Sunday, August 30, 2020

Sinh vi Tướng, Tử vi Thần: Thiếu tướng Phạm văn Phú (16.10.1928 - 29.4.1975)

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (1928-1975)

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú sinh năm 1929 tại Hà Đông, Bắc Việt. Sau khi tốt nghiệp học khóa 8 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt vào giữa năm 1953, ông đã tình nguyện phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù

Ngày 14 tháng 3/1954, trong tình hình chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng sôi động, ở cấp bậc Trung Úy ông đã chỉ huy một đại đội của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, nhảy xuống Natasha, một vị trí sát phi đạo chính. Sau hơn một hơn tháng liên tục giao tranh với Việt Minh, ngày 16 tháng 4/1954, Trung Úy Phạm Văn Phú đã chỉ huy một thành phần của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù cùng với các đơn vị bạn phản công tái chiếm một cứ điểm trọng yếu. Sau trận phản công này, ông được thăng cấp Đại Úy tại mặt trận khi vừa đúng 25 tuổi, và đến ngày 26 tháng 4/1954, được cử giữ chức Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. 

Ngày 7/5/1954, Điện Biên Phủ thất thủ, ông bị địch quân bắt giam. Sau 20/7/1954 (Hiệp định Genève), ông được trao trả và tiếp tục phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Năm 1960, được tuyển chọn để phục vụ trong binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Cuối năm 1962, thăng cấp Thiếu Tá và giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Quan Sát 77 Lực Lượng Đặc Biệt. Giữa tháng 5/1964, ông đã chỉ huy Liên đoàn này đánh tan Trung Đoàn 765 Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại Suối Đá, Tây Ninh. Gần cuối năm 1964, ông được thăng Trung Tá và giữ chức tham mưu trưởng Lực Lượng Đặc biệt. Một năm sau, ông được thăng Đại Tá nhiệm chức.

Đầu năm 1966, không hiểu vì lý do gì, ông bị vị Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt trình Bộ Quốc Phòng thâu hồi cấp Đại Tá nhiệm chức và thuyên chuyển ra miền Trung, giữ chức Phụ Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, giữa năm 1966, ông là Đại Tá Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ Tư Lệnh Sư Đoàn này. (Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh là Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm, được cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 1 Vùng 1 Chiến Thuật vào cuối tháng 5/1966). 
Cuối năm 1966, ông được điều động ra Sư Đoàn 1 Bộ Binh làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn. Giữa năm 1968, được cử giữ chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44 (bao gồm các tỉnh biên giới ở miền Tây Nam phần). Năm 1969, được thăng cấp Chuẩn Tướng tại mặt trận. Đầu năm 1970, Chuẩn Tướng Phú được cử thay thế Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng trong chức vụ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc biệt.

Gần cuối tháng 8/1970, Tướng Phú được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay thế Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng, được cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4. Tháng 3/1971, ông được thăng Thiếu Tướng tại mặt trận sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào (ngoài Tướng Phú, có hai Đại Tá được thăng cấp chuẩn tướng: Đại Tá Vũ Văn Giai -- Tư Lệnh phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Đại Tá Hồ Trung Hậu -- Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhảy Dù). Trong cuộc chiến mùa Hè 1972, ông đã điều động, phối trí các trung đoàn của Sư Đoàn 1 Bộ Binh giữ vững phòng tuyến Tây Nam Huế. Do điều kiện sức khỏe, đến tháng 9/1972, ông bàn giao Sư Đoàn 1 Bộ Binh cho Đại Tá Điềm, Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ. 

Từ 1973 đến tháng 10/1974, ông giữ chức chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung. Tháng 11/1974, thể theo đề nghị của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh cử ông giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn.(Tướng Toàn trở lại binh chủng Thiết giáp, giữ chức chỉ huy trưởng).

Nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 không phải do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lựa chọn, hoặc do Đại Tướng Cao Văn Viên -- Tổng tham mưu trưởng -- đề nghị, nên Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự cao cấp phụ tá ông để điều hành bộ Tư Lệnh. Thông thường, các Tư Lệnh Quân Đoàn được quyền chọn lựa tham mưu trưởng, sau đó, bộ Tổng tham mưu sẽ ban hành quyết định hợp thức hóa, thế nhưng Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã bị bộ Tổng tham mưu "hạn chế" các quyền hạn dành cho Tư Lệnh Quân Đoàn. Khi Tướng Phú nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 2, vị tham mưu trưởng đương nhiệm là Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm. (Trong thời gian từ 1967 đến tháng 6/1968, khi Tướng Phú còn mang cấp Đại Tá và giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh thì tướng Cẩm còn là Trung Tá, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn này).
Trong những tuần lễ đầu tiên, Tướng Phú đã hai lần đề nghị hai vị Đại Tá giữ chức vụ tham mưu trưởng Quân Đoàn thay chuẩn tướng Cẩm được bổ nhiệm làm Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh Quân Đoàn 2, nhưng cả hai lần đều bị Trung Tướng Đồng Văn Khuyên tham mưu trưởng Liên quân trình với Đại Tướng Cao Văn Viên bác bỏ. Cuối cùng, theo đề nghị của Trung Tướng Khuyên, Đại Tướng Cao Văn Viên đã bổ nhiệm Đại Tá Lê Khắc Lý, nguyên tham mưu trưởng bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2. Dù vị tham mưu trưởng không do mình chọn lựa, nhưng Tướng Phú đã tin dùng và ủy nhiệm cho Đại Tá Lê Khắc Lý nhiều quyền hạn trong việc điều hành Bộ Tư Lệnh.

Trước khi cuộc chiến Cao Nguyên (năm 1975) bùng nổ, Tướng Phú được Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn trình bày về các khả năng Cộng quân sẽ mở cao điểm tại Ban Mê Thuột, thế nhưng không hiểu vì sao, Tướng Phú không tin và nhận định rằng Pleiku mới là chiến trường trọng điểm, còn Ban Mê Thuột là mặt trận phụ mà Cộng quân muốn tạo thế trận nghi binh. Trận chiến Ban Mê Thuột đã bùng nổ vào rạng sáng ngày 10 tháng 3/1975. Bốn ngày sau, vào trưa ngày 14 tháng 3/1975, trong một cuộc họp đặc biệt tại Cam Ranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ Quân Đoàn 2 khỏi Cao nguyên.

Sau khi lực lượng Quân Đoàn 2 triệt thoái khỏi Nha Trang, 1 giờ 45 trưa ngày 2 tháng 4/1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và vài sĩ quan thân tín đã bay đến ngọn đồi "Lầu Ông Hoàng" để chờ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu -- Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3 -- tới nhận bàn giao phần lãnh thổ cuối cùng của Quân Khu 2 được lệnh sát nhập vào Quân Khu 3. Vào giờ phút đó, quanh Tướng Phú chỉ có: Đại Tá Đức --nguyên Phụ Tá Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đặc trách lực lượng diện địa; Thiếu Tá Vinh, chánh văn phòng; Thiếu Tá Hóa, sĩ quan tùy viên, và Thiếu Tá Phạm Huấn, sĩ quan Báo chí. Chính tại đây, Tướng Phú đã có quyết định tự sát, nhưng Đại Tá Đức đã kịp thời cản ông. Theo lời kể của Thiếu Tá Phạm Huấn, vào lúc 2 giờ 12 phút cùng ngày, Thiếu Tá Hóa tới trình cho Tướng Phú là trực thăng của Tướng Hiếu sắp đáp xuống. Khi đó, Thiếu Tá Huấn đứng gần Tướng Phú, thấy đôi mắt Tướng Phú như muốn tóe lửa. Và sau khi Thiếu Tá Hóa quay gót, Tướng Phú vất điếu thuốc lá đang cầm trên tay xuống đất. Rất nhanh, ông rút khẩu súng ngắn nòng ra khỏi vỏ. Nhưng tiếng hét thất thanh của Đại Tá Đức: "Thiếu Tướng". Khẩu súng trên tay Tướng Phú bị gạt bắn xuống đất. Sự việc này xảy ra quá bất ngờ...

Giữa tháng 4/1975, Tướng Phú lâm bệnh, vào điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ngày 15 tháng 4/1975, Đại Tá Phạm Văn Chung, cựu Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, nguyên tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Quảng Nam, đã vào thăm Tướng Trưởng và Tướng Phú đang nằm dưỡng bệnh. Chính trong lần thăm này, Đại Tá Chung đã nghe Tướng Phú trăn trối, và kể lại như sau:

Rời phòng Trung Tướng Trưởng, tôi (Đại Tá Chung) qua phòng kế bên cạnh là phòng của Thiếu Tướng Phú, cũng đang nằm dưỡng bệnh kế đó. Bước vào phòng tôi thấy Thiếu Tướng Phú đứng dậy ngay và bắt tay tôi bằng một giọng hằn học, tức tối:
"Anh Chung, anh từng hành quân với tôi đã lâu..."
Nói đến đây Thiếu Tướng Phú ôm tôi và khóc tiếp với giọng nghẹn ngào, tức tối:
"...mà đêm qua, Tổng Thống Thiệu lên đài nói chuyện và đổ tội cho các tướng lãnh là hèn nhát bỏ chạy. Anh cứ về hỏi Trung Tướng Trưởng xem, trong buổi họp hôm trước, có cả Trung Tướng của anh nữa đấy, tôi đã xin Tổng Thống cho tôi giữ Pleiku bằng mọi giá, Tổng Thống không chịu, bắt tôi phải rút... có cả Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khiêm nghe nữa mà bây giờ Tổng Thống nói chuyện với toàn dân đổ tội cho chúng tôi, thật cái nhục này tôi không biết tỏ cùng ai, không biết đồng bào có hiểu không, chỉ có cách chết mới hết nhục".
Tôi (Đại Tá Chung) không khỏi ngậm ngùi thương xót chia xẻ nỗi oan ức của một vị đàn anh đáng kính như Thiếu Tướng Phú, nên tôi hết lời an ủi và khuyên Thiếu Tướng hãy bình tĩnh và nên tĩnh dưỡng.

Đó là lần cuối cùng Đại Tá Chung gặp Tướng Phú. Sáng ngày 29 tháng 4/1975, tại căn nhà riêng ở đường Gia Long, chờ khi vợ và các con rời nhà để đi về phía Trường Đua Phú Thọ tìm cách di tản, Tướng Phú đã uống một liều thuốc cực mạnh tự tử. Người em trai của bà Phú sau khi biết tin này đã chạy tới vào cho bà biết. Cả gia đình quay về. Theo lời kể của con trai Tướng Phú, đã vượt biên sang Mỹ, những giờ cuối của Tướng Phú được ghi nhận như sau: Nhờ có các bác sĩ Pháp gần nhà giúp đỡ, Tướng Phú được đưa vào bệnh viện Grall để cấp cứu. Nhưng Tướng Phú mê man liên miên, mãi đến trưa ngày 30/4/1975, ông mới tỉnh được giây lát và thều thào hỏi người vợ đang ngồi cạnh:
- Tình hình đến đâu rồi?
Bà Phú nói:
- Tướng Dương Văn Minh ra lệnh Quân đội bỏ súng đầu hàng và Cộng sản đã vào tới Sài Gòn!
Nghe xong Tướng Phú nhắm mắt lại và "ra đi".

Vương Hồng Anh

Source:

.

Sinh vi Tướng, Tử vi Thần: Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam (23.9.1927 - 1.5.1975)



Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam (1927-1975)

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam sinh ngày 23/9/1927 tại Thừa Thiên (Huế). Thân phụ của ông là Nguyễn Khoa Túc, Thanh Tra Học Chánh Đà Nẵng, thân mẫu là bà Công Tằng Tôn Nữ Mộc Cẩn.
Năm 1953, ông nhập ngũ theo học Khóa 3, trường Võ Khoa Thủ Đức, ra trường về Binh chủng Nhảy Dù và theo đơn vị ra miền Bắc.
Tháng 8 năm 1954, sau hội nghị Geneve, ông theo đơn vị trở về Saigon.
Năm 1955, ông giữ chức Đại đội trưởng trong Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù. Sau đó được thăng cấp Đại úy và ông được cử đi học kỹ thuật xếp dù ở Pháp.
Năm 1956, ông về nước làm Đại đội trưởng, Đại đội Kỹ thuật của Sư Đoàn Dù.
Năm 1960, làm Trưởng Ban 3, Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù.
Năm 1963, giữ chức Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù.
Năm 1964, thăng cấp Thiếu tá, làm Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù.
Năm 1967, thăng lên Trung tá và được bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Sau chiến thắng đồi Ngok Van ở Kontum, ông được vinh thăng lên Đại tá và được trao tặng Đệ tam đẳng Bảo quốc Huân chương.
Năm 1969, ông giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh, kiêm Tư lệnh Khu Chiến Thuật Tiền Giang. Đến tháng 11, thăng cấp Chuẩn tướng.
Năm 1972, ông được thăng lên Thiếu tướng.
Tháng 11 năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn IV và Quân khu 4.

Đầu năm 1975, ông cùng Tướng Lê Văn Hưng và Bộ tham mưu Quân đoàn soạn kế hoạch phòng thủ Quân Khu 4, chỉnh đốn doanh trại và công sở tại Cần Thơ, sẵn sàng để đón Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa từ Sài Gòn di tản về Vùng 4 tiếp tục chiến đấu, nhưng sáng ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng và bàn giao cho Cộng quân.

Chiều ngày 30, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ thăm thương binh lần cuối. Đêm 30 rạng sáng ngày 1 tháng 5, ông tự sát bằng khẩu súng cá nhân của mình. Thi thể ông được Bác sĩ Hoàng Như Tùng và Trung tá Nguyễn Văn Bia tẩm liệm và đưa đi an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ.
Đến năm 1994, hài cốt ông được thân nhân bốc mộ và hỏa thiêu, tro cốt được mang về chùa Quảng Hương Già Lam, quận Gò Vấp, Sài Gòn.

Việt Thái

SOURCE:


Sinh vi Tướng, Tử vi Thần: Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ (22.8.1933 - 30.4.1975)


Ngày 22 tháng 8 năm 1933 là ngày Sinh nhật Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ.
Ông là 1 trong 5 Tướng VNCH đã tự sát không chấp nhận để cs bắt.
Tướng Lê Nguyên Vỹ nằm xuống để chúng ta được sống.
Ngàn đời nhớ ơn Người Chiến Sĩ VNCH.

Tướng Lê Nguyên Vỹ (1933 - 1975)


-Bảo quốc Huân chương 
Đệ Tam Đẳng
-Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu và một số huy chương quân sự, dân sự khác.
Ông sinh ngày 22 tháng 8 năm 1933 tại Sơn Tây,[2] miền Bắc Việt Nam trong một gia đình có truyền thống hiếu học thuộc gia tộc "Lê Nguyên" danh giá. Thuở nhỏ ông học Tiểu học tại Sơn Tây. Lên Trung học, ông được gia đình cho ra Hà Nội. Năm 1950, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).


Đệ Tam Đẳng Bảo quốc Huân chương



Huy chương Anh Dũng Bội Tinh kèm Nhành Dương Liễu
Tuyên dương công trạng trước Quân đội


Source of  Huy chương: Michael Do

Nguyên là một tướng Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ một trường Võ bị Địa phương do Chính phủ Quốc gia mở ra ở Trung phần. Ra trường được điều về đơn vị Bộ binh, sau chuyển qua phục vụ đơn vị Nhảy dù một thời gian ngắn. Sau đó lại trở về Bộ binh tuần tự giữ nhiều chức vụ cho đến năm 1973, ông được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy một Sư đoàn Bộ binh (cũng là Chỉ huy cuối cùng của đơn vị này). Ông là một trong năm tướng lĩnh đã tự sát trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.

Đầu năm 1951, ông tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 52/204.567. Theo học khóa 2 Lê Lợi tại trường Võ bị Địa phương Trung Việt ở Huế,[3] khai giảng ngày 1 tháng 2 năm 1951. Ngày 1 tháng 10 cùng năm mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy hiện dịch. Ra trường, ông được chuyển về phục vụ trong Tiểu đoàn 19 Việt Nam thuộc Quân đội Quốc gia là thành phần trong Quân đội Liên hiệp Pháp với chức vụ Trung đội trưởng do Đại úy Đỗ Cao Trí làm Tiểu đoàn trưởng. Tháng 4 năm 1952, ông được thăng cấp Thiếu úy tại nhiệm. Đầu năm 1953, ông được cử theo học khóa 1 Biệt kích tại Trung tâm Huấn luyện Biệt động đội tại Vạt Cháy (Bãi Cháy), Hòn Gai, Quảng Yên. Mãn khóa trở về đơn vị gốc (Tiểu đoàn 19) ông được thăng cấp Trung úy và được cử giữ chức vụ Đại đội trưởng. Ngày 1 tháng 3 năm 1954, Tiểu đoàn 19 Việt Nam giải tán dùng làm nòng cốt để thành lập Tiểu đoàn 6 Nhảy dù. Cùng năm, ông được tuyển chọn đi du học khóa huấn luyện viên Nhảy dù tại Pau, Pháp.

Năm 1955, sau khi từ Quân đội Quốc gia chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông bị thương trong chiến trận đẩy lui lực lượng Bình Xuyên ra khỏi trường trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Tháng 6 năm 1956, ông được thăng cấp Đại úy và được theo học lớp Bộ binh cao cấp. Đầu năm 1957, ông được bổ nhiệm làm Quận trưởng Quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Đầu năm 1961, ông được thăng cấp Thiếu tá nhiệm chức. Sau đó trở lại đơn vị Bộ binh, ông được giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 Bộ binh. Ngày Quân lực đầu tiên, tháng 6 năm 1965, theo quy chế ông được mang cấp Thiếu tá thực thụ và được đề bạt lên đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 8.

Trung tuần tháng 8 năm 1968, sau chiến trận Mậu thân đợt 2, ông được thăng cấp Trung tá lên giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 Bộ binh. Đến giữa năm 1970, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Tháng 8 cùng năm ông được cử đi du học khóa Tham mưu cao cấp (khóa 1970 - 1971) thụ huấn 42 tuần tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ [4]

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1971, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh. Mặt trận Mùa hè đỏ lửa năm 1972, ông trực tiếp tham gia trong Chiến trường An Lộc tử thủ căn cứ chỉ huy. Sau khi chiến thắng, tháng 7 cùng năm ông được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Chiến thuật Quân đoàn III, sau đó được cử đi du hành thăm viếng Trung Hoa Quốc gia (Đài Loan).

Tháng 6 năm 1973, ông được chuyển về Quân khu 4 giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn 21 Bộ binh do Chuẩn tướng Lê Văn Hưng làm Tư lệnh. Tháng 8, ông bị tai nạn trực thăng trong lúc thị sát mặt trận tại vùng kinh rạch thuộc địa bàn hành quân của Sư đoàn (trực thăng đụng phải ngọn dừa rớt xuống nước), ông bị gẫy chân phải về Tổng viện Cộng hòa điều trị 2 tháng.[5]. Ngày 7 tháng 11 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch về Quân khu 3 nhận chức Chánh thanh tra trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn III. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1974, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.

Sư đoàn 5 Bộ binh vào thời điểm tháng 4/1975, nhân sự ở Bộ tư lệnh Sư đoàn và các Chỉ huy Trung đoàn được phân bổ trách nhiệm như sau:
• Tư lệnh - Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ
• Tư lệnh phó - Đại tá Trần Văn Thoàn [6]
• Tham mưu trưởng - Đại tá Từ Vấn [7]
• Chỉ huy Pháo binh - Trung tá Tống Mạnh Hùng [8]
• Trung đoàn 7 - Đại tá Nguyễn Văn Vượng [9]
• Trung đoàn 8 - Đại tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng [10]
• Trung đoàn 9 - Đại tá Trần Phương Quế [11]

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe nhật lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng hòa các cấp buông súng, ai ở đâu thì ở đó và chờ quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến bàn giao. Ông ra lệnh cho binh sĩ treo cờ trắng trước cổng căn cứ và cho thuộc cấp giải tán. Sau đó ông dùng khẩu Beretta 6.35 bắn vào đầu tự sát tại Bộ Tư lệnh ở Lai Khê. Hưởng dương 42 tuổi.

Thi thể ông được an táng trong rừng cao su gần doanh trại Bộ Tư lệnh. Ngày 2 tháng 5 năm 1975 được thân nhân bốc lên đem về cải táng ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Năm 1987, do Nghĩa trang Hạnh Thông Tây có lệnh giải tỏa, hài cốt ông được thân mẫu là cụ Lê Thị Huệ cùng với người em là Lê Nguyên Quốc từ miền Bắc vào hợp cùng người anh con bác là Trung tá Lê Nguyên Hoàng (mới đi tù về) đến Nghĩa trang Hạnh Thông Tây bốc mộ và hỏa thiêu, đem về thờ ở từ đường họ Lê Nguyên tại nguyên quán số nhà 151 phố Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Sau đó, tái cải táng xây lăng mộ tại Nghĩa trang của gia tộc Lê Nguyên ở thị xã Sơn Tây.

• Thân phụ: Cụ Lê Nguyên Liên
• Thân mẫu: Cụ Lê Thị Huệ
• Các em: Lê Thị Diễn, Lê Thị Khánh và Lê Nguyên Quốc
• Phu nhân: Bà Phan Thị Kim Yến (Hiện nay bà và các con cháu định cư tại Hoa Kỳ)
• Các con: Lê Nguyên Quang, Lê Nguyên Minh, Lê Nguyên Chính và Lê Thị Tường Vy

Tướng Lê Nguyên Vỹ được đánh giá là một chiến binh quả cảm, một sĩ quan mẫn cán, năng nổ, có tài tham mưu và là một chỉ huỵ bộc trực, thanh liêm, chống tham nhũng. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tinh thần tự lực cánh sinh, tinh thần tự trọng cao độ, không bao giờ ỷ lại vào sự trợ giúp từ phía Hoa Kỳ.

SOURCES:


.

Sinh vi Tướng, Tử vi Thần: Trung Tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long (1.6.1919 - 30.4.1975)



Trung Tá Nguyễn Văn Long (1.6.1919 - 30.4.1975)




Trung Tá Nguyễn Văn Long

Khi đề nghị chọn chủ đề cho Đặc San Phượng Hoàng 2010, chúng tôi cùng một vài anh em, đang tham dự Đại Hội Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia kỳ 5 tại Nam California, gần như có một chủ đề đã nằm sẵn trong đầu mà chưa ai kịp nói ra.

Nói về những tấm gương anh hùng, nói về những chiến hữu đã một thời tận tụy cho nghiệp vụ, cho sự an bình của toàn dân miền Nam trong suốt thời gian của cuộc chiến trước 1975, hoặc giả nói về những ai đã từng nêu cao TỔ QUỐC- CÔNG MINH- LIÊM CHÍNH . . , trong số “những” người đó, chúng tôi không khó khăn để chọn ra một người, đó là Trung Tá Nguyễn Văn Long. Tên gọi “Nguyễn Văn Long”, ít nhứt trong một phần nhỏ bé nào đó của lịch sử cận đại, trong nhiệm vụ bảo vệ giang sơn gấm vóc, đã có một vị trí mà mọi người đều nhận rõ bên cạnh các anh hùng “Vị Quốc vong thân”, từ cấp lớn cho đến cấp nhỏ nhất, của Quân Cán Chính VNCH trước và sau tháng 4 oan nghiệt năm 1975. Sau khi sưu tập những tài liệu có sẵn, vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi chỉ được phép tóm lượt lại và đúc kết nên bài này, chỉ mong được trình đôi nét về người anh hùng này của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia...:

Đôi dòng....

Trung Tá Nguyễn Văn Long sinh năm 1919 tại làng Phú Hội thành phố Huế. Ông là một trong những viên chức kỳ cựu của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ qua nhiều thời kỳ đổi thay của ngành, từ Trưởng Phòng, Phó Ty, Trưởng Ty Công An, Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia...và chức vụ sau cùng là Chánh sở Tư Pháp thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Khu I . Suốt nhiều năm phục vụ trong ngành Đặc Biệt, ông đã lập được bao chiến công trong nhiệm vụ tiêu diệt cộng sản mà bọn chúng chỉ đang chờ chực cướp phá xóm làng, khủng bố lương dân. Trong lãnh vực Tư Pháp, ông là một sĩ quan có năng lực chuyên môn, tài giỏi, đặc biệt là đức tính Công minh và Cương trực. Ông không bao giờ lợi dụng chức quyền để thủ lợi, không khoan nhượng bất cứ một sự vi phạm pháp luật nào dù có sự can thiệp che chở của một thế lực, một phe nhóm hay một cấp chính quyền nào. Đó là lý do ông có biệt danh là “Long Lý”, cũng có nghĩa là Pháp bất vị Thân, vị Tình. Sự thanh liêm đó được chứng minh trong cuộc sống thanh bần của cá nhân và gia đình cho đến tháng 4 năm 1975.

Đã có vài lần chiến hữu Lê Xuân Nhuận (cựu Phụ Tá Đặc Biệt Khu I) viết về Trung Tá Nguyễn Văn Long, nhưng sau mỗi lần viết, khi đọc lại, thấy phải viết thêm hay viết lại, vì LXN cảm thấy mình chưa nói đủ hoặc chưa nói hết được những gì mà Trung Tá Long đã để lại cho người còn sống hôm nay cần phải biết về Ông cũng như những công việc mà Ông đã làm đối với đồng bạn, đối với ngành và đất nước... Cho đến bài sau cùng này (?) mà chúng tôi nhận được, LXN đã viết:

“...Anh Long là người cương trực tối đa. Bất cứ người nào mà vi phạm luật pháp, là anh ấy không tha. Tình hình tại Bộ Chỉ Huy Khu I sau hiệp định Paris 1973 và trước quốc biến 1975 thật là phức tạp. Bên ngoài thì áp lực Cộng Sản Bắc Việt, công khai đổ quân ào ạt để tăng viện và tấn công, bên trong thì sức phá hoại của các tổ chức xưng danh đối lập và tự do quá khích ngày càng gia tăng mức độ và cường độ hỗn loạn hầu làm suy thoái hóa các lực lượng Quốc Gia. Thật là khó khăn cho chúng ta khi phải đối phó với bọn Cộng sản, vừa chống đỡ các phần tử nhũng lạm, các phe nhóm chủ bại, gần như là sẵn sàng làm nội ứng cho giặc.Công việc trị an gặp rất nhiều khó khăn, vì hầu như bất cứ kẻ phạm pháp nào cũng nấp dưới danh nghĩa của một chính đảng hay được sự bao che của một đoàn thể hay của một vài nhân vật lãnh đạo nào đó của chính quyền. Đụng vào họ, có thể là tự rước tai họa vào mình. Thế mà anh Long đã đứng thẳng, đã dám xúc tiến điều tra, lập hồ sơ truy tố nhiều nhân vật đáng sợ. Rất là nhiều vụ, mà vụ tôi thích nhất là vụ “tiền trợ cấp dân Quảng Trị tỵ nạn”. Đại khái như sau :

Đồng bào Quảng Trị di tản, được tạm cư tại Đà Nẵng. Có người đi, có người ở lại tỉnh cũ. Nhiều người đã lập hồ sơ hưởng một lần nhiều món trợ cấp như: tiền, thực phẩm, áo quần, xi-măng, tôn lợp nhà v.v. . ., tại cả tỉnh cũ lẫn trại tạm cư mới, do ngân sách của Bộ Xã Hội đài thọ hàng tháng. Nhiều người còn lập hồ sơ làm dân tỵ nạn, từ xã bất an và xôi đậu đến định cư tại xã an ninh, thậm chí còn xưng là cơ sở ở vùng Việt Cộng kiểm soát, nay bỏ về với Quốc Gia, để được hưởng các loại trợ cấp do Bộ Chiêu Hồi cung cấp. Một số lại là nhân viên Chương Trình Áo Xanh, do một tổ chức Hoa Kỳ tài trợ, cung cấp việc làm cho người lao động thất nghiệp, một số cũng là hội viên Hội Cựu Chiến Binh và Dân Phế Binh, quy tụ lính cũ của thời Pháp thuộc, thời Nhật chiếm đóng, thời kháng Pháp . . . mà hồ sơ gốc thì không hề có. Do đó, một người lãnh trợ cấp với nhiều tư cách, trong nhiều hoàn cảnh, nhưng chỉ lãnh được một ít, còn thì nạp vào túi riêng của những người chứng gian, chứng dối, vừa lãng phí ngân sách, vừa phá hoại chính sách. Vụ án làm chấn động dư luận, liên quan đến nhiều cấp chức thuộc nhiều giới, nhiều ngành . . .”

Lê Xuân Nhuận viết tiếp:
“. . . Kỷ niệm tôi không bao giờ quên về anh Long, là vụ rút lui khỏi Đà Nẵng, thành lũy cuối cùng của Quân Khu I. Lúc ấy, vào khoảng 8 giờ tối ngày 28 tháng 3 năm 1975, trên làn sóng vô tuyến của Cảnh Sát thị xã Đà Nẵng, tôi được báo cáo là có nhiều người ăn mặc lộn xộn, có vũ khí, đang nép hai bên lề đường tiến vào thị xã. Tôi dùng làn sóng của Cảnh Sát Đặc Biệt, ra lệnh cho Cảnh Sát Đặc Biệt Khu I và Đà Nẵng lo đối phó. Sau đó tôi gọi điện thoại đến Bộ Chỉ Huy Khu I để tường trình với Đại Tá Lộc, đang cùng các Chánh Sở và một số Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh tập trung tại đó. Liền sau đó, anh Long đến ngồi tại trung tâm truyền tin của Cảnh Sát Đặc Biệt, để liên lạc thường xuyên với tôi hầu theo dõi tình hình bên ngoài. Đến khoảng hơn 10 giờ, tổng đài Cảnh Sát Đặc Biệt cho biết là Trung tá Long muốn mượn một máy bộ đàm của Cảnh Sát Đặc Biệt, để liên lạc trực tiếp với tôi. Trong những lần liên lạc ấy, có lúc giọng anh run lên, không phải vì sợ mà vì tức giận. Anh cho biết là Đại Tá Lộc bảo tất cả Chỉ Huy Trưởng Tỉnh và các Chánh Sở tại Bộ Chỉ Huy Khu I hãy lên xe đi theo mình, do Chỉ Huy Trưởng Đà Nẵng hướng dẫn, ra bờ sông Hàn, xuống tàu tuần giang của Giang Cảnh, để ra biển Đông. Anh Long có hỏi thì được biết là để di tản vào Saigon. Anh cho rằng, chưa chống lại địch đã bỏ rơi cấp dưới mà chạy là không xứng đáng, nên anh quay lui, về lại Bộ Chỉ Huy Khu, mời tôi đến để tổ chức mà tử thủ . . . .

. . . Trên đường đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, tôi thấy anh Long mặc bộ đồ Cảnh Sát Dã Chiến, mang súng M.16, lái xe chạy ngược chiều xe tôi, nhưng anh không thấy tôi vì xe để đèn pha. Tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, chỉ còn vài người lính ngơ ngác ở tại cổng ra vào. Tôi đến Tiểu đoàn Tiếp Liệu, thấy các tàu dầu của Quân Đoàn đã bị binh sĩ và vợ con tràn lên, từ đây tôi gọi điện thoại đến Phòng 2, Phòng 3 Quân Đoàn, Sở An Ninh Quân Đội và vài nơi khác, nhưng không có ai trả lời. Sau đó, tôi hướng dẫn đoàn xe Cảnh Sát Đặc Biệt và Thám Sát chạy qua Quận 3, bãi biển Sơn Trà, căn cứ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải.. . . để theo dõi tình hình. Khi tôi về lại Trung Tâm Đà Nẵng, vào khoảng nửa đêm, thì hầu hết mọi loại xe đã mở hết tốc lực chen nhau qua cầu Trịnh minh Thế, hướng về bãi biển, trong đó, có cả xe của anh Long. Tôi thấy mặt anh đỏ gay, đầy vẻ tức giận và cương nghị . . .

. . . Từ đó, tôi không gặp lại anh Long nữa . . . Sau này, ở trường “cải tạo”, tôi được quen mấy người đã từng chạy vào Saigon trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975 đó, cho biết là anh Long đã tự tử chết trước thềm Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa (Hạ Viện) sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. Tôi không ngạc nhiên, vì bị trói tay thì làm sao đánh thắng được giặc. Nếu anh còn sống mà rủi bị bắt thì hẵn là ở trong các trại tập trung, anh sẽ bị hành hạ thảm não hơn đồng bạn, vốn đã điêu đứng đủ điều, nếu không, cũng có thể bị sát hại ở một xó rừng nào đó.

Cái chết của anh Long làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Anh lớn tuổi hơn tôi, nhưng vẫn trẻ trung trong lối sống và trong công việc. Những người trẻ sau này, khó mà vượt qua nổi anh về phong cách và kinh nghiệm nghề nghiệp. Trước kia, tôi làm Cảnh Sát trật tự, anh làm Công an chính trị, sau nhiều đổi thay, tôi qua anh ninh thì anh về hình sự. Anh đã kết hợp và tiêu biểu đầy đủ cho mọi ngành trong các nhiệm vụ của người Cảnh Sát Quốc Gia. Trong lúc thành quả hoạt động của Cảnh Sát Quốc Gia nói chung, là đã hạ được khá nhiều Cộng sản, trên nhiều mặt trận khác nhau, mà người ngoài ít ai biết đến, ngay một số trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia, cũng cho đó là việc riêng của Cảnh Sát Đặc Biệt! Ngược lại, anh Long đã hòa mình vào mọi lãnh vực, mọi công tác của ngành, để cuối cùng, tự nhận lấy một phần trách nhiệm đối với sự hưng vong của Tổ Quốc! Cái chết của anh, đã chứng tỏ được cái khí tiết của riêng anh cũng như của rất nhiều nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia, nói chung, và Cảnh Sát Đặc Biệt, nói riêng, cùng với biết bao quân dân các cấp, ở khắp nơi, để khỏi bị rơi vào tay giặc, khi nước mất nhà tan. . . .

. . . Người chết không mong được đời nhắc tới, nhưng bổn phận của người sống là phải phát huy những tấm gương trí dũng ngời sáng ấy. Anh là một trong những tấm gương ngời sáng, để cho những ai còn thờ ơ với tiền đồ Tổ Quốc, hãy tự soi rọi lấy bản thân mình, có còn đáng được sống trước những hy sinh cao cả đó hay không.

Nguyễn Văn Long.! Tên anh đã được mọi nguyời nhắc đến với một sự thương yêu kính trọng. Anh đã ghi thêm một vết son trong Cảnh Sử với tư cách một trong những anh hùng của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. . .”

Lê Xuân Nhuận là một trong những người còn ở với Nguyễn Văn Long, trước những giây phút phải di tản khỏi Quân Đoàn I và II. Đây là một trong những bài mà LXN đã viết về Trung Tá Nguyễn Văn Long.

Một người khác, cũng ở khu I, là người tiền nhiệm của Lê Xuân Nhuận trong chức vụ Phụ Tá Đặc Biệt Khu, sau được chọn lên làm Chỉ Huy Trưởng CSQG tỉnh Quảng Ngãi, đó là chiến hữu Hồ Anh Triết, đã viết:

“. . .Tôi về BCH / CSQG Khu 1 vào tháng 5/1971. Lúc đó Trung tá Long làm Chủ sụ phòng Tư Pháp BCH/ CSQG khu 1 (đầu năm 1972 đổi thành Chánh Sở Tư Pháp). Tuy cùng một bộ chỉ huy, nhưng hai lãnh vực hoạt động hoàn toàn khác nhau, không thường xuyên phối hợp, nên tôi không rỏ lắm về sự hoạt động trong lãnh vực tư pháp của Trung tá Long. Nhưng về phương diện "con người" thì tôi có những nhận định như sau:
- Một cấp chi huy rất đường hoàng, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng không kém cương
quyết
- Đối với cấp trên, qua các buổi họp, tôi thấy lúc nào Trung Tá Long cũng ăn nói từ tốn, có sự kính trọng cấp chỉ huy nhưng không bao giờ có vẻ khúm núm hay ra vẻ nịnh bợ.
- Anh em trong bộ chỉ huy CSQG/ Khu 1 đều có thiện cảm và kính trọng Trung Tá Long. Tôi nghĩ sở dĩ Trung Tá Long nhận được sự kính trọng đó không phải vì Trung Tá Long lớn tuổi hay vì chức vụ của Ông ta mà vì tư cách và đạo đức của chính Ông ta. Trung tá Long là người đã phục vụ tại Bộ Chỉ Huy CSQG Khu I rất lâu, trước ngày tôi về phục vụ tại BCH nầy. Theo tôi, một cấp chỉ huy đã phục vụ một nơi nào từ 5 năm trở lên, mà vẫn giữ đuợc sự kính trọng của toàn thể anh em thì người đó phải là một người thật đường hoàng trong tư cách, Trung Tá Long là một người như vậy.
Tôi rời BCH/ CSQG Khu I tháng 9-1973 về Quảng-Ngãi và bị Cộng Sản bắt ngảy 24-3-1975 tại Chu-Lai. Tôi không nắm vững về "sinh hoạt" của BCH/ CSQG Khu I trong những ngày cuối cùng ở Đà-Nẳng (trong đó còn có Trung Tá Nguyễn văn Long, Chánh Sở Tư Pháp BCH/CSQG Khu I).


Năm 1988 tôi được về. Sau đó, anh em tới thăm, có nói cho tôi nghe việc Trung Tá Long đã tự sát trước tòa nhà Quốc-Hội VNCH ngày Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Mấy tháng sau đó, khi đã tạm ổn định, tôi có đến nơi đó, (công viên trước tòa nhà Quốc Hội cũ) để tưởng nhớ đến một đồng nghiệp anh hùng, mà tôi đã quen biết và kính trọng từ ngày tôi về phục vụ tại BCH/CSQG Khu I. Tuy nhiên, nơi tôi đứng, có phải là chính nơi Trung tá Long đã nằm xuống hay không (?). . . quang cảnh đã hoàn toàn khác xưa. Nước mắt tôi đã rơi xuống cho ngưòi bạn anh hùng và cũng cho chính mình. Trong sâu thẳm tâm hồn lúc đó, tôi đã hỏi anh Long: Rồi đây, đất nước chúng ta và con cái chúng sẻ ra sao đây anh....?

Phần trên là của hai chiến hữu Cảnh Sát Quốc Gia, còn phần tiếp theo đây là những trích đoạn trong bài viết của một người ngoài ngành, một nhà văn khá nổi tiếng của miền Nam, cũng đã phải bị “cải tạo” trong các ngục tù của cộng sản sau 30-4-75. Nhà văn D.A đã viết trong bài “Máu Trung Tá Long đã đổ xuống lòng đất mẹ”, như sau:

“. . .Tôi không hiểu trong Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh và bọn hàng thần lơ láo đến mức độ nào trước ống kính xấc xược của bọn phóng viên cộng sản và trước những câu hạch hỏi hỗn láo của bộ đội giải phóng cấp tá. Họ có nghe những tiếng súng danh dự, trách nhiệm, tổ quốc của lính văn nghệ diệt T.54 ở cầu Thị Nghè, của lính nhẩy dù cách cổng Dinh Độc Lập chẳng bao xa? Chúng tôi vào trung tâm thành phố, dân chúng đang bu kín công viên dựng tượng hai người chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, họng súng nhắm thẳng vào Hạ Viện. Những chiếc loa gắn trên cây cao đã oang oang giọng nói mới chào mừng giải phóng miền Nam. Bài hát... Tiến vào Saigòn ta quét sạch giặc thù ... muốn rung chuyển thành phố. Nhưng trời vẫn thiếu nắng. Cộng sản đã tiếp thu đài phát thanh, bưu điện.... Giọng nói cầy cáo của Lý Quý Chung và ca khúc Nối Vòng Tay Lớn không còn nữa.

Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân Tượng Đài của Thủ Quân Lục Chiến, xác một người Cảnh Sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chảy ra tươi rói. Người sĩ quan Cảnh Sát đeo lon Trung Tá, ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung Tá Cảnh Sát Long đã tự sát ở đây, cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm Trung Tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lời hoan hô bộ đội giải phóng. . . .
. . . . Không có Hoàng Diệu, ở những trang lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhởn sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của Trung Tá Cảnh Sát tên Long. Cộng sản đã chẳng ngu dại phong anh hùng, liệt sĩ cho quốc gia. Họ độc quyền anh hùng, liệt sĩ. Ở những cuộc đấu thầu anh hùng, liệt sĩ quốc gia tại hải ngoại, chưa thấy một nén tâm hương tưởng mộ Trung Tá Long. Có lẽ, liệt sĩ đích thật không lãi lớn bằng liệt sĩ giả vờ. Thế thì thời đại chúng ta đang sống là cái thời đại gì nhỉ? Nó không chịu, không thích vinh tôn cái thật, đã đành, nó còn nhận chìm cái thật và vấy bẩn lên cái thật một cách thô bạo, ẩn ý và lạnh lùng. Khi cái thật bị nhởn chìm, bị vấy bẩn, cái giả nổi bật, sáng giá và chói lọi, thơm tho. Như vậy, mọi giá trị về tinh thần, về đạo nghĩa bị nhởn chìm theo. Rốt cuộc, bọn giả hình sống với cái giả của chúng, huyễn hoặc mọi người bằng cái giả với bạo lực của quyền uy hợp pháp và cả quyền uy ảo tưởng hậu thuẩn. Và người công chính thụ động, buông xuôi. Cuối cùng, con cháu chúng ta sẽ chỉ biết liệt sĩ đất sét, anh hùng gian dối, vĩ nhân phường tuồng.

Tôi muốn biểu dương Trung Tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sài gòn. Ông ta đã nằm kia, dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam anh dũng. Máu của Trung Tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ. Cái chết của Trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng, thì ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc. . . Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn có Trung Tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của Tổ Quốc. . .
- Tôi chứng kiến tự phút đầu.
- Ông nói sao?
- Tôi nhìn rõ ông ta rút súng bắn vào thái dương mình.
- Thật chứ?
- Đáng lẽ tôi phải nói dối.
- Tại sao?
- Vì nói thật lúc này không có lợi.

Tôi nghe hai người Sài-gòn nói chuyện, và tôi được nghe “huyền sử một người mang tên Long” do một trong hai người kể. Truyện như vầy:
“. . .10:30 sáng, Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng, quân đội và cảnh sát tuân lệnh Tổng Thống, lột quần áo, giầy vớ, nón mũ, vất súng đạn bỏ chạy về nhà mình hay nhà của thân nhân mình. Một mình Trung Tá Long không lột chiến bào, không phi tang tích huân chương, không liệng súng đạn. Trung Tá Long từ nơi nào đến, chẳng ai rõ. Ông xuất hiện ở công viên trước Hạ Viện hồi 12 giờ. Ngồi trên ghế đá, ông ta trầm ngâm hút thuốc. Rồi ông ta nhìn trước nhìn sau, ngó ngang, ngó dọc. Rồi ông ta đưa tay ôm lấy đầu, cúi thấp. Khi ấy Sài-gòn đã ồn ào tiếng hoan hô cộng sản giải phóng. Bất chợt, ông ta đứng dậy, chậm rãi bước gần chân Tượng Đài. Trung Tá Long đứng thẳng, ông ta ngẫng mặt. Thản nhiên ông ta rút khẩu súng Colt, kê họng súng vào thái dương mình bóp cò. Tiếng đạn nổ trùm lấp tiếng hoan hô cộng sản. Trung Tá Long đổ rạp.....

- Đó, diễn tiến cái chết của Trung Tá Long.
- Ông có mặt ở đây trước lúc Trung Tá Long xuất hiện?
- Phải. Tôi tuyệt vọng, không thiết về nhà nữa!
- Rồi sao?
- Dân chúng bu quanh xác Trung Tá Long. Cộng sản chưa có thì giờ kéo xác ông ta đi. Phóng viên truyền hình Pháp thu cảnh này kỹ lắm. Chỉ tiếc họ đã không thu được cái oai phong lẫm liệt của Trung Tá Long. Họ đến quá chậm và họ chỉ quay phim một xác chết. Ông hãy nhìn cho kỹ. Trung Tá Long tuẩn tiết cùng chiến bào, cùng cấp bậc, cùng tên mình.!!

Tôi đã nhìn kỹ. Lịch sử của chúng ta đã có những vị anh hùng chỉ có tên mà không có họ. Như Đô Đốc Tuyết, Đô Đốc Long.... Hôm nay chúng ta có thêm Trung Tá Long. Những ai sẽ viết lịch sử? Và liệu sử gia đời sau có soi tỏ niềm u uẩn của Trung Tá Long, chảy máu mắt nhìn quê hương lạc vào tay quân thù mà bất lực cứu quê hương, mà chỉ biết đem cái chết tạ tội quê hương, dân tộc. Đã hàng tỉ tỉ chữ viết về những chuyện khốn nạn, viết về những tên khốn kiếp, viết về những sự việc khốn cùng. Dòng chữ nào đã viết về Trung Tá Long? Người ta đã viết cả pho sách dày cộm để nguyền rủa xác chết. Người ta cũng đã viết cả pho sách dày cộm để suy tôn xác sống. Người ta ồn ào. Người ta vo ve. Dòng chữ nào đã viết về Trung Tá Long? Ai đã làm công việc sưu tầm lý lịch đầy đủ của vị liệt sĩ đích thực này? Than ôi, lịch sử đã hóa thành huyền sử. Cho nên người ta nhìn Quốc kỳ mà không cảm giác linh hồn Tổ Quốc phất phới bay. . . . . . Thời đại của chúng ta còn đòi đoạn ở chỗ, kẻ sĩ và kẻ vô lại đồng hóa trong “lý tưởng” nguyền rủa xác chết và suy tôn xác sống.

Xưa Vua Duy Tân đã hỏi quan Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài và các cận thần:
- Tay bẩn lấy gì rửa?
Cận thần đáp:
- Nước.
Duy Tân hỏi thêm:
- Nước bẩn lấy gì rửa?
Cận thần ngơ ngác:
- Tâu bệ hạ, thần không hiểu.
Vua Duy Tân nói:
- Nước bẩn lấy máu mà rửa.

Trung tá Long đã lấy máu rửa vết ô nhục 30- 4. Lính nhẩy dù đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30- 4. Lính văn nghệ đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30- 4. Những kẻ tạo ra ô nhục lấy gì để rửa nhỉ? . . . .
. . . . Lịch sử lại thêm vài phụ trang chó đẻ.!
Giải phóng quân đã đổ đầy trước Hạ viện. Cỏ đuôi chó hoan hô tưng bừng. Dân chúng chiêm ngưỡng Trung Tá Long tản mạn. Trung Tá Long nằm nguyên chỗ ông ngã rạp cho máu rửa nhục Sài-gòn. Giã từ liệt sĩ. Vĩnh biệt liệt sĩ. Xin hãy phò hộ cho tôi kéo dài cuộc sống hèn để có ngày được viết vài dòng về Trung Tá. . . . . . . . .”
Vâng, anh đã được kéo dài thêm cuộc sống để viết cho Trung Tá Nguyễn Văn Long những gì mà chúng tôi được đọc ở đây. Và chúng tôi, cũng đã viết cho Trung Tá Long từ những buồn tủi trong thân phận của người mất nước. Khi hay tin, và được truyền cho nhau thật nhanh trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi “sắp hàng vào tù”, anh em chúng tôi đã viết, viết thật nhiều bằng những giọt nước mắt của chính mình về một người Anh, một chiến hữu đã làm tròn bổn phận đối với Tổ Quốc và đã chứng tỏ được khí tiết của người Chiến Sĩ VNCH! Từ tấm gương sáng ngời đó của anh Long, chúng tôi nhận biết rất nhiều nghịch lý cho sự sống và sự chết, cũng như cho sự tồn tại của chính mình hôm nay, sau 35 năm đất nước bị mất vào tay kẻ bạo tàn.

Khi đúc kết hết những bài này, đến đây, chỉ mong anh linh của Trung Tá Long có lẫn khuất đâu đây, hãy phò hộ cho chúng tôi được tiếp nối làm những gì mà chúng ta trước kia chưa làm được hầu cứu lấy quê hương và cũng để chúng tôi được trả ơn những người anh hùng của Tổ Quốc, trong đó có Trung Tá Nguyễn Văn Long.

Một lần trong muôn lần, xin được nói lời vĩnh biệt!!

Phan Tấn Ngưu

SOURCE:

RELATED ARTICLES:



.