Tuesday, June 30, 2020

Những bài viết về trận Banmêthuột của tác giả Bùi Anh Trinh (Phần 1)


Quân CSVN cô lập cao nguyên


(Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh)

Hồi ký của Ủy viên BCT/CSVN Hoàng Văn Hoan : “Chỉ sau khi quân Giải phóng đánh chiếm được Phước Long thì Bộ chính trị mới quyết tâm mở chiến dịch Ban Mê Thuột, và cử Văn Tiến Dũng vào Nam để truyền đạt chỉ thị của BCT cho chiến trường Tây Nguyên và tổ chức hiệp đồng chiến đấu…”
Trận Yun Katé – Thanh An, Sư đoàn 968 CSVN bị tiêu diệt

Năm 1975, ngày 14-1, lúc 10 giờ 30 sáng. Trong một phi vụ không thám kiểm soát đường mòn Hồ Chí Minh, Trung úy Trác Ngọc Anh thuộc Biệt đội Quân báo Quân đoàn 2 phát hiện 300 xe vận tải chở quân đang di chuyển trên Đường mòn HCM ngang khu vực Yun Katé -Thanh An.  Quân đoàn 2 báo về Bộ TTM và ngay sau đó BTL Không quân VNCH điều động 101 phi tuần A.37 và F.5 từ các phi trường Pleiku,  Phù Cát, Phan Rang, Đà Nẵng thả bom tấn công đoàn xe suốt 5 giờ đồng hồ.  Đến 4 giờ chiều thì không ảnh chụp được khoảng 200 chiếc bị hủy hoại tại chỗ.
Kết quả phối kiểm cho thấy đây là đoàn xe chở Sư đoàn 968 từ Hạ Lào vào Tây Nguyên để chuẩn bị trận đánh Ban Mê Thuột.  Trung úy Trác Ngọc Anh được thăng cấp Đại úy ngay chiều hôm đó.
Hiệu quả của 101 phi tuần dội bom không được kiểm chứng chính xác vì nằm trong khu vực ngoài biên giới nhưng sau đó thì Sư đoàn 968 biến mất trên các tài liệu chiến tranh của CSVN.  Hai trăm phi cơ dội 200 tấn bom xuống 300 chiếc xe chở quân trong vòng 5 tiếng đồng hồ thì có lẽ số quân trên 300 xe không chạy thoát được bao nhiêu.
Trong khi hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp, Chủ Nhiệm chính trị Mặt trận Tây Nguyên, ghi rằng ngày 15-1-1975 Sư đoàn 968 đến Kontum an toàn. Nhưng cũng theo hồi ký này thì trong các ngày từ 25 tới 30 tháng Giêng, Bộ tư lệnh Mặt trận B.3 lần lượt giao nhiệm vụ cho các sư đoàn 320, 316, 10 nhưng chớ hề có Sư đoàn 968 (trang 390).

Quân CSVN cắt quốc lộ 19, 21 và 14

Năm 1975, đêm 3-3, rạng sáng 4-3, Trung đoàn 25 CSVN tấn công đồn “Đồi 519” để khóa Quốc lộ 21 từ Khánh Hòa đi Đắc Lắc, đồn 519 thuộc địa phận Tiểu khu Khánh Hòa, giáp ranh với Tiểu Khu Đắc Lắc, do 1 đại đội của Tiểu đoàn 272/ĐPQ thuộc Tiểu khu Khánh Hòa trấn giữ.  Cách đồi 519 khoảng 5 cây số vế hướng Tây là đồn Chu Cúc, tiền đồn đầu tiên của tỉnh Đắc Lắc, giáp ranh với Khánh Hòa.  Đồn Chu Cúc do 1 đại đội ĐPQ của Tiểu khu Đắc Lắc trấn giữ.

Lúc 8 giờ sáng ngày 4-3. Tiểu khu Khánh Hòa điều động Đại đội Trinh sát Tiểu khu cùng với Tiểu đội tình báo Chi khu Khánh Dương hành quân tiến vào đồn 519 để tiếp cứu đại đội ĐPQ bị quân CSVN tấn công trong đêm.  Không ngờ đến ngang cây số 62, đoàn quân lọt ổ phục kích chặn viện của 1 tiểu đoàn CSVN.
Trong vòng 15 phút Đại đội Trinh sát bị tan vỡ đội hình trước khi quân CSVN xung phong.  Đại đội trưởng là Trung úy Phùng Mạnh Tuấn bị thương cụt hai chân, ông ra lệnh cho binh sĩ chạy tháo, để lại lựu đạn cho ông và một số người bị thương ở lại chặn hậu.  Trung úy Tuấn từ binh chủng Nhảy Dù mới đổi về Khánh Hòa hơn 1 năm.
Năm 1975, ngày 4-3, Trung đoàn 95A CSVN tấn công một căn cứ hỏa lực trên Quốc lộ 19, đoạn Tây An Khê, làm chủ một đoạn đường dài 20 cây số.  Tướng Phú điều động Liên đoàn 4 Biệt động quân từ Pleiku tiến xuống An Khê để giải tỏa Quốc lộ.  Đồng thời cũng điều động 1 trung đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 22 BB từ bắc Bình Định theo Quốc lộ 19 lên An Khê, Bình Khê.

Năm 1975, ngày 5-3, lúc 3 giờ chiều, Trung đoàn 65 thuộc Sư đoàn 320 CSVN tấn công một đoàn quân xa đang di chuyển trên quốc lộ 14 và đóng chốt tại khu vực Thuần Mẫn, ranh giới Pleiku và Đắc Lắc.

Ngày 6-3, Tiểu khu Khánh Hòa điều động 3 tiểu đoàn ĐPQ từ Ninh Hòa hành quân lên Khánh Dương để giải tỏa Quốc lộ 21, chiếm lại Đồn 519.  Tiểu đoàn 227 ĐPQ thay Tiểu đoàn 272 tại đèo M’Drak .  Tiểu đoàn 272 từ M’Drak di chuyển lên phòng thủ BCH Chi khu Khánh Dương để làm bàn đạp cho Tiểu đoàn 228 ĐPQ và tiểu đoàn 246 ĐPQ tiến về đồi 519.
Tuy nhiên Tiểu khu Khánh Hòa không ngờ lực lượng địch là 1 trung đoàn ( Trung đoàn 25 CSVN ). Nếu biết địch có 1 trung đoàn chốt giữ khu vực đồi 519 thì bắt buộc lực lượng giải tỏa phải là 3 trung đoàn; quân tấn công phải gấp 3 quân phòng thủ .

Ngày 7-3, xuất phát từ BCH Chi khu Khánh Dương, Tiểu đoàn 228 tiến về hướng Ban Mê Thuột bên phía Nam Quốc lộ 21, còn Tiểu đoàn 246 ĐPQ tiến bên mặt Bắc của Quốc lộ 21.  Cuộc hành quân do Trung tá Vương Văn Đồng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 922 ĐPQ của Tiểu khu Khánh Hòa, chỉ huy.
Khi Tiểu đoàn 246 tiến đến gần 519, còn cách 7 cây số thì bị pháo và bị phục kích, Tiểu đoàn 246 bị tan rã, thương binh không có trực thăng cứu thương nên đành bỏ lại chến trường. Tiểu đoàn 228 ĐPQ trụ lại ngang cây số 62 để đón các cánh quân tản lạc của Tiểu đoàn 246 ĐPQ.
Sau khi TĐ 246 bị tiêu diệt, BTL Quân đoàn 2 chỉ thị Tiểu khu Ninh Thuận tăng phái 2 tiểu đoàn thiện chiến nhất cho Khánh Hòa để đánh giải tỏa Quốc lộ 21.

Ngày 10-3, mờ sáng, Tiểu đoàn 250 ĐPQ của Ninh Thuận lên đến Khánh Dương.  Lúc 10 giờ sáng, Chi khu Khánh Dương nhận được tin Ban Mê Thuột bị tràn ngập. ( Tin tức do Chi Khu Phước An thông báo ).

Ngày 12-3, xuất phát từ Buôn M’Dung, Tiểu đoàn 228 ĐPQ  tiến dọc phía Nam Quốc lộ, hướng về đồn 519.  Tiểu đoàn 250 ĐPQ theo Liên Tỉnh lộ 3 tiến về hướng Bắc khoảng 3 cây số rồi từ đó quay về hướng Tây, tiến song song với Tiểu đoàn 228 ĐPQ, hướng về “Rẫy ông Kỳ” (Nông trại của Tướng Nguyễn Cao Kỳ ).
Lúc 2 giờ trưa, Tiểu đoàn 250/ĐPQ chạm địch, đại đội đi đầu bị lọt ổ phục kích tuyến, đại đội đi cánh phải tạt vào giữa để tấn công ngang hông toán quân phục kích nhưng đụng phải tuyến phục kích chặn viện, đại đội bị tiêu diệt.  Trong khi đó đại đội đi cánh trái và Bộ chỉ huy Tiểu đoàn bị pháo tan vỡ đội hình, binh sĩ chạy tháo về phía sau, quân CSVN rời tuyến phục kích để truy kích Tiểu đoàn 250 ĐPQ.
Lúc 3 giờ chiều, Tiểu đoàn 228 ĐPQ được lệnh tạt xuống Quốc lộ để tiếp viện cho Tiểu đoàn 250 ĐPQ và dừng quân bố trí tuyến phòng thủ tại cầu 36, cách đồi 519 bốn cây số.  Tiểu đoàn 250 dẫn theo một tù binh thuộc Trung đoàn 25 CSVN về BCH Chi khu Khánh Dương.  Đến lúc này phía VNCH mới biết quân CSVN tại Đồn 519 là 1 trung đoàn.

Ngày 13-3, mờ sáng, Tiểu đoàn 228 ĐPQ cùng bị pháo kích và sau đó là tấn công biển người, quân TĐ 228/ĐPQ tháo chạy về phía sau. Đại đội trưởng Đại đội 1/228 Nguyễn Mây bị phỏng nặng. Quân CSVN hô quân VNCH bỏ súng, ba lô xuống và cho chạy người không chứ không tiêu diệt. Có lẽ họ cần lương thực và cần tiết kiệm đạn, cũng không muốn bắt tù binh. Tiểu đoàn 228 ĐPQ rút lui về BCH Chi Khu Khánh Dương.

Như vậy là sau 1 tuần lễ, lực lượng Địa Phương Quân của Tiểu Khu Khánh Hòa và Tiểu khu Ninh Thuận đã bị tan 2 tiểu đoàn và 1 đại đội trinh sát trong nỗ lực tái chiếm đồi 519 để thông đường với Ban Mê Thuột;  1 tiểu đoàn khác bị mất 1 đại đội phải rút lui.

Lúc 1 giờ trưa, tại Chi khu Sông Pha thuộc Tiểu khu Ninh Thuận, Tiểu đoàn 231 ĐPQ nhận được lệnh di quân ra quốc lộ để được xe bốc lên Khánh Dương.  Trước đó Tiểu đoàn 231 ĐPQ được BTL/Quân khu 2 nêu đích danh tăng phái lên Khánh Dương nhưng vì tiểu đoàn này mới tăng phái cho Tiểu khu Bình Định trở về nên Tiểu khu Ninh Thuận chỉ định Tiểu đoàn 250 ĐPQ đi thay.
Sở dĩ Quân Khu 2 nêu đích danh Tiểu đoàn 231 ĐPQ vì đây là tiểu đoàn thiện chiến nhất của Tiểu khu Ninh Thuận, từng dự trận Hà Lan tại Ban Mê Thuột tháng 2 -1973 và trận Núi Ghềnh, trận Đề Ghi tại Bình Định năm 1974.  Trước đó 2 tháng, tháng 1-1975, Tiểu đoàn đã dự trận Đồi 10 tại Chi Khu Tam Quan, Bình Định.

Ngày 14-3, Tiểu đoàn 228 ĐPQ rời Khánh Dương về phòng thủ phía Tây Chi khu Diên Khánh.  Tiểu đoàn 272 ĐPQ rút về phòng thủ trong vòng đai BCH Chi khu Khánh Dương và BCH hành quân nhẹ của Tiểu khu Khánh Hòa.


CIA Đánh lừa Tướng Phú

*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).

Hậu quả của trận Phước Long

Phía VNCH Tướng Thiệu thay tướng Tư lệnh Quân đoàn III là Dư Quốc Đống bằng Tướng Nguyễn Văn Toàn.  Theo tài liệu của Frank Snepp thì 3 tháng trước chính Đại sứ Mỹ Martin đã làm áp lực buộc Tổng thống Thiệu phải cách chức Tư lệnh Quân đoàn II Nguyễn Văn Toàn vì tai tiếng tham nhũng.  Nhưng lần này Tướng Toàn trở lại nắm Tư lệnh Quân Đoàn 3 cũng do Martin để cử ( Decent Interval, trang 155 ).
Cũng theo Frank Snepp, khi Tổng thống Thiệu tỏ ra e ngại vì cách đây 3 tháng Tướng Toàn bị đẩy ra khỏi vị trí Tư lệnh Quân đoàn 2 do tai tiếng tham nhũng thì Đại sứ Martin nói : “Ông có biết tướng Ulysses S.Grant?  Ông ta cũng nổi tiếng bê bối.  Báo chí cho rằng ông ta là một tay rượu chè và nợ đầm nợ đìa.   Nhưng ông ta đã đem lại chiến thắng cho ông Lincoln trong chiến tranh Nội Chiến Hoa Kỳ.  Toàn cũng sẽ như vậy”.
Khi viết lên chuyện này vào năm 1976 thì Frank Snepp cho rằng Martin lẩn thẩn.  Nhưng giờ đây khi CIA cho giải mã tài liệu mật thì mới rõ thâm ý của Martin nhằm tạo tin đồn rằng “quân đội của Thiệu toàn là tham nhũng” để cho Quốc hội Mỹ có cớ từ chối yêu cầu xin thêm viện trợ quân sự của VNCH.

Tướng Cao Văn Viên kết tội Tướng Phú

Năm 1976, Tướng Cao Văn Viên viết tường trình cho Ngũ Giác Đài về giai đoạn cuối của quân đội VNCH.  Trong đó ông viết về nguyên do mất Ban Mê Thuột như sau :
“Cuối tháng 1-1975 chúng ta nhận được tin Sư đoàn 320 CSBV rời căn cứ ở Đức Cơ, gần Pleiku, di chuyển về phía Nam cao nguyên Darlac.  Quân đoàn II (Tướng Phạm Văn Phú) nhận được đầy đủ tin tức về hoạt động của địch nhưng không có một phản ứng gì… …
 “Ngày 3 tháng 3 chúng ta bắt được tài liệu cho biết trung đoàn công binh chiến đấu của Sư đoàn F.10 di chuyển từ Kontum về Ban Mê Thuột.  Với những biến chuyển, quan sát, và tin tức thâu thập được, chúng ta biết rõ Ban Mê Thuột là mục tiêu hiển nhiên của Cọng sản.  Theo ước lượng Cọng sản sẽ cắt đứt các Quốc lộ 14, 19, và 21 để cô lập các tỉnh cao nguyên … …”
“Tuy nhiên các tin tức báo cáo tường trình lên cho Quân đoàn không được Thiếu tướng Phú lưu tâm và cứu xét… …” ( Cao Văn Viên, The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong trang 115,116 ).

“Ban Mê Thuột mất vì chúng ta không đủ quân để phòng thủ khi địch tấn công … Tư lệnh Quân đoàn, Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã không thẩm định lại tình hình quân sự trước những tin tức tình báo chính xác về sự di chuyển của sư đoàn 320 và sư đoàn F.10 về hướng Ban Mê Thuột.  Ông đã không chú trọng đến lời cố vấn của Trưởng phòng tình báo Quân đoàn và tin tình báo từ Bộ TTM. ( trang 121,122 )

Khi Tướng Viên viết lên điều này thì tướng Phú đã chết.  Người chết không có miệng để thanh minh.  Tuy nhiên những người nghiên cứu lịch sử sau này đã đặt ngay dấu hỏi là tại sao Tướng Phú lại làm như vậy?  Phải chăng ông ta là nội tuyến của CSVN hay là nội tuyến của CIA ? Hay là ông ta bê tha, vô trách nhiệm ?
Cái chết của Tướng Phú đã bác bỏ các nghi vấn trên.  Nếu ông là người của CSVN thì ông sẽ sống để hưởng vinh quang; còn nếu ông là người của CIA thì ông đã sang Mỹ để hưởng phú quý .  Nhưng sách của ông trùm CIA Frank Snepp cho biết Tướng Phú đã từ chối lời đề nghị đi Mỹ của Tướng Smith, và ở lại tự sát.
Cái chết của Tướng Phú đủ chứng minh ông là người trọng danh dự, hết mình với đất nước.  Và cũng chứng minh ông không phải là một ông tướng bê tha, vô trách nhiệm.  Vậy thì cái gì khiến Tướng Phú đinh ninh quân CSVN sẽ đánh Pleiku chứ không phải Ban Mê Thuột ?

Sách “55 Days the Fall of South Vietnam” của phóng viên UPI Alan Dawson đã giải thích cho câu hỏi này :  “Mặc dù đã có lúc Tướng Phú đã định điều động Sư đoàn 23 về Ban Mê Thuột, nhưng các chi nhánh CIA tại Quân khu 2 và Phòng 2 Bộ tổng tham mưu QLVNCH đều khẳng định Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 Bắc Cộng vẫn ở nguyên chỗ cũ.
Trên bản đồ của Phủ đặc ủy Tình báo VNCH, của Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, của Đại sứ quán HK tại Sài Gòn và Bộ tư lệnh Quân đoàn II đều cho thấy một cụm quân rất lớn gồm 2 đến 3 sư đoàn có trang bị mạnh của Bắc quân đang chiếm lĩnh vị trí quanh Kontum và cả Pleiku” ( Alan Dawson, “55 Days : The Fall of South Vietnam”, bản dịch của Đỗ Sơn ).

Ngoài ra trong một bài tùy bút viết tại Mỹ, Đại tá Trịnh Tiếu cho biết thời gian đó Tướng Charles Timmes của Mỹ thường xuyên thăm viếng Tướng Phú.  Nhưng Tướng Timmes lại là tướng về hưu làm việc cho CIA.  Vậy có thể kết luận Tướng Phú bị CIA “cho vào xiếc”.

Tướng Cao Văn Viên che mắt Tướng Thiệu

Trong khi đó từ tháng 2-1975 Tướng Cao Văn Viên đã biết quân CSVN từ Pleiku di chuyển về Ban Mê Thuột (!). Bằng chứng là báo cáo tình báo của Bộ TTM của Tướng Viên gởi cho Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng vào tháng 2 năm 1975 ghi như sau :
( Địch) “Điều động Sư đoàn 320 từ Pleiku xuống Darlac để phụ trách chiến trường Nam Cao Nguyên”.
( Sách “Bí Mật Dinh Độc Lập” của Nguyễn Tiến Hưng, phụ lục D.1, trang 264, có trưng ra phóng ảnh của bản báo cáo tình báo số 102/TTM/2 do Đại tá Lung soạn và Tướng Đồng Văn Khuyên ký ngày 20-2-1975 ).
Và phóng đồ “trận liệt địch” trang 765 có vẽ ước hiệu Sư đoàn 320 CSVN đang nằm tại Ban Mê Thuột ( Ảnh đính kèm cuối bài viết ).

Có thể hiểu rằng tin Sư đoàn 320 CSVN đã di chuyển về Ban Mê Thuột là do Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng tình báo Quân đoàn II gởi về cho Phòng tình báo Bộ TTM.  Thế nhưng phòng tình báo của Bộ TTM lại báo cho Tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu rằng quân CSVN sẽ tập trung đánh Pleiku !

Bằng chứng là sách “Intelligence” của Đại tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng phòng Tình báo BTTM/VNCH cho biết Tướng Thiệu đã phê bên lề một báo cáo tình báo của Bộ TTM như sau: “Phòng 2, coi chừng những tin giả mạo của VC;  nó đánh Ban Mê Thuột anh nói nó đánh Pleiku.  Anh nói nó đánh Tây Ninh thì nó đánh Phước Long”.( Hoàng Ngọc Lung, Inteligence, trang 190 ) .
Vào lúc 8 giờ mỗi buổi sáng, tại phòng thuyết trình hành quân của Bộ TTM; Tướng Viên ngồi nghe thuyết trình về tình hình chiến sự trong 24 giờ qua.  Tấm bản đồ phối trí lực lượng địch bên tay trái với ước hiệu Sư đoàn 320 CSVN ( Khoảng 8 đến 10 nghìn người ) nằm chình ình tại tỉnh Đắc Lắc luôn luôn đập vào mắt Tướng Viên.  Ông ta chỉ cần liếc qua tấm bản đồ bên tay phải thì thấy ngay cũng tại Đắc Lắc chỉ có 2 Tiểu đoàn Bộ binh VNCH ( Khoảng 1.000 người ).
Thế nhưng Tướng Viên chớ hề có chỉ thị nào đánh động cho Tướng Phú.  Cũng như chẳng có một kế hoạch nào hổ trợ Tướng Phú để đối phó với dấu hiệu chuyển quân của địch. Trái lại Tướng Viên lại che mắt TT Thiệu bằng cách báo cáo với Tướng Thiệu rằng quân CSVN sẽ không đánh Ban Mê Thuột mà đánh Pleiku (sic).
Ngoài ra, hồi ký của Trung Tá Ngô Văn Xuân, hồi ký của Đại tá Nguyễn Trọng Luật, hồi ký của Đại tá Trịnh Tiếu, đều cho biết vào dịp Tết 1975 Tướng Thiệu đã được báo cáo rõ ràng là quân CSVN đã tập trung về BMT;  và Tướng Thiệu đã ra lệnh trực tiếp cho Tướng Phú đưa Sư Đoàn 23 về phòng thủ BMT.  Thế nhưng cuối cùng lệnh này không được thi hành.  Tại sao không được thi hành thì chỉ có Tướng Viên và Đại tá CIA Lê Khắc Lý biết.

Đại tá Lê Khắc Lý che mắt Tướng Phú

Theo sách của Phạm Huấn thì tháng 11-1974 Tướng Phú nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II kiêm Quân khu 2, ông đã trình xin BTTM cho ông được lấy Đại tá Cao Đăng Tường hoặc Đại tá Nguyễn Văn Đại làm Tham mưu trưởng Quân đoàn nhưng cả hai lần Tướng Viên đều bác.  Sau đó Tướng Viên đưa tới cho Tướng Phú Đại tá Lê Khắc Lý để làm Tham mưu trưởng cho Tướng Phú.

Điều này trái với thông lệ của quân đội :  Người Tham mưu trưởng phải là người ăn ý với Chỉ huy trưởng;  cho nên lúc nào ông Tướng Tư lệnh cũng tự chọn TMT cho mình. Đằng này Tướng Viên đưa Đại tá Lý là người hoàn toàn không ăn ý với Tướng Phú.
Mọi chuyện trở nên sáng tỏ vào tháng 2 năm 2009.  CIA cho giải mã tài liệu mật, lòi ra Lê Khắc Lý là điệp viên gạo cội của CIA được cài bên cạnh Tướng Phú.  Nhiệm vụ của Lê Khắc Lý là bịt mắt Tướng Phú và phá hoại cuộc lui binh trên LTL.7 của Quân khu 2.
Nếu ngày đó qua báo cáo của Trưởng phòng tình báo Trịnh Tiếu, Lê Khắc Lý biết chắc là CSVN sẽ đánh Ban Mê Thuột thì Đại tá Lý với bổn phận là một nhân viên cao cấp của CIA phải báo cáo chuyện này cho Trung tâm CIA tại Sài Gòn ( Polgar, Charles Timmes ).  Và phải báo nguy cho CIA về việc Tướng Phú chủ quan tập trung quân tại Pleiku mà bỏ trống BMT. Thế nhưng không có tài liệu nào cho thấy CIA có báo nguy cho TT Thiệu hay Bộ TTM.

Dấu hỏi được đặt ra là tại sao CIA lại đánh lừa Tổng thống Thiệu và Tướng Phú ?
Câu trả lời là tài liệu mật của CIA và bộ Ngoại giao Mỹ được giải mã cho thấy là Kissinger quyết định giao Miền Nam Việt Nam cho Hà Nội vào năm 1975 để bù lại việc Hà Nội chịu đình chiến và trao trả tù binh cho Mỹ vào năm 1973 mà không nhận được một đồng bạc nào.
Tài liệu của Bộ Ngoại giao CSVN công bố năm 1988 cho thấy Nixon đã ký một mật ước với Hà Nội là sẽ chung cho Hà Nội 4,75 tỉ đô la cho việc Hà Nội ngưng chiến và trao trả tù binh cho Mỹ.( Mật ước ký ngày 1-2-1973, bốn ngày sau khi ký kết Hiệp định Paris.  Nguyên văn mật ước được công bố trong sách “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ & Kissinger tại Paris”, của Lưu Văn Lợi ).
Và rồi vì không chung được một đồng nào như đã ký kết cho nên Kissinger quyết định giao Miền Nam cho Hà Nội để Hà Nội khỏi đưa ra Mật ước của Nixon.  Bởi vì đưa ra thì cả Nixon lẫn Kissinger phải đi tù vì đã bí mật thỏa thuận với đối phương mà không xin phép Quốc hội.


Trận Banmêthuột, kế hoạch tấn công của CSVN

*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).

Kế hoạch tấn công BMT của CSVN

Tháng 10 năm 1974 Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên của CSVN là Nguyễn Quốc Thước ra Hà Nội để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị.  Ngày 6-11-1974 Thước trở vào Nam mang theo chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiên Dũng, ra lệnh đánh lấn chiếm một phần tỉnh Quảng Đức ( Gia Nghĩa ) và một phần tỉnh Phú Bổn ( Cheo Reo ) trong mùa khô 1975.
Trong khi Nguyễn Quốc Thước trên đường vào Nam thì Bí thư Trung ương cục Miền Nam Phạm Hùng cùng với Tư lệnh Mặt trận B.2 Trần Văn Trà trên đường ra Bắc để nhận chí thị. ( Mặt Trận B2 là các tỉnh miền Đông Nam Bộ ).
Trong thời gian lưu lại Hà Nội, Tướng Trà biết được kế hoạch đánh chiếm Gia Nghĩa với 2 sư đoàn CSVN là Sư đoàn 10 thuộc B.3 và Sư đoàn 7 thuộc B.2 thì Tướng Trà đã nói với Lê Duẩn là nên dùng số quân đó mà đánh Ban Mê Thuột thì hơn.  Bởi vì chỉ cần chiếm BMT thì Gia Nghĩa tự động di tản vì không còn đường tiếp tế.

Sau đó trong cuộc họp Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 7-1-1975 Lê Duẩn chỉ thị đánh BMT. Và trong cuộc họp Quân ủy Trung ương ngày 9-1-1975 Lê Đức Thọ đã lập lại lệnh này với câu “Ta có 5 sư đoàn mà không đánh được là thế nào?”
Khi ông Thọ nói câu này thì tại Tây Nguyên chỉ có 4 sư đoàn, còn sư đoàn thứ 5 mà ông Thọ nói tới là Sư đoàn tổng trừ bị 316 CSVN mới được thành lập tại Nghệ An, Sư đoàn này đến Ban Mê Thuột đúng 1 tháng sau đó. (Quân số của Sư đoàn 316 CSVN là 8.820 người ).
Không may cho ông Thọ, chỉ 5 ngày sau khi ông nói câu đó thì Sư đoàn 968 CSVN bị tiêu diệt tại Thanh An ( Tây Nam Pleiku ) bởi 101 phi xuất thả bom của Không quân VNCH.  Do đó khi trận đánh nổ ra thì thực sự chỉ có 4 sư đoàn CSVN tham chiến.  Nhưng trong 4 sư đoàn này chỉ có 3 sư đoàn là có Sư đoàn bộ ( Bộ tư lệnh sư đoàn ) còn sư đoàn còn lại là 3 trung đoàn biệt lập; đó là Trung đoàn 95 A/ CSVN, Trung đoàn 95 B/ CSVN, và Trung đoàn 25 CSVN.

Tướng Hoàng Minh Thảo đã phân công cho Trung đoàn 95A/CSVN chận Quốc lộ 19, từ Bình Định đi Pleiku;  Trung đoàn 25 CSVN chận Quốc lộ 21, từ Khánh Hòa đi Ban Mê Thuột;  Trung đoàn 95.B/CSVN tăng cường cho Sư đoàn 316/CSVN đánh vào thị xã Ban Mê Thuột;  Sư đoàn 320 CSVN đánh chận viện trên quốc lộ 14, giữa Pleiku và BMT;  Sư đoàn 10 CSVN đánh Đức Lập, Quảng Đức; và Trung đoàn chủ lực Miền 201 CSVN đánh Kiến Đức, Quảng Đức.
Ngày 9-3 Sư đoàn 10 CSVN đánh Đức Lập, dự trù thanh toán xong quân Đức Lập sẽ dùng xe hơi chở quân về đánh Ban Mê Thuột trong ngày hôm sau, không ngờ Sư đoàn 10 CSVN bị chôn chân tại Quảng Đức vì bị sự chống trả mãnh liệt của các đơn vị ĐPQ phòng thủ tại Chi khu Đức Lập.  Qua ngày 10-3 Sư đoàn 10 dồn hết quân mới hạ được chi khu Đức Lập vào chiều tối nhưng cũng bị thiệt hại nặng.

*( Theo hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp thì lẽ ra Tướng CSVN Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho Sư đoàn 10 CSVN đánh Ban Mê Thuột theo như Lê Duẩn đã thỏa thuận với Tướng CSVN Trần Văn Trà.  Tuy nhiên cuối cùng vẫn đánh Quảng Đức do vì Tướng CSVN Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận B.3, phản đối với lý do nếu kéo Sư đoàn 10 CSVN từ Quảng Đức về BMT thì sẽ bị lộ toàn bộ kế hoạch
Trong khi đó hồi ký của Tướng Trần Văn Trà lại đinh ninh rằng Lê Duẩn đã không tán thành đề nghị của ông cho nên Sư đoàn 10 CSVN mới bị thiệt hại vô ích.  Tướng Trà có ý chê Lê Duẩn dốt về quân sự nhưng cứ đòi điều binh khiển tướng.
Quân số của mỗi sư đoàn CSVN từ 8.000 đến 9.000 người, mỗi trung đoàn chính quy CSVN từ 2.300 đến 2.500 người.  Trung đoàn chủ lực miền và trung đoàn đặc công CSVN khoảng 2.000 người ).

Lực lượng tấn công BMT của CSVN

Năm 1975, ngày 9-3, lúc 4 giờ chiều, 5 cánh quân CSVN từ các vị trí cách BMT từ 15 đến 30 cây số bắt đầu khởi hành tiến về trung tâm BMT :
–  Trung đoàn 95.B CSVN biệt lập cùng với xe tăng tiến vào từ phía Tây BMT, nhắm vào mục tiêu là Bộ chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc.
–  Trung đoàn 148 CSVN thuộc Sư đoàn 316 tiến vào từ hướng Tây Bắc BMT, nhắm vào hậu cứ của Thiết đoàn Kỵ binh và trung đội pháo binh diện địa ( 2 khẩu ).
–  Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316 CSVN, có tăng cường 1 đại đội tăng, tiến vào từ hướng Tây Nam BMT, nhắm vào kho nhiên liệu của Sư đoàn 23 VNCH
–  Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10 CSVN, có tăng cường 1 đại đội tăng gồm 16 T.54 và 1 K.63, tiến vào từ hướng Tây, nhắm vào BCH Tiểu khu Đắc Lắc.
–  Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316 CSVN tiến vào từ hướng Nam ( Ngã cầu 14 ), nhắm vào Căn cứ B.50 của Trung đoàn 53 VNCH, giáp ranh với phi trường Phụng Dực.
Riêng Trung đoàn Đặc công 198 CSVN với 2 tiểu đoàn tiến vào thị xã từ hướng Nam ( ngã Lạc Thiện ) đánh vào phi trường L.19, cách thị xã 3 cây số;  còn tiểu đoàn thứ ba đang được tăng phái cho Sư đoàn 10 CSVN đánh Đức Lập.( Một tiểu đoàn khoảng 500 người ).

Như vậy là 4 trong số 5 cánh quân đều xuất phát từ phía Tây của Thị xã Ban Mê Thuột và di chuyển bằng xe hơi.  Để chuẩn bị cho 3 tuyến đường chuyển quân từ phía Tây BMT, sổ tay của Tướng Đặng Vũ Hiệp cho thấy công binh CSVN đã san ủi tổng cộng 336 cây số đường băng rừng, thiết lập 3 bến phà, 2 ngầm và nhiều bến vượt cho bộ binh.
* Chú giải :  Mạng lưới tình báo siêu đẳng của CIA

Trong khi quân đội CSVN rầm rộ chuẩn bị chiến trường như vậy thì tình báo của VNCH hoàn toàn không hay biết, bởi vì trước đó mạng lưới tình báo quân/dân sự do chi  nhánh CIA tại Ban Mê Thuột đảm trách nhưng chi nhánh này đã bị đóng cửa vào mùa thu năm 1974 vì lý do để tiết kiệm ngân quỹ của CIA (sic).

Trước kia mạng lưới tình báo quân sự của CIA tại BMT là lực lượng Dân sự chiến đấu ( Biệt kích Mỹ, hầu hết là người sắc tộc Miền Núi ) do CIA tuyển mộ, huấn luyện và trả tiền.  Năm 1971 các đơn vị dân sự chiến đấu chuyển thành Biệt động quân biên phòng và Địa Phương quân của QL/VNCH.  Tuy nhiên các sĩ quan tình báo của HK vẫn tiếp tục liên lạc lấy tin từ những nhân vật trước đây vẫn cung cấp tin tình báo cho LLĐB/HK, tức là từ những cựu Biệt kích quân.
Còn mạng lưới tình báo dân sự do Cơ quan Phụng Hoàng tỉnh Đắc Lắc đảm trách, nhưng cơ quan Phụng Hoàng do CIA trả lương và điều khiển.  Trong khi đó phía VNCH có mạng lưới tình báo của Phòng đặc biệt của Ty Cảnh sát Đắc Lắc với Toán thám sát Tỉnh ( Pru ) và chi nhánh của Đoàn 65 thuộc Đơn vị 101 ( Phủ Đặc ủy trung ương tình báo ).
Nhưng sau Hiệp định Paris 1973, chấm dứt Chương trình Phụng Hoàng, thì các đơn vị tình báo VNCH không còn quỷ đen để tiếp tục điều hành lưới tình báo, do đó tất cả hoạt động tình báo chỉ là nhận tin từ chi nhánh CIA tại BMT.  Nhưng vì chi nhánh CIA tại BMT đã đóng cửa nên phía VNCH hoàn toàn không hay biết về các hoạt động chuẩn bị rầm rộ của quân CSVN (sic).
Theo lời kể của Thiếu úy Nguyễn Công Phúc, một sĩ quan thuộc đại đội Trinh sát của Trung đoàn 45 VNCH :
“Trong những đêm rải quân ra ngoài nằm giữa núi rừng vắng lặng, Phúc và đồng đội nghe thấy tiếng xe di chuyển, hoặc tiếng đốn cây sửa đường của Cộng quân. Không phải chỉ gần đây Cộng quân mới ồ ạt và gần như công khai di chuyển người và vũ khí trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Từ hơn một năm trước, Phúc và những toán thám báo đã khám phá nhịp độ gia tăng và xâm nhập rầm rộ của Cộng quân. “Mình báo cáo hoài mà chẳng thấy cấp trên làm gì cả. Có lần thượng cấp còn bảo ‘báo cáo nhiều quá rồi, khỏi cần báo cáo nữa” ( Vũ Thụy Hoàng ghi ).
Trước đó 1 năm, nghĩa là đầu năm 1974, chi nhánh của CIA tại BMT chưa đóng cửa;  vậy thì báo cáo của các đơn vị thám báo VNCH chìm đi đâu?  Và thượng cấp nào cho rằng “báo cáo nhiều quá rồi?”  Trong khi thượng cấp của đại đội Trinh sát của Phúc là Thiếu tá Điều Ngọc Chuy, nhưng ông này đã báo cáo thẳng cho Tổng thống Thiệu là có dấu hiệu cho thấy CSVN sẽ đánh BMT ( Lời chứng của Trung tá Ngô Văn Xuân ).
Cấp trên của Thiếu tá Chuy là Đại tá Trịnh Tiếu, nhưng ông này cũng trình thẳng cho bộ TTM là Sư đoàn 320 của CSVN đã có mặt tại BMT vào tháng 2 năm 1975 ( Nguyễn Tiến Hưng, Bí Mật Dinh Độc Lập, phụ lục D.1, trang 764 ).  Vậy thì ai đã nhém đi các báo cáo của các đơn vị tình báo quân sự VNCH?
Không có gì khó hiểu, các báo cáo của Trinh sát vùng Cao nguyên là bằng thừa.  Từ đầu năm 1974, hằng tháng các Tiểu khu của các Quân Khu  đều gởi bản báo cáo “Lượng giá ấp dân” bằng hệ thống IBM về Cơ quan Bình định phát triển của Bộ TTM.

Trong mỗi báo cáo của Tiểu Khu Đắc Lắc và Tiểu khu Khánh Hòa đều có báo cáo về tiến trình ủi đường Trường Sơn rẻ nhánh từ tuyến đường mòn Hồ Chí Minh xuống tới Nha Trang ( Buôn Gia Le thuộc quận Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa ).  Đến tháng 10 năm 1974 thì báo cáo “lượng giá ấp dân” của Khánh Hòa cho biết tuyến vận chuyển của CSVN đã bấm tới bờ sông Cái, phía Tây của Quận Diên Khánh, cách thành phố Nha Trang khoảng 30 cây số.
*( Các báo cáo này hiện còn lưu tại Ngũ Giác Đài.  Ngày nay những người nghiên cứu lịch sử có thể xem bản đồ của tuyến vận chuyển đã kéo tới Nha Trang qua bản photo mà Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trưng ra trong Phụ lục D.2 của sách Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, trang 769.  Bản photo của Tiến sĩ Hưng là bản đồ báo cáo tháng 2 năm 1975 của Phòng tình báo Bộ TTM, trong đó cho thấy CSVN đã mở đường cho xe chạy từ biên gới Việt Miên xuống tới cách Nha Trang 30 cây số.  Xem ảnh đính kèm cuối bài viết ).

Tuy nhiên các báo cáo của Phòng tình báo Đắc Lắc ( Đại úy Lê Đình Xuân ) và Phòng tình báo Khánh Hòa ( Thiếu tá Huỳnh Ngọc Chân và Đại úy cố vấn tình báo Wingate ) đều căn cứ theo tin tình báo của Cơ quan Phụng Hoàng (CIA) tại Đắc Lắc và Khánh Hòa.  Nghĩa là CIA và bộ TTM/ VNCH đều biết hết chứ không phải không biết.  Và vì TTM biết hết cho nên các quan chức tình báo Quân khu 2 phát bực mình : báo cáo nhiều quá rồi mà có thấy ai nói năng gì đâu!?

Nguyễn Tiến Hưng, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, trang 769


BÙI ANH TRINH
.

No comments:

Post a Comment