Đại-úy Trí, tôi vào Đài Tác-xạ Pháo-đội C3 Dù trao đổi vài ý kiến với Trí. Sau đó, tôi phóng vội về vị trí, họp tất cả Khẩu-trưởng và Trưởng Ban bàn việc triệt thoái.

Tôi chỉ thị cho các Khẩu-trưởng tháo gỡ cần vận dụng và bắt buộc phải đem về nộp cho BCH/TĐ44 PB khi đến Khe Sanh, để chứng minh súng đã thật sự bất khiển dụng, khối kích hỏa thì đem chôn giấu. Riêng một máy nhắm còn tốt, tôi giao TS Thìn cất giữ.

Lân ngồi cạnh tôi ghi danh sách từng toán, đồng thời tôi lưu ý đặc biệt các Khẩu-trưởng về bổn phận giữ trật tự nhân viên trong Khẩu-đội, khi lên phi cơ trực thăng. Tôi chỉ thị rành rẽ cho từng Ban phải mang những máy móc truyền tin, dụng cụ tác xạ cần thiết đem về hết. Những vật dụng khác, tôi ra lệnh tập trung ngay tại Đài Tác-xạ – để toán cuối cùng của Trung-úy Lân tiêu hủy khi rời vị trí.

Bên ngoài, đạn pháo kích vẫn đều đều rơi hết chỗ này đến chỗ khác. Có lúc rơi sát mặt hầm, tung bụi đất tràn vào bên trong.

10g00 đoàn trực thăng khoảng 10 chiếc từ Khe Sanh đến bốc Đại-đội tiền đồn Đông Nam căn-cứ đưa về Khe Sanh. Cộng quân tức khắc xử dụng súng cối bắn lên tiền đồn. Những đốm khói tung ra sau tiếng nổ hiện rõ trước mắt chúng tôi. Từ căn-cứ nhìn sang, chúng tôi quan sát rõ nỗi khó khăn, nguy hiểm của phi hành, đâm lo ngại cho trường hợp của mình sắp đến. Có những quả 82 ly rơi ngay bên dưới chân trực thăng, làm cho trực thăng chòng chành đến mất thăng bằng!

…Tôi hướng dẫn một nửa quân số Pháo-đội, di chuyển qua BCH/TĐ2 Dù. Số nhân viên còn lại tôi giao cho Lân và Ngân chỉ huy, tiếp tục đi sau, sau khi kiểm soát xong việc tháo gỡ đại bác và đợi lệnh tôi ngay tại vị trí – nếu việc triệt thoái toán đầu tiên do tôi chỉ huy không trở ngại, toán của Lân và Ngân mới tiếp tục rời bãi đáp.

Gặp Đại-úy Hạnh ngay cửa hầm của BCH/TĐ2 Dù, Đại-úy chỉ thị cho tôi đưa anh em xuống bãi trực thăng số 3. Trông Đại-úy có vẻ lo lắng cho chúng tôi lắm – có lẽ vì Đại-úy hiểu rõ khả năng chiến đấu của chúng tôi trong tình thế bây giờ.

Từ ven rào phòng thủ căn-cứ, tôi đi sâu xuống phía Nam, lần đến một khoảng đất bằng nhưng đầy lau lách. Tôi suýt ngã mấy lần vì dốc quá đứng. Cỏ lau tuy cao đến cổ, nhưng tại chỗ này nhìn quanh thấy trống trải quá! Nơi đây chưa có hầm hố gì cả! Giá như địch pháo kích thì lãnh đủ!

Bên tiền đồn, việc triệt thoái đành phải bỏ dở vì địch pháo kích mỗi lúc một gắt gao. Một số binh sĩ còn lại phải gồng mình tự vệ để đợi lệnh mới…

Chúng tôi đứng ngóng đợi cả giờ đồng hồ vẫn không thấy máy bay đến…Đại-úy Hạnh gọi vô tuyến cho tôi:

– Lệnh triệt thoái đã hủy bỏ rồi, anh đưa anh em trở về vị trí chiến đấu như cũ!

Trời nắng gắt, hai chân tôi như sụm lại, tôi mệt lả muốn ngất. Cố gắng hết mình, tôi leo dần lên khỏi dốc và nằm ngửa trên đất thở hào hển, mặc cho đạn pháo kích phủ cả vị trí và bãi đáp số 2, tôi không còn biết tránh trớ gì nữa. Sau đó, tôi bảo anh em về lắp lại các cơ phận vào súng và trực xạ xuống ven đồi ngay, khẩu nào bắn cũng được, miễn có tiếng nổ… Xong, tôi bước vào hầm Đại-úy Hạnh.

Vừa nhìn thấy tôi, Đại-úy Hạnh trách:

– Tôi bảo các ông trật tự cho mà cũng không làm được! Xuống bãi đáp ào ào như thế, bọn nó thấy, nó pháo kích chết cả đám!

Thật oan cho tôi. Tôi lấy khăn thấm những giọt mồ hôi nhầy nhụa trên mặt, trên cổ… tôi đáp lại:

– Không biết ai đã vô kỷ luật, chứ Pháo-đội tôi rất kỷ luật. Chính tôi đích thân dẫn nửa Pháo-đội xuống bãi đáp. Số còn lại do Trung-úy Lân hướng dẫn đi sau. Nhưng đến phút này, Lân vẫn chưa rời vị trí. Như vậy quân số tôi không quá 35 người, làm sao có thể tạo ra cảnh hỗn loạn, nhất là có mặt tôi tại chỗ? Vả lại, ngoài chúng tôi còn có binh sĩ Dù của Đại-úy, Pháo-thủ Dù của Đại-úy Trí, một số binh sĩ Biệt-Động-Quân nữa.

[Một số binh sĩ BĐQ: Mặc dầu đã có 2 lần triệt thoái Tiểu-đoàn 21 BĐQ về Căn-Cứ Phú Lộc, nhưng vẫn còn sót lại khoảng chục quân nhân nữa gồm có Thượng Sĩ Ra, TSI Chiếu, TS Hóa, HSI Châu, HSI Thư, HSI Tây, BI Hoàng… của Đại-đội 1/TĐ21 BĐQ]…

Trí đứng cạnh tôi im lặng.

Thiếu-tá Mạnh tiếp:

– Thôi, bây giờ không có trực thăng thì khỏi có đi đâu nữa. Trật chìa cả đám! Truyền tin dịch công điện cũng sai mẹ đi… Nó nhận một lần 4 chữ «T» (TT/TT) là «tiếp tục tiếp tế» thành «túc trực triệt thoái»… Làm ăn thế có chết người không?… Thôi các anh về lo lắp lại các đại bác mà chiến đấu!

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

 

Trở lại vị trí, tôi ngả mình trên ghế bố thở dốc. Tôi đâm chán ngán «lệnh» với «lạc»! Hai chân tôi bỗng dưng nặng như hai cái cùm. Bệnh rhumatisme tái phát. Tôi uống vội vài viên Anacine để dịu cơn nhức, giao cho Trung-úy Lân điều hành mọi việc.

Nằm trong hầm, tôi đếm đúng ba tiếng nổ của ba quả đạn 155 ly bắn báo hiệu cho Cộng quân hiểu rằng: Chúng tôi còn sức chiến đấu tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 này… Nhưng sau đó, tất cả lại vào hầm, vì địch nghe Pháo-binh của ta hoạt động lại, chúng tập trung pháo kích dữ dội vào căn-cứ.

Hình ảnh triệt thoái Đại-đội tiền đồn quá khó khăn lại hiện đến với tôi. Tôi lo ngại số phận của số anh em Dù ở trên đồn ấy còn quá ít, không biết có đủ sức chống trả các cuộc tấn công, đột kích của địch trong đêm nay chăng? Cảnh tượng chiến đấu thiếu hụt quân số – (vì trực thăng đã hốt được một phần Đại-đội này di chuyển về Khe Sanh rồi) – làm cho tôi thầm lo lắng. Hẳn anh em bên ấy phải gồng mình lắm mới cố thủ nổi, nhất là trận chiến ác liệt tại đây, không ai có thể tiên đoán những gì sẽ xảy ra trong phút tới!

Chiều lại, Cộng quân tái tấn công căn-cứ chúng tôi. Súng nổ ran quanh vị trí hòa lẫn với tiếng hô «xung phong».. «xung phong».. ven đồi, cố áp đảo lực lượng phòng thủ… Phản lực cơ được gởi đến ngay. Đại-úy Hạnh hướng dẫn trực thăng OV2 đánh dấu mục tiêu bằng đạn khói cho Jet dội bom và xạ kích ngay hướng Đông căn-cứ, trông rất ngoạn mục.

Điểm đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận là Jet thường đi oanh kích 2 chiếc, trong lúc B-52 luôn luôn có 3 chiếc. Khi đến mục tiêu, phi công trưởng đánh một vòng rộng thật cao để chờ cho phi cơ quan sát OV2 ghi dấu bằng lựu đạn khói màu… Sau đó, lập tức OV2 vượt ra khỏi không phận mục tiêu, nhường chỗ cho Jet hoạt động.

Hầu như các cuộc oanh kích của Jet cũng theo thứ tự: bom nổ, bom bi, bom xăng đặc, cuối cùng xạ kích bằng đại liên. Loại bom bi được thả cao hơn hai loại bom kia, khi rơi xuống lưng chừng, bom nổ tại điểm vài đóm khói trắng trên không, rồi tung ra hàng trăm quả lựu đạn… Khi lựu đạn chạm mặt đất, nổ thêm một lần nữa, gây nên tràng tiếng nổ, nối tiếp ầm ầm như giông, đồng thời bụi đất tung lên mù mịt cả một vùng! Loại bom này vô cùng lợi hại, có khả năng tiêu diệt được Cộng quân nấp trong các hầm «ếch» hoặc các giao thông hào chữ «chi».

Lúc Jet thi hành xạ kích với cao độ vừa phải, Cộng quân dùng mọi cỡ súng bắn lên xối xả. Nhưng nhờ tốc độ nhanh, chúng không gây một thiệt hại nào cho phi cơ.

Thi hành xong nhiệm vụ, cả Jet và OV2 trực chỉ bay về hướng Đông, trả lại chiến trường cho chúng tôi quần thảo với địch.

Khoảng 16g30, bỗng có 2 chiếc Jet bay từ hướng Tây lại, không biết phi hành đoàn thực hiện công tác tại đâu, nhưng khi bay ngang qua căn-cứ, phi công lại liên lạc với Đại-úy Hạnh và hỏi Đại-úy có cần oanh tạc không? Vì trên Jet còn bom!…

Cùng lúc ấy Cộng quân đang pháo kích vào vị trí bằng đại bác. Đại-úy Hạnh lập tức nhờ phi công quan sát hướng Bắc căn-cứ để tiêu diệt. May mắn phi công trả lời:

– Chúng tôi nhìn thấy khói ở vị trí súng địch pháo kích các anh… đúng hướng Bắc… Ok! Chúng tôi oanh tạc bây giờ…

Thế rồi, sau khi mở một vòng rộng trên không phận mục tiêu, hai chiếc Jet nhào xuống trút bom, mỗi chiếc 2 quả. Xong bay thẳng… không liên lạc gì với Đại-úy Hạnh nữa.

Tiếp theo tiếng nổ của bom, một cột khói lớn vụt lên không, kèm theo những tiếng nổ kinh khủng… thỉnh thoảng điểm một cột lửa bùng cao trong đám khói đen… Cứ thế, khói lửa và tiếng nổ ầm vang đến 19g00 mới dứt.

Chúng tôi chắc mẫm bom đã phá hủy trọn kho đạn Pháo-binh địch và ít ra cũng làm cho địch im hơi lặng tiếng một thời gian! Nhưng không, sau đó, chúng cũng pháo kích tôi từ hướng ấy.

Tôi gọi vô tuyến hỏi Đại-úy Hạnh:

– Sao Đại-úy không báo cho phi công biết kết quả để họ giúp nữa. Bom thả trúng đích, tôi chắc kho đạn của chúng bị hủy diệt… tại đây, tôi nhìn rõ khói lửa bốc ở mục tiêu và tiếng nổ dữ lắm!…

– Tôi liên lạc rồi. Nhưng mấy ông phi công tắt mẹ máy, làm sao báo kết quả và xin họ giúp được!

Nghĩ lại tôi quá tiếc dịp may hiếm có và ngắn ngủi ấy!

Tại căn-cứ, không vì kết quả của trận dội «bom thừa» này mà Cộng quân ngừng uy hiếp. Chúng vẫn tiếp tục kéo dài quấy phá chúng tôi đến tối. Dù vậy, chúng vẫn không thể nào chọc thủng một lổ nhỏ nào quanh tuyến phòng thủ. Bấy giờ, lực lượng vị trí không còn e sợ chiến xa địch nữa. Với bãi mìn đã gài sẵn, mọi người đều tin tưởng có thể đẩy lui các cuộc tấn công bằng chiến xa địch, nhất là với Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 còn có một lợi điểm: cao độ 727 thước chung quanh toàn là dốc đứng.

Đêm nay, có phi cơ soi sáng đến thả hỏa châu dọc theo tuyến phòng thủ ven căn-cứ, tiếng nổ ì ầm của lựu đạn, M79 nối nhau không dứt từ sau 22g00. Tiếng nổ tạo bởi vũ khí của ta và địch hòa lẫn với tiếng «xung phong» ở chân đồi vọng lên phá tan bầu không khí yên tĩnh của núi rừng… Chúng tôi chia nhau ôm súng cá nhân ra các công sự chiến đấu.

Trong tư thế cận chiến, một lần nữa các chiến binh Dù đã biểu diễn vô cùng ngoạn mục lòng gan dạ phi thường… tiêu diệt địch không quá 3 đến 7 thước, sát công sự chiến đấu. Chưa bao giờ tôi thấy binh sĩ Dù xử dụng AR15 trong những đợt xung phong của Cộng quân và chưa bao giờ tôi nghe thấy tiếng động ra lệnh hoặc cãi cọ tại phòng tuyến trong những phút giao tranh… Họ âm thầm hành động với tất cả những kinh nghiệm chiến trường sẵn có… Lệnh đối với họ mà họ nhận được ở cấp chỉ huy trực tiếp của họ trong những trường hợp này là những cái lắc mắt, những cái gật đầu… Mỗi cá nhân lính Dù quả thật là mỗi đơn vị chiến đấu tinh nhuệ nhưng liên hệ chặt chẽ với nhau, dũng cảm như nhau. Họ biết rõ nhiệm vụ cùng bổn phận của họ khi đương đầu với địch. Bởi vậy, nhìn cảnh chiến đấu của Dù mà tinh thần của chính mình bỗng dưng phấn khởi lạ kỳ.

Trong lúc cố gắng thanh toán Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, địch còn tung một số quân áp đảo tiền đồn phía Đông, nơi mà buổi sáng trực thăng chưa triệt thoái hết… Những viên đạn từ chân đồi vút cao lên rồi tắt hẳn, hòa lẫn với màn đêm… Thỉnh thoảng một vài đóm sáng bùng lên rồi tắt lịm, sau đấy tiếng nổ ầm ầm tiếp theo vang vọng lại căn-cứ. Tình hình trông có vẻ khẩn trương, nhưng tại đấy, dù với một quân số ít ỏi, nhưng nhờ ở bãi mìn tự động tinh vi, tiền đồn vẫn cố thủ một cách vững chắc.

…Sáng hôm sau, mồng 2 tháng 3-1971, tổng kết chiến quả vừa đạt được trong đêm qua – Cũng với lối đếm xác bên trong, sát bên ngoài và ngay trên rào kẽm gai – nghĩa là binh sĩ Dù không vượt ra khỏi hàng rào để thu dọn chiến trường – vì ở đấy, địch quân đã đào rất nhiều hầm ếch cố thủ. Kiểm kê như thế mà cũng đã đếm được 93 xác địch với hàng chục súng đủ loại!

Điều đặc biệt – chỉ có những kẻ đã tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 mới tin, đó là con số thương vong quá thấp của chúng tôi. Tuy nhiên, không phải thương vong vì chiến đấu, mà đa số thương vong vì địch pháo kích. Tôi tự làm một bài tính nhẫm với kết quả từ sau ngày 26 tháng 2-1971 đến nay, kể cả 2 Pháo-đội 105, 155 ly và Tiểu-đoàn 2 Dù cùng sự thiệt hại cả địch và ta, quả thật tỷ lệ thiệt hại của ta chỉ bằng 1/100 đối với địch.

Song song với ý niệm thiệt hại trên, theo cung từ của tù binh địch do BCH/TĐ2 Dù bắt được, lực lượng địch đã tập trung vây quanh căn-cứ chúng tôi, vì rảnh tay ở mặt Bắc (vùng hoạt động của Biệt-Động-Quân nay đã rút), mặt Tây (vùng hoạt động của Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 không còn nữa), chúng dồn nỗ lực của cả 2 Trung Đoàn thuộc Sư-đoàn 304, bằng mọi giá, phải hủy diệt sạch Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 chúng tôi! Do đó, sự thiệt hại trong cuộc tấn công biển người khuya 26-2 rạng 27-2 vừa qua, cùng những ngày kế tiếp… dù chúng thảm bại chua cay, chúng vẫn không từ bỏ kế hoạch tấn công.

Đối diện với địch, căn-cứ chúng tôi chỉ có TĐ2 Dù, Pháo-đội C/TĐ44 PB của tôi, Pháo-đội C3 Dù của Trí. Khả năng tham chiến là thế, nhưng thật sự, Tiểu-đoàn 2 Dù chỉ còn 3 Đại-đội bảo vệ căn-cứ (kể cả Đại-đội Chỉ huy), còn 2 Đại-đội mắc trấn đóng ở hai tiền đồn. Rốt cuộc, chúng tôi đã đương đầu với hai Trung-đoàn Cộng quân bằng một quân số không quá 120 Pháo-thủ của cả 2 Pháo-đội và 3 Đại-đội thuộc Tiểu-đoàn 2 Dù!

Ấy vậy, đến nay là ngày thứ tư rồi, địch vẫn chưa đẩy được chúng tôi ra khỏi căn-cứ! Lại còn thất bại cả ngàn chiến sĩ cùng thiết giáp, mà thây chúng nằm la liệt quanh rào phòng thủ không thu lượm được. Hẳn các cấp chỉ huy của chúng điên đầu, nhất là khi chúng nghĩ đến và không ngờ rằng những cơn mưa pháo kích, trận địa pháo của chúng không hề làm nao núng tinh thần chiến đấu của binh sĩ ta.

Khoảng 8g30, BCH/TĐ2 Dù lại gọi tôi sang họp. Nội dung cuộc họp hôm nay cũng giống như hôm qua. Thiếu-tá Mạnh ngồi kế bên Trung-tá Thạch chỉ thị:

– Hôm nay rút. Chắc chắn có trực thăng liên tục đưa anh em về Khe Sanh. Tôi dành cho 2 Pháo-đội các anh mỗi lần 4 chiếc, còn 4 chiếc chúng tôi xử dụng. Khi nào anh em Pháo-binh đi hết chúng tôi mới xử dụng cả 8 chiếc. Vậy các anh về chia từng toán cho trật tự. Anh Trí 2 chiếc, anh 2 chiếc. Cứ mỗi chuyến đi 16 người cho mỗi Pháo-đội. Riêng quân số của anh Trí ít hơn, thì sau đấy anh sẽ dùng tiếp trực thăng phần của anh Trí cho anh em Pháo-đội anh xử dụng.

Đại-úy Hạnh là Sĩ-quan Ban 3 (Hành quân) của TĐ2 Dù, tiếp lời Thiếu-tá:

– Đưa các anh về được bọn tôi khỏe. Bọn tôi lo cho các anh hơn là lo cho bọn tôi! Tôi chỉ trông tất cả mọi người đi trước, còn mình tôi với thằng ‘tà lọt», tôi sẽ kiếm một khoảng đất trống liên lạc với trực thăng đến xúc tôi là yên nhất…

Nhận lệnh rành rẽ như thế, tôi không còn gì thắc mắc. Tôi trả lời Đại-úy Hạnh:

– Cám ơn Đại-úy. Tôi biết Trung-tá, Thiếu-tá và Đại-úy lo cho anh em chúng tôi nhiều nhất. Vả lại bọn tôi chiến đấu như Dù chưa quen… từ lâu làm Pháo-thủ, chỉ quen vác đạn, nạp đạn, giật cò… Cái đó thì bọn tôi rành lắm. Còn tham chiến theo cách đánh cận chiến của Nhảy Dù, chắc chắn bọn tôi chậm chạp hơn…

Sau đó, tôi và Trí trở về Pháo-đội.

Tất cả Khẩu-trưởng và Trưởng Ban cùng Thường-vụ được triệu tập hết vào hầm tôi. Lân lập 4 danh sách cho 4 chuyến đi, mỗi chuyến 18 người – nếu trở ngại, sẽ gợt mỗi toán vài người cho vào toán thứ 5. Tôi cắt đặt Trưởng Toán và chỉ thị Lân đi sau cùng như hôm qua. Còn tôi hướng dẫn toán đầu di chuyển qua BCH/TĐ2 Dù liên lạc.

10g30 chúng tôi xuống ngồi quanh ở bãi đáp, nấp dưới đám lau sậy… Toán binh sĩ Biệt-Động-Quân khoảng 10 người còn sót lại cũng có mặt tại bãi đáp. Số anh em này không còn ai chỉ huy nữa, do đó anh em đã tháp tùng theo các toán của Pháo-binh, ngồi xúm xít bên nhau. Tất cả Pháo-thủ cũng như anh em Biệt-Động-Quân ngồi dọc thành từng toán. Đối diện với chúng tôi là các toán của Dù.

Vừa sắp xếp xong thì trực thăng đến! Sau khi vứt những kiện đạn tiếp tế Bộ-binh (?), phi công cho hạ thấp máy bay, nhưng không đậu hẳn xuống bãi đáp… Một số binh sĩ nôn nao leo lên, cảnh hỗn loạn vô trật tự tái diễn…

Kết quả, Trung-tá Thạch, Đại-úy Trí, Trung-úy Bác sĩ và Đại-đội nặng của Tiểu-đoàn 2 Dù đi trước cùng một số Pháo-thủ của tôi và Trí…

[Đại-đội nặng: Đại-đội xử dụng các vũ khí cộng đồng như súng cối, 75 ly không giật.]

Sau khi Trung-tá Thạch rời bãi đáp, cảnh hỗn loạn trầm trọng hơn. TSI Bang, Thường-vụ của Dù, dẫu có hò hét cho lắm cũng không tài nào trấn an số binh sĩ hiện diện tại bãi đáp. Ai cũng muốn níu lấy trực thăng về trước. Quả thật là một mâu thuẫn với lúc đang chiến đấu cạnh lưỡi hái tử thần. Có lẽ hình ảnh những cuộc vui ở hậu phương kích thích sự trở về khi có lệnh của Thượng-cấp ban hành chăng?

Ngay cả tôi cũng không thể giữ cho các Pháo-thủ ngồi yên, ngoại trừ những Pháo-thủ đã ngồi trước mặt tôi thì không dám phá hàng phân tán, chen giành với các chiến hữu khác…

Bây giờ phi hành đoàn trực thăng không cần «xài» đến thủ hiệu của TSI Bang. Hầu hết họ là người Hoa Kỳ, họ thấy nơi nào rộng rãi thuận tiện quanh chỗ tôi ngồi thì sà thấp xuống… xô vội các kiện đạn qua hai cửa bên hông… Tức thì, các binh sĩ nhào đến đợi… Vừa dứt kiện đạn cuối cùng, anh em níu lấy sàn, lấy chân trực thăng rồi nhờ xạ thủ đại liên kéo lên.

Vài binh sĩ quá nóng lòng đi trước đã đu lấy trực thăng bằng hai tay bám chặt chân ngang, buông cả thân thể với “sac” mang lưng tòn ten giữa không trung! B1 Thái của Pháo-đội tôi theo toán sau xuống bãi đáp, tưởng rằng với đôi cánh tay gân guốc và thân hình vạm vỡ, anh sẽ thừa sức chịu đựng cái thế đu nguy hiểm ấy, nên anh đã cùng 2 chiến hữu Dù, dùng hai bàn tay ôm chặt chân trực thăng…

Tôi không còn kịp chạy lên cản lại, tôi quát to… anh ta cũng chẳng nghe, vì tiếng động cơ át mọi tiếng động chung quanh. Tôi cố bước… nhưng bước được vài bước thì dừng lại ngay. Sức gió tạo bởi cánh quạt quá mạnh, thiếu điều xô tôi ngã nhiều lần dù tôi trân người trụ trên đôi chân! Tôi biết tôi yếu lắm, nhất là sau mấy ngày bị bệnh kiết hoành hành và rhumatisme tái phát!… Ấy thế là tôi chỉ còn biết đứng một chỗ nhìn theo ba chiến hữu treo lủng lẳng dưới bụng trực thăng!… Cánh quạt quay tít!… Trực thăng mỗi lúc mỗi lên cao và xa dần bãi đáp về hướng Tây Nam… Lúc cách chúng tôi khoảng 500, 700 thước với độ cao khoảng 100 thước, lần lượt tất cả đều rơi xuống vực thẳm!… Dẫu cố gắng, chúng tôi cũng không nghe được tiếng kêu cứu… Tôi tin rằng các đồng đội ấy đã chết! Tôi cùng các Pháo-thủ ngồi quanh tôi chỉ kịp thốt lên: «Chết!… Trời ơi!… Chết!…» rồi im lặng nhìn nhau chẳng thốt thêm được lời nào nữa!

Sau phút xúc động, tôi bảo các Pháo-thủ của tôi:

– Anh em đã thấy chưa? Hậu quả của vô trật tự là như thế đấy! Các anh đã chứng kiến với tôi chứ không phải tôi dọa dẫm gì anh em… Với tôi, tôi có thể bắt anh em bồng vứt tôi vào lòng trực thăng một cách dễ dàng, nhưng tôi không làm thế! Tôi hứa với anh em: Tôi sẽ sống bên cạnh các anh em, cùng chịu khổ cực với anh em… anh em đừng có sợ mẹ gì cả. Không đi được chuyến này thì đi chuyến sau. Giờ tôi bắt buộc anh em phải tuân lệnh tôi, đừng để chết một cách oan ức như B1 Thái đó…

Nghe lời giải thích của tôi và nhất là anh em đã thấy trước mắt cái chết thê thảm của B1 Thái, hầu hết đều im lặng và không còn một ai lộ vẻ nôn nao nữa.

Bây giờ Lân và Ngân hoàn tất việc chôn giấu các cơ phận đại bác, dẫn toán cuối cùng xuống bãi đáp.

Gặp tôi, Lân báo cáo mọi việc mà Lân và các Pháo-thủ đã thi hành.

Tôi cho lệnh nhập toán sau vào ngồi chung với toán trước… Đang nói chuyện với Lân về chuyện Trung-tá Thạch đã rời căn-cứ, tai nạn của B1 Thái… bỗng một trực thăng đáp nhẹ cách chúng tôi khoảng 10 thước. Dịp may hiếm có, Ngân đứng rất gần trực thăng… tức thì anh lao vào trong lòng trực thăng… Tôi trỏ tay về phía Ngân, bảo Lân:

– Lân xem kìa! Thiếu-úy Lùn nhà mình trúng số độc đắc! Anh chàng phi công nào mà điệu thế! Ý giả anh ta biết Lân nhà mình ngắn giò nên đáp hẳn trực thăng xuống đất chăng?

Lân mĩm cười:

– Có lẽ…

Lân tiếp:

– Thấy Đại-úy gầy quá, bây giờ Đại-úy nên về trước. Tôi ở lại đi sau với anh em cũng được, kẻo như hôm qua lỡ tàu nữa thì kẹt. Bác sĩ đã về rồi còn ai cấp cứu cho Đại-úy chữa bệnh?… Để tôi bảo anh em đưa Đại-úy lên trực thăng cho kịp…

– Không được, ý định về trước về sau, bây giờ không thành vấn đề nữa. Tôi chỉ lo cho số Pháo-thủ về trước có đến được Khe Sanh không? Hay lại bị vứt mẹ ở Phú Lộc như Tiểu-đoàn 21 Biệt-Động-Quân vừa rồi… Ở Phú Lộc nghe Thiếu-tá Hằng báo cũng bị pháo kích rát lắm! Tôi còn sợ cái nỗi trực thăng bỏ một dúm ở Phú Lộc, một dúm ở Khe Sanh… Không biết ai điều khiển chúng nó! Mạnh đứa nào chuồn đứa đó thì kẹt cho Pháo-đội lắm. Tôi quyết định anh về trước Khe Sanh, gom anh em lại một chỗ đợi tôi. Như vậy thuận tiện hơn. Dầu sao Thiếu-tá Mạnh và Đại-úy Hạnh cũng mến tôi, tôi có thể nhờ quý vị ấy giúp đỡ… cùng lắm, tôi xin Thiếu-tá Hằng ở Phú Lộc, Đại-úy Vẹn ở A-Lưới tác xạ bảo vệ căn-cứ cũng dễ dàng hơn anh… Thôi anh đi gấp đi!

Lân không chịu rời tôi, lắc đầu từ chối:

– Tôi còn mạnh, lại đi trước Đại-úy! Tôi không thể làm được. Thôi tôi ở lại đi với Đại-úy chuyến cuối cùng. Vả lại, bọn em út về trước, thế nào Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn cũng giữ lại đợi Đại-úy về giải quyết…

– Lát nữa chắc Pháo-đội sẽ được triệt thoái hết. Chính tôi cũng nhận lệnh của Thiếu-tá Mạnh khi nãy. Anh cứ nghe tôi về trước lo hộ cho tôi.

…Rủi ro, chuyến của Ngân đi là chuyến chót! Sau đó, trực thăng không đến nữa!

Đại-úy Hạnh liên lạc bằng vô tuyến ra bãi đáp bảo tôi:

– Lệnh triệt thoái đã đình lại! …nhân viên truyền tin mở khóa ngụy bị nhầm nữa! Thôi, anh đưa anh em về vị trí chiến đấu như cũ.

Tôi bực mình hết sức, mặc cho Việt cộng pháo kích rơi cạnh bãi đáp thứ nhì, cách tôi và Lân không quá 100 thước, chúng tôi ngồi bệt trên sườn đồi, lấy bi-đông uống nước.

Lại một dịp mồ hôi toát ra áo giáp, chảy giọt trên mặt khó chịu…

Hai trực thăng võ trang đang bay từ hướng Tây lại – Tôi không để ý nên không biết chúng có nhiệm vụ hộ tống phi hành đoàn vào triệt thoái binh sĩ tại bãi đáp chăng?… Cùng lúc đó, một luồng khói xanh bốc từ hố thẳm lên – nơi ba chiến hữu của chúng tôi đã rơi lúc nãy – tức khắc trực thăng võ trang nhào xuống xạ kích.

Hai chúng tôi cùng một cảm nghĩ như nhau: chắc chắn phi hành đoàn đã ngộ nhận, vì không có liên lạc gì trước, và biết đâu mà liên lạc cho kịp. Chúng tôi tin rằng các đồng đội ấy giờ đã chết! Dầu cho đã may mắn sống sót sau khi rơi «không dù» với độ cao cả 100 thước.

Lúc lên đến phòng tuyến, tôi bảo Lân:

– Anh về vị trí cho anh em lắp lại cần vận dụng và khối kích hỏa như hôm qua để chiến đấu. Tốt nhất anh cho vài Khẩu trực xạ cho có tiếng nổ… Tôi vào gặp Thiếu-tá Tiểu-đoàn Phó xong, tôi về ngay.

Bấy giờ, quân số còn lại chính thức của Pháo-đội tôi là 34 người, và tôi!

Vào hầm Bộ Chỉ-huy TĐ2 Dù, tôi thuật lại cho Thiếu-tá Mạnh và Đại-úy Hạnh những gì tôi đã thấy tại bãi đáp. Thiếu-tá lắc đầu, tôi tiếp:

– Thưa Thiếu-tá, cá nhân tôi, tôi đã thi hành đúng đắn chỉ thị của Thiếu-tá…

(Vừa lúc đó, hai tiếng «départ» do Trung-úy Lân trực xạ chung quanh đồi vọng lại).

Tôi tiếp:

– …Đấy, tiếng đại bác của Trung-úy Lân thi hành lệnh tôi… Về lắp lại các cơ phận vào trực xạ… cho Cộng quân biết rằng đại bác mình còn xài được… Như vậy tôi đâu có tắc trách?

– Tôi biết anh… bây giờ không có lệnh gì triệt thoái, tôi cũng không biết làm sao hơn. Truyền tin mở lầm bản ngụy hóa, thật bực hết sức!

– Tôi thấy trực thăng vẫn tiếp tế đạn trong lúc triệt thoái, không biết ý của Thượng-cấp thế nào?

– Vô lý là chỗ đó. Nếu có lệnh triệt thoái thì tiếp tế thêm làm gì? Tôi cũng chịu, không biết lệnh lạc ra sao!

– Thưa Thiếu-tá hay đó là hành động đánh lạc hướng nhận định của địch?

– Ai biết được…

Chương 17

TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG TRƯỚC KHI RỜI CĂN-CỨ HỎA-LỰC 30

Rời BCH/TĐ2 Dù, vừa ló đầu khỏi hầm, một quả cối 82 ly của địch rớt trước mặt tôi! Sau tiếng nổ – bụi đất tung vào mặt, tôi tưởng bị thương, nhưng may mắn không hề gì. Tôi đành ở lại đây vài phút để nghe động tĩnh… xong, tôi băng qua hầm của y sĩ TĐ2 Dù nấp tạm. Nhờ vậy, tôi gặp Trung-úy Ninh, Sĩ-quan Truyền-tin Dù. Ninh trước cùng học với tôi khóa Tiếp-liệu Binh-đoàn. Chúng tôi còn quen nhau khi làm việc tại Bộ Tư Lệnh Sư-đoàn 2 ở Quảng Ngãi. Nhân tiện, tôi nhờ Ninh cho tôi mượn một máy PRC-25 vì tất cả máy móc của tôi và Kim đều bị vỡ nát. Ninh sốt sắng nhận lời ngay…

Vài phút sau, Ninh khệ nệ đem đến cho tôi mượn máy mới. Nhưng ăng-ten bị hỏng, tôi phải bắt nhân viên truyền tin sau đó tìm ăng-ten đoạn lắp vào.

Trong khoảng thời gian này, Cộng quân pháo kích không thể tưởng được… Hàng loạt, hàng loạt rồi hàng loạt đạn đủ loại cứ nhắm vào vị trí chúng tôi bắn xối xả. Chúng tôi không còn biết đạn ở hướng nào bay đến. Chung quanh vị trí đều có tiếng «départ» của súng cối 82 ly, đại bác 57 ly, súng không giật 75 ly và xa hơn, súng cối nặng và đại bác của địch gõ đều đều.

Nóng ruột quá, không biết ở vị trí nhân viên của tôi giờ đây ra sao, tôi liền chạy ào về Đài Tác-xạ… Ninh thấy tôi ốm yếu nên tự ý mang máy vô tuyến chạy theo tôi, mặc cho đạn pháo kích đang nổ bừa bãi khắp đó đây.

Vừa nhảy xuống hầm, Lân nhăn mặt… nhìn kỹ, tôi thấy tay của Lân đã sưng vù lên, băng cá nhân quấn quanh vết thương… hai ống quần của Lân bị xé cụt từ bao giờ để lộ hai ống chân điểm nhiều vết máu khô và mảnh sắt vụn. Có mảnh găm sâu vào thịt!… Chung quanh Lân, 4 nhân viên bị thương nhẹ, đứa ngồi, đứa nằm thở… Tôi hốt hoảng ôm chầm Lân để mặc cho nước mắt tuôn trào! Tôi nghẹn ngào nói với Lân:

– Thôi hết rồi! Hết rồi còn gì nữa đâu!…

Ninh và Lân thấy tôi xúc động mạnh, khuyên tôi bình tĩnh lại để lo cho anh em. Thật ra, tôi không còn biết là có tôi nữa! Tôi chỉ nghĩ đến anh em – những người mà vợ con họ đang cần đến họ, mong cho có ngày đoàn tụ và tôi, kẻ chỉ huy trực tiếp tự cảm thấy có bổn phận phải lo cho họ trước đã.

Kiểm điểm lại, quân số trước sau vẫn còn 35 người, kể cả tôi. 39 người về trước gồm Thường-vụ, 6 Khẩu-trưởng, Ban Tác-xạ, Thiếu-úy Ngân và một số Pháo-thủ cùng nhân viên nhà bếp…

Lân thuật lại cho tôi nghe khi trở lại vị trí, không còn Khẩu-trưởng, nhân viên Khẩu 4 đào lấy khối kích hỏa và cần vận dụng lắp vào súng. Lân cho lệnh bắn vài phát. Sau đấy, địch pháo kích rát quá. Một quả lọt ngay vào vị trí súng, Lân bị thương cùng với Trung-sĩ Chất, Hạ-sĩ Đình, B2 Một, B2 Ngô… bắt buộc anh em phải nhào vào Đài Tác-xạ núp. Lân co tay mặt chỉ cho tôi xem nơi mảnh đạn pháo kích làm sưng cạnh bàn tay anh như quả trứng gà so! Mảnh đạn ghim sâu vào bên trong.

Kế đó, tôi bảo Lân và 4 anh em bị thương cố gắng chạy qua hầm bệnh xá mà nghỉ tạm. Ở đó còn y tá, sẽ được giúp đỡ thay băng. Số nhân viên còn lại, tôi cho ra giao thông hào tạm trú.

Lân bảo:

– Để cho anh em ra tháo khối kích hỏa chôn lại đã, khi nãy đến giờ bị pháo kích rát quá, tôi chưa cho tháo…

– Anh cùng mấy đứa đi trước, để tôi lo liệu cho.

Tôi gọi nhân viên Khẩu 4 thi hành việc chôn giấu khối kích hỏa, cần vận dụng. Xong tôi gọi tất cả anh em vào tạm trú nơi hầm tôi. Vì lúc bấy giờ, các hầm Khẩu đều bị bung cả nắp rồi.

Khoảng 14g00 hơn, địch pháo kích nhiều hơn nữa, với nhịp bắn tối đa…cả hai vị trí của tôi và PĐC/3 Dù mù mịt đất bụi!

Bỗng hầm đạn của Pháo-binh Dù bốc cháy! Tiếp theo đạn nổ cả hàng ngàn quả! Hầm đạn lại làm giữa vị trí của Pháo-đội Dù, do đó, tất cả đại bác 105 ly đều bị hư nát. May mà Trí đã triệt thoái một số lớn nhân viên về Khe Sanh lúc sáng, chứ nếu còn ở lại thì không biết tai hại bao nhiêu mà lường. Nhân viên còn sót lại của Trí vỏn vẹn không quá 4 người. Anh em qua tá túc tại BCH/TĐ2 Dù với Thiếu-úy Sĩ-quan Liên-lạc, tránh được một thảm họa vô cùng khủng khiếp!… Khắp căn-cứ, các đám cháy nối tiếp, lan rộng ra, hầu hết các hầm làm bằng dư liệu tác xạ như thùng gỗ, ống giấy… giờ đây biến thành những vũng lửa, không tài nào chữa nổi.

Chúng tôi bị kẹt trong hầm, không còn cách nào vượt ra giao thông hào nữa. Lửa bắt qua nóc Đài Tác-xạ cháy tấm bạt phủ bên trên, lồng vào miệng hầm tôi. HS1 Vinh, B1 Sinh và B1 Huy – ba nhân viên duy nhất còn lại với tôi, lo tháo nước trong ống nạp sang một cái thau, tạt lên đám cháy… Nguy hiểm không thể tả xiết!… Đồng thời, địch vẫn liên tục pháo kích bồi vào, dù rằng tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 cảnh hầm đạn bị nổ có thể nhìn rõ xa hàng 15, 20 cây số!

Ninh đề nghị với tôi rời hầm. Nhưng tình thế không cho phép, đạn 105 ly nổ dữ dội. Chốc chốc phụt lên không một ống lửa cao ngất, tỏa hơi nóng trùm căn-cứ, kèm theo tiếng «v…è…o….v…è…o…» của những quả đạn bị thuốc nạp tống ngang qua đầu chúng tôi. Một vài quả rơi vào hầm nạp Khẩu 3, Khẩu 2 sát ngay miệng Đài Tác-xạ tạo nên một đám cháy lớn lan ra mấy quả đạn 155 ly cài sẵn hỏa pháo, tiếp theo, tiếng nổ kinh hồn làm rung chuyển cả hầm tôi. Đồng thời, đất bụi lùa vào hầm cơ hồ làm chúng tôi nghẹt thở!… Lúc bụi tan, nhìn qua Đài Tác-xạ, thì miệng hầm đã sập từ bao giờ.

…Một vài chiếc trực thăng vần vũ trên không phận căn-cứ thật lâu, nhưng bay rất cao, tôi không buồn liên lạc vì nghĩ rằng mình không có nhiệm vụ gì với phi công.

Thúc thủ trong hầm, tôi chỉ còn biết ngồi đếm từng tiếng hú rợn người của Pháo-binh địch vèo vèo qua đầu và tiếng nổ liên tục dây chuyền phát ra từ hầm đạn 105 ly của Trí, hòa lẫn với tiếng nổ 155 ly ở các hầm Khẩu 1, 3, 6 của Pháo-đội tôi, tiếng súng cối địch… nối tiếp không dứt.

Đến 17g00 sức phá hoại vô cùng kinh khủng của kho đạn làm cho chúng tôi không thể trân người chịu được nữa! Chúng tôi bàn nhau rời hầm, dù có phải nguy hiểm đến tính mạng, hơn là bị chôn vùi mất xác tại đây!… Thế là từng người một, nhảy lên hầm, vụt chạy ra tuyến phòng thủ ở hướng Nam. Người này cách người kia 1 phút… Đến phiên tôi… rời khỏi miệng hầm độ năm bước… ầm… ầm… tiếp liền hai tiếng nổ dữ dội xô tôi ngã xuống đất, cùng lúc một mảnh đạn xuyên qua ống quần trái!… Chân phải, 2 mảnh nhỏ khác ghim vào đầu gối nhưng không sâu lắm. Ngay lúc ấy, tôi thấy tê hết đôi chân… Một phản ứng tự nhiên đến với tôi trong tích tắc, tôi tự nhủ: Chết… bị thương rồi! Tôi vội đưa tay sờ soạng từ thắt lưng xuống chân… Khi liếc nhìn thấy ống quần bên trái bị chém một đường, tôi định thần ngay: tôi đã bị thương nhẹ! Lúc ra được phòng tuyến, tôi gỡ được cả 2 mảnh trên đầu gối bên phải vứt đi. Kế đó, tôi lấy phòng tuyến không có mái che này làm nơi nấp tạm.

Nhìn quanh, thấy trống trải quá, tôi bắt đầu e ngại… vì mặt này địch vẫn pháo kích bồi thêm bằng súng cối 82 ly! Bỗng rầm rầm… tiếp theo sau, hàng ngàn phi tiễn nhỏ như đầu tăm bằng thép rắn chắc rào rào rơi khắp nơi! Đúng là phi tiễn đạn tổ ong chống biển người! Quả đạn phát nổ tại hầm 105 ly cách tôi không quá 15 thước!… Tôi đâm lạnh cả người!…

Lát sau, tôi ló đầu lên khỏi bờ đất, nhìn vị trí 105 ly, tôi thấy rõ khẩu đại bác 105 ly của PĐC/3 Dù ở phía Nam bị lật ngược, đưa hai bánh xe cháy đen lên trời! Quanh mâm đóng cọc, còn dính một cọc sắt trắng hếu! Khẩu 1 của tôi, nòng súng bị cụp ở giữa phần trắng, gục xuống đất! Thật khó có thể tưởng tượng được sức công phá của một kho đạn Pháo-binh bị cháy ngay giữa vị trí! Ấy thế mà trước đó 5, 10 phút tôi đã ở trong hầm cách càng súng Khẩu 1 khoảng 15 thước!… Các Khẩu kế cận Khẩu 1 không còn nguyên vẹn nữa, tất cả đều cháy bánh súng…

Lân nằm trong hầm y tá không yên, lo cho số phận tôi ở vị trí. Lân bảo B2 Một cố gắng tìm tôi. Nhưng làm sao ra khỏi hầm được?! Hắn cứ lấp ló ở miệng hầm, dớn dác nhìn quanh… Vừa lúc tôi đang nhướng mắt nhìn hướng nó… Nó mừng quá hét to lên, mặc dầu tôi cách nó 10 thước:

– Đại-úy! Đại-úy!… Trung-úy Lân bảo tôi đi tìm Đại-úy!.. Ổng lo cho Đại-úy, cứ hối tôi đi tìm hoài. Nhưng tôi không tài nào đi được. Đạn nó nổ quá trời!…

– Mày nói với Trung-úy Lân, tao và anh em ra được giao thông hào hết rồi. Tao sẽ vào với Trung-úy bây giờ…

Mãi đến 19g00 đạn mới hết nổ! Bao nhiêu hầm hố trong vị trí đều cháy sạch hoặc sập. Riêng các công sự trên giao thông hào ở tuyến phòng thủ không bị ảnh hưởng vì xa điểm nổ.

Được biết sự hư hại sơ khởi như thế, tôi muốn báo ngay cho hậu cứ biết, song cái PRC-25 tôi mượn của Ninh không thể liên lạc được. Tôi vội vã đến BCH/TĐ2 Dù nhờ Thiếu-úy Sĩ-quan Liên-lạc 320 báo cáo hộ tôi. Tôi e ngại nói thật thì Cộng quân rà tần số biết được nên tôi nhờ anh em cố gắng ngụy thế nào để hậu cứ hiểu 5 khẩu đại bác của tôi và 6 Khẩu của Trí hoàn toàn bất khiển dụng. Anh suy nghĩ một lát… vì khóa ngụy của anh đã bị lộ từ hôm Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 không còn nữa! – Xong anh báo cáo với một lời ngụy hóa thật là khôi hài:

– … «…….» bị bệnh teo rồi!

Cái hay ở chỗ là hậu cứ Dù đóng ở Khe Sanh nhận và hiểu được điều mà Sĩ-quan Liên lạc 320 muốn nói để trình lên Thượng-cấp….

Từ hôm Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 không còn hoạt động tôi đâm biếng ăn, vả lại cũng không còn đầu óc để nghĩ đến ăn nữa. Tinh thần căng thẳng từng phút, từng giây lo cho Pháo-thủ. Tôi thức trọn vẹn cả ngày lẫn đêm. Bệnh kiết xuất hiện từ hai hôm rồi, chữa vẫn không dứt. Rhumatisme hoành hành các khớp xương, ghẻ thì tha hồ phát triển! Tôi tự biết mình yếu và xanh lắm, nhưng trước binh sĩ thuộc hạ, tôi vẫn cố gắng hoạt động vì tinh thần trách nhiệm, vì tự ái và vì muốn giữ niềm tin cho anh em…

Tối lại, TS1 Bang, Thường-vụ Dù tìm đến gặp tôi… giao cho Pháo-binh và một số anh em Biệt-Động-Quân còn sót lại ở căn-cứ, nhiệm vụ giữ một khoảng vài chục thước trên tuyến phòng thủ, đối diện với hầm bệnh xá.

Tôi gọi TS1 Lục lo cắt đặt đi lãnh lựu đạn phân phối cho mọi người.

Sau đó, tôi xin một ca cơm vừa mới nấu của anh em Dù mang về hầm bệnh xá cho Lân ăn. Còn các binh sĩ của tôi đều dùng lương khô.

Hầm bệnh xá rất chật, vì tất cả thương binh đều đưa vào đấy. Lân giữ tôi nằm sát bên Lân nghỉ tạm. Trong số anh em thương binh có một binh sĩ Biệt-Động-Quân tên Sơn thuộc Tiểu-đoàn 39, vết thương đã có dòi! Anh nói giọng Sàigòn, nét mặt hiền hậu, tiếng nói nhỏ nhẹ. Nhưng với bệnh viện dã chiến này thật sự không đủ điều kiện để điều trị cho anh như ý muốn. Nhân tiện anh thuật lại 12 ngày lạc trong rừng – kể từ sau ngày 19 tháng 2 đến hôm nay là 2 tháng 3 với vết thương nặng trên tay, anh vừa tìm đến Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 khi sáng, sau mười ngày lặn lội một mình trong rừng. Trong lúc chạy lạc, anh có gặp một đoàn quân Cộng sản di chuyển cùng đường với anh, nhưng vì anh mang thân hình gầy gò tiều tụy, bọn chúng không hỏi…

…Vào khoảng 20g30, Cộng quân lại tấn công khắp các tuyến. Nặng nhất là mặt Nam. Chúng tràn lên hai bãi đáp trực thăng mới (số 2 và số 3), chia thành từng tổ quyết tử 5, 7 tên nhào vô phòng tuyến…

Các binh sĩ Dù dùng lựu đạn và M79 lần lượt sát hại chúng, chận đứng các cuộc xung phong. Riêng phòng tuyến giao cho Pháo-binh và Biệt-Động-Quân giữ, chỉ cách hầm bệnh xá non 10 thước, anh em Biệt-Động-Quân thấy địch xuất hiện khá đông trước công sự, mừng quá, dùng đại liên M60 bắn xối xả, làm gục hàng chục tên trước họng súng. Nhưng cùng lúc đó, ánh lửa phát từ nòng đại liên đã làm mồi cho một quả B40. Kết quả một vài binh sĩ tử thương. Anh em Pháo-binh, nhân đó cũng bị «vạ» lây. Hai Pháo-thủ bị thương nặng và 6 bị thương nhẹ.

B1 Quốc vội vàng kéo lê hai Pháo-thủ bị thương nặng ra phía sau phòng tuyến. Trong phút cấp bách, tuy một tay đã bị thương, Quốc vẫn bình tĩnh dùng tay còn lại, bốc từng quả lựu đạn đưa lên mồm kê vào răng mở khóa an toàn… tung ra đằng trước… hết quả này đến quả khác. B1 Quốc đã vứt trọn một thùng lựu đạn, giết sạch 7 tên Việt Cộng ngay phía trước công sự anh đang cố thủ không quá 6 thước.

Thỉnh thoảng, dưới ánh sáng của một vài trái signal tay, chúng tôi thấy rõ xác địch nằm la liệt… kẻ sau gối đầu lên chân người trước chết một cách vô cùng thê thảm!

Hầm bệnh xá thêm bận rộn tiếp nhận «Tân Thương Binh». Các y tá Tiểu-đoàn 2 Dù hết mình làm việc. Bên ngoài tiếng AK vẫn nổ dòn, tiếng ầm ầm của lựu đạn, M79 cùng với mìn claymore tự động và mìn claymore điều khiển cùng hòa tấu hỗn độn, rung chuyển cả một vùng.

Tiếng hò hét xung phong của Cộng quân nối tiếp nhau hỗ trợ tinh thần cho đám tàn quân, không hề làm nao núng khả năng chiến đấu của các chiến sĩ ta.

…Để biết rõ những hư hại thật sự tại vị trí, lúc 6g00 tôi lần về Đài Tác-xạ và hầm ngủ của tôi. Cảnh hoang tàn không thể tưởng tượng hiện ra trước mắt tôi: Đài Tác-xạ cháy rụi, hầm ngủ kiên cố của tôi đã sập, các khẩu đại bác 155 ly đều bị cháy bánh súng và Khẩu 1 cụp nòng súng để lộ vết vỡ nứt trông ghê người!… Các hầm Khẩu, hầm nhân viên đều bị tung nắp… đó là hậu quả của vụ nổ kho đạn 105 ly chiều hôm qua. Nghĩ lại, nếu chiều hôm qua chúng tôi còn ở ráng trong hầm, chắc chắn chúng tôi không có ai có thể thoát chết! Bên vị trí của Trí thảm hại còn hơn cả bên tôi. Tất cả đại bác đều tan tành hết.

Tôi sững sờ nhìn 5 khẩu 155 ly, lòng buồn ray rức… Đời sống của chúng tôi đã gắn liền với nó – và hơn 5 tháng qua, nó đã tạo nên biết bao kỷ niệm vui buồn khi tác xạ, khi thanh tra… Bây giờ, tôi sắp phải vĩnh viễn xa nó! Bắt buộc phải xa nó! Hình ảnh kiêu hùng mà chính các đại bác này, cùng chúng tôi, đã bao phen gây sóng gió tại chiến trường Quảng Nam và mấy tuần qua tại Hạ Lào… tiêu hủy biết bao nhiêu kho vật liệu, phá tan biết bao nhiêu cơ giới, sát hại biết bao nhiêu địch quân… Tất cả… tất cả như hiện rõ trong trí tôi… Một ý nghĩ điên rồ đến với tôi: Tôi ao ước mang chúng về! Dù bây giờ chúng chỉ còn là những khối sắt khổng lồ!

Trời chưa sáng hẳn, địch chưa pháo kích, tôi bước đến từng ụ súng, vỗ vào từng khối sắt lẩm bẩm thầm nhủ: «Vĩnh biệt, tôi vĩnh biệt các bạn…»… Chắc có ai nhìn được cử chỉ của tôi lúc này, hẳn cho tôi là thằng điên! Không! Tôi không điên, tôi tỉnh lắm!…

Nhìn khắp các hầm đạn Khẩu, hầu hết các quả đạn có gắn đầu nổ đều nổ sạch tự bao giờ! Trên mặt đất, chỉ còn lại những lỗ nám đen… mấy tấm PSP bên trên chất đầy bao cát và ống nạp bị bật tung cong queo! Quan sát kỹ, tôi không còn nhận ra được nó là hầm đạn Khẩu nữa! Riêng những quả đạn chưa gắn đầu nổ (tuy chúng tôi vẫn sắp gần nhau) nhưng lại không nổ mà bị văng ra xa khắp đó đây…

9g30 ngày 3 tháng 3-71, sau khi lục soát, các chiến binh Dù khiêng vào hầm y tá một thương binh Việt cộng. Hắn trạc độ 16, 17 tuổi bị thương ở chân và hông khá nặng nên thở khó khăn. Một vài binh sĩ Dù mang cơm lại cho hắn ăn, rót nước cho hắn uống… đặc biệt một điều là hỏi gì hắn cũng không nói, cứ trừng đôi mắt nhìn hết người này đến người khác. Vì vậy mà anh em chúng tôi không biết nó thuộc loại lính gì của Cộng sản! Chúng tôi đoán nó là «Pathet Lào»!

…Được Thiếu-tá Mạnh gọi vào họp, tôi vội vã đi ngay, vì tin rằng sẽ nhận được lệnh mới. Ý nghĩ ấy quả đúng sự thật.

Tại BCH/TĐ2 Dù giờ đây, Thiếu-tá Mạnh là Chỉ-huy Trưởng, còn Pháo-binh là tôi.

– Bây giờ có lệnh rút bằng đường bộ. Tôi vừa chỉ thị cho Đại-đội tiền đồn trở về, và như thế, có thể sau 12g00 mình rời khỏi căn-cứ này. Anh xem lại đại bác của anh có còn xử dụng được không?

– Trình Thiếu-tá, tôi đích thân đi kiểm soát khi sáng – Chẳng những đại bác của tôi mà cả đại bác của Đại-úy Trí cũng chẳng còn gì nữa. Tuy vậy, Thiếu-tá yên trí, tất cả cơ phận quan trọng tôi đã thủ tiêu hết rồi. Hầm của tôi kiên cố như thế mà còn sập nóc, Thiếu-tá!

– Thế quân số của anh bây giờ được bao nhiêu?

– Vẫn 34, nhưng có tăng thêm 8 bị thương thành đến 13 thương binh! Trong đó có hai nặng, số còn lại, một vài anh em rất nhẹ, có thể đi lại được dễ dàng… Kính nhờ Thiếu-tá can thiệp cho trực thăng tải thương anh em về trước… mình có rút bộ cũng chả sao.

– Khó qua, bây giờ không thể xin được. Thôi đành khiêng và dìu anh em đi.

Trở lại hầm bệnh xá, tôi cho gọi TS1 Lực vào cùng tôi cắt đặt việc triệt thoái bằng đường bộ, chúng tôi chia cho 8 binh sĩ lực lưỡng nhất, trách nhiệm thay phiên nhau khiêng B2 Xề. Còn anh em khác, cố gắng chống gậy đi theo… B2 Quốc dìu B2 Phương, B1 Ngô dìu HS Dinh…

…12g00!… Rồi 13g00!… 14g00!… Đại-đội tiền đồn vẫn chưa về được căn-cứ! Sau này tôi mới biết được Đại-đội tiền đồn còn một số binh sĩ quá ít, lại phải khiêng 8 thương binh! Sườn núi quá dốc, Cộng quân lại pháo kích dọc đường! Thêm vào đó, anh em cũng đã mệt mỏi quá sức sau hai đêm liên tiếp cố thủ, chống lại các cuộc đột kích và tấn công của địch lên vị trí.

Mãi đến 16g00 Tiểu-đoàn mới quy tụ được tất cả quân số, ngoại trừ Đại-đội nặng đã về Khe Sanh sáng hôm qua.

Đúng 17g00 kém 5 phút, kế hoạch «Du Lu 1» được áp dụng cho chúng tôi.

Tất cả Pháo-binh các nơi có tầm bắn đến Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, đều tác xạ tối đa chung quanh căn-cứ, chỉ chừa một con đường duy nhất dọc bãi đáp trực thăng mới nhất (bãi đáp số 3) xuống thẳng phía Nam ­ nơi mà đêm qua địch đã tràn lên tấn công căn-cứ! Đồng thời, hai chiếc Jet bắn hai màn khói dày về hướng Đông trải dài từ phía Nam lên Bắc và về hướng Tây từ Bắc xuống Nam…

Đứng trên đồi nhìn xuống lộ trình sắp đi, không một ai có thể tiên đoán những gì sắp xảy ra – Nhưng dù có lo âu cũng vô ích, vì ngoài lộ trình này, không còn một lộ trình nào thuận tiện hơn!

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/03/truongduyhy_halao_sodovitri_2-1.jpg?w=640

Chương 18

TRIỆT-THOÁI RA KHỎI CĂN-CỨ HỎA-LỰC 30

Mười bảy giờ, chúng tôi chính thức rời khỏi Căn-Cứ Hỏa-Lực 30.

Thiếu-tá Lê Văn Mạnh và Đại-úy Trần Công Hạnh bảo tôi:

– Anh cho tất cả thương binh cùng số binh sĩ có trách nhiệm khiêng cáng đi giữa và đi trước Bộ Chỉ–huy Tiểu-đoàn. Số anh em còn lại đi sau BCH. Tôi biết các anh không quen chiến đấu với AR15, anh hãy cho lệnh binh sĩ của anh, khi nghe súng nổ thì nằm tại chỗ để bọn tôi đánh, chứ đừng chạy lộn xộn nguy hiểm. Chúng tôi sẽ bảo vệ cho các anh…

Lời nói của quý vị ấy, thật sự đã làm cho tôi cảm động vô cùng. Tôi thầm nghĩ, kết quả cảm tình này hẳn là được tạo bởi thiện chí của Pháo-đội tôi, cộng tác chặt chẽ với Tiểu-đoàn 2 Dù trong suốt một tháng qua – từ các cuộc yểm trợ chính xác liên tục bằng đại bác cho đến những lúc đâu lưng đấu cật chiến đấu tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, đã được BCH/TĐ2 Dù ghi nhận với thiện cảm chân thật.

Tôi thi hành đúng theo kế hoạch của Thiếu-tá Mạnh chỉ thị. Tuy nhiên, vì quá gầy yếu, một chân bị Rhumatisme đang hành, tôi cố gắng theo cho kịp đã bở hơi tai, còn sức đâu tới lui để kiểm soát nhân viên! Lân, thì tay đeo trước ngực, tay chống gậy, khập khà khập khểnh hướng dẫn toán bị thương… Các Pháo-thủ khỏe nhất luân phiên 5, 10 phút thay nhau khiêng B2 Xề. Cáng khiêng làm bằng cây rừng còn tươi. Cái ponchot được cột chéo hai đầu lên cáng để khoảng giữa cho Xề nằm. Trông thật đau lòng đến ứa nước mắt!

Vượt qua khỏi phòng tuyến, đoàn quân triệt thoái thẳng hướng 4200 ly giác. Mùi hôi thúi từ các tử thi Cộng quân xông lên nồng nặc… Suốt dọc lộ trình 1000 thước, xác Cộng quân đầy dẫy. Có xác nằm co quắp, có xác cháy đen, có xác bị kiến rừng bu quanh khắp vết thương đã sình thối. Ruồi bọ tha hồ rửa thịt! Tôi định bụng sẽ không nhìn đến tử thi, nhưng có nhiều tử thi nằm ngay trên lộ trình di chuyển, bắt buộc tôi phải nhìn để tránh!… Hai tử thi đặc biệt mà tôi gặp, có lẽ không bao giờ tôi quên được: Theo triền đồi, hắn quỳ hai gối và chắp hai tay, cánh tay ngoài xuôi theo triền đồi, trán gục xuống trên hai bàn tay xòe ra tự bao giờ… đầu đạn M79 tống vào hậu môn, dừng lại ở bên trong không nổ, để lộ phần sau nom rõ mồn một. Một xác khác nằm ngữa, tay chân duỗi thẳng, thân thể bị cháy đen như than, nhưng riêng trán bên phải, một mảng thịt lớn bị tróc, để lộ xương trắng hếu!

Thật sự chúng tôi không còn biết sợ là gì nữa! Chỉ trông rời khỏi căn-cứ để tránh một mục tiêu quá lộ liễu, mà chúng tôi đã phải trân người trong 7 ngày tròn chịu pháo kích khủng khiếp, tấn công từng giây từng phút… hồi hộp không biết bao giờ «Chúa» gọi!

Thỉnh thoảng đám ruồi nhặng bám trên tử thi bay tung lên – khi chúng tôi đi qua – tử khí được dịp bốc lên phả vào mũi mọi người, cơ hồ làm nghẹt cả khí quản! Phần mệt không đủ mũi thở, phần không còn đường nào khác để tránh… vì xác địch chồng chất quanh khắp căn-cứ, chỗ nào cũng có, và lúc toán đi đầu mở đường đã tạo ra một đường mòn nào thì người kế tiếp cứ nhìn đấy mà bước theo. Bởi vậy, chẳng còn ai buồn đưa tay lên che mũi!

Di chuyển được 30 phút, trước mặt chúng tôi bụi đất mịt mù tung lên, sau những ánh chớp, lửa lóe sáng cả một vùng… tiếng nổ ầm ầm kéo dài như tiếng sấm rền vang… cứ thế nối tiếp từ đằng xa tiến dần… tiến dần… và ngừng lại, khi cách chúng tôi khoảng 700, 800 thước!… B–52 dội bom… …

Đại-úy Hạnh quay ra sau nhìn tôi bảo:

– May quá! Bọn mình đi sớm vài tiếng đồng hồ chắc tiêu hết!

– Chứ Đại-úy không liên lạc với Bộ Tư Lệnh sao? – Tôi hỏi.

– Có chứ! Nhưng bất ngờ làm sao biết được!

Tôi rùng mình. Giai thoại «Đồi Ma», «Suối Máu» ở Hạ Lào thoáng nhanh qua trí tôi!

«Đồi Ma», nơi B–52 tiêu diệt gọn một Trung–đoàn Cộng quân trong lúc đang di chuyển.

«Suối Máu» nơi không ngừng loang vết máu vì các cuộc phục kích!… Biết đâu –Tôi nghĩ dại – Cái rủi ro lại chẳng đến với chúng tôi?

Trong lúc đó, nhìn lại vị trí trên đỉnh 727 thước, đạn pháo kích của địch vẫn rót đều vào căn-cứ! Có lẽ chúng không nhìn thấy chúng tôi triệt thoái vì bức màn khói và vì lo nấp hầm để tránh kế hoạch «Du Lu 1» do tác xạ hỗ tương của các đơn vị Pháo-binh bạn.

…Đường đi càng lúc càng dốc, dần dần tôi theo không kịp BCH/TĐ Dù nữa. Chân tôi đau và sưng tấy ở đầu gối – nơi Rhumatisme xuất hiện từ 2 hôm nay. Tôi ngồi xuống nghỉ tạm, nuốt 2 viên Anacine cho đỡ nhức! Cùng ngồi với tôi, có một binh sĩ Dù bị thương ở chân, anh ta người miền Trung, khoảng 18, 19 tuổi. Anh hỏi tôi:

– Đại-úy bị thương hay sao mà đi khập khễnh thế?

– Không, tôi bị thương xoàng không ăn nhằm gì, nhưng bị sưng khớp xương đau lắm…

– Thế Đại-úy cầm cây gậy của tôi để đi cho kịp…

Vừa nói, anh vừa trao cây gậy cho tôi. Tôi ngạc nhiên quá, vì chính anh cũng đi khập khễnh không hơn gì tôi và chính anh bị thương ở chân, y tá băng gồ lên chứng tỏ vết thương không phải là nhẹ. Tôi bảo anh:

– Không được, phải để anh chống mà đi. Anh bị thương với cái băng to như thế, tôi chắc không nhẹ đâu, anh cần phải dưỡng cái chân để đi xa nữa chứ.

Tôi trao gậy lại cho anh, nhưng nhất định anh không chịu nhận.

– Đại-úy cứ dùng để đi cho kịp BCH/TĐ.

Rồi anh tâm sự:

– Tôi bị thương từ bốn hôm nay, không tải thương được! Lúc sáng có lệnh triệt thoái, tôi theo Đại-đội bên tiền đồn trở về, những tưởng sẽ nghỉ đỡ một đêm, không ngờ lại đi ngay… mệt quá!

– Anh ở tiền đồn mới về à? Chết chữa! Thế anh cần phải chống gậy mà đi chứ!

Cuối cùng anh vẫn đay đảy từ chối! Tôi cảm động, thầm nghĩ có lẽ tôi tiều tụy lắm mà chính tôi không biết, đã khơi nơi lòng anh niềm trắc ẩn chân thật đối với tôi… Thế rồi anh và tôi tiếp tục lên đường.

Nhờ cây gậy «phép» tôi lết được nhanh hơn đôi tí. Nhiều lúc tôi phải ngồi xuống, chỏi hai tay sau lưng, trượt lên lau lách… với tất cả cố gắng… nhưng vẫn không làm sao bắt kịp BCH/TĐ.

Trên đường di chuyển chiều nay, một lần nữa tôi khâm phục cách tổ chức chiến đấu của Tiểu-đoàn 2 Dù… Dẫu cho tình thế khó khăn đến mấy, tất cả các Đại-đội đều giữ đúng đội hình quả trám, bảo vệ trọn vẹn BCH/TĐ ở giữa – và, thi hành lệnh của Thiếu-tá Mạnh thật nghiêm chỉnh.

Nhân dịp này, tôi được biết Thiếu-tá cũng giàu tình cảm lắm. Chính Thiếu-tá Mạnh đã không cầm được nước mắt khi ra lệnh mai táng một chiến sĩ Dù tại tiền đồn, vì không có phương tiện triệt thoái, trước khi Thiếu-tá trở về BCH/TĐ cách đây mấy hôm… Niềm kính phục Thiếu-tá lan tỏa trong lòng mọi người, nhất là cử chỉ ưu ái với lời nói nhỏ nhẹ của Thiếu-tá Mạnh trong bất cứ một tiếp xúc nào với Sĩ-quan, hạ Sĩ-quan và Binh–sĩ, cũng như sự cư xử với đơn vị bạn… cụ thể là với chúng tôi…

Lân tuy lớn con và mạnh hơn tôi nhiều, nhưng giờ đây mang thương tích ở tay, ở chân, nên không còn phong độ như trước. Càng đi, càng tụt dần về sau với tôi… để cuối cùng Lân lại dìu tôi, tôi dìu Lân đi sau rốt!

…Ánh trăng lưỡi liềm lơ lửng trên nền trời trong lờ mờ soi sáng khắp đó đây. Hơi mát của sương đêm và không khí núi tỏa ra vẫn không chận được những giọt mồ hôi đang thấm ướt bộ quân phục. Bi-đông tôi đã ráo cạn, không còn một giọt nước! Cổ tôi rát bỏng, nước bọt cô đọng lại, tôi khát, khát lắm!

Mãi đến 21g00, chúng tôi đến gần suối. Tiếng róc rách của nước len mình qua các tảng đá, tạo nên một âm thanh khả ái quá! Trí tôi tưởng tượng mạnh hơn bao giờ hết – một cuộc giải khát ngon hơn cả ngồi ở phòng trà có máy lạnh!… Tôi thèm đến nỗi ước gì có «đôi hia 7 dặm» mà tôi được đọc trong các chuyện thần thoại… để bước nhanh đến suối!…

Khổ nỗi, trước khi xuống suối, chúng tôi phải qua một cái bực thật thẳng, khó khăn. Tôi loay hoay xoay trở vài phút, rồi nhờ người trước đỡ, kẻ sau níu, tôi mới xuống được…

Vội vàng, tôi quên cả việc cám ơn anh em, nhào vội ra giữa giòng suối, khoát lên trên mặt nước vài cái rồi hụp đầu xuống tu một hơi dài không thở!… Tiếp đấy, tôi vốc nước tạt vào đầu, vào cổ để mặt nước chảy thành dòng xuống ngực, xuống lưng hòa với mồ hôi! Làm cho áo tôi vốn dĩ đã ướt vì mồ hôi, bây giờ lại ướt thêm vì nước suối!

Hơi mát bốc lên từ mặt nước hòa với cái lạnh của nước phả vào người, tôi cảm thấy sảng khoái lạ thường… Cơn mệt dần dần tan đi. Xong, tôi tháo bi-đông đeo bên thắt lưng, múc đầy nước cài thật kỹ đặt vào chỗ cũ.

Nhìn lại, cái cáng khiêng B2 Xề còn nằm trên bục đất… anh em đang tìm cách chuyển xuống suối! Tôi đi ngược lại bảo hai Pháo-thủ phụ trách:

– Anh em cố gắng đưa B2 Xề qua suối. Có lẽ đi một đoạn nữa là dừng. Bây giờ đã 9g00 tối rồi, chắc phải đóng tạm trên đồi đối diện với chúng mình đây…

Hạ–sĩ Dũng và B2 Bân vừa vuốt mồ hôi chảy dòng trên mặt vừa trả lời:

– Khổ quá Đại-úy ơi! Bọn em mệt ngất người! Anh Xề ảnh nặng quá trời! Bọn em ráng lắm rồi… không biết có khiêng nổi nữa không! Khi nãy trợt lên trợt xuống, nhiều lúc lật cả bàn chân thiếu điều muốn gãy… mà phải ráng giữ cho khỏi rơi cái cáng, chỏi rời cả tay…

– Tôi hiểu rõ nỗi vất vả của anh em lắm. Các anh em thương nhau như thế này, không bao giờ tôi quên đâu. Tôi hứa lúc về, tôi sẽ đề nghị tưởng thưởng xứng đáng để đền bù lúc nguy hiểm và vất vả này của anh em.

…Bên kia bờ suối… B2 Quốc với vết thương trên tay, đang dìu B2 Phương lên dốc!

Đi một mạch hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới xuống chân đồi giới hạn bởi con suối này!

Sau khi dặn dò các Pháo-thủ khiêng cáng, tôi tiếp tục nối đuôi đồng đội tiến lên ngọn đồi trước mặt, đồng thời, Pháo-đội B ở A–Lưới vẫn tiếp tục tác xạ hai bên trục tiến quân không quá 500 đến 700 thước. Đại-úy Hạnh đích thân vào máy xin các tác xạ này. Tiếng đại bác hú rợn người qua đầu, nổ ầm ầm rền cả núi.

Tuy trong người cảm thấy khỏe nhờ con suối nhưng cái chân lại nhức nhối không tả được. Tôi lếch thếch theo anh em trong đau đớn cùng cực… Đường càng lúc càng khó đi vì dốc quá đứng và dễ bị lạc. Chúng tôi bắt đầu gặp đường mòn của Cộng quân.

Khi BCH/TĐ dừng quân và phân phối vị trí bố phòng cho các Đại-đội đâu vào đấy, tôi mới lò dò đến!

Thiếu-tá Mạnh chỉ cho tôi một khoảnh đất kế cận và bảo:

– Anh thu xếp cho Pháo-đội anh nghỉ chỗ này, ráng mà đào hầm kẻo tối nó đột kích, pháo kích không có chỗ nấp.

Tôi nhận lệnh, gọi tất cả anh em lại một chỗ, nhưng nửa giờ sau mới tập trung được. Tuy vậy, vẫn thiếu 3 người: B2 Xề và hai Pháo-thủ khiêng anh ta.

TS1 Lục tiến đến tôi, báo rằng: Anh em còn đi sau một số… Nhưng 15 phút qua vẫn không thấy! Bỗng HS Dũng từ dưới đồi vượt lên báo cáo cho tôi:

– Thưa Đại-úy, hai đứa em đi lạc qua cánh trái bị cái dốc thẳng đứng không thể nào lên được. Nhìn đằng trước, đằng sau, không còn một ai nữa. Bọn em đặt cáng xuống đường, bảo anh Xề nằm yên để bọn em lên trình chỗ đóng quân, trình Đại-úy tăng cường cho vài người xuống khiêng thế!

Tôi ra lệnh cho TS1 Lục ngay:

– Anh cho 10 người đi gấp kẻo khuya. Tôi sẽ can thiệp cho Thiếu-tá chừa đường cho anh em đi về… Phải mang theo súng cá nhân, nón sắt, áo giáp…

Tuy ra lệnh cho TS1 Lục như vậy nhưng tôi cũng đi theo một đoạn đường đến tận vòng đai ngoài cùng, nhờ một binh sĩ Dù hướng dẫn, vì anh ta bảo anh ta nhớ đường. Tôi trao cho anh 1000 đồng, nhưng anh không cầm, lại còn nhăn tôi:

– Đại-úy đừng làm thế. Giúp được gì cho Đại-úy và các anh em Pháo-binh là chúng tôi giúp ngay chứ tiền bạc gì!

– Thành thật cám ơn anh, nhưng tôi nghĩ, ít ra anh cho phép tôi được tỏ lòng biết ơn của cả Pháo-đội – mà, tôi là đại diện. Nếu không thì đây là phần thưởng riêng của tôi đối với anh vậy.

Cuối cùng, nhất định anh không nhận.

Thế rồi, TS1 Lục dẫn 10 binh sĩ «xuống núi» do anh ta hướng đạo.

Trở về chỗ Lân ngồi, tôi đợi tin!

Nhờ B1 Huy, B2 Một phát bằng một khoảng đất vừa đủ cho tôi và Lân ngã lưng. Không mền… không chiếu… không tất cả!.. Đến một cái “sac” nhỏ đeo vai đựng bao gạo sấy và hộp thịt ba lát cũng đã rơi mất tự bao giờ! Tôi chỉ còn vỏn vẹn bộ quân phục mặc trong người với cái nón sắt, áo giáp và khẩu colt đeo bên hông!

Nằm cạnh Lân, xuyên qua cành cây kẻ lá, những vì sao lấp lánh trên trời cao đập vào mắt tôi… Tôi bắt đầu nghĩ mông lung đủ chuyện… Tôi bảo Lân:

– Lân ơi! Anh nghĩ thế nào về phản ứng bảo vệ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 của bọn mình với anh em Dù?

– Mình thắng lợi lớn thật, nhưng chúng pháo kích không chịu nổi!…

– Tôi cũng nghĩ như anh. Cứ nhìn số xác Việt cộng chết cả một vùng rộng lớn khi chiều, tôi chắc các mặt Bắc, Đông và Tây của căn-cứ hẳn cũng nhiều như thế… vì lúc tấn công bọn mình, chúng hô xung phong cả bốn mặt, nhất là đêm 26 rạng 27… thì, chẳng lẽ bọn chúng chỉ chết ở một mặt này thôi à!

– Thì đấy, Đại-úy không để ý sao? Sau mỗi trận đánh, anh em TĐ2 Dù đếm xác và thu chiến lợi phẩm toàn là bên trong và ngay trên hàng rào phòng thủ… Tôi thấy các báo cáo của TĐ2 Dù gởi về Bộ Tư Lệnh ở Khe Sanh chắc là không được chính xác, bỏ sót quá nhiều… tối thiểu mỗi trận chúng chết cũng vài ba trăm là ít. Phần thả bom, rocket, phần các Pháo-đội yểm trợ hổ tương, mình trực xạ, phần thì lựu đạn M79 của Dù, cả chục lần làm tắt tiếng xung phong của chúng… mình đồng da sắt chịu cũng không nổi nữa là!…

– Tiếc vì không thể kiểm kê hết xác và thu cho hết chiến lợi phẩm! Nhưng nghĩ cho cùng, khó làm gì hơn được. Chung quanh triền đồi bọn chúng đã đào nhiều hầm ếch như thế, dại gì anh em đi thu chiến lợi phẩm ở bên ngoài để bị bắn sẻ. Tôi thấy Dù tác chiến hay lại cẩn thận. Lúc đáng hy sinh thì không tiếc mạng sống, nhưng không phải lúc đổ xương máu anh em lại dò dẫm từng bước. Quả thật anh em họ đã có một kinh nghiệm chiến đấu đáng kể. Tôi nghĩ, nếu về được hậu cứ, chắc gì mình thuật lại mà có người tin sự tổn thất của chúng lớn lao như chính bọn mình đã thấy!

– Có thể lắm! Chỉ những người trực tiếp chiến đấu tại đây như bọn mình có thấy tận mắt mới tin đó là sự thật.

– Được phối hợp tác chiến với Tiểu-đoàn 2 Dù kỳ này, thật là may mắn cho bọn mình đủ thứ… lại học hỏi được nhiều kinh nghiệm…

…TS1 Lục trở về, vẻ mặt hơ hãi, báo cáo tiếng được tiếng mất:

– Thưa Đại-úy… bọn tôi xuống… tới nơi… chỉ còn chiếc cáng…với mấy sợi dây cột ponchot… và một gùi băng… tôi phân tán anh em… tìm chung quanh nhưng không thấy… gọi cũng không nghe lên tiếng!… Không biết anh Xề bỏ đi đâu mà lạ thế?… Khó hiểu quá… hai mắt của ảnh bị băng kín, dầu có gỡ băng cũng chưa chắc thấy đường… vì vết thương ở hai mắt khá nặng…

Tôi điếng cả người! Hồi tưởng trước đây một tiếng đồng hồ, tôi đứng cạnh cáng ở bên kia bờ suối!

Tôi gay gắt hỏi HS Dũng:

– Khi nãy mày để Xề nằm đợi, mày đã bảo gì với nó?

– Thưa Đại-úy, em dặn kỹ hai ba lần bảo anh cứ nằm yên tại chỗ để em lên nơi đóng quân, trình với Đại-úy xin người xuống tiếp tay… Em thề với Đại-úy em có dặn kỹ.

Tôi long cả mắt, quát ầm lên và không cầm được nước mắt, khi nghĩ đến nỗi cực khổ không tả xiết của anh em, vì Xề mà khiêng hơn 4 tiếng đồng hồ, cùng những đau đớn hành hạ từ những vết thương trên thân thể Xề.

Thiếu-tá Mạnh nghe tôi to tiếng với nhân viên, gọi tôi lại bảo:

– Anh giải quyết nho nhỏ, chỗ này không yên đâu, bây giờ khuya rồi, anh nên nghỉ đi. Sớm mai cho anh em xuống tìm lại một lần nữa xem sao… Khoảng 7 giờ hơn tôi mới cho lệnh di chuyển…

Tôi cám ơn Thiếu-tá, trở lại chỗ Lân nằm, tôi bảo Lân:

– Sức khỏe tôi quá kém! Phải chi tôi không bị Rhumatisme hành ở chân thì đâu đến như thế này… Trời! Khổ tôi quá!… Bây giờ không biết B2 Xề nó bỏ đi đâu?!…

TS1 Lục lại bên tôi trình bày cặn kẽ:

– Thưa Đại-úy, chính tôi kiếm cây cột cáng khi chiều. Tôi cột cái ponchot bằng dây thép niềng thùng đạn 105 ly. Tôi dùng kềm quấn chặt. Vì biết Xề nó nặng lắm, có thể tuột ponchot! Lạ quá, bây giờ ponchot cũng không còn, mà tay đâu thằng Xề nó mở được dây thép. Chân nó cũng bị thương nặng cơ mà… Tôi nghi Việt cộng đi sau mình bắt nó quá!…

Lân tiếp:

– Tôi nghĩ đây là trường hợp bất khả kháng, Đại-úy phải bình tĩnh hơn để giải quyết. Anh em ai cũng biết Đại-úy lo sốt cả ruột. Còn trách mấy anh em khiêng cáng cũng tội nghiệp. Đường dốc như bức thành, nhiều chỗ cao hơn đầu… Các Đại-đội Dù quen di chuyển bằng bộ, tôi tưởng anh em theo kịp thế này là đáng khen rồi. Còn 12 thương binh của mình nữa, Đại-úy còn biết bao nhiêu việc phải lo! Bây giờ đã khuya, làm ăn gì được nữa! Đại-úy cứ tạm nghỉ, để sáng mai bảo anh em đi tìm lại rồi hẳn hay…

Lân khuyên tôi rất phải – chỉ có chúng tôi – những người trong cuộc mới rõ nỗi thống khổ hôm nay. Nhưng lòng tôi thật rối như tơ vò, chẳng yên tí nào.

Tôi thao thức, trằn trọc trên đá sỏi… Hơi lạnh len vào từng thớ thịt, từng khớp xương, làm cho chân tôi nhức không chịu nổi. Tôi có cảm tưởng như ai đóng đinh 10 phân vào đầu gối, và cái búa gõ liên tục vào đầu đinh! Xương bàn tọa ở 2 bên ghè lên đá sỏi đau ê cả người.

Thân tôi chỉ còn da bọc xương. Tôi lần trong túi quần lấy khăn tay xếp nhiều lớp, kê vào chỗ tiếp giáp giữa xương và đá sỏi… cố dỗ giấc ngủ, nhưng vẫn không ngủ được.

Lân nằm cạnh tôi, vì mất máu bởi các vết thương lạnh run cầm cập không hơn gì tôi. Hai đứa lại nằm sát vào nhau, ôm nhau gối đầu trên áo giáp thao thức trắng đêm!

…Trời chưa sáng rõ, tôi đã đánh thức TS1 Lục, TS Đổng và các anh em đi tìm B2 Xề… Lần này, TS1 Lục hướng dẫn 20 Pháo-thủ, trang bị súng AR15 và M79 xuống chỗ cũ lục soát thật kỹ. Vẫn không tìm ra B2 Xề. Cả toán lại tiến sâu xuống suối, và ngạc nhiên thấy cái bóp của B2 Xề vứt bên này suối!? Đoạn đường từ suối lên chỗ Xề nằm đâu có gần. Nhất là đối với một người bị thương nặng như Xề! Lúc qua suối, Xề còn được khiêng trên cáng, cái bóp ở túi quần làm sao có thể rơi ra được? Một lần nữa, anh em chia nhau cố gắng tìm.

Sau 30 phút vẫn không dò ra một tí vết tích nào khác, TS1 Lục đành phải hướng dẫn anh em về, tường thuật tất cả chi tiết trên và giao cho tôi cái bóp của Xề.

Đau khổ hơn bao giờ cả, tôi đăm ra cau có, gắt gỏng với tất cả mọi người. Thật vô lý! Lân nhăn tôi hoài, khuyên tôi mãi, nhưng hình bóng B2 Xề vẫn ám ảnh ray rứt, làm cho tôi không thể quên được.

7g30 chúng tôi tiếp tục lên đường, trẩy theo hướng 2400 ly giác.

Mặt trời càng lên cao, ánh nắng càng gay gắt phút chốc mồ hôi chảy thấm cả áo giáp… Trước sau, tôi uống hết 3 bi-đông nước mà vẫn cứ khát. Hầu như các binh sĩ đi gần tôi đều được tôi «chiếu cố» xin nước! Anh em khuyên tôi không nên uống nước nhiều, đi mệt. Nhưng tôi không thể chịu được cơn khát xé nát cổ họng mặc dầu tôi biết uống vào thì mồ hôi toát ra dầm dề. Ấy vậy mà không tài nào tôi nhịn được.

Dọc theo lộ trình sáng nay, chúng tôi đi qua một ngã tư đường mòn, chằng chịt dây điện thoại mới giăng, móc trên cây rừng ở hai bên đường.

Có lẽ Cộng quân thiết lập hệ thống liên lạc hữu tuyến này, ngay sau khi chúng tôi chiếm đóng Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 (?)… Các binh sĩ Dù vừa đi vừa cắt từng đoạn…

Qua khỏi ngã tư, chúng tôi đi xéo về hướng Nam để tránh đường mòn… nhưng sau đó lại gặp một đường mòn khác, cũng có dây điện thoại. Mặt đường nhẵn thín, chứng tỏ Cộng quân sử dụng tối đa con lộ này. Tôi nhẫm tính từ đây đến Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 chúng tôi không quá 1500 thước đường chim bay mà hệ thống liên lạc hữu tuyến của địch đầy dẫy như thế, hẳn chúng đã có một kế hoạch thanh toán chúng tôi từ lâu, nhưng chúng chưa thực hiện được đó thôi.

Những dốc đứng lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi, hết dốc này nối tiếp dốc kia, độ dốc cao hơn triền núi chiều hôm qua! Tất cả anh em đều mệt ngất và thỉnh thoảng nhắc tôi:

– Giá hôm nay còn anh Xề cũng không biết làm sao khiêng cho nổi.

Hình ảnh Xề lại hiện đến với tôi!

Tôi cố gắng hết sức, chống gậy đi trước Lân. Có những dốc cao chắn ngang bằng những rễ cây… phải đu cả người, chúi đầu về đằng trước làm điểm tựa rồi nhờ anh em đi sau đẩy mới lên được!…

Đến trưa, có lệnh tạm nghỉ. Nước đã hết không còn một giọt… Vài anh em móc bao gạo sấy, lần từng nắm bỏ vào mồm nhai rôm rốp… trong lúc binh sĩ Dù có nhiều anh em vẫn còn nước đổ vào gạo sấy làm cơm trưa.

Tôi và Lân mệt lả, không biết đói, chỉ có khát nước thôi. Tôi lấy trong túi áo hai thẻ bánh do anh em Dù cho – nguyên bánh này tịch thu được trong túi các chiến binh Cộng sản, mà Lân đã chứng kiến xác họ la liệt ở bãi đáp! Lân e ngại bảo tôi:

– Để khi nào thật đói hãy ăn.

– Chứ bây giờ anh còn no sao? Hay anh gớm vì tịch thu bánh này trên xác địch?

Lân cười không đáp.

Tôi bóc lớp giấy bên ngoài, bẻ nửa thẻ nếm thử. Bánh vừa mặn lại vừa ngọt, khi nước bọt thấm hết vào bánh, tôi có cảm giác deo dẻo, có mùi thơm của đậu xanh pha lẫn mùi nếp… Khi anh em Dù cho tôi, anh em có bảo tôi:

– Mỗi binh sĩ địch đều có mang theo vài thẻ bánh này để cầm thực. Ăn một thẻ như thế có thể no một ngày.

Còn một thẻ rưỡi, tôi gói cẩn thận cất vào chỗ cũ.

…Nghỉ được một tiếng đồng hồ, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Mãi đến 17g00, chúng tôi đi ngang qua một triền núi bị phát quang bởi B52 và Pháo-đội tôi đốt cháy bằng đạn khói trước đây… Tất cả mọi người đều ngụy trang nón, những nón chưa được vẽ rằn ri, xanh đỏ, phải ôm trước ngực để khỏi lộ mục tiêu vì chói sáng.

Tôi với Lân lo quá! Khoảng trống quá rộng, tại đây tôi quan sát rõ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 và tất cả cảnh trí ven căn-cứ ở mặt Nam, Tây và Đông. Những chướng ngại vật thiên nhiên do đỉnh đồi cao 727 thước với triền núi dốc… đã làm cho Cộng quân mệt lả khi bò lên đến sát rào phòng thủ, còn sức đâu đánh với đấm!

Tôi ê người khi nghĩ đến sự liều lĩnh của Cộng quân, thí mạng vượt qua tất cả triền núi vừa cao vừa dài như thế để tấn công chúng tôi… Điều thất bại hẳn đã thấy rõ! Vậy mà các cấp chỉ huy của chúng lại có thể điên cuồng thực hiện các cuộc xung phong!

Sau khi vượt qua quãng đường trống trải nguy hiểm này, chúng tôi tiến lên ngọn đồi thấp đằng trước. Thiếu-tá Mạnh cho lệnh dừng quân. Các Đại-đội lập tức chia nhau đóng xa BCH/TĐ, đặt các tổ báo động, các tổ chiến đấu…

Đến phút này, hầu hết mọi người không ai còn một giọt nước. Anh em chia nhau, kẻ đốn cây, người đào công sự tạm, số còn lại tung ra tứ phía đi tìm nước.

Một tiếng đồng hồ sau, các Pháo-thủ đem về cho tôi hai nón sắt đầy nước. Tôi cùng Lân uống đến no. Sau đó, tôi phân phối nhân viên nghỉ tạm quanh tôi và Lân. Giao TS1 Lục cắt đặt việc canh gác, đốc thúc anh em đào hầm trú ẩn để tránh pháo kích địch.

Trong suốt thời gian di chuyển, có vài lần tôi nhờ máy của Thiếu-úy Sĩ-quan Liên-lạc 320, liên lạc với Đại-úy Vẹn ở A-Lưới và Thiếu-tá Hằng ở Phú Lộc, song tôi từ chối trả lời hướng di chuyển cùng tọa độ điểm đứng vì sợ lộ, địch kiểm thính được sẽ thực hiện cuộc tấn công bất thần hoặc phục kích chận đường, nhất là vùng này đối với chúng quá quen thuộc, sự điều động binh sĩ của chúng hẳn là nhanh chóng, dễ dàng… Trong lúc chúng tôi di chuyển hoàn toàn nhờ vào bản đồ và địa bàn, vượt suối leo đồi chứ không theo một đường mòn nào cả.

Tôi biết Thiếu-tá Hằng và Đại-úy Vẹn rất lo, cũng như không mấy bằng lòng tôi, song tôi không thể làm hơn được. Tôi nghĩ: Với hệ thống liên lạc vô tuyến của BCH/TĐ2 Dù và Bộ Tư Lệnh Dù ở Khe Sanh, sẽ cho Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng của tôi những tin tức xác thực về cuộc di chuyển mà chúng tôi đang thực hiện.

Từ sáng đến giờ, lai rai tôi uống có đến 10 viên Anacine nhưng lại không có lấy một miếng cơm trong bụng. Xót ruột một cách kỳ lạ.

B1 Một mang lại cho tôi một bịch gạo sấy loại nhỏ đã ngâm nước lạnh với một lon thịt gà hộp… Cùng với Lân, chúng tôi xúc mỗi đứa một muỗng, chắp miệng không biết bao nhiêu lần, nhưng cơm vẫn không muốn trôi vào cổ!

Bấy giờ, đằng sau tôi khoảng 5 thước, một binh sĩ Dù cầm lại cho tôi một ca cơm mới nấu nóng hổi trộn lẫn với canh bí đao. Anh bảo tôi:

– Đại-úy dùng ca cơm tôi mới nấu này… Cơ khổ, Đại-úy ốm yếu thế mà ăn như vậy nữa thì làm sao đi nổi?…

Tôi cầm ca cơm, nhìn Lân ứa nước mắt! Chính binh sĩ này đã hơn một lần, tôi từ chối không cho nước. Sau đó, vì tôi báo cáo vụ tháo gỡ dù trong đạn chiếu sáng trên Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, anh đã thọ phạt trước mặt tôi ngay tại BCH/TĐ2 Dù. Giờ đây, chính anh ta lại mang cơm đến cho tôi ăn! Có thể thế được ư?…

Tôi ngập ngừng hỏi anh:

– Anh không giận tôi báo cáo để anh bị phạt hôm trước? Anh cũng không giận vì tôi đã không cho anh nước hôm còn ở trên căn-cứ sao?

– Thưa Đại-úy, việc Đại-úy giữ nước để tu bổ súng, tuy hôm đó, tôi có bực mình thật, nhưng nghĩ lại, súng có tốt, Đại-úy mới yểm trợ giúp đỡ cho anh em tôi hiệu quả… Còn việc tôi bị phạt là tại tôi chứ phải vì Đại-úy đâu?… Lính mà Đại-úy!… Tiểu-đoàn tôi bây giờ phạt thế là nhẹ nhất rồi đấy!…

Anh nói rồi cười ha hả, xem như những gì đã qua, không đáng cho anh để ý nữa.

Hành động của anh, thêm một lần nữa làm cho tôi thầm phục Tiểu-đoàn 2 Dù. Những tiếng «Lính mà Đại-úy» cho tôi ý niệm về hành động vô tư, có thể bất cứ binh sĩ nào của Tiểu-đoàn này cũng có. Nó vô thưởng vô phạt, vì ý thức «thiện» không phải là không có khi hành động, nên những lầm lỗi của họ đáng mến hơn là đáng trách.

…Cũng như đêm qua, đêm nay, Lân và tôi ôm nhau nằm trên đá sỏi, màn trời chiếu đất – đúng nghĩa màn trời chiếu đất!

Khoảng 24g30, vài quả đạn rơi gần các tổ chiến đấu, mảnh văng vào chỗ chúng tôi nằm, tiếng nổ chát tai, có lẽ là đạn 57, 75 ly của Cộng quân. Tuy vậy, không ai bị thương, cũng không có tiếng súng phản ứng.

Rạng ngày 5 tháng 3-1971, Thiếu-tá Mạnh gọi tôi đến bảo:

– Anh khỏe chưa? (vừa cười, Thiếu-tá tiếp)… tôi chìu ý anh, xin được phương tiện triệt thoái hết các thương binh và Pháo-binh của anh cùng Biệt-Động-Quân rồi. Tôi đã ra lệnh chốc nữa dọn bãi đáp sẵn để đón trực thăng.

– Cám ơn Thiếu-tá. Trong hai ngày qua theo chân Thiếu-tá, tôi mệt quá. Ước gì đừng đau ốm, tôi cũng không ngán… ngặt cái chân đau và bệnh kiết không dứt.

– Có các anh đi theo, bọn tôi thêm lúng túng, tôi chỉ mong các anh về càng sớm càng hay, để bọn tôi rảnh tay chiến đấu. Dầu sao bọn tôi quen lội bộ, đánh bộ hơn các anh.

– Thiếu-tá bảo rất đúng. Tôi nghĩ Thiếu-tá và Đại-úy Hạnh thật tình lo cho chúng tôi hết mình… Về lại Khe Sanh chuyến này, không biết sau này khi trang bị lại đại bác, có còn yểm trợ trực tiếp cho Tiểu-đoàn 2 Dù nữa không? Tôi mong sao lần sau, có dịp cùng chiến đấu với Thiếu-tá và anh em Dù trong Tiểu-đoàn này. Tôi cũng thành thật tỏ bày với Thiếu-tá – Đây là lần đầu tiên tôi phải tăng phái cho Dù – và nhờ chuyến đi này, Pháo-đội tôi học được nhiều kinh nghiệm hơn bao giờ hết…

Tôi trở về với Lân, thuật lại lời Thiếu-tá Mạnh, xong tôi cho lệnh gom anh em lại một chỗ và chia ra thành nhiều toán nhỏ, mỗi toán 8 người. Kẻ bị thương sắp trước, người mạnh kế tiếp… ngồi dọc một hàng thật trật tự.

Trong số anh em Biệt-Động-Quân còn lại, có một TS1 Trưởng toán, nghe triệt thoái bằng trực thăng liền tìm đến tôi.

– Thưa Đại-úy, Pháo-binh và Biệt-Động-Quân hôm nay được trực thăng bốc hả?

– Tôi vừa nhận lệnh đây, Dù sắp dọn bãi đáp, có lẽ chốc nữa trực thăng sẽ đến. Anh lo sắp hàng cho anh em đi là vừa.

– Đại-úy cho bọn em theo với. Mấy anh em bị thương trông thảm quá.

– Tôi biết nỗi khó khăn phải cõng, phải dìu thương binh… nó sờ sờ ra đấy ai mà không thấy… Anh em tập trung số thương binh ra phía trước, sắp chung với số thương binh của Tiểu-đoàn 2 Dù và các thương binh của tôi cho dễ kiểm soát… Bây giờ chỉ có lệnh triệt thoái thương binh, Pháo-binh và các anh thôi. Còn anh em Dù vẫn tiếp tục chiến đấu theo lệnh mới… Các anh nên cố gắng giữ trật tự kẻo bị Thiếu-tá la và nhất là phi công nó sợ, nó không dám bốc…

Anh ta cám ơn tôi, đi cắt đặt các toán ngồi song song với Pháo-binh.

Từ hai hôm nay, tuy chúng tôi không còn một ai trên Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 nữa, tại đây chỉ có bãi mìn tự động bao quanh, thế mà địch vẫn tiếp tục pháo kích! Thỉnh thoảng tiếng ầm ầm vang vọng từ căn-cứ do đạn pháo kích địch rót vào, bụi đất tung lên… làm cho chúng tôi thầm nghĩ: Có lẽ Cộng quân đã «ê răng, ê càng» vì sau 7 ngày đêm tấn công liên tục, dồn dập, với những trận mưa pháo kích và nhất là kho đạn phát nổ giữa lòng căn-cứ… chúng vẫn không áp đảo nổi chúng tôi – hẳn chúng phải tởm, không dám xua quân lên chiếm nữa! Và có lẽ chúng đinh ninh rằng lực lượng ta còn cố thủ vị trí?!…

Sáng nay cũng thế, tiếng đạn pháo kích của địch vẫn nối tiếp vang vọng cả núi rừng để uy hiếp một «Căn Cứ Bỏ Ngõ»!

…Chuẩn Úy Long, chỉ huy một Trung-đội Dù – thoạt trông, tôi có cảm tưởng Long lớn tuổi hơn tôi vì bộ râu quai nón khá rậm và dài, chứng tích của những ngày tử thủ tiền đồn Đông-Nam Căn-Cứ Hỏa-Lực 30… đang tiến về phía tôi, trên tay cầm một ca cà phê nóng hổi. Long đến bên cạnh tôi tâm sự:

– Khi nãy, thấy Đại-úy vác cái cuốc ở dưới dốc đi lên, trông thiểu não quá! Đại-úy bị bệnh chăng?

– Tôi bị bệnh cả tuần nay, song không can gì, ngặt có chứng sưng khớp xương làm tôi đau đớn nhất. Tôi đã chạy chữa 18 năm nay, nhưng «tiền mất, tật còn»… giờ phải lội bộ, leo núi theo các anh em, nên nó tái phát nhức lắm!

Long trao cho tôi ca cà phê, mời tôi uống… nể lời, tôi chỉ hớp một hớp vì sợ bệnh kiết sẽ nặng hơn chăng! Tiếp đó, tôi chuyền ca cà phê qua Lân. Ba anh em cùng uống chung ca cà phê nấu bằng nước suối. Hương vị thật ngọt ngào dễ dỗ chúng tôi liên tưởng đến những phòng trà, quán giải khát ở chốn phồn hoa đô thị… Sau đó, Long mời tôi xuống phía dưới, nơi anh và Trung-đội của anh đang tạm trú.

Ngồi trên miệng hầm có gát cây rừng, bên trên phủ một lớp cây dày, Long bảo tôi:

– Nếu có gì trục trặc không về được hậu cứ hôm nay, Đại-úy đến ở chung với tôi cho bảo đảm.

– Cám ơn anh, tôi còn hơn 30 nhân viên, thành phải ở đằng ấy cho chúng yên tâm.

Nồi cơm sáng bốc hơi nghi ngút. Tôi và Lân được Long mời dùng cơm cùng với binh sĩ của Trung-đội anh. Lân ăn rất thật tình, riêng tôi vẫn cứ ngại ngại bởi chứng kiết chưa dứt, không dám bắt kịp Lân – dù tôi đói và thèm cơm kinh khủng!

Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi phì phà rít thuốc lá… TS1 Bang nhìn thấy tôi, vội chạy lại xin cái bi-đông và cái địa bàn. Tôi bảo:

– Tôi biếu anh đấy, nhưng nếu tôi về không được thì xin anh trả lại cho tôi để tôi đựng nước… và nhắm hướng mà đi…

– Đại-úy yên trí, tôi sẽ trả lại Đại-úy ngay, nếu Đại-úy còn kẹt… À này, tôi biếu Đại-úy 10 đồng Hồ Chí Minh… tôi tịch thu được của Việt cộng trên căn-cứ hôm trước… Đại-úy giữ làm kỷ niệm…

Vừa nói, Bang vừa móc trong túi áo, trao cho tôi tờ giấy bạc 10 đồng có in hình Hồ Chí Minh bên góc.

Chúng tôi đợi mãi đến 13g00 hơn mới có trực thăng đến. Tại bãi đáp, khuất trong đám cây cao và rậm, Đại-úy Hạnh hướng dẫn phi cơ đáp xuống bãi… nơi đó có lựu đạn khói màu đánh dấu.

Chiếc trực thăng đầu tiên hạ thật thấp, xô vội các thùng đạn, tiếp nhận tất cả vũ khí cá nhân và cộng đồng – chiến lợi phẩm tịch thu của địch trong đêm 2 tháng 3-1971 – trận đánh cuối cùng trước khi chúng tôi rời căn-cứ. Số chiến lợi phẩm này khá nhiều, chở đầy một trực thăng.

Chiếc thứ nhì… thứ ba… cũng như chiếc trước, sau khi vứt các kiện đạn, liền tiếp nhận toán thương binh.

Nhìn Lân và các thương binh được lên trực thăng, tôi mừng quá! Tôi bước đến cạnh Đại-úy Hạnh hỏi vài điều… Chiếc thứ năm bắt đầu triệt thoái Pháo-binh và Biệt-Động-Quân. Tôi không thể lên được, phi công không chịu hạ thấp – phải chăng phi hành đoàn thấy toán sau này đều khỏe mạnh cả? Không một ai bị băng bó nên cứ lơ lửng trên không!… Chàng xạ thủ đại liên ngồi bên hông trực thăng hờm sẵn cây thông nòng đại liên, giới hạn chở một số người vừa sức cho trực thăng bốc lên. Một số Pháo-thủ của tôi, một vài binh sĩ Biệt-Động-Quân về được chuyến này.

Trong lúc chờ chiếc thứ năm và thứ sáu, tôi gỡ bọc vải ngụy trang nón sắt để lộ 3 mai vàng, sơn trước nón… Tôi hy vọng các phi công sẽ bình tĩnh hơn khi thấy có Sĩ-quan hướng dẫn. Tôi đã nghĩ đúng! Khi tiến từ từ đến trực thăng, phi công ngoài nhìn tôi và cho trực thăng hạ thật thấp – Tuy chân trực thăng không chấm đất, nhưng vừa tầm cho tôi co chân bước lên. Ngay khi đó, xạ thủ đại liên, một tay nắm giá súng, một tay nắm chặt vai tôi, lôi mạnh vào trong trực thăng. Tất cả cử động này được thực hiện chớp nhoáng.

Kết quả, trong hai chuyến đi này, trực thăng bốc được 16 nhân viên vừa Pháo-binh vừa Biệt-Động-Quân.

Ngồi trên trực thăng, tôi nhìn lại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 với một tầm xa không quá 2500 thước, khói lửa mịt mù hòa lẫn với tiếng nổ kinh hồn do bom trên các phản lực cơ dội xuống!… Nhiều tiếng nổ phụ tiếp theo… Nơi đó, chỉ còn một địch quân mà chúng tôi nghi ngờ là «Pathet Lào» do binh sĩ Dù bắt được hôm 3 tháng 3-1971. Binh sĩ này không được chúng tôi mang theo, vì ngay cả thương binh của chúng tôi cũng vất vả khó khăn lắm mới di tản được, huống hồ là một thương binh của địch. Nhưng thật sự, lúc bấy giờ, phương tiện tản tương là một vấn đề nan giải! Dù chúng tôi phải chua xót để một thương binh địch lại căn-cứ! Tôi còn nhớ rõ, hình ảnh các chiến sĩ Dù khiêng hắn ta đặt ngay giữa hầm bệnh xá, bên trên có PSP và vài lớp bao cát – Đó là cái hầm duy nhất còn mái che, với hy vọng, một hy vọng mong manh, nó sẽ có thể sống sót sau khi chúng tôi rút khỏi căn-cứ, nhờ đồng đội chúng bò lên mang đi cứu chữa!…

Giờ đây, Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 bị hủy diệt hoàn toàn! Chắc chắn sẽ không còn một tí gì sót lại để Cộng quân xử dụng, và không biết số phận của thằng bé «Pathet Lào» ấy sẽ ra sao?…

Để tỏ lòng biết ơn chàng xạ thủ đại liên, tôi biếu anh ta tấm giấy bạc 1 đồng và 1 huy hiệu Sĩ-quan Cộng quân, do tôi thu được trên bãi trực thăng ở Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 sáng ngày 27 tháng 2. Anh ta tỏ vẻ mừng lắm, gỡ vội nón đang đội trên đầu đặt xuống cạnh ghế, trườn người lại hỏi chuyện tôi…

SOURCE:

https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/03/27

(CÒN TIẾP)

 

No comments:

Post a Comment