1.
Trong ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn chong
nhỏ, tôi thấy Ba tôi ngồi như một cái bóng mờ. Tôi rón rén đến gần. Ba nhìn
lui. Tôi hỏi nhỏ:
“Sao Ba không mở đèn sáng lên hở Ba?”
“Ba xong rồi.”
Tôi đặt tách trà gừng lên bàn, liếc nhìn màn hình computer. Chỉ có tấm ảnh gia
đình, Ba thường cho nó “hiện lên” sau khi đã làm xong việc. Tôi hơi mỉm cười,
mừng vì Ba có thể nghỉ ngơi sớm.
Tôi kéo một chiếc ghế lại để ngồi gần Ba. Ba hỏi:
“Hôm nay chuyến đi của con thế nào?”
“Dạ vui, mà cũng buồn Ba à!”
“Kể Ba nghe.”
“Chỗ nursing home này vui vì có nhiều người Việt. Họ cùng ca hát với mình vì
những bài hát khá quen thuộc với họ. Mà buồn vì cũng có nhiều người không thể
thưởng thức, không thể hòa mình được. Họ ngồi ủ rũ, lờ đờ.”
“Tội nghiệp! Nhưng chắc là họ có nghe, có nhận được hở con?”
“Dạ con tin là thế. Bởi vậy con thấy buồn. Nhiều người là cựu quân nhân Ba à!”
Dù đèn mờ, tôi vẫn thấy được Ba nhíu mày. Ba thở dài nhè nhẹ.
“ Ba ơi, nếu có thể quay ngược lại như một cuốn phim, con tưởng tượng những
người đó sẽ đứng lên, vui cười, đàn hát. Họ trở lại thời tuổi trẻ…”
Ba gật đầu:
“Phải, nếu có thể…”
Tôi chợt nhìn Ba thật kỹ. Ôi, nếu tôi có phép thần làm thời gian quay ngược
lại, tôi sẽ thấy Ba của thời trai trẻ. Ba đang ở trong trường lớp. Ba đang ở
trong quân trường. Ba đang ở ngoài mặt trận. Sinh động quá, Ba của tôi! Nhưng
đó cũng chỉ là những điều tôi tưởng tượng ra mà thôi! Vì tôi đâu có thấy Ba
những lúc như vậy ngoài đời thật. Tôi chỉ biết “Ba lúc trẻ” qua những tấm ảnh
còn lưu lại, cất trong quyển album gia đình với những trang giấy bọc plastic đã
cũ vàng. Tôi còn quá nhỏ lúc đi theo Mẹ vào thăm Ba ở nơi gọi là “trại cải
tạo.” Lúc đó, Ba trông rất cằn cỗi mặc dù tuổi còn khá trẻ. Tôi là đứa con gái
út, ba tuổi, được Mẹ bế trên tay khi đi vào trại. Lóc ca lóc cóc đến lần thăm
Ba sau cùng tôi đã là một cô bé mười lăm tuổi. Ba đi hết trại này đến trại
khác, trong Nam ngoài Bắc. Khi Ba ra khỏi trại tù, mái tóc Ba đã bạc hơn một
nửa. Ôi! Nếu tôi có thể quay ngược được thời gian để thấy Ba trẻ lại…
2.
Ba chuyển hết những bài Ba viết cho tôi đọc
để tôi sửa lỗi đánh máy nếu có. Đó là những trang quân sử. Ba nói khi còn đi
học, Ba rất say mê môn Sử. Trải qua thời gian sống trong quân đội, Ba càng nặng
lòng với môn này, lúc đó không còn là môn học bắt buộc nữa, mà trở thành một
niềm đam mê. Bây giờ, hằng ngày, hằng đêm, Ba miệt mài viết. Trước là viết, sau
là “gõ”. Ban đầu các con phụ “gõ” cho Ba, sau Ba tập dùng computer và tự mình
gõ. Bây giờ chúng tôi “gõ” không lại Ba đâu! Ba nói chiếc máy computer đã giúp
con người được tự do. Ba tra cứu tài liệu, kết hợp với kinh nghiệm chiến trường
của Ba, ghi lại những dòng, những trang khiến chúng tôi say sưa đọc. Không chỉ
là những sự kiện, mà còn có trong đó mồ hôi, nước mắt, máu và thịt xương.
Công việc của Ba là một công việc lâu dài. Chưa biết lúc nào Ba sẽ dừng. Ba
thong thả ngồi trước máy, gõ chăm chỉ. Có khi chúng tôi đưa Ba đi thư viện để
Ba xem sách, tìm kiếm tài liệu cho đúng ý. Từ ngày Ba bị té sái khớp bàn chân,
chúng tôi không cho Ba lái xe nữa.
Có khi tôi bắt gặp Ba ngồi trước ảnh của Mẹ, nói lẩm bẩm những gì tôi nghe
không rõ. Đôi lúc Ba mỉm cười thú vị, nhưng cũng có khi Ba lau nước mắt. Ba
sống với kỷ niệm vui buồn. Ba xem như Mẹ còn sống bên Ba. Nhưng Ba lại cũng rất
thực tế, đúng vậy. Ba giúp các con các cháu khi chúng cần đến Ba. Ba không phàn
nàn, không trách móc, không đòi hỏi. Ba nói Ba rất may mắn vì Ba vẫn còn hữu
dụng. Ba nói khi nào Ba yếu quá rồi thì các con đưa Ba vào viện dưỡng lão, vào
“nursing home”. Nhưng anh em chúng tôi không chịu. Chúng tôi dư sức chăm sóc Ba
mà! Tôi là con gái út chưa muốn lập gia đình, tự nguyện chăm sóc Ba. Anh chị
tôi chia nhau ngày nào cũng có người đến thăm, khi Ba bệnh thì ở lại đêm để phụ
tôi lo cho Ba. Chuyện đơn giản như thế.
3.
Sau giờ làm, tôi đưa Ba đến viếng đám tang
một người bạn của Ba. Bác ấy mất trong viện dưỡng lão. Thời gian gần đây Ba vẫn
có những cuộc “viếng thăm” như vậy. Ba đứng rất lâu trước quan tài người bạn,
Ba nói như thì thầm với người nằm trong đó. Khi ra về, ngồi vào xe, thấy tôi có
vẻ ái ngại, Ba nói:
“Ba không sao đâu, con gái!”
Tôi nắm chặt bàn tay Ba, an ủi:
“Ba, con biết Ba rất buồn.”
“Phải, Ba rất buồn vì mất một người bạn. Nhưng Ba rất vui vì Ba đã có được một
người bạn quý như vậy.”
“Ba!”
“Con biết không, bác ấy là một người “chiến sĩ” đúng nghĩa của nó. Tuy là một
vị chỉ huy, nhưng bác ấy sống gần gũi với anh em trong đơn vị, sống đúng với
nghĩa “chia ngọt sẻ bùi” con ạ. Khi bác ấy qua bên này, bác ấy đi làm cực khổ
nhưng vẫn gom góp gửi tiền về giúp các anh thương binh nghèo khổ trong nước.
Bác ấy thương đồng đội, thương lính như thế!”
Tôi vui lây với lời kể của Ba, tôi nhắc:
“Ba, Ba cũng thương đồng đội, thương lính vậy. Ba chẳng đã nói rằng Ba còn vô
số mảnh nhỏ trong người chưa gắp ra hết, vì Ba che cho lính khi trái mìn nổ.”
Ba cười:
“Ừ, Ba không chết là may!”
Hai cha con về đến nhà. Ba lại ngồi vào bàn viết. Thế mà tôi vẫn cứ lo Ba ủ
dột, buồn phiền. Nhìn Ba ngồi gõ bài, bỗng tôi có cảm tưởng Ba đang chạy đua
với thời gian. Đừng, Ba ơi! Con muốn Ba sống lâu với con!
4.
Tôi lại đưa Ba đến một nơi. Là bệnh viện. Ba
đến thăm một thuộc cấp của Ba ngày xưa. Chú ấy vừa qua một cuộc giải phẫu. Dù
còn mệt mỏi, chú ấy tỏ vẻ rất vui khi thấy Ba. Ba hỏi:
“Chú ra sao?”
“Dạ thưa niên trưởng, em… còn sống ạ!
Ba phì cười:
“Tốt!”
“ Niên trưởng coi, còn cái chân để cà nhắc qua ngày mà ông bác sĩ cũng lấy
luôn. Thiệt khổ ghê!”
Tôi nghe quặn thắt cả ruột. Nhưng hai người anh em kia vẫn trêu nhau vui vẻ.
Nước mắt tôi chực trào ra. Chú ấy đã bỏ lại một chân trên chiến trường. Sau này
gia đình bảo lãnh chú qua Mỹ sống cũng tạm yên. Cái chân còn lại, do chú bị
bệnh tiểu đường, bị hoại tử phải cắt bỏ. Từ nay chú sẽ có thêm một người bạn
đồng hành là chiếc xe lăn.
Người vợ mang cháo đến, đút cho chú ăn. Chú còn trêu vợ:
“Anh còn tay mà em!”
Rồi quay sang Ba, chú nói:
“ Em còn may mắn quá phải không huynh trưởng?”
Ba gật đầu cười. Tôi thấy trong mắt Ba dâng lên một niềm cảm động.
5.
“Con lại đi với Ba chứ?”
“Dạ có, Ba! Anh chị và các cháu cũng đi nữa.”
Lần này là ngày Chủ nhật. Tôi đưa Ba đến nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây không
những là nơi có những hoạt động tương thân tương trợ mà còn là nơi tổ chức
những sinh hoạt văn hóa lịch sử để cho lớp trẻ sinh trưởng trên đất Mỹ tìm hiểu
về nguồn cội và không quên mình là người Việt. Theo từng thời điểm trong năm,
nhà sinh hoạt tổ chức lễ giỗ các vị anh hùng dân tộc của Việt Nam. Ba cùng quý
vị bô lão thắp hương trước bàn thờ Tổ Quốc. Rồi Ba chia sẻ một bài nói chuyện
về Hồn Thiêng Sông Núi. Đó là một giá trị thiêng liêng vẫn luôn có trong lòng
những người con dân nước Việt. Nhiều người trẻ sau đó đến gặp Ba để nghe Ba
khuyên bảo, tâm tình.
Và cũng như mọi lần, khi về đến nhà, Ba lại ngồi vào bàn viết. Ba gõ thư thăm
các bạn của Ba ở xa. Tôi mang đến cho Ba một tách cà phê theo yêu cầu. Ba muốn
được tỉnh táo để viết nốt chương sách về những ngày khói lửa mà Ba có mặt trong
đó. Tôi sợ Ba mệt. Nhưng không, Ba gõ một hơi không nghỉ. Rồi sau đó, Ba kêu
tôi lại, bảo tôi ngồi gần bên, nghe Ba nói.
“Tướng Mac Arthur dẫn một câu trong bản ballad nước Anh, một bản “nhạc lính”,
khi ông đọc bài diễn văn tại Quốc hội Mỹ trước khi chấm dứt binh nghiệp. “Old
soldiers never die, they just fade away.” Câu này nhiều người đã trích lại, đã
lấy làm cảm hứng làm thơ, đặt nhạc. Có người thấy câu nói này đầy tính tích
cực, tôn vinh người lính. Nhưng cũng có người cho rằng người lính khi về già
thật là buồn, như một cái bóng mờ nhạt.
“Những người lính Việt Nam ở thế hệ của Ba, bên chiến tuyến của Ba, có một thân
phận rất đặc biệt. Họ đã từng có và rồi như đã mất đi. Họ mất quê hương. Và có
khi họ không còn nhìn ra chính mình. Có khi họ nghĩ rằng thà chết đi trên chiến
trường lửa đạn khi họ còn là người lính trẻ mà hay. Còn những người lính già,
khi sống cuộc đời lưu vong hay ở lại trong nước, họ có những nỗi buồn riêng. Ba
có cái nhìn của Ba. Ba nghĩ xa hơn cái thân phận của mình. Ba tin rằng Thượng
Đế đặt cho mỗi người một nhiệm vụ, và cho họ ánh sáng để nhìn thấy nhiệm vụ đó.
Ba đã chiến đấu với chính mình để thoát ra khỏi sự dằn vặt đến quằn quại sau
chiến tranh, tình xót xa đối với chiến hữu, lòng thương nhớ quê hương mà mình
đã phải bỏ lại mà đi.”
“Con hiểu Ba. Ba ơi, khi con thấy Ba hết lòng gắn bó với thế hệ trẻ, thương yêu
bạn bè đồng đội, con biết người lính già này rất đáng kính. Ba chọn đứng khiêm
nhường như một vai phụ trên sân khấu, chỉ mờ đi, nhưng là một điểm tựa rất vững
chắc cho chúng con. Con hãnh diện lắm Ba à!”
6.
Hôm nay đẹp trời, nhưng Ba không đi đâu. Ba
dành một buổi gọi điện thoại cho bạn bè. Xem ra Ba vui lắm. Tôi chỉ “bị nghe
lóm” những câu chuyện của Ba cũng đủ thấy vui theo rồi.
“Ông tướng, còn sống hở? Ông có nghe lời tôi, scan hình gia đình lại chưa? Chưa
được hả? Thì kêu “sắp nhỏ” nó giúp mình. Đời này con trẻ giỏi hơn người lớn rất
nhiều. Mình đừng có tự ái, kêu nó bày cho. Ông mà làm ra cái album gia đình,
chắc chắn ông sẽ vui lắm, mà con cháu sẽ phục ông sát đất. Chúng nó sẽ có tài
liệu quý giá về gia đình, không phải ai cũng làm được đâu!”
“Ông bạn già, khỏe không? Sao, quyển hồi ký của ông viết đến đâu? Quên cái gì,
bảo tôi. Tôi quên cái gì, sẽ tìm trong tài liệu vậy. Trí nhớ của mình bây giờ
nhiều khi không như mình muốn. Nhưng lớp già như bọn mình, viết hồi ký để lại
cho con cháu đọc để biết cái đời của mình ra sao, là điều đáng làm, và cũng là
để “tập thể dục” cho trí óc của mình nữa. Tôi biết tính ông, thích cái gì trung
thực. Viết hồi ký là phải trung thực. Chính vì thế mà tôi rất quý ông đấy, ông
bạn!”
“Em, sao rồi? Vết thương cũ lại hành hở? Anh cũng vậy thôi, trời động là nhức
lắm. Biết sao hơn bây giờ? Không ai gánh cái đau giùm cho ai được. Thôi mình
chấp nhận em à! Đồng hành với cái đau. Vợ con em khỏe không? Mấy cháu chắc ra
trường hết rồi? Các cháu có việc làm chưa?”
“Em, khỏe không? Gia đình thế nào? Bên nhà trời mưa nhiều không? Ngõ vô nhà em
chắc ngập hết? Cần gì em cứ nói cho anh biết, đừng ngại. Anh giúp được gì sẽ
ráng giúp. Em đừng buồn. Dù cho chế độ đó có ruồng rẫy anh em, nhưng lòng dân
vẫn thương quý và biết ơn anh em.”
Tôi vào bếp nấu nướng một lát, quay lại thấy Ba còn chuyện trò trên điện thoại.
Ba đi qua đi lại, như một ông thầy giáo đang say sưa giảng bài. Tôi lại được
“nghe lóm”:
“Chú à, đến ngày Trời kêu mình đi, thì mình đi thôi. Gánh đời buông xuống. Cốt
sao mình sống cho vui vẻ. Vui với gia đình, con cháu nếu có. Vào nursing home
cũng chấp nhận. Cũng có những người như con gái tôi vào giúp cho mình, an ủi,
ca hát với mình. Ai rồi cũng sẽ ra đi, mình cũng như bao người, không có gì lạ.
Chỉ có một điều khác: đó là mình đã từng là người lính. Tôi hãnh diện về điều
đó. Tôi không oán hận, mà tin tưởng vào tương lai…”
Ba quay lại, nói với tôi:
“Là chú hôm trước mình vào thăm trong bệnh viện đó con. Sức khỏe khá lên rồi.
Mới khoe với Ba là chú ấy đã cầm điện thoại lên, “on air” trên cái đài của chú
ấy, đài nói tiếng Việt. “Chì” thật!”
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
SOURCE:
No comments:
Post a Comment