Source:
***
Diễn tiến cuộc di tản khỏi Vùng I
Năm 1975, ngày 19-3, Tướng Trưởng
bay vào Sài Gòn, trình bày hai giải pháp để rút quân khỏi Vùng 1 : Một là nếu Quốc lộ 1 không bị kẹt thì di quân
từ Huế ( Thừa Thiên ) và Chu Lai ( Quảng Tín ) về Đà Nẵng. Hai là trong trường hợp Quốc lộ 1 bị nghẽn
thì di quân từ các nơi tụ về 3 cứ điểm là Huế, Đà Nẵng và Chu Lai..
Theo Tướng
Trưởng thì ông muốn cố thủ tại 3 cứ điểm Huế, Đà Nẵng và Chu Lai. Trong trường hợp phải bỏ bớt đất thì quân tại
Huế và Chu Lai sẽ rút về Đà Nẵng bằng đường biển. Đà Nẵng sẽ trở thành cứ địa với 4 Sư đoàn Bộ
binh và 4 Liên đoàn BĐQ. Ông cho rằng
không nên phí quân để bảo vệ Quốc lộ 1.
Tướng Thiệu
đồng ý với kế hoạch của Tướng Trưởng.
Ông cho biết ông sẽ tuyên bố tử thủ Huế trên đài phát thanh và truyền
hình. Nhưng khi Trưởng về tới Đà Nẵng (
Tối 19-3 ) thì biết tin quân CSVN đã bắt đầu pháo vào quân VNCH từ bên kia bờ
sông Thạch Hãn và đang chuẩn bị tấn công..
Theo như Tướng
Trưởng trả lời phỏng vấn cho Nguyễn Tiến Hưng thì ông gọi về Bộ TTM để xin được
sử dụng Lữ đoàn Dù đang nằm trừ bị tại QK.1.
Tướng Viên bảo Tướng Trưởng gọi thẳng cho Tướng Thiệu. Tướng Thiệu cho biết Tướng Khiêm và Phó Tổng
thống Hương đều chống lại việc cố thủ tại Đà Nẵng lẫn Huế nhưng không quyết định. Tướng Trưởng xin hoãn tuyên bố tử thủ Huế.
Chú giải :
Theo sách của Tướng Viên : “Đêm 19 tháng 3 Quảng Trị mất vào tay địch. Các lực lượng của ta gồm các chi đoàn Thiết Kỵ,
một Liên đoàn BĐQ và 3 Liên đoàn ĐPQ rút về bên này bờ sông Mỹ Chánh. Tại đây ta lập một phòng tuyến mới ( Có thể
Nguyễn Kỳ Phong dịch lầm. Tiểu khu Quảng
Trị chỉ có 1 Liên đoàn gồm 3 Tiểu đoàn chứ không có 3 Liên đoàn. Chỉ có 2 Tiểu khu lớn nhất là Bình Định và Vĩnh
Bình mới có 2 Liên đoàn ).
Sự thực theo
lời kể của Trung tá Lê Công Chính, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 913 ĐPQ/ Tiểu khu
Quảng Trị thì tối 18-3 Đại tá Đỗ Kỳ, Tiểu khu trưởng Quảng Trị, cùng với BCH Tiểu
khu bay vào Huế mà không thông báo cho Liên đoàn ĐPQ gồm tiểu đoàn 105 ĐPQ, 110
ĐPQ và 119 ĐPQ. Trung tá Chính biết được
bèn gom các tiểu đoàn về Mai Đàn, rồi cùng với Lữ đoàn 1 Thiết kỵ rút về phía
Nam sông Mỹ Chánh.
Đúng 19 giờ 30 ngày 19-3, Quảng Trị bỏ ngỏ. Do đó câu
“Quảng Trị mất vào tay địch” trong sách của Tướng Viên là không chính xác, rõ
ràng là ông muốn che giấu một sự thực không hay ho gì đối với những chỉ thị của
cá nhân ông..
Năm 1975, ngày 20-3, buổi sáng,
Tướng Trưởng bay ra BCH tiền phương của Sư đoàn TQLC, cách Mỹ Chánh 7 cây số. Tại đây ông ra lệnh giữ phòng tuyến Mỹ Chánh
theo như kế hoạch giữ Huế bằng mọi giá như ông đã thỏa thuận với Tướng Thiệu.
Buổi trưa,
Tướng Trưởng họp với các Chỉ huy trưởng các đơn vị. Tướng Lâm Quang Thi, Tư lệnh phó Quân đoàn được
cử làm Tư lệnh mặt trận Huế với Lữ đoàn 147 TQLC ở mặt Bắc, Liên đoàn 14 BĐQ và
Liên đoàn 15 BĐQ ở mặt Tây. Sư đoàn 1 BB
ở mặt Đông, Lữ đoàn 258 TQLC ở mặt Đông Nam và
Nam. Liên đoàn 914 ĐPQ thuộc Tiểu
khu Thừa Thiên trấn giữ đèo Hải Vân.
Lúc 1 giờ 30
chiều, đài phát thanh Huế tiếp vận lời hô hào giữ Huế bằng mọi giá của Tổng thống
Thiệu. *( Theo như thỏa thuận giữa TT Thiệu và Tướng Trưởng sáng ngày
19-3. Nhưng vào buổi tối hôm đó Tướng
Trưởng gọi điện thoại cho Tuớng Viên, để nghị TT hoãn tuyên bố tử thủ Huế. Giờ đây TT Thiệu vẫn tuyên bố thì có nghĩa là
Tướng Viên không trình lại cho TT Thiệu ).
Lúc 7 giờ 30
tối, theo như trả lời phỏng vấn của Tướng Trưởng với Nguyễn Tiến Hưng : Tướng Trưởng trở lại Đà Nẵng, ông nhận được
công điện của Tướng Viên : “Chỉ giữ Đà Nẵng mà thôi, đồng thời rút Lữ đoàn 1 Dù
về SGN ” ( Công điện số 2238. Theo Tướng
Viên thì đây là lệnh mật của TT Thiệu gởi qua hệ thống điện báo của Bộ TTM ).
Tướng Trưởng
gọi điện thoại cho Tướng Viên, Tướng Viên bảo gọi thẳng cho Tướng Thiệu. Tướng Trưởng gởi công điện cho Tướng Viên :
“Tôi e rằng không thi hành nổi lệnh này, xin Đại tướng tìm người thay thế
tôi”. Ngày hôm sau Tướng Trưởng nhận được
phúc đáp của Tướng Viên : “Tình hình hết sức khẩn trương, Trung tướng liệu mà
làm”.
Ban đêm, BTL
Sư đoàn Dù và Lữ đoàn 1 Dù rời Đà Nẵng để về SGN.
Năm 1975, ngày 21-3, quân CSVN tấn
công đoàn di tản trên Quốc lộ 1, đoạn Phú Lộc, giữa Huế và Đà Nẵng. Quân Sư đoàn 1 BB tấn công đẩy lui quân CSVN.
Ngày 22-3 :
Quân CSVN tiếp tục tấn công tại Phú Lộc, đến trưa thì lực lượng VNCH gồm
Sư đoàn 1 BB và Liên đoàn 15 BĐQ tan rã.
Ngày 23-3 :
Buổi sáng, quân CSVN bắn 19 trái hỏa tiễn 122 ly váo thành phố Huế, điểm
nổ rời rạc, không gây thiệt hại nhưng gây sốc về tâm lý. Thành phố gần như hổn loạn. Cũng trong ngày này, quận Hậu Đức và quận
Tiên Phước thộc tỉnh Quảng Tín bỏ ngỏ. Quân đội và tập trung về căn cứ Chu Lai,
Quảng Tín. Còn dân chúng chạy về Tam Kỳ,
thủ phủ của tỉnh Quảng Tín, phía Bắc căn cứ Chu Lai.
Tướng Trưởng
ra lệnh bỏ ngỏ hai quận Sơn Trà và Trà Bồng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Hai quân này thuộc vùng núi. Quân đội của hai quận và các tiền đồn xa được
gom về trấn giữ vùng biển.
Ngày
24-3 : Rạng sáng, quân CSVN với xe tăng tấn công thị xã Tam Kỳ. Đến trưa thì thành phố Tam Kỳ bỏ ngỏ, dân
chúng chạy về Đà Nẵng. Quân CSVN tấn
công Quảng Ngãi. Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 1 BB chống không lại ( ?, theo tài
liệu của Tướng Cao văn Viên. Thực ra
không có đánh nhau ) , Tiểu khu Quảng Ngãi được lệnh rút về Chu Lai trong đêm.
Ngày 25-3 :
Tướng Thiệu ra lệnh bỏ Huế và Chu Lai, rút về phòng thủ Đà Nẵng. Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư đoàn 2 BB tại Quảng
Ngãi rút ra Cù Lao Ré, một đảo nằm ngoài khơi Quảng Ngãi. Tại Huế quân đội VNCH được lệnh gom về cửa Tư
Hiền, tại đây Hải quân và Công binh sẽ bắt một đoạn cầu để quân di tản ngược
vào đất liền rồi đi bộ về Đà Nẵng.
Chú giải :
Sau này cựu Tổng thống Thiệu nói với Nguyễn Tiến Hưng rằng ông muốn giữ
Đà Nẵng để dành cho trường hợp Mỹ tái can thiệp vào VN ( Như trường hợp thủ đô
Hán Thành của Nam Hàn bị thất thủ năm 1950 ), lúc đó Đà Nẵng sẽ là đầu cầu để
quân đội HK và VNCH tấn công lấy lại Quân khu 1.
Hễ Đà Nẵng
chưa mất thì có nghĩa là Quân khu 1 còn.
Quân khu 1 còn, có nghĩa là lãnh thổ của VNCH vẫn còn tới Huế, Quảng Trị. Tuy nhiên Tổng thống VNCH suy tính là một
chuyện, nhưng quân lính VNCH có nghĩ như vậy hay không là chuyện khác. Rốt cuộc thì quyền quyết định là của quân
lính. Họ đã quyết định buông súng để lo
cho gia đình của họ, nhiệm vụ của họ đối với đất nước đã chấm dứt cho dầu họ biết
rằng rồi đây gia đình họ sẽ phải sống như những kẻ tội đồ trên mảnh đất hình chữ
S này.
Năm 1975, ngày 26-3, buổi sáng,
cầu nối giữa Tư Hiền và đường bộ bị chậm trễ do có sóng lớn. Buổi trưa, nước thủy triều dâng quá cao để có
thể vượt biển, quân CSVN pháo kích vào đoàn người di tản đang tụ lại cửa Tư Hiền,
hỗn loạn xảy ra. Chỉ có 1/3 tổng số quân
tại Huế về được Đà Nẵng. Và đến Đà Nẵng
thì họ tự động tan hàng để đi tìm thân nhân.
Ngày 28-3, Tướng Trưởng họp các chỉ huy
trưởng tại BTL Quân đoàn nhưng các kế hoạch cứu vãn tình hình trở thành vô hiệu
bởi vì các quân nhân phải lo hộ vệ vợ con họ chuẩn bị di tản vào Nam. Họ buộc phải cởi áo lính, mặc đồ dân sự chứ nếu
họ vẫn mặc đồ lính cùng chạy với vợ con thì quân CSVN sẽ bắn bừa vào vợ con của
họ.
Buổi trưa,
Phòng Tình báo Bộ TTM báo cho Quân đoàn I là quân CSVN sẽ tấn công Đà Nẵng
trong đêm nay. Bộ TTM ( Tướng Viên ) ra
lệnh cho Sư đoàn 1 Không quân di tản phi cơ của họ về Phù Cát hay Phan Rang.
Cũng trong
buổi trưa, các cơ quan quân đội VNCH bỏ ngỏ, lực lượng Địa phương quân và Nghĩa
quân tại Đà Nẵng tự động tan hàng. Buổi
chiều, quân CSVN pháo kích vào BTL Quân đoàn, Phi trường và Căn cứ Hải quân.
Lúc chiều tối,
Tướng Trưởng gọi điện thoại cho Tướng Cao Văn Viên để báo cáo tình hình và xin
chỉ thị. Tướng Viên bảo Tướng Trưởng hỏi
Tướng Thiệu. Theo sách của Tướng Viên
thì Tướng Thiệu không cho lệnh rõ ràng, ông chỉ hỏi là nếu di tản thì có bao
nhiêu quân về được tới nơi an toàn ? Sau
đó thì đường dây liên lạc giữa SGN và Đà Nẵng bị cắt đứt vì đạn pháo kích của
quân CSVN (sic).
Trong đêm, tại
Căn cứ Non nước, Tướng Trưởng họp với Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân
Vùng 1; Tướng Nguyễn Đức Khánh, Tư lệnh
Sư đoàn 1 Không quân; Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, và các
Chỉ huy trưởng để đặt kế hoạch rút khỏi Đà Nẵng bằng đường biển, địa điểm xuống
tàu là cửa khẩu Hội An, dưới chân đèo Hải Vân và núi Non Nước.
Sau cuộc họp,
các tướng dùng 2 trực thăng của Tướng Khánh và Tướng Trưởng bay ra các hải vận
hạm ngoài khơi Đà Nẵng ( Các trực thăng khác của Sư đoàn 1 Không quân đã di tản
từ buổi chiều ). Riêng tướng Trưởng sáng
hôm sau mới bơi ra tàu để lên hải vận hạm.
Ngày 29-3, rạng sáng, tàu Hải quân có mặt
ngoài khơi Đà Nẵng nhưng không cặp sát bờ được vì thủy triều xuống thấp, quân
lính phải lội để lên tàu. Cuộc di tản
không gặp trở ngại cho đến khi quân CSVN pháo kích vào các điểm bốc quân. Mọi chuyện trở nên hỗn loạn, tàu rút ra khơi,
lính chết vì bị pháo và bị chìm rất nhiều. Có 6.000 quân TQLC và 3.000 lính Sư
đoàn 3 BB/VNCH lên được tàu.
Trong khi đó
Sư đoàn 2 BB/VNCH và lực lượng ĐPQ, NQ tại Quảng Ngãi đã được di tản ra Cù Lao
Ré an toàn, và được tàu Hải quân bốc về Miền Nam.
BÙI ANH TRINH
.
No comments:
Post a Comment