CUỘC TRIỆT THOÁI QUÂN ĐOÀN II
(Trang 94 - 101)
Cuối tháng Hai 1975 không chỉ có Bắc
Cộng dàn quân chuẩn bị đánh phá vùng Tây Nguyên và cùng khắp Miền Nam Tự Do, mà
còn có một đạo quân khác được máy bay dân sự đổ xuống Sài Gòn khiến Dinh Độc
Lập xiểng niểng.
"Đạo quân Lập Pháp Mỹ" do
Tổng Thống Ford yêu cầu tới Sài Gòn để tìm hiểu tình hình và nhu cầu của Việt
Nam Cộng Hòa, gồm 1 Thượng Nghị Sĩ và 7 dân biểu. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Tiến
Hưng, đa số trong nhóm dân cử này có thành kiến xấu với ông Thiệu, vừa tới Sài
Gòn là lập tức chia nhau đi tìm những thành phần đối lập với chính phủ để thu
thập tài liệu nhằm cắt viện trợ, thay vì tìm hiểu nhu cầu và giúp cho Việt Nam
Cộng Hòa đủ khả năng chống lại Cộng Sản.
Áp lực vũ khí "cắt viện trợ"
của "Đạo quân Lập Pháp Mỹ" nhiều lần nặng nề hơn đạo quân 20 sư Đoàn
CSBV cùng hàng ngàn xe tăng do khối Cộng Sản Thế Giới cung cấp đang hùng hổ
khắp 4 Quân Khu. Chính áp lực này đã đánh bại quân lực Việt Nam Cộng Hòa, xuyên
qua ông Tổng Tư Lệnh Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ đã quá bấn loạn tâm thần.
Ông Thiệu bấn loạn vì một loạt cú đấm
xối xả tung tới. "Đạo quân Lập Pháp Mỹ" vừa rời Sài Gòn thì đạo quân
3 Sư Đoàn Bắc Cộng tấn công Ban Mê Thuột vào lúc 2 giờ sáng ngày 10 tháng Ba
1975, Ông Thiệu chưa kịp hết ngất ngư thì cùng ngày, phái đoàn của Ngoại Trưởng
Trần Văn Lắm đi Mỹ cầu viện trở về, mang theo một cú đấm khác: không còn hy
vọng được viện trợ bổ sung 300 triệu đô la, trái lại, có thể sẽ không còn viện
trợ quân sự nữa!
Ngay lập tức vào ngày hôm sau, 11 tháng Ba 1975, Tổng Thống Thiệu mở cuộc họp với Thủ Tướng Khiêm, Đại Tướng Viên, và
Trung Tướng Quang, cho biết quyết định tái phối trí "Đầu Teo Đít
To" của ông - tức là bỏ Vùng 1,
Vùng 2, chỉ giữ lại Huế, Đà Nẵng, một phần duyên hải Vùng 2. Cả bốn vị đều là
Tướng lãnh cao cấp Việt Nam Cộng Hòa, không có vị nào phản đối Tướng Thiệu.
Ngày
12 tháng Ba 1975,
Hạ Viện Mỹ xác nhận báo cáo của Ngoại Trưởng Lắm bằng cách biểu quyết không
chuẩn thuận 300 triệu đô la viện trợ bổ sung. Đồng thời Đại Sứ Martin báo cho
Tổng Thống Thiệu biết, quân viện năm tới sẽ không được chuẩn chi kể từ tháng
Sáu. Điều này có nghĩa là Mỹ đã hoàn toàn bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa!
Vào tháng Sáu 1975.
Mà bây giờ đã là tháng Ba!
CUỘC
HỌP MỞ ĐẦU THẢM HỌA
Hai ngày sau, 14 tháng Ba 1975, phái đoàn từ Sài Gòn gồm Tổng Thống Thiệu- Thủ Tướng Khiêm - Đại
Tướng Viên - Trung Tướng Quang bay ra Cam Ranh họp với Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân
Đoàn II Phạm Văn Phú. Có thể coi đây là cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với
Tư Lệnh Quân Đoàn II, vào lúc này thì Thiếu Tướng Phú đã có đầy đủ dữ kiện
về phía địch để trình đến Hội Đồng. Đây cũng là một cuộc họp bị mọi người coi
là đầu mối dẫn tới thảm họa Ba Mươi Tháng Tư Bảy Lăm.
Tổng
Thống muốn Tư Lệnh Quân Đoàn II rút hết Chủ lực quân, xe tăng, pháo binh ở Kon
Tum - Pleiku về Vùng Duyên Hải. Và thêm vào, sau cuộc rút quân, sẽ tổ chức để tái chiếm Ban Mê Thuột. Đặc
biệt, sẽ bỏ lại hết những cơ quan hành chánh địa phương các cấp, các đơn vị Địa
Phương Quân, Nghĩa Quân và dân chúng. Tướng
Phú xin được ở lại tử thủ Kon Tum - Pleiku, xin được tăng viện thêm quân.
Tổng Tư Lệnh Nguyễn Văn Thiệu quay sang Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên,
Tướng Viên lắc đầu nói không còn quân trừ bị để tăng viện cho Tướng Phú nữa.
Mặc dù đã có chủ trương bỏ Vùng 1, Vùng
2, Tổng Thống có lẽ vẫn thấy yêu cầu được tử thủ và tổ chức tái chiếm Ban Mê
Thuột từ Kon Tum - Pleiku của Tướng Phú là hợp lý, nhưng câu trả lời không còn
quân Tổng Trừ Bị của Tướng Viên đã giúp hoặc dồn Tướng Thiệu từ chối đề nghị
của Tướng Phú. Về vấn đề thiếu quân trừ bị để tăng phái cho các Vùng, đó đã là
nhu cầu rất rõ ràng sau Trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, chứ không phải chỉ mới đây.
Hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã phải thường trực có
mặt tại Vùng 1, nhưng còn lực lượng Biệt Động Quân thì sao? Trong suốt 2 năm
1973,1974 Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Trung Ương đã liên tục
bàn bạc về việc thành lập Sư Đoàn Biệt Động Quân, nhưng nhì nhằng mãi không hề
thấy thực hiện. Vào thời điểm cuối 1974, như đã nói phần trên, đã có đến 6 Liên Đoàn
Biệt Động Quân biệt lập (Tổng Trừ Bị) là các Liên Đoàn 4, 5, 6, 7, 8, 9. Vẫn
biết rằng với tình trạng bị cắt viện trợ thì thiếu phương tiện vật chất để
thành lập thêm Sư Đoàn Biệt Động Quân, nhưng nếu biến lực lượng Biệt Động Quân
này thành những Chiến Đoàn hay Binh Đoàn, nằm dưới một hệ thống chỉ huy thống
nhất thì đây vẫn là những Đại Đơn Vị nhiều khả năng chiến đấu hơn dù không thể
so sánh với Sư Đoàn Nhảy Dù hay Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Bộ Tổng Tham Mưu đã làm gì để giải
quyết vấn đề thiếu quân Tổng Trừ Bị? Không làm gì cả.!
Đó là mối họa cho quân đội Việt Nam
Cộng Hòa từ việc ông Tổng Tham Mưu Trưởng bất mãn ông Tổng Thống kiêm Tổng Tư
Lệnh rồi thì chỉ ngồi đó làm vì, không có một sự đóng góp tích cực nào cho quân
đội dưới quyền!
Khi Trận Ban Mê Thuột nổ ra, Bộ Tổng
Tham Mưu tăng phái cho Quân Đoàn II 3 Liên Đoàn riêng lẻ, rời rạc; tại sao đầu
não của quân đội đã không có sáng kiến kết hợp 3 Liên Đoàn lại thành 1 Binh
Đoàn? Dù không sánh được với 2 Sư Đoàn danh tiếng Nhảy Dù hay Thủy Quân Lục
Chiến thì nó cũng là một Đại Đơn Vị, có khả năng chiến đấu cao hơn, dễ dàng cho
Tướng Phú xử dụng hiệu quả hơn.
Vào
những ngày cuối cùng của thủ đô Sài Gòn, trước khi ông Dương Văn Minh kêu gọi
đầu hàng, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân là Thiếu Đỗ Kế Giai đã nhanh chóng
thành lập 2 Sư Đoàn Biệt Động Quân 101 và 106. Nhưng đã quá trễ. Có phải
vì trước đây, chính Bộ Tham Mưu và Đại Tưóng Cao Văn Viên với lối làm việc chậm
chạp, không sáng kiến, không uyển chuyển hợp thời, hợp lý đã là viên đá cản
đường mà Tướng Giai không vượt qua nổi vấn đề thay đổi danh xưng cho Bộ Chỉ Huy
Biệt Động Quân Trung Ương nếu có hơn 1 Sư Đoàn Biệt Động Quân được thành lập?
Trở lại với lệnh rút bỏ Kon Tum -
Pleiku đưa quân về Vùng Duyên Hải, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dùng lối ra lệnh
"lấp lửng" sau khi đã hăm cách chức và bỏ tù Tướng Phú, như đã ra
lệnh "lấp lửng" ở Vùng 1 khiến Tướng Trưởng không biết thật sự ý muốn
của Tổng Thống là bỏ hay quyết giữ Huế. Bị hăm dọa, Tướng Phú đã không còn kịp
hỏi rõ ràng, đưa quân về Nha Trang, nhưng bỏ đất thì bỏ tới đâu? Cái "lấp
lửng" của Tổng Thống Thiệu và sự phân vân của Tướng Phú về việc bỏ hay
không bỏ Phú Bổn đã khiến cho Cuộc Triệt Thoái Quân Đoàn II bế tắc tại thị xã
Cheo Reo.
Nhưng sự phân vân của Tướng Phú là
đúng!
Đã bỏ Pleiku thì cái lòng chảo nhỏ bé
Cheo Reo có thể giữ chân được quân Bắc Cộng không? Chắc chắn là không! Nếu mất
thêm Phú Bổn thì sẽ kéo theo mất Phú Yên, lệnh của Tổng Thống không ấn định rõ
ràng, lại kèm hăm dọa, làm sao Tướng Phú không phân vân cho được?
Bây giờ xin đặt ngược lại chuyện đã
rồi. Cuộc Triệt Thoái Quân Đoàn II thất bại, nhưng giả sử nó thành công, sau đó
các lực lượng Biệt Động Quân được đưa trở ngược lại tái chiếm Ban Mê Thuột thì
việc gì sẽ xảy ra?
Chỉ cần trong vòng 3 ngày là Sư Đoàn
320 VC đang ở trong khu vực Quận Thuần Mẫn cách Pleiku khoảng 14 cây số về
hướng Nam sẽ tràn xuống Phú Yên, chiếm Tuy Hòa. Tỉnh Phú Yên sẽ mất nhanh chóng
vì không có quân chống giữ. Phú Yên mất thì Khánh Hòa sẽ bị áp lực nặng từ hai
hướng Bắc và Tây. Nha Trang cũng không có đủ quân để chống giữ. Tại Ban Mê
Thuột, Bắc Cộng chỉ cần để lại vừa đủ quân cầm chân Việt Nam Cộng Hòa, rồi xử
dụng 1 Sư Đoàn VC tránh chạm súng với quân ta, hành quân đánh thẳng xuống Khánh
Hòa, Nha Trang, hai nơi này không tránh khỏi lọt vào tay quân Bắc Cộng. Lúc đó
thì quân Việt Nam Cộng Hòa sẽ phản ứng ra sao? Kéo ngược đoàn quân tái chiếm
Ban Mê Thuột trở lại?
Vì vậy, lời yêu cầu được tử thủ Kon Tum
- Pleiku của Tướng Phú nếu được chấp thuận sẽ khiến cho chúng ta chỉ mất Ban Mê
Thuột mà thôi. Vùng Duyên Hải cũng chưa bị áp lực nặng nề và Miền Nam Tự Do
cũng không nhanh chóng tan rã chỉ trong vỏn vẹn 55 ngày. Dù rằng trước sau thì
Quân Đoàn II cũng sẽ thất trận, khi đạn dược, lương thực, xăng dầu đã cạn.
Đây là sự công bình cần phải trả lại
cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II và cho tất cả anh em chúng
ta từng mặc áo lính Việt Nam Cộng Hòa, nhất là các chiến sĩ phục vụ tại Quân
Khu II!
Một vài thuộc cấp của Tướng Phú vì
những bất mãn hay tư thù trước đây, và cũng có thể vì không đủ trình độ nhận
thức dù là Sĩ Quan cao cấp, đã lên tiếng tại hải ngoại nhằm chà đạp uy tín của
ông, giúp cho người Mỹ có thêm "chứng cớ" để chứng minh là quân đội
Việt Nam Cộng Hòa thất trận trên các chiến trường vì quá tệ chứ không phải vì
bị cắt / cúp viện trợ!
Chính những cá nhân này mới thực là quá
tồi tệ !!
Riêng phần Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa
Nguyễn Văn Thiệu, ông đã giữ im lặng đến tận cuối đời, để lại rất nhiều thắc
mắc cho những người còn lại. Chẳng hạn như, phải chăng ông Thiệu vì biết trước
sau cũng mất nước, đã cho hai Cuộc triệt thoái Vùng I và Vùng II xẩy ra để đi
đến một kết thúc sớm, tiết kiệm được sinh mạng và vật chất của quân - dân? hay
vì ông Thiệu muốn dùng cơ hội này làm cớ rút lui khỏi chính trường trong êm
thắm?
Các thắc mắc như trên sẽ không bao giờ
có giải đáp nữa, vì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng cho
dù có giải đáp, thì quyết định về hai Cuộc Triệt Thoái nói trên vẫn là một sự
sai trái không thể chấp nhận và đầy thảm họa!
https://vietmessenger.com/books/?title=chuan%20tuong%20pham%20duy%20tat%20va%20su%20tha%20tcuoc%20triet%20thoai%20quan%20doan%20ii&page=6&fbclid=IwAR3UTzsLFuMWNCpm_XjIGkurLWxzEUgKzT2J11BFsHuGsbjhFo59QGnaFtw
.
No comments:
Post a Comment