Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa với trụ sở đặt tại
San Jose, California, qua nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, vừa chuyển đến chúng tôi
lời mời tham dự vào việc thực hiện cuốn phim tài liệu về trận phản công tái chiếm
Quảng Trị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Mùa Hè 1972. Đây là một trong một
loạt phim tài liệu nhằm viết lại lịch sử 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa trong đó,
theo Viện BTTN&VNCH, loạt phim Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa gồm bốn
DVD, tổng cộng 8 giờ, được coi là “sản phẩm tiêu biểu".
Ông Lộc cho biết Viện BTTN&VNCH hiện đang xúc tiến thực hiện một
bộ phim tài liệu về trận Quảng Trị 1972, còn gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa",
khi Bắc quân đem quân và chiến xa tràn qua Vùng Phi Quân Sự tại vĩ tuyến 17, trắng
trợn vi phạm Hiệp Định Geneve 1954, xâm chiếm Quảng Trị vào tháng 3-1972, song
bị quân đội VNCH đẩy lui sáu tháng sau đó.
"Trong chiến tranh VN có ba trận đánh quy mô cần quan tâm. Đó
là trận Mậu Thân, Hoa Kỳ gọi là Tet Offensive 1968. Trận thứ hai là trận Quảng
Trị 1972, Hoa Kỳ gọi là Easter Offensive. Trận thứ ba là 30-4-1975," Ông Lộc
cho biết trong lá thư gửi tới thân hữu. "Lịch sử chiến tranh Việt Nam cần
có một phim tài liệu về Quảng Trị. Ðây sẽ là phim đầu tiên."
Được biết cuốn phim tài liệu về Quảng Trị sẽ gồm hai đĩa. Ðĩa thứ
nhất dành cho thời gian từ ngày lui binh sau khi thất thủ Đông Hà - Quảng Trị từ
cuối tháng 3 đến đầu ngày 1-5-1972; và đĩa thứ hai dành cho thời gian phản công
từ tháng 5 đến tháng 9-1972. Bộ phim Quảng Trị là một phần của chương trình sản
xuất các tài liệu song ngữ của Viện BTTN&VNCH để phổ biến khắp thế giới và
dành cho thế hệ tương lai.
Chúng tôi được ông Vũ Văn Lộc mời đóng góp vì những bài báo của
các phóng viên chiến trường của nhật báo Sóng Thần tường thuật tại chỗ về Mùa
Hè Đỏ Lửa, mà một trong những tác giả của những bài tường thuật bấy giờ hiện có
mặt tại Hoa Kỳ, là NgyThanh, có thể đóng góp cho dự án phim tài liệu với tư
cách một nhân chứng.
Nhật Báo
Sóng Thần, do tôi làm chủ nhiệm và chủ bút, cố nhà văn nhà báo Chu Tử làm
chủ biên và ký giả Uyên Thao, hiện định cư tại Virginia, làm tổng thư ký, ngoài
phần vụ thông tin, đã có những đóng góp ngoài nghề nghiệp mà chúng tôi, vì tính
chất nhân đạo của những việc này, ít khi đề cập tới.
Trước hết, về mặt thông tin: khi chiến trận bùng nổ, văn phòng đại
diện Sóng Thần Quảng Trị do anh Nguyễn Quý coi sóc phải di tản vào Huế, sáp nhập
với văn phòng đại diện Sóng Thần Huế do
anh Nguyễn Kinh Châu điều hành, cộng với NgyThanh đặc phái viên Sóng Thần Quân
Khu I từ Đà Nẵng ra tăng cường. Kết quả là nhờ số nhân sự đông đảo của văn
phòng ba tỉnh nhập lại, chúng tôi may mắn có đủ lực lượng để bao sân nhiều lãnh
vực.
Đặc biệt là nhờ văn phòng trưởng Nguyễn Kinh Châu, vốn là một
"thổ công" địa phương, có nhiều móc nối quen biết từ cấp tỉnh trưởng
trở xuống; Đoàn Kế Tường, quân nhân đồng
thời cộng tác với văn phòng Sóng Thần Quảng Trị, vì “đánh mất” Quảng Trị
nên ngày nào cũng bám theo các mũi dùi tái chiếm với lời thề sẽ là nhà báo đầu
tiên đặt chân trở lại thành phố thân yêu; Trần
Tường Trình theo chân Sư Đoàn 1 kiên cường trấn thủ Bastone, Birmingham và
Tà Rầu ở cạnh sườn phía tây; và Ngy Thanh, phóng viên và cũng là một nhiếp ảnh
viên xông xáo, ra bám trụ tại Huế để hằng ngày theo các mũi tiền quân của
QLVNCH săn tin. Trong khi nhiều ký giả trong nước cũng như ngoại quốc, lúc ấy
vì bất ngờ, chưa kịp trở tay, thì Sóng Thần đã có tin cập nhật hàng ngày do các
đặc phái viên “nằm vùng” của các văn phòng này gửi về. Do đấy, báo Sóng Thần có
số bán lớn nhất trong thời kỳ này.
Song có lẽ một trong những điều đáng nói hơn cả, và cũng ít người
biết tới, là chương trình hốt xác của
ngót 2.000 đồng bào thiệt mạng vì pháo kích lẫn bom bay đạn lạc trên đoạn Quốc
lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước – đoạn đường máu mà NgyThanh trong bài
tường thuật qua điện thoại tối 1-7-1972 đã gọi bằng tên "Đại Lộ Kinh
Hoàng", và bốn chữ đó trở thành tên của đoạn quốc lộ của Tử Thần này.
Ngay sau bài tường thuật tại chỗ và những hình ảnh do NgyThanh chụp
cảnh máu đổ thịt rơi của các nạn nhân, anh chị em Sóng Thần chúng tôi ở mỗi nơi
không hẹn mà gặp trong tâm tư dằn vặt về vô số xác chết phơi nắng dầm mưa trên
Đại Lộ Kinh Hoàng. Hồi ấy Nhật Báo Sóng
Thần đang thực hiện chương trình "Sống Một Mái Nhà" và tòa soạn ủy
thác việc trông coi cho Vũ Ngọc Long, một sinh viên trẻ tới với nhóm ST từ khi
còn phôi thai. Hàng tuần hay tháng, tôi không còn nhớ rõ, Long đều đặn dẫn một
số sinh viên học sinh tình nguyện đi xây lại nhà cho một gia đình nghèo ở quanh
thành phố Sài Gòn. Khi chúng tôi ngồi lại bàn với nhau về việc phải làm một cái
gì cho các nạn nhân chiến cuộc này, ký
giả Đường Thiên Lý đề nghị quyên tiền để giúp hốt xác nạn nhân và đặt tên cho
chương trình này là "Thác Một Nấm Mồ", có lẽ là cho có được tính
liên tục với chương trình do Long trông coi. Trong khi đó ngoài miền Trung,
không hẹn mà Nguyễn Kinh Châu cũng bàn bạc với cố bác sĩ Phạm Văn Lương, người trông coi văn phòng Sóng Thần Đà Nẵng.
Hai anh đồng ý nhân danh tập thể Sóng Thần để tiến hành thu nhặt xác, và anh
Lương gọi vào Sài Gòn đúng lúc chúng tôi cũng vừa bàn xong, và định gọi ra xin
quyết định của các văn phòng địa phương.
Máu chảy ruột mềm, đáp ứng của độc giả đối với lời kêu gọi đóng
góp của Sóng Thần cho chương trình "Thác Một Nấm Mồ" vừa mau mắn vừa
đông đảo, cho thấy tính nhân bản và tình thương rất cao của người Việt miền Nam
đối với các đồng bào ruột thịt miền Trung thiếu may mắn chết mà chưa yên, thân
xác còn phơi nắng dầm sương ròng rã đã nhiều tháng trời, khiến không ai là
không khỏi đau xót. Tôi được anh chị em trong nhóm chủ trương tờ báo đề cử đem
gói tiền đầu tiên góp được ra Huế trao anh Nguyễn Kinh Châu để xúc tiến chương
trình hốt xác.
Tôi không bao giờ quên được một tuần lễ ở Huế dạo ấy. Hồi ấy, tôi
không nhớ đích xác tháng nào, quân Cộng hoà đã lấy lại được phần đất phía dưới
Quảng Trị, nơi có đoạn đường có hỗn danh là Đại Lộ Kinh Hoàng, song chưa mở ra
cho dân chúng vào vì chiến cuộc vẫn còn diễn ra, với đạn pháo tầm xa 130 ly của
quân Cộng sản vẫn thỉnh thoảng rót xuống vùng này từ trên dãy Trường Sơn. Và hễ
mỗi lần có pháo kích từ núi xuống là sau đó không bao lâu ta có thể nghe tiếng
rung chuyển trời đất của máy bay bỏ bom B-52 dội bom phản kích.
Qua sự dàn xếp của anh Nguyễn Kinh Châu, chúng tôi – gồm anh Châu,
NgyThanh, tôi, và cả chị Châu cũng không bỏ lỡ dịp xin đi theo trong một, hai
chuyến đầu – vào được khúc đường này, mướn đem theo mấy người phu chuyên nghiệp
cải táng. Đối với các ông thợ này – tôi để ý thường họ đem theo vài chai rượu đế,
vừa để uống vừa để khử trùng – hốt xác không phải là việc xa lạ: họ đã trở
thành các tay chuyên nghề sau khi phía Cộng Sản chôn sống quá nhiều người trong
vụ Tết Mậu Thân 1968 để họ thực hành việc hốt xác của nhiều ngàn người bị chôn
trong những hố tập thể.
Ngày đầu nhặt xác dọc hai bên Đại Lộ Kinh Hoàng, tôi như đi trong
một cơn mộng dữ, không uống rượu mà như say, bước đi mà chân như không chạm đất,
giữa một bầu không khí đầy mùi tử khí trong một khung cảnh với nhiều chiếc xe,
kể cả chiến xa, cháy rụi nằm ngang dọc đó đây, áo quần đồ đạc vương vãi bên những
xác người đã rữa nát nằm chết đủ kiểu la liệt, trong đó có nhiều đàn bà và trẻ
con.
Trong khi Ngy Thanh bấm máy không ngừng, tôi đi quan sát những xác
người. Một trong những hình ảnh tôi nhớ nhất, tới tận bây giờ, là cảnh một người
mặc đồ lính đã rách nát, nằm xoãi hai chân hai tay, đầu gối trên một khúc cây gẫy,
khuôn mặt gần như chỉ còn xương với tí thịt rữa còn vương dính lại, hai hốc mắt
là hai cái lỗ đen ngước lên như chất vấn trời cao. Tự dưng tôi nghĩ anh ta đã
chỉ bị thương, chưa chết, đã cố lết tới đây nằm vật ra, mặt ngửa lên trời, và
chết dần. Tôi tự hỏi anh đã nghĩ gì trước khi trút hơi thở cuối cùng. Mẹ cha,
anh chị em, vợ con hay người tình ở đâu? Lớn lên trong chiến tranh và sống phần
lớn ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có thấy người ta chết vì súng đạn, vì pháo kích,
nhưng đây là lần đầu tôi thấy nhiều người chết như vậy, và chết đủ kiểu. Tôi có
mô tả những cảnh này trong bài phóng sự đăng làm nhiều kỳ trên báo Sóng Thần,
như một báo cáo lại với những nhà hảo tâm đã mau mắn đóng góp tiền bạc để chúng
tôi thực hiện công tác nhân đạo này.
Những ngày kế đó chúng tôi hàng ngày, sau khi ăn sáng rất thanh đạm,
chất nhau lên một cái xe cam-nhông nhà binh do anh Châu điều đình mượn được,
cùng với mấy người thợ bốc xác, trở lại Đại Lộ Kinh Hoàng. Có lúc tôi ngồi xem
mấy người thợ bốc xác làm việc, vừa nghe họ kể chuyện hồi hốt xác nạn nhân Tết
Mậu Thân, như thể những gì đang diễn ra chưa đủ kinh hoàng bằng. Nào là có linh
hồn nọ, linh hồn kia về than còn thiếu bàn tay, khúc xương, cái sọ, v.v. Thỉnh
thoảng có ông thợ ngưng tay lôi chai rượu đế ra nốc một ngụm. Vì họ làm việc bằng
tay trần, không có bao tay, nên ruợu cũng còn được dùng để mấy ông thợ rửa tay
trước khi ăn trưa.
Những gì có thể giúp để nhận diện xác chết, như thẻ căn cước, hay
một món đồ đặc biệt nào đó tìm thấy gần xác đều được anh Châu ghi lại trong sổ
tay, bên cạnh số của xác đã được ghi trên bọc plastic đựng xác. Tôi xem và ghi
chép. Khi nào mỏi mệt, tôi ra đứng ngoài lộ nhìn lên rặng núi Trường Sơn, nhớ lại
những mẩu chuyện nhà văn hồi chánh Xuân
Vũ kể trong Đường Đi Không Đến, tự hỏi sao con người ta ở đâu không chịu ở
yên đấy để xây dựng xã hội, phát triển kinh tế, vun xới đời sống và con người,
như các nước khác trong vùng Đông Nam Á này? Sao gây ra chiến tranh? để chi? được
chi? Rồi tôi ngóng về phía bắc lắng nghe tiếng súng vẳng lại từ phía Quảng Trị,
nơi quân Cộng Hòa đang đánh chiếm lại từng thước đất đã bị Cộng quân chiếm
đóng, và thầm cầu nguyện cho những người lính Cộng Hòa.
Có lần, chúng tôi đang làm việc thì nghe mấy người lính Cộng Hòa gọi
nhau ơi ới, và vẫy gọi cả chúng tôi. Anh Châu ra lệnh cho mọi người ngưng tay
chạy tìm chỗ ẩn náu vì pháo kích từ trên Trường Sơn bắt đầu rót xuống quanh chỗ
chúng tôi. Ai đó kéo tôi xuống một hố bom bảo bám chặt vào thành hố bằng cát,
đã hẳn là dù vậy vẫn thấy mình từ từ tuột xuống vì cát rời. Tôi đang thắc mắc
sao không xuống hẳn lòng hố cho chắc ăn thì có người chỉ cho tôi thấy một trái
bom bi chưa nổ ở dưới lòng hố.
Mỗi chuyến xe chúng tôi chở xác về xếp trong ngôi trường của thị
trấn Mỹ Chánh, nhiều người có thân nhân trong đám nạn nhân trên Đại Lộ Kinh
Hoàng chờ chực sẵn ở đó xúm lại tíu tít hỏi thăm, mặt ai cũng bơ phờ, thất thần,
thấy thương tâm hơn cả người đã chết nay không còn gì để phải vương vấn nữa. Trong một cuộc
điện đàm gần đây với NgyThanh, anh Châu cho biết con số đích xác của những xác
người đã được hốt về từ Đại Lộ Kinh Hoàng năm ấy: 1.841 xác. Một
ngàn tám trăm bốn mươi mốt xác người, anh nói không một giây do dự hồi tưởng,
như thể con số ấy đã được ghi tạc trên phiến đá của ký ức anh từ 37 năm qua chỉ
chờ dịp bật ra khi được hỏi tới! Những
xác người bất hạnh này đã được chôn tại một khu đất sau lưng trường tiểu học
Phong Nguyên ở Mỹ Chánh, được biết tới với tên Nghĩa
trang Đồng bào Chiến nạn Quảng Trị.
Cứ vậy mà một tuần trôi qua đến ngày tôi phải về lại Sài Gòn, trước
sự bịn rịn của anh chị Châu. Tôi mất ngủ nhiều ngày sau đó, vì sợ thì ít mà vì
những gì đã thấy đã khiến tôi như tê dại hẳn đi – cảm giác tê dại mà tôi lại được
biết tới vào ba năm sau đó, ngày 30 tháng 4, năm 1975...
Vì nhận thấy đây là một sinh hoạt có tính cách nhân đạo, nếu đưa
vào phim có thể làm loãng đi chủ đề của phim, đó là về cuộc chiến đấu dũng cảm
của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nhằm tái chiếm lại Quảng Trị, nên chị em chúng
tôi bàn nhau viết bài này để ghi lại một sinh hoạt mà nếu không ghi lại cho các
thế hệ tới thì sẽ bị mai một đi, cùng với bao nhiêu câu chuyện khác của một thời
Việt Nam Cộng Hoà nhân bản, đầy tình người, dù những hạn chế không tránh được của
một chế độ vừa lo phát triển vừa phải lo chống lại tham vọng của những người
quyết tâm áp đặt chủ nghĩa Cộng sản phi nhân lên phần đất tự do cuối cùng của
Việt Nam.
Bài này cũng xin được coi là thêm một lần nữa, tri ơn những vị hảo
tâm đã đóng góp để chương trình "Thác Một Nấm Mồ" được hình thành
cách đây đã gần 40 năm. Đồng thời như một nén hương tưởng niệm những người đã bỏ
mạng trên Đại Lộ Kinh Hoàng, xác phơi nắng mưa tới hơn hai tháng trời trước khi
chúng tôi xin được phép vào tới nơi để làm cái việc hốt xác.
-- Oregon,
Tháng 9, 2009
Trùng Dương
SOURCE:
.
No comments:
Post a Comment