Friday, June 26, 2020

Quân CSBV cô lập Cao nguyên (Bùi Anh Trinh)


Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh

Hồi ký của Ủy viên BCT/CSVN Hoàng Văn Hoan : “Chỉ sau khi quân Giải phóng đánh chiếm được Phước Long thì Bộ chính trị mới quyết tâm mở chiến dịch Ban Mê Thuột, và cử Văn Tiến Dũng vào Nam để truyền đạt chỉ thị của BCT cho chiến trường Tây Nguyên và tổ chức hiệp đồng chiến đấu…”

Trận Yun Katé – Thanh An, Sư đoàn 968 CSVN bị tiêu diệt

Năm 1975, ngày 14-1, lúc 10 giờ 30 sáng. Trong một phi vụ không thám kiểm soát đường mòn Hồ Chí Minh, Trung úy Trác Ngọc Anh thuộc Biệt đội Quân báo Quân đoàn 2 phát hiện 300 xe vận tải chở quân đang di chuyển trên Đường mòn HCM ngang khu vực Yun Katé -Thanh An.  Quân đoàn 2 báo về Bộ TTM và ngay sau đó BTL Không quân VNCH điều động 101 phi tuần A.37 và F.5 từ các phi trường Pleiku,  Phù Cát, Phan Rang, Đà Nẵng thả bom tấn công đoàn xe suốt 5 giờ đồng hồ.  Đến 4 giờ chiều thì không ảnh chụp được khoảng 200 chiếc bị hủy hoại tại chỗ.
Kết quả phối kiểm cho thấy đây là đoàn xe chở Sư đoàn 968 từ Hạ Lào vào Tây Nguyên để chuẩn bị trận đánh Ban Mê Thuột.  Trung úy Trác Ngọc Anh được thăng cấp Đại úy ngay chiều hôm đó.
Hiệu quả của 101 phi tuần dội bom không được kiểm chứng chính xác vì nằm trong khu vực ngoài biên giới nhưng sau đó thì Sư đoàn 968 biến mất trên các tài liệu chiến tranh của CSVN.  Hai trăm phi cơ dội 200 tấn bom xuống 300 chiếc xe chở quân trong vòng 5 tiếng đồng hồ thì có lẽ số quân trên 300 xe không chạy thoát được bao nhiêu.
Trong khi hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp, Chủ Nhiệm chính trị Mặt trận Tây Nguyên, ghi rằng ngày 15-1-1975 Sư đoàn 968 đến Kontum an toàn. Nhưng cũng theo hồi ký này thì trong các ngày từ 25 tới 30 tháng Giêng, Bộ tư lệnh Mặt trận B.3 lần lượt giao nhiệm vụ cho các sư đoàn 320, 316, 10 nhưng chớ hề có Sư đoàn 968 (trang 390).

Quân CSVN cắt quốc lộ 19, 21 và 14

Năm 1975, đêm 3-3, rạng sáng 4-3, Trung đoàn 25 CSVN tấn công đồn “Đồi 519” để khóa Quốc lộ 21 từ Khánh Hòa đi Đắc Lắc, đồn 519 thuộc địa phận Tiểu khu Khánh Hòa, giáp ranh với Tiểu Khu Đắc Lắc, do 1 đại đội của Tiểu đoàn 272/ĐPQ thuộc Tiểu khu Khánh Hòa trấn giữ.  Cách đồi 519 khoảng 5 cây số vế hướng Tây là đồn Chu Cúc, tiền đồn đầu tiên của tỉnh Đắc Lắc, giáp ranh với Khánh Hòa.  Đồn Chu Cúc do 1 đại đội ĐPQ của Tiểu khu Daklak trấn giữ

Lúc 8 giờ sáng ngày 4-3. Tiểu khu Khánh Hòa điều động Đại đội Trinh sát Tiểu khu cùng với Tiểu đội tình báo Chi khu Khánh Dương hành quân tiến vào đồn 519 để tiếp cứu đại đội ĐPQ bị quân CSVN tấn công trong đêm.  Không ngờ đến ngang cây số 62, đoàn quân lọt ổ phục kích chặn viện của 1 tiểu đoàn CSVN.
Trong vòng 15 phút Đại đội Trinh sát bị tan vỡ đội hình trước khi quân CSVN xung phong.  Đại đội trưởng là Trung úy Phùng Mạnh Tuấn bị thương cụt hai chân, ông ra lệnh cho binh sĩ chạy tháo, để lại lựu đạn cho ông và một số người bị thương ở lại chặn hậu.  Trung úy Tuấn từ binh chủng Nhảy Dù mới đổi về Khánh Hòa hơn 1 năm.
Năm 1975, ngày 4-3, Trung đoàn 95A CSVN tấn công một căn cứ hỏa lực trên Quốc lộ 19, đoạn Tây An Khê, làm chủ một đoạn đường dài 20 cây số.  Tướng Phú điều động Liên đoàn 4 Biệt động quân từ Pleiku tiến xuống An Khê để giải tỏa Quốc lộ.  Đồng thời cũng điều động 1 trung đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 22 BB từ bắc Bình Định theo Quốc lộ 19 lên An Khê, Bình Khê.

Năm 1975, ngày 5-3, lúc 3 giờ chiều, Trung đoàn 65 thuộc Sư đoàn 320 CSVN tấn công một đoàn quân xa đang di chuyển trên quốc lộ 14 và đóng chốt tại khu vực Thuần Mẫn, ranh giới Pleiku và Daklak.

Ngày 6-3, Tiểu khu Khánh Hòa điều động 3 tiểu đoàn ĐPQ từ Ninh Hòa hành quân lên Khánh Dương để giải tỏa Quốc lộ 21, chiếm lại Đồn 519.  Tiểu đoàn 227 ĐPQ thay Tiểu đoàn 272 tại đèo M’Drak .  Tiểu đoàn 272 từ M’Drak di chuyển lên phòng thủ BCH Chi khu Khánh Dương để làm bàn đạp cho Tiểu đoàn 228 ĐPQ và tiểu đoàn 246 ĐPQ tiến về đồi 519.
Tuy nhiên Tiểu khu Khánh Hòa không ngờ lực lượng địch là 1 trung đoàn (Trung đoàn 25 CSVN). Nếu biết địch có 1 trung đoàn chốt giữ khu vực đồi 519 thì bắt buộc lực lượng giải tỏa phải là 3 trung đoàn; quân tấn công phải gấp 3 quân phòng thủ .

Ngày 7-3, xuất phát từ BCH Chi khu Khánh Dương, Tiểu đoàn 228 tiến về hướng Ban Mê Thuột bên phía Nam Quốc lộ 21, còn Tiểu đoàn 246 ĐPQ tiến bên mặt Bắc của Quốc lộ 21.  Cuộc hành quân do Trung tá Vương Văn Đồng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 922 ĐPQ của Tiểu khu Khánh Hòa, chỉ huy.
Khi Tiểu đoàn 246 tiến đến gần 519, còn cách 7 cây số thì bị pháo và bị phục kích, Tiểu đoàn 246 bị tan rã, thương binh không có trực thăng cứu thương nên đành bỏ lại chến trường. Tiểu đoàn 228 ĐPQ trụ lại ngang cây số 62 để đón các cánh quân tản lạc của Tiểu đoàn 246 ĐPQ.
Sau khi TĐ 246 bị tiêu diệt, BTL Quân đoàn 2 chỉ thị Tiểu khu Ninh Thuận tăng phái 2 tiểu đoàn thiện chiến nhất cho Khánh Hòa để đánh giải tỏa Quốc lộ 21.

Ngày 10-3, mờ sáng, Tiểu đoàn 250 ĐPQ của Ninh Thuận lên đến Khánh Dương.  Lúc 10 giờ sáng, Chi khu Khánh Dương nhận được tin Ban Mê Thuột bị tràn ngập. ( Tin tức do Chi Khu Phước An thông báo ).

Ngày 12-3, xuất phát từ Buôn M’Dung, Tiểu đoàn 228 ĐPQ  tiến dọc phía Nam Quốc lộ, hướng về đồn 519.  Tiểu đoàn 250 ĐPQ theo Liên Tỉnh lộ 3 tiến về hướng Bắc khoảng 3 cây số rồi từ đó quay về hướng Tây, tiến song song với Tiểu đoàn 228 ĐPQ, hướng về “Rẫy ông Kỳ” ( Nông trại của Tướng Nguyễn Cao Kỳ ).
Lúc 2 giờ trưa, Tiểu đoàn 250/ĐPQ chạm địch, đại đội đi đầu bị lọt ổ phục kích tuyến, đại đội đi cánh phải tạt vào giữa để tấn công ngang hông toán quân phục kích nhưng đụng phải tuyến phục kích chặn viện, đại đội bị tiêu diệt.  Trong khi đó đại đội đi cánh trái và Bộ chỉ huy Tiểu đoàn bị pháo tan vỡ đội hình, binh sĩ chạy tháo về phía sau, quân CSVN rời tuyến phục kích để truy kích Tiểu đoàn 250 ĐPQ.
Lúc 3 giờ chiều, Tiểu đoàn 228 ĐPQ được lệnh tạt xuống Quốc lộ để tiếp viện cho Tiểu đoàn 250 ĐPQ và dừng quân bố trí tuyến phòng thủ tại cầu 36, cách đồi 519 bốn cây số.  Tiểu đoàn 250 dẫn theo một tù binh thuộc Trung đoàn 25 CSVN về BCH Chi khu Khánh Dương.  Đến lúc này phía VNCH mới biết quân CSVN tại Đồn 519 là 1 trung đoàn.

Ngày 13-3, mờ sáng, Tiểu đoàn 228 ĐPQ cùng bị pháo kích và sau đó là tấn công biển người, quân TĐ 228/ĐPQ tháo chạy về phía sau. Đại đội trưởng Đại đội 1/228 Nguyễn Mây bị phỏng nặng. Quân CSVN hô quân VNCH bỏ súng, ba lô xuống và cho chạy người không chứ không tiêu diệt. Có lẽ họ cần lương thực và cần tiết kiệm đạn, cũng không muốn bắt tù binh. Tiểu đoàn 228 ĐPQ rút lui về BCH Chi Khu Khánh Dương.

Như vậy là sau 1 tuần lễ, lực lượng Địa Phương Quân của Tiểu Khu Khánh Hòa và Tiểu khu Ninh Thuận đã bị tan 2 tiểu đoàn và 1 đại đội trinh sát trong nỗ lực tái chiếm đồi 519 để thông đường với Ban Mê Thuột;  1 tiểu đoàn khác bị mất 1 đại đội phải rút lui.
Lúc 1 giờ trưa, tại Chi khu Sông Pha thuộc Tiểu khu Ninh Thuận, Tiểu đoàn 231 ĐPQ nhận được lệnh di quân ra quốc lộ để được xe bốc lên Khánh Dương.  Trước đó Tiểu đoàn 231 ĐPQ được BTL/Quân khu 2 nêu đích danh tăng phái lên Khánh Dương nhưng vì tiểu đoàn này mới tăng phái cho Tiểu khu Bình Định trở về nên Tiểu khu Ninh Thuận chỉ định Tiểu đoàn 250 ĐPQ đi thay.
Sở dĩ Quân Khu 2 nêu đích danh Tiểu đoàn 231 ĐPQ vì đây là tiểu đoàn thiện chiến nhất của Tiểu khu Ninh Thuận, từng dự trận Hà Lan tại Ban Mê Thuột tháng 2 -1973 và trận Núi Ghềnh, trận Đề Ghi tại Bình Định năm 1974.  Trước đó 2 tháng, tháng 1-1975, Tiểu đoàn đã dự trận Đồi 10 tại Chi Khu Tam Quan, Bình Định.

Ngày 14-3, Tiểu đoàn 228 ĐPQ rời Khánh Dương về phòng thủ phía Tây Chi khu Diên Khánh.  Tiểu đoàn 272 ĐPQ rút về phòng thủ trong vòng đai BCH Chi khu Khánh Dương và BCH hành quân nhẹ của Tiểu khu Khánh Hòa.

BÙI ANH TRINH

.

No comments:

Post a Comment