1.
Cách đây vài năm, một người bạn ở bên Úc gởi cho tôi CD thâu lại chương trình "70 năm Tình Ca trong tân nhạc Việt Nam" do Hoài Nam phụ trách trên đài phát thanh SBS ở Úc. Do bận rộn nhiều công việc, tôi bỏ quên CD ấy trong ngăn kéo. Mãi đến vài tháng sau, tình cờ thấy lại, tôi lấy ra đem theo trong xe để nghe trong lúc trên đường đến sở làm. Ngay từ những giây phút đầu tiên của phần thứ nhất trong chương trình, giọng nói ấm áp của người phụ trách đã khiến tôi phải chú ý. Sau đó, nếu có bất cứ một thời gian rảnh rỗi nào, tôi đều dùng để nghe cái CD chứa những chương trình phát thanh thật là hấp dẫn ấy. CD có 50 chương trình đã phát thanh được thâu lại và vẫn chưa hòan tất. Tôi tìm địa chỉ đài phát thanh SBS trên mạng để nghe tiếp chương trình của ông Hoài Nam. Và tất nhiên, thâu lại. Vì ông Hoài Nam có thông báo rằng ông không có ý định thực hiện những CD cho chương trình của mình, thính gỉa nếu thích, có thể thâu lại trước khi đài SBS xóa bỏ vì sức chứa những bài lưu trữ của đài có giới hạn. Cuối cùng, tính đến chương trình phát thanh cuối cùng kết thúc 70 năm Tình ca Việt Nam vào đầu năm 2010, tôi có trong tay tổng cộng 94 phần (episodes), mỗi phần chiếm thời lượng khỏang từ 20 phút cho đến 30 phút. Lấy trung bình 25 phút một phần thì 94 phần của chương trình này dài khỏang 2400 phút hay khỏang 40 tiếng hồ liên tục.
Công trình đồ sộ dài 40 tiếng đồng hồ thu thanh nói về Tình ca trong nền tân nhạc Việt Nam kể từ giai đoạn phôi thai năm 1930 cho đến năm 2009, tức khoảng 70 năm, công trình mà ông Hoài Nam khiêm tốn gọi là "chương trình tân nhạc dẫn giải" quả thật đã gây ở tôi một ấn tượng thật mạnh mẽ, đến độ tôi phải tìm hiểu xem tác giả là người thế nào mà đầy khả năng , tâm huyết thực hiện một chương trình khiến rất nhiều bạn bè người quen kẻ biết của tôi, khi được giới thiệu, đã ngay lập tức bày tỏ sự yêu thích và thán phục. Với từ khóa "70 năm tình ca Việt Nam" gõ vào ổ tìm kiếm Google, kết quả cho thấy chương trình này được nối kết (link) hoặc đem về ở hầu hết những diễn đàn, trang mạng điện tử về âm nhạc, về văn chương. Nhiều trang còn có phần minh họa thêm về hình ảnh các nhạc sĩ, các ca sĩ rất chuyên nghiệp, kèm thêm phần bình luận của người xem (nghe). Tất cả đều không tiếc lời khen ngợi chương trình. Nhưng, về tác giả, tôi đã không biết được gì thêm, ngoài cái tên Hoài Nam xa lạ. Ông không có một chức vị gì đứng trước cái tên, chẳng hạn nhạc sĩ, nhà biên khảo, hoặc nhà thơ, nhà văn, những tước hiệu mà tôi cứ đinh ninh sẽ bắt gặp đâu đó trên mạng với cái tên Hoài Nam đi kèm theo. Tước hiệu duy nhất cho tên ông là "phát thanh viên Hoài Nam của đài phát thanh SBS" tôi tìm thấy trên trang diễn đàn âm nhạc Việt Nam thư quán. Càng ngạc nhiên hơn nữa, tuy chương trình 70 năm tình ca của ông đã hòan tất hơn một năm nay, đã được giới thưởng ngọan ưa thích và khen ngợi, nhưng tôi không tìm thấy một bài viết nào về công trình của ông, một công trình mà theo tôi rất xứng đáng được quảng bá, giới thiệu đến mọi thành phần người yêu thích âm nhạc, già cũng như trẻ, ngòai nước cũng như trong nước.
Một người bạn nhạc sĩ của tôi bảo, tất cả những người yêu thích chương trình 70 năm Tình ca Việt Nam đều nợ ông Hoài Nam một lời cám ơn viết bằng chữ hoa. Có lẽ vì lời nhắc nhở ấy, tôi đã không thể chỉ biết ngồi đó gậm nhấm những âm thanh hạnh phúc khi nghe giọng nói trầm ấm ngọt ngào của ông Hoài Nam rót vào hồn bao kỷ niệm của một thời, qua lời giới thiệu lai lịch một bài hát quen thuộc, hoàn cảnh bài hát ấy ra đời và số phận người nhạc sĩ sáng tác bản nhạc ấy bây giờ ra sao.
2.
Hãy thử tưởng tượng công trình 70 năm tình ca Việt nam được biên soạn theo hình thức thông thường như trước đây dưới hình thức một quyển sách, cũng những phân chia thời kỳ, những dẫn giải, những trích dẫn bài nhạc đầy đủ cả lời (có thể cả nhạc kẻ) và so sánh quyển sách ấy với hình thức mà ông Hoài Nam, tác giả công trình đã thực hiện. Tất nhiên, người yêu nhạc hẳn sẽ chọn công trình của ông Hoài Nam, vì nó sống động, hấp dẫn hơn rất nhiều. Người ta nghe nhạc, chứ ít ai đọc nhạc. Thực hiện bằng hình thức audio, người biên sọan phải rất là cẩn trọng, vì mọi sơ suất sẽ dễ dàng bị người nghe nhận diện. Đọc tên một bài nhạc, người yêu nhạc có thể chưa nhận ra ngay được đó là bài nào, của ai. Nhưng khi giai điệu bài hát cất lên, người mộ điệu nhận ra ngay bài hát, dù đôi khi không nhớ hay không biết tên bài hát. Trong suốt 94 buổi phát thanh, đã hơn một lần ông Hoài Nam mắc sai sót. Những sai sót đó, hoặc do chính ông phát hiện ra, hoặc do thính giả liên lạc báo cho ông biết. Nhắc đến chi tiết này ở đây để thấy người thực hiện đã chọn một công việc thập phần khó khăn.
Mặt khác, do nguyên gốc là một chương trình phát thanh, có một thời biểu phát nhất định vào một giờ nào đó trong ngày, hay một ngày nào đó trong tuần, đôi khi không hẳn đã thuận tiện cho nhiều người đón nghe. May thay, với kỹ thuật hiện nay, việc thu lại để nghe, hay tìm nghe trên mạng điện tử vào những ngày giờ thích hợp nhất cho mình thưởng thức đã khiến một công trình biên sọan như của ông Hoài Nam đã trở nên phổ biến đến nhiều giới, nhiều nơi khác nhau và nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Cách đây 40 năm, nếu chúng ta có được phương tiện kỹ thuật trong tầm tay như hiện nay, thì hẳn tòan bộ chương trình "Nhạc Chủ Đề" mỗi tối thứ Năm trên đài phát thanh Sài Gòn dạo ấy do nhà thơ Nguyễn Đình Toàn phụ trách ắt sẽ được ghi lại và ngày nay chúng ta sẽ có một gia tài âm nhạc đồ sộ chứ không phải chỉ một chương trình hiếm hoi được lưu giữ trong băng nhạc chủ đề Tình Ca Việt Nam phát hành năm 1970 mà thời gian gần đây chúng ta thấy lưu truyền trên mạng. Hoặc chương trình "Tiếng Nhạc Tâm Tình" do ca sĩ Anh Ngọc phụ trách, nhà văn Mai Thảo viết và đọc lời dẫn nhập, sẽ được biết đến bởi nhiều thế hệ chứ không chỉ những người cùng thời với ông Hoài Nam như ông đã giới thiệu trong phần nói về nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Nhắc lại sự tiếc nuối này để chúng ta trân trọng hơn nữa chương trình 70 năm Tình ca trong tân nhạc Việt nam gồm 94 episodes mà nhiều người yêu nhạc đang sở hữu trong tay.
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam được Hoài Nam chia ra làm 3 giai đoạn với 5 thế hệ nhạc sĩ.
Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1930 cho đến năm 1946 với những bản nhạc tình bất hủ của những tên tuổi lẫy lừng thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong Văn Phụng, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Đoàn Chuẩn, Đặng thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Phạm Duy, Hòang Trọng, Ngọc Bích, Anh Việt, Lâm Tuyền , Lê Thương .... Đây cũng là thời kỳ của những bài hát mà các nhạc sĩ Lê Thương, Hòang Nguyên gọi là tiếng hát những ngày chưa chiến tranh hay nhạc tiền chiến mà chúng ta thường gọi, dù tên gọi này không được chính xác lắm.
Giai đoạn thứ hai là từ năm 1954 cho đến 1975, lấy dấu mốc Hiệp Định Genève 1954 cho đến biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Trong giai đoạn này, Hoài Nam còn chia ra làm 2 thời kỳ: thời kỳ 1 là từ những ngày tháng miền Nam tương đối còn thanh bình với những nhạc sĩ thế hệ thứ hai như Hoàng Nguyên, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Xuân Tiên, Lê Trọng Nguyễn, Hoàng Thi Thơ v.v... cho đến giữa những năm 60s. Thời kỳ 2 là khi cuộc chiến tranh Quốc Cộng trở nên khốc liệt với sự ra đời của thế hệ nhạc sĩ thứ ba như Trịnh Công Sơn, Minh Kỳ, Hòai linh, Trúc Phương, Khánh Băng, Y Vân v.v.... Đây cũng là giai đoạn Hoài Nam đầu tư công sức vào nhiều nhất với số lượng 55 episodes so sánh với 17 episodes của giai đoạn 1 và 21 episodes cho giai đoạn 3 .
Giai đọan thứ ba là từ sau 1975 cho đến 2009 với các nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ tư như : Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Nguyễn Ánh 9, Lê Tín Hương v..v..và thứ năm như Trúc Hồ, Vũ Tuấn Đức, Ngọc Lễ v.v... cùng với những nhạc sĩ thế hệ thứ hai, thứ ba ở hải ngoại hay còn sinh sống trong nước.
Việc phân chia từng giai đoạn cho nền tân nhạc Việt Nam dựa vào những biến cố lịch sử chứ không dựa vào những thay đổi về khuynh hướng sáng tác , theo tôi, tác giả đã có được sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn. Bởi vì chính những biến cố lịch sử đã tạo nên một dòng nhạc phản chiến hay dòng nhạc xiển dương những tình cảm trong thời chiến trước 1975, đã tạo nên một dòng nhạc hướng vọng quê nhà ở hải ngoại những năm từ 1975 đến 80. Lịch sử Việt Nam từ khi hình thành nền tân nhạc tới nay đầy dẫy những biến cố có khả năng làm thay đổi cách sống, cách nghĩ của nhiều người, nhiều thế hệ, và các sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc – nhất là nhạc tình – một sản phẩm của con người trong giai đoạn nhất định nào đó.
Theo dõi 94 chương trình phát thanh của ông Hoài Nam, người nghe choáng ngợp vì mức độ phong phú của những thông tin. Một bài nhạc mà người nghe có thể đã nghe đi nghe lại hàng chục lần nhưng chưa bao giờ được biết tên tác giả là ai, nói gì đến hòan cảnh bài nhạc ấy ra đời và vị trí của nó trong một giai đoạn lịch sử. Với 70 năm tình ca trong âm nhạc Việt Nam, người mộ điệu có cơ hội biết được những thông tin quý báu đó. Thí dụ như người nhạc sĩ hoàn toàn xa lạ với giới thưởng ngọan trước 75 cũng như sau 75 Marguerite Phạm, theo tiết lộ của Hoài Nam, chính là tác giả một bài hát rất được ưa chuộng là "Sao đành xa em" (Đêm nay, một mình em. Cô đơn dưới ánh đèn vàng . . .) và Marguerite Phạm không ai khác hơn chính là nữ ca sĩ Nguyệt Ánh nổi tiếng với những bài nhạc tranh đấu một thời. Còn nhiều những chi tiết khác, những nhạc sĩ "xa lạ" khác, mà chính tôi, một người mê nhạc từ nhỏ, cũng chỉ biết được nhờ theo dõi chương trình 75 năm Tình ca Việt Nam của Hoài Nam. Đó là một trong những đặc tính của chương trình khiến người nghe thích thú và kiên trì theo dõi với cả một sự háo hức. Đối với những nhạc sĩ đã thành danh và tác phẩm của họ được hầu hết mọi người biết đến, thì sự trình bày của Hoài Nam lại khiến người nghe khoan khóai biểu lộ sự đồng tình. Niềm vui lúc này là ở chỗ đồng điệu, đồng cảm. Thí dụ như hai phần phát thanh đặc biệt dành cho nhạc sĩ quá cố Trầm Tử Thiêng. Sự trân trọng của người thực hiện chương trình 70 năm tình ca dành cho người nhạc sĩ suốt một đời vì nghệ thuật này nói lên tấm lòng biết ơn chân thành của ông, cũng là tấm lòng biết ơn của biết bao con người từng rung động vì những bài nhạc tình, từng yêu mến nhân cách cao quý của người nhạc sĩ.
Tất cả những bài nhạc được dùng để minh họa trong những phần dẫn giải, giới thiệu đều là những bài nhạc quen thuộc với nhiều người. Nhưng điểm thú vị nhất trong lúc nghe lại những bài nhạc ấy trong chương trình 70 năm tình ca là người nghe được nghe từ tiếng hát của người ca sĩ tiêu biểu nhất cho bài nhạc, cũng là tiêu biểu nhất cho thời điểm bài nhạc ra đời, hoặc người ca sĩ đã giới thiệu bài nhạc ấy với công chúng lần đầu tiên. Sự lựa chọn tinh tế đó chứng tỏ người thực hiện phải có một kiến thức phong phú, đã từng sống qua và ghi nhớ được những sinh hoạt văn nghệ một thời và khả năng bắt đúng mạch hơi thở của giới thưởng ngọan của từng thời kỳ mà ông đang giới thiệu.
Chính ở điểm này mà tôi cảm thấy mình phải ít nhất một lần nói lên lời cám ơn với ông Hoài Nam. Trải suốt 70 năm, khối lượng sáng tác về âm nhạc – dù chỉ là giới hạn ở những bài tình ca – đồ sộ biết chừng nào, không ai có thể có thì giờ thưởng thức được hết kho tàng quý giá ấy. Nhưng, may mắn thay, chúng ta đã có ông Hoài Nam bỏ công chắt lọc lại, chỉ chọn ra những bài nhạc tiêu biểu nhất của một nhạc sĩ, tiêu biểu nhất cho một giai đoạn lịch sử, tiêu biểu nhất với một ca sĩ nào đó và những lời dẫn giải ngắn gọn, nhưng đầy đủ và trân trọng.
Một công trình như thế, tưởng phải là công sức của nhiều người, nhiều giới, với sự đầu tư đầy đủ cả về thời gian lẫn tiền bạc. Nhưng hình như – theo tôi biết – ông Hoài Nam đảm trách công việc ấy chỉ với những phương tiện mà ông có được với tư cách một cộng tác viên chương trình tiếng Việt của đài phát thanh SBS. Và hẳn nhiên, với tấm lòng yêu nghệ thuật vô bờ. Nếu không có tình cảm ấy thúc đẩy, chưa chắc gì một nhóm người nào đó với sự tài trợ đầy đủ về phương tiện có thể thực hiện được một công trình đầy giá trị như ông Hoài Nam đã làm.
3.
Một điểm khác của chương trình 70 năm tình ca khiến tôi rất tâm đắc với người thực hiện. Đó là thái độ khiêm tốn, cầu thị, trân trọng và hiểu biết của ông Hoài Nam trong lúc làm công việc giới thiệu các nhạc sĩ. Những nhận xét của ông chừng mực, chính xác và khách quan. Ngay từ đầu, ông Hoài Nam xác nhận ông không có khả năng làm công việc phê bình âm nhạc và không có ý định làm công việc này. Ông chỉ có những nhận xét, mà ông giới hạn chúng từ quan điểm riêng và sự hiểu biết của người thực hiện. Xét cho cùng, khi thực hiện một chương trình đồ sộ phong phú, đa dạng như chương trình 70 năm tình ca, người thực hiện khó tránh khỏi những nhận xét mang tính cách phê bình trong lúc dẫn giải. Nhưng tính cầu thị rất khả ái của ông Hoài Nam đã giúp ông dừng lại trong những giới hạn cần thiết. Chẳng hạn, khi nói về dòng nhạc mà ông gọi là "thời trang" của tình ca Việt Nam giữa những năm 60, 70 (loại nhạc mà có người gọi là nhạc sến, hay nhẹ nhàng hơn là "nhạc quê hương"), Hoài Nam đã rất cẩn trọng trong những dẫn giải của mình. Theo tôi, ở điểm này, Hoài Nam thật nghiêm túc. Ông chỉ nêu chúng ra để phân biệt với những khuynh hướng sáng tác khác cùng thời, đôi khi ở cùng một tác giả nhưng có những khuynh hướng sáng tác khác nhau. Hiện nay, cuộc tranh luận về nhạc sến (tức loại nhạc thời trang theo Hoài Nam) vẫn còn diễn ra ở trong nước. Số người bênh, số người chê vẫn có những lý lẽ riêng của họ, nên sự cẩn trọng của ông Hoài Nam là cần thiết.
Hoặc, khi nói về những nhạc sĩ "gây tranh cãi" như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, ông minh định rất rõ hướng đi và mục đích của mình trong lúc giới thiệu. Sự thẳng thắn và dứt khoát ấy đã ngăn lại được nhiều đầu óc quá khích, cực đoan hay đem quan điểm, lập trường làm thước đo nghệ thuật. Khi giới thiệu những nhạc sĩ trong nước ở thời kỳ sau 75, ông thật khiêm tốn khi tự đánh giá sự giới hạn trong việc theo dõi cũng như nguồn tài liệu của mình khi làm công việc này. Dù vậy, theo tôi, sự thẩm định của ông thật xuất sắc khi giới thiệu những khuôn mặt tiêu biểu ở trong nước. Mặt khác, với tư cách người tị nạn Cộng sản sinh sống ở hải ngoại, ông đã mạnh dạn vượt lên trên mọi thái độ hẹp hòi, thái độ "lên gân lập trường" để công khai công nhận thành quả nghệ thuật của người trong nước, nhất là những nghệ sĩ xuất thân từ miền Bắc như Trần Tiến, Phú Quang, hay là người miền Nam tập kết ra Bắc như Thanh Tùng v.v.... Cái cung cách trang trọng ông giới thiệu nhạc sĩ gốc bộ đội Trần Tiến đã khiến tôi vô cùng xúc động. Qua sự giới thiệu của ông, người nghe ở bên này chiến tuyến hẳn phải đồng ý với ông rằng người nhạc sĩ ở bên kia chiến tuyến ấy xứng đáng nhận một sự chào đón nồng ấm, dù cái oan nghiệt của cuộc chiến vừa qua đã xui khiến có lúc chúng ta là những kẻ thù không đội trời chung của nhau.
Có thể những ghi nhận của ông về nhạc tình trong nước sau 75 còn nhiều thiếu sót, nhưng đó là sự thiếu sót tha thứ được. Vả chăng, chính ông cũng xác nhận rằng những tác giả không được ông nhắc đến trong chương trình của mình không phải vì ông không trân trọng sự nghiệp của họ, mà chỉ là vì sự cách trở về địa lý khiến ông không có được sự hiểu biết cần thiết cũng như nguồn tài liệu đầy đủ để giới thiệu.
Chúng ta đang sống giữa một thế giới thừa mứa nhiều thứ, nhưng lại thiếu lòng khoan dung và sự khiêm tốn, thì thái độ ấy của tác giả 70 năm tình ca là một tấm gương để cho mọi người cùng soi. Trong bối cảnh bát nháo của các diễn đàn hiện nay, lợi dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật trong tầm tay, nhiều người đã không kềm chế được con thú trong bản năng của mình, có những lời lẽ lăng mạ người không cùng quan điểm hoặc mượn diễn đàn ảo (hay còn gọi là diễn đàn giấu mặt, giấu tên) để trút hết những bực bội riêng tư vào việc phê bình người khác một cách vô trách nhiệm, càng khiến sự nghiêm túc trong khen, chê của Hoài Nam thêm phần giá trị. Người nghe có thể không đồng ý với ông về một vấn đề nào đó, nhưng chắc chắn vẫn phải kính trọng cung cách ông trình bày quan điểm của mình.
4.
Tôi vẫn không thể giải tỏa được nỗi ấm ức của mình khi dùng danh xưng khách sáo "ông Hoài Nam" để viết về một người tôi ngưỡng mộ, dù chỉ biết ông qua 2400 phút của chương trình 70 năm Tình ca trong tân nhạc Việt Nam. Tôi đã nhiều lần đắm mình trong giọng nói ấm áp ngọt ngào và những bài nhạc tình đầy ắp kỷ niệm của hai ngàn bốn trăm phút quý báu ấy, cũng như tôi đã lưu trữ chúng để làm của truyền lại cho con cháu mai sau. Nhiều bạn bè tôi cũng đã làm như vậy. Một anh bạn nhà văn, khi nhận được "quà biếu" của tôi là toàn bộ 94 episodes của 70 năm Tình ca, đã viết thật giản dị, mộc mạc mà chí tình "Hoài Nam làm một công trình xịn hết biết ." Một người bạn khác, trong đêm Giáng sinh lạnh buốt của mùa Đông Wichita, đã viết cho tôi "Anh T. Vấn ơi! Tôi đang ngồi cạnh lò sưởi, ly rượu vang trên tay và cùng với người mẹ già 80 tuổi, chúng tôi nghe 70 năm Tình ca mà anh gởi tặng. Quả là những khoảnh khắc tuyệt vời mà tôi được hưởng!" Một đứa cháu của tôi thuộc thế hệ 8x sinh sống ở trong nước, nghe xong chương trình, đã bộc lộ ngắn ngủi "Quá đã! bác Ba ơi!"
Như một cách làm giảm nhẹ sự ấm ức còn chất chứa trong lòng, tôi bắt chước chính ông Hoài Nam khi nói về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và tác phẩm "Bông Hồng tạ ơn" mà Nguyễn Đình Toàn soạn với mục đích tạ ơn những văn thi nghệ sĩ đã cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Ông Hoài Nam ghi nhận rằng, trong tác phẩm đó, Nguyễn Đình Toàn, lẽ dĩ nhiên, không thể tạ ơn chính mình, nên Hoài Nam mượn chương trình phát thanh nói về Nguyễn Đình Toàn để gởi đến người nhạc sĩ đa tài một bông hồng mà ông rất xứng đáng được nhận. Bài viết này có thể chưa nói hết được giá trị công trình có một không hai của ông Hoài Nam, nhưng tác giả của nó cũng mạo muội thay mặt những thính giả yêu thích chương trình 70 năm tình ca gởi đến người thực hiện chương trình là ông Hoài Nam như một bông hồng tươi thắm nhất của lòng biết ơn.
Xin ông hãy nhận cho chúng tôi được nhẹ lòng và thoải mái đắm mình trong từng giây phút của hai ngàn bốn trăm phút 70 năm tình ca Việt Nam mỗi khi có dịp.
T. Vấn
Tháng 1 năm 2011
Cách đây vài năm, một người bạn ở bên Úc gởi cho tôi CD thâu lại chương trình "70 năm Tình Ca trong tân nhạc Việt Nam" do Hoài Nam phụ trách trên đài phát thanh SBS ở Úc. Do bận rộn nhiều công việc, tôi bỏ quên CD ấy trong ngăn kéo. Mãi đến vài tháng sau, tình cờ thấy lại, tôi lấy ra đem theo trong xe để nghe trong lúc trên đường đến sở làm. Ngay từ những giây phút đầu tiên của phần thứ nhất trong chương trình, giọng nói ấm áp của người phụ trách đã khiến tôi phải chú ý. Sau đó, nếu có bất cứ một thời gian rảnh rỗi nào, tôi đều dùng để nghe cái CD chứa những chương trình phát thanh thật là hấp dẫn ấy. CD có 50 chương trình đã phát thanh được thâu lại và vẫn chưa hòan tất. Tôi tìm địa chỉ đài phát thanh SBS trên mạng để nghe tiếp chương trình của ông Hoài Nam. Và tất nhiên, thâu lại. Vì ông Hoài Nam có thông báo rằng ông không có ý định thực hiện những CD cho chương trình của mình, thính gỉa nếu thích, có thể thâu lại trước khi đài SBS xóa bỏ vì sức chứa những bài lưu trữ của đài có giới hạn. Cuối cùng, tính đến chương trình phát thanh cuối cùng kết thúc 70 năm Tình ca Việt Nam vào đầu năm 2010, tôi có trong tay tổng cộng 94 phần (episodes), mỗi phần chiếm thời lượng khỏang từ 20 phút cho đến 30 phút. Lấy trung bình 25 phút một phần thì 94 phần của chương trình này dài khỏang 2400 phút hay khỏang 40 tiếng hồ liên tục.
Công trình đồ sộ dài 40 tiếng đồng hồ thu thanh nói về Tình ca trong nền tân nhạc Việt Nam kể từ giai đoạn phôi thai năm 1930 cho đến năm 2009, tức khoảng 70 năm, công trình mà ông Hoài Nam khiêm tốn gọi là "chương trình tân nhạc dẫn giải" quả thật đã gây ở tôi một ấn tượng thật mạnh mẽ, đến độ tôi phải tìm hiểu xem tác giả là người thế nào mà đầy khả năng , tâm huyết thực hiện một chương trình khiến rất nhiều bạn bè người quen kẻ biết của tôi, khi được giới thiệu, đã ngay lập tức bày tỏ sự yêu thích và thán phục. Với từ khóa "70 năm tình ca Việt Nam" gõ vào ổ tìm kiếm Google, kết quả cho thấy chương trình này được nối kết (link) hoặc đem về ở hầu hết những diễn đàn, trang mạng điện tử về âm nhạc, về văn chương. Nhiều trang còn có phần minh họa thêm về hình ảnh các nhạc sĩ, các ca sĩ rất chuyên nghiệp, kèm thêm phần bình luận của người xem (nghe). Tất cả đều không tiếc lời khen ngợi chương trình. Nhưng, về tác giả, tôi đã không biết được gì thêm, ngoài cái tên Hoài Nam xa lạ. Ông không có một chức vị gì đứng trước cái tên, chẳng hạn nhạc sĩ, nhà biên khảo, hoặc nhà thơ, nhà văn, những tước hiệu mà tôi cứ đinh ninh sẽ bắt gặp đâu đó trên mạng với cái tên Hoài Nam đi kèm theo. Tước hiệu duy nhất cho tên ông là "phát thanh viên Hoài Nam của đài phát thanh SBS" tôi tìm thấy trên trang diễn đàn âm nhạc Việt Nam thư quán. Càng ngạc nhiên hơn nữa, tuy chương trình 70 năm tình ca của ông đã hòan tất hơn một năm nay, đã được giới thưởng ngọan ưa thích và khen ngợi, nhưng tôi không tìm thấy một bài viết nào về công trình của ông, một công trình mà theo tôi rất xứng đáng được quảng bá, giới thiệu đến mọi thành phần người yêu thích âm nhạc, già cũng như trẻ, ngòai nước cũng như trong nước.
Một người bạn nhạc sĩ của tôi bảo, tất cả những người yêu thích chương trình 70 năm Tình ca Việt Nam đều nợ ông Hoài Nam một lời cám ơn viết bằng chữ hoa. Có lẽ vì lời nhắc nhở ấy, tôi đã không thể chỉ biết ngồi đó gậm nhấm những âm thanh hạnh phúc khi nghe giọng nói trầm ấm ngọt ngào của ông Hoài Nam rót vào hồn bao kỷ niệm của một thời, qua lời giới thiệu lai lịch một bài hát quen thuộc, hoàn cảnh bài hát ấy ra đời và số phận người nhạc sĩ sáng tác bản nhạc ấy bây giờ ra sao.
2.
Hãy thử tưởng tượng công trình 70 năm tình ca Việt nam được biên soạn theo hình thức thông thường như trước đây dưới hình thức một quyển sách, cũng những phân chia thời kỳ, những dẫn giải, những trích dẫn bài nhạc đầy đủ cả lời (có thể cả nhạc kẻ) và so sánh quyển sách ấy với hình thức mà ông Hoài Nam, tác giả công trình đã thực hiện. Tất nhiên, người yêu nhạc hẳn sẽ chọn công trình của ông Hoài Nam, vì nó sống động, hấp dẫn hơn rất nhiều. Người ta nghe nhạc, chứ ít ai đọc nhạc. Thực hiện bằng hình thức audio, người biên sọan phải rất là cẩn trọng, vì mọi sơ suất sẽ dễ dàng bị người nghe nhận diện. Đọc tên một bài nhạc, người yêu nhạc có thể chưa nhận ra ngay được đó là bài nào, của ai. Nhưng khi giai điệu bài hát cất lên, người mộ điệu nhận ra ngay bài hát, dù đôi khi không nhớ hay không biết tên bài hát. Trong suốt 94 buổi phát thanh, đã hơn một lần ông Hoài Nam mắc sai sót. Những sai sót đó, hoặc do chính ông phát hiện ra, hoặc do thính giả liên lạc báo cho ông biết. Nhắc đến chi tiết này ở đây để thấy người thực hiện đã chọn một công việc thập phần khó khăn.
Mặt khác, do nguyên gốc là một chương trình phát thanh, có một thời biểu phát nhất định vào một giờ nào đó trong ngày, hay một ngày nào đó trong tuần, đôi khi không hẳn đã thuận tiện cho nhiều người đón nghe. May thay, với kỹ thuật hiện nay, việc thu lại để nghe, hay tìm nghe trên mạng điện tử vào những ngày giờ thích hợp nhất cho mình thưởng thức đã khiến một công trình biên sọan như của ông Hoài Nam đã trở nên phổ biến đến nhiều giới, nhiều nơi khác nhau và nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Cách đây 40 năm, nếu chúng ta có được phương tiện kỹ thuật trong tầm tay như hiện nay, thì hẳn tòan bộ chương trình "Nhạc Chủ Đề" mỗi tối thứ Năm trên đài phát thanh Sài Gòn dạo ấy do nhà thơ Nguyễn Đình Toàn phụ trách ắt sẽ được ghi lại và ngày nay chúng ta sẽ có một gia tài âm nhạc đồ sộ chứ không phải chỉ một chương trình hiếm hoi được lưu giữ trong băng nhạc chủ đề Tình Ca Việt Nam phát hành năm 1970 mà thời gian gần đây chúng ta thấy lưu truyền trên mạng. Hoặc chương trình "Tiếng Nhạc Tâm Tình" do ca sĩ Anh Ngọc phụ trách, nhà văn Mai Thảo viết và đọc lời dẫn nhập, sẽ được biết đến bởi nhiều thế hệ chứ không chỉ những người cùng thời với ông Hoài Nam như ông đã giới thiệu trong phần nói về nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Nhắc lại sự tiếc nuối này để chúng ta trân trọng hơn nữa chương trình 70 năm Tình ca trong tân nhạc Việt nam gồm 94 episodes mà nhiều người yêu nhạc đang sở hữu trong tay.
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam được Hoài Nam chia ra làm 3 giai đoạn với 5 thế hệ nhạc sĩ.
Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1930 cho đến năm 1946 với những bản nhạc tình bất hủ của những tên tuổi lẫy lừng thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong Văn Phụng, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Đoàn Chuẩn, Đặng thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Phạm Duy, Hòang Trọng, Ngọc Bích, Anh Việt, Lâm Tuyền , Lê Thương .... Đây cũng là thời kỳ của những bài hát mà các nhạc sĩ Lê Thương, Hòang Nguyên gọi là tiếng hát những ngày chưa chiến tranh hay nhạc tiền chiến mà chúng ta thường gọi, dù tên gọi này không được chính xác lắm.
Giai đoạn thứ hai là từ năm 1954 cho đến 1975, lấy dấu mốc Hiệp Định Genève 1954 cho đến biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Trong giai đoạn này, Hoài Nam còn chia ra làm 2 thời kỳ: thời kỳ 1 là từ những ngày tháng miền Nam tương đối còn thanh bình với những nhạc sĩ thế hệ thứ hai như Hoàng Nguyên, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Xuân Tiên, Lê Trọng Nguyễn, Hoàng Thi Thơ v.v... cho đến giữa những năm 60s. Thời kỳ 2 là khi cuộc chiến tranh Quốc Cộng trở nên khốc liệt với sự ra đời của thế hệ nhạc sĩ thứ ba như Trịnh Công Sơn, Minh Kỳ, Hòai linh, Trúc Phương, Khánh Băng, Y Vân v.v.... Đây cũng là giai đoạn Hoài Nam đầu tư công sức vào nhiều nhất với số lượng 55 episodes so sánh với 17 episodes của giai đoạn 1 và 21 episodes cho giai đoạn 3 .
Giai đọan thứ ba là từ sau 1975 cho đến 2009 với các nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ tư như : Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Nguyễn Ánh 9, Lê Tín Hương v..v..và thứ năm như Trúc Hồ, Vũ Tuấn Đức, Ngọc Lễ v.v... cùng với những nhạc sĩ thế hệ thứ hai, thứ ba ở hải ngoại hay còn sinh sống trong nước.
Việc phân chia từng giai đoạn cho nền tân nhạc Việt Nam dựa vào những biến cố lịch sử chứ không dựa vào những thay đổi về khuynh hướng sáng tác , theo tôi, tác giả đã có được sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn. Bởi vì chính những biến cố lịch sử đã tạo nên một dòng nhạc phản chiến hay dòng nhạc xiển dương những tình cảm trong thời chiến trước 1975, đã tạo nên một dòng nhạc hướng vọng quê nhà ở hải ngoại những năm từ 1975 đến 80. Lịch sử Việt Nam từ khi hình thành nền tân nhạc tới nay đầy dẫy những biến cố có khả năng làm thay đổi cách sống, cách nghĩ của nhiều người, nhiều thế hệ, và các sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc – nhất là nhạc tình – một sản phẩm của con người trong giai đoạn nhất định nào đó.
Theo dõi 94 chương trình phát thanh của ông Hoài Nam, người nghe choáng ngợp vì mức độ phong phú của những thông tin. Một bài nhạc mà người nghe có thể đã nghe đi nghe lại hàng chục lần nhưng chưa bao giờ được biết tên tác giả là ai, nói gì đến hòan cảnh bài nhạc ấy ra đời và vị trí của nó trong một giai đoạn lịch sử. Với 70 năm tình ca trong âm nhạc Việt Nam, người mộ điệu có cơ hội biết được những thông tin quý báu đó. Thí dụ như người nhạc sĩ hoàn toàn xa lạ với giới thưởng ngọan trước 75 cũng như sau 75 Marguerite Phạm, theo tiết lộ của Hoài Nam, chính là tác giả một bài hát rất được ưa chuộng là "Sao đành xa em" (Đêm nay, một mình em. Cô đơn dưới ánh đèn vàng . . .) và Marguerite Phạm không ai khác hơn chính là nữ ca sĩ Nguyệt Ánh nổi tiếng với những bài nhạc tranh đấu một thời. Còn nhiều những chi tiết khác, những nhạc sĩ "xa lạ" khác, mà chính tôi, một người mê nhạc từ nhỏ, cũng chỉ biết được nhờ theo dõi chương trình 75 năm Tình ca Việt Nam của Hoài Nam. Đó là một trong những đặc tính của chương trình khiến người nghe thích thú và kiên trì theo dõi với cả một sự háo hức. Đối với những nhạc sĩ đã thành danh và tác phẩm của họ được hầu hết mọi người biết đến, thì sự trình bày của Hoài Nam lại khiến người nghe khoan khóai biểu lộ sự đồng tình. Niềm vui lúc này là ở chỗ đồng điệu, đồng cảm. Thí dụ như hai phần phát thanh đặc biệt dành cho nhạc sĩ quá cố Trầm Tử Thiêng. Sự trân trọng của người thực hiện chương trình 70 năm tình ca dành cho người nhạc sĩ suốt một đời vì nghệ thuật này nói lên tấm lòng biết ơn chân thành của ông, cũng là tấm lòng biết ơn của biết bao con người từng rung động vì những bài nhạc tình, từng yêu mến nhân cách cao quý của người nhạc sĩ.
Tất cả những bài nhạc được dùng để minh họa trong những phần dẫn giải, giới thiệu đều là những bài nhạc quen thuộc với nhiều người. Nhưng điểm thú vị nhất trong lúc nghe lại những bài nhạc ấy trong chương trình 70 năm tình ca là người nghe được nghe từ tiếng hát của người ca sĩ tiêu biểu nhất cho bài nhạc, cũng là tiêu biểu nhất cho thời điểm bài nhạc ra đời, hoặc người ca sĩ đã giới thiệu bài nhạc ấy với công chúng lần đầu tiên. Sự lựa chọn tinh tế đó chứng tỏ người thực hiện phải có một kiến thức phong phú, đã từng sống qua và ghi nhớ được những sinh hoạt văn nghệ một thời và khả năng bắt đúng mạch hơi thở của giới thưởng ngọan của từng thời kỳ mà ông đang giới thiệu.
Chính ở điểm này mà tôi cảm thấy mình phải ít nhất một lần nói lên lời cám ơn với ông Hoài Nam. Trải suốt 70 năm, khối lượng sáng tác về âm nhạc – dù chỉ là giới hạn ở những bài tình ca – đồ sộ biết chừng nào, không ai có thể có thì giờ thưởng thức được hết kho tàng quý giá ấy. Nhưng, may mắn thay, chúng ta đã có ông Hoài Nam bỏ công chắt lọc lại, chỉ chọn ra những bài nhạc tiêu biểu nhất của một nhạc sĩ, tiêu biểu nhất cho một giai đoạn lịch sử, tiêu biểu nhất với một ca sĩ nào đó và những lời dẫn giải ngắn gọn, nhưng đầy đủ và trân trọng.
Một công trình như thế, tưởng phải là công sức của nhiều người, nhiều giới, với sự đầu tư đầy đủ cả về thời gian lẫn tiền bạc. Nhưng hình như – theo tôi biết – ông Hoài Nam đảm trách công việc ấy chỉ với những phương tiện mà ông có được với tư cách một cộng tác viên chương trình tiếng Việt của đài phát thanh SBS. Và hẳn nhiên, với tấm lòng yêu nghệ thuật vô bờ. Nếu không có tình cảm ấy thúc đẩy, chưa chắc gì một nhóm người nào đó với sự tài trợ đầy đủ về phương tiện có thể thực hiện được một công trình đầy giá trị như ông Hoài Nam đã làm.
3.
Một điểm khác của chương trình 70 năm tình ca khiến tôi rất tâm đắc với người thực hiện. Đó là thái độ khiêm tốn, cầu thị, trân trọng và hiểu biết của ông Hoài Nam trong lúc làm công việc giới thiệu các nhạc sĩ. Những nhận xét của ông chừng mực, chính xác và khách quan. Ngay từ đầu, ông Hoài Nam xác nhận ông không có khả năng làm công việc phê bình âm nhạc và không có ý định làm công việc này. Ông chỉ có những nhận xét, mà ông giới hạn chúng từ quan điểm riêng và sự hiểu biết của người thực hiện. Xét cho cùng, khi thực hiện một chương trình đồ sộ phong phú, đa dạng như chương trình 70 năm tình ca, người thực hiện khó tránh khỏi những nhận xét mang tính cách phê bình trong lúc dẫn giải. Nhưng tính cầu thị rất khả ái của ông Hoài Nam đã giúp ông dừng lại trong những giới hạn cần thiết. Chẳng hạn, khi nói về dòng nhạc mà ông gọi là "thời trang" của tình ca Việt Nam giữa những năm 60, 70 (loại nhạc mà có người gọi là nhạc sến, hay nhẹ nhàng hơn là "nhạc quê hương"), Hoài Nam đã rất cẩn trọng trong những dẫn giải của mình. Theo tôi, ở điểm này, Hoài Nam thật nghiêm túc. Ông chỉ nêu chúng ra để phân biệt với những khuynh hướng sáng tác khác cùng thời, đôi khi ở cùng một tác giả nhưng có những khuynh hướng sáng tác khác nhau. Hiện nay, cuộc tranh luận về nhạc sến (tức loại nhạc thời trang theo Hoài Nam) vẫn còn diễn ra ở trong nước. Số người bênh, số người chê vẫn có những lý lẽ riêng của họ, nên sự cẩn trọng của ông Hoài Nam là cần thiết.
Hoặc, khi nói về những nhạc sĩ "gây tranh cãi" như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, ông minh định rất rõ hướng đi và mục đích của mình trong lúc giới thiệu. Sự thẳng thắn và dứt khoát ấy đã ngăn lại được nhiều đầu óc quá khích, cực đoan hay đem quan điểm, lập trường làm thước đo nghệ thuật. Khi giới thiệu những nhạc sĩ trong nước ở thời kỳ sau 75, ông thật khiêm tốn khi tự đánh giá sự giới hạn trong việc theo dõi cũng như nguồn tài liệu của mình khi làm công việc này. Dù vậy, theo tôi, sự thẩm định của ông thật xuất sắc khi giới thiệu những khuôn mặt tiêu biểu ở trong nước. Mặt khác, với tư cách người tị nạn Cộng sản sinh sống ở hải ngoại, ông đã mạnh dạn vượt lên trên mọi thái độ hẹp hòi, thái độ "lên gân lập trường" để công khai công nhận thành quả nghệ thuật của người trong nước, nhất là những nghệ sĩ xuất thân từ miền Bắc như Trần Tiến, Phú Quang, hay là người miền Nam tập kết ra Bắc như Thanh Tùng v.v.... Cái cung cách trang trọng ông giới thiệu nhạc sĩ gốc bộ đội Trần Tiến đã khiến tôi vô cùng xúc động. Qua sự giới thiệu của ông, người nghe ở bên này chiến tuyến hẳn phải đồng ý với ông rằng người nhạc sĩ ở bên kia chiến tuyến ấy xứng đáng nhận một sự chào đón nồng ấm, dù cái oan nghiệt của cuộc chiến vừa qua đã xui khiến có lúc chúng ta là những kẻ thù không đội trời chung của nhau.
Có thể những ghi nhận của ông về nhạc tình trong nước sau 75 còn nhiều thiếu sót, nhưng đó là sự thiếu sót tha thứ được. Vả chăng, chính ông cũng xác nhận rằng những tác giả không được ông nhắc đến trong chương trình của mình không phải vì ông không trân trọng sự nghiệp của họ, mà chỉ là vì sự cách trở về địa lý khiến ông không có được sự hiểu biết cần thiết cũng như nguồn tài liệu đầy đủ để giới thiệu.
Chúng ta đang sống giữa một thế giới thừa mứa nhiều thứ, nhưng lại thiếu lòng khoan dung và sự khiêm tốn, thì thái độ ấy của tác giả 70 năm tình ca là một tấm gương để cho mọi người cùng soi. Trong bối cảnh bát nháo của các diễn đàn hiện nay, lợi dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật trong tầm tay, nhiều người đã không kềm chế được con thú trong bản năng của mình, có những lời lẽ lăng mạ người không cùng quan điểm hoặc mượn diễn đàn ảo (hay còn gọi là diễn đàn giấu mặt, giấu tên) để trút hết những bực bội riêng tư vào việc phê bình người khác một cách vô trách nhiệm, càng khiến sự nghiêm túc trong khen, chê của Hoài Nam thêm phần giá trị. Người nghe có thể không đồng ý với ông về một vấn đề nào đó, nhưng chắc chắn vẫn phải kính trọng cung cách ông trình bày quan điểm của mình.
4.
Tôi vẫn không thể giải tỏa được nỗi ấm ức của mình khi dùng danh xưng khách sáo "ông Hoài Nam" để viết về một người tôi ngưỡng mộ, dù chỉ biết ông qua 2400 phút của chương trình 70 năm Tình ca trong tân nhạc Việt Nam. Tôi đã nhiều lần đắm mình trong giọng nói ấm áp ngọt ngào và những bài nhạc tình đầy ắp kỷ niệm của hai ngàn bốn trăm phút quý báu ấy, cũng như tôi đã lưu trữ chúng để làm của truyền lại cho con cháu mai sau. Nhiều bạn bè tôi cũng đã làm như vậy. Một anh bạn nhà văn, khi nhận được "quà biếu" của tôi là toàn bộ 94 episodes của 70 năm Tình ca, đã viết thật giản dị, mộc mạc mà chí tình "Hoài Nam làm một công trình xịn hết biết ." Một người bạn khác, trong đêm Giáng sinh lạnh buốt của mùa Đông Wichita, đã viết cho tôi "Anh T. Vấn ơi! Tôi đang ngồi cạnh lò sưởi, ly rượu vang trên tay và cùng với người mẹ già 80 tuổi, chúng tôi nghe 70 năm Tình ca mà anh gởi tặng. Quả là những khoảnh khắc tuyệt vời mà tôi được hưởng!" Một đứa cháu của tôi thuộc thế hệ 8x sinh sống ở trong nước, nghe xong chương trình, đã bộc lộ ngắn ngủi "Quá đã! bác Ba ơi!"
Như một cách làm giảm nhẹ sự ấm ức còn chất chứa trong lòng, tôi bắt chước chính ông Hoài Nam khi nói về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và tác phẩm "Bông Hồng tạ ơn" mà Nguyễn Đình Toàn soạn với mục đích tạ ơn những văn thi nghệ sĩ đã cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Ông Hoài Nam ghi nhận rằng, trong tác phẩm đó, Nguyễn Đình Toàn, lẽ dĩ nhiên, không thể tạ ơn chính mình, nên Hoài Nam mượn chương trình phát thanh nói về Nguyễn Đình Toàn để gởi đến người nhạc sĩ đa tài một bông hồng mà ông rất xứng đáng được nhận. Bài viết này có thể chưa nói hết được giá trị công trình có một không hai của ông Hoài Nam, nhưng tác giả của nó cũng mạo muội thay mặt những thính giả yêu thích chương trình 70 năm tình ca gởi đến người thực hiện chương trình là ông Hoài Nam như một bông hồng tươi thắm nhất của lòng biết ơn.
Xin ông hãy nhận cho chúng tôi được nhẹ lòng và thoải mái đắm mình trong từng giây phút của hai ngàn bốn trăm phút 70 năm tình ca Việt Nam mỗi khi có dịp.
T. Vấn
Tháng 1 năm 2011
.
No comments:
Post a Comment