Sunday, June 21, 2020

Đọc sách "Chinh chiến điêu linh" . Tác giả: Kiều Mỹ Duyên


Bìa sách “Chinh Chiến Điêu Linh” 
của phóng viên Kiều Mỹ Duyên 


kieu my duyen
Phóng viên Kiều Mỹ Duyên

Lời Giới Thiệu của Nguyên Sa

Trước năm 1975, là một phóng viên chiến trường, tôi có dịp theo bước chân hành quân của các chiến sĩ miền Nam Việt Nam khắp bốn vùng chiến thuật. Hơn mười lăm năm làm báo, tôi đã viết nhiều về sự can đảm và hào hùng của người lính miền Nam, những kẻ đã hy sinh quá nhiều cho người khác được ấm no, hạnh phúc.Dù hôm nay, chung cuộc như thế nào, trong lòng tôi, những hình ảnh oai hùng và sự hy sinh cao cả của các anh, vẫn không bao giờ phai lạt. Cuốn sách này như một đóa hồng nhỏ gửi đến tất cả chiến sĩ QLVNCH để tri ân và để tưởng niệm những chiến sĩ đã đi vào lòng đất mẹ.
Cuốn sách này hoàn tất với sự giúp đỡ của thầy Trần Bích Lan, anh Tạ Tỵ, anh Nguyễn Hòa, chuyên viên về Đông Dương tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, cùng tất cả quý vị quen biết, bạn bè, những nhân vật trong truyện, đã bổ túc nhiều dữ kiện và cho mượn hình ảnh. Đặc biệt, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh cho phép dùng những bức ảnh nghệ thuật của anh. Xin cám ơn tất cả với lòng chân thành.

Kiều Mỹ Duyên

Kiều Mỹ Duyên: Tiểu Sử

Bà tên thật Nguyễn Thị An.
Trước năm 1975, cộng tác với các báo Công Luận, Hòa Bình và Trắng Đen. 
Từ năm 1964, chuyên viết phóng sự về xã hội và chiến trường.
Năm 1976, vượt biên và định cư tại quận Cam (Orange county), Santa Ana, California, Hoa Kỳ. 
Bà tốt nghiệp Báo Chí, Chính Trị và Địa Ốc (1982) tại đại học California State University (Fullerton).
Năm 1984, bà thành lập công ty Western International Real Estatẹ 
Năm 1986, thành lập tổ hợp Ana Funding.
Từ lúc định cư đến nay, bà vẫn tiếp tục viết cho hầu hết báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ về những vấn đề chuyên môn, sinh hoạt của cộng đồng người Việt tị nạn và cuộc sống các tù nhân chính trị.

Tác phẩm:
Chinh Chiến Điêu Linh (1994)

Tôi vẫn thích tiểu thuyết về chiến tranh, thích những cơn lốc cảm xúc ghê gớm của con người trong những tình thế cực đoan, những sự hãi đến kinh hoàng, những mừng vui như sóng ùa vào, như núi đổ xập xuống làm cười to, làm lặng câm, làm bùi ngùi nhỏ lệ. Đúng thế, ở đó, chỉ có ở đó, ở bờ vực của sự sống và cái chết, mới có tình bạn, mới có ý nghĩa của sự sống và tình ái tới mức đam mệ Bi kịch, với những người sống chết ở chiến trường được dựng lên trên sân khấu lớn của thiên nhiên với bối cảnh là núi thật, sông thật, tiếng súng thật vang vang, viên đạn thật xuyên qua cơ thể, màu đỏ tươi chuyển qua đỏ sẫm trước khi chuyển qua tím đen chan hoà trên mặt đất thật sự, thì làm gì còn có tình cảm giả trá, yêu đương trục lợi, nhớ hão thương hờ. Tình bằng hữu ở đó là người bạn lao mình lên phía trước truy cản đỡ lấy viên đạn cho người bạn còn ở lại phía sau. Hình ảnh của người tình, người vợ, hình cha mẹ, dù nhỏ bằng bàn tay, dù cất dấu trong trí nhớ là những mặt trời của giao thông hào, của đêm biên trấn, của chiều bay trên lửa đạn, mặt trời kỳ lạ, có hơi ấm của mặt trời thiên nhiên tích tụ một ngàn năm. Sợ như chưa từng sợ, vui như chưa bao giờ vui thế, cảm xúc ở chỗ vũ bão nhất của cảm xúc, đam mê đến tận cùng, cho nên, những người từ cõi chết đó trở về hơn một người trở thành xa cách trong thế giới bình an, thế giới của những đam mê phân nửa, cảm xúc nhẹ nhàng, thế giới mà sự sống, so với sự sống bên bờ vực cái chết, chỉ còn là một phó bản của sự sống.

Tôi thích tiểu thuyết chiến tranh từ khi còn đi học . Thích "Chiến tranh và hoà bình". Thích "Pilote de guerrẹ" Thích "Le silence de la mer". Thích "Hồi chuông báo tử đổ cho ai?" St Exupery, tác giả Pilote de Guerre, nhìn chiến tranh từ trời cao. Vercors, trong "Niềm Im Lặng Của Biển Cả", nhìn chiến tranh từ một thành phố bị chiếm đóng. Có cây viết nhìn chiến tranh từ Bộ tham mưu hành quân, người này ở mặt trận miền Tây, người kia trong tiểu đội du kích Tây Ban Nha, có người mang lại cho chúng ta cuộc chiến nhìn từ một giao thông hào, cuộc chiến từ tiềm thủy đĩnh ở đáy biển.

Chinh Chiến Điêu Linh của Kiều Mỹ Duyên là cuộc chiến nhìn từ lỗ châu mai của những đồn Địa phương quân ở Sơn Tịnh, ở Minh Lang, ở Sa Huỳnh, ở Đức Phổ, ở Ba Tợ Cuộc chiến của đoàn quân mà Kiều Mỹ Duyên yêu mến bị vây hãm bởi Sư Đoàn 3 Sao Vàng, trước, Sư Đoàn 304 và 308, sau, bị pháo kích như mưa bởi những họng đại bác của Trung Đoàn Pháo 38, bởi những dàn phóng của Trung Đoàn Tên Lửa 84.

Điêu linh của chiến tranh không phải chỉ có mặt tại những đồn binh bị vây khổn, còn có mặt ở những làng mạc bốc cháy, những ngôi trường học bỏ hoang vụ Kiều Mỹ Duyên di chuyển cùng những em học sinh bị thổi bay trong lửa đạn di tản từ phía Nam khởi đi từ Hương Trà, Phú Vang, từ Cam Lộ, La Vang, Hải Lăng, Quảng Trị. Kiều Mỹ Duyên, cùng với những đồng nghiệp, những Barney Seibert, của UPI, Sam Kai Faye, của ABC, cùng Enrico Iacobucci, Ý, Ted Kurrus, Mỹ, nhìn cuộc chiến từ bên bờ sông Mỹ Chánh, từ điểm tựa đóng quân nhất định không lùi thêm một tấc đất nào nữa của Đại tá Phạm Văn Chung. Kiều Mỹ Duyên nhìn cuộc chiến ngày đó ở ngay chân cổ thành Quảng Trị, nhìn lá cờ được kéo vút lên cao trong đêm, lá cờ bay, 'cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu được nhìn thấy lần đầu ngay khi tiếng súng còn vang động cùng khắp, lá cờ bay mà Ted Kurrus so sánh với lá cờ ở Iwo Jima. Lá  cờ bay ở cổ thành Quảng Trị mà nhiều người trong chúng ta nhìn thấy qua hình ảnh bài hát của Phạm Duy, nhiều người đã đến  vùng đất cằn sỏi đá này, đã nhìn thấy tận mắt nền vàng sọc đỏ, Kiều Mỹ Duyên đã nhìn thấy cờ bay trên trời cao và cờ bay trong đáy mắt anh Binh Nhất Hồ Khang, người giữ và cắm lá cờ trên đỉnh cao của Cổ Thành, Hồ Khang Binh Nhất, trong Toán Quyết Tử cắm cờ của Binh Nhất Trưởng Toán Trần Tâm. Kiều Mỹ Duyên nhìn thấy lá cờ bay trong mắt Hồ Khang, khi đi. Không bao giờ nhìn thấy trong mắt Hồ Khang trở về, người anh hùng đã chết khi thi hành nhiệm vụ. Lá cờ bay bằng Máu quê hương.

Người ký giả chiến trường và nhà văn viết tiểu thuyết chiến tranh khác biệt: người thứ nhất có trong tay sức mạnh của thực tại, người thứ nhì xử dụng quyền lực của hư cấu. Tiểu thuyết chiến tranh là sự sâu thẳm đào xuống sâu hơn nữa, có khi xuống tới kiếp người, khởi đi từ hố sâu của chiến hào, phóng sự chiến trường là chiều rộng, là cái rộng lớn mênh mông ghê gớm của những thân người đã đổ la liệt trên chiến địa, là chiều rộng chi chít những sự kiện có thật, thật đến nỗi phần đất nhỏ còn dành lại cho tác phẩm như chữ, như dụng văn, như hoàn chỉnh bố cục dù sáng chói đôi lúc vẫn hiện ra bị lấn áp. 

Chiến trường của Kiều Mỹ Duyên trong Chinh Chiến Điêu Linh cũng mênh mông. Khi thì người nữ ký giả chiến trường này mang lại cho chúng ta cái nhìn đêm cổ thành kéo cờ oanh liệt, cặp mắt ngơ ngác của những em nhỏ bỏ trường học Hương Trà lại phía sau lưng, khi thì Kiều Mỹ Duyên mang lại cho chúng ta cuộc chiến nhìn từ bờ sông Mỹ Chánh. Kiều Mỹ Duyên nhìn cuộc chiến từ phi cơ L19, cái nhìn hướng dẫn hành quân, quan sát mục tiêu, phối hợp hỏa lực. Chương khác là cái nhìn cuộc chiến từ trực thăng tải thương. Chương Biên Trấn là cuộc chiến nhìn từ căn cứ hỏa lực 5 Tam Biên với Liên đoàn 81 Biệt cách Dù với bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh, với Trung Tá Lân, Trung TŸ Thông, người đóng phim Người Tình Không Chân Dung, Trung tá Phan Văn Huấn, Liên đoàn trưởng. 

Phóng sự chiến trường bám sát thực tế, bay lượn cùng khắp với kích thước của thực tế, chi chít thực tế, sôi động thực tế, bát ngát thực tế, ngơ ngác thực tế, ngậm ngùi thực tế, Chinh Chiến Điêu Linh của Kiều Mỹ Duyên, sách gấp lại còn bàng hoàng, còn nhớ mãi trên trời cao có những giải mây tuyệt vời có những cái tên rất văn chương như 'Mùi Máu Tươi Trong Rừng Cây Khuynh Diệp', như 'Chiều Mưa Trên Đồi Sim', như 'Bay Trên Lửa Đạn', như 'Chàng Từ Khi Vào Nơi Gió Cát', còn nhớ mãi trên mặt đất những thân thể của bằng hữu ngã đổ, máu đỏ chan hoà cùng khắp, trong mắt, trên mặt, trên thân thể, dưới vạt áo của Mẹ Quê Hương.
Tôi rất yêu cuốn sách này của Kiều Mỹ Duyên.

Nguyên Sa

Đọc sách:
Lời Giới Thiệu của Nguyên Sa
Chương 1 - Viên Đạn Đã Lên Nòng
Chương 2 - Buổi Chiều Trên Sân Bay Đà Nẵng
Chương 3 - Mùi Máu Tươi Trong Rừng Cây Khuynh Diệp
Chương 4 - Trái Tim Của Miền Trung
Chương 5 - Lời Thề Bên Dòng Sông Mỹ Chánh
Chương 6 - Chiều Mưa Trên Đồi Sim
Chương 7 - Bay Trên Lửa Đạn
Chương 8 - Trên Vùng Trời Trị Thiên
Chương 9 - Trở Lại Cổ Thành
Chương 10 - Đằng Sau Cuộc Chiến
Chương 11 - Cao Nguyên: Sương Mù Hay Khói Súng?
Chương 12 - Bên Dòng Sông Dabla
Chương 13 - Polei Kleng
Chương 14 - Trên Đỉnh Chu Pao
Chương 15 - Biên Trấn
Chương 16 - Qua Cơn Bão Lửa
Chương 17 - Mơ Chút Ánh Mặt Trời
Chương 18 - Nhớ Rừng
Chương 19 - Giữa Vùng Đất Đỏ
Chương 20 - Cuộc Chiến Miền Tây
Chương 21 - Chiều Dừng Quân Bên Biên Giới
Chương 22 - Chàng Từ Khi Vào Nơi Gió Cát

http://vntrungtam.info/thuvien/sach/chinh-chien-dieu-linh?fbclid=IwAR0OBNjGVS0ps6Helupmx9gBKN6ox6f9rV8L7RIPqSQzk7qr01b9JY7B16w

VIETSTAR MEDIA: ĐÀM THOẠI VỚI TÁC GIẢ "CHINH CHIẾN ĐIÊU LINH" (full version)



Tác giả, phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên


"...Tên thật là Nguyễn Thị An. Chị là một tên tuổi rất quen thuộc trong làng báo Việt Nam trước và sau tháng tư đen năm 1975. Nổi tiếng là nữ phóng viên chiến trường xuất sắc trong cuộc chiến Quốc-Cộng hơn 20 năm tại Miền Nam VN, chị cộng tác với một số nhật báo ở Sài-Gòn, đặc biệt là nhật báo Hòa Bình. Tác giả quyển bút ký chiến tranh độc đáo “Chinh Chiến Điêu Linh”.
KMD từng du học Úc Châu nhờ học bổng Colombo Plan vào cuối thập niên 60. Qua Mỹ, chị tốt nghiệp Đại Học Cal State Fullerton.
Hiện KMD là CEO của Ana Real Estate & Ana Funding Inc., Board of Directors của YCMA Orange County. Đồng thời, chị cộng tác với các đài truyền hình SBTN, SET, VNATV… và nhiều đài phát thanh tại hải ngoại. Chị cũng là đặc phái viên của đài Á Châu Tự Do (RFA) lúc khởi đầu... "
Source:
https://nhananhtanvan.wordpress.com/2015/10/23/tac-gia-phong-vien-chien-truong-kieu-my-duyen/


Đọc Chinh Chiến Điêu Linh của phóng viên Kiều Mỹ Duyên


"...Phóng sự hay nhất của ký giả Kiều Mỹ Duyên dài đến 30 trang (trang 147-177) là trận quân Dù và Thủy Quân Lục Chiến phối hợp đánh chiếm lại thành phố Quảng Trị và treo lại lá cờ Vàng trên cổ thành Đinh Công Tráng. Người treo cờ là binh I Hồ Khang đã hy sinh ngay sau khi treo, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ tại trại gia binh của Tiểu Đoàn 5 Dù tại Biên Hoà. Hồ Khang ra đi ngạo nghễ, anh ra đi với lời hô "Việt Nam Cộng Hoà Muôn Năm" sau khi thượng được lá quốc kỳ!"
Source:
https://nhatbaovanhoa.com/p4152a6121/7/tran-anh-tuan-doc-chinh-chien-dieu-linh-cua-phong-vien-kieu-my-duyen

.

No comments:

Post a Comment