Posted on September 11, 2020
Xin
mạn phép tác giả Nguyễn Tường Tuấn để đăng bài viết chân tình và tràn đầy xúc động
này. Đa tạ.
Blogger: Phạm Lê Hương
Em yêu dấu,
Anh đã ray rứt và quằn quại trong suy nghĩ từ bao nhiêu năm nay để viết lên một lời nào đó tôn vinh em. Thật là bất công với cuộc nội chiến hơn 20 năm, kết thúc không như ý của hằng triệu con dân đất Việt, “man rợ, tàn bạo” đã thắng “văn minh, nhân bản.” Và anh vẫn chưa làm được điều này, thật là xấu hổ!
Trước ngày buông súng, và cho đến hôm nay gần 45 năm lịch sử sang trang, đã có hằng trăm ngàn đoản văn, truyện dài, nhạc phẩm vinh danh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Vâng, các anh hoàn toàn xứng đáng để nhận những điều tốt đẹp đó. Nhưng bên vòng hoa chiến thắng, người ta đã quên đi những thiếu nữ dịu dàng âm thầm ngồi kết vòng nguyệt quế. Bên chiếc quan tài phủ cờ, chẳng mấy ai nhắc đến người goá phụ trẻ quấn khăn tang. Ngày xưa, em đã theo anh vào nơi gió bụi, em đã trèo đèo, lội suối, chỉ để một lần được ôm anh trong vòng tay, lỡ mai này anh ra đi để không còn hối tiếc. Trong chiến hào của các căn cứ lừng danh, Charlie, Bunard, Rạch Bắp, Tống Lê Chân … và hàng ngàn thánh địa khác trên toàn miền Nam, em đã giã từ thành phố để đến cùng người yêu bất chấp đạn pháo binh của quân thù. Tình yêu em dành cho anh, đã vượt qua nỗi sợ của súng đạn và cái chết. Khi vận nước ngả nghiêng, anh buộc phải giã từ vũ khí, bước vào cuộc sống tù ngục. Em vẫn chưa một lần bỏ anh, cho dù đã nhiều lúc qua thư từ lén gửi ra khỏi trại tù, đã khuyên em “hãy quên anh” và “đi thêm một bước nữa cho cuộc đời” em chỉ mỉm cười và nhìn anh trong lần thăm nuôi với đôi mắt buồn đẫm lệ: “Em vẫn chờ anh” dù phải chờ đến thiên thu trong cái “thiên đường khốn nạn” này. Em chung thuỷ như thế đó! Em vững như tượng đá chờ chồng.
Em của anh,
Hãy cùng nhau quay lại cái ngày xa xưa ấy, nếu không có dĩ vãng thì chúng ta lấy đâu ra hiện tại và tương lai? Sài Gòn của chúng mình đẹp lắm phải không em, không những thế, tất cả các tỉnh thành miền Nam từ chiếc cầu mang tên Bến Hải phân chia đất nước đến tận Mũi Cà Mâu, một miền Nam thanh bình nếu không có bọn cộng quân quấy phá. Khi miền Nam xây cầu, đắp đường, thì cộng sản miền Bắc đặt mìn, đắp mô phá hoại! Khi miền Nam tôn trọng thoả thuận đình chiến trong ba ngày Tết dân tộc 1968, thì cộng sản Bắc việt xua quân tấn công ngay trong đêm giao thừa, chúng tạo ra những “Đại lộ Kinh hoàng” trên nửa miền đất nước, mồ chôn tập thể hơn 5,000 nạn nhân đã khiến bao gia đình tại Huế phải chít khăn tang? Cái định nghĩa của hai chữ “giải phóng” sao mà ác độc và đẫm nước mắt đến thế? Lịch sử sẽ công tâm, chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không thể mãi mãi xuyên tạc hay bôi nhọ.
Nối tiếp những khoá đàn anh đi trước, một số đông thanh niên miền Nam (trong đó có anh) đã xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung. Em có thể còn quá bé nhỏ để hiểu được tâm tình người trai thời loạn, hoặc em cũng đã là một thiếu nữ tuổi đôi mươi vào cái năm lịch sử “Mậu thân 1968”. Cũng có khi em đã là vợ lính trước đó … Dù ở lứa tuổi nào đi nữa, đã ra trường hay còn đi học? Trở thành vợ lính hay người goá phụ cô đơn … Em đã chọn lựa, một chọn lựa vô cùng cao cả đầy hy sinh! Chọn làm vợ lính VNCH.
Rồi những giờ phép ngắn ngủi trong một hai ngày, anh trở về thăm em bên bộ đồ trận bạc mầu, với đôi giầy nhà binh bám bụi. Em không chọn xa hoa, phù phiếm, em cũng không cần bằng cấp cao sang. Mặc cho ba mẹ lo lắng chỉ sợ em sớm đội khăn tang ở tuổi đôi mươi! Em đã hãnh diện bên anh trên đường phố. Tuổi trẻ chúng mình điên quá phải không em? Hạnh phúc bên nhau hôm nay và mặc kệ ngày mai. Trên những nơi đi qua, mọi người nhìn chúng mình với đôi mắt cảm phục và yêu thương, hay nhiều khi họ thầm nghĩ “sao con bé xinh như thế mà dại dột?” Lỡ mai nó chết thì sao? Anh biết, số người nghĩ như vậy không nhiều đâu, vì nếu họ chiếm số đông thì đám lính chúng anh đã ở giá đến già rồi, đúng không em? Con tim có lý trí riêng của nó. Cám ơn em đã cho anh những giây phút thiên đường nơi địa ngục của chiến tranh! Cám ơn nền giáo dục nhân bản của VNCH, ba mẹ em không ghét anh, các cụ chỉ sợ em sớm đeo khăn tang. Nhưng cũng chiều lòng em, tình yêu chúng ta không cần đến phép của bác và đảng, cũng không một cấp chỉ huy nào của bọn anh xen vào chuyện chúng mình. Tự do đơn giản như làn gió hôn nhẹ nhàng lên nụ hoa, không ai sắp đặt mà cũng chẳng ai ngăn cấm. Cái đẹp của Việt Nam Cộng Hoà như thế đó, cộng sản có thể tạm thời chiếm đất, nhưng không bao giờ chúng chinh phục được lòng dân!
Ngày vui rồi cũng qua, như sáng nắng chiều mưa! Anh trở về với núi đồi xa lạ; với tên những địa danh mà người thành phố chưa bao giờ nghe: Kratié, Snoul, Damber, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp … Trong nước mắt chia tay, em tặng anh “Chú Đại Từ Bi” hay “Tượng Đức Mẹ” để tránh sự dữ, gặp sự lành. Nhưng tất cả là do số trời định đoạt, đạn tránh người chứ người làm sao tránh được đạn? Từ đó em siêng năng đi Chùa hay vào Nhà thờ quỳ trước tượng Chúa, cô bé chỉ xin bằng an cho anh, chỉ mình anh thôi. Ba mẹ mà biết được thì các cụ sẽ mắng cho một trận nên thân. Nhưng ba mẹ nào có hiểu, Chúa và Phật đã buộc đôi ta bên nhau, “Sự gì Thiên Chúa sắp đặt, loài người không thể phân chia!”
Hẹn em lần tới nhé, nếu anh không về để đón em đi ăn kem sau mỗi buổi chiều, dẫn em vào ciné để vụng về hôn vội. Nếu chờ quá lâu em đừng ngạc nhiên, có thể anh đã ở trong một quân y viện nào đó, hoặc tệ hơn trong quan tài phủ cờ vàng! Mọi chuyện đều là hai chữ “có thể” và đời lính không mấy xa lạ với hai tiếng này. Viết đến đây, anh chợt nghĩ đến những người bên kia chiến tuyến, từ Bắc vào Nam, họ cũng có gia đình, có người yêu và có trái tim nhân hậu. Nhưng họ bị xô vào cuộc chiến như những con thiêu thân, để phục vụ cho một chủ nghĩa phi nhân, tàn bạo.
Anh của em hơn các bạn miền Bắc rất nhiều! Quân đội Việt Nam Cộng Hoà chiến đấu cho TỔ QUỐC – DANH DỰ – TRÁCH NHIỆM. Trong đơn vị anh, sĩ quan Chiến tranh chính trị là người lo cho tinh thần binh sĩ, an ủi thương bệnh binh, chăm sóc gia đình tử sĩ. Khác hẳn với Chính trị viên trong quân đội miền Bắc, chỉ biết còn đảng còn mình, xua lính vào cõi chết. Vài ba tháng anh còn được về phép thăm em, người lính miền Bắc ra trận với mục tiêu “sinh Bắc tử Nam.” Một nửa đất nước mình u mê tăm tối như thế đó, có một câu chuyện vui quân trường như sau: “Huấn luyện viên, hỏi một sinh viên sĩ quan: – Cho tôi biết anh sẽ làm gì cho tổ quốc? – Tôi sẽ chết cho tổ quốc! – Đồ ngu! nhiệm vụ anh là giúp cho kẻ thù chết cho tổ quốc của nó!” Đúng hay sai, tuỳ theo suy nghĩ của mỗi người!
Nếu anh không về thăm được, thì em chẳng ngại đường xa, băng rừng, lội suối vào gập. Em xin một chỗ trên đoàn xe tiếp tế lương thực, em ngồi thu nhỏ như chỉ sợ mất chỗ của người khác và bị đuổi xuống, đoàn xe không mui chạy bụi đỏ bay mờ mịt. Đến địa điểm nhận tiếp tế trên một quãng đường nào đó, đâu đã được gặp nhau? Em phải theo một tiểu đội mang súng đạn bảo vệ ra nhận và khiêng lương thực vào rừng, chặng đường băng đèo lội suối cũng vài cây số, chưa đầy một ngày không ai còn nhận ra em! Chưa đeo nhẫn cưới, mới chỉ yêu nhau thôi mà đã vất vả như thế đó! Tuổi 18, 20 của em đâu có thua kém gì anh? Chiếc nón sắt được chia hai, phần ngoài anh ngồi và chiếc nón nhựa bên trong cho em làm ghế. – Ai lại ngồi trên nón đội lên đầu, em hỏi? Lính là như thế đấy em ạ, lính chẳng có gì để kiêng cả. Hôm nay, mời em ăn gạo sấy chế nước nóng, canh chua lá giang nấu với thịt hôp ba lát và đêm nay hai đứa mình nằm cùng một võng (không có chuyện kia đâu nhé) vì chú lính truyền tin giăng võng ngay bên cạnh …
Hôm sau, em trở về nhà và bị bố mắng: “Con đĩ”. Yêu anh em trả giá như thế đó, bố không nói chuyện với em trong nhiều ngày, mẹ cứ dò hỏi khéo không biết em còn là con gái không? Thời gian trôi qua, những ngày xa anh như một cực hình. Qua những người bạn đi phép, anh nhờ họ mang hoa về tặng em, anh chàng Tố Quyên (danh hiệu của Thiếu uý Quyền), Hạ sĩ Lâm tài xế, Hạ sĩ Sen cận vệ … em lần lượt biết tên những người trong đơn vị anh. Không có lính từ đơn vị về, anh đặt sẵn hoa từ kiosque trên đường Nguyễn Huệ và nhờ họ đem lại. Chỗ làm của em mọi người xôn xao, em bắt đầu nghiện, nghiện những bó hoa, nghiện mong tin anh và dĩ nhiên nghiện anh vô cùng.
Chúa và Phật chưa cất anh đi, bom đạn cũng chê da thịt anh, thế là em còn anh! Cùng ba mẹ hai bên, chúng mình đã dắt nhau vào nhà thờ, mặc dù anh theo Phật và em đạo Chúa, nhưng tình yêu đã làm nhịp cầu cho đôi ta. Ngày thành hôn, anh chỉ được phép 24 giờ ngắn ngủi, chờ mãi không thấy về, em chỉ sợ chuyện gì không may xẩy ra, đến gần trưa chiếc xe Jeep đầy bụi dừng trước nhà, anh trở về từ căn cứ Rạch Bắp, và cấp chỉ huy không cho đi phép lâu hơn 24 tiếng.
Từ hôm đó, ngày thần tiên em bước lên ngôi trước sự chứng giám của Linh mục Chủ tế, chúng ta hai đã trở thành một và sáng mai em đã lên đơn vị cùng anh. Nếu Chúa và Phật mang anh đi, chúng ta sẽ cùng bên nhau, trong sung sướng cũng như lúc hoạn nạn. Hai đứa mình chẳng đã hứa như thế với Chúa sao? Hỡi người lính Bắc quân, bạn có bao giờ được hưởng cái hạnh phúc thần tiên đó không?
Thêm một tuổi, em khôn hơn một chút. Làm vợ lính không còn là những ngày tháng mộng mơ, ngồi ngóng trông hoa hồng đến mỗi tuần. Chúng mình đã hưởng một đêm trăng mật không thể nào quên, trong căn hầm chỉ đủ giăng hai chiếc võng, sâu dưới đất đi vào phải cúi đầu, súng đạn và máy truyền tin lỉnh kỉnh và ngay trong đêm đó tại khách sạn miễn cưỡng mang tên căn cứ Rạch Bắp, bọn Việt cộng đã đến chúc mừng, súng đạn nổ vang khắp nơi, anh trao chiếc áo giáp và nón sắt cho em và dặn ngồi yên dưới hầm và anh mang súng đạn ra giao thông hào chiến đấu. Đêm hôm đó là rạng sáng mùng hai Tết 1975, những người khách không mời mang đủ loại súng đạn từ AK 47, B 40 đến súng cối 82 ly ra làm quà. Hình như người cộng sản miền Bắc không xem trọng những ngày lễ dân tộc? Và cũng may là lính Việt Nam Cộng Hoà học được bài học “Mậu thân 1968” đơn vị đã phòng thủ rất kỹ vào những ngày quan trọng này và trong đêm hôm đó một số lính Bắc quân đã đạt ước vọng “sinh Bắc, tử Nam!” Tội nghiệp, họ ra đi không hề được người yêu hay gia đình quấn một vành khăn tang, để vài năm sau nhận một tờ giấy ghi công liệt sĩ. Mạng người rẻ như một tờ giấy, chết cho “đảng” vinh quang như thế đó!
Từ tháng 2/75 đến cuối tháng 4/75, thời gian không ở bên chúng mình. Mặt trận càng ngày càng trở nên căng thẳng, bàn cờ chính trị thế giới đã được sắp đặt, miền Nam không được phép đánh, bị buộc buông súng. Đất nước thay da, đổi thịt, bên thắng cuộc với những thân xác gầy gò xanh xao của kẻ sốt rét rừng lâu năm tiến vào Sài Gòn với khẩu hiệu: “Nhà nguỵ ta chiếm, vợ nguỵ ta lấy, con nguỵ ta sai”. Chúng nó nằm mơ giữa ban ngày, em đã có thai con đầu lòng của chúng mình, thà chết chứ em không để một thằng “nón cối” nào lại gần!
Anh ở đâu, em sẽ tìm đến đó, dù phải bán cả quần áo, nhà cửa em cũng đi, những trại tù mang tên Trảng Lớn, Long Giao, Suối Máu, Hàm Tân hay ra tận cùng miền Bắc em cũng sẽ đi. Cổng trời em không sợ, vì đất nước sau 1975 đã là địa ngục rồi thì còn chỗ nào tệ hơn nữa khiến em phải chùn chân? Con trong em sẽ vững mạnh hơn vì mẹ đang trèo đèo lội suối đi tìm cha. Con sẽ được học đau thương ngay từ trong lòng mẹ, để rồi khi sinh ra, sẽ trở thành chú chiến binh bảo vệ mẹ. Không một tên “nón cối” nào được đụng đến chiếc dép của em, đừng nói gì đến chuyện sai con chúng mình.
Sau cơn mưa, trời lại sáng! Em cùng anh ra biển và không quên mang theo những chiến binh hậu duệ Việt Nam Cộng Hoà. Sóng to, bão có lớn, nhưng làm sao vùi dập được ước mơ tự do của chúng ta? Đất nước chỉ là tạm mất, quê hương chỉ là tạm xa, lịch sử rồi cũng sẽ sang trang. Không làm gì có chế độ nào muôn năm cả! Khi chúng ta yêu đất nước, quê hương sẽ không bao giờ mất, có chăng chỉ là tạm xa cách.
Ngàn lời để vinh danh em vẫn chưa đủ, hỡi người vợ của những chiến binh Việt Nam Cộng Hoà. Không súng, không đạn, nhưng cuộc chiến vô danh mà em đương đầu từ ngày mẹ cho làm người đến nay, gian khổ, hy sinh, đau thương và mất mát hơn bất cứ trận đánh lừng danh nào!
Ngàn lời để vinh danh em vẫn chưa đủ, hỡi người yêu của những chiến binh Việt Nam Cộng Hoà. Vì anh và các con, em đã đi qua sa mạc của sỏi đá, chân em rướm máu và chưa bao giờ nhận được một “Chiến thương Bội tinh” vì em chẳng bao giờ đòi hỏi, vì Chúa và Phật sẽ thưởng công cho em sau này.
Hạnh phúc không phải là nhận, mà chính là cho và em đã cho anh cùng các con rất nhiều. Em cho hơi thở và chính sự sống trong em để có những đứa con vững vàng, thành công hôm nay. Em cho tình yêu khi anh đói khát, cho tha thứ khi anh sai lầm, cho nâng niu vỗ về khi đôi cánh anh mỏi mệt, không còn bay xa. Và em còn cho tiếp, cho đến ngày em không còn gì để cho.
Vinh danh em, người vợ lính Việt Nam Cộng Hoà! Anh và các con mang ơn em suốt đời.
Nguyễn Tường Tuấn
No comments:
Post a Comment