Đại Lộ
Kinh Hoàng do thiếu tá cố vấn Robert Sheridan chụp tháng 7, 1972.
(Hình:
Tác giả cung cấp)
Sau
khi đánh được thành, phá được địch và chiếm được đất, mặc dù chưa thắng được
lòng dân, nhưng vào năm 1999, Bộ Quốc Phòng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã xuất
bản cuốn “55 năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” trong đó, ở phần đề cập đến chiến
dịch tiến công Trị Thiên vào thời điểm Mùa Hè Đỏ Lửa ở Quảng Trị từ 30 tháng 3
đến 27 tháng 6, 1972, Viện Lịch Sử Quân Sự chỉ viết ngắn gọn ở trang 324, với
219 chữ:
“Tư
lệnh: Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn. Chính ủy: Thiếu Tướng Lê Quang Đạo. Lực lượng
tham gia chiến dịch: 3 Sư đoàn bộ binh (304, 308, 324) và 2 Trung đoàn độc
lập, 2 Sư đoàn phòng không hỗn hợp (366, 377) gồm 8 Trung đoàn pháo cao xạ, 2 Trung đoàn tên lửa, 9 Trung đoàn pháo mặt đất, 2 Trung đoàn xe tăng
thiết giáp, 2 Trung đoàn công binh và 16 Tiểu đoàn đặc công, thông tin, vận
tải.
Từ
30 tháng 3 đến 5 tháng 4, ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, giải phóng hai
huyện Gio Linh, Cam Lộ, buộc địch phải rút khỏi tuyến phòng thủ đường số 9. Từ
10 tháng 4 đến 2 tháng 5, bộ đội ta tiếp tục thọc sâu, chia cắt, diệt từng tập
đoàn quân địch phòng ngự ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, giải phóng toàn tỉnh Quảng
Trị.Từ 3 tháng 5 đến 27 tháng 6, các đơn vị củng cố vùng mới giải phóng, đánh
địch phản kích.
Sau gần ba tháng chiến đấu liên tục, ta loại
khỏi vòng chiến đấu hơn 27,000 tên dịch, phá hủy 636 xe tăng thiết giáp, 1,870
xe quân sự, 419 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 340 máy bay…, giải phóng hoàn
toàn tỉnh Quảng Trị và ba xã thuộc huyện Hương Điền (Thừa Thiên).”
Quay lại khúc phim hãi h ùng
Tác phẩm mới
nhất có đề cập tới 4 từ “Đại Lộ Kinh Hoàng,” là cuốn “Phóng Viên Chiến Trường”
của 2 tác giả Dương Phục & Vũ Thanh Thủy, do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương
vừa trình làng lần đầu hôm 15 tháng 5, 2016 tại Houston. Là phóng viên chiến
trường vào sinh ra tử, kinh nghiệm trận mạc, Dương Phục là một trong ba sĩ quan
quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) (cùng với Thiếu Tá Đinh Công Chất và Thiếu Tá
Phạm Huấn), được vinh dự đại diện chính phủ và nhân dân miền Nam bay trên chiếc
C-130 ra Hà Nội vào đầu năm 1973, trong tư cách Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên
[Four-Party Joint Military Commission; ghi chú của NgyThanh], để giám sát thủ
tục trao trả tù binh Hoa Kỳ từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong hồi ký của
mình, ở phần nhắc lại “Đại lộ Kinh hoàng,” ký giả Dương Phục viết:
“Cuộc di tản hàng chục ngàn người tạo nên một
đoàn rồng rắn suốt đoạn đường dài trên quốc lộ 1, và không ngờ đã biến họ thành
mục tiêu dễ nhắm của bom đạn Việt Cộng.
Không điều gì gây phản tác dụng cho một chiến
thắng hơn là cảnh dân chúng lũ lượt quang gánh, bồng bế nhau liều chết chạy
trốn đoàn quân chiến thắng. Cộng Sản điên cuồng trước chuyện dân chúng bỏ đi
nên không ngần ngại làm bất cứ gì để ngăn cản. Với thói quen chỉ biết dùng bạo
lực như phương cách duy nhất để áp chế người dân, họ đã dùng đạn pháo như mưa
sa để đe dọa, hy vọng níu kéo người dân Quảng Trị ở lại…
… Hành động bỏ phiếu bằng chân đó đã như cái
tát vào mặt đoàn quân Cộng Sản ở bất cứ cửa ngõ thành phố nào họ đặt chân tới.
Cộng quân do đó đã không ngần ngại xả đạn pháo kích thẳng vào đoàn người di
tản, từ đoạn Cầu Dài, Diên Sanh, kéo dài đến tận gần cầu Mỹ Chánh. Quân nhân
chỉ là thiếu số hướng dẫn đoàn di tản, còn lại đa số là người dân thường, ông
già, bà cả, phụ nữ, trẻ em và thương bệnh binh đang nằm điều trị tại các quân y
viện.
… Khi Thủy và tôi đến được khu vực này, xác
người đã nằm phơi sương dãi nắng gần hai tháng trời. Mùi tử khí vẫn nồng nặc
trong cơn gió nóng hổi của vùng đất khô cằn như sa mạc. Chúng tôi ngỡ ngàng
không hiểu tại sao quá đông người có thể chết gục cùng một lúc khắp nơi như
thế. Quan sát kỹ, tôi nhận ra đa số thi thể nạn nhân đều bị hàng ngàn mảnh vụn
li ti như đinh vụn từ đầu đạn pháo của Cộng quân. Một viên đạn pháo kích bắn
ra, những mẩu đinh vụn sắt lẻm nầy tung bay mọi phía với tốc độ tàn khốc và
xuyên thủng cả những thành xe bằng sắt của đoàn quân xa miền Nam. Loại vũ khí
nầy đã hạ gục ngay lập tức mọi người, chết sững trong cùng động tác mà họ đang
hành xử đúng lúc đạn pháo bay tới.
Chưa bao giờ
trong đời chúng tôi thấy nhiều người cùng chết một nơi như vậy… Trái tim tôi
quặn thắt trong lòng và Thủy vội làm dấu thánh giá rồi quay mặt sang một bên
nôn ọe. Gần chỗ tôi đứng là thi thể một người mẹ tay ôm chặt đứa con trong
lòng, đứa nhỏ vẫn đang ngậm bầu vú mẹ. Cả hai mẹ con nằm bất động bên bờ đường
quốc lộ như hai hình nộm xám đen của một sân khấu quái đản.
Nếu không tận mắt chứng kiến, khó ai có thể
tưởng tượng được quang cảnh kinh khủng như thế nào. Xác người nằm vất vưởng
khắp nơi. Đồ đạc và quần áo tung tóe phủ kín mặt đường. Xe hơi, gắn máy, xe
đạp, kể cả xe đò, nằm ngổn ngang, lăn lóc. Gồng gánh, bao túi, tan nát tung tóe
phơi bày hết mọi thứ bên trong. Tất cả mọi xe cộ, từ quân xa, xe jeep, xe hồng
thập tự, đến xe đò, xe tư nhân, đều lởm chởm vết đạn xuyên lủng khắp trên các
thành xe.
Có những đoạn không còn một chỗ nào trống cho
nhóm báo chí chúng tôi đặt chân bước qua. Thủy, vừa gạt nước mắt ứa ra trên má,
vừa thận trọng lò mò dò từng bước chân trên mỗi khúc đường. Chúng tôi phải tìm
những cành cây làm gậy chống và nhẹ gạt các mảnh quần áo còng queo sang một
bên, để biết chắc là mình đã không giẫm lên các xác người khô khốc sau cả tháng
phơi bày sương gió.
Đa số xác người đã rữa nát thịt vì nắng mưa,
chỉ còn da bọc lấy xương khô lép kẹp đen sậm như những hình nộm ma quái trong
các loại phim kinh dị. Sâu bọ và côn trùng bay túa ra khi gậy của chúng tôi lia
trúng những xác người ngổn ngang trên đường đi. Có cả một chiếc xe buýt bị pháo
bắn nát đầy lỗ đạn li ti khắp thành xe. Mọi hành khách dường như đều tử thương
tức khắc vì mọi người vẫn ngồi gục trong từng vị trí trên băng ghế”.
Trách nhiệm về cuộc thảm sát
Trước khi
miền Nam Việt Nam thất thủ năm 1975, do sự tan rã của Sư Đoàn 3 Bộ Binh, dẫn
đến biến cố mất toàn bộ tỉnh Quảng Trị vào ngày đầu tháng 5, 1972, dư luận và
báo chí Sài Gòn có khuynh hướng về hùa nhau, chê trách tài lãnh đạo của tướng
Vũ Văn Giai, tư lệnh sư đoàn xấu số này, và trút hết trách nhiệm, kể cả về
nhiều ngàn thường dân bị giết trên đường tản cư, cho ông ấy.
Những ngày
sau khi mất Quảng Trị, toàn dân rúng động, dân chúng Huế cũng nhanh chân ùa vào
Đà Nẵng, Sài Gòn, kéo theo tâm lý sa sút, và tinh thần chiến đấu khủng hoảng
nơi thân nhân họ. Vào thời điểm ấy, việc cứu vãn các tỉnh miền Trung không thể
tựa vào các sư đoàn trừ bị thiện chiến như Nhảy Dù, TQLC hay các liên đoàn Biệt
Động Quân – vì thực sự các quân số này đang vướng tay ở các chiến trường khác
trên khắp nước. Tổng tư lệnh quân đội VNCH chỉ còn một thế cờ chót trước khi
đầu hàng: một tên tuổi đủ tài thao lược và sạch sẽ để dùng làm liều thuốc cuối
cùng. Thật may, ông đã tìm ra, và đã quyết định kịp thời. Ngày 4 tháng 5, 1972,
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, đang là tư lệnh Quân Đoàn 4 ở miền đồng bằng sông
Cửu Long, nhận lệnh bay ra Đà Nẵng nhận chức tư lệnh Quân Đoàn 1, thay tướng
Hoàng Xuân Lãm.
Ảnh
bìa “Mùa Hè Cháy” của đại tá CSVN Quý Hải, người chỉ huy các họng pháo
bắn
vào đoạn Quốc Lộ 1 phía bắc cầu Bến Đá, Quảng Trị. (Hình: Tác giả cung cấp)
Tướng Trưởng là người thanh liêm, ít nói, dám làm. Bằng
chứng là ông đã cứu nguy được tình hình, và còn chỉ huy tái chiếm được cổ thành
Đinh Công Tráng, và tất cả lãnh thổ tỉnh Quảng Trị nằm ở phía Nam sông Thạch
Hãn, rồi lầm lì im lặng. Mãi đến sau khi di tản sang Mỹ, vào thời gian được ban
quân sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mời, năm 1980 ông mới viết quyển “The Easter
Offensive of 1972,” sau đó được Kiều Công Cự chuyển ngữ thành “Trận Chiến Trong
Mùa Phục Sinh Năm 1972” ấn hành vào năm 2007, sau khi ông Trưởng đã qua đời.
Chính Tướng
Trưởng lên tiếng bạch hóa vai trò của Tướng Giai trong các diễn tiến mất Quảng
Trị, dẫn đến dân chết thảm trên ĐLKH. Trong cuốn sách kể trên, tác giả viết:
“… Tướng Lãm đã không quan tâm đến những khó
khăn mà tướng Giai gặp phải. Thái độ của ông hoàn toàn lạc quan… Thái độ lạc
quan của tướng Lãm lại được thể hiện rõ nét qua biến cố ngày 9 tháng 4… Ở thời
điểm nầy, trách nhiệm và quyền hạn của Tướng Giai đã vượt xa hơn vị trí của một
vị tư lệnh sư đoàn. Ông đã chỉ huy 2 trung đoàn BB Cơ hữu (TrĐ 2 và 57), điều
động hành quân 2 LĐ/TQLC, 3 LĐ/BĐQ, 1 LĐ/Kỵ binh và những lực lượng diện địa
của tỉnh Q. Trị. Như vậy ông ta có đủ quyền hạn trên 9 LĐ bao gồm khoảng 23
tiểu đoàn và những lực lượng diện địa… Nhưng có một điều cần lưu ý ở đây là
tướng Lãm không tự cảm thấy vội vàng đến thăm viếng những vị chỉ huy dưới quyền
của ông ở tại mặt trận hay những đơn vị tuyến đầu của Quân Đoàn 1. Ông chỉ nghe
thuyết trình về những diễn biến của trận đánh qua các bản báo cáo và ban hành
những chỉ thị, những huấn lịnh cho ban tham mưu của ông. Tự bản thân ông không
bao giờ đi thị sát tuyến phòng thủ của SĐ3 để hiểu rõ những trở ngại mà các đơn
vị trưởng phải đối mặt…"
… Căn cứ Ái
Tử, phía bắc sông Thạch Hãn, là một chọn lựa không thích hợp về mặt chiến
thuật. Trong suốt tháng 4, đây là điểm mà pháo địch gửi đến hàng ngày đêm với
một mức độ dữ dội. Cho nên Tư Lệnh Sư Đoàn 3 đã quyết định dời bộ tham mưu về
phía Nam của con sông Thạch Hãn, trong Cổ thành Quảng Trị. Ông ta chỉ hỏi ý
kiến của vị cố vấn sư đoàn.
Tướng Giai sợ rằng những cấp chỉ huy dưới quyền của ông
biết được kế hoạch nầy, họ sẽ tìm cách phá hỏng bằng những hành động vội vàng
nào đó. Ông ta cũng không thông báo kế hoạch nầy cho vị tư lệnh Quân Đoàn 1.
Đơn giản là ông ta muốn cẩn thận, muốn đặt mọi việc trước một sự đã rồi. Nhưng
đó là một hành động gây tức giận cho Tướng Lãm và sự bất tin cậy bắt đầu lớn
dần giữa họ, khoảng cách càng lúc càng lớn cho đến những biến cố dồn dập xảy ra
dẫn đến sự thất thủ của thành phố Quảng Trị…
… Trong vòng
4 giờ sau đó [ngày 1 tháng 5, 1972, ghi chú của NgyThanh] những phòng tuyến của
quân đội miền Nam đã đổ vỡ hoàn toàn… Sau cùng khi biết được những gì đã xảy
ra, Tướng Giai đã cùng ban tham mưu lên 3 chiếc M113 trong cố gắng bắt kịp đoàn
người phía trước. Lúc đó những chiếc trực thăng Mỹ đã đến để di tản những toán
cố vấn và những nhân viên người Việt Nam của họ. Tư lệnh SĐ3 muốn nhập vào đoàn
người phía trước nhưng thất bại. Quốc lộ 1 đầy cứng những người dân chạy loạn
và những toán quân ô hợp và mọi loại xe cộ, quân đội và dân sự. Tất cả hốt
hoảng tìm đường về Huế dưới những bức tường lửa dã man hung bạo của các loại
pháo địch. Tướng Giai bị bắt buộc phải quay lại cỗ thành và sau đó ông ta và
ban tham mưu được trực thăng Mỹ bốc đi…
Trên quốc lộ
1, cả một dòng thác người chạy loạn, dân sự và binh lính tiếp tục xuôi nam. Con
đường đã diễn ra một cảnh tượng tàn sát không thể nào tưởng tượng nổi. Những
chiếc xe đủ các loại bốc cháy dữ dội. Những chiếc thiết giáp, GMC, xe nhỏ của
quân đội và dân sự đầy cứng cả con đường không tài nào lưu thông được. Trong
khi đó pháo binh địch mở ra một cuộc tàn sát đẫm máu không nương tay. Cho đến
xế trưa hôm sau, cuộc thảm sát mới chấm dứt. Hàng nhiều ngàn người vô tội đã
được tìm thấy trên đoạn đường dài của quốc lộ 1 và sau đó báo chí đã đặt cho
cái tên là “Đại Lộ Kinh Hoàng.” Sự khích động và sự thảm thương của cảnh nầy,
cũng giống như cuộc tàn sát tập thể tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 đã ám ảnh
người dân phía bắc của Vùng 1 Chiến thuật một khoảng thời gian lâu dài.”
Người Mỹ biết gì về cuộc thảm
sát?
Đào bới núi
sách báo viết về chiến tranh Việt Nam để tìm hiểu thêm về số người từ Quảng Trị
chạy về Huế vào ngày 1 tháng 5, 1972, chúng tôi may mắn bắt gặp được tấm ảnh
duy nhất do Thiếu Tá Robert Sheridan, TQLC Mỹ chứng kiến và thu vào ống kính.
Trong ảnh đăng kèm bài này, độc giả thấy máy ảnh được đặt ở góc tây bắc của cầu
Bến Đá, ống kính hướng ra phía quận lỵ Hải Lăng, nơi đặt bản doanh Lữ đoàn
369TQLC trong cuộc hành quân tái chiếm QT vào tháng 7 và tháng 8, 1972.
Ảnh lấy từ
trang 195 trong cuốn “The Easter Offensive” (Trận Công kích Mùa Phục Sinh) của
tác giả Gerald Turley được nhà xuất bản Presidio in vào năm 1985. Ở chương 18,
ông đại tá nhân chứng trong tư cách cố vấn trưởng của SĐ3BB tường thuật:
“Lúc 12 giờ
trưa [ngày 1 tháng 5, ghi chú của NgyThanh] Tướng Giai tuyên bố tình hình kể
như tuyệt vọng; thành phố không thể cầm cự dù bất cứ tình huống nào. Ngay sau
đó, hai chiếc thiết vận xa chạy vào thành cỗ. Tức khắc, Giai cùng khoảng 25 sĩ
quan cao cấp của ông trèo vào, hoặc ngồi bên trên các xe ấy để mở màn nỗ lực
tẩu thoát về phía sông Mỹ Chánh. Hành động nầy bỗng dưng làm khoảng 18 quân
nhân Mỹ bị bỏ rơi, phải trông chờ trực thăng đến di tản một cách vô vọng. Dave
Brookbank và Glen Golden đã phải dùng kỹ năng của mình để lên kế hoạch chia
nhau tử thủ cỗ thành. Đến 2 giờ, hai chiếc thiết vận xa chở Giai và đoàn tùy
tùng quay lại cỗ thành. Hóa ra khi vừa ra khỏi thành phố mới chỉ được lối 1.5
km, xe của họ bị đối phương phác giác và tấn công. Đường thoát bị khóa, họ chỉ
còn nước quay ngược về thành. Về tới, Giai tức thì gọi xin trực thăng để di tản
ban tham mưu của mình… Bên trong cỗ thành, việc chuẩn bị di tản tiếp tục với
tốc độ chớp nhoáng trong khi các cố vấn Mỹ đốt bỏ tài liệu mật càng nhiều càng
tốt song song với phá hủy tối đa các đồ quân cụ. Lúc 3 giờ 20, máy phát điện
nổ. Vẫn chưa biết liệu có được di tản kịp không, nhưng các cố vấn đã bắt đầu
nghe thấy tiếng súng nhỏ ngay phía ngoài tường thành, mỗi lúc mỗi nhiều, và khu
vực cũ ngoài phố bắt đầu bốc cháy. Đến 4 giờ 30, chuyến trực thăng đầu tiên sà
xuống. Ông Giai và các sĩ quan thân cận nhảy vội lên. 4 giờ 32, máy bay rướn
lên, chở theo 37 hành khách. Chiếc thứ nhì nhào xuống, trong vòng hai hoặc ba
phút, đã mang đi 47 người. Chiếc thứ ba xuống, bốc 45 người còn lại, với Đại Tá
Murdock và Thiếu Tá Golden, là 2 người sau cùng. Đến lượt chiếc thứ tư xuống,
nhưng chỉ sau 30 giây, đã cất tàu trống lên khi các phi công biết là tất cả mọi
người đã được cứu thoát. Cuộc di tản 129 quân nhân về Đà Nẵng đã kết thúc thành
công. Thành phố bị cô lập và bỏ ngõ…"
Báo
Sóng Thần đề ngày 3 tháng 7, 1972, với tường thuật của 2 phái viên NgyThanh và
Đoàn Kế Tường về Đại Lộ Kinh Hoàng. (Hình: Tác giả cung cấp)
Trước đó, giữa sáng 29 tháng 4, hai đại úy
George Philips và Bob Redlin lái xe Jeep tới bộ chỉ huy Lữ đoàn 369TQLC để bốc thiếu tá Sheridan. Philips nói, “Chúa
Mẹ ơi, ông có thấy gì ngoài quốc lộ không? Cả mấy ngàn người dân đang chạy, bỏ
Quảng Trị lại sau lưng. Ngoài đó, nhìn vào phía Nam hay ngược ra Bắc đều thấy
dầy kín dân tỵ nạn.”
Đoàn người
cứ thế tiếp tục trong nhiều tiếng đồng hồ. Khoảng giữa trưa 29 tháng 4, pháo
binh Bắc quân lại bắt đầu ào ào nhả đạn vào đoàn người ấy. Khi đêm xuống, người
tỵ nạn băng qua các vị trí bố phòng của TQLC. Đột nhiên, lúc 9 giờ đúng, trừ
những người chậm chân bị tụt hậu lại đàng sau, đoàn ngươi bỗng dưng đứt đoạn.
Đại Tá mũ xanh Phạm Văn Chung không lâu sau đó đã nhận được tin nguyên nhân sự
đứt đoạn là bởi Bắc quân đã thành công trong việc cắt đứt quốc lộ 1 ở phía Nam
thành phố. Vậy rõ ràng là họ đã chiếm được cây cầu qua sông Nhung [cầu Dài,
hoặc cầu Trường Phước, ghi chú của NgyThanh] do một cánh quân Biệt Động trấn
giữ. Và như thế, nhiều bộ phận của Sư Đoàn 3BB đã bị nhốt cứng cách phòng tuyến
Mỹ chánh độ 8 km về phía Bắc.”
Phóng viên Arnold Issacs của tờ Baltimore Sun có dịp đi qua đại lộ kinh hoàng, trông thấy
tấn thảm kịch và ghi lại trong cuốn “Without Honor: Defeat in Vietnam and
Cambodia” (Chẳng danh giá gì: Chiến bại ở Việt Nam và Cambodia):
“Ở phần mở màn của trận phản công, binh sĩ
nhảy dù VNCH đã chứng kiến một trong những cảnh tượng khủng khiếp nhất trong
toàn bộ cuộc chiến tranh: những tàn dư của một đoàn công voa gồm vừa lính tráng
vừa thường dân bị đốt cháy và bị xé banh xác do bị kẹt lại ở phía bên kia của
cây cầu đã bị giật sập [cầu Bến Đá, ghi chú của NgyThanh] để rồi bị tiêu diệt
trên hành trình trốn chạy khỏi tỉnh. Trên chiều dài của nhiều dặm đường, xe cộ
bị xé toạc thành từng miếng nằm nối đuôi nhau thành một hàng dài hầu như không
đứt lìa dọc cả hai bên lề đường. Trên chuyến xe Jeep nhồi nhét đầy ắp nhà báo
chạy về hương bắc một vài ngày sau khi lính nhảy dù qua sông, tôi đếm được hơn
400 xác xe trong 3 cây số đầu tiên, và tôi thôi không đếm nữa trước khi tới hết
cái đuôi của sự tàn phá. Quân xa thì bạt che mui bị đốt cháy hay đã bay mất,
chỉ còn trơ các thanh đỡ mui trông giống các que xương sườn của một bầy khủng
long. Xen kẽ giữa chúng là các xác xe tư nhân nằm lộn xuôi lộn ngược: xe đò thì
bên hông lăm dăm các lỗ thủng do mảnh lựu đạn hay đạn súng trường, xe đạp xe
gắn máy bị vặn cong hoặc gãy gọng từng khúc, xe lam thì chiếc cháy chiếc bị xé
từng mảnh, xe hơi cháy đen, đèn pha bị hất tung ra ngoài chỉ còn các lỗ trống
như các hố mắt trên đầu lâu con người.”
Phần riêng
Thiếu Tá Sheridan, ông ghi nhận những gì mà ông quan sát cảnh tượng vô bờ bến
của tấn thảm kịch và sự tàn phá: “Đoàn người chạy giặc kéo dài hàng giờ và tôi
nghĩ không đời nào còn có thể chứng kiến một hình ảnh tệ hại hơn khi mà vào sau
giờ Ngọ, các pháo thủ của miền Bắc, vì lý do gì thì tôi sẽ không bao giờ hiểu
thấu, đã khai hỏa các họng đại pháo trút đạn xuống đầu đoàn người. Hàng trăm
người bị giết và bị thương, nhưng cái khối lúc nhúc người ấy tiếp tục ùn về
phía Nam. Chúng tôi không thể bắn trả vì tầm bắn của pháo binh địch xa hơn pháo
của chúng tôi. Tất cả sự kính trọng tôi vẫn dành cho bộ đội Bắc Việt đã đánh
mất từ hôm ấy. Các tiền sát viên của họ, những người chấm tọa độ và chỉnh bắn trận
mưa pháo đã đến đủ gần để khẳng định rằng đa phần là dân thường và không thể là
một lực lượng quân sự.”
Vòng tròn khép kín
44 năm
trước, trong tuần lễ này, quốc lộ tử thần giữa cầu Bến Đá và cầu Trường Phước
bốc mùi tử khí. Thật là một trùng hợp lịch sử: Tháng 7 năm nay, cuốn nhật ký
chiến tranh Mùa Hè Cháy của tác giả Quý Hải, nguyên là một đại tá của Quân Đội
Nhân Dân, được tái bản.
Sáng 1 tháng
7, 1972, khi tôi từ Huế theo chân phóng viên chiến trường Đoàn Kế Tường đến cầu
Bến Đá nằm ở phía Bắc phòng tuyến Mỹ Chánh, thì cầu xe đã bị giật sập như các
nhân chứng khác đã tường thuật. Thấy khu vực hai đầu cầu vắng lặng, không có
lính nhảy dù phòng ngự trong các hố cá nhân và giao thông hào, chúng tôi phán
đoán là phía VNCH đã đẩy được đối phương lùi lại một khoảng, nên rủ nhau bò qua
chiếc cầu sắt xe lửa cũng đã gãy gục thành hình chữ V xuống nước, nhưng vẫn có
thể bò qua được, nếu may mắn trên thành cầu không bị cài mìn hay lựu đạn.
Với một chút
liều lĩnh và hiếu thắng của tuổi trẻ, chúng tôi đã bò qua dễ dàng. Ngay đầu cầu
phía bên kia của quốc lộ, là một bãi mìn dày đặc, do công binh VNCH cài một
cách công khai, ngụ ý đe dọa để ngăn chặn đối phương hơn là nhằm sát thương.
Bắt đầu từ bãi mìn hướng ra phía bắc, là dãy xe nhà binh, xe dân sự, xe đạp, xe
gắn máy và la liệt xác người như trong tấm hình duy nhất mà tôi còn giữ lại
được cho những sử gia nghiên cứu về sau.
Sau nhiều
năm tìm tòi, tôi thấy cần bảo lưu tấm hình không đạt yêu cầu nghệ thuật của
mình, vì ngoài một tấm thứ nhì do Thiếu Tá Cố Vấn Robert Sheridan thuộc TQLC Mỹ
chụp, tất cả các hình ảnh “đại lộ kinh hoàng” còn lại đều được chụp sau khi
công binh chiến đấu của Trung Tá Trần Đức Vạn đã bắt xong cầu dã chiến qua sông
Bến Đá, để mang xe ủi qua sông, cào một dải khá rộng giữa lòng đường làm tuyến
tiếp viện binh sĩ, súng đạn và thực phẩm cho tiền quân. Nhờ có cầu dã chiến,
các phóng viên khác đến sau chúng tôi không phải bò qua cầu sắt, nhưng họ lỡ
dịp may ghi vào ống kính tình trạng nguyên vẹn của cảnh tượng mà tôi đặt tên là
“đại lộ kinh hoàng” trong cú điện thoại gọi về tòa soạn Sóng Thần từ bưu điện
Huế trong đêm 1 tháng 7, 1972.
Nhưng Tường
và tôi vẫn là những kẻ đến muộn những 2 tháng sau khi xảy ra cảnh tượng kinh
hoàng. Người biết về cảnh tượng rùng rợn này trước chúng tôi chính là vị sĩ quan
chỉ huy Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 38 Pháo Binh Bông Lau của miền Bắc, người
ra lệnh từ đài quan sát ở cao điểm 132, và chịu trách nhiệm trên từng viên đạn
pháo tầm xa, trong cuộc chiến nhằm “giải phóng nhân dân khỏi sự kềm kẹp của Mỹ
Ngụy.”
Trong cuốn Mùa Hè Cháy, tác giả Quý Hải, bây giờ
mang quân hàm đại tá, đã chỉ viết đúng một câu ngắn: “Dọc đường số 1 hàng trăm
xe ngổn ngang, địch bỏ chạy. Máy bay địch thâm độc thả bom vào những đoàn xe để
phi tang, bất kể lính của chúng bị thương còn ngổn ngang. Xe cháy nghi ngút.”
Là một trong
hai nhà báo đầu tiên đặt chân đến và đặt cho địa ngục trần gian ấy cái tên “đại
lộ kinh hoàng,” tôi thấy cái vòng tròn bao quanh cánh đồng chết giữa 2 cây cầu
Bến Đá và Trường Phước nay đã có thể khép kín, nếu người đặt tên là tôi, và cha
đẻ của tác phẩm vấy máu chấp nhận ngồi đối diện nhau, cũng như đối diện với các
oan hồn đã bị thảm sát.
Khi ngồi
trước mặt nhau, tôi, một quân nhân mang cấp bậc Binh Nhất của miền Nam, chỉ xin
phép thưa với Thiếu Tá Pháo Binh Nguyễn Quý Hải vài điều thật giản dị.
Thứ nhất, hố
bom do máy bay thả xuống và hố đạn pháo binh sau khi bị kích hỏa, tôi nghĩ là
không thể trộn lẫn với nhau. Nhưng kiến thức của một Binh Nhất miền Nam có thể
rất hạn hẹp, hay lầm lẫn; đề nghị thiếu tá hỏi lại thủ trưởng của mình, trung
đoàn trưởng Cao Sơn. Là người đi suốt chiều dài tử lộ từ sông Bến Đá đến sông
Nhung, tôi khẳng định với người anh hùng Bông Lau [dám tấn phong liệt sĩ cho
khẩu đội trưởng Nhúng, Trọng và đồng đội đã hy sinh tại trận địa ngày 22 tháng 4,
1972 mà không cần chờ chính phủ ban hành nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 1
tháng 6, 2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp Lệnh
Ưu Đãi người có công với cách mạng] – rằng, trên mặt đường nhựa ấy, chỉ có xác
chết và xác xe, không có một hố bom, dù là loại bom nhỏ nhất.
Thứ nhì, cây
kim trong đống rơm còn có lúc phải thò ra ánh sáng, nữa là đoạn từ lộ dài trên
5km, xác xe đan vào nhau từ vệ đường bên nầy sang bên kia, bề ngang còn lớn hơn
cả đoạn Bát Đạt Lĩnh của Vạn Lý Trường Thành, hà tất từ quỹ đạo địa cầu cũng có
thể thấy đại lộ kinh hoàng. Hay là ông đại tá Bắc Việt chưa có đủ thông tin,
hoặc giả thông tin chưa chuẩn xác về những nạn nhân của Bông Lau, chủ yếu là
dân thường?
Đại Lộ
Kinh Hoàng – do NgyThanh đặt tên – trên màn ảnh định vị
của Smart
Phone ngày nay. (Hình: Tác giả cung cấp)
Tôi xin kể một mẩu tin ngắn để mua vui cho
người hùng Bông Lau: mới đây thôi ngày 31 tháng 5, 2016, tại giao lộ Briardale
và Brook Canyon trong thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina, một chị tài xế,
để tránh khỏi cán một con mèo trên đường, đã làm chiếc xe buýt chở học sinh của
chị lạc tay lái, húc văng một xe hơi đang đổ bên đường, rồi lao vào một căn
nhà, gây thương tích cho 14 học sinh và bản thân chị. Chuyện này nhỏ như chuyện
xe cán chó chó cán xe bên mình, chẳng ai buồn nhớ lại sau khi đọc cái tin, vì
tránh không sát hại thú vật đã trở thành nếp sống văn minh của con người.
Thành thử,
đoạn văn mà nhà văn đại tá dùng để kết án “Mỹ ngụy thâm độc” dùng máy bay thả
bom vào những đoàn xe để phi tang, tôi không nghĩ là có cơ sở, sẽ có ai tin, mà
tự nó vạch trần cho người đọc thấy được một nỗ lực lấp liếm, tráo trở kém trình
độ. Muốn có người tin, e rằng trước tiến cần thu hồi toàn bộ sách Mùa Hè Cháy
đã in, để hiệu đính vô số lỗi văn phạm, lỗi cú pháp và cách hành văn tối nghĩa
như mõm chó, cũng như phải sửa lại đoạn vừa trích dẫn, vì chỉ vỏn vẹn có 40 từ,
mà nhà văn lớn đã vấp phải lỗi điệp ngữ vĩ đại.
Thưa Đại Tá
Quý Hải:
Chiến tranh
lùi lại sau lưng chúng ta đã 41 năm. Chuyện chết chóc và đau thương đã trở
thành quá khứ. Nay người dân đang cần những tác phẩm mang tính chính sử, chứ
không là ngụy sử. Nếu những trách nhiệm mà Tướng Thân Trọng Một gây cho người
dân Huế có thân nhân bị chôn sống hồi Mậu Thân đến nay vẫn trong diện ưu tiên cần
né tránh, thì chắc chắn việc đại tá ra lệnh và xử bắn, làm chết ít ra 1,841
người mà chính tay chúng tôi lượm được xác ba tháng sau đó – cũng chưa cần phải
đưa đại tá ra trước vành móng ngựa của Tòa An Hình Sự Quốc Tế ở Hà Lan, để trả
lời về tội ác chiến tranh, hay tội ác chống lại loài người. Mặc dù Thiếu Tá
Robert Sheridan viết: “Tất cả sự kính trọng tôi vẫn dành cho bộ đội Bắc Việt đã
đánh mất từ hôm ấy,” nhưng là người Việt Nam với nhau, tôi sẽ sẵn sàng bày tỏ
lòng kính trọng của mình dành cho tập thể Quân Đội Nhân Dân, trong đó có đại tá
– với điều kiện đại tá nhận lời mời gọi kính cẩn của tôi, để mang vòng hoa
trắng, đến thăm đài tưởng niệm các nạn nhân đã bị giết oan, và cầu cho oan hồn
họ tiêu diêu cõi vĩnh hằng. Nếu dám đến, với sự hối tiếc chân thành, và với tư
cách là người gây ra biến cố “Đại Lộ Kinh Hoàng,” tôi cho rằng Đại Tá Nguyễn
Quý Hải xứng đáng được tha bổng.
Ngy Thanh
1 tháng 7, 2016
1 tháng 7, 2016
SOURCE:
No comments:
Post a Comment