Sunday, June 14, 2020

Phần 1: DÒNG CHÚA CỨU THẾ & CHƯƠNG TRÌNH TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH VNCH


Đăng ngày: 01.05.2015

THƯ CHA GIÁM TỈNH VỀ MỘT SỐ VIỆC TRONG TỈNH DÒNG
Sài Gòn, ngày 29 tháng 04 năm 2015

Kính thưa các Bề Trên và anh em trong Tỉnh Dòng,
Sau khi được sự đồng thuận của Ban Quản Trị Đặc Vụ Tỉnh, tôi xin thông báo với anh em trong toàn Tỉnh những điểm liên quan đến các hoạt động bác ái, xã hội trong Tỉnh Dòng.

1. Những hoạt động bác ái xã hội giúp đỡ những người nghèo, như khám bệnh, tặng học bổng cho các em học sinh, giúp đỡ anh em thương phế binh VNCH…, đều được khuyến khích thực hiện.

2. Theo tinh thần Phúc Âm (Mt 6,1), anh em hãy thực thi bác ái trong sự phục vụ khiêm tốn, không phô trương bên ngoài.

3. Để hoạt động bác ái, xã hội là hoạt động mang tính cộng đoàn theo tinh thần HP số 21 thì cần có sự đồng tâm, đồng thuận của anh em cộng đoàn trong cách hành động, ngõ hầu chúng ta được hiệp nhất với nhau trong cùng một lòng mến.
Xin Thiên Chúa ban phúc lành và thánh hóa những công việc tốt lành của anh em theo lòng nhân hậu của Ngài.

Linh Mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R.

Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

LỄ TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH VNCH TẠI DÒNG CHÚA CỨU THÊ SÀI GÒN – 30/4/2014



06 / 26:07 - Khám bệnh và cấp xe lăn cho TPB/ VNCH đợt 3 tại DCCT Saigon



Tri ân TPB VNCH ngày 12/01/2015 tại Sài Gòn


Thư xin lỗi quý Thương phế binh VNCH
ĐĂNG NGÀY: 15.04.2015

VRNs (15.04.2015) – Sài Gòn – Kính thưa quý TPB VNCH đang sống tại các tỉnh/thành phố Sài Gòn, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Tây Ninh.
Trước hết, Ban tổ chức chúng tôi thành thật xin lỗi quý anh em đã được gọi về DCCT Sài Gòn ngày 17.04.2015 sắp tới để được kiểm tra sức khoẻ đợt 7 vì chương trình này đã bị huỷ.
Kế đến chúng tôi xin gửi lời xin lỗi sâu xa đến quý y, bác sĩ thiện nguyện, quý vị hảo tâm xa gần, quý anh chị em tình nguyện viên, tổ phục vụ cơm trưa, 4 Phòng khám Đa khoa mà chúng tôi đã làm hợp đồng xét nghiệm cận lâm sàng.
Nguyên nhân tạm thời lúc này chúng tôi không được phép tổ chức.
Quyết định được thông báo quá gần ngày tổ chức. Chúng tôi biết việc huỷ bỏ ngày kiểm tra sức khoẻ này gây ra cho anh em nhiều hụt hẫng và bất tiện vì anh em đã chuẩn bị mọi sự để lên đường. Chúng tôi biết rằng quý y, bác sĩ và các tình nguyện viên cũng rất buồn lòng. Chúng tôi sẽ cố gắng thông tin đến từng người.
Ban tổ chức chúng tôi thành thật xin lỗi tất cả quý vị về sự việc đáng tiếc này.
Trong tương lai, với tư cách cá nhân Tu sĩ, Linh mục DCCT, chúng tôi sẽ tìm cách để quý anh em TPB VNCH được phục vụ tiếp tục, vì lương tâm chúng tôi xác tín rằng quý anh em chính là những người bơ vơ tất bạt, những người bị bỏ rơi hơn cả, là đối tượng của Tu sĩ DCCT chúng tôi.

Vòng vây thế tục - Friday, April 17, 2015


Ngày 14/4, hơn 150 thương phế binh VNCH không khỏi bất ngờ khi được tin chương trình chăm sóc sức khỏe định kỳ của họ bị hủy bỏ đột ngột. Nơi đến quen thuộc và đầm ấm là Nhà thờ Chúa cứu thế, Kỳ Đồng, đã im lặng sập cửa mà không một lời giải thích, theo lệnh của linh mục Giám tỉnh là ông Giuse Nguyễn Ngọc Bích.

Không chỉ riêng các thương phế binh VNCH sửng sờ, mà chính những người tham gia phục vụ chương trình này cũng không nói nên lời. Với nhiều người, phục vụ cho những con người khốn khó này là niềm vui và ước nguyện chân thành của họ. Đặc biệt, trong bối cảnh của một nước Việt Nam với vết thương nội chiến vẫn chưa lành, sự kỳ thị với những cựu quân nhân VNCH vẫn là một chủ trương thấy rõ.


Có cái gì đó rất bất thường đang diễn ra ở nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, Kỳ Đồng, nơi mà lâu nay, được khắp nơi ngưỡng mộ là ngôi nhà của lòng lành và công lý. Ngay sau sự kiện buộc ngừng khám bệnh cho thương phế binh, còn có nhiều tin tức nói rằng chẳng bao lâu nữa, nội dung lễ Công lý và Hòa Bình hàng tháng sẽ bị kiểm duyệt chặt chẽ. Phòng truyền thông Chúa cứu thế VNRs và phòng Công lý & Hòa Bình cũng sẽ đóng cửa hoặc bị kiểm soát theo kiểu ra lệnh áp đặt. Các nhân viên thư viện cũng sẽ bị đuổi việc và thay bằng người mới "đáng tin cậy" hơn. Dưới sự kiểm soát của linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, có vẻ đang có một cuộc “thay máu”, mà mọi thứ như chỉ để thuần phục trước cuộc đời thế tục bên ngoài.


40 năm sau 1975, từ nhà thờ Chúa cứu thế, người ta đã chứng kiến sự lên tiếng cho cái đúng, kêu gọi cho lòng nhân ái và ra sức bảo vệ con người. Không chỉ riêng người Công giáo, mà cả những Phật tử, tu sĩ Cao Đài, Hòa Hảo… cũng đều kính trọng những gì mà các linh mục nhiều đời nơi đây gìn giữ. Điểm son mới nhất, và có lẽ cũng là một cột mốc lịch sử nhân văn, đó là phong trào vận động hủy bỏ án tử hình tại Việt Nam, cũng như việc đấu tranh cho các án oan. Cụ thể là trường hợp của tù nhân Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Sức tác động của truyền thông Chúa cứu thế là một trong những lý do khiến tòa án phải dừng ngày tử hình và suy xét lại vụ án.


Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích đã khiến nhiều tín đồ Công giáo ngạc nhiên trước sự thay đổi mà ông tạo ra. Những thay đổi này, có thể biến thay đổi diện mạo của ngôi nhà của Chúa, một cách hết sức chính trị, theo chiều hướng chống lại lẽ phải và tự nhiên. Nhiều năm nay ở Việt Nam, đã có không ít chùa, đền, nhà thờ… đã tự mình thay đổi như vậy, một cách vừa dễ hiểu, vừa khó hiểu.

Sự kiện của nhà thờ Chúa cứu thế không là ngoại lệ. Phật giáo, một tôn giáo ước lượng có đến 20 triệu tín đồ ở Việt Nam cũng không khác gì. Theo tiết lộ của Wikileak, năm 2005, khi về Việt Nam, Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng ông tìm thấy có quá nhiều sự sắp đặt chính trị trong các nhân sự và chùa tại Việt Nam, gây nên những tác động xấu. Thậm chí, theo ông mô tả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lệ thuộc Nhà nước về tiền bạc.


Tệ hại hơn, trong năm 2007, khi Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức cầu siêu cho những người chết trong chiến tranh, chết oan ức, bao gồm tù cải tạo, thuyền nhân… nhưng ngay sau buổi lễ, một nhân vật cao cấp của giáo hội là hòa thượng Thích Trí Quảng đã đi lên, cầm micro và tuyên bố ngược, nói rằng lễ cầu siêu này chỉ dành riêng cho liệt sĩ của chế độ.

Đi tìm một lý do cho những thay đổi tại nhà thờ Chúa cứu thế, Kỳ Đồng, ít có ai tin rằng đây là một nhiệm vụ được giao từ tòa Tổng giám mục mà linh mục Nguyễn Ngọc Bích phải thi hành. Cũng có giả thuyết cho rằng, hành động của ông Bích có đích đến là chức giám mục của Dòng Chúa cứu thế, vốn đang để trống. Dĩ nhiên, mọi việc sẽ thuận lợi hơn sau 4 năm tại nhiệm, nếu làm vui lòng chính quyền thế tục. Tuy nhiên, trước khi điều gì sẽ đến, lúc này, mọi người đang im lặng ôm một nỗi đau không có lời giải thích.


Tuy nhiên, dù ở cương vị giám tỉnh, tức quyền uy tuyệt đối, linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích cũng vẫn phải đối diện với sứ mạng mà ông đã tuyên thệ cả đời. Sự kiện xua đuổi các thương phế binh VNCH đã được mời từ trước có thể chứng cứ quan trọng chống lại ông từ đây về sau. Sách Hiến pháp và Quy luật Dòng Chúa cứu thế, trang 30, chương 1, có ghi rõ “… chúng ta đặc biệt phải chăm sóc người nghèo, người thấp hèn và người bị áp bức. Việc rao giảng cho những người này là một dấu chỉ của sứ vụ thiên sai (x.Lc4,18), và Đức Kitô, một cách nào đó, đã muốn đồng hóa chính mình Ngài với họ (Mt 25,40)". Những gì ông Bích làm, đã đi ngược với quy luật được tòa thánh Vatican phê chuẩn vào tháng 10-1965. "Vì quy tắc căn bản của đời tu là đi theo Chúa Kitô như đã được trình bày trong Tin Mừng, nên điều này phải được xem là quy luật tối thượng trong Dòng của chúng ta" (HP74), theo thư của Bề trên Tổng quyền Josef. G. Pfab, Css.R, viết năm 1982 cho tất cả linh mục của Dòng Chúa cứu thế.

Lẽ ra chuyện xảy đến trong lòng nhà thờ Chúa cứu thế là chuyện nội bộ của một địa phận tôn giáo, không nên bàn tới. Thế nhưng, với những hoạt động lâu nay, mà tên tuổi ngôi nhà của Chúa và Dòng Chúa cứu thế đã vượt xa khỏi nước Việt Nam, cũng như là niềm tin và sự kính trọng của nhiều người khác, kể cả người ngoại đạo, đã khiến sự kiện hôm nay cần phải được đặt ra suy xét. Người người đang nhìn vào đó, để xem, liệu bầy tôi của Chúa có đủ đức tin để vượt thoát được vòng vây thế tục trên đất nước này, để còn phụng sự cho con người và công lý hay không?

Tuấn Khanh


OVM4TV 041: Phỏng vâń LM. Giu-Se Nguyễn Ngọc Bích, Tân Giám Tỉnh DCCT Sài Gòn.




Dòng Chúa Cứu Thế Saigon Tạm Ngưng Chương Trình “Trợ Giúp Thương Phế Binh” Tại Nhà Sách ĐMHCG


Linh mục Giám Tỉnh DCCT ngỏ lời tri ân TPB/VNCH, 28 tháng 4, 2014

Trong 6 lần liên tiếp Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã tổ chức các cuộc quyên góp tài vật trong và ngoài nước để giúp đỡ anh em thương phế binh VNCH. Từ chiếc xe lăn cho tới những phần tiền tuy ít ỏi nhưng đầy tình người đã vực dậy niềm cô đơn và số phận không may của họ.
Thế nhưng trong lần thứ 7 này, DCCT gửi thư mời 152 anh em thương phế binh từ Đà Nẵng cho tới Cà Mau đến DCCT Sài Gòn vào sáng ngày Thứ Sáu, 17 tháng Tư để được khám tổng quát sức khỏe, xét nghiệm cận lâm sàng cho anh em do 4 cơ sở đa khoa thiện nguyện đứng ra phụ trách đã gặp trở ngại. Nguyên nhân được biết là tân linh mục Giám tỉnh Giu Se Nguyễn Ngọc Bích, mới được bổ nhiệm thay thế cho linh mục Giám tỉnh Phạm Trung Thành cho rằng nhà sách của DCCT là nơi bán sách không nên tổ chức tụ tập đông người gây trở ngại cho việc kinh doanh.


Linh mục Phạm Trung Thành nguyên linh mục Giám tỉnh của DCCT cho biết ý kiến của ông về vấn đề này:
- Tôi được cha Thoại cho tôi cái thông tin chuyện chuẩn bị vào ngày Thứ Sáu tức hôm nay cho 152 thương phế binh, lần này là đợt thứ bảy rồi. Hôm thứ Ba cha Vũ Trọng Phiệt, tức là cha Hoàng Phúc là cha giám đốc nhà sách là nơi mà Ban tổ chức sử dụng phòng ốc để mà làm thì cha thông tin là hạ tất cả các poster xuống và nói rằng cha Giám tỉnh không cho phép làm. Cha Thoại cẩn thận đi gặp trực tiếp cha Giám tỉnh để hỏi ý kiến có phải là chính cha hay không.
Cha Thoại bảo là cha rất trung thực để nói về thông tin này, tức là không phải là cha Giám tỉnh không cho làm mà ngài bảo là chưa làm, cái cách ngài nói như thế. Cha Giám tỉnh có giải thích một vài điều và cha Thoại nói con chỉ cần biết có phải lệnh của cha hay không, và chỉ cần biết có cho làm hay không mà thôi.

Cha Thoại quyết định ra một bức thư cũng gây phản ứng rất mạnh trên cộng đồng mạng cũng như xã hội. Tôi thương quá đi tại vì nghe kể rằng có những anh đã lên xe đi từ An Giang lên và lúc nghe được tin báo hồi thì đang ngồi trên xe. Nghe cái tin đó tôi muốn khóc anh ạ.

Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích nhận chức Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế căn cứ trên cuộc bầu cử của nhà dòng. Sau khi bầu cử thì kết quả được gửi về cho Trung ương Dòng tại Roma để xác định kết quả bầu cử và bổ nhiệm. Tân Linh mục giám tỉnh năm nay 65 tuổi đã du học tại Ottawa về Giáo luật. Linh mục Phạm Trung Thành cho biết việc ông thôi chức Giám tỉnh để nghỉ bệnh của ông như sau:
- Thú thật cái này thuộc về tổ chức. Sau khi tôi thôi nhiệm vụ tôi nghĩ rằng để tạo điều kiện cho anh em mới làm việc tôi nói với ngài, ngài cứ theo lương tâm ngài cứ làm những gì ngài muốn làm không vì tôi. Tôi xin nghỉ một thời gian để chữa bệnh đó là nguyên tắc thứ nhất. Thứ hai là tôi không tham gia vào bất kỳ một cuộc bàn bạc nào về công việc cũng như những sinh hoạt của Tỉnh dòng. Hiện nay thì tôi đang ở nhà hưu và tôi đang chữa bệnh tiểu đường khá nặng.

Linh mục Đinh Hữu Thoại người phụ trách chương trình khám sức khỏe cho anh em thương phế binh lần này cho biết thêm chi tiết:
– Quyết định rất là bất ngờ của ngài như vậy để lại rất nhiều thiệt hại cho thương phế binh về mặt tâm lý, về mặt tinh thần. Có những người khi chúng tôi gọi xin lỗi hồi báo cho họ thì họ đang ở trên xe rồi rất nhiều phiền phức, ngay cả các phòng khám đa khoa chúng tôi cũng phải xin lỗi. Quyết định vội vàng như vậy để lại rất nhiều bất tiện tôi phải đi xin lỗi các nơi, nhất là anh em thương phế binh họ tổn thương tinh thần rất lớn. Cái lý do có thể nói vội vàng, cận quá trong khi họ đã chuẩn bị để lên đường hết rồi.

Một trong năm buổi khám bệnh cho TB/VNCH năm 2014 tại DDCT
Anh Huỳnh Công Thuận, một tình nguyện viên cốt cán trong tất cả các chương trình trợ giúp thương phế binh do DCCT tổ chức cho biết:
– Không phải là cấm hẳn anh, cha Giám tỉnh không cho làm trong khuôn viên của nhà thờ thôi còn chương trình ủng hộ thì vẫn tiếp tục. Chúng tôi đi tới từng nhà, hôm qua tới nay có đi tới anh em giúp đỡ những anh em bị bệnh rồi hỗ trợ anh em có nhà cửa bị hư cần giúp như phát xe lăn thì chúng tôi cũng cho bình thường nhưng không được làm đại trà như lúc trước nữa thì nó cũng có trở ngại khó khăn nhưng mà tôi nghĩ rằng vẫn được chứ không đến nỗi mất hết. Hôm qua từ khi được tin cha Giám tỉnh trả lời là không cho mượn cái phòng để làm thì chúng tôi đã thay phiên nhau gọi báo cho 152 anh em thương phế binh ở các tỉnh thì có những anh em ở xa như Cà Mau người ta đã lên xe đi dọc đường rồi.

Tân linh mục Giám Tỉnh Nguyễn Ngọc Bích cho chúng tôi biết nguyên nhân mà ông cho là hợp lý khi tôn trọng sự đồng thuận của người khác, cụ thể là linh mục phụ trách nhà sách của DCCT:
- Thứ nhất là tôi không cấm chuyện giúp đỡ anh em thương phế binh đâu nhưng mà có những cơ sở của nhà dòng thì cần có sự đồng thuận của những người trách nhiệm thì mới nên làm. Tôi không cấm việc giúp cho anh em thương phế binh cái đó tôi không ngăn cản gì hết, ai làm thì cứ làm không sao hết. Nhưng mà việc tổ chức thì nơi nào đó cần phải có sự đồng ý của người có trách nhiệm. Việc giúp anh em thương phế binh tôi hoàn toàn ủng hộ. Các cha cần giúp thì cứ giúp không sao hết, không có cản trở gì hết.


Sau vụ tạm ngưng giúp dỡ anh em thương phế binh, kế đến vào ngày 16 tháng 4 một vấn đề nữa khiến dư luận quan tâm đến DCCT tỏ ra nghi ngại đó là việc thay đổi hoàn toàn nhân sự của Ban Truyền thông DCCT do linh mục Lê Ngọc Thanh phụ trách từ nhiều năm qua, trong đó có việc đóng trang Facebook của nhà dòng. Giải thích việc này linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết:
– Thực ra thay đổi Ban Truyền thông thì nó cũng nhỏ thôi cho nên các vị lãnh đạo làm chứ không phải là tất cả. Thực tế là theo cơ cấu của nhà dòng là Ban Thường vụ của nhà dòng chỉ có ba người quyết định.
Cái trang Facebook đó là trang của DCCT Việt Nam, theo tôi được biết cái ban Truyền thông mới đã có, cho nên cha Thanh không còn làm Ban Truyền thông nữa nên Facebook mang tên Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi trao lại cho cái ban mới thì ban mới họ không sử dụng Facebook nên tôi đóng lại, đóng lại để mở một Facebook khác.
Ban Truyền thông của DCCT Sài Gòn được xem là nơi truyền giảng đức tin một cách sống động và không ngại loan tải những vụ vi phạm nhân quyền, dân oan hay bắt bớ trái phép của chính quyền khắp nơi. Hơn nữa, linh mục Lê Ngọc Thanh cũng là người vừa bị cấm xuất cảnh mới đây khiến câu hỏi về việc thay đổi này càng thêm đậm nét. Về việc này tân linh mục Giám tỉnh Nguyễn Ngọc Bích cho biết:
– Không, tại vì tới lúc họ bàn giao nó trùng thôi chứ không phải dính dáng gì đến thương phế binh cả. Tôi rất ủng hộ anh em nhưng ủng hộ theo cách nếu biết ai cần giúp đỡ thì cứ giúp đỡ thôi nhưng khi dùng những gì là của chung thì phải có sự đồng thuận, tại vì chỗ nhà sách thì người ta xin là chỗ này chỉ để làm công việc kinh doanh nhà sách chứ đừng tổ chức gì khác, vậy thôi. Chuyện truyền thông chả dính dáng gì đến chuyện thương phế binh cả vì họ bàn giao với nhau lúc tôi không ở nhà, tôi đang ở Hà Nội.

Bên cạnh việc giúp thương phế binh, DCCT Sài Gòn còn rộng cửa đón nhận rất nhiều người cơ nhỡ, những người tù lương tâm không nơi nương tựa được nhà dòng tổ chức cho tạm trú chờ người hảo tâm giúp chỗ ở làm lại cuộc đời. Dân oan mất đất, mất nhà trên các tỉnh thành cả nước cũng thoải mái xem nơi đây là nhà của mình mỗi khi về thành phố. Dưới mắt chính quyền không thể nói là không khó chịu về các hoạt động này nhưng sự kiên định của các linh mục lãnh đạo và giáo xứ đã khiến những ý định đàn áp hay cấm cản bất thành.


Các thương binh VNCH trong Ngày tri ân TB tại Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn lo lắng không được tiếp tục giúp đỡ anh em thương phế binh như trước nữa, anh Huỳnh Công Thuận cho biết:
– Riêng anh em chúng tôi những người thiện nguyện viên có viết một thư ngỏ nhưng chưa công bố để gửi cha Giám tỉnh yêu cầu cha tiếp tục cho phép ủng hộ thương phế binh, giúp đỡ những người dân oan, những người cơ nhỡ, những người khó khăn bị xã hội ruồng bỏ đúng như chương trình cũng như truyền thống của DCCT. Chúng tôi định gửi cho cha nhưng nếu cha Bích không trả lời, không giải quyết thì chúng tôi sẽ gửi đi Tòa thánh Roma.
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã và đang mang các hoạt động bác ái vào đời một cách thực tiễn đúng theo gương từ vị Giáo hoàng của người nghèo, cũng xuất thân từ dòng tu nổi tiếng dấn thân này. (1) Vì vậy các linh mục trong nhà dòng khẳng định công tác bác ái này sẽ không thể dở dang dù phải tiến hành bằng các hình thức nào đi nữa.

Mặc Lâm – RFA
2015-04-17
Source:

.

No comments:

Post a Comment