Chuẩn
Tướng Lê Văn Hưng (27.3.1933-30.4.1975)
Tướng Lê Văn Hưng: Từ Sư Ðoàn 21 Ðến Sư Ðoàn 5BB
Ông sinh ngày 27
Tháng 3 năm 1933 tại Hóc Môn, Gia Định
“Tôi bằng lòng chọn cái chết, tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ
được thành, thì phải chết theo thành”.
*****
* Lược ghi về đời binh nghiệp của Tướng Lê Văn Hưng
Tướng Lê Văn Hưng xuất
thân khóa 5 Vì Dân tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, mãn khóa vào tháng 1/1955. Sau ngày ra trường, ông đã có một
thời gian dài chiến đấu tại chiến trường Miền Tây qua các chức vụ các chức vụ
chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn, Trung đoàn thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh (BB).
Năm 1966, ở cấp Thiếu tá, ông là Tiểu
đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 31 BB. Cũng trong năm 1966, ông được các
phóng viên chiến trường vinh danh là một trong năm ngũ hổ U Minh Thượng (ngoài
Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Hưng, 4 sĩ quan khác là: Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu
đoàn trưởng Tiểu đoàn 42 BÐQ; Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu
đoàn 44 BÐQ, Ðại úy Vương Văn Trổ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/33BB; Ðại úy Hồ
Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/33BB).
Năm 1968, ở cấp bậc Trung tá, Sĩ quan
Lê Văn Hưng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 BB. Ông đã chỉ huy Trung đoàn 31
BB lập nhiều chiến tích tại chiến trường Hậu Giang. Cũng trong thời gian chỉ
huy trung đoàn 31BB, ông đã được thăng cấp đại tá.
Giữa tháng 6/1971, ông được bổ nhiệm
giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 BB khi còn mang cấp đại tá, hơn 9 tháng sau, ông
được thăng cấp chuẩn tướng, tiếp tục giữ chức Tư lệnh Sư đoàn này đến ngày 3
tháng 9/1972, sau đó được cử giữ chức tư lệnh phó Quân khu 3.
Một năm sau, Tướng Hưng được bổ nhiệm
làm Tư lệnh Sư đoàn 21 BB, cuối tháng 10/1974, ông đảm nhận chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn 4 và đã tự sát vào tối ngày 30 tháng 4/1975 tại
Cần Thơ.
Tướng Lê Văn Hưng và Sư đoàn 5 BB tại Bình Long hè 1972
Trong suốt 20 năm chiến đấu trên
chiến trường miền Ðông Nam phần, Sư đoàn 5 BB đã tham dự nhiều cuộc hành quân
quy mô, và đã lập nhiều chiến công lớn. Riêng trong cuộc chiến mùa Hè 1972, Sư
đoàn 5 BB dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng, đã cùng với các đơn vị Nhảy
Dù, Biệt động quân, Biệt cách Nhảy Dù và các đơn vị tăng viện giữ vững An
Lộc.
Trận chiến tại Bình Long
đã bắt đầu vào ngày 4/4/1972 khi 1 trung đoàn CSBV tấn công một
chi đội chiến xa tăng phái cho Trung đoàn 9 BB từ biên giới rút về tăng cường
cho lực lượng phòng thủ Lộc Ninh. Ngày 5/4/1972, Cộng quân (CQ) bắt đầu tấn
công vào bộ chỉ huy Chi khu Lộc Ninh và hậu cứ Trung đoàn 9 BB đặt trong quận
lỵ. Ðịch đã mở đầu trận tấn công bằng trận địa pháo và sau đó tung bộ binh,
thiết giáp tấn công cường tập. Lực lượng trú phòng đã chống trả quyết liệt. Vào
trưa cùng ngày, CQ bị đẩy lùi khi cố đánh chiếm phi đạo.
Ngày 6 tháng 4/1972, CQ mở đợt tấn
công mới với sự yểm trợ của 1 tiểu đoàn chiến xa T54 với khoảng 30 chiếc. Pháo
binh VNCH tại Lộc Ninh đã phải hạ nòng bắn trực xạ vào các chiến xa CSBV đang
tiến tới, nhưng do áp lực quá nặng của CQ, thị trấn Lộc Ninh bị tràn ngập, một
thành phần của đơn vị phòng đã vượt thoát khỏi vòng vây của địch và về đến An
Lộc. Sau khi trận tấn công của CQ vào Lộc Ninh diễn ra, Trung tướng Nguyễn Văn
Minh, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã khởi động kế hoạch bảo vệ An Lộc.
Theo kế hoạch của Tướng Minh, bộ Tư
lệnh Hành quân của Sư đoàn 5 BB cho Tướng Lê Văn Hưng chỉ huy và 2 tiểu đoàn
của Liên đoàn 3 BÐQ được trực thăng vận vào An Lộc. Cuộc chuyển quân hoàn tất
vào ngày 5 tháng 4/1972. Ngày 7 tháng 4/1972, bộ Tổng tham mưu đã điều động Lữ
đoàn 1 Nhảy Dù tăng viện cho Sư đoàn 5 BB. Sáng ngày 16 tháng 4/1972, Liên đoàn
81 Biệt Cách Dù được lệnh tiếp ứng cho mặt trận Bình Long. Về các đơn vị thuộc
Sư đoàn 5 BB, ngày 11 và 12 tháng 4/1972, Trung đoàn 8 BB được trực thăng vận
vào An Lộc. Trước đó, Sư đoàn 5 BB được bộ Tổng tham mưu tăng viện Trung đoàn
52 của Sư đoàn 18 BB. Trung đoàn này đóng ở khu vực cầu Cần Lê, sau cuộc tấn
công của CQ vào các ngày 6 và 7 tháng 4/1972 đã bị thiệt hại nặng. Trung đoàn 7
BB và Trung đoàn 9 BB bị tổn thất trong các cuộc tấn công vào thượng tuần tháng
4/1972, đã được bổ sung quân số để cùng với các đơn vị bạn phối trí phòng thủ
bảo vệ An Lộc. Sau hơn hai tháng tử chiến với CSBV, dưới quyền tổng chỉ huy của
Tướng Lê Văn Hưng, Lực lượng VNCH đã giữ vững được An Lộc và sau đó đã khởi
động các cuộc phản công giải tỏa áp lực địch ở các khu vực phụ cận thị xã tỉnh
lỵ.
Câu chuyện về Tướng Lê Văn Hưng tại mặt trận An Lộc
Trong hơn 2 tháng tổng chỉ huy lực
lượng VNCH tại mặt trận An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng đã cùng với quân sĩ các cấp
giữ vững phòng tuyến tỉnh lỵ Bình Long. Trong những giờ phút căng thẳng nhất
của cuộc chiến, ông đã nêu gương sáng cho các sĩ quan thuộc quyền về phong cách
chỉ huy. Giữa tháng 6/1972, một nhóm phóng viên từ Sài Gòn đã đến bộ tư lệnh
Hành quân của Tướng Hưng. Qua tiếp xúc với vị Tư lệnh chiến trường An Lộc, một
phóng viên VTVN đã viết về tướng Hưng như sau.
Bước vào lối đi nhỏ hẹp, đó là con
đường dẫn xuống trung tâm hành quân của Tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh mặt trận
Bình Long. Căn hầm tù mù, 1 ngọn đèn duy nhất chừng 45 nến chỉ mang lại một
chút ánh sáng vàng vọt, không đọc được bức thư. Sau này, chúng tôi (phóng viên)
được biết Tướng Hưng chuẩn bị cho những ngày phong tỏa kéo dài, ông có ba máy
phát điện riêng nhưng nhất quyết chỉ sử dụng một máy mà công suất chỉ đủ dùng
cho hệ thống siêu tần số và các máy liên lạc, còn thừa lại là ánh điện mờ trong
hầm chỉ huy.
Tướng Hưng tự hạn chế mọi tiện nghi
riêng cho sự sống còn của Bình Long. Nếu không còn mạch điện cung cấp cho hệ
thống liên lạc thì An Lộc sẽ thất thủ tức khắc. Ngoài căn hầm trung tâm hành
quân, Tướng Hưng còn lại một căn hầm nhỏ dành riêng cho ông và nơi này chỉ được
thắp sáng khi cần, bằng pin với bóng đèn xe đạp. Tướng Hưng chỉ sử dụng 1 máy
phát điện, hai máy còn lại phải phòng hờ cho trường hợp máy đang phát bị trúng
đạn pháo kích. Hơn nữa mức dự trữ nhiên liệu chỉ đủ cho thời gian 1 tuần
lễ.
Theo lời yêu cầu của Tướng Hưng, bộ
Tư lệnh Quân đoàn 3 có thả dù các phuy xăng nhưng trong 10 thùng khi chạm đất
thì đã phát nổ đến 9 thùng. Có những ngày Tướng Hưng phải ra lệnh đi mót xăng
từ các xe cộ nằm rải rác trong thành phố. Nhiều người đã chết trong công tác
tầm thường này, nhưng chính là sự hy sinh đầy ý nghĩa cho sự đứng vững của An
Lộc, trong hơn hai tháng trời khói lửa.
Trong trung tâm Hành quân tù mù, Ðại
úy Quí, sĩ quan báo chí Sư đoàn 5 BB, trình diện Tướng Hưng và giới thiệu từng
người trong nhóm phóng viên. Tướng Hưng mặc áo thun xanh và có nụ cười hiền từ,
ông bắt tay mọi người và khất hẹn đến sau phiên họp hành quân sẽ để phóng viên
phỏng vấn. Căn hầm Tướng Hưng rất hẹp so với số người chen chúc làm việc, kích
thước chỉ chừng 4 x 10 mét, tất cả bộ tham mưu của ông làm việc dưới này và
không một ai có quân phục đàng hoàng, không mặc áo thun thì cũng mình trần.
Vào buổi chiều, Tướng Hưng ra khỏi
hầm để nhóm phóng viên thực hiện 1 “show” dã chiến, anh em nhận rõ khuôn mặt
gầy gò rất có nét của ông. Ðiểm đặc biệt là làn da ông trắng xanh sau hơn hai
tháng trời làm việc dưới hầm, tránh các trận pháo kích kinh hoàng mà có lúc đã
lên tới 7,500 trái mỗi ngày. Trong cuộc phỏng vấn, Tướng Hưng thay vì nói về
mình đã chỉ đặc biệt đề cao tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ thuộc mọi quân
binh chủng đã giữ vững An Lộc và tình cảnh bi đát của mấy chục ngàn đồng bào
kẹt giữa vùng lửa đạn Bình Long.
Tướng Hưng trở lại chiến trường miền Tây
Ðầu tháng 9/1972, Tướng Hưng được cử
giữ chức Tư lệnh phó Quân khu 3, đặc trách chỉ huy lực lượng đặc nhiệm phản ứng
cấp thời. Một năm sau, ông trở lại Sư đoàn 21 BB với chức vụ Tư lệnh Sư đoàn.
Trong năm 1974, Tướng Hưng đã điều động các đơn vị trực thuộc mở những cuộc
hành quân đánh bật CSBV tại chiến trường Hậu giang. Cuối tháng 10/1974, Tướng
Hưng bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 BB cho Ðại tá Mạch Văn Trường, nguyên
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 BB tại chiến trường An Lộc Hè 1972, để về Cần
Thơ giữ chức Tư lệnh phó Quân đoàn 4. Tướng Hưng đã tự sát vào tối ngày
30/4/1975 tại văn phòng riêng ở bộ chỉ huy phụ của Quân đoàn 4 (đồng thời là
nơi gia đình Tướng Hưng tạm cư trú), sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt
tay từ biệt tất cả quân sĩ bảo vệ bộ chỉ huy. Sau đó, ông đã quay vào văn
phòng, khóa chặt cửa và tự sát bằng súng lục vào lúc 8 giờ 45 phút tối
30/4/1975.
(Biên soạn dựa theo tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ
TTM/QL.VNCH, bài viết của nhóm phóng viên chiến trường được phổ biến năm 1972,
lời kể của phu nhân cố Thiếu tướng Lê Văn Hưng).
SOURCE:
Sự Thật về Cái Chết Của Tướng Lê Văn Hưng
Ngày 21/4/1975, khi Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho cụ Trần Văn Hương, tôi còn
nhớ rõ lời ông Thiệu nói: "Mất một Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, quân đội
còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu.
Tôi nguyện sẽ chiến đấu kế bên anh em chiến sĩ." Lời tuyên bố của ông
Thiệu đã gây cho tôi sự xúc động. Thế rồi lời tuyên bố ấy cũng đã bay theo gió,
khi số lớn cấp chỉ huy trực tiếp điều hành guồng máy quốc gia đã vỗ cánh chim
bay sang ngoại quốc, tìm nơi ẩn trốn an lành, bỏ mặc quê nhà, dân tộc và quân
đội đang chết đuối trong cuồng phong súng đạn tơi bời, Thiếu Tướng Nam, Hưng,
Hai, Vỹ, Phú. Nhắc đến đây tôi không ngăn nổi tiếng nấc nghẹn ngào.
Ôi tiếng súng nổ rền vang
trên khắp lãnh thổ. Mùa hè năm 1972, nhà văn Phan Nhật Nam đã mệnh danh là mùa
hè đỏ lửa. Mùa hè máu. Mùa hè cuối đày yêu đương. Mùa hè tận cùng vực thẳm. Còn
mùa hè 30/4/1975 bi thương thê thảm ngần nào? Chúng ta còn đủ ngôn từ để diễn
tả tận cùng nỗi thương tâm kinh hoàng của sinh ly, từ biệt, cuống cuồng ấy
không ? Tin thất trận từ các Vùng 1,2,3 bay về dồn dập. Có những nơi chưa đánh
đã bỏ cho địch tràn vào. Cũng có nơi quyết liều tử chiến. Thảm thương thay,
cuộc rút quân hỗn loạn bi đát chưa từng có trong lịch sử và quân sử.
Đài VOA và BBC tuyên bố
những tin thất bại nặng nề về phía QLVNCH khiến lòng dân càng thêm khiếp đảm.
Những đoàn quân thất trận, tả tơi manh giáp, không người chỉ huy, cuống quýt
chạy như đàn vịt bị săn đuổi. Tinh thần binh sĩ rối loạn hoang mang tột độ. Họ
thì thào bảo nhau: "Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm, Đại Tướng Viên đã
cao bay xa chạy, còn đánh đấm gì nữa. Ông Tướng này, ông Tỉnh nọ, đã trốn đi
ngoại quốc, chúng ta còn đánh làm gì." Họ còn hỏi nhau: "Bao nhiêu
năm chúng ta chiến đấu cho tổ quốc, hay chiến đấu cho tập đoàn tham nhũng? Hay
cho cá nhân của ai đây?" Mất người chỉ huy, những quân nhân như rắn không
đầu, rối rít, tan rã. Lại có những câu hỏi: "Quân không Tướng chỉ huy thì
sao?" Có những kẻ chủ tâm dè bỉu, thường chỉ trích chê bai: "Có những
ông Tướng mà biết đánh giặc cái gì! Chỉ có lính đánh để các ông Tướng
hưởng."
Lời phê bình của những kẻ
bất mãn hay những kẻ có tâm địa hạn hẹp, thật chẳng khác nào ếch ngồi đáy
giếng. Cho dù có những vị Tướng bê bối, làm cho quân đội bị nhục, thì cũng có
những vị Tướng trong sạch đức độ, lỗi lạc, tài ba, đáng cho dân quân khâm phục.
Những phần tử bất mãn ấy đã vô tình hay cố ý không thấy việc tối quan hệ của sự
hỗ tương, hỗ trợ, giữa các Tướng Lãnh, Sĩ Quan, và Binh Sĩ thật cần thiết cho
quân đội và quốc gia như thế nào. Đối với những vị cao minh, hiểu biết giá trị
hy sinh của những người tuẫn tiết, tôi trang trọng cúi đầu cảm tạ, tri ân.
Có nhiều người đã nêu lên
câu hỏi với tôi: "Tại sao Tướng Nam, Tướng Hưng chết làm chi cho uổng? Tại
sao các ông Tướng ấy không tiếp tục chiến đấu? Tại sao các ông không trốn sang
ngoại quốc?" Lại có người nghiêm khắc trách tôi: "Bà thật dở. Nếu là
tôi, tôi quyết liệt can ngăn không để cho các ông ấy chết. Vợ con như thế này,
ông Hưng chết đành bỏ vợ con lại sao?" Ngay cả vài vị phu nhân của các
Tướng Lãnh, hoặc còn ở trong tù, hoặc đã an nhàn nơi xứ người, cũng thốt ra
những lời chỉ trích tôi. Nghe những lời phê bình ấy, tim tôi đau nhói. Tôi tôn
trọng sự nhận xét "theo tầm hiểu biết của họ". Tôi ngán ngẩm không
trả lời, chỉ mỉm cười lắc đầu. Nhưng hôm nay tôi phải lên tiếng. Lên tiếng để
tạ ân những người đang âm thầm chiến đấu ở Việt Nam, để tạ ân những người hùng
can đảm đã, đang, và sẽ tiếp tục đánh đuổi Cộng Sản cứu quê hương, để trả lời
những người đã nêu lên nhiều câu hỏi đó. Tôi trân trọng xin những vị nào đã có
những lời chỉ trích nên bình tâm suy nghĩ lại, trước khi phán đoán vì...những
vị Tướng Lãnh bách chiến bách thắng lại lẽ nào chịu xuôi tay nhục nhã trước
nghịch cảnh, trước kẻ thù? Những vị Tướng đã từng xông pha trong mưa đạn, bao
lần thử thách với tử thần, với nhiều chiến công từ cấp bậc nhỏ lên tới hàng
Tướng Lãnh, đã từng khắc phục gian nguy, xoay ngược thế cờ, chuyển bại thành
thắng trên khắp mặt trận, lẽ nào những vị Tướng ấy chỉ nghe hai tiếng
"buông súng" rồi giản dị xuôi tay tự sát hay sao?
Viết đến đây tôi mạn phép
nêu lên câu hỏi: "Thưa toàn thể quý vị sĩ quan QLVNCH. Ngày quý vị nhận
lãnh chiếc mũ sĩ quan của trường Võ Bị, quý vị còn nhớ sáu chữ gì trên chiếc mũ
ấy không? Sáu chữ mà quý vị trịnh trọng đội lên đầu là: "Tổ Quốc, Danh Dự,
Trách Nhiệm." Ngày mãn khóa sĩ quan với những lời tuyên thệ, quý vị hẳn
nhớ? Cũng như những điều tâm niệm ai lại chẳng thuộc lòng? Những vị bỏ nước ra
đi trước binh biến, những vị ở lại bị sắp hàng vào trại tù Cộng Sản, tôi xin tạ
lỗi, vì thật tình tôi không dám có lời phê phán nào. Tôi chỉ muốn nói lên tất
cả sự thật về cái chết của hai vị Tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng. Hai vị
Tướng này đã ba lần từ chối lời mời di tản sang ngoại quốc của viên cố vấn Mỹ,
cương quyết ở lại tử chiến, bảo vệ mảnh đất Vùng 4. Viên cố vấn Mỹ hối thúc,
đợi chờ không được, sau cùng chán nản và buồn bã bỏ đi.
Trước đó, vào ngày
29/4/1975, lời tuyên bố của Vũ Văn Mẫu và Dương Văn Minh trên đài phát thanh
Sài Còn ra lệnh tất cả người Mỹ phải rời Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ,
thì chính lúc "kế hoạch hành quân mật của hai Tướng Nam Hưng đã hoàn
tất."
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh,
người thay thế Tướng Vĩnh Lộc vào những ngày giờ cuối tới tấp điện thoại về Cần
Thơ. Ông Hạnh đã dùng tình cảm chiến hữu, dùng nghĩa đàn anh thân thuộc, khẩn
khoản yêu cầu Tướng Hưng về hợp tác với Dương Văn Minh và Nguyễn Hữu Hạnh. Thâm
tâm có lẽ ông Hạnh lúc đó muốn đò xét thái độ của hai Tướng Vùng 4 như thế nào.
Nhiều lần, qua cuộc điện đàm với Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tướng Hưng đã luôn
khẳng định: "Không hợp tác với Dương Văn Minh. Không đầu hàng Cộng Sản. Tử
chiến đến cùng."
Khi Tổng Thống Thiệu từ
chức, trao quyền lại cho cụ Trần Văn Hương, và rồi vì hoàn cảnh đắm chìm của vận
mệnh đất nước, trước nhiều áp lực nên cụ Hương đã trao quyền lại cho Dương Văn
Minh, để rồi "ông Tướng hai lần làm đổ nát quê hương, ố hoen lịch sử này,
hạ mình ký tên đâng nước Việt Nam cho Cộng Sản." Vị Tướng Lãnh trấn thủ
một vùng, tùy hoàn cảnh đất nước, và tình hình chiến sự địa phương, trọn quyền
quyết định, xoay chuyển thế cờ, không cần phải tuân lệnh một cách máy móc theo
cấp chỉ huy đầu não đã trốn hết, thì còn chờ lịnh ai? Phải tuân lịnh ai? Tóm
lại, lúc đó lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh và lời kêu gọi của Nguyễn Hữu Hạnh
đã không được Tướng Nam và Tướng Hưng đáp ứng.
Viết đến đây, tôi xúc động
lạ thường. Tôi nghẹn ngào rơi lệ khi nhớ đến một số sĩ quan binh sĩ đã bật oà
khóc lên khi nghe lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Anh em đã ôm lá cờ tổ quốc,
ôm khẩu súng vào lòng nức nở. Có những chi khu trưởng và những đồn trưởng nhất
định đã không chịu đầu hàng. Họ đã tử thủ đến viên đạn chót. Và viên đạn chót
dành để kết liễu đời mình. Cấp bậc của những anh em ấy không cao, chỉ chỉ huy
khu nhỏ, hay một đồn lẻ loi, nhưng tinh thần tranh đấu của anh em cao cả và
hùng thế đấy.
Trong khi Sài Gòn bỏ ngỏ
đầu hàng thì Cần Thơ vẫn an ninh tuyệt đối. Kế hoạch hành quân đã thảo xong. Vũ
khí lương thực đạn dược sẵn sàng. Tất cả đều chuẩn bị cho các cánh quân di chuyển,
sẽ đưa về các tuyến chiến đấu. Kế hoạch di quân, phản công, và bắt tay nằm
trong lịnh mật quân hành đó. Vùng 4 có nhiều địa thế chiến lược, có thể kéo dài
cuộc chiến thêm một thời gian. Bởi lúc đó, cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1975,
chưa có một đồn nào, dù ở quận lỵ xa xôi hẻo lánh ở Vùng 4 đã lọt vào tay giặc
Cộng.
Nhưng, Cần Thơ, sáng ngày
30/4/1974, dân chúng nhốn nháo hoang mang. Đã có một số binh sĩ bỏ ngũ. Tại thị
xã, cảnh náo loạn đáng buồn chưa từng có đã xảy ra. Từng nhóm đông đảo bọn ác
ôn và thừa nước đục thả câu đã ra tay cướp giật tài sản ở các cơ sở Mỹ, và ở
những nhà tư nhân nào đã bỏ trống, bất chấp tiếng súng nổ can thiệp của cảnh
sát duy trì an ninh trật tự công cộng. Chúng cướp giật, đập phá, hò hét như lũ
điên. Chắc chắn trong số này có bọn Cộng Sản nằm vùng có ý đồ gây rối loạn áp
đảo tinh thần binh sĩ.
Lúc ấy Tướng Nam và Tướng
Hưng vẫn còn liên lạc với các cánh quân chạm địch. Nhiều cánh quân nồng cốt
được đưa về thị xã Cần Thơ để bảo vệ Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn, nằm chung quanh vòng
đai Alpha. Từ 2 giờ đến 4 giờ chiều ngày 30 tháng 4, giờ đã điểm. Đúng theo kế
hoạch lệnh hành quân bắt đầu. Nhưng hỡi ôi, khi liên lạc đến các cấp chỉ huy
của các đơn vị thì mới hay họ chưa biết tý gì về kế hoạch, chưa rục rịch chi
hết, ngoài việc thay đổi các cuộc bố trí từ sáng đến giờ phút này.
Tìm kiếm Đại Tá anh ninh,
người mà đã lãnh nhiệm vụ phân phối phóng đồ và lệnh hành quân mật đến các đơn
vị, thì mới vỡ lẽ ra vị sĩ quan này đã đưa vợ con tìm đường tẩu thoát sau khi
ném tất cả mật lệnh vào tay vị Đại Úy dưới quyền. Ông này cũng đã cuốn gói trốn
theo ông Đại Tá đàn anh, cho có thầy, có trò. Các phóng đồ và lệnh hành quân
mật cũng đã biến mất. Thiếu Tướng Nam và Thiếu Tướng Hưng tức uất không sao tả
nổi. Tôi không ngăn nổi tiếng nấc nghẹn ngào khi hồi tưởng lại vẻ bối rối của
Thiếu Tướng và sự đau khổ thất vọng của Hưng. Những đường gân trán nổi vòng
lên, răng cắn chặt, biểu lộ sự đau đớn và chịu đựng kinh hồn. Người đập tay
đánh ầm xuống bàn khi thấy kế hoạch sắp xếp thật tinh vi bị kẻ phản bội hèn
nhát làm gãy đổ bất ngờ. Hưng ngước mắt nhìn tôi như muốn hỏi : "Có đồng ý
đem con lánh nạn không?" Tôi cương quyết từ chối. Tôi không cầu an ích kỷ,
tìm sống riêng, bỏ mặc người trong cảnh dầu sôi lửa đỏ. Tôi nhất định ở lại,
cùng chịu hoạn nạn, cùng liều chết. Hưng hỏi tôi: "Thành công là điều
chúng ta mong ước, nhưng rủi thất bại, em định liệu lẽ nào?" Tôi đáp:
"Thì cùng chết! Các con cũng sẽ thế. Em không muốn một ai trong chúng ta
lọt vào tay Cộng Sản."
Và để khỏi phải sa vào tay
giặc Cộng, tôi bình tĩnh thu xếp cho cái chết sắp tới cho mẹ con tôi, đường
giải thóat cuối cùng của chúng tôi. Bốn giờ 45 chiều ngày 30/4/75, Tướng Hưng
rời bỏ văn phòng ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4, về bộ chỉ huy phụ, nơi chúng tôi tạm
trú. Hưng không muốn chứng kiến cảnh bàn giao ơ nhục sắp tới giữa Thiếu Tướng
Nam và tên Thiếu Tá Việt Cộng Hoàng Văn Thạch. Năm giờ rưỡi chiều ngày 30 tháng
4, khi Hoàng Văn Thạch tiến vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn là lúc Hưng gọi máy liên
lạc với Tướng Mạch Văn Trường, ra lệnh đưa hai chi đội thiết giáp tới án ngữ ở
dinh Tỉnh Trưởng để bảo vệ Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 21 mới về đóng nơi đây. Sau đó
Hưng tiếp tục liên lạc với các đơn vị đang tiếp tục chạm súng ở các tiểu khu.
Đồng thời Hưng mời Tướng Mạch Văn Trường cùng các đơn vị trưởng ở chung quanh
vòng đai thị xã Cần Thơ về họp.
Sáu giờ 30 chiều ngày 30
tháng 4, khi các vị sĩ quan vừa ra đến cổng, có một toán thân hào nhân sĩ quen
biết tại Cần Thơ đang chực sẵn. Họ gồm khoảng 10 người. Họ xin gặp Tướng Hưng,
với tư cách đại diện dân chúng thị xã, yêu cầu: "Chúng tôi biết Thiếu
Tướng không bao giờ chịu khuất phục. Nhưng xin Thiếu Tướng đừng phản công. Chỉ
một tiếng lệnh của Thiếu Tướng phản công, Việt Cộng sẽ pháo kích mạnh mẽ vào
thị xã. Cần Thơ sẽ nát tan, thành bình địa như An Lộc. Dù sao, vận nước đã như
thế này rồi, xin Thiếu Tướng hãy vì dân chúng, bảo toàn mạng sống của dân, dẹp
bỏ tánh khí khái, can cường..." Nghe họ nói, tôi cảm thấy đau lòng lẫn khó
chịu. Tôi cũng không ngạc nhiên về lời yêu cầu đó. Bởi mới tuần lễ trước, Việt
Cộng đã pháo kích nặng nề vào khu Cầu Đôi, cách Bộ Tư Lệnh không xa, gây thiệt
hại cao về nhân mạng và tài sản của đồng bào. Dân chúng Cần Thơ còn khiếp đảm.
Hưng như đứng chết lặng trước lời yêu cầu ấy. Một lát sau, Hưng cố gượng nở nụ
cười trả lời: "Xin các ông yên lòng. Tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh gây
thiệt hại cho dân chúng." Toán người ấy ra về. Hưng quay sang hỏi tôi:
"Em còn nhớ tấm gương cụ Phan Thanh Giản? Bị mất ba tỉnh miền đông, rồi
cũng vì dân chúng mà cụ Phan Đã nhún mình nhường thêm ba tỉnh miền tây cho quân
Pháp. Cụ Phan không nỡ thấy dân chúng điêu linh và cũng không để mất tiết tháo,
không thể bó tay làm nhục quốc sĩ. Cụ Phan Thanh Giản đãn nhịn ăn rồi uống
thuốc độc quyên sinh." Trầm ngâm vài giây, Hưng tiếp: "Thà chết chứ
đâu thể bó tay trơ mắt nhìn Việt Cộng tràn vào."
Sáu giờ 45 chiều ngày 30
tháng 4, Tướng Nam điện thoại cho Hưng, hỏi tình hình các nơi. Hưng báo với
Tướng Nam về việc đại diện dân chúng thị xã đến yêu cầu thẳng với Hưng. Hưng
cũng cho Tướng Nam biết đặc lệnh truyền tin mới nhất sẽ giao cho người tín cẩn
phân phối. Tướng Nam cho Hưng hay là ông đã cho thu băng lời lêu gọi dân chúng
và lời yêu cầu này sẽ cho đài Cần thơ phát thanh. Nhưng mưu sự tại nhân, thành
sự tại thiên. Thêm một lần nữa, sự gây đổ đau lòng. Đài Cần Thơ bị nội ứng
trước đó, khoảng một giờ, viên giám đốc đài bị uy hiếp, thay vì phát thanh cuốn
băng của Thiếu Tướng Nam trước, chúng thay cuốn băng có lời kêu gọi của Thiếu
Tá Cộng Sản Hoàng Văn Thạch. Khoảng mười phút sau, đài mới phát thanh cuốn băng
của Tướng Nam. Muộn màng rồi. Không còn níu kéo được sự tin tưởng nơi dân chúng
và binh sĩ được nữa. Hàng ngũ các đơn vị đã thưa thớt lại càng thêm thưa thớt.
Bây giờ 7 giờ 30 tối ngày
30 tháng 4, Hưng gọi tôi lên văn phòng làm việc. Đây là giờ phút nghiêm trọng
nhất, không có ai hiện diện hết. Sau khi kể cho tôi nghe hết sự đổ vỡ từ trưa
đến giờ phút đó, Hưng nhấn mạnh: "Hoàng, em đã hiểu sự thất bại do các
nguyên nhân sau đây: Vị Đại Tá không tuân lệnh, nên giờ chót không điều động
quân về các vị trí chiến lược, trù liệu theo kế hoạch. Việc níu kéo sự tin
tưởng của dân chúng và binh sĩ không thành. Lời kêu gọi trễ tràng của Tướng Nam
không có tiếng vang. Cũng như lời yêu cầu của dân chúng thị xã Cần Thơ. Quắc
đôi mắt sáng, Hưng nhìn tôi dằn giọng: "Em phải sống ở lại nuôi con."
Tôi hoảng hốt: "Kìa mình, sao mình đổi ý?" "Con chúng ta vô tội,
anh không nỡ giết con." "Nhưng không thể để con sống với Cộng Sản. Em
sẽ thay mình làm chuyện đó. Chỉ cần chích thuốc ngủ cực mạnh cho con. Chờ em
một chút, chúng ta cùng chết một lúc." "Không thể được. Cha mẹ không
thể giết con. Anh van mình. Chịu nhục, cố sống. Ở lại thay anh, nuôi con trở
thành người công chính. Phú quý vinh hoa địa vị hãy đề phòng, những thứ đó dễ
làm mờ ám lương tri. Nhớ, giang san tổ quốc là trọng đại hơn hết. Gắng chịu cúi
lòn, nhục nhã để nuôi con và cũng nuôi luôn ý chí để có ngày còn phục hận cho
đất nước chúng ta." "Nếu vì con, mình thương con, sao mình không đi
ngoại quốc?" Hưng đanh mặt lại, nghiêm khắc nhìn tôi trách móc: "Em
là vợ anh. Em có thể nói được câu ấy sao?" Biết mình vụng về, lỡ lời xúc
phạm đến người, tôi vội vàng tạ lỗi: "Xin mình tha thứ. Chẳng qua vì quá
thương mình nên em mới nói thế."
Giọng Hưng thật nghiêm
trang mà cũng thật trầm tĩnh: "Nghe anh nói đây. Người ta trốn chạy được.
Chớ anh không gao giờ trốn chạy. Mấy ngàn binh sĩ dưới tay, hồi nào sinh tử có
nhau, giờ bỏ mặc họ tìm sống riêng mình sao? Anh cũng không đầu hàng. Bây giờ
thì rút cũng không kịp nữa, vì vào mật khu mà không có nguồn tiếp liệu vũ khí,
đạn dược, lương thực thì không cầm cự được lâu. Đã muộn rồi. Việt Cộng đang kéo
vào đừng để anh không dằn được nổ súng vào đầu chúng, thì gây thiệt hại cho dân
chúng và anh em binh sĩ. Anh không muốn thấy bóng dáng một tên Việt Cộng
nào." Tôi phát run lên hỏi: "Nhưng mình ơi, còn em? em phải làm gì
trong lúc này?" Nắm chặt tay tôi, Hưng nói: "Vợ chồng tình nghĩa bao
nhiêu lâu, anh hiểu em và em hiểu anh. Em tuy chỉ là con cá nhỏ nhưng biết mang
ý chí kình ngư. Gắng chịu nhục. Dù phải chịu trăm ngàn sự nhục nhã để nuôi con,
để phục hận cho quê hương. Cải trang, cải dạng, len lỏi mà sống. Anh tin em. Vì
anh, vì con, vì nợ nước, tình nhà, em có thể chịu đựng nổi! Nghe lời anh đi.
Anh van mình, anh van mình."
Tôi không sao từ chối được
trước ánh mắt van nài, trước những lời tha thiết ấy: "Vâng, em xin nghe
lời mình." Hưng sợ tôi đổi ý, tiếp lời thúc giục: "Em hứa với anh đi.
Hứa một lời đi." "Em xin hứa. Em xin hứa mình ơi. Nhưng xin cho em
hai điều kiện. Nếu Cộng Sản bắt em phải sống xa con, nếu giặc Cộng làm nhục em,
lúc ấy em có quyền tự sát theo mình chứ?" Hưng suy nghĩ giây lâu, gật đầu
đồng ý, và ra lệnh cho tôi: "Em mời má và đem các con lên lầu gặp
anh."
Tôi quay đi. Ánh mắt bỗng
chợt đập vào lá cờ vẫn dựng ở góc phòng. Tôi vội vàng đem cờ đến bên người. Tôi
nói: "Bao nhiêu năm chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Bây giờ mình hãy giữ
nó." Chúng tôi nhìn nhau cảm thông. Hưng ôm lá cờ, áp vào mặt, đôi mắt
Hưng chợt ướt. Sau cùng Hưng cũng rán đứng lên hối tôi: "Mau mời má và mấy
đứa nhỏ lên." Khi mẹ tôi và các con lên văn phòng, Hưng nói rõ cho mẹ tôi
hiểu vì sao người phải chết và tôi phải sống.
Vâng lệnh Hưng, tôi mời tất
cả sĩ quan binh sĩ còn tụ họp dưới nhà lên văn phòng. Mọi người đứng xếp hàng
nghiêm trang và vô cùng cảm động. Giờ phút từ biệt sanh ly giữa những người
từng bao ngày sống chết bên nhau. Hưng dõng dạc nói: "Tôi không bỏ các anh
và đưa vợ con trốn sang ngoại quốc. Như các anh đã biết, cuộc hành quân chưa
chi đã bị gẫy đổ nửa chừng. Tôi không phản công vào phút chót là vì dân chúng.
Tôi không muốn Việt Cộng pháo kích bừa bãi, biến Cần Thơ thành An Lộc thứ hai.
Tôi cũng không chịu nhục đầu hàng. Các anh đã từng cộng tác với tôi, những lúc
các anh lầm lỗi, tôi rầy la. Rầy la không có nghĩa là ghét bỏ. Rầy la để mến
thương nhau, để xây dựng nhau. Mặc dầu đất nước ta bị bán đứng, bị dâng cho Cộng
Sản, nhưng các anh không trực tiếp chịu tội với quốc dân. Chính những người
trực tiếp nắm vận mệnh các anh, mới chính là những kẻ trọng tội. Xin các anh
tha thứ cho tôi những lỗi lầm, nếu có. Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà
không giữ được nước, không bảo vệ được thành, thì phải chết theo thành, theo
nước, chớ không thể bỏ dân, bỏ nước, trốn chạy, cầu an. Tôi chết rồi, các anh
hãy về với gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi căn dặn: Đừng bao giờ để bị Cộng
Sản tập trung các anh, dù tập trung dưới bất cứ hình thức nào. Tôi có lời chào
vĩnh biệt các anh."
Tướng Hưng đưa tay chào và
bắt tay từng người một. Mọi người đều khóc. Đến bên Thiếu Tá Phương, Trung Úy
Nghĩa, Hưng gởi gấm: "Xin giúp đỡ giùm vợ con tôi. Vĩnh biệt tất cả."
Mọi người đều đứng yên không ai nói lên được lời nào. Mẹ tôi nhào lại ôm chầm
lấy người, xin được chết theo. Hưng an ủi mẹ tôi. Yêu cầu mẹ tôi cố gắng chăm
lo cho cháu ngoại. Hưng ra lệnh cho tất cả mọi người phải ra ngoài.
Không ai chịu đi. Hưng phải
sô từng người ra cửa. Tôi van xin: "Mình cho em ở lại chứng kiến mình
chết." Người từ chối. Nghĩa hoảng sợ bỏ chạy. Hưng quay vào văn phòng đóng
chật cửa lại. Tôi gọi giật Nghĩa: "Nghĩa trở lại với tôi." Tôi bảo
Giêng tìm dao nạy cửa. Giêng bỏ chạy như bay. Nghĩa trở lên, đứng trước cửa chờ
đợi. Có tiếng súng nổ. Tiếng nổ nghe chát chúa. Tôi đưa tay xem đồng hồ: 8 giờ
45 phút tối ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày kết liễu cuộc đời của chúng tôi. Lê
Văn Hưng, anh đã chết. Giêng run run lấy dao nạy cửa. Cửa bật ra. Nghĩa lách
mình nhường tôi chạy vào phòng trước. Hưng ngả người nằm trên, nửa người nằm
dưới, hai cánh tay dang ra, cong lên và giật mạnh, toàn thân run rảy từng cơn.
Đôi mắt Hưng mở to căm hờn. Miệng Hưng há ra, đôi môi mấp máy. Tôi ôm chầm lấy
Hưng hỏi: "Mình, mình ơi! Mình còn lời gì dặn dò em nữa không?" Hưng
không còn trả lời được tiếng nào. Nghĩa gào lên nức nở: "Thiếu Tướng! Trời
ơi, Thiếu Tướng!" Giêng chạy vào phụ Nghĩa đỡ lưng và chân, tôi đỡ đầu
Hưng, đặt nằm ngay ngắn trên giường. Máu tim nhuộm thắm áo trận, ướt đỏ cả tấm
drap trắng. Tôi đưa tay vuốt mắt cho người. Nghĩa vẫn gào khóc: "Thiếu
Tướng! Thiếu Tướng ơi!"
Tôi bảo Giêng: "Nói
Hòa đưa Hải, Hà, Quốc lên nhìn xác ba lần cuối. Dặn Phương cho Khiết, Hoàng giữ
ở cầu thang, bất cứ giá nào chũng phải ngăn chận Việt Cộng." Tôi đi tìm
đầu đạn và đuôi đạn. Còn khẩu súng, lạ lùng thay không biết khẩu súng ở đâu.
Đến lúc tắm rửa người, thay drap dấy máu, tôi mới hiểu. Trước khi hồn lià xác,
với ý chí cuối cùng, người còn bình tĩnh nhét khẩu súng, dấu dưới nệm. Có lẽ
người sợ tôi quá xúc dộng, quên lời hứa, tự sát theo. Bé Hải lúc ấy năm tuổi,
ôm hai chân ba, khóc than, kể lể thảm thiết. Bé Hà hai tuổi, thơ ngây ôm chai
sữa, lên nằm trên bụng ba, bé mở tròn đôi mắt to, ngạc nhiên không thấy ba đưa
tay bế bé như mọi khi.
Nghĩa điện thoại khắp nơi
tìm Thiếu Tướng Nam, không thấy trả lời. Tôi vội vã mở đặc lịnh truyền tin, lên
máy gọi liên lạc với Thiếu Tướng. Lúc ra máy, chỉnh tần số, tôi chỉ nghe những
giọng nói rặc mùi Cộng Sản trên các tần số thuộc đơn vị của chúng ta. Lũ Việt
cộng, ngày 30 tháng 4, tràn vào nhà. Phương cương quyết chận chúng ở cầu thang.
Chín giờ rưỡi, 30 tháng 4, chuông điện thoại reo vang: "Alô, Alô, ai
đây?" "Dạ thưa chị đó à? Hồ Ngọc Cẩn đây." Tôi bàng hoàng:
"Anh Cẩn! Có chuyện chi cần không?" Tôi cố gắng giữ giọng nói cho
bình thường, để Cẩn không nhận biết sự việc xảy ra. Trong điện thoại, về phía
Cẩn, tôi có nghe tiếng súng lớn nhỏ thi nhau nổ ầm ầm. Cẩn hỏi: "Thiếu
Tướng đâu chị? Cho tôi gặp ông một chút." Tôi lúng túng vài giây:
"Ông đang điều động quân ngoài kia." "Chị chạy ra trình Thiếu
Tướng, tôi cần gặp. Trung Úy Nghĩa đâu chị?" "Nghĩa đang ở bên cạnh
Thiếu Tướng. Cẩn chờ một chút nhé." Tôi áp chặt ống điện thoại vào ngực.
Mím môi, nhìn xác Hưng rồi nhìn sang Nghĩa tôi hỏi: "Đại Tá Cẩn đòi gặp
Thiếu Tướng, làm sao bây giờ Nghĩa?" Nghĩa lúng túng: "Cô nói Thiếu
Tướng chết rồi." "Không thể nói như vậy được. Đại Tá Cẩn đang cự
chiến với Việt Cộng."
Trí óc tôi chợt lóe sáng
phi thường. Tôi muốn Cẩn chiến đấu anh hùng. Sống anh hùng. Chết anh hùng. Tôi
đưa máy lên giọng quyết liệt: "Thiếu Tướng không thể vào được. Cẩn cần gì
cứ nói. Tình hình ở Chương Thiện ra sao? Anh còn đủ sức chiến đấu không? Tinh
thần binh sĩ thế nào? Địch ra sao?" "Tụi nó dần tụi tui quá. Tinh
thần anh em vẫn cao. Chị hỏi Thiếu Tướng còn giữ y lịnh không?" "Cẩn
vui lòng chờ chút." Tôi lại áp chặt ống điện thoại vào ngực. Cắn chặt môi
suy nghĩ. Tôi hiểu lời Cẩn hỏi. Trong tích tắc tôi biết khó cứu vãn tình thế. Nhưng
tôi muốn Hồ Ngọc Cẩn phải luôn hiên ngang hào hùng. Tôi quyết định: "Alô.
Cẩn nghe đây: Lịnh Thiếu Tướng. Ông hỏi Cẩn có sẵn sàng tử chiến?" Cẩn đáp
thật nhanh; "Lúc nào cũng sẵn sang, chớ chị!" "Tốt lắm, vậy thì
y lịnh." "Dạ, cám ơn chị." Tôi buông máy gục xuống bên xác Hưng.
Nước mắt trào ra, tôi kêu nho nhỏ: "Vĩnh biệt Cẩn. Vĩnh biệt Cẩn!"
"Anh Cẩn ơi, hồn linh
anh có phảng phất đâu đay, khi tôi ngồi viết lại những dòng này, nước mắt rơi
trên giấy, Anh có biết cho rằng trả lời điện thoại với anh rồi, tôi đau khổ tột
cùng không? Tha thứ cho tôi!" Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã chiến đấu đến viên đạn
cuối cùng, anh đã hiên ngang hào hùng đến giờ phút chót của cuộc đời. Hiểu rõ
Hưng, hiểu rõ tôi, bên kia thế giới không thù hận, chắc anh hiểu rõ tâm trạng
của tôi lúc bấy giờ, hẳn anh tha thứ cho tôi?" Kính thưa toàn thể quý vị
thuộc thân bằng quyến thuộc của Đại Tá Cẩn. Kính thưa quý vị đã đọc những giòng
chữ này. Xin quý vị chớ trách tôi sao dám quyết định. Ngộ biến tùng quyền.
Tướng Hưng đã chết. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam chưa liên lạc được. Vợ người
lính nghĩa quân trưởng đồn, khi Việt Cộng tấn công, chồng chị bị tử thương, chị
đã thay chồng phản công ác liệt. Tôi không thể để một người như Hồ Ngọc Cẩn đưa
tay đầu hàng, hạ mình trước Việt Cộng vào dinh tỉnh trưởng Chương Thiện.
Mười một giờ đêm ngày 30
tháng 4, 1975. Điện thoại lại reo. Lần này, chính giọng của Thiếu Tướng Nguyễn
Khoa Nam: "Alô, chị Hưng!" Tôi vừa khóc, vừa đáp lời Thiếu Tướng:
"Thưa Thiếu Tướng..." Giọng Tướng Nam buồn bã u uất: "Tôi biết
rồi, chị Hưng. tôi chia buồn với chị, nghe chị Hưng." tôi vẫn nức nở:
"Thiếu Tướng nghĩ sao về kế hoạch đã gãy đổ?" "Hưng đã nói với
chị nghe hết rồi hả? Đành vậy thôi. Không phải lỗi chúng ta hèn nhát hay bỏ
cuộc. Sự sụp đổ không cứu vãn được vì lệnh hành quân không được Đại Tá...thi
hành, phóng đồ và lệnh không tới tay các đơn vị trưởng, lời yêu cầu của dân
chúng, lời kêu gọi của tôi quá muộn màng, không hiệu quả, khó cứu vãn nổi tình
hình." Nói đến đây, Thiếu Tướng Nam hỏi tôi: "Chị biết vụ đài phát
thanh bị nội ứng chứ?" "Thưa biết. Hưng cũng bảo tôi như Thiếu Tướng
đã vậy. Bây giờ Thiếu Tướng định liệu lẽ nào, có định phản công không?"
"Chị quên còn dân chúng sao? Cộng Sản coi rẻ mạng dân, còn mình thì...Đàng
chị thế nào?" "Thưa Thiếu Tướng, chúng nó đã tràn đầy dưới nhà. Có
vài tên định nhào lên, nhưng bị Giêng cương quyết đuổi xuống. Hiện chúng đang
thu dọn tài sản. "Còn mấy chú đâu hết?" "Chỉ có Nghĩa và vài ba
người lính ở lại. Còn tất cả đã bỏ đi hết. Hưng đã chết rồi, tôi không màng đến
tài sản. Miễn là chúng đừng đụng đến xác Hưng." "Chị tẩm liệm Hưng
chưa?" "Thưa chưa. Vừa tắm rửa, thay quần áo xong thì Thiếu Tướng gọi
tới." "Chị nên tẩm liệm Hưng ngay đi. Tôi sợ không còn kịp. chúng nó
sẽ không để yên."
"Thiếu Tướng còn dạy
thêm điều gì không? Chẳng lẽ Thiếu Tướng chịu đầu hàng thật sao?" Người
thở dài trong máy. Người nói những lời mà đến chết tôi cũng sẽ không quên:
"Số phận Việt Nam khốn nạn thế đó, chị Hưng ơi! Tôi và Hưng đã sắp đặt tỉ
mỉ, hoàn tất kế hoạch xong xuôi, còn bị phản bội giờ chót." Người chép
miệng thở dài: "Thôi chị Hưng ơi." Bỗng giọng người trầm xuống, ngậm
ngùi: "Hưng chết rồi, chắc tôi cũng chết! Chúng tôi làm Tướng mà không giữ
được nước thì phải chết theo nước." Giọng người bình tĩnh và rắn rỏi:
"Cố gắng can đảm lên nhé chị Hưng. chị phải sống vì mấy đứa nhỏ. Đêm nay
có gì nguy cấp, nhớ gọi tôi. Nếu gọi không được, dặn Nghĩa gọi Thụy, lấy mật mã
mới." "Dạ, cám ơn Thiếu Tướng."
Nói chuyện với Thiếu Tướng
xong, tôi bước ra lan can nhìn xuống. — dưới sân, sĩ quan và lính tráng đã đi
hết. Trừ có Nghĩa còn ở lại. Cổng rào bỏ ngỏ. Gío thổi đong đưa cánh cửa rít
lên những tiếng kẽo kẹt bi ai. Mảnh trăng cuối tuần 19 tháng 3 âm lịch chênh
chếch soi, vẻ ảm đạm thê lương như xót thương cho số phận Việt Nam Cộng Hòa,
cho trò đời bể dâu hưng phế. Viết đến đây, tôi nhớ lại từng lời của Thiếu Tướng
Nguyễn Khoa Nam, của Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Chương thiện Hồ Ngọc Cẩn. Trọn đời
tôi, làm sao tôi có thể quên giọng nói gấp rút của anh Cẩn, giọng trầm buồn của
Tướng Nam.
Bảy giờ sáng ngày 1 tháng
5, năm 1975. Vừa tụng dứt đoạn kinh Sám Tỉnh Thế trong nghi thức cầu siêu cho
Hưng, tôi nghe có tiếng nấc sau lưng. Quay lại, chính là Trung Tá Tùng, bác sĩ
trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Ông đến thăm Hưng lần cuối. Ông
cho biết phải trở lại Quân Y Viện ngay vì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự
sát, xác còn nằm tại Quân Y Viện. Tướng Nam đã bắn vào thái dương, lúc 6 giờ
sáng ngày 1 tháng 5, 1975. cho đến chết, mắt Tướng Nam vẫn mở trừng trừng, uất
hận, miệng người há hốc, đớn đau. Sau cuộc điện đàm với người, tôi đã linh cảm,
biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng khi nghe bác sĩ Tùng báo tin, tôi xúc
động vô cùng, tôi quỳ xuống, hướng về Quân Y Viện, nơi Tướng Nam còn nằm đó,
cầu nguyện: Xin Thiếu Tướng tha thứ. Tôi không dám bỏ xác Hưng để đến vuốt mắt
Thiếu Tướng và lo việc tẩm liệm cho Thiếu Tướng. Bây giờ linh hồn của Thiếu
Tướng đã gặp Hưng, xin linh thiêng phò hộ cho mẹ con tôi thoát khỏi tay Cộng
Sản. Xin thương xót cho quê hương, cho dân tộc chúng ta. Xin thương xót cho
toàn thể anh em binh sĩ.
Trung Úy Nghĩa thay tôi đến
viếng xác người. Trung Úy Thành, vị ân nhân can đảm đặc biệt, đến với tôi trong
giờ phút nguy nan đó. Thành đã mời được Trung Tá Bia đến tẩm liệm cho Hưng.
Những vị ân nhân trong cơn biến loạn ấy, trọn đời tôi xin ghi khắc ơn sâu. Tám
giờ sáng ngày 1 tháng 5, 1975, các sĩ quan quân đoàn, mặc thường phục, đến
viếng xác Hưng. Mầu nhiệm thay, khi gặp lại những cộng sự viên cũ, trong thoáng
chốc, mắt Hưng hé mở, nhìn lên. Và từ trong đôi mắt người chết, có hai giòng lệ
chảy. Mặt người chợt đỏ bừng lên.
Người khóc cho quê hương
đất nước bắt đầu đắm chìm trong điêu linh. Người khóc cho đám tàn quân khốn
khổ. Cho lúc đến chết, hai Tướng Nam và Hưng chỉ phân tách nguyên nhân thất
bại, làm hỏng kế hoạch của hai người. Chớ không ai lên tiếng nặng lời trách móc
vị Đại Tá kia. Xin quý vị hiểu rõ giùm tôi. Tôi tôn trọng danh dự của hai ông,
vợ con và gia đình hai ông. Trong hoàn cảnh căng thẳng của đất nước, khi lòng
người mất niềm tin, hai ông cũng như nhiều người khác, thật sự đáng thương hơn
đáng trách. Không hiểu hai ông có đi thoát, hay bị bắt ở lại.
Vận nước ngàn cân treo sợi
tóc, một vài người dù đánh đổi cả vận mệnh cũng không nâng đỡ nổi tòa nhà Việt
Nam đang sụp đổ tang thương. Nhưng, một ngày chúng ta còn mang trong người dòng
máu của dân tộc Lạc Hồng, còn hít thở được khí trời, là một ngày chúng ta còn
nợ nần quê hương. Đó là món nợ thiêng liêng và cao quý mà ngôn từ loài người
chưa thể diễn tả được sát nghĩa, và thật đúng ý. Sao chúng ta không noi gương
oanh liệt của tổ tiên, của cha ông, nối tiếp ý chí bất khuất của tiền nhân, để
trang trải món nợ ân tình đó? Sao chúng ta cứ lo chê bai, công kích, hãm hại,
đạp chà nhau, để rồi vô tình làm lợi cho bọn cướp nươc Cộng Sản?
Đọc những gì tôi kể ở đoạn
trên, những vị từng hỏi hay mỉa mai tôi, đã hiểu tất cả sự thật vì sao Tướng
Nam và Tướng Hưng đã phải tự sát để bảo tồn tiết tháo. Không ai đem việc thành
bại luận anh hùng. Cũng chớ bao giờ lấy tâm địa tiểu nhân để đo lòng người quân
tử. Chúng ta, những người còn sống, những người Việt Nam ở trong nước hay lưu
vong khắp bốn phương trời, chúng ta phải tự nêu lên câu hỏi: "Chúng ta đã
làm được gì cho đừng hổ thẹn với những người đã nằm xuống? Họ đã nằm xuống
không phải là vì họ hèn nhát! Họ đã nằm xuống là vì muốn bảo toàn sâu chữ mà họ
từng mang trên đầu: Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Nếu chưa làm được gì cho quê
hương, xin hãy thận trọng lời phê phán vô ý thức. Đừng vô tình thành tàn nhẫn
sỉ nhục những người dám chết cho tổ quốc.
Bà Lê Văn Hưng
nhũ danh Phạm Thị Kim Hoàng
nhũ danh Phạm Thị Kim Hoàng
No comments:
Post a Comment