Ông Trần Thy
Vân giới thiệu quyển sách “The Black Tigers - Rangers of the Second Indochina
War” viết về Biệt Động Quân của hai tác giả Michael N. Martin và McDonald
Valentine, Jr. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
HUNTINGTON
BEACH, California (NV) – Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, “Đại Lộ Kinh
Hoàng” là một địa danh kinh hoàng theo đúng nghĩa của nó, với hàng chục ngàn
thường dân vô tội đã chết thảm vì những trận pháo kích của Cộng Sản.
Sau những trận
tấn công của Việt Cộng bằng pháo kích dữ dội ngày đêm vào các tỉnh địa đầu, từ
căn cứ Ái Tử, phía Bắc sông Thạch Hãn, do bị những trận tàn sát tập thể năm Mậu
Thân 1968 ở Huế ám ảnh, người dân đã bỏ chạy loạn.
Biệt Động Quân ghi chiến sử trận đánh Cầu Bến
Đá
Ngồi trong
căn nhà ở Huntington Beach, California, Mũ Nâu Trần Thy Vân kể tiếp với phóng
viên nhật báo Người Việt về trận đánh Cầu Bến Đá.
Ông kể, từ
Quảng Trị vào Nam, cả dòng người gồng gánh tháo chạy, người dân, binh lính, các
loại xe quân sự, xe đò, chen chúc nhau kẹt cứng trên quốc lộ 1, để rồi làm mồi
ngon cho những trận đạn pháo Cộng Sản bắn đuổi theo.
Ông nhớ lại:
“Khi ấy Quảng Trị đã thất thủ, dân chúng và binh sĩ đều bỏ lại Quảng Trị sau
lưng, theo Quốc Lộ 1 chạy về Huế, Đà Nẵng. Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân vẫn còn
đầy đủ quân số, từ hướng Tây nhà thờ La Vang nhắm hướng Đông kéo ra. Trên đường
gần tới Cầu Bến Đá chúng tôi dừng lại để phá hủy tất cả xe Jeep của Tiểu Đoàn
21, riêng Đại Đội 1/21 Biệt Động Quân chúng tôi tiến về Cầu Bến Đá, cách đó hơn
200 mét, đã bị đại đội C7 thuộc Trung Đoàn K8 Sư Đoàn 304 Cộng Sản Bắc Việt chiếm
cứ. Mục đích của chúng là chận đường của dân quân VNCH đang rút chạy về phía
Nam.”
Thương binh
Trần Thy Vân trước khi rời Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, Tháng Ba, 1975. (Hình:
Trần Thy Vân cung cấp)
“Lúc đó
chúng tôi sôi máu lên vì thấy đồng bào và thương binh đồng đội của mình bị đạn
pháo chết quá nhiều, sau khi nhận lệnh của Thiếu Tá Quách Thưởng, tiểu đoàn trưởng
Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân, bằng mọi giá phải tiêu diệt địch đang chiếm giữ
cây cầu. Sau khi yêu cầu dân chúng hai bên đường lui về sau xa hơn 200 mét để
tránh thương vong, chúng tôi xông thẳng vào địch quân đóng ngay trên cầu. Có một
khẩu cối 60 ly nhưng vì quá gần không xài được, lúc đó tất cả hỏa lực súng trường
chúng tôi đều khai hỏa, cùng lựu đạn nổ vang trời. Trong chiến trận, hỏa lực
bên nào mạnh hơn sẽ thắng, bọn Việt Cộng bị đánh chịu không nổi, trước khi bỏ
chạy vô núi, chúng giật mìn sập cầu,” ông Vân kể.
“Chiếc cầu sập
làm tình hình càng bi thảm hơn, khi dòng người dừng lại không tiến cũng không
lùi được, bị pháo binh Việt Cộng tàn sát vô kể, hiện nay sách vở đã viết lại rất
đầy đủ chuyện này. Và Đại Đội 1/21 Biệt Động Quân là đơn vị đã giao chiến với Đại
Đội C7 Trung Đoàn K8/ Sư Đoàn 304 Cộng Sản lần cuối cùng trong trận đánh tại Cầu
Bến Đá trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ năm 1972,” ông kể tiếp.
Ông Vân cho
biết Cầu Bến Đá với hai bờ sông thẳng đứng, không có bờ dốc thoai thoải như các
bờ sông khác, thành ra khi cầu bị sập, không ai có thể qua được bờ bên kia, người
dân, cả những xe GMC quân đội chở thương bệnh binh từ bệnh viện Quảng Trị về
cũng không qua được, làm chết thêm một số thương bệnh binh nữa.
“Sau đó Đại
Đội 1/21 Biệt Động Quân chúng tôi phải kéo quân dẫn hàng trăm ngàn người đi thẳng
ra hướng Đông, qua cánh đồng ruộng về phía bờ biển, trước khi gặp sông Mỹ Chánh
về phía Nam, lại bị Hải Quân của phe ta từ biển bắn đại bác vô vì tưởng lầm là
Việt Cộng, làm chết thêm một số dân chúng đi theo. Tới bờ sông Mỹ Chánh là 2 giờ
khuya, phải tạm dừng quân chờ trời sáng, lại kéo ngược trở ra Quốc Lộ 1, qua cầu
Mỹ Chánh do Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ, phía sau là dòng người chạy theo
chúng tôi để về Huế, Đà Nẵng,” ông nói.
Bị thương, cụt hai chân
Sau trận tái
chiếm Sa Huỳnh vào Tháng Hai, 1973, Việt Cộng vẫn tái diễn trò lấn đất giành
dân, cắm cờ Mặt Trận Giải Phóng khắp vùng quê quanh tỉnh Quảng Ngãi.
Đầu Tháng
Ba, 1974, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân ở Đà Nẵng trở lại đổ quân xuống vùng đất
thênh thang phía Đông quận Mộ Đức, hướng Nam tỉnh lỵ.
Ông Trần Thy
Vân kể lại trận tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, và trận đánh tại Cầu Bến Đá
trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” năm 1972. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đại Đội 1/21
Biệt Động Quân do Đại Đội Trưởng, Trung Úy Trần Thy Vân trách nhiệm càn quét
các nhóm du kích đang hoạt động mạnh tại Đức Lương, Đức Quang và các xóm liên
ranh. Sau trận tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, không có trận đánh lớn nào xảy
ra, Đại Đội 1/21 Biệt Động Quân chỉ hành quân tảo thanh Việt Cộng lấn đất giành
dân, tháo gỡ cờ Mặt Trận Giải Phóng, hoặc nằm giữ an ninh trên các khu đồi núi.
Ông Vân cho
hay, lần đó vào xóm, rất dè dặt vì sợ mìn bẫy, rủi ro có thể bị thiệt hại nặng,
nên ông không cho anh em đi theo đông, kể cả toán Thám Báo đi trước cũng không,
chỉ có ông và Thượng Sĩ Nguyễn Văn Thiệp, thường vụ Đại Đội, cùng đi vào xóm.
“Vậy mà cũng
không tránh khỏi, vừa vào trong khu vườn đầy cỏ dại, chính tôi đạp phải trái
mìn nội hóa khá lớn, nổ tung như đại bác 105 ly. Thượng Sĩ Thiệp bị gãy một
chân, còn tôi hai chân sụp xuống giữa một hố sâu to bằng cái nia, tuy không giập
nát nhưng máu ra nhiều ở hai mắt cá, cơ thể nóng ran như lửa đốt. Tôi bảo anh
em ở ngoài hết, đề phòng địch lợi dụng tấn công, và có thể còn mìn bẫy ở đâu đó
nữa, chỉ có y tá và hai người lính thân cận vào băng bó,” ông nhớ lại.
“Sau đó xe cứu
thương chở ra bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng, Thượng Sĩ Thiệp mất một chân, còn tôi
bị mất hai chân lần đầu từ mắt cá, sau đó bị cụt cả hai chân trên đầu gối lần
hai, vì nhiễm trùng quá nặng,” ông cười buồn.
Nói tới đây,
ông Vân đọc câu thơ “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy
ai về) do Vương Hàn (687-726) làm ra năm 713 khi ông bị triều đình nhà Đường
đày ra Lương Châu do tính bộc trực của mình, khi kể lại khúc phim thật ngắn
nhưng ảnh hưởng đến suốt cuộc đời chinh chiến của mình. Ông cười nói: “Người
xưa đã bảo chinh chiến xưa nay mấy ai về, vậy mà mình còn được trở về là may mắn
quá rồi!”
Năm 1975,
khi Cộng Sản tràn ngập Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, chĩa súng đuổi hết các
thương binh miền Nam ra đường. Trừ những người không đi được nằm tại chỗ, còn lại
kẻ thì xe lăn, người chống nạng, có người mang bịch máu ngang bụng, đi vất vưởng,
lang thang như những hồn ma bóng quế.
Rời Bệnh Viện
Đà Nẵng vào Tháng Ba, 1975, ông Trần Thy Vân đưa cả gia đình lên Tùng Nghĩa,
Lâm Đồng, kiếm miếng đất nhỏ, khai là binh nhì lính bộ binh bị cụt chân, nay
làm ruộng rẫy kiếm sống, đó là lần thứ nhất có chỗ ở ổn định.
Với tính lạc
quan, ông Vân nói: “Với hai chân cụt quá đầu gối, tôi phải bò lết ngoài đồng suốt
ngày, trồng rau củ cho bà vợ bán ngoài chợ kiếm sống, còn nuôi heo thêm để nuôi
mấy đứa nhỏ. Khi rảnh viết lại những gì cần phải viết, cũng may tuy thân thể
không toàn vẹn nhưng cái đầu vẫn còn minh mẫn để viết lách là tốt rồi!”
Trang trong
của quyển sách “The Black Tigers – Rangers of the Second Indochina War” có đoạn
giới thiệu về Trung Úy Biệt Động Quân Trần Thy Vân (trái) và trang giới thiệu
Binh Chủng Biệt Động Quân Quân Lực VNCH. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Gặp lại kẻ thù xưa trong trận Cầu Bến Đá, buộc
phải dời chỗ ở
Vùng cao
nguyên Lâm Đồng coi như là nơi tạm yên cho người cựu sĩ quan Biệt Động Quân khi
cuộc sống dần thích nghi, mọi người trong xóm quen thuộc với gia đình anh
thương binh hiền lành, chỉ biết lo làm ăn.
Mọi chuyện
trở nên ly kỳ khi có một đại đội Cộng Sản đóng gần đó, trong những lúc rảnh rỗi
họ thường đến ghé nhà ông Vân chơi, và ông rất ngạc nhiên khi thấy trên cánh
tay của những người lính Việt Cộng, ai cũng có xăm hàng số 13/12/72, khi hỏi ra
mới biết chính đó là ngày họ bị Biệt Động Quân VNCH pháo kích nặng nề trong một
trận đánh gần chân núi Trường Sơn.
Ông Thy Vân
kể tiếp: “Khi những người Cộng Sản kể chuyện trận pháo kích này, tôi bèn hỏi tới.
Nghe họ kể về trận đánh trùng khớp với trận đánh của mình, tôi bèn lên tiếng
xác nhận câu chuyện là có thật và cho biết chính tôi là đại đội trưởng Đại Đội
1/21 Biệt Động Quân trong trận pháo kích ấy, về sau là chỉ huy trận đánh Cầu Bến
Đá trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ năm 1972. Lúc đó ông Nguyễn Văn Đường đang chỉ huy
đại đội đóng quân gần nhà tôi, cũng chính là đại đội trưởng Đại Đội C7/K8, thú
nhận rằng trong trận Cầu Bến Đá năm 1972 bị Biệt Động Quân đánh nặng quá, đại đội
của ông chết gần chết, chỉ còn 9 ‘mống.’”
Thấy ông Đường,
người chỉ huy phía bên kia nói sự thật, ông Thy Vân bèn hỏi: “Vậy khi anh rút
lui bỏ chạy, vì sao lại phải giựt mìn sập cầu Bến Đá, để bao nhiêu người dân vô
tội phải chết oan ức như vậy! Anh Đường trả lời đó là lệnh trên, phải thi
hành.”
Ông cũng nói
với ông Đường: “Chúng tôi cũng có lệnh trên là buông súng, phải thi hành. Tôi
nói như vậy để người lính bên kia hiểu rằng người lính VNCH thi hành lệnh trên
mà buông súng chứ không phải vì thua trận. Nếu không vì lệnh trên, chúng tôi sẽ
đánh tới chết mới thôi.”
Lần thứ hai
phải đổi chỗ ở khi ông Vân bị lộ tung tích là sĩ quan Biệt Động Quân, nhà cầm
quyền địa phương đuổi về nguyên quán. Không dám trở về nguyên quán, ông Vân đưa
cả gia đình về Định Quán, ở gần khu chợ Phú Lộc để sinh sống qua ngày. Bà xã
thì buôn bán nhỏ ở chợ, còn ông làm nghề chuyên viết đơn cho bà con xin phép
mua bán ở chợ. Ở đó sau hai năm thì ông bị lộ tông tích, bị yêu cầu hồi hương.
Lần thứ ba
ông đưa gia đình về Nhà Bè gần Sài Gòn, sống nương nhờ nhà người anh nuôi, sinh
sống bằng nghề xay bột. Khoảng một năm sau có người bạn mới quen, tổ chức vượt
biên, cho cả gia đình ông đi không lấy tiền. Ông Vân quyết định chỉ đem thằng
con mới 11 tuổi đi theo, với suy nghĩ nếu có kẹt bị bắt thì còn có người ở
ngoài lo tiếp tế được, hoặc nếu chết thì chỉ có hai cha con, còn nếu đi thoát
được, ông sẽ bảo lãnh cả nhà.
“Vậy mà chuyến
đi thành công, được tàu Mỹ vớt đưa vô đảo ở Thái Lan. Vì tôi có giấy tờ sĩ quan
mang theo, hơn nữa lại tốt nghiệp thủ khoa Khóa 2 Reconnaissance, từng nhảy Viễn
Thám cho Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, lại còn là trung đội trưởng Recon
cho Sư Đoàn đồng minh này. Sau 57 ngày ở đảo, hai cha con được đến Hoa Kỳ, sau
đó tôi bảo lãnh cho vợ con qua Mỹ, gia đình đoàn tụ. Nhờ ơn trên hiện nay con
cái đều lớn, học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm hết rồi,” ông Trần Thy Vân
nói.
Thương binh
Trần Thy Vân luôn sát cánh cùng đồng bào trong những cuộc biểu tình chống Cộng
Sản tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút
Ngày xưa ông
Trần Thy Vân chống Cộng Sản bằng vũ khí trên chiến trường, và đã để lại nửa phần
thân thể trên quê mẹ cho lý tưởng tự do. Nay ông vẫn tiếp tục chiến đấu nơi hải
ngoại qua những thể loại văn, thơ, dùng ngòi bút để chuyển đi những tư tưởng
văn học nhưng tràn đầy khí thế đấu tranh chống Cộng Sản.
Dù đã hơn gần
nửa thế kỷ giã từ vũ khí, người chiến sĩ Biệt Động Quân năm xưa vẫn hiên ngang
chiến đấu như thuở nào nơi hải ngoại, với ông, mỗi con chữ là một viên đạn bốc
lửa, những bài viết đều nói lên sự thật, không thêu dệt, nồng nàn tình yêu đất
nước, luôn đấu tranh cho một tương lai tươi sáng trên quê hương Việt Nam.
Ông đã xuất
bản hai tác phẩm “Anh Hùng Bạt Mạng” (truyện dài, tái bản lần thứ 4) và “Tiếng
Hờn Chân Mây” (truyện dài, tái bản lần thứ 1).
Ông dự định
sẽ in “Rừng Vang Biển Động” (truyện ngắn) và “Sa Mù Tuổi Ngọc” (thơ người lính
trận).
Mũ Nâu Trần
Thy Vân sinh ngày 31 Tháng Mười Hai, 1944, tại Phan Rang, Ninh Thuận. Nguyên
quán Hòa Vang, Quảng Nam.
Trước 1975,
đỗ Tú Tài 2, cựu học sinh các trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng, Bồ Đề, Quốc Học
Huế, Duy Tân Phan Rang. Có thơ đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Năm, Phụ Nữ Ngày Mai,
Tiếng Vang. Bắt đầu làm thơ năm 18 tuổi.
Năm 1966,
tình nguyện nhập ngũ, Khóa 22 Sĩ Quan Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.
Năm 1970, đỗ
thủ khoa Khóa 2 Reconnaissance do Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đào tạo tại
Đà Nẵng. Trung đội trưởng Recon cho Sư Đoàn đồng minh này.
Chín năm Biệt
Động dự nhiều cuộc hành quân vùng I, II, và hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào. Nhận
18 huy chương Anh Dũng Bội Tinh gồm 1 Đồng, 1 Bạc, 10 Ngôi Sao Vàng, 4 Nhành
Dương Liễu là loại tuyên dương cấp quân đội, và hai Chiến Thương Bội Tinh Ngôi
Sao Đỏ.
Chức vụ sau
cùng là trung úy Đại Đội Trưởng 1/21 Biệt Động Quân. Bị thương lần thứ hai cụt
hai chân nơi chiến trường miền Trung, Tháng Ba, 1974
Thành viên
sáng lập các Hội Thương Phế Binh, Biệt Động Quân và Hội Tù Nhân Chính Trị là
các đoàn thể đầu tiên tại Nam California Hoa Kỳ, 1985. Đã gởi 98 chiếc xe lăn
tay cùng quà cáp về giúp các thương phế binh Quân Lực VNCH trong nước từ 1984
Hội viên Hội
International-PEN (Poets, Essayists and Novelists – Tổ Chức Văn Bút Quốc Tế).
Phó chủ tịch II Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại 2001-2003. Chủ tịch Trung Tâm Văn
Bút Nam California ba nhiệm kỳ 2000-2002, 2002-2004, 2007-2010. Tham dự Đại Hội
Văn Bút Quốc Tế London, Anh, 2001. Trưởng ban tổ chức Đại Hội Văn Bút Việt Nam
Hải Ngoại Kỳ 6, 2003, tại California. (Văn Lan)
Source:
https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/mu-nau-tran-thy-van-tiep-tuc-chien-dau-bang-ngoi-but-noi-hai-ngoai/?fbclid=IwAR0lq9c2ra5xblBIQ0DB7DgyUAPrPcJ4ezlaOC2-93roM4jGTOodS4CzkYU
.