Monday, June 15, 2020

Trận Phước Long (13 tháng 12, 1974 --- tháng 1, 1975)


(Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3/Hành Quân, là nhân vật chính đứng trong hậu trường sân khấu thiết kế và thi hành trận đánh này. Nguyễn Văn Tín)

Năm tiền đồn của QLVNCH trong tỉnh lỵ Phước Long quan trọng vì chúng nằm chấn ngang trục tiếp tế Đông-Tây và Nam-Bắc của Cộng quân trong vùng Sài-Gòn. Trong khi là một chướng ngại vật đối với Cộng quân, vị trí của năm tiền đồn này lại cách xa hẳn tuyến phòng thủ chính của QLVNCH trong Khu Chiến Thuật 3. Các lực lượng bộ binh và các đơn vị đặc biệt của Cộng quân, tỉ như bộ chỉ huy Chiến Xa M-26, giáp mặt vị trí của QLVNCH từ ba mặt. Các lực lượng trú phòng của VNCH chỉ liên lạc được với bên ngoài qua Quốc Lộ 14 về phía Nam và với phi trường lớn đủ cho phi cơ vận tải C-130 đáp xuống nằm trong thị trấn của tỉnh Phước Bình (còn gọi là Sông Bé hay tỉnh Phước Long), gần ngay trung tâm tỉnh lỵ và cách xa thủ đô gần 110 cây số về hướng Đông Bắc. Các lực lượng tuyến đầu này của chính phủ dự trữ số lượng đạn dược đủ cho một tuần lễ giao tranh mạnh trước khi cần được tiếp tế.

Một tuần trước khi tấn công Phước Long, Tướng Việt Cộng Trà đánh vào mạn Tây Tây Ninh để dụ lực lượng trừ bị của QLVNCH ra xa khỏi mặt trận chính. Động tác này đáp đúng sự trông chờ của phía QLVNCH và đặt trọng tâm xa khỏi cạnh sườn phía Đông.

Ngày 13 tháng 12 (ngày tiên đoán bởi viên phụ tá của Tướng Trà), đơn vị B-2 của Sư Đoàn 7 VC và Sư Đoàn 3 tân lập VC đánh và tấn chiếm Bố Đức và Đức Phong vào ngày hôm sau. Đôn Luân, do một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân khoảng 350 quân lính trú phòng, sống sót sau vụ tấn công đầu tiên, nhưng Quốc Lộ 14 phía trên thành phố bị Cộng quân khóa lại. Lực lượng QLVNCH tại Phước Bình mở một cuộc phản công hướng về Bố Đức, nhưng lại bị Cộng quân đánh bọc hậu tấn chiếm căn cứ hỏa lực Bunard mất luôn bốn khẩu đại bác howitzers 105 ly. Không Lực VNCH bắt đầu bay lên thay thế cho đại bác và chuyên chở thường dân ra khỏi vùng giao tranh, nhưng hỏa lực phi pháo địch quân phá hủy một C-130 và làm hư hại chiếc thứ hai, và đóng khóa phi trường tại Phước Bình.
Vào khoảng 22 tháng 12, số đồn quân còn lại của phía QLVNCH bị cắt đứt liên lạc.

Tại Biên Hòa Trung Tướng Dư Quốc Đống, mới về nắm Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cân nhắc giữa các trận đánh tại Tây Ninh ở phía Tây và các trận đánh tại Phước Long ở phía Đông Bắc. Với các đơn vị chủ lực bị kềm giữ tại các vị trí phòng thủ, và với các Sư Đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến, các đơn vị trừ bị chiến lược, vẫn còn nằm ngoài Vùng 1, Tướng Đống chỉ có trong tay một vài tiểu đoàn tiếp lực, Tướng Đống quyết định giữ các tiểu đoàn này để bảo vệ Tây Ninh quan trọng hơn vì Tây Ninh là cái mốc phòng thủ của Sài-Gòn. Tướng Đống chỉ phái một tiểu đoàn tiếp ứng Phước Bình, một lực lượng bé nhỏ hơn ước đoán của Tướng Trà.
Tuy nhiên, lỗi để mất Phước Long không phải ở tại Tướng Đống. Với các đơn vị trừ bị của Quân Đoàn 3 vơi cạn, Tướng Đống dồn ép Tướng Đặng Văn Quang, phụ tá an ninh của Tổng Thống Thiệu và nhấn mạnh là muốn cứu vãn Phước Long cần rút về ít ra một phần của Sư Đoàn Dù hiện đang nằm ở mặt tuyến Bắc Đà Nẵng.

Thiệu chắc phải phân vân lắm khi lấy quyết định. Tất cả những yếu điểm về mặt chiến thuật và tiếp vận của QLVNCH rốt cuộc bắt kịp với chính sách không rút lui của ông. Hoặc là hoán chuyển một số đơn vị dàn mỏng về Phước Long để rồi mở ngỏ địa điểm quân sự ở một nơi nào khác, hoặc để mặc tỉnh Phước Long thất thủ để rồi phương hại tới thế chính trị của mình. Trong trường hợp này, Thiệu lựa chọn tình thế suy yếu quân sự quanh Sài-Gòn. Đơn vị Biệt Cách Dù duy nhất trừ bị nằm tại Bộ Tổng Tham Mưu án ngữ tại chỗ và Sư Đoàn Dù nằm bất động ngoài Quân Đoàn 1. Theo lời của Đại Tá William Le Gro, sĩ quan trưởng Tình Báo Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, Thiệu đã xóa bỏ Phước Long khi tuyên bố rằng "Không có Dù và không chuyển Dù về kịp cho dù có muốn đi nữa."

Nút thòng lọng quanh Phước Bình thắt chặt thêm tí khi Cộng quân đem chiến xa vào và bắn hơn ngàn quả đại bác vào ngày 26 tháng 12 mới khuất phục nổi Đôn Luân cứng đầu. Vào cuối ngày đó chỉ có đồn quân ở Phước Bình là còn tồn tại. Khi chiến dịch bước sang đoạn cuối, cả hai bên đều quyết định tăng cường độ vào ngày 5 tháng Giêng. Bộ Tổng Tham Mưu siêu lòng phái hai Đại Đội Biệt Cách Dù thuộc Nhóm Biệt Cách Dù 81 vào tham chiến.

Khoảng 250 lính Biệt Cách Dù, chuyên môn về hành quân cảm tử, sáng sớm ngày hôm đó được trực thăng vận vào thành phố tiếp tay với các đơn vị sống sót. Nhưng bên phòng tuyến đối diện, Lê Duẫn và Bộ Đầu Não Bắc Việt cho phép Tướng Trà tung vào thêm chiến xa T-54 và các dàn đại pháo dã chiến 130 ly.

Các chiến xa do Nga chế tạo được trang bị với một loại khiên hóa giải đạn chống chiến xa. Một quân nhân sống sót mô tả hiện tượng: "Các chiến xa địch có cái gì mới và kỳ lạ. Các hỏa tiễn M-72 của ta không tài nào đánh gục tụi nó được. Chúng tôi bắn trúng chúng, chúng dừng lại một chập rồi lại lù lù tiến tới." Một chiến binh QLVNCH khác, Thiếu Tá Lê Tấn Đại, quan sát quân lính của ông, mặc dù tỉ lệ lực lượng địch đông gấp 4 lần, leo lên phía sau pháo tháp chiến xa để tìm cách ném lựu đạn vào trong nắp chiến xa.

Quân phòng thủ Phước Bình phá hủy ít nhất mười sáu chiến xa, nhưng chiến xa khác tiếp tục xuất hiện tấn công vào thành phố. Đến nửa đêm, khi mà tất cả quân cụ hạng nặng và hệ thống truyền tin bị đại bác địch phá hủy và đang khi bị hỏa lực trực diện của các chiến xa địch uy hiếp, khoảng một vài trăm lính Biệt Cách Dù và Địa Phương Quân còn sống sót từ bỏ vị trí phòng thủ lẻn vào trong rừng. Rốt cuộc 850 trong số 5.400 quân lính đủ loại phòng thủ Phước Long về tới hậu cứ.

Source:



.

No comments:

Post a Comment