“Bình Long
Anh Dũng!”
“An Lộc địa
sử lưu chiến tích
Biệt Cách Dù
vị Quốc vong thân”
1. “Nhị thức Bộ binh, Thiết giáp”
Với ý đồ cưỡng
chiếm Miền Nam của tập đoàn cọng sản Hà Nội. Mùa Hè năm 1972 cọng sản Bắc Việt đưa hai Binh Đoàn, đồng lúc tấn
công Tây Nguyên (Kontum) và Khu Phi Quân Sự (Vùng Giới Tuyến). Trước tình thế
này, Bộ Tổng Tham Mưu đã phải xử dụng đến lực lượng tổng trừ bị: Nhảy Dù và Thủy
Quân Lục Chiến cho hai chiến trường này.
Bất ngờ, tại
Quân Khu III, trong đêm 06 tháng 4 năm
1972, từ bên kia biên giới Campuchia, một Binh Đoàn 50 ngàn quân Việt cọng, bao gồm: 4 Sư Độ Binh, 1 Trung Đoàn Chiến Xa, 1
Trung Đoàn Pháo và Phòng Không hiện đại, bất thần tấn công cường tập, tràn
ngập Quận Lỵ Lộc Ninh do Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh
trấn giữ.
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ
Binh gom tất cả
các lực lượng cơ hữu còn lại là Trung
Đoàn 7 và 8 Bộ Binh, tăng cường thêm Liên
Đoàn 3 Biệt Động Quân lập tuyến phòng thủ mới tại Thị Xã An Lộc để ngăn chận
địch.
Ngày 13 tháng 4 năm 1972, Việt
cọng xiết chặt vòng vây, bắt đầu tấn công bộ chiến với nhị thức bộ binh và chiến
xa vào An Lộc. Lực lượng phòng thủ tại đây đã quyết chiến, chống trả mãnh liệt,
tổn thất nặng nề, không phận đã bị địch quân khống chế, trực thăng tiếp tế và tản
thương không thể vào An Lộc được, tình thế vô cùng nguy nan.
Hội Đồng An
Ninh Quốc Gia và Bộ Tổng Tham Mưu nhận định tình hình, cần phải tăng cường gấp
cho lực lượng phòng thủ, nếu chậm trể thì An Lộc sẽ thất thủ, và nếu tiền đồn
An Lộc lọt vào tay địch thì hai tiếng đồng hồ sau đó chiến xa địch sẽ tới Bình
Dương và Thủ Đô Sài Gòn sẽ bị đe dọa. Bộ Tổng Tham Mưu cuối cùng quyết định
tung Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Lữ
Đoàn 1 Nhảy Dù vào tiếp viện.
Trong thời
gian này tôi đang theo học Khóa Đại Đội Trưởng tại Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức,
thì được tin trong ngày 16 tháng 4, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã nhảy vào tiếp viện, tăng cường cho mặt trận An Lộc và đã bắt tay được với các lực lượng bạn
cố thủ, đang trong tình huống hết sức nguy ngập, các tuyến phòng thủ đang bị
“thủng” dần.
Sơ Đồ Chiến
Trường An Lộc
Theo tin
tình báo cho biết, Việt cọng đã cố tình tung 4 Sư Đoàn 5, 7, 9 và Sư Đoàn Bình Long, ngoài ra còn tăng cường một Trung Đoàn Đặc Công, hai Trung Đoàn
Pháo và Phòng Không, hai Trung Đoàn Xe Tăng, đây là lần đầu tiên chúng xử dụng
xe tăng trên chiến trường Miền Nam, cố chiếm An Lộc trong vòng 5 đến 10 ngày, để
ra mắt cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam của chúng.
Vừa suy tư về
tin tức nóng bỏng này, vừa lo âu cho đơn vị của mình tham gia trận đánh đang xảy
ra ác liệt, tôi nôn nóng, băn khoăn vô cùng…Cũng may, một tháng qua mau thì mãn
khóa, tôi vội vàng về trình diện Bộ Chỉ Huy hậu cứ đơn vị tại Ngã tư An Sương,
Hốc Môn. Toàn bộ các Đại Đội Biệt Cách Dù đã vào chiến trường đã nửa tháng nay
rồi, mà không có tôi cùng chiến đấu, cùng chia sẻ gian khổ, nguy nan cùng đồng
đội. Yên lòng sao được.
Tôi cùng Thượng
sĩ Phạm Văn Cứ cũng vừa đi tập huấn Taekondo trở về, nhận lệnh vào chiến trường
ngay ngày hôm sau. Xe Jeep của Liên Đoàn đưa chúng tôi đến Lai Khê nơi Bản
Doanh của Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, từ đó Trực Thăng UH.1B đã bốc thả chúng
tôi xuống bên ngoài Thị Xã, vùng Xa Cam. Để tránh phòng không của địch, bây giờ
chúng sử dụng cao xạ 37 ly (đạn nổ lần hai sau khi trúng mục tiêu), không còn
dùng 12.7 như trước kia, Phi Công Việt Nam phải bay thật thấp, sát ngọn cây. Vừa
tới bãi đáp ngay giữa Quốc Lộ 13, chúng tôi nhảy liền xuống, cả hai men theo rừng
cao su tìm đường vào Đơn Vị, đang trú đóng ở giữa lòng Thành Phố. Lúc ấy trời vừa
quá trưa.
Trên đường
tiến vào Thành Phố Bình Long, nhà cửa cây cối điêu tàn, xơ xác, một vài nơi lác
đác những cột cháy đen còn đang bốc khói. Rãi rác xác địch nằm ngổn ngang, những
khuôn mặt măng sữa, chừng độ 14, 15 tuổi. Vượt qua tuyến phòng thủ của Trung
Đoàn 8, Sư Đoàn 5 của Đại Tá Mạch Văn
Trường, rồi băng qua Công Viên Hoàng Hôn, chúng tôi đã đến Bộ Chỉ Huy Hành
Quân của Liên Đoàn đóng tại một căn phố lầu, bên cạnh Cửa Hàng Tân Hoài Sương,
trên Khu Phố đối diện Khu Chợ Bình Long.
Trình diện Trung Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng
xong, tôi nhận lệnh làm phụ tá Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, Đại Đội Trưởng là Đại
Úy Nguyễn Ích Đoan, đang phòng thủ hướng Đông Đông Bắc, bên trái trục lộ chính
Quốc Lộ 13, cửa ngõ Thành Phố, hướng đi Lộc Ninh. Bấy giờ thì Lộc Ninh đã bị Việt
cọng chiếm giữ mất rồi.
Bọn giặc cọng
không thể tiên liệu được là đơn vị Biệt Cách Dù đã nhảy vào Thị Xã An Lộc và
đang mở các cuộc đột kích sở trường, thiện chiến để dành lại các phần đất đã lọt
vào tay chúng.
Thị Xã An Lộc
trở thành bình địa
Các Đại Đội
Biệt Cách Dù, phòng ngự ba hướng chính của Thành Phố. Đại Đội 1 giữ hướng Đông
Đông Bắc, Đại Đội 3 và 4 bố trí quân dọc theo Khu Nhà Thờ ở hướng Tây và Tây Bắc,
Đại Đội 2 là lực lương trừ bị, rải quân phòng thủ ở khu vực chợ về hướng Nam
cùng các dãy lầu phố kế cận Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Đoàn.
Tình hình bấy
giờ là quân Việt cọng vẫn còn chiếm giữ một số khu vực trong Thành Phố. Chúng đặt
chốt trên các đường chính, trong các cao ốc còn sót lại ở hướng Đông Bắc và Tây
Bắc, phân chia từng Tổ 3 người để bắn sẻ, hay tác xạ B.40, B.41 ngăn chận các
cuộc chuyển quân, tấn công của các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa.
Mặc dù các
khu vực hướng Bắc đã lần lượt tái chiếm, nhưng lực lượng địch tại Đồn Cảnh Sát
Dã Chiến vẫn cố thủ, chúng dùng đại bác 57 và 75 trực xạ, nhưng cuối cùng với sự
yểm trợ hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ và kỷ năng tác xạ súng cối 81 ly chính
xác, hiệu quả của Trung Úy Cao Kỳ Sơn và Trung Sĩ Đỗ Đức Thịnh, cùng với lối
tác chiến chuyên nghiệp, gan dạ, Biệt Cách Dù đã tiêu diệt toàn bộ bọn chúng
ngay trong chiều ngày 18.4.1972. Tuy nhiên Biệt Cách Dù cũng đã phải ngậm ngùi
trước sự hy sinh của Chuẩn Úy Nguyễn Quang Khánh và một số đồng đội.
Một phần lớn dân chúng đã thoát ra khỏi Thành
Phố, theo QL.13 chạy về hướng Saigon, nhưng đồng bào bị Việt cọng pháo kích sát hại, một số bị chận lại ở Chơn
Thành không cho chạy nữa. Đồng bào chết giữa lửa đạn hay sao? cọng sản không quan tâm.
Không lý chúng làm Lễ ra mắt “Chính Phủ ma” ở một “Thành Phố ma”, Thành Phố
không còn dân, dân chúng đã bỏ chạy hay sao?
Ngày 19 tháng 4 năm 1972, Việt cọng bắt
đầu mở cuộc tấn công mới, với ý muốn dứt điểm Thành Phố, kết thúc trận đánh, thực
hiện tham vọng giải phóng toàn bộ Thị Xà An Lộc. Chúng đưa Trung Đoàn 141,
Trung Đoàn 275 với Đặc công và Chiến xa T.54 yểm trợ tấn công Đồi Gió, chúng áp
dụng chiến thuật biển người, nhưng chúng đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của
Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn văn Đĩnh chỉ huy, ngoài ra chúng còn
pháo kích dồn dập vào ngay Thị Xã và sau đó ào ạt tấn công từ hai hướng Tây và
Tây Bắc, nhưng chúng cũng đã bị các Chiến Sĩ 81 Biệt Cách Dù Đại Đội 3, Đại Đội
4 và các Đại Đội Biệt Động Quân phản công triệt hạ nhiều địch quân, thiêu hủy một số chiến xa, gây thảm bại cho bọn chúng.
Chiến xa địch
bị bắn cháy khắp các ngã đường
Đến Ngày 4
tháng 5, một lực lượng địch, không rõ quân số, lợi dụng đêm tối, tấn công vào
phòng tuyến của Đại Đội 3 và 4 hầu mong dành lại những khu vực đã bị Biệt Cách
Dù tấn chiếm. Suốt một đêm giao tranh, chúng đã bỏ lại nhiều xác chết nằm vương
vãi bên ngoài giao thông hào. Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 Đại Úy Đào Minh Hùng, bị
trọng thương và sau đó không lâu Đại Đội Phó Trung Úy Nguyễn Khoát Hải, bị mãnh
đạn súng cối trúng vào mắt, Trung Tá Phan Văn Huấn đã đưa tôi về đảm nhận chức
vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 Biệt Cách Dù.
Quân cọng sản
áp dụng đúng chiến thuật của Napoléon: “tiền
pháo hậu xung”. Trong nửa đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11 tháng 5 năm 1972, bọn
chúng rót xuống Thành Phố 8 ngàn quả đạn pháo. Với hỏa lực đó không những
Thành Phố An Lộc nhỏ xíu thành bình địa, mà tất cả các đơn vị Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa sẽ bị tiêu diệt. Không một sức đối kháng nào có thể tồn tại.
Mặc dù địch
đã pháo xối xả, ác liệt vào Thành Phố chỉ trên 1 cây số vuông, nhằm hủy diệt
hoàn toàn binh lực của chúng ta, nhưng bọn chúng đã hoài công, chẳng mang lại
được kết qủa hay tổn thất gì đáng kể.
Các lực lượng
cố thủ và tăng cường giải tỏa Thị Xã Bình Long, không phòng thủ tập trung trong
một khu vực tại trung tâm Thành Phố, mà đóng rãi rác trên một chu vi rộng lớn,
với các công sự, hầm hố kiên cố, vững chắc; hơn nửa lực lượng địch và ta lúc đó
cũng đang bố trí cận kề, nên địch không thể liều lĩnh hỏa tập để sát thương,
gây tổn thất nặng nề luôn cho bọn chúng.
Dứt các đợt
pháo, theo hướng dẫn của của du kích địa phương, có cả đặc công và bộ binh tùng
thiết, theo đúng chiến thuật “nhị thức bộ binh, thiết giáp”, khoảng hơn 20 xe
tăng T.54 của địch tiến vào Thành Phố, theo ba hướng khác nhau. Hướng phòng thủ
của các Đại Đội Biệt Cách Dù đã tiên đoán và sẵn sàng chờ địch. Bộ binh, đặc
công Việt cọng tiến song song theo xe tăng, chúng vừa đi vừa bắn phá dữ dội.
Bấy giờ, về
phía các Đại Đội Biệt Cách Dù phòng ngự, mìn chống tăng thiếu hụt. Một số lớn
đã được sử dụng trong các trận đánh trước, công việc tiếp liệu chưa cung ứng kịp.
Vả lại, loại mìn chống tăng hiện có, sức công phá còn yếu, chưa đủ để phá hủy
toàn bộ xe tăng địch.
Trung Tá Phan Văn Huấn đã sáng chế ra một loại mìn
chống tăng “thần kỳ”.
Theo lệnh của Ông, các Đại Đội đã xử dụng đạn
đại bác 105 ly hay 155 ly không nổ, đút vào đầu viên đạn một thỏi chất nổ TNT,
gắn ngòi nổ mìn Claymore vào đấy, xong đặt mìn trên các con đường trước tuyến
phòng thủ, chờ xe tăng địch tới đúng vị trí, bấm vào “con cóc”. Sức công phá của
loại mìn chống chiến xa tự chế nầy đạt hiệu quả tối đa. Không những
xe tăng bất động, bị cháy, mà bộ binh tùng thiết cũng gánh chung số phận và
trên đường tạo ra một hố sâu rộng lớn đã làm cản trở đường chuyển vận của các
xe tăng bọn chúng.
Nhờ vào sáng
kiến này mà hơn 10 chiến xa T.54 của địch đã bị các đơn vị Biệt Cách Dù phá hủy,
số chiến xa còn lại đã bị các đơn vị Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Trung Đoàn 8 Bộ
Binh, và Địa Phương Quân tác xạ tiêu hủy bằng hỏa tiễn M.72 và XM.202, thây địch
chết, bị thương nằm ngổn ngang, la liệt bên các xe tăng địch, trên khắp các ngã
đường trong Thị Xã Bình Long, An Lộc.
Trên hướng
phòng ngự của Đại Đôi 2, hai chiếc T.54 trúng mìn tan xác tại chỗ, hai chiếc
còn lại đằng sau, quay mũi xe bỏ chạy lạc hướng, cũng đã bị các đơn vị Bộ Binh
của Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 triệt hạ. Trước thất bại này, khả năng chiến đấu của
chúng không còn, các chiến sĩ Biệt Cách dù đã leo lên đứng trên chiến hào, trên
các xe tăng địch hoan hô chiến thắng của mình vang dội cả một vùng trời mù mịt
khói lửa, đạn bom.
Đại Đội 3 Biệt Cách Dù reo mừng chiến thắng trên chiến xa địch bị
bắn cháy
2. Đuổi chuột…(Đánh chiếm từng nhà)
Địch sau các
cuộc tấn công qui mô, áp đảo, chúng không còn khả năng tấn công lớn nữa, vì thế
các Đại Đội Biệt Cách Nhảy Dù được lệnh “đuổi chuột từng nhà”, quét sạch địch
khỏi Thành Phố. Việt cọng tháo lui, đang ẩn núp trong các nhà dân bỏ hoang,
chúng chiếm cứ một vài cao điểm để bắn sẻ vào binh lính chúng ta. Ngoài ra,
không ít cán binh Việt cọng, sau khi đơn vị chúng bị đánh tan tác, bị đánh đuổi
ra khỏi Thành Phố, chúng bị kẹt lại nên cũng lẩn trốn trong nhà dân, chưa biết
cách tấn thối như thế nào. Tuy nhiên, vũ khí chúng vẫn còn trong tay, còn có thể
gây nguy hiểm cho binh sĩ của chúng ta.
Trung Tá Chỉ
Huy Trưởng Phan Văn Huấn lệnh cho các Đại Đội Trưởng phải nhanh chóng trừ khử
toàn bộ bọn chúng. Sở trường chuyên nghiệp của Biệt Cách Dù bắt đầu đem ra tái
sử dụng. Các Toán, chờ trời vừa sụp tối là triển khai đội hình, “đục tường” tiến
từ nhà nầy qua nhà khác, tiêu diệt địch từng tên một bằng vũ khí cá nhân là dao
găm, lựu đạn. Trong trường hợp nầy, lựu đạn là loại vũ khí đắc dụng nhất, “đục
tường” chỉ là một cách nói.
Việt cọng bắn
phá Thành Phố một cách bừa bãi, không phân biệt mục tiêu quân sự hay nhà ở của
dân chúng, nên hầu hết nhà cửa đều bị sập hoặc hư nát. Nhờ vậy, các Chiến sĩ Biệt
Cách Dù đã lợi dụng những bức tường nứt đổ, những vách tôn, vách lá rách nát, để
tiến từ nhà nầy qua nhà khác. Lần hồi, nội vi Thành Phố không còn bóng dáng địch.
Chúng chỉ còn cầm cự vòng ngoài, thỉnh thoảng pháo kích đạn cối vu vơ vào Thành
Phố để cầm chừng.
Mục tiêu còn
lại cuối cùng là Đồi Đồng Long. Để
chuẩn bị cho cuộc tấn công tái chiếm Đồi Đồn Long, trong lúc khai triển đội
hình khi đến gần chân đồi với đầy dẫy cây rừng hoang dại, các Chiến Sĩ Đại Đội 2 Biệt Cách Dù đã phát hiện
một căn hầm, nằm khuất lấp dưới những tấm ván gỗ và những cỏ cây xác xơ vì
bom đạn,. Các Binh sĩ áp sát đến miệng hầm, họ nghe vài ba tiếng động sột soạt
nhỏ phát ra từ bên trong. Rất thận trọng, họ chưa vội nổ súng hay tung lựu đạn
mà chỉ phát lời kêu gọi đầu hàng, đồng thời cấp báo ngay về Bộ Chỉ Huy Hành
Quân, Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn ra lệnh Đại Úy Sơn cho Binh sĩ quan
sát kỹ càng, có thể là địch quân mà cũng có thể là đồng bào, nhưng bất kể họ là
ai, với hơn hai tháng chiến trận xảy ra nơi đây, không lương thực, nước uống,
thì đâu còn sức đề kháng để chống cự, phải tìm mọi cách đưa họ ra khỏi căn hầm
đó. Và thật không thể tưởng tượng được, chỉ vài ba phút sau đó, có hai em bé gái khoảng chừng 6, 7 tuổi bò
ra, trên người chỉ còn những mảnh vải rách nát, tả tơi che thân, đất bùn,
ghét bẩn bám đen xì trên thân thể khô cằn, còm cỏi, chỉ còn da bọc xương, hai mắt
sâu hoắm trên một khuôn mặt hốc hác, ngây dại, thờ thẩn, giọng nói khàn đục,
thiểu não, nhìn hai bé chẳng khác gì hai bộ xương biết đi, thật quá đổi thương
tâm, đau lòng, không ai có thể cầm được nước mắt.
Trung Tá Chỉ
Huy Trưởng đã mang hai bé về Bộ Chỉ Huy Hành Quân và giao cho Ban Quân Y của
Bác Sĩ Nguyễn Thành Châu khám nghiệm, chữa trị, chăm sóc cho đến khi hai bé tạm
bình phục và hai bé đã kể lại mọi sự việc như sau: “Hai cháu tên là Hà Thị Loan và Hà Thị Nở, con của Trung Sĩ Hà Văn Hiến,
phục vụ tại Tiểu Khu. Khi Việt cọng tấn công, pháo kích vào An Lộc, Mẹ cỏng em
trai 4 tuổi và đắt hai cháu chạy giặc, thì bất ngờ Mẹ bị trúng đạn pháo chết ngay tại chổ, em trai bị
thương nặng ở chân. Chúng cháu liền cỏng em trai chạy xuống ẩn trú trong một
cái hầm kế cận chân đồi Đồng Long, trong đêm hôm đó Em trai cháu chết, qúa khó
khăn để chôn cất, nên chúng cháu để xác Em trai nằm bên cạnh cho đến thối rửa
chỉ còn bộ xương. Chúng cháu trốn ở đó suốt hơn hai tháng, lúc đầu may nhờ có một
số cơm gạo sấy của ai bỏ lại đã ăn dần, về sau ăn sống luôn mấy con gà con lạc
mẹ đang trốn chung trong hầm. Cạn kiệt lương thực, đói qúa ban đêm khi không
còn nghe tiếng đạn pháo kích, thì mò ra khỏi hầm kiếm rau cỏ mà ăn. May nhờ đến
ngày hôm nay được các bác tìm thấy mà cứu sống các Cháu”.
Trong năm 1973, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị
đã đưa hai Cháu Loan và Nở lên Đài Truyền Hình Sài Gòn, để kể lại bao nổi gian
khổ, đói khát hãi hùng, kinh hoàng trong hơn hai tháng ẩn trốn ở An Lộc. Đến
năm 1974, hai Cháu đã được một người Mỹ nhận làm con nuôi, và hiện nay đang định
cư tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
3. Tái Chiếm Đồi Đồng Long.
Đến ngày 12 tháng 6 năm 1972. Liên Đoàn 81 Biệt
Cách Dù được lệnh tái chiếm Đồi Đồng Long. Đây là một trận đánh sinh tử,
quyết liệt cuối cùng mà Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã được cấp trên tin tưởng
giao phó. Vận mạng của An Lộc cũng sẽ tùy thuộc vào sự thành bại trong trận huyết
chiến này.
Đích thân Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn đã điều
động Đại Đội 2 và Đại Đội 3 chia làm hai cánh, Đại Đội 3 do Đại Úy Phạm Châu Tài
chỉ huy, sẽ tiến quân từ hướng Đông và Đại Đội 2 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ
huy, phối hợp cùng hai Toán Thám Sát do Thiếu Úy Lê Văn Lợi chỉ huy, sẽ tiến
quân từ hướng Nam, tất cả lợi dụng vào nửa đêm trời tối, âm thầm, kín đáo bò
sát lên đỉnh đồi, nằm ém quân tại chỗ, đợi cho đến khi trời vừa hừng sáng, sau
khẩu lệnh xung phong của Đại Úy Sơn, tất cả đã đồng loạt nổ súng xối xả, tấn
công vào các pháo tháp, hầm trú ẩn của địch quân, bọn địch dù đông, công sự
phòng thủ vững chắc, nhưng quá bất ngờ, không kịp trở tay trước lối đánh thần tốc,
táo bạo của Biệt Cách Dù, nên một số đã bị sát hại, số còn lại vừa định thần đã
phản ứng chống trả, nhưng không ngăn cản được quyết tâm tái chiếm đồi Đồng Long
của các Chiến sĩ Biệt Cách Dù, cuối cùng chúng cũng đã bị tiêu diệt, hay đã phải
buông súng đầu hàng.
Hai Toán
Thám Sát đã không chậm trễ, khai triển đội hình công hãm và thanh toán cứ điểm
cuối cùng của địch trên chóp đỉnh, bốn tên địch quân ngoan cố cầm cự trong tuyệt
vọng, để rồi phải phơi thây thảm khốc. Thiếu Úy Lợi và các Toán viên đã mừng
rơi nước mắt, cùng cầm Quốc Kỳ Việt Nam Cọng Hòa cắm xuống ngay trên đỉnh Đồi Đồng
Long.
Lá Cờ Vàng
ba sọc đỏ lại bắt đầu ngạo nghễ tung bay trước gió, giữa bầu trời một màu trong
xanh pha trộn những tia sáng rực rỡ của ánh bình minh, đánh dấu cho một ngày mới,
một ngày mà An Lộc, Bình Long đã sạch bóng quân thù, một ngày mà Trung Tướng
Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III đã ra tuyên bố: “Thành Phố Bình Long, An
Lộc đã hoàn toàn được giải tỏa”.
Trước chiến thắng vang dội, hiển hách của Liên
Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh khi đến thị sát chiến trường
An Lộc, đã thừa lệnh Tổng Thống và Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, gắn cấp bậc Đại Tá đặc cách tại mặt trận cho Trung Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Cùng lúc đó, Tướng tử thủ Lê Văn Hưng đã không
tiếc lời khen ngợi và hầu hết các đơn vị tham chiến tại Bình Long đều vui mừng,
bày tỏ lòng cảm phục đối với các Chiến sĩ 81 Biệt Cách Dù đã anh dũng chiến đấu
tiêu diệt quân thù, dành lại những phần đất đã lọt vào tay bọn chúng.
4. Nghĩa Trang
Dĩ nhiên,
trong một trận đánh dữ dội nhất nhì trong Lịch sử Chiến tranh Đông Dương, Việt
cọng tung hết lực lượng sẵn có ở miền Đông Nam Bộ và các Sư Đoàn thiện chiến của
chúng từ Miền Bắc xâm nhập vào chiến trường An Lộc. Bên phía Chính Quyền và
Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa quyết tử chiến, giữ không cho giặc chiếm một tất đất
nào, nên đã đưa vào mặt trận những Đơn vị Quân Đội nổi danh, thiện chiến, thì sự
hy sinh, tổn thất của hầu hết các đơn vị này không phải là ít, trong đó có Liên
Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù của chúng tôi.
Với các Chiến Sĩ tử vong tại mặt trận, ban
ngày chết bất cứ ở đâu, thì ban đêm đều được đồng đội mang về tập trung chôn cất
ở khu đất cạnh Chợ An Lộc, như nghiêm lệnh của Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn
Huấn.
Không thể chôn cất ở một địa điểm nào xa Thành Phố vì tình hình chiến sự bấy giờ
không cho phép, Liên Đoàn sử dụng khu đất trống phía trước Chợ An Lộc để an
táng những Chiến Sĩ Biệt Cách Dù đã nằm xuống. Việc chôn cất khẩn cấp, giữa lúc
giao tranh vẫn đang còn tiếp diễn, dù vậy chúng tôi thực hiện một cách nghiêm
chỉnh. Mộ có hàng lối, có đắp nấm và có
bia gỗ khắc tạm tên tuổi, v.v…
Về sau này, đích thân tôi được Trung Tá Chỉ
Huy Trưởng Phan Văn Huấn chỉ thị phác thảo họa đồ, điều động một Toán 4 binh
sĩ, gồm có Hạ sĩ Sang, Hạ sĩ Trúc (Đại Đội 4), Hạ sĩ 1 Diệp, Binh 1 Ngà (Đại Đội
1) bắt tay vào sửa sang 68 phần mộ, dựng
các bia đá có khắc ghi đầy đủ Danh Tánh, Cấp Bậc, Ngày Tháng tử trận và xây dựng
khuôn viên bao quanh Nghĩa Trang, mặt chính diện ghi khắc hai câu thơ:“Túy ngọa
sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” và dựng lập một Đài Tử
Sĩ “Tổ Quốc Tri Ơn” bằng gạch, tô ciment, cao 10 ft, bên dưới bệ khắc nổi hai
câu thơ:
“An Lộc Địa sử lưu chiến tích.
Biệt Cách Dù vị Quốc vong thân”
Vật liệu cần
thiết cho công việc nầy là xi măng, gạch cát phần lớn là do các Hiệu Buôn trong
khu vực Liên Đoàn phòng thủ ủng hộ. Tôi phải kể đến sự đóng góp cao quí của cửa hiệu Tân Hoài Sương đã hết lòng hỗ trợ.
Ngoài ra, chúng tôi sử dụng một số xi măng của các Cửa Hiệu đã bị đạn pháo kích
của Việt cọng tàn phá, chủ nhân đã di tản.
Về sau chính
quyền Tỉnh, theo sự đề nghị của Trung Tá Huấn, đã đền bù cho chủ nhân các
thương hiệu nầy, theo chính sách gọi là “bồi thường chiến tranh” của Bộ Xã Hội,
Chính Phủ VNCH.
Về hai câu đối
ghi ở Đài Tử Sĩ Tổ Quốc Tri Ơn, phát xuất từ hai Câu Thơ của Cô Giáo Pha dạy ở Trường Tiểu Học Thị Xã Bình Long. Cô
Pha trúng đạn pháo kích bị thương ở chân, không di chuyển được. Biệt Cách Dù
đưa Cô về Trạm Xá Dã Chiến ở cạnh Bộ Chỉ Huy chăm sóc. Khi thương tích đã bớt,
đi lại được bằng đôi nạng gỗ do các Chiến Sĩ Biệt Cách Dù tự chế, hằng ngày cô
nhìn qua cửa sổ, thấy chúng tôi dưới làn mưa đạn, mịt mù khói lửa đang cặm cụi
chôn cất, đắp mộ, dựng bia cho các đồng đội đã hy sinh. Xúc cảm trước những tử
vong cao cả này và với lòng cảm mến, đội ơn sâu xa của một người dân với Quân Đội
VNCH nói chung và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù nói riêng, cô đã sáng tác hai câu
thơ:
“An
Lộc Địa Sử lưu chiến tích,
Biệt
Cách Dù Vị Quốc Vong Thân”
Khi tình hình Thị Xã tạm yên. Vào ngày 7
tháng 7 năm 1972, trong chuyến viếng thăm chiến trường An Lộc, Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, Tổng Trưởng Dân Vận
Hoàng Đức Nhã và Tướng tử thủ Lê Văn Hưng đã đến kính cẩn quỳ lạy, niệm hương cầu
nguyện và rơi nước mắt trước Đài Tử Sĩ của Nghĩa Trang 81 Biệt Cách Dù.
Sau sự kiện
này, Thị Xã An Lộc đã hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của Quân Lực Việt Nam
Cọng Hòa.
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù chúng tôi sau 68
ngày chiến đấu đã hy sinh 68 Chiến sĩ và hơn 300 Quân Nhân bị thương tích. Đến ngày
24 tháng 6 năm 1972, Liên Đoàn được lệnh rút khỏi An Lộc, về nghỉ dưỡng quân 2
ngày tại Bộ Chỉ Huy đơn vị ở ngã tư An Sương để bổ sung quân số, trang bị lại đầy
đủ vũ khí, quân trang, quân dụng, và 48 tiếng đồng hồ sau đó, ngày 28 tháng 6
năm 1972 lại khăn gói lên đường ra Vùng I hỏa tuyến để tham gia tái chiếm Cổ
Thành, Quảng Trị.
Hết “Bình
Long Anh Dũng”, bây giờ là “Trị Thiên Vùng Dậy”.
https://quanvan.net/le-dac-luc-tan-con-binh-lua-10-an-loc-dia/#.XwdbglRKh9N
.
No comments:
Post a Comment