Khi đi tìm
nhân chứng của 1 chiến trường hết sức oan nghiệt và thê lương, hết sức dũng
mãnh và hào hùng, tôi vẫn không quên đoạn đường đầy xác người trên quốc lộ số
1.
Ngay khi chiến
trường còn vương khói súng, cây bút nhẩy dù, đại úy Phan nhật Nam đã viết “ Mùa
hè đỏ lửa “. Tác phẩm đem vinh quang cho tác giả đồng thời cũng làm khổ ông sau
1975. Nhưng trước sau “Mùa hè đỏ lửa “ đã gắn liền vào tên tuổi Phan nhật Nam.
Phải chờ đến
32 năm sau, Hà Nội mới xuất bản cuốn “Mùa hè cháy“ của Ðại tá Pháo binh “Quân đội Nhân dân” viết về trận pháo kích của Trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dã man
trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường
trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành Ðại lộ Kinh Hoàng.
Chúng tôi vẫn đi tìm xem ai là người đặt tên cho đoạn đường của trận thảm sát mùa hè năm 72.
Có lẽ chỉ trong chiến tranh Việt Nam mới có cái đại lộ mang tước hiệu kinh
hoàng.
Anh phóng
viên của bộ thông tin có mặt tại Quảng Trị nói rằng bác đi hỏi ông Lê Thiệp
trên DC. Khi quân ta phản công ở Mỹ Chánh, ông nhà báo Lê Thiệp có đi theo trên
quốc lộ 1 qua lối này. Năm 2005 nhân dịp gặp ông Thiệp tại DC, ông nói rằng
không biết tay nào đặt cái tên Ðại lộ Kinh Hoàng thật hay. Câu chuyện dừng tại
đó.
Một lần
khác, chúng tôi rao lên là muốn tìm gặp những ai đã chạy trên con đường ác độc
vào đúng lúc địch pháo kích. Tôi biết có trung tá Lê huy Linh Vũ của Tổng cục
Chiến tranh Chính trị là người đã trải qua và đã viết lại thành cuốn sách. Con
gái của trung tá Vũ là họa sĩ Hương Alaska có cho phép chúng tôi in lại cuốn
này để tặng các bạn.
Nhưng ông Vũ
nay không còn nữa. Ðại tá Hà mai Việt, tỉnh trưởng Quảng trị thời kỳ 72 đã nói
rằng : “Tại ông không lưu tâm đọc sách của tôi. Mở trang này ra mà xem, nhân chứng
sống là ông Phan văn Châu. Tôi đã viết rõ từng trường hợp của trận Quảng Trị
trong tác phẩm Thép và Máu.
Ông nhân chứng
này không những chịu đựng trực tiếp trận pháo trên quốc lộ mà còn nằm lại 1 đêm
giữa các xác chết.”
Sau cùng nhờ
ông Hà mai Việt, chúng tôi đã gặp nhân chứng sống. Trung sĩ Phan văn Châu năm
nay 68 tuổi quả thực là 1 người dân tiêu biểu của miền đất Quảng. Qua máy điện
thoại, dường như cả một trời tâm sự tuôn tràn. Những hình ảnh quê hương, chiến
tranh, loạn lạc, pháo kích, khói lửa, lẫn lộn giữa trận 72 và trận 75.
Nói đến chuyện
đất nước biết bao nhiêu địa danh nào là Nhan Biều, Cầu Ga, Ái Tử, Mai Lĩnh, Cầu
Dài. Rồi đến biết bao nhiêu con sông, bao nhiêu rạch nước. Âm thanh đất Quảng của
người dân chân chỉ hạt bột, vòng qua quay lại để sau cùng trở về với cái ngày cả
gia đình bỏ Nhan Biều mà đi. Ông Châu nói
rằng, lúc đó dường như mọi người đã chạy hết. Phan văn Châu là trung sĩ thông dịch
viên cho ngành tình báo tại Ðà Nẵng đang đi công tác về Ái tử.
Ðến khi
thiên hạ bỏ chạy hết, thầy thông ngôn trẻ tuổi mặc đồ dân sự cùng 1 đứa cháu, dẫn
vợ có bầu với 3 đứa con nhỏ, năm một, sáu, bẩy, tám tuổi. Tất cả vội vàng ra đi
bỏ lại phía sau căn nhà mới cất tại Nhan Biều bên bờ Bac của sông Thạch Hãn.
Vợ con đi
trước 1 đoạn với gia đình bà chị. Thằng cháu và ông Châu đi xe gắn máy kéo theo
1 chiếc xe gỗ 2 bánh. Hành trang chất đầy, người kéo, người đẩy chiếc xe qua khỏi
cầu Ga, đi được một đoạn dài đến 9 giờ sáng thì pháo nổ ngay trên đường. Con đường
đầy người chạy loạn. Cả dân cả lính với đủ mọi thứ xe. Ða số đi bộ vì đường tắc
nghẽn nên không thể đi nhanh. Ðạn rơi chỗ nào cũng có người chết. Xác bắn tung
lên trời. Khói lửa mù mịt. Mạnh ai nấy chạy. Vợ con thất lạc ngay từ lúc đó.
Ông Châu nghĩ rằng vợ con có thể đang ở phía trước. Nhưng phía trước hay phía
sau thì cũng bị pháo. Khi pháo tạm ngưng thì có người lại tràn ra đi tới. Nhưng
phần lớn nằm yên chịu trận. Có nhiều người không chết ở đợt pháo đầu nhưng rồi
bị chết ở các đợt pháo sau. Nhiều xác chết trên đường bị pháo đi pháo lại nhiều
lần. Bị thương rồi lại bị pháo rồi cũng chết. Biết bao nhiều người cố chạy cho
thoát bỏ lại cả gia đình vợ con. Những đứa nhỏ nằm khóc bên xác mẹ. Những em bé
sơ sinh bú vú mẹ đã lạnh khô.
Có người còn sống thấy đó mà phải bỏ đi. Ông Châu
và đứa cháu chạy về phía đông quốc lộ, vùi thây xuống cát mà chịu đựng 1 ngày
pháo kích. Ðủ loại pháo của cộng sản thay phiên bắn phá suốt một ngày dài. Pháo
122, pháo 130 và pháo 155. Chỉ khi nào có B52 đến thả bom mới thấy địch im tiếng
súng được 1 lúc.Toàn thân ông tê liệt dưới trời nắng gắt. Phải bò đến các vũng
nước có cả phân trâu và máu người để uống.
Khi trời tối
dần, tất cả đều im lặng và ghê sợ. Ông Châu và đứa cháu bắt đầu bò quanh lật
các xác chết đàn bà và trẻ em lên xem có phải vợ con. Lật một xác phụ nữ mà ông
nghĩ rằng người vợ, đầu óc ông mê muội. Thằng cháu còn tỉnh táo nói rằng không
phải mợ. Mợ có bụng mà cậu. Mấy người khác còn sống cũng làm như vậy. Tất cả đi
tìm xác thân nhân. Nhưng rồi trời tối hẳn, bộ đội Việt Cộng bắt đầu xuất hiện.
Chúng tìm đến các xe nhà binh và tìm các quân nhân mặc quân phục bắt đi hết. Cậu
cháu ông Châu khai là dân thường nên được lệnh phải nằm yên tại chỗ. Ðêm hôm
đó, ông Châu thức trắng trên bãi cát đẫm máu của Ðại lộ Kinh Hoàng. Hình như có
đôi lúc ông cũng thiếp đi. Cũng chẳng còn nhớ rõ. Chung quanh toàn xác chết.
Người chết nhiều hơn người sống. Những xác chết cháy như than củi . Ông nghĩ rằng
chắc xác vợ con cũng quanh đây.
Sáng hôm sau, từ sớm mai những người còn sống
đành phải bỏ lại 1 cánh đồng xác ở đằng sau để chạy về miền Nam. Ði đến cầu Dài
gần sông Mỹ Chánh thì gặp toán tiền sát của thủy quân lục chiến Việt nam chận lại.
Khi biết chắc là không phải quân địch, ông Trung úy Thủy quân lục chiến phất tay
cho qua. Vừa đi khỏi một đoạn đường thì thấy ông sĩ quan bị du kích phía sau bắn
sẻ chết ngay tại chổ. Ðó là cái chết cuối cùng ông chứng kiến tại Quảng Trị.
Tìm xe quá giang về Huế với tâm trạng hết sức não nề. Nhưng rồi phép lạ đầu
tiên đến với cuộc đời ông. Ngay tại khu vực tạm cư Phú văn Lâu, thuộc thành phố
Huế, ông gặp lại đầy đủ vợ con. Bà vợ bầu đã dẫn 3 đứa con nhỏ đi xuống đường
ven biển theo dân địa phương. Ðoàn người đi xa quốc lộ nên tránh được pháo
kích.
Vợ con dắt
díu nhau đi suốt 1 ngày 1 đêm về đến Mỹ Chánh rồi được xe cho bà bầu quá giang
về Huế. Hai năm sau người vợ đầu tiên của ông Châu qua đời, sau khi sinh cho
ông thêm 3 ngưới con nữa. Cô gái còn nằm trong bụng mẹ trên đại lộ kinh hoàng
năm nay đúng 37 tuổi, tốt nghiệp đại học và có gia đình cư ngụ tại miền đông
Hoa kỳ.
Những bước
chân trần ai trên bãi cát Quảng Trị mùa hè năm 72 của bà mẹ mang bầu không biết
có còn vương vấn chút nào trong lòng cô bé nghe pháo kích từ lúc chưa ra đời.
Ông Châu nói rằng : Tụi nhỏ chẳng biết gì đâu. Chỉ có đứa lớn nhất năm nay
ngoài 40 tuổi là còn nhớ đôi chút. Hỏi rằng thế ông có được bao nhiêu con tất cả.
Ông tính nhẩm rồi nói rằng tất cả 10 con. Bà đầu tiên 6 con. Bà thứ hai 3 con.
Bà này bỏ tôi đi lấy chồng nên bây giờ vẫn còn ở Việt Nam. Tôi đưa cả 3 cháu
đoàn tụ bên này. Bà hiện nay ở với tôi có 1 cháu. Năm nay cháu cũng 24 tuổi rồi.
Bà sau này có 1 con riêng. Như vậy là chúng tôi có 11 con. Thế bác có hạnh phúc
không. Hạnh phúc chứ. Tất cả là số trời. Ông Châu nói rằng, cái đêm nằm ở đại lộ
kinh hoàng, uống nước máu người và phân trâu tôi không bao giờ giờ nghĩ đến có
ngày đi Mỹ như bây giờ. Tôi nghĩ rằng bây giờ vợ con chết hết thì mình sẽ ra
sao. Làm sao tìm xác. Rồi chôn ở đâu. Hàng trăm xác người chung quanh, biết bao
nhiêu xác trẻ con, vợ con tôi đều trong số đó. Không hiểu nó bắn pháo đạn gì
quá ác. Tất cả xác chết như than củi chẳng làm sao biết được người nào là người
nào.
“Năm 1973
tôi có trở lại, đi qua con đường thấy có đài tưởng niệm, rồi có các mồ chôn tập
thể, có mồ chôn riêng rẽ. Lòng tôi hết sức xúc động. Cho đến bây giờ tôi vẫn
còn xúc động. Con cháu tôi thì nhiều nhưng mà làm sao các con hiểu được những
gì tôi đã trải qua. Trận 72 quân ta mới lấy lại một nửa Quảng Trị. Ðứng bên này
dòng Thạch Hãn, bên kia là Nhan Biều, nơi tôi ra đời còn cả ngôi nhà thân yêu.
Bên ta đã bị địch chiếm bờ Bắc, chỉ giữ được bờ Nam, đến 75 thì bờ Nam cũng chẳng
còn.”
“Vâng thưa
bác, năm nay em 67 tuổi,” ông Châu nói tiếp, “quê ở Nhan Biều, bờ Bắc sông Thạch
Hãn, ngay dưới cầu Ga. Nhà em thi vào làm trung sĩ thông dịch viên năm 1966
khóa 11 tại quân đoàn I . Sau 75 em trốn được. Nếu khai thật chắc là bị buộc tội
CIA.
Sau đó em vượt
biên rồi đoàn tụ. Trước sau 3 vợ, 11 người con. Bà sau này là bà bền chặt nhất
đã sống với nhau 25 năm. Vâng, thưa bác đây chắc chắn là bà sau cùng. Gia đình
em rất hạnh phúc. Phần em, dù có bị kinh hoàng nhưng cũng chỉ có 1 ngày 1 đêm.
So với người ta có người cả đời kinh hoàng thì nỗi khổ của chúng em có thấm vào
đâu.”
Ðó là câu
chuyện của ông Châu, nhân chứng số 1 của chúng tôi. Tôi hỏi ông Châu câu cuối
cùng. “Ông có biết ai đặt tên Ðại lộ kinh hoàng.” “ Không đâu,” bây giờ ông gọi
tôi là cụ. “Cụ với cụ Việt không biết thì ai mà biết. Nhưng quả thực là kinh
hoàng thực đấy các cụ ạ “.
Tuy hỏi vậy,
nhưng tôi đã tìm ra. Số là vào mùa hè năm 72 đó, có anh phóng viên trẻ tuổi bút
hiệu Ngy Thanh cũng ra chiến trường Quảng Trị. Anh đã bỏ ra cả 1 ngày dài trên
đoạn đường oan nghiệt. Chụp hình các xe cháy, các xác chết và có được 1 bộ hình
hết sức đặc biệt. Khi về lại Saigon viết loạt bài phóng sự, anh có đặt tên là Ðại
lộ Kinh Hoàng. Câu chuyện làm xúc động độc giả tại thủ đô. Chủ nhiệm là chị
Trùng Dương bèn cùng anh chị em quyên góp tiền bạc ra Trung tổ chức nhặt xác và
chôn cất. Câu chuyên ngày đó có lẽ ai cũng biết, nhưng ngày nay ai cũng quên hết
cả rồi. Hành động của báo chí và đồng bào tự nguyện đứng lên lo việc chung sự
cho nạn nhân của đại lộ kinh hoàng là 1 câu chuyện ý nghĩa nhất trong phần nhân
bản của trận Quảng Trị mùa hè 72.
Hai tháng
sau đêm kinh hoàng của ông Phan văn Châu, quân miền Nam vượt sông Mỹ Chánh, phản
công tái chiếm Quảng Trị. Người phóng viên chiến trường trở lại quốc lộ số 1.
Sau đây là phần trích lại bài phóng sự đăng báo Sóng Thần năm 1972 của Ngy
Thanh.
“Khoảng 10
giờ sáng, đầu cầu Bến Đá vắng lặng, không có lính trấn thủ khi
chúng tôi đến. Những mũi dùi tấn công của Nhảy Dù và TQLC đã được
trực thăng vận vượt sông đánh lên quá sông Trường Phước. Bến Đá bấy
giờ có hai cầu. Cầu xe hơi trên QL1 bị phá. Chiếc cầu sắt xe lửa nằm
ở phía núi gảy gục, đoạn giữa cắm xuống sông thành hình chữ V. Khu
đất dầu cầu do QLVNCH trấn giữ trườc đó đã được đặt nhiều mìn
chống chiến xa. Thấy yên lặng và không có người, cả ta lẩn địch, hai
chúng tôi bò theo khung cầu sắt gảy qua bên bờ bắc. Lại lách giữa
đám mìn chống chiến xa, để quay trở lại QL1. Trước mắt chúng tôi,
ngay trên bề mặt Quốc Lộ là xác xe. Chiếc ngược chiếc ngang, phần
lớn giở mui không biết vì lý do gì. Nhiều xe cứu thương đã bị bắn
cháy nhưng còn đọc được phù hiệu Hồng Thập Tự hai bên hông. Chúng tôi
nhìn vào cánh cửa xe hé mở và thấy xác thương binh chết nằm, chết
ngồi trong đó. Mùi tử khí đã dịu thành mùi thối, thay vì mùi nồng
của xác người như khi mới chết ít hơn 2 tuần. Chúng tôi tiếp tục lội
xuống bãi cát hai bên đường, bãi phía biển có nhiều xác chết hơn
bãi phía núi, có lẽ vì khi bị tàn sát, người ta có khuynh hướng
chạy ra phía đông là khu vực có thể có người tiếp cứu trong khi phía
núi chỉ là vùng hoang vu, không có ai sinh sống. Trên bãi cát nầy
chúng tôi thấy xác người lớn và xác trẻ em, xác quân nhân và xác
thường dân, cảnh sát. Nhiều xác úp mặt chồng lên nhau, có lẽ bị bắn
chết khi đáng chạy tới để thoát hiểm.” (Ngy Thanh)
Cuộc chiến
nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh
của 1 đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa 1 chiến trường thảm khốc đầy xác thường
dân như ở đại lộ kinh hoàng vẫn là 1 hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không
thể nào quên được.
Vì vậy tôi cố
tìm cho được câu chuyện của 1 nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý
vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Việt Hải chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của
quân đội nhân dân, nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong tác phẩm
“ Mùa hè cháy “xuất bản năm 2005 tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông
khai hỏa tập trung pháo 122 pháo 130, pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường
tập trên quốc lộ số 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy.
Ông đại tá
pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai
trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.
Bài báo ngắn
ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa
để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.
Ðịnh mệnh
nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người
con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều.
Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm
72 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sửa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết
trên đại lộ kinh hoàng 37 năm về trước.
Nhưng mà sao
tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây.
SOURCE:
.
No comments:
Post a Comment