Thursday, September 10, 2020

Hai vị Tướng tác chiến giỏi: Đại Tướng Đỗ Cao Trí và Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh

  
  Đại Tướng Đỗ Cao Trí (20.11.1929 - 23.2.1971)
Vị Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Nhảy Dù trong QL/VNCH


Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh (31.3.1930 - 2.5.1970)


Đại tá Nguyễn Viết Cần (1.1933 - 29.6.1972)


Những vị Tướng lớn chỉ huy quân đội lớn. Lịch sử đã chứng minh như vậy. Nhưng tại Việt Nam Cộng Hòa, quân lực bị sa lầy trong tham nhũng, đố kỵ, và chính trị hóa quá mạnh, nên những vị Tướng có tài muốn nổi cũng không được. Trong lúc lực lượng Mỹ rút bỏ lại những khoảng trống quá lớn, trên chiến trường, nước nhà đã nẩy sinh ra hai vị Tướng tài giỏi làm nâng cao tinh thần quân đội có thể lấp vào chỗ trống trên.

Bấy giờ, Cơ Quan Viện Trợ Mỹ MACV đã đưa ra bản tường trình có tính cách phê bình các vị Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn. Điều nghịch lý ở đây là một vị Tướng nổi danh về tài hành binh bố trận, được binh sĩ trung thành, lại bị đe dọa chính trị, trong một nước đầy cuộc đảo chánh quân sự. Một nhà quan sát Mỹ ở Sài Gòn hồi đó đã giải thích: "Đây là một quốc gia không cho phép ai được làm anh hùng quá lâu. Nhưng người ta vẫn xài anh hùng nhất thời."

Lúc đó QLVNCH có hai anh hùng tài ba trên chiến trường (không phải anh hùng chính trị), đã vượt trội và lãnh trọng trách chỉ huy Quân Đoàn III và IV ngay sau vụ Tổng Phản Công Tết Mậu Thân 1968. Đó là Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí và Cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh. Hai ông đã chứng tỏ là những vị Tướng có tầm nhìn chiến lược sắc bén và có tài điều quân trận địa chiến. Trong lần chấn chỉnh sau vụ Tết Mậu Thân 1968, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã loại những sĩ quan trung thành với PTT Nguyễn Cao Kỳ, và giao cho Tướng Trí và Tướng Thanh đảm nhận chức Tư Lệnh hai Vùng Chiến Thuật đông dân và nhiều yếu tố tế nhị chính trị nhất.

Tướng Nguyễn Viết Thanh nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, một đơn vị nổi danh cách tiêu cực là "Sư Đoàn Tìm và Tránh Địch", tuy trội hơn hai Sư Đoàn 9 và 21 của Quân Đoàn IV đương thời. Tướng Thanh được Tướng William Westmoreland, Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ ở Việt Nam, ca ngợi như là một Tướng tài giỏi của QLVNCH, ông e ngại sự quan tâm của ông và các Cố Vấn Mỹ sẽ biến Tướng Thanh trở thành đối thủ của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở Thủ Đô Sài Gòn. Tuy nhiên, Tổng Thống Thiệu không những công nhận tài ba và đức độ của Tướng Thanh mà ông cũng an tâm vì biết vị Tướng này không có tham vọng chính trị nào khác, nên ông đã mạnh mẽ nâng đỡ hết lòng.

Tướng Thanh được thuộc cấp thương mến hết mực đến nỗi trong kỳ Tết Mậu Thân, ông suýt mất mạng nếu không được quân sĩ yêu mến. Ông và gia đình bị kẹt trong lòng địch, nhưng nhờ binh sĩ trung thành nên cả nhà được thoát hiểm. Vị Tướng Cố Vấn Quân Đoàn IV đã kể chuyện Tướng Thanh được ái mộ như thế nào: Trong một dịp, lúc đó Tướng Thanh còn làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV ở Cần thơ, ông cùng vị Tướng Cố Vấn bay lên Bản Doanh BTL Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho. Hai vị Tướng ăn cơm trưa một cách kín đáo trong một nhà hàng ở Thị Xã; người ta xầm xì rỉ tai và mọi người cuối cùng rồi cũng hay tin. Dân chúng và binh sĩ ùn ùn kéo đến chào mừng vị Tư Lệnh cũ của họ. Trong suốt cả tiếng đồng hồ, Tướng Thanh phải gật đầu, bắt tay liên tục cả trăm người. Nên biết rằng ít có vị Tướng Lãnh, sĩ quan cao cấp có sự gần gũi hòa đồng thân thiện với lính và dân ở miền quê như Tướng Thanh. Ông là một trong những vị Tướng thanh liêm trong sạch "Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng" được lưu danh muôn thuở.

Tại Quân Đoàn III, Tướng Đỗ Cao Trí đã chỉnh đốn lại khả năng tác chiến của ba Sư Đoàn 5, 18 và Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Ông có bản lãnh hoàn thành những việc dù khó khăn cách mấy. Thoát chết ba lần ám sát. Không ai dám làm phật lòng chính phủ và Bộ TTM Sài Gòn, nhưng Tướng Trí đã dám thay thế hai vị Tư Lệnh bất tài và là tay chân thân tín của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng ông không gặp phản ứng nào của dinh Độc Lập. Tướng Trí hứa sẽ biến ba sư đoàn bộ binh yếu kém thành tinh nhuệ trong vòng 2 năm, và ông đã giữ đúng lời hứa.

Tướng Trí và Tướng Thanh đã cùng các sư đoàn thuộc quyền đã được thử lửa một trận đánh lớn, với cuộc hành quân phối hợp đổ bộ vào Campuchia tháng 5/1970. Tổng Thống đã cử Tướng Trí làm Tư Lệnh cuộc hành quân càn quét cục R, căn cứ an toàn của VC ở vùng Mỏ Vẹt, và cử Tướng Thanh chỉ huy bốn lực lượng đặc nhiệm Bộ Binh, Thiết Giáp của Quân Đoàn IV đánh từ dưới thốc lên (từ Nam lên Bắc) để bắt tay với lực lượng của Tướng Trí.

Trong ngày đầu tiên của cuộc hành quân, Tướng Thanh bay lên chiến trường chỉ huy và điều động các đơn vị trực thuộc. Khi bay sâu vào nội địa Campuchia khoảng 10 dặm, chiếc trực thăng của ông đụng vào một chiếc Cobra. Tai nạn thật khủng khiếp, không một ai sống sót! Cái chết của Tướng Thanh là một cái tang lớn cho QLVNCH, một màu tang chế phủ lên cuộc hành quân! Để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân vị Tướng tài ba, quân nhân thuộc cấp đã hết lòng chiến đấu để đem lại chiến thắng dâng lên hương hồn vị chỉ huy tài đức vẹn toàn.

Trong khi tin tức chiến thắng lớn lao của QLVNCH bay về Sài Gòn tới tấp, cái chết của Tướng Nguyễn Viết Thanh làm mọi người luyến tiếc. Tướng Đỗ Cao Trí được ca ngợi như vị anh hùng của Quốc Gia, ông làm việc không mệt mỏi, kế hoạch hành quân được chuẩn bị rất kỹ càng, chu đáo, và linh động, cùng sự có mặt thường xuyên ở chiến trường khích động lòng quân là những yếu tố đem lại chiến thắng cho đơn vị thuộc quyền của ông. Tướng Trí đã dùng chiến thuật "Diều hâu" và "Nhị thức chiến xa bộ binh" phối hợp một cách thần kỳ nên đã gặt hái kết quả không thể ngờ được. Không ai can đảm và xông xáo như vị Tướng ba sao này, mặc đồ rằn ri, đội mũ lưỡi trai, tay cầm cây gậy chỉ huy, nhảy theo toán quân đổ trực thăng đầu tiên; hoặc đứng trên pháo tháp xe tăng hô to: "Nhanh lên! Tiến nhanh lên các em!"

Trước ngày thực sự đổ quân qua Campuchia, có lần khi đang tới thị sát BCH Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Tướng Trí nghe báo cáo lính Miên đang "Cáp Duồn" chặt đầu thả trôi sông đồng bào Việt Nam ở vùng đồn điền Michelin bên kia biên giới. Ông vội điều động một tiểu đoàn Nhảy Dù cấp tốc đổ bộ bằng trực thăng Việt Nam (vì trực thăng Mỹ chưa có lệnh Tổng Thống Nixon nên không dám vượt biên) xuống sân banh trong đồn điền cao su. Khi hai đại đội vừa xuống thì chiếc trực thăng của ông cũng đáp xuống theo, ông lấy tay cầm "Can" chỉ về phía trước hô xung phong. Khiến anh Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó giật mình vội báo cáo về xin đổ quân xuống bảo vệ an toàn cho ông. Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù cũng cấp tốc bay đến hiện trường. Binh sĩ thấy hai vị Tướng cùng có mặt tại trận địa, nên ai nấy đều hăng hái xung phong đánh đuổi giặc ác ôn và giải thoát hằng ngàn đồng bào chở về bên này biên giới (sau này dân chúng địa phương đã tạc tượng Tướng Trí thờ cúng ơn cứu mạng).

Đối với một người tài ba và khát khao chỉ huy lập chiến tích oai hùng như Tướng Trí, xá gì chiếc trực thăng an toàn hay không, xá gì chiến trường hung hiểm ra sao, Tướng Westmoreland đã cảm phục tài ba và lòng can đảm này nên ông đã viết: "Tướng Trí là một con cọp của chiến trường, một Tướng Patton của Việt Nam." Tuy nhiên, cái tài của Tướng Trí đã làm nhiều Tướng Lãnh khác ghen tị, họ đã nêu ra những hành động của ông trong trận đánh đồn điền cao su Chup ở Cam Bốt; bắt bẻ ông đã nhảy xuống hồ bơi tắm chơi trong lúc cuộc giao trang đang hồi dữ dội nhất. Họ rêu rao rằng: "Tướng Trí chỉ muốn tạo tiếng tăm anh hùng cho riêng mình, chứ không đếm xỉa đến lợi ích quân sự." Ngoài ra lối sống xa hoa ngang tàng và giàu có của ông đã gây ganh ghét và nghi ngờ ở Sài Gòn. Hai Thượng Nghị Sĩ Nam Việt Nam đã gọi là "vụ tham nhũng trắng trợn", khi tố cáo ông có chân trong đường giây buôn lậu tiền. Vụ tham nhũng này tung ra cùng lúc với những tin chiến thắng của Tướng Trí bay về thủ đô Sài Gòn. Mặc dù đời sống cá nhân bị tai tiếng, Tướng Trí vẫn nổi danh như cồn, ông là vị Tướng Lãnh chiến trường tài giỏi nhất QLVNCH. Ngay cả sau cuộc hành quân Campuchia kết thúc. Dưới sự chỉ huy của ông, QLVNCH đã liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân vượt biên triệt hạ sào huyệt an toàn của địch, khiến chúng chạy xất bất sang bang.

Trong lúc Tướng Trí hăng hái với kế hoạch tấn công của QLVNCH, ông có ý định đưa quân sĩ QĐ III lên Kratie để bắt tay với cánh quân ở đây thì bị tử nạn phi cơ trực thăng cuối tháng 2/1971. Trên máy bay còn có ký giả Pháp nổi tiếng là Francois Sully.

Chuẩn Tướng Mỹ George Wear đã ghi lại: "Khi quân sĩ VNCH được cấp chỉ huy giỏi sẽ chiến đấu xuất sắc không thua bất cứ quân đội nào khác. Họ chỉ cần những vị chỉ huy hết lòng với họ, chiếm được lòng tin của họ, và làm cho họ dám chết vì chính nghĩa."
Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Viết Thanh là hai vị chỉ huy có được tư cách và tài ba đó.

David Fulghum, Terrence Mailand
South Vietnam on Trial - The Vietnam Experience.
Boston Publishing Company

Chuyển ngữ: Trương Dưỡng

SOURCE:

TRÍCH ĐOẠN: TRẬN SNOUL
(24-04-1971 đến 31-05-1971)
Source:

Quốc Lộ 13 Việt Nam Cộng Hoà được tiếp nối với Quốc Lộ 7 (Cambodia) nối liền đến thị trấn Snoul, 25 cây số về hướng Bắc, bên ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, kéo dài về phía Nam trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà ngang qua Căn Cứ Hoả Lực Hoa Lư qua Quận Lỵ Lộc Ninh, xuống đến căn cứ hoả lực Cầu Cần Lê xuyên qua Tỉnh Lỵ Tỉnh Bình Long, qua Xã Xa Cam, Xa Trạch, Xa Cát, Tân Khai, Tàu Ô, Quận Lỵ Chơn Thành, đến căn cứ Lai Khê, Quận Bến Cát, thuộc Tỉnh Bình Dương. 
Chiếu theo nhật ký của Bộ Tư Lệnh Hành quân, Quân Khu 3, về Trận Snoul, khởi phát vào ngày 24 tháng 04 đến ngày 31 tháng 05 năm 1971 giữa Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Sư Đoàn 5 (Công Trường 5) Cộng Sản Bắc Việt .

Vào buổi giao thời lúc Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí bị tử nạn phi cơ, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được chỉ định làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III, Chiến Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt vây hãm tại cứ điểm Snoul, chờ viện binh mãi không thấy, nên phải đột phá vòng vây, và về đến Lộc Ninh ngày 31 tháng 05 năm 1971, bị tổn thất nặng, về nhân mạng và chiến cụ.

Khi Tướng Minh được chỉ định thay thế cố Đại Tướng Trí , 2/3 lực lượng của Quân Khu III đang còn kẹt ở dọc trên Quốc Lộ 7 và ở phía Nam bờ sông Chu Long trong lãnh thổ Miên : Chủ lực : Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn gồm Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh do Đại Tá Trần Quang Khôi chỉ huy,Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân do Đại Tá Nguyễn Văn Dương chỉ huy + Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân do Đại Tá Phạm Văn Phúc chỉ huy + Liên Đoàn 3 Công Binh Chiến Đấu do Đại Tá Vũ Tiến Quang chỉ huy, đã tiến đến phía Nam bờ sông Chu Long, 25 cây số phía Nam Quận Lỵ Kratié chờ cho Sư Đoàn Dù (Việt Nam Cộng Hoà) trực thăng vận bọc hậu tấn công ngay vào đầu não của Trung Ương Cục MIền Nam (Cục R), vừa mới di chuyễn về từ vùng đồn điền cao su Mi Mốt, Katié cũng là điểm tiếp liệu hậu cần lớn nhất trong vùng, Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, do Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ Tư Lệnh Sư Đoàn, làm trừ bị tiếp ứng cấp thời khi cần, đang chực chờ dọc theo Quốc Lộ 7 (Miên), về phía Đông Bắc, tại Snoul có Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Đại Tá Bùi Trạch Dzần chỉ huy, trú đóng theo thế bao vây địch thành một vòng cung từ tỉnh Kompong Chàm phía Tây bờ sông Mékong bọc vòng cung qua toàn vùng Chup, Đam Be, Mimot, Snoul, đến Kratié 
Đó là di sản của vị Tư Lệnh tiền nhiệm, Tướng Trí để lại cho Tướng Minh, không một lời dặn dò hay hướng dẫn những điểm nội tình bí ẩn như:
a/ Việc một viên tướng Mỹ Tư Lệnh Phó của Lực Lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ, đến tận bản doanh của Quân Đoàn 3 tại Biên Hoà, vào gặp Tướng Trí, khuyên Tướng Trí nên bỏ kế hoạch đổ bộ lên Kratié, nếu chịu rút quân về thì không quân Hoa Kỳ chiến thuật cũng như chiến lược và trực thăng sẽ yểm trợ, tản thương, cũng như tiếp tế đầy đủ xăng dầu cho đoàn cơ giới của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh.
Sau khi nghe tướng Mỹ nói như thế, Tướng Trí hỏi lại, vì sao trước đây Lực Lượng 2 Dã Chiến đã hứa sẽ cung cấp đủ trực thăng đổ quân và tiếp tế đủ cho cả một sư đoàn, bây giờ lại đổi ý, và ra điều kiện với tôi như vậy? Tướng Mỹ trả lời, chúng tôi có thể trả lời cho ông biết, chỉ vì lý do chính trị, chúng tôi không thể giải thích thêm gì được nữa.
b/ Việc vào giờ phút chót Tổng Thống Thiệu ra lệnh điều động Sư Đoàn Dù ra vùng hoả tuyến Quân Khu I, để tham gia vào cuộc hành quân Lam Sơn 719
c/ ý định của Đại Tướng Trí sẽ dùng Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thay thế Sư Đoàn Dù tiếp tục đổ bộ qua Kratié, v.v.... Tướng Minh không hề hay biết. Vì lẽ Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí nhất định bắt cho bằng được các nhân vật đầu não Cục R, nên bàn tay lông lá nào đó đã ra lệnh phải triệt hạ Tướng Trí bằng cách cho nổ trực thăng. Tướng Trí chết không một lời trăn trối cho bất cứ một ai.

Khi Tướng Minh lên nắm quyền chỉ huy Quân Đoàn :

a/ Về uy tín đối với các tướng lãnh thuộc các quân binh chủng khác như Tư Lệnh Không Quân, chắc không nể vì như Đại Tướng Trí được, với lời hứa trước đây cho Đại Tướng Trí gom hết các trực thăng đổ quân và tản thương cỡ cấp sư đoàn và các Chi- nook để tiếp tế xăng dầu cho đoàn thiết kỵ hàng trăm chiếc của 3 Sư Đoàn Không Quân, tại Biên Hoà, Sư Đoàn 5 Không Quân tại Tân Sơn Nhất và Sư Đoàn 4 Không Quân tại Cần Thơ. Bây giờ thì chắc không còn được nữa.

b/ Đối với lực lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ thì đã cho biết là sẽ không có trực thăng để giúp cho việc đổ quân cấp Sư Đoàn kể cả Chinook tiếp tế xăng dầu cho hàng trăm chiến xa M.41 và thiết vận xa M.113 nếu cứ tiếp tục tiến đến Kratié,và khi lâm trận thì sẽ không có hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ (Chiến Thuật cũng như Chiến Lược), còn nếu đồng ý rút quân trở về thì muốn thứ gì cũng có hết .

c/ Lòng quân phân tán: Đây là yếu tố tâm lý rất quan trọng cho sự thắng bại trên chiến trường. Thật vậy, từ khi nghe tin vị chủ soái tài ba là Trung Tướng Đỗ Cao Trí bị nổ trực thăng, tất cả các chiến sĩ trong đoàn quân vượt biên, nhất là các cấp chỉ huy đều có tâm trạng hoang mang, ý chí quyết chiến quyết thắng bị giảm sụt trầm trọng, có thể nói là mất đi hết nhuệ khí chiến thắng của lúc ban đầu.


Tóm lại, khi tổ chức một cuộc hành quân nào, dù lớn hay nhỏ, các yếu tố căn bản cần phải có là :
a/ Lòng quân phải được phấn chấn, nghĩa là phải có tư tưởng quyết chiến thắng, từ các chiến binh cho đến chủ soái
b/ Phải có đủ phương tiện trực thăng đổ quân đủ cho cấp số dự trù
c/  Khi đụng trận thì phải có hoả lực phi pháo yểm trợ đầy đủ
d/ Sau cùng là việc tiếp tế ( Đạn dược ,nhu yếu phẩm, nhiên liệu v..v..) .
Tất cả các yếu tố nêu trên, đều không đạt được như sở cầu của vị Tư Lệnh mới là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh.
Buộc lòng Trung Tướng Minh, phải ra lệnh cho rút đoàn quân vượt biên trở về nội địa, để bảo toàn lực lượng của Quân Đoàn3/Quân Khu III.


Đại Tướng Đỗ Cao Trí - tác giả Trương Văn Quang (Úc)



Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh  
Phan Nhật Nam - KHG Dương Nguyệt Ánh - Việt Dzũng




South Vietnam An Loc Battle 1972

Đại tá Nguyễn Viết Cần (1.1933 - 29.6.1972): Em ruột của Tướng Nguyễn Viết Thanh. 
Đại tá Cần đã tử trận tại An Lộc ngày 29/6/1972



.

No comments:

Post a Comment