Thursday, June 25, 2020

Trận Phước Long (Bùi Anh Trinh)




Tài liệu của Ngũ Giác Đài :  “Ngay sau khi Phước Long bị tấn công, Hoa Kỳ không có một phản ứng nào … . Một thực tế gần như hiển nhiên là Hoa Kỳ không muốn cuộc chiến tiếp tục, và biều quyết viện trợ để VNCH đánh tiếp là chuyện sẽ không xảy ra.  Đối với Hoa Kỳ cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc”. ( Cao Văn Viên, The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong trang 132 ).

Chuẩn bị của phía CSVN

Năm 1974, tháng 11. Theo hồi ký của Tướng CSVN Trần Văn Trà, Tham mưu phó của Mặt trận B.2 CSVN là Hai Nhã đang trị bệnh tại Hà Nội nhận được lệnh vào Nam mang theo chỉ thị mới của Tổng bí thư Lê Duẩn là không đánh lớn vào năm 1975, không đồng ý đánh Đồng Xoài thuộc tỉnh Phước Long theo như đề nghị của Tướng Trà.
Ngoài ra Hai Nhã cũng nhận được lời dặn riêng của Tổng tham mưu trưởng CSVN Văn Tiến Dũng : “Năm nay chỉ đánh ở đồng bằng, phá bình định.  Đạn dược, nhất là pháo lớn ta còn kém lắm.  Không nên đánh lớn rồi khi có thời cơ không còn lực lượng mà đánh…”.
Sau đó Hai Nhã lên đường vào Nam nhưng trong khi ông đang trên đường đi thì Phạm Hùng và Trần Văn Trà cũng trên đường đi ra Hà Nội, hai bên không gặp nhau.

Năm 1974, ngày 13-11, Bí thư Quân ủy Miền Nam Phạm Hùng cùng với Tư lệnh Mặt trận B.2 Trần Văn Trà đi Hà Nội tham dự Hội nghị 23 Trung ương ĐCSVN, giao cho Nguyễn Văn Linh trực Trung ương Cục Miền Nam và giao cho Tướng CSVN Lê Đức Anh chỉ huy Mặt trận B.2, tức là các tỉnh phía Đông Sài Gòn.
Trước khi Tướng Trà lên đường thì Tướng Lê Đức Anh đề nghị Trà xin thêm quân Miền Bắc bổ sung cho lực lượng quân sự của B.2.  Lúc này lực lượng chính quy của B.2 là Quân đoàn 4 CSVN nhưng quân đoàn chỉ có 2 sư đoàn là Sư đoàn 7 CSVN và Sư đoàn 9 CSVN. Hoạt động trong vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh, Bình Long ( Lộc Ninh ).

Chú giải : Đầu năm 1972 Hà Nội đưa 3 sư đoàn chính quy vào Nam Bộ để đánh trận “Mùa hè đỏ lửa” 1972.  Sau đó cả 3 sư đoàn đã bị tiêu diệt trong trận  An Lộc, chỉ còn lại quân Chủ lực Miền của Trung ương Cục Miền Nam.  Gồm 2 trung đoàn 271 và 201 nhưng 2 trung đoàn này cũng tổn thất nặng nên cần bổ sung bằng quân Miền Bắc vào chứ Miền Nam không thể nào bắt lính thêm được.( Sau trận Mậu Thân dân Miền Nam vùng xôi đậu đã trốn hết về vùng an toàn do VNCH kiểm soát ).

Đến giữa năm 1974 Lê Duẩn mới đưa 2 sư đoàn quân Bắc Việt vào Lộc Ninh, Bình Long để bảo vệ Chính phủ Cách Mạng Miền Nam Việt Nam đang đóng tại Lộc Ninh. Hai sư đoàn do Tướng Hoàng Cầm chỉ huy, đến tháng 7 -74 thì 2 sư đoàn được biên chế thành Quân đoàn 4 CSVN, do Tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh.  ( 2 sư đoàn khoảng 17.000 người ).
Như vậy lực lượng quân sự của Trung ương cục Miền Nam vào cuối năm 1974 tiếng là do Trần Văn Trà làm tư lệnh nhưng thực sự là quân Bắc Việt do Lê Duẩn trực tiếp điều động qua tướng Hoàng Cầm.

Năm 1974, tháng 12, Tướng Lê Đức Anh chỉ thị Sư đoàn 7 CSVN điều nghiên căn cứ Đồng Xoài ( chi khu Đôn Luân, tỉnh Phước Long ).  Tuy nhiên sau đó Hà Nội ra lệnh không được đánh Đồng Xoài và cũng không được sử dụng pháo lớn.

* Chú giải :  Tự truyện của Tướng Lê Đức Anh : “Trong cán bộ có nhiều đồng chí thắc mắc là tại sao cấp trên lại không cho đánh, hơn nữa cấp Bộ mà lại chỉ đạo cụ thể quá như vậy?  Trong thâm tâm thì ông Lê Đức Anh hiểu sâu xa của sự việc này, nhưng không thể nói ra để giải thích với anh em được.  Còn nguyên nhân trực tiếp:  vì hiện trạng lượng pháo lớn và xe tăng dự trữ của ta không còn nhiều” ( Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh, trang 132 ).

Hồi ký của Tướng Hoàng Văn Thái cũng có giải thích là vì đạn súng lớn không còn; nhưng đó chỉ là nguyên nhân bên ngoài, con nguyên nhân bên trong mà Tướng Lê Đức Anh không muốn nói ra là gì?  Thực ra lúc đó Hà Nội không muốn để cho Lê Đức Anh ( Trung ương Cục Miền Nam ) chỉ huy 2 sư đoàn của Bắc Việt.

Tuy nhiên không vì chuyện đó mà Lê Đức Anh chịu bó tay, ông sử dụng hai trung đoàn Chủ lực miền ( 271 và 201 ) đánh chiếm hai quận Đức Phong và Bố Đức một cách dễ dàng.

Đến lúc đó thì Lê Duẩn mới theo lời khuyên của Trần Văn Trà, đang có mặt tại Hà Nội, chỉ thị cho Tướng Hoàng Cầm tung 2 sư đoàn chính quy, xe tăng và đại pháo chiếm toàn tỉnh Phước Long.


Diễn tiến trận đánh Phước Long

Năm 1974, ngày 14-12, Tướng Lê Đức Anh sử dụng Sư đoàn 3 CSVN tấn công Chi khu Đức Phong ( Bù Đăng ) và Chi Khu Bố Đức ( Bù Na ). Sư đoàn 3 là sư đoàn Chủ lực địa phương, không thuộc Quân đoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm.  Thực ra sư đoàn này là do ghép tạm bợ hai trung đoàn địa phương là 271 và 201, chứ không có hệ thống tổ chức và trang bị như quân chính quy.
Lúc 8 giờ 40 :  Quân CSVN chiếm được cả hai Chi khu, hai tiểu đoàn ĐPQ phòng thủ tại 2 chi khu tan rã.

Năm 1974, ngày 15-12, Tiểu đoàn 363 ĐPQ của Tiểu Khu Phước Long tự động rút khỏi căn cứ hỏa lực Bù Na, chạy về Phú Riềng.  Hai pháo đội Pháo binh gồm 10 khẩu cũng phá hủy súng và rút chạy.  Có 4 súng không kịp phá hủy bị quân CSVN tịch thu với 7.000 viên đạn

* Chú giải :  Tự truyện của Tướng CSVN Lê Đức Anh cho biết Tiểu đoàn 363 ĐPQ tự ý  rút chạy, trang 134.  Trong khi hồi ký của Tướng VNCH Cao Văn Viên; trang 103, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong ; thì “căn cứ hỏa lực bị tấn công và tràn ngập” .

Hồi ký của Tướng Cao Văn Viên : “Những cuộc điều tra sau này không tìm ra nguyên nhân tại sao hai quận mất quá nhanh, vì tất cả các cấp chỉ huy đều bị mất tích khi hai tiền đồn rơi vào tay địch”.

Đây chỉ là cách Tướng Viên nói để che giấu dư luận chứ sự thực là cả hai chi khu đều bị lính sắc tộc làm phản, trước đó họ móc nối với quân CSVN và đến giờ hẹn thì họ hè nhau khống chế các cấp chỉ huy người Kinh rồi mở cửa đồn cho quân CSVN vào tiếp thu.  Tại căn cứ hỏa lực Bù Na cũng vậy, việc 4 khẩu súng còn nguyên vẹn trong số 10 súng chứng tỏ các sĩ quan chỉ huy không trở tay kịp, chứ như có chiến đấu thì các khẩu súng sẽ bị phá hủy bằng lựu đạn lân tinh ( CH.2 ) trước khi nó bị rơi vào tay quân CSVN.

Tướng Viên dễ dàng có kết quả điều tra về vụ này nhưng ông muốn giấu, không cho các sĩ quan trong quân đội VNCH biết, bởi vì còn có 45 ngàn quân biệt kích Mỹ khác đang sẵn sàng thanh toán các cấp chỉ huy người Kinh.  Điều này đã thực sự xảy ra vào tháng 3 -1975, khi có lệnh triệt thoái khỏi Tây Nguyên.  Nhà báo Pháp Paul Leandri đã nhanh chóng loan tin này ra toàn thế giới nhưng bị CIA bịt miệng bằng cách thủ tiêu trong một đồn cảnh sát.

Đoạn hồi ký của Tướng Cao Văn Viên nói về trận Phước Long không hề đề cập tới chuyện ông ta đã phản ứng ra sao và ra lệnh như thế nào trước biến cố mất 2 quận, 3 tiểu đoàn và 2 pháo đội pháo binh trong vòng 2 ngày.  Vả lại địa điểm xảy ra chiến trận chỉ cách Sài Gòn có 60 cây số.  Điều này chứng tỏ Tướng Viên cố tình che giấu nhiều quyết định không hay ho gì lắm của cá nhân ông vào thời đó.

Năm 1974, ngày 16-12, BTL/Quân đoàn 3 VNCH đổ Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 7 của Sư đoàn 5 BB xuống Thị xã Phước Long. Lực lượng quân đội VNCH trong toàn tỉnh Phước Long chỉ còn 1 Tiểu đoàn Bộ binh và 2 tiểu đoàn ĐPQ ( Khoảng 1.500 người ).  Trong khi đó phía CSVN là 3 sư đoàn ( Khoảng 30.000 người )
Ngày 16-12, Tiểu đoàn 2 thuộc Sư đoàn 7.BB tấn công chiếm lại quận  Bố Đức.

Ngày 17-12, lập cầu không vận chở tiếp liệu đổ xuống Phước Long và di tản dân chúng ra khỏi vùng giao tranh.

Ngày 22-12, quân CSVN tấn công chiếm quận Bố Đức lần thứ hai. Tiểu đoàn 2 Bộ binh rút về phòng thủ quận lỵ Phước Bình và phi trường Sông Bé

Ngày 23-12, Trung đoàn 165 CSVN tấn công Chi khu Phước Bình ( Bù Đốp ), đến chiều thì chiếm được Chi khu Phước Bình.

Ngày 26-12,  Sư đoàn 7 CSVN với 3 trung đoàn 141, 201 và 209 tấn công Chi khu Đôn Luân ( Đồng Xoài).

Theo hồi ký của Tướng CSVN Lê Đức Anh thì sau khi chiếm được Bù Đăng, Bù Na và Đồng Xoài, thấy quân VNCH không có phản ứng gì lớn thì ông mới nghĩ tới đánh Thị xã Phước Long chứ trước đó không hề nghĩ tới.

Năm 1974, ngày 30-12, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 3 CSVN với sự hỗ trợ của 1 trung đoàn tăng tấn công Phước Bình, là vòng đai phòng thủ của Thị xã Phước Long. ( Cần phân biệt “Sư đoàn 3” CSVN tại Mặt trận B.2 với “Sư đoàn 3 Sao Vàng” tại Bình Định .  Tại Quân khu 5 của CSVN còn có Sư đoàn 2, cũng thường được gọi là “Sư đoàn 2 Sao Vàng” ).

Ngày 31-12, Bộ chỉ huy Chi khu Phước Bình bị tràn ngập, Tiểu đoàn 2 BB/VNCH và Tiểu đoàn ĐPQ rút về phòng tuyến mới tại phi trường Sông Bé.  Một cuộc chạm súng lớn xảy ra, 4 xe tăng CSVN bị bắn cháy ở đầu phi đạo, quân CSVN bị chết rất nhiều nhưng không đếm được, có 50 cán binh CSVN đầu hàng.
Buổi chiều, quân CSVN chiếm được căn cứ pháo binh Bà Rá.

Năm 1975, ngày 1-1, lúc 7 giờ sáng, quân CSVN tấn công vào thành phố Phước Long.  Đồng thời đại bác 130 ly của CSVN bắn trực xạ vào hệ thống phòng thủ thành phố Phước Long,  trong đó có 8 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly.
Ngày 2-1, Tiểu khu Phước Long xin tiếp viện và tải thương nhưng vì đài tiếp vận truyền tin tại Bà Rá bị phá hủy nên không liên lạc được với BTL/Quân đoàn 3.
Ngày 2-1, một cuộc họp diễn ra tại dinh Độc Lập, gồm có Tướng Thiệu, Phó tổng thống Hương, Tướng Khiêm, Tướng Quang, Tướng Viên, Tướng Đồng Văn Khuyên, Tướng Dư Quốc Đống, Tướng Trần Văn Minh.  Đề tài của buổi họp là quyết định có nên tiếp viện cho Phước Long hay không, nếu có thì như thế nào?
Tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn 3, đề nghị BTTM tăng cường cho ông Sư đoàn Nhảy dù hoặc 1 sư đoàn Bộ binh.  Sau đó ông xin từ chức; Tướng Thiệu không chấp thuận.

Sau khi bàn bạc, hội nghị đưa tới quyết định là dùng quân của Liên đoàn Biệt Cách Dù để giải cứu Phước Long. ( Tài liệu The Final Collapse của Tướng Cao Văn Viên ).

Ngày 4-1, quân CSVN pháo hằng ngàn quả đạn vào thành phố Phước Long, tất cả súng đại bác trong thành phố đều bị phá hủy.  Tiểu khu trưởng bị thương nặng, Tiểu khu phó tử trận.

Ngày 5-1, lúc 8 giờ sáng, Không quân VNCH thực hiện 60 phi vụ thả bom, dọn đường cho trực thăng đổ 2 đại đội Biệt cách dù ( 250 người ) xuống phía Bắc thành phố, tuy nhiên vì đạn phòng không của CSVN quá nhiều nên không thực hiện bốc thương binh như đã dự trù.
Buổi trưa, xe tăng của quân CSVN chọc thủng phòng tuyến của Bộ chỉ huy tiếp vận Phước Long và tiến vào trung tâm thành phố , súng chống tăng M.72 của VNCH không có hiệu quả đối với xe tăng của quân CSVN.
Lúc 9 giờ tối, 2 đại đội Biệt cách bị hao hụt hết phân nửa, họ báo cáo về Quân đoàn 3, cho biết tình hình nguy ngập, quân VNCH chỉ còn chiếm giữ Tòa hành chánh và dinh Tỉnh trưởng.
Trong đêm quân CSVN pháo kích 1.000 quả đạn vào vị trí của quân Biệt Cách..
Ngày 6-1, lúc 9 giờ sáng, quân CSVN với xe tăng tấn công vào vị trí của quân Biệt Cách và ĐPQ.  Lúc 11 giờ sáng, mất liên lạc với BCH Tiểu khu nhưng vẫn còn liên lạc với đại đội Biệt cách.
Lúc 12 giờ đêm, lực lượng BCND/VNCH quyết định bỏ tuyến phòng thủ và rời thành phố.
Ngày 7-1, một toán quân Biệt cách gồm 50 người cho biết họ đang đóng quân ở phía Bắc thành phố.  Một toán khác cho biết đang ở hướng Đông Bắc của Quốc lộ 14.

Từ ngày 9 đến ngày 15,  121 quân Biệt cách đã về tới nơi an toàn, nghĩa là một nửa đã nằm lại chiến trường.

BÙI ANH TRINH

.

No comments:

Post a Comment