Tuesday, June 30, 2020

Cuộc triệt thoái bi thảm của QLVNCH khỏi Cao Nguyên năm 1975


Kể từ khi Tiểu Khu Phước Long bị các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt đánh chiếm hồi Tháng Giêng, 1975, tiến trình sụp đổ của chính quyền và quân đội miền Nam Việt Nam có thể nói là đã khởi đầu bằng cuộc triệt thoái bi thảm khỏi Cao Nguyên của Quân Đoàn 2 Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hồi Tháng Ba và kết thúc với việc Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ vào tay Cộng Quân vào ngày 12 Tháng Ba, 1975, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 dưới quyền Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, vào chiều ngày 14 Tháng Ba, triệu tập các sĩ quan cao cấp để thông báo quyết định rút bỏ Cao Nguyên do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra.

Thiếu Tướng Phú ra lệnh cho Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh rút từ đèo Mang Yang về tăng phái cho Liên Đoàn 23 Biệt Động Quân để lữ đoàn này cùng Công Binh sửa chữa cầu cống, giữ an ninh trên liên tỉnh lộ 7B mà theo kế hoạch thì sẽ được dùng làm con đường rút lui chính của các lực lượng Quân Đoàn 2 tử Pleiku về Tuy Hòa.
Liên tỉnh lộ 7B từ ngã ba Mỹ Thạnh tới Tuy Hòa trước đây là một con đường trải đá, có ba cây cầu chính là Phú Thiện (dài 50 mét), Le Bac (dài 600 mét), và Cà Lúi (dài 40 mét). Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân Vùng 2 Chiến Thuật, được chỉ định làm chỉ huy trưởng tổng quát cuộc rút quân.


Liên tỉnh lộ 7B trên bản đồ. (Hình: Tài liệu)

Diễn tiến cuộc triệt thoái

Ngày 16 Tháng Ba, đoàn quân xa vận chuyển vũ khí và quân dụng di tản bắt đầu rời thị xã Pleiku. Đoàn xe được chia ra thành bốn phần, mỗi phần có khoảng 300 quân xa đủ loại và các xe dân sự. Ngày đầu tiên, đoàn xe di chuyển êm xuôi vì có yếu tố bất ngờ. Nhưng đến ngày 17 Tháng Ba, có thêm nhiều dân chúng lũ lượt kéo theo nên cuộc di tản trở nên hỗn loạn và phức tạp.

Ngày 18 Tháng Ba, trong khi Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân đang cùng với thiết giáp mở đường đánh dẹp các chốt của Cộng Quân thì bị Không Quân VNCH oanh tạc lầm, làm nhiều binh sĩ thương vong. Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân được lệnh cho Tiểu Đoàn 51 Biệt Động Quân  tiến nhanh và chiếm lĩnh cây cầu Phú Túc để Công Binh tiến hành sửa chữa. Trong khi chờ đợi, Tướng Phú ra lệnh tạm ngưng lui binh và lập phòng tuyến tại thị xã Hậu Bổn. Tuy nhiên quân dân tại tỉnh Phú Bổn, bị ảnh hưởng dây chuyền, cũng hoảng hốt gia nhập cuộc di tản. Tối đến, các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt lại pháo kích vào thị xã làm cho nhiều thường dân vô tội bị chết oan.

Cũng trong ngày 18 Tháng Ba, Sư Đoàn 320 Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc truy kích các lực lượng Quân Đoàn 2 đang rút lui, đuổi theo đánh phá đoàn xe triệt thoái ở Phú Bổn, rồi sau đó tiếp tục tấn công xuống Củng Sơn. Nhận được báo cáo, Tướng Phú ra lệnh cho Tướng Tất rút bỏ Hậu Bổn để về Tuy Hòa. Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân được điều động phản công cầm chân địch. Kịch chiến diễn ra suốt đêm và kéo dài tới sáng hôm sau, lúc đó đoàn quân và dân mới tiếp tục di chuyển được. Tuy nhiên, một đơn vị Cộng Sản Bắc Việt khác đã tràn chiếm quận Phú Túc ở phía Nam Hậu Bổn. Đoàn xe di chuyển đến nhánh sông Ba phía Nam Củng Sơn thì bị cát lún, phải chờ trực thăng chở vĩ sắt đến cho Công Binh thực hiện việc lót đường.

Các đơn vị Cộng Quân từ Thuần Mẫn, Phú Bổn, đổ xuống đã tiếp tục thiết lập các chốt cản đường. Một tiểu đoàn Địa Phương Quân và một tiểu đoàn Biệt Động Quân được giao nhiệm vụ nhổ chốt. Ngày 22 Tháng Ba, hai tiểu đoàn Biệt Động Quân ở lại đoạn hậu đã đánh tan một trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt, gây thiệt hại nặng cho đối phương. Tuy nhiên, lúc đó, các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột lại được lệnh di chuyển gấp theo tỉnh lộ 287 để đổ xuống liên tỉnh lộ 7B mà chận cắt đoàn xe.

Ngày 26 Tháng Ba, đoàn xe di tản vẫn còn bị kẹt lại gần Phú Thứ (trên đường từ Củng Sơn về Tuy Hòa) vì có các chốt chận của Cộng Quân. Tính đến ngày này, theo báo cáo của Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, toàn bộ chiến xa M-48 và M-41 đều bị bỏ lại trên lộ trình hoặc bị phá hủy vì trúng đạn pháo địch, ngoại trừ một chi đoàn thiết vận xa M-113 chạy thoát về Tuy Hòa.

Tướng Phú ra lệnh cho Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, tư lệnh phó Quân Đoàn 2 đặc trách hành quân kiêm tư lệnh tiền phương Quân Đoàn 2-Quân Khu 2, bay chỉ huy lực lượng xung kích phối hợp với các phi đội trực thăng để giải tỏa áp lực địch. Tướng Phú cũng ra lệnh cho Chuẩn Tướng Tất điều động chi đoàn thiết vận xa M-113 trở lại Phú Thứ đặng phối hợp cùng với Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân triệt hạ các chốt chận của Cộng Quân.

Với sự yểm trợ của các thiết vận xa M-113, lực lượng Biệt Động Quân đã dần dần dọn sạch các chốt chận. Sau khi Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân đã thanh toán các chốt sau cùng tại xã Mỹ Thạnh Tòng để khai thông con đường di tản, đoàn xe đầu tiên của quân và dân Quân Khu 2 đã về được tới Tuy Hòa vào ngày 25 Tháng Ba. Tổng kết, trong số 1,200 xe quân sự vào lúc khởi sự cuộc di tản từ Pleiku thì khi đến Tuy Hòa chỉ còn lại 300 chiếc mà thôi.

Liên tỉnh lộ 7B từ Pleiku xuống Tuy Hòa. (Hình: Tài liệu)

Kết cục bi thảm

Về cuộc di tản hỗn độn và đầy chết chóc của quân và dân Vùng 2 Chiến Thuật trên liên tỉnh lộ 7B từ Pleiku về Tuy Hòa, nhà văn quân đội Phan Nhật Nam, trong bài viết nhan đề “44 Năm Sau, Nhìn Lại Mối Đau” đăng trân  nhật báo Người Việt, kể lại: “Súng nổ… 105, 155 pháo binh, XM72 của phía Cộng Hòa; 130 ly, 122 ly, B40, B41 Cộng Sản, tất cả cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác làm rung rinh sắc núi mờ đục ánh nắng… Sư Đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản không sai trật một viên đạn. Lính còn rõ phản ứng trú ẩn, chống cự, người dân chỉ biết đưa mắt nhìn lên nơi đặt súng, nơi có những tiếng nổ khô, ngắn trước khi bị bùng vỡ phá toang. Xác người tung lên theo đất bay bay…”

Theo “Cuộc Di Tản Đầy Máu và Nước Mắt” của Mũ Xanh Lưu Văn Phúc trên trang mạng aihuubienhoa.com, chỉ có xấp xỉ 60,000 người dân đến đích, trong khi hai phần ba trong số người dân di tản, tức hơn 100,000 người, bị chết hoặc bị thương phải bỏ lại dọc đường. Về phía quân đội, gồm khoảng 20,000 quân tiếp vận và yểm tợ, chỉ còn 5,000 người đến nơi. Sáu tiểu đoàn Biệt Động Quân, gồm 7,000 người, chỉ còn 900 người đến trình diện Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 2 ở Nha Trang. Theo “The World Almanac of The Viet Nam War,” các kho đạn dược và quân nhu tại Kon Tum và Pleiku đã bị bỏ ngỏ, và tất cả quân trang, quân dụng cũng như vũ khí trị giá khoảng $253 triệu đều lọt vào tay Cộng Quân.

Cuộc lui binh của Quân Đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B được coi là một cuộc lui binh bi thảm nhất trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Liên tỉnh lộ 7B từ đó được mệnh danh là “Hành Lang Máu,” con đường đầy nước mắt và xương máu của quân và dân Quân Khu 2 trong suốt chín ngày đêm từ Pleiku xuống Tuy Hòa.

Lịch sử lên tiếng

Ngay sau khi Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Cộng Sản, vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước và dư luận tại nhiều nơi trên thế giới đã cho rằng cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về việc Sài Gòn sụp đổ, bởi vì kế hoạch rút bỏ Cao Nguyên Trung Phần – và sau đó là Quân Đoàn 1 tại miền Bắc Trung Phần – của vị tổng tư lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại thê thảm.

Sau biến cố đau thương này của đất nước, việc giải mã các bí ẩn lịch sử ở hai bên bờ Thái Bình Dương dần dần cho thấy cái thế tất yếu của lịch sử không cho phép Việt Nam Cộng Hòa tồn tại lâu hơn cột mốc 1975, cho dù ông Thiệu và các tướng lãnh trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, kể cả Đại Tướng Cao Văn Viên và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, có thành công đưa được chủ lực quân của Quân Đoàn 2 an toàn về Nha Trang tại Vùng 2 Chiến Thuật hay Sài Gòn tại Vùng 3 Chiến Thuật.

Cụ thể là, để duy trì một cuộc chiến tranh chống du kích với quy mô lớn lao như hồi thập niên 1970, chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa cần phải có ít nhất, tức tối thiểu, là $1 tỉ kinh viện và quân viện từ bên ngoài, trong khi kinh viện và quân viện của Mỹ cho năm 1975 đã bị Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm từ mức $700 triệu xuống chỉ còn $300 triệu, và rồi sẽ bị cắt đứt hẳn nếu chiến tranh còn kéo dài sang năm sau.

Dẫu sao, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và luôn cả Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cùng với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật, đều đáng bị chê trách vì đã tổ chức một cuộc lui binh tồi tệ nhất trong lịch sử Chiến Tranh Việt Nam.

Thật ra, các thông tin và tài liệu có được trước và sau Tháng Tư, 1975, cho thấy ông Thiệu và Tướng Viên cùng với Trung Tướng Đặng Văn Quang, cố vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Thiệu, đã từng thảo luận về một kế hoạch “co cụm” lãnh thổ – gọi là chiến lược “nhẹ đầu, nặng đuôi” – để Việt Nam Cộng Hòa có thể đủ ngân sách mà tồn tại thêm một thời gian từ ba đến năm năm nữa. Bởi vì chính phủ VNCH đã “đánh hơi” thấy được chuyện Quốc Hội Mỹ thế nào cũng cắt giảm hoặc chấm dứt kinh viện và quân viện cho miền Nam Việt Nam một khi quân tác chiến Mỹ và các tù binh chiến tranh của họ đã an toàn hồi hương sau khi Hiệp Định Paris được ký kết hồi năm 1973.

Theo kế hoạch dự trù này, chậm nhất là hai năm sau ngày ký Hiệp Định Paris, chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa sẽ phải tự ý rút bỏ Cao Nguyên Trung Phần và vùng duyên hải Bắc Trung Phần, tức Quân Khu 1 và Quân Khu 2, để tập trung về giữ phần lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam, tức là chỉ bao gồm các tỉnh thuộc Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật, cụ thể là từ Qui Nhơn hay Nha Trang tới Cà Mau mà thôi, nhằm tiết kiệm tiền bạc và thu nhỏ phạm vi phòng thủ của quân đội, với hy vọng Việt Nam Cộng Hòa sẽ có được một cơ may nào đó giúp mình tiếp tục tồn tại, như khả năng có tiền nhờ khai thác được dầu hỏa ngoài Biển Đông (Biển Nam Hoa) chẳng hạn.

Nhưng cả Tổng Thống Thiệu và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH cứ chần chờ mãi mà không cho thực hiện chiến lược “nhẹ đầu, nặng đuôi” nói trên, có lẽ cả hai vị vẫn còn chút hy vọng rằng sẽ có những biến chuyển chính trị thuận lợi hơn tại Mỹ khi đảng Cộng Hòa giành lại được quyền kiểm soát Quốc Hội từ tay đảng Dân Chủ. Họ thừa biết rằng đảng Cộng Hòa có khuynh hướng diều hâu nên không dễ gì chịu thua phe Cộng Sản tại Việt Nam, và rằng Quốc Hội Mỹ lúc đó sẽ có thể tiếp tục, không nhiều thì ít, tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa để giữ vững miền Nam Việt Nam. Một lý do khác, có phần thầm kín hơn, là Tổng Thống Thiệu đã bị kẹt cứng vì lời thề “không nhường đất cho Cộng Sản” trong chủ trương “4 Không,” vốn là quốc sách trước và sau khi Việt Nam Cộng Hòa đặt bút ký vào Hiệp Định Paris 1973.

Thế rồi, khi Cộng Sản Bắc Việt khởi sự cuộc tấn công sau cùng để thôn tính Miền Nam Việt Nam qua việc đánh chiếm Ban Mê Thuột (ngày 12 Tháng Ba, 1975), Tổng Thống Thiệu và Tướng Viên mới gấp rút thực hiện kế hoạch “co cụm” đó, nhưng mọi sự đã quá trễ đi rồi. Hơn nữa, các học viện quân sự lớn trên thế giới (trong đó có cả Trường Bộ Binh Thủ Đức và Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) đều cho rằng “lui binh” là một chiến thuật hết sức khó thực hiện và rất hiếm khi thành công nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.

Vann Phan

Source:

Tháng Chạp 1974. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn ll và Quân khu 2,
đến thăm Chi Khu Lệ Trung.

Đi sau ông là Đại Tá Nguyễn Đức Dung, Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Pleiku    

.

No comments:

Post a Comment