Tuesday, June 30, 2020

Những bài viết về trận Banmêthuột của tác giả Bùi Anh Trinh (Phần 3)


Trận Ban mê thuột, ngày thứ năm và thứ sáu

*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).

Ngày 14-3,

Sư đoàn 316 CSVN chỉ huy Trung đoàn 174 và Trung đoàn 148 ( Khoảng 5.000 người ) tập trung tấn công Căn cứ B.50 đang do BCH Trung đoàn 53 BB VNCH và 1 tiểu đoàn cọng ( Tiểu đoàn 1/53 + 1 đại đội của Tiểu đoàn 3/53 + Đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB, tổng số khoảng 700 người ).
Cũng như lần tấn công của Trung đoàn 149 ( ngày 10-3 ), hai trung đoàn của Sư đoàn 316 lom khom tấn công lên đồi Căn cứ B.50 với chiến thuật biển người, cứ vừa bắn vừa chạy tới hàng rào căn cứ, người trước ngã xuống thì người sau đạp xác bạn mà tiến lên.  Nhưng họ không ngờ chếch sau lưng của họ là 6 khẩu đại bác 155 ly và 105 ly tại căn cứ Pháo Binh 231. Cả pháo đội thi nhau nã đạn vào đội hình của Sư đoàn 316.
Sau khi phát hiện ra là bị đạn đại bác, các đơn vị CSVN vội vàng quay lại đối diện với Căn cứ pháo binh rồi rút lui ngược với đồi pháo binh.
Theo lời kể của Trung úy Phạm Ngọc Phụng, một Trung đội trưởng của Pháo đội B thuộc Tiểu đoàn 231/PB thì 6 khẩu pháo binh cứ chong nòng ngắm thẳng đoàn quân tấn công mà bắn trực xạ với đầu đạn chạm nổ.  Vì khoảng cách từ súng tới điểm nổ chưa đầy 1 cây số nên quân CSVN không kịp nhe tiếng đề-pa, chỉ thấy những tiếng nổ lớn bất thình lình khiến họ nghĩ rằng bị bom của phi cơ ( Phi cơ L.19 đang bay quan sát ).

Chú giải : Lần trước, trong ngày 10-3, Trung đoàn 149 của Sư đoàn 316 CSVN đã bị tiêu diệt cũng do bị pháo binh bắn trực xạ.  Riêng Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 sống sót nhờ đi lạc. Hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp : “Khi Trung đoàn 198 nổ súng ( 2 giờ 3 phút ngày 10-3 ) thì Trung đoàn 149 Sư đoàn 316 còn cách mục tiêu khá xa, bộ đội vừa đi vừa chạy để kịp thời gian  hiệp đồng.  Trung đoàn này phải vượt qua con suối lớn, nước sâu nên mất khá nhiều thời gian.  Địa hình hướng Nam toàn nương rẫy trống trải, địch phát hiện cho máy bay oanh tạc trúng đội hình.  Riêng tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 được đội công tác dẫn đường, đến 11 giờ 30 phút tiểu đoàn này đã chiếm được quận lỵ Hòa Bình”(trang 410 ).
Hòa Bình chỉ là Xã chứ không phải Quân lỵ, nói rằng “chiếm được quận lỵ” có nghĩa là tạm dừng quân tại chợ của xã Hòa Bình.  Trong khi nhiệm vụ của cả trung đoàn là đánh khu Sân bay Hòa Bình ( Phi trường Phụng Dực ), riêng Tiểu đoàn 9 có nhiệm vụ đánh vào sân bay, nhưng vì đội công tác dẫn đường đi lạc nên tấp vào chợ Hòa Bình, và vì không thấy bóng dáng quân địch tại đó nên báo cáo là đã chiếm xong toàn “quận lỵ Hòa Bình”.

Trong trận tái tấn công căn cứ B.50 ngày 14-3, Tướng Hiệp ghi : “Ngày 14 tháng 3, Trung đoàn 149 đánh nhầm vào khu điều vận sân bay, đến khi tiến sang căn cứ 53 đã bị địch chặn lại”( trang 418 ). Sự thực là Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 đánh nhầm vào nội vi phi trường, bị Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 45 nằm chờ sẵn giữa các ụ chứa phi cơ nên bị đánh tan.  Còn lực lượng bị chặn lại tại căn cứ 53 ( B.50 ) là hai  trung đoàn 148 và 174 của Sư đoàn 316 CSVN .

Cũng theo hồi ký của Tướng Hiệp : “Ngày 15 tháng 3, trung đoàn 149 tiến công lần thứ hai, nhưng Trung đoàn bị máy bay địch đánh trúng đội hình, bộ đội bị thương vong, cuộc tiến công vào căn cứ 53 vẫn không thành”( trang 419 ). Điều này không đúng vì trong các trang trước đó Tướng Hiệp cho biết Trung đoàn 149 đã bị bom trúng đội hình trong ngày 10-3 thì đâu còn Trung đoàn 149 để bị bom trúng đội hình lần nữa ?

Ngày 15-3,

Lúc 8 giờ sáng, sau trận tấn công Trung đoàn 53 VNCH không thành công vào ngày hôm qua, hôm nay Sư đoàn 316 CSVN gom lực lượng còn lại của hai trung đoàn 174 và 148 tổng tấn công Căn cứ pháo binh tại khu Phi trường Phụng Dực ( sân bay Hòa Bình ), căn cứ do pháo đội B/231/PB canh giữ, cọng với 1 đại đội Bộ binh của Tiểu đoàn 3/53 BB.

Lần này Sư đoàn 316 CSVN bỏ qua căn cứ B.50 mà tập trung tấn công căn cứ pháo binh.  Nhưng họ cũng không ngờ là 6 khẩu đại bác đang chờ họ với toàn bộ đạn cận phòng đã nạp sẵn.
( Đạn cận phòng của pháo binh VNCH là đạn chống biển người hoặc đạn thời chỉnh.  Đạn chống biển người là đạn phà, mỗi trái đạn có 2.500 mũi tên thép dài khoảng 3 phân, khi ra khỏi nòng các mũi tên ria ra như một luồng gió thổi về phía địch, ai tránh được gió thì tránh được tên, thường thì mỗi khẩu pháo binh có từ 2 tới 5 viên đạn chống biển người trong trường hợp chính căn cứ pháo binh bị tấn công bằng chiến thuật biển người.
Còn đạn thời chỉnh là đạn được gắn đầu nổ kích hỏa theo thời gian.  Thông thường một viên đạn được bắn tới điểm nổ thì trong xạ biểu có ghi rõ thời gian viên đạn đi từ nòng súng tới khi chạm đất, xạ thủ canh theo đó mà vặn đầu nổ kích hỏa sớm 1  giây trước khi viên đạn chạm đất để gây sát thương tối đa, lính pháo binh thường gọi là “đạn nổ chụp”.

Trong trường hợp bắn cận phòng thì đầu nổ được vặn 1 hoặc 2 giây, nghĩa là viên đạn sau khi ra khỏi nòng 1 hoặc 2 giây sẽ tự nổ trên đường đi, số mãnh đạn bung ra cọng với tốc độ của viên đạn sẽ quét một vệt dài dọn sạch mục tiêu.  Đối với súng 105 ly thì giây đầu tiên ( sơ tốc độ ) viên đạn đi được 900 mét . Trong trường hợp bắn cận phòng, mỗi khẩu đại bác thường chuẩn bị sẵn từ 15 đến 30 viên đạn thời chỉnh ).

Gần 10 giờ sáng, 6 khẩu đại bác tại căn cứ pháo binh 231 đã bắn hết đạn, sau tiếng nổ của viên đạn cuối cùng thì chiến trường chỉ còn khói súng, nhưng quân CSVN thì không thấy đâu nữa.
Lúc 10 giờ 30 , các trung đội Pháo binh báo cáo về Tiểu đoàn 231/PB xin lệnh hủy súng và rút khỏi vị trí vì không còn đạn và không còn tiếp tế, nhất là không còn nước, các xi-tẹc nước đã bị đạn bắn bể.  Thiếu tá Đào Đắc Đạo ra lệnh cố thủ, chờ phi cơ tiếp tế lương thực cũng như tiếp tế đạn.
Pháo đội B/231 mở tần số liên lạc của Trung đoàn 53 với BTL/Sư đoàn thì biết rằng tình hình hoàn toàn không ổn, có lẽ BCH Trung đoàn 53 tại B.50 cũng không được tiếp tế.
Lúc 11 giờ sáng, một trong 3 trung đội trưởng pháo binh là Trung úy Phạm Ngọc Phụng bảo hai thiếu úy trung đội trưởng kia hủy súng và dẫn lính di tản về Phước An.  Một trung đội trưởng PB của TĐ 231 nghe theo, còn Trung đội trưởng 155 ly của Tiểu đoàn 230/PB không biết về sau ra sao.

Tình hình Ban Mê Thuột sau 6 ngày tử chiến

  Lúc 3 giờ chiều. Theo lời kể của Trung úy Phan Văn Phụng, Trưởng ban hành quân Tiểu đoàn 3/53 BB/VNCH thì lúc này toàn bộ thị xã Ban Mê Thuột đã thuộc quyền kiểm soát của quân CSVN.  Duy chỉ còn hai cứ điểm chống cự của VNCH :

(1) Tại căn cứ B.50, gần Phi trường Phụng Dực, có BCH Trung đoàn 53 BB thuộc Sư đoàn 23 BB/VNCH, do Trung tá Võ Ân là Trung đoàn trưởng.  Cùng với Tiểu đoàn 1/53 còn nguyên vẹn sau các đợt tấn công không thành công của quân CSVN và Đại đội Trinh sát của Sư đoàn 23 BB dược trực thăng vận xuống Phụng Dực trong ngày 13-3.  Cọng thêm tàn quân của Tiểu đoàn 3/53 BB qua các trận đụng độ trong thành phố từ ngày 10-3.  Và một chi đội thiết vận xa M.113 khoảng 15 chiếc.
Từ ngày đầu Trung tá Võ Ân cố thủ để đợi viện binh từ Pleiku của Quân đoàn 2 hoặc của Bộ TTM.  Tuy nhiên qua hệ thống truyền tin vô tuyến ông biết Trung đoàn 45/BB và một nửa Trung đoàn 44/BB đã tự động tan hàng sau khi được trực trực thăng đổ xuống Phước An.

Đến chiều ngày 15-3 thì tình hình trở nên tuyệt vọng, không liên lạc được với BTL Sư đoàn của Tướng Lê Trung Tường, cũng không liên lạc được với Quân đoàn 2.  Lương thực và nước uống trong căn cứ đã gần cạn kiệt.  Lúc này Trung tá Ân đã có 2 dự định nếu tình hình không cho phép cố thủ : Một là đợi lệnh của Tư lệnh Sư đoàn mở đường máu xuống Phước An.  Hai là nếu Phước An cũng rơi vào tay CSVN thì ông sẽ mở đường máu băng rừng về Đà Lạt.

(2) Ngoài cứ điểm B.50 của Trung tá Võ Ân, còn có một lực lượng thứ hai vẫn còn cầm cự tại Ban Mê Thuột, đó là Đại đội trinh sát của Trung đoàn 45 BB thuộc Sư đoàn 23 BB/VNCH. Theo lời kể của Thiếu úy Nguyễn Công Phúc thì ngày 15-3 binh sĩ trong đơn vị của ông đã phải dùng lương khô nhặt được trên xác các chiến binh CSVN, nước uống thì nhờ con suối nhỏ ở cuối phi đạo, đạn dược thì đã phải tận dụng súng đạn tịch thu của địch.

Lệnh bỏ Phước An, lập phòng tuyến Khánh Dương

Lúc 3 giờ 30 chiều, Tướng Phạm Văn Phú chỉ thị cho Thiếu tá Phạm Huấn dùng máy bay riêng của ông đáp xuống Phước An và truyền lệnh mật cho Tư lệnh Sư đoàn 23 BB là : “Lệnh của Tổng thống, rút bỏ Phước An mang quân về phòng thủ tuyến Khánh Dương, càng sớm càng tốt” ( Phạm Huấn, trang 126 ).
Chú giải : Sở dĩ phải bỏ Phước An vì hiện quân VNCH đang lập phòng tuyến chống quân CSVN từ BMT theo Quốc lộ 21 tràn xuống. Nhưng sau lưng của phòng tuyến, trên quốc lộ 21, giáp giới với tỉnh Khánh Hòa là đồn 519 đã bị Trung đoàn 25 CSVN chiếm làm nút chận từ ngày 4-3-1975, tức là trước khi đánh BMT 6 ngày.  Như vậy trước mặt phòng tuyến Phước An là quân CSVN từ BMT, còn sát sau lưng phòng tuyến Phước An là Trung đoàn 25 CSVN chặn đường tiếp tế từ Nha Trang lên.  Hiển nhiên phòng tuyến Phước An bị rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch và không có tiếp tế.

Sức mạnh của lực lượng CSVN đang tràn xuống từ Ban Mê Thuột

Sau khi Thiếu tá Huấn truyền đạt lại lệnh bỏ Phước An cho Tướng Lê Trung Tường thì ông gặp riêng Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng tình báo Quân đoàn 2, lúc này đang giữ vai trò tân Tỉnh trưởng Đắc Lắc đi theo đoàn quân của Sư đoàn 23 BB tái chiếm BMT.  Không ngờ Đại tá Tiếu nhờ Huấn báo lại cho Tướng Phú là theo lời khai của các tù binh CSVN thì hiện đang có 4 sư đoàn CSVN tham dự trận BMT ( Một sư đoàn từ 8.000 đến 10.000 quân ).
Cũng theo lời kể của Phạm Huấn : Đại tá Tiếu thở dài nói : “Mặt trận Phước An sẽ bị địch “bứt” bất cứ lúc nào.  Có thể đêm nay…”. Câu cuối cùng Đại tá Tiếu nói với tôi : “Nhờ anh về trình lại với Tướng Phú đề nghị trước đây của tôi.  Bốc trung đoàn 41 của Sư đoàn 22 Bộ binh, gấp rút giải tỏa áp lực của địch tại mặt trận Khánh Dương.  May ra thì chúng tôi còn có cơ hội trở về sát nhập tuyến phòng thủ đó!!! ( trang 128).

Đại tá Tiếu đã phân tích quá rõ về tình thế cực kỳ hiểm nghèo của quân VNCH, nhưng khá kỳ lạ là Thiếu tá Phạm Huấn vẫn không “vỡ” ra.  Ông ta vẫn không hiểu rằng có 40 ngàn quân CSVN đang tràn xuống từ BMT nhưng trong tay Tướng Phú, từ BMT tới Nha Trang, chỉ có 1 Tiểu đoàn ĐPQ khoảng 500 người tại Khánh Dương ( Sự thật là 377 người ).
Nếu Tướng Phú không phải là một nhà chỉ huy đại tài thì quân CSVN đã chiếm Nha Trang 24 giờ sau khi chiếm Ban Mê Thuột.  Chính Đại tá VNCH Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB, đã “dâng công” cho Tướng CSVN Văn Tiến Dũng là hãy đánh thẳng vào Nha Trang bởi vì lúc đó từ BMT đến Nha Trang chỉ có 1 trung đội VNCH, khoảng 30 người, tại đèo M’Drak ( Hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân của Văn Tiến Dũng ).

Bản đồ mặt trận Quốc lộ 21

         Trận Ban mê thuột, ngày chót
    *( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).

Ngày 16 -3, tại ranh giới Khánh Hòa-Đắc Lắc

Lúc 8 giờ sáng tại Chi Khu Khánh Dương, là quận thuộc tỉnh Khánh Hòa ( Nha Trang ), tiếp giáp với tỉnh Đắc Lắc ( Ban Mê Thuột ), Tiểu đoàn 231 ĐPQ, ( Một tiểu đoàn khoảng 500 người ) từ BCH Chi khu Khánh Dương tiến về đồi 519 là đồn ranh giới giữa Khánh Hòa và Đắc Lắc.  Lúc này đồi 519 đang do Trung đoàn 25 CSVN chiếm giữ, ( Một trung đoàn khoảng 2.500 người ). Đây là cuộc hành quân do đích thân Đại tá Lý Bá Phẩm, Tiểu khu trưởng Khánh Hòa chỉ huy;  nhằm mục đích thám sát, thăm dò bố trí của quân CSVN tại khu vực đồi 519.

Lúc 9 giờ 15, Tiểu đoàn 231/ĐPQ nhận được lệnh từ BCH hành quân nhẹ của Tiểu khu Khánh Hòa :  Đúng 1 giờ 30 sẽ có hai phi tuần thả bom CBU xuống  khu vực Đồi 519, sau trận bom thì TĐ 231 sẽ tiến vào khu vực vừa bị bom để thông đường và bắt tay với Sư đoàn 23 BB từ đồn Chu Cúc tiến xuống.

Lúc 10 giờ 40 sáng, Tướng Phú đáp trực thăng xuống Phước An, gặp Tướng Lê Trung Tường khoảng 15 phút.  Tướng phú ra lệnh cho Tướng Tường bỏ Phước An, bỏ luôn cuộc hành quân đánh đồi 519, các đơn vị của Sư đoàn 23BB sẽ được trực thăng vận về Khánh Dương để lập tuyến phòng thủ tại Khánh Dương.
Cùng lúc này phi cơ quan sát phát hiện một đoàn xe tăng CSVN đang tiến xuống Phước An từ phía Tây Bắc, dự trù vòng qua phòng tuyến của Sư đoàn 23 BB để bắt tay với Trung đoàn 25 CSVN đang đóng chốt tại đồi 519, điểm địa đầu của quận Khánh Dương.

Lúc  1 giờ trưa, máy bay chở Tướng Tường từ Phước An về Khánh Dương bị trúng đạn phòng không của CSVN tại khu vực đồi 519, máy bay phải đáp khẩn cấp xuống BCH Chi khu Khánh Dương, Tướng Tường bị thương nhẹ, được đưa đi bệnh viện.
Lúc 1 giờ 30 trưa, hai phi tuần A.37 thả 2 trái bom CBU và 4 trái bom 500 cân xuống khu vực đồi 519 nhưng trước đó Tiểu đoàn 231/ĐPQ lại nhận được lệnh quay trở về Khánh Dương chứ không tiến vào lục soát khu đồi 519 như dự định.
Theo lời của Thiếu tá Nguyễn Xuân Hớn, trưởng ban hành quân của BCH tiền phương tại Khánh Dương thì lúc đó Tướng Phú và Đại tá Lý Bá Phẩm thấy có chiếm được đồi 519 cũng vô ích vì xe tăng của quân CSVN đã xuất hiện tại phía Đông đồi 519 thì họ sẽ băng thẳng từ hướng Đông Bắc của đồi 519 xuống “rẫy ông Kỳ” ( Nông trại của Tướng Kỳ, phía Bắc Chi khu Khánh Dương ) rồi từ đó tiến thẳng theo Liên tỉnh lộ 3 để đánh Khánh Dương.  Nếu đúng như vậy thì Tiểu đoàn 231/ ĐPQ sẽ bị bít đường về ( bị chặn hậu ) và sẽ bị tiêu diệt, vì vậy mới có lệnh cho TĐ 231 rút về BCH chi khu Khánh Dương.

Lúc 2 giờ 30 chiều, sau khi Tướng Lê Trung Tường đã vào Quân y viện tại Nha Trang, Tướng Phạm Văn Phú bay lên Phước An để liên lạc và ra chỉ thị trực tiếp cho Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 45 BB/VNCH;  và Trung tá Ngô Văn Xuân Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44 BB/VNCH.

Ngày 16-3, tại Ban Mê Thuột

Buổi chiều, tại Ban Mê Thuột.  Theo Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp, BTL Sư đoàn 10 CSVN quyết định giao cho Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 10 cùng với 1 đại đội xe tăng T.54 tiêu diệt căn cứ B.50 đang do Trung đoàn 53 Bộ binh VNCH trấn giữ.
* Chú giải :  Hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp : “Chiều ngày 16 tháng 3 Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 quyết định dùng Trung đoàn 66 được tăng cường 1 đại đội xe tăng T.54 tiêu diệt căn cứ 53 ( B.50 ).  Sau khi nhận được lệnh Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Kiệp dẫn cán bộ đi trước trinh sát, đồng thời lệnh cho bộ đội hành quân bám theo.  Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, tiểu đoàn 7 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Hoàng Ngọc Toái phối hợp với một bộ phận của Trung đoàn 149 từ hướng Tây Nam đánh vào.  Trung đoàn 66 và một bộ phận của Trung đoàn 149 đã làm chủ căn cứ 53”.

Đây là do Tướng Hiệp tưởng tượng ra chứ không thể nào có thật :
(1)  Buổi chiều, sau khi nhận được lệnh thì ông Trung đoàn trưởng quyết định dẫn quân đi đánh ngay trong chiều, giống như đi chợ, không cần nghiên cứu, thám sát;  không cần bàn bạc, phân công phân nhiệm, không cần chuẩn bị đạn pháo như thế nào… Và ngay trong buổi chiều thì không bao giờ có, bởi vì tất cả các cuộc tấn công đều được chuẩn bị trong đêm và khai hỏa lúc hừng sáng.  Còn ra lệnh vào buổi chiều có nghĩa là địch đã bỏ ngỏ căn cứ.

(2) Nếu đúng theo sách của Tướng Hiệp thì đội hình đi đánh trận rất buồn cười, ông Trung đoàn trưởng lom khom đi trước, rồi đằng sau ông là đoàn xe tăng và đoàn bộ binh lủ khủ theo sau.  Hoàn toàn trái với binh thư, theo binh thư ( nhị thức chiến xa – bộ binh ) thì Xe tăng T.54 phải đi trước, rồi tới bộ binh tùng thiết, còn ông Trung đoàn trưởng bắt buộc phải ở đằng sau xa các tiểu đoàn.

(3) Lúc phân công thì Sư đoàn 10 giao cho Trung đoàn 66 và 1 đại đội tăng đi đánh B.50.  Nhưng sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt thì mới lòi ra chỉ có Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 66.  Lại lòi thêm “một bộ phận” của Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316 CSVN.  Trong khi toàn bộ Sư đoàn 316 đã bị tiêu diệt trong ngày 15-3.   Như vậy có thể “một bộ phận” chỉ là một nhóm tàn binh còn sống sót của Trung đoàn 149 bị kẹt lại tại khu vực căn cứ B.50.

(4)  Tiếng là Sư đoàn 10 CSVN nhưng thực sự chỉ là Trung đoàn 66.  Rồi tiếng là Trung đoàn 66 nhưng khi tiến vào B.50 thì chỉ có Tiểu đoàn 7 nhưng  không rõ Tiểu đoàn có  bao nhiêu người?   Còn xe tăng đâu không thấy tiến vào ?

(5) Trong khi đó phía bên VNCH thì lực lượng phòng ngự trong B.50 gồm BCH trung đoàn 53, Tiểu đoàn 1/53, 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 3/53, Đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB, và một chi đội thiết vận xa M.113 ( khoảng 15 chiếc ).  Vậy nếu muốn đánh Căn cứ B.50 thì bên tấn công phải có quân số tối thiểu gấp 3. Hơn nữa, vì công sự phòng thủ của B.50 rất kiên cố cho nên tối thiểu phải là 1 sư đoàn ( 10.000 người ).

Hồi ký của Tướng Hiệp cho biết về địa thế và công sự của B.50 : “Gọi là căn cứ trung đoàn 53 nhưng trong đó gồm doanh trại của 2 trung đoàn 44 và 53, nằm về phía Đông Nam sân bay Hòa Bình, cách trung tâm thị xã 10 Km, được tổ chức phòng ngự rất vững chắc, quanh căn cứ có tới 7 lớp rào kẽm gai, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn.  Lớp tường đất đắp quanh căn cứ cao và dày, các lô cốt và ụ súng bố trí ngay trong tường đất.  Hầm chỉ huy của trung đoàn bằng bê tông xây chìm dưới lòng đất”….

Căn cứ B.50 là một trại Biệt kích Mỹ của Lực lượng đặc biệt HK, do công binh HK xây dựng, lối đi trong hầm ngầm rộng đến độ xe jeep có thể chạy vào được.  Cho nên với lực lượng như vậy, trung đoàn 53 có thể chấp 1 sư đoàn CSVN.
Chuyện Tiểu đoàn 7 CSVN sau 3 tiếng đồng hồ đã tiêu diệt căn cứ B.50 chỉ là chuyện tưởng tượng.  Sự thật là Trung đoàn 66 chỉ vào B.50 vào sáng ngày 17-3 sau khi đã được thám báo ( Có thể là một bộ phận của trung đoàn 149 như tướng Hiệp đã nói ) cho biết là quân VNCH đã rời bỏ căn cứ vào chiều ngày 16-3.  Nhận được tin Tướng CSVN Hoàng Minh Thảo mới cho Trung đoàn 66 đến thăm dò và vào tiếp thu căn cứ vào sáng hôm sau.
Quyết định rút lui khỏi căn cứ B.50 của Đại tá Võ Ân được Trung úy Phan Văn Phụng, Trưởng ban hành quân của Tiểu đoàn 3/53 BB/ VNCH  kể lại như sau:

Sáng ngày 16-3, Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 đang ở tại Phước An gọi cho Đại tá Ân, hỏi có phải là đang bị bao vây hay không? Nếu không bị bao vây thì có cách nào ra khỏi B.50 an toàn hay không?  Đại tá Ân cho biết với điều kiện phải có một cánh quân nữa yểm trợ phía bên ngoài.  Tướng Tường bảo chờ lệnh kế tiếp. Tuy nhiên Đại tá Ân cũng ngầm hiểu được ý của Tướng Tường là sẽ phải bỏ Căn cứ B.40, vấn đề là rời bỏ như thế nào cho đỡ thiệt hại nhất.

*( Trung úy Phụng không nhớ rõ giờ của cuộc nói chuyện.  Tuy nhiên so với ghi chép của Phạm Huấn thì có lẽ cuộc nói chuyện xảy ra vào lúc 11 giờ sáng, sau khi Tướng Phú đáp xuống Phước An ra lệnh toàn bộ Sư đoàn 23 BB phải bỏ Phước An để về phòng thủ Khánh Dương ).

Sau đó là Tướng Tường bị thương tại Khánh Dương phải vào bệnh viện, Bộ tham mưu hành quân Sư đoàn 23 như rắn mất đầu không biết đường đâu mà điều động.  Đại tá Võ Ân theo dõi tin tức qua hệ thống vô tuyến biết được tình trạng tang gia bối rối của BTL/SĐ 23 BB, ông quyết định chờ chiếu tối rời khỏi căn cứ để đi về Đà Lạt bởi vì quân CSVN đã chặn đường về Phước An.
Trong đêm đó nguyên lực lượng còn lại của Trung đoàn 53/BB ra khỏi B.50, thay áo quần biến thành dân chạy loạn, chạy xuống Phước An để theo gia đình.  Đại tá Ân cùng với khoảng 70 người ( hầu hết là dân Đà Lạt ) chạy về Lạc Dương để đến Đà Lạt”.  Trong số này có Trung úy Phan Văn Phụng, Trưởng ban hành quân của Tiểu đoàn 3/53 BB, người chứng kiến từ ngày đầu tới ngày chót của trận BMT.

Sáng hôm sau, 17-3, Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 66/ Sư đoàn 10 CSVN vào tiếp thu căn cứ B.50
Tổng kết chỉ có Sư đoàn 316 CSVN đã bị xóa sổ sau 3 lần bị đạn pháo binh của Tiểu đoàn 231/PB.  Ngoài ra các đơn vị khác của quân CSVN chỉ đến tiếp thu các vị trí sau khi quân VNCH đã rút chạy.  Riêng ngày đầu tiên thì Trung đoàn 24 của Sư đoàn 10 CSVN bị chết 1 Tiểu đoàn trưởng và 10 chiến sĩ khi tấn công vào cột cờ Tiểu khu Đắc Lắc ( Hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp ).  Và 2 tiểu đoàn của Trung đoàn Đặc công 189 CSVN bị tiêu diệt khi tấn công vào Phi trường L.19 và BCH Chiến đoàn 3 lực lượng Lôi Hổ.

Bản đồ các tuyến phòng thủ trên Quốc lộ 21

BÙI ANH TRINH

.

No comments:

Post a Comment