Sunday, August 23, 2020

Tượng Đài Thánh Tổ Binh Chủng Hải quân: Đức Trần Hưng Đạo




Đức Trần Hưng Đạo - Bình Bắc Đại Nguyên Soái – Hưng Đạo Đại Vương (1232?-1300)
Thánh tổ Binh chủng Hải quân

Điêu khắc gia Phạm Thông (1943-2016). Tượng đài hoàn tất năm 1967.
Vị trí tượng: Công trường Mê Linh (Saigon)


***

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY KHÁNH THÀNH TƯỢNG TRẦN HƯNG ĐẠO Ở CÔNG TRƯỜNG MÊ LINH SÀI GÒN (1967- 2017) VÀ 45 NĂM NGÀY KHÁNH THÀNH TƯỢNG TRẦN HƯNG ĐẠO Ở QUY NHƠN (1972- 2017)


(Từ tượng Trần Hưng Đạo trấn giữ' Bạch Đằng, đến tượng Trần Hưng Đạo ở Hải Minh Quy Nhơn và tượng Trần Hưng Đạo của người xa xứ )

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP


TƯỢNG TRẦN HƯNG ĐẠO "TRẤN GIỮ" BẠCH ĐẰNG…

Tượng Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh là minh chứng cho sự năng động của Sài Gòn và là chốn hẹn hò của đôi lứa ở bến Bạch Đằng nhìn ra sông Sài Gòn đầy thơ mộng.
Tượng Trần Hưng Đạo nằm ở công trường Mê Linh, quận 1. Thời Pháp thuộc, công trường này được đặt theo tên Đô đốc thủy quân người Pháp và từng là Thống đốc Nam Kỳ, Rigault de Genouilly. Ban đầu tượng của vị đô đốc thủy quân cũng được đặt nơi đây.
Năm 1955, ngày lễ Hai Bà Trưng được công nhận là ngày lễ chính thức ở miền Nam. Tháng 3.1962, chính phủ Ngô Đình Điệm khánh thành tượng Hai Bà Trưng ở công trường Mê Linh để vinh danh Hai Bà. Người dân Sài Gòn lúc đó vẫn quen gọi là tượng Hai Bà. Tượng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và điêu khắc Nguyễn Văn Thế thực hiện.
Tượng Hai Bà Trưng được dựng trên một bệ cao ba chân, phía trước là đầu và vòi voi, tiếp nữa là hai chân voi. Tượng được giới điêu khắc đánh giá rất đẹp, nét điêu khắc đặc sắc và mới mẻ. Khi khánh thành tượng này, bà Trần Lê Xuân - phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu - với tư cách là chủ tịch của Hội Phụ nữ liên đới tới cắt băng khánh thành.
Tuy nhiên, do cách điêu khắc quá mới mẻ nên sau khi khánh thành, nhiều người dân Sài Gòn thấy tượng Hai Bà có nét phảng phất giống mẹ con bà Trần Lê Xuân. Nên sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, một số người đã tập trung ở công trường giật đổ tượng Hai Bà như muốn xóa bỏ “dấu tích” của phu nhân cố vấn tổng thống. Nhiều người chứng kiến vụ giật đổ kể đầu hai pho tượng sau đó được bỏ lên xích lô đem đi diễu hành khắp phố, rồi không biết thất lạc nơi đâu. Từ năm 1963 đến 1967, bệ voi vẫn nằm ở công trường nhưng không có tượng nào được trưng trên đó.

Sau này, có một thời gian công trường Mê Linh được giao cho hải quân nên được đổi thành công trường Bạch Đằng. Đây vừa là quân cảng vừa là bến sông tiếp nhận tàu bè từ cảng Sài Gòn. Chuyện dựng tượng Trần Hưng Đạo cũng có nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh. Bởi ít người biết rằng bức tượng Trần Hưng Đạo nổi tiếng ở Sài Gòn suốt gần 50 năm qua lại là tác phẩm đầu tay của Phạm Thông - một chàng trai mới vừa tốt nghiệp Quốc gia Mỹ thuật (Sài Gòn).

Năm 1966 đương kim thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi binh chủng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa dựng biểu tượng ở một vườn hoa công cộng trong đô thành Sài Gòn thì binh chủng Hải quân chọn bến Bạch Đằng để dựng tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người được xem là Thánh tổ Hải quân và điêu khắc gia Phạm Thông (1943- 2016) lãnh nhiệm vụ đó. Tượng đài hoàn tất năm 1967.

Sau này, kể với báo chí, nhà điêu khắc Phạm Thông cho biết năm 1967, khi ông mới 24 tuổi, binh chủng hải quân của Việt Nam Cộng hòa kết hợp với Hội Đức Thánh Trần tổ chức cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo để đặt ở vị trí công trường Mê Linh thay cho tượng Hai Bà Trưng bị phá hủy trước đó. Ban đầu đồ án của ông là tượng ngồi nghiên cứu binh thư yếu lược. Nhưng khi bắt tay vào thiết kế, ý tưởng Hưng Đạo Đại Vương đứng trên cao chỉ xuống sông Sài Gòn ở vị trí bến Bạch Đằng như bây giờ thuyết phục được Phạm Thông. Cuộc thi đó có 13 đồ án tham dự và cuối cùng điêu khắc gia Phạm Thông thắng giải.

Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương cao gần 6 m, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao gần 10 m. Trụ tam giác này tận dụng vị trí kiềng ba chân đã đặt tượng Hai Bà Trưng trước đó.
Hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”.

Chính hình ảnh oai hùng và tinh thần chống giặc xâm lăng mà Phạm Thông đưa ra đã thuyết phục ban tổ chức dù rằng cuộc thi đó nhiều điêu khắc gia nổi tiếng và hơn tài ông tham dự.
Trong hồi ức của mình, nhà văn Phan Lạc Tiếp cho biết ngay cả điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu - người nổi tiếng với tượng Tiếc Thương - cũng tham dự cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo.
Ý tưởng của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu là một mẫu tượng Đại tướng trong tư thế ngồi, tay trái đè lên đốc kiếm tay phải cầm cuốn sách, được coi như binh thư. Đại tướng quân hướng mắt về phương bắc, vừa là biểu tượng của người đi biển hướng về sao Bắc đẩu, vừa là nỗi lo âu muôn đời của người Việt về giữ yên bờ cõi biên cương biển trời. Rất tiếc mẫu thiết kế này không được chọn khiến điêu khắc gia nổi tiếng này rất buồn.
Phạm Thông kể lại những người chủ trì việc dựng tượng yêu cầu ông làm việc rất nghiêm túc. Thay vì thời gian thực hiện đồ án chỉ vài tháng cuối cùng kéo dài tới gần 1 năm. Ngày khánh thành tượng, 5 giờ sáng, ông còn phải trèo lên tượng đục đẽo, sửa chữa cho tượng đạt yêu cầu.

Niềm hạnh phúc của điêu khắc gia Phạm Thông là sau này có ba phiên bản tượng Trần Hưng Đạo được đúc để gắn ở Quy Nhơn, Vũng Tàu, Nha Trang. Sau năm 1975, nhà điêu khắc Phạm Thông sang Mỹ định cư.

Còn về tượng Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn sau khi hoàn thành nhanh chóng được người dân đón nhận. Công trường Mê Linh những năm về sau không chỉ nổi tiếng khi đây chính là minh chứng cho sự năng động của Sài Gòn khi các tòa nhà cao tầng đua nhau chen chúc mà còn là chốn hẹn hò của đôi lứa ở bến Bạch Đằng nhìn ra sông Sài Gòn đầy thơ mộng.

… TƯỢNG TRẦN HƯNG ĐẠO Ở HẢI MINH QUY NHƠN

Tọa lạc bên cửa biển Quy Nhơn, nằm trên đồi Hải Minh thuộc bán đảo Phương Mai, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo không chỉ là niềm tự hào mà còn được xem là ngọn hải đăng trong lòng mỗi người dân thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định).

Cũng như bao người con nước Việt, người dân Quy Nhơn bao đời nay vẫn luôn tự hào, tưởng nhớ, biết ơn công đức to lớn của Trần Hưng Đạo. Tượng đài Đức thánh Trần có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa của người dân Quy Nhơn. Người dân ở đây tin rằng Đức thánh Trần chỉ tay ra biển, ngăn chặn bão giông, che chở, phù hộ cho thành phố được bình yên, phát triển.

Ở đây tâm tình của Trần Hưng Đạo như trong bài “Hịch Tướng Sĩ”:
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.”

Tính đến nay, tượng Đức thánh Trần tại Quy Nhơn đã có tuổi đời 45 năm. Tượng được khởi công xây dựng năm 1971, hoàn thành năm 1972, do kiến trúc sư Đàm Quang Việt thiết lập đồ án và điêu khắc, Giám đốc công trường là trung tá Mai Trọng Truật. Phối trí viên là ông Yn- Tắc – một người Hoa có tên Việt là Trần Công Mỹ ngụ tại Gia Long Quy Nhơn. Có thể xem là phiên bản của tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn năm1967 nhưng kích thước lớn hơn.

Đến chân tượng, theo một cầu thang nhỏ, thẳng đứng ở phía tây tượng đài bạn sẽ lên trên phần bệ tượng. Từ đây, giữa bốn bề lộng gió, bạn có thể thoả thích phóng tầm mắt về bốn phương trời. Xa xa về phía đông là đảo Cù Lao Xanh, quay nhìn thành phố Quy Nhơn như một dải lụa nằm vắt ngang giữa nước và trời. Và bên kia là đầm Thị Nại một màu xanh ngắt… Ở đây còn có ngọn Hải Đăng hướng dẫn tàu bè ra vào cảng Quy Nhơn.
Từ TP. Quy Nhơn nhìn sang bán đảo Phương Mai, tượng đài tọa lạc trên ngọn đồi cao 40m so với mực nước biển trong khuôn viên 18x 24m. Nơi này năm xưa quân Tây Sơn có xây một tiền đồn, dấu tích còn lại là một đoạn thành cũ bằng đá ong. Khi cho ủi vùng núi này, người ta còn tìm thấy một khẩu đại bác thời trước.

Tượng nặng 60 tấn. Từ chân lên cao, tượng đo được 11,3m, tạc dáng Hưng Đạo Đại vương trong tư thế xung trận, đứng trên thuyền chỉ huy trận đánh quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng với chiến bào áo giáp mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải đạp trên mạn thuyền, tay trái nắm chuôi gươm đeo bên hông, tay phải chỉ thẳng về phương Bắc. Gương mặt Hưng Đạo Đại Vương toát lên thần thái uy nghi, cương nghị của vị dũng tướng thống lĩnh ba quân.

Bệ đỡ tượng cao 5m có cửa vào và đắp bốn bức phù điêu theo bốn hướng, miêu tả con người Đức thánh Trần và những sự kiện lịch sử trọng đại của nhà Trần trong công cuộc chống quân Nguyên Mông.
Bức hướng đông miêu tả hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương gạt bỏ niềm riêng để tạo mối đoàn kết dân tộc trước sức mạnh quân thù.
Bức phù điêu hướng tây là cảnh Trần Hưng Đạo khuyên vua quyết đánh chứ không nên hàng.
Bức hướng nam là hình ảnh các bô lão với khí thế “sát Thát” tại Hội nghị Diên Hồng.
Bức hướng bắc là hình ảnh một chiến công lừng lẫy của quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo. Những bức phù điêu này, qua thời gian, do tác động của mưa nắng và hơi nước biển nên dần bị bào mòn, bong tróc. Nhưng, hào khí Đông A một thuở qua những bức phù điêu dưới chân tượng Đức thánh Trần vẫn như còn nguyên vẹn đến hôm nay.

Để hoàn tất thân tượng, Ban xây cất phải dùng hết 4 tấn sắt và cho đến ngày 21-3-1972 là 1416 bao xi măng và hai triệu đồng thời VNCH. Nhân công là các quân nhân thuộc các đơn vị đồn trú xung quanh QN có cả thảy 3530 nhân công đã trực tiếp đổ mồ hôi cho tượng này!
Về cơ giới, đã sử dụng 1 xe trục 20 tấn, 1máy trộn hồ, 2 xe GMC, 1 máy khoan đá ( của tiểu đoàn 42/YT/CB), 1tàu LCM (của Giang đoàn 203), 3 xe CMC , 1xe ủi đất, 5 xe xúc đất (của Liên đoàn 6 công binh)… Riêng kinh phí, tác giả được biết là do đóng góp của những người trong “Hội bồi đắp linh tượng” (trưc thuộc Hội thánh THĐ- trụ sở tại đường Trần Hưng Đạo gần cây xăng Ông Tề) và của các thành viên Ngũ ban ( các Ban người Việt gốc Hoa).

Có một việc ngẫm ra lạ lùng và thú vị, ngày xưa Đức Thánh Trần đã làm cho triều đình phương Bắc bạt vía, nay con cháu của Tàu lại vui vẻ đóng góp tiền xây dựng Ngài!
Tưởng nhớ công đức to lớn của vị anh hùng dân tộc, nhân dân Bình Định đã lập đền thờ Đức Thánh Trần (năm 1968) thuộc phường Thị Nại, TP Quy Nhơn. Hằng năm cứ đến ngày giỗ và thời gian từ Tết Nguyên Đán đến Thượng Nguyên (Tết Nguyên Tiêu), Trung Nguyên (rằm tháng 7), Hạ Nguyên (rằm tháng 10) và 25 tháng giêng là ngày vía của các tướng hội đồng, khách các nơi lại đến đền thờ cầu phước, cầu lộc. Đặc biệt ngày giỗ, ngoài phần lễ còn diễn ra phần hội rất rộn ràng. Trên bàn thờ, chân dung Đức Thánh Trần ngồi được nghệ nhân Đào Địch vẽ (năm 1967 và hoàn thành năm 1968) rất có hồn, thần sắc oai phong và đức độ. Đến năm 2000, chân dung đã bị mối làm hỏng mặt lưng tranh, để kỷ niệm 700 năm ngày mất của Trần Hưng Đạo, Ban Hội từ đền đã thuê họa sĩ điêu khắc Phạm Văn Tuyển chuyển sang tượng tròn và tô màu.

Đến Quy Nhơn, sẽ là một thiếu sót nếu chưa sang bán đảo Phương Mai viếng thăm tượng đài Đại vương Trần Hưng Đạo, một địa danh văn hóa, tâm linh nổi tiếng của thành phố. Du khách có thể đến viếng tượng Hưng Đạo Đại Vương bằng cách đi ca nô, đò từ bến Hàm Tử sang làng chài Hải Minh theo con đường đất quanh co với vẻ đẹp hòa quyện giữa núi - trời - biển hữu tình.Viếng tượng, nhớ về những chiến công oanh liệt của quân và dân nhà Trần và công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương để thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, để thấy mình có trách nhiệm hơn với Tổ quốc hôm nay.

... TƯỢNG HƯNG ĐẠO VƯƠNG CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT XA XỨ

Năm 2014 tại Little Saigon, Westminster, California, cộng đồng người Việt lập tượng Hưng Đạo Vương bằng đá trên đường Bolsa. Pho tượng có tư thế tương tự như pho tượng trên Bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn của nhà điêu khắc Phạm Thông cách đây gần 50 năm.

Sau khi bức tượng Đức Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc đánh đuổi ngoại xâm, được dựng lên trên đại lộ Bolsa, hầu hết đồng hương tại Nam Cali cũng như từ khắp nơi có dịp về thăm thủ đô đều ao ước có một bức tượng to lớn hơn, bề thế hơn, xứng với tầm vóc của Ngài. Niềm ao ước đó đã thúc đẩy Hội Đồng Quản Trị vận động quyên góp tài chánh để đúc tượng mới.
Little Saigon Radio và Hồn Việt TV là hai cơ quan truyền thông tại Nam Cali đã nhanh chóng hứa sẽ dùng phương tiện truyền thông quyên góp số tiền $100,000 Mỹ Kim để giúp ban tổ chức đúc tượng mới, và bức tượng cũ sẽ được đưa về an vị tại trụ sở Little Saigon Radio. Pho tượng cũ an vị trong Đền Thờ Đức Thánh Trần.

Năm 2016, đúng 12 giờ trưa chủ nhật ngày 12 tháng 6, tượng đài Trần Hưng Đạo được khánh thành tại khu Hà Nội Plaza trên phố Bolsa, thành Phố Westminster, California. Tượng Đức Thánh Trần mới, đúc bằng đồng do điêu khắc gia (ĐKG) Phạm Thông thực hiện tại Dallas, Texas. Ông Phạm Thông cũng là tác giả bức tượng Đức Trần Hưng Đạo, Thánh Tổ Hải Quân QLVNCH dựng tại Bến Bạch Đằng Saigon. Tượng cao 10 feet,( hơn 3m) nặng 1,200 pounds đặt trên bệ cao 2m. Lúc đầu dự trù chỉ làm trong ba tháng nhưng vì các thợ đúc đồng đã nhận nhiều việc trước nên kéo dài mất sáu tháng.
Ông nói: “Thật ra, tất cả mọi chuyện không bao giờ mình thỏa mãn với chính mình hết, lúc đầu tôi cũng thấy hài lòng 100% nhưng khi đưa vào thợ đồng họ cũng làm mất đi những điều mình muốn khoảng 20%, và thường thường các tượng đúc bằng đồng đều xảy ra như thế cả.”
Cô Quế Anh, phu nhân Thị Trưởng Tạ Đức Trí, nói: “Tôi nghĩ tượng này cao lớn, đẹp hơn và quan trọng là giống tượng cũ bên Việt Nam hơn nên cháu rất hài lòng, và cháu nghĩ đồng hương mình cũng rất hài lòng về pho tượng mới này.”
Ông Du Miên, Tổng Thư Ký Hội Đồng Quản Trị Đền Thờ Đức Trần Hưng Đạo, “Chúng tôi hài lòng, vì chúng tôi đã làm việc với điêu khắc gia Phạm Thông ngay từ đầu, và đi qua lại Texas năm, sáu chuyến rồi để làm việc với ông, thì với con mắt người thường như chúng ta kết hợp với con mắt nghệ thuật của điêu khắc gia Phạm Thông đã từng làm bức tượng ở Saigon 50 năm về trước nên theo tôi, đây là tác phẩm tuyệt vời rồi!"
Vĩ thanh...

+ Trước đây khi khánh thành tượng Đức Hưng Đạo Vương ở Sài Gòn, phía trước Ban xây dựng có đặt một lư hương để mọi người và du khách có thể thắp nhang khi đến đây. Tuy nhiên sau cuộc xuống đường của đông đảo người dân Sài Gòn chống Trung Quốc nhân ngày 17-2 -2015, chính quyền TP đã không cho để lư hương đã tồn tại gần nửa thế kỷ, thật lạ lùng!

+ Cư dân Khu Little Saigon Nam California, mong muốn Tôn Tượng Đức Hưng Đạo Vương đặt tại Kỳ Đài đền thờ Đức Trần Hưng Đạo số 9070 Bolsa Ave Westminster CA 92683 bằng đồng cao lớn hơn, và nhứt là phải uy nghi, và yêu cầu Ban Quản Trị Đền Thánh cố gắng thực hiện, chi phí Cộng Đồng đóng góp. Sau một thời gian tham khảo, Ban Quản Trị đã liên lạc với ĐKG Phạm Thông, ở Texas người đã thực hiện Tôn Tượng Ngài trước năm 1975 ở Việt Nam.

Hai bên đã thỏa thuận theo hợp đồng như sau :
- Giá cả : 67,000. USD giao làm 3 lần - lần 1 :15,000.00 USD làm khuôn đất sét, nghiệm thu , giao tiếp 35,000.00 USD tiến hành làm khuôn đồng. Trong thời gian nầy đồng hương dâng tặng mấy lượng vàng, Ông PK Nhơn đã mang qua Texas giao cho KTS P Thông để được phủ khắp Tôn Tượng Ngài, khi nhận hàng giao 17,000.00 USD còn lại.
- Thời gian giao nhận, phải trước 30/4/2016, về mặt kỹ thuật, ĐKG Phạm Thông đã hoàn thành những yêu cầu của Ban Quản Trị đền thánh.
Sau khi hoàn thành xong tượng Đức Thánh Trần như ý nguyện, ngày 03 tháng 11/2016 ĐKG Phạm Thông qua đời tại Houston, Texas, hưởng thọ 74 tuổi trong niềm tiếc thương của mọi người.

LÊ SA LONG

Tài liệu tham khảo:
- Ai có về Quy Nhơn- Trần Đình Thái 1974
- Báo Người Việt- 3 - 2016
- Bài viết về tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc đánh đuổi ngoại xâm- ở công trường Mê Linh- tác giả Huy Thành 2012

SOURCE: Fb Hai Giang Bay - Post on November 18, 2018

.

No comments:

Post a Comment