Kính tặng anh linh cố Trung Tá Lê Văn Ngôn và chiến hữu Tiểu Ðoàn
92 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng
Khi người dân trên toàn thế giới rung chuông, mở rượu, tung giấy
ngũ sắc để chào mừng Hòa bình Việt Nam, trên ngọn đồi cao năm mươi thước giữa
ranh giới hai tỉnh Tây Ninh, Bình Long, một cứ điểm quân sự trông xuống hai con
suối bắt đầu nổ súng như tia chớp giữa ngày quang. Trận đánh Tống Lê Chân bắt đầu
nặng độ. Lợi dụng ngưng bắn, Cộng sản ra mặt tấn công ngay. Không ai trên thế
giới biết đến, tất cả muốn xóa đi bỏ qua tai nạn cục bộ của Việt Nam rắm rối.
Hòa bình, thứ rượu nhạt mà thế giới hằng lâu không được uống. Tống Lê Chân, trận chiến cuối mùa và cô
đơn nhất của dòng thời gian binh lửa. Tính đến nay, căn cứ bị bao vây đúng 17 tháng hay 510 ngày. Không ai trong chúng
ta nghĩ đến con số nhỏ bé ghê gớm đau đớn này, chúng ta cũng là những kẻ có tội.
Stalingrad bị người Đức bao vây 76 ngày, người Mỹ giữ cứ điểm
Balaam 66 ngày, quân lực Anh và Khối Thịnh Vượng Chung tử thủ Tobruk trong 241
ngày và ở Việt Nam "thiên đường" của chiến tranh, nơi binh đao tung
hoành không giới hạn, chúng ta cũng đã có những cứ điểm với tên tuổi để đời như
Điện Biên Phủ bị bao vây với số lượng 57 ngày. Gần gũi và còn được nhớ hơn hết
là những trận đại chiến khởi đầu trong mùa hè '72, những trận đánh vượt quá hẳn
chiến sự thế giới tại các địa danh Kontum, An Lộc, Quảng Trị, những Delta,
Charlie ở Kontum cũng chỉ kéo dài trong 1 ngày, An Lộc 110 ngày và Quảng Trị thực sự đến ngày 25 tháng 7/1972 đã được
giải tỏa phần lớn...
Thế nên, Tống Lê Chân với
510 ngày bị vây hãm phải được xem là trận đánh dai dẳng nhất lịch sử chiến
tranh của nhân loại. Căn cứ nhỏ bé đó từ ngày 10 tháng 5/1972 đã bị mờ khuất
sau làn khói lớn của An Lộc, Quảng Trị, Kontom và đến nay, sáu tháng sau ngày
hòa bình độc hại, chiếc tiền đồn lại càng có khuynh hướng bị xóa mờ để che dấu
và vô hiệu hóa tội ác của những người Cộng Sản. Chúng ta phải nhỏ giọt nước mắt
thật nóng để cầu nguyện cho số người trong 510 ngày đã phấn đấu để chứng tỏ
cùng thế giới: tội ác đã đồng nghĩa với con người cộng sản. Tống Lê Chân, giọt
nước mắt tinh tuyền của sức đối kháng vô bờ của người Việt miền Nam.
Căn cứ được
thiết lập trên ngọn đồi cao 50 thước, trông xuống hai con suối Takon và Neron, những con
suối đầu tiên của sông Saigon dày đặc khắp miền Tây Ninh, Bình Long, nằm trên
đường ranh của hai tỉnh này, cách An Lộc
15 cây số về phía đông bắc và ở miền nam biên giới Việt-Miên khoảng 13 cây số,
điểm nhọn của chiếc Mỏ Vẹt, đại bản doanh của Cục R chĩa thẳng vào căn cứ.
Tống Lê Chân
trước kia là một trong những trại Dân Sự Chiến Đấu thuộc Lực Lượng Đặc Biệt mà
người Mỹ đã thành lập từ năm 1967. Trong lãnh thổ Quân Khu 3 dọc theo biên giới
Việt-Miên từ Tây Ninh qua Phước Long có những trại Bến Sỏi, Thiện Ngôn, Katum,
Tống Lê Chân, Lộc Ninh, Quan Lợi, Bù Gia Mập, chỉ riêng trại Bến Sỏi nằm trong
nội địa Tây Ninh, các trại còn lại làm thành một hàng rào hệ thống tiền đồn
ngăn chận, báo động sự xâm nhập và điều động của Cộng Sản từ bên kia biên giới
nơi có những địa danh đã một lần vang động như Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt, hệ thống trại
còn lại là nơi xuất phát những cuộc hành quân tuần tiểu phát hiện và tiêu diệt
các đơn vị địch trong vùng.
Vùng hoạt động
của trại cũng là chiến khu của giặc, Chiến Khu C và cũng như
hệ thống đường liên tỉnh mà chính quyền ông Diệm đã thành lập từ những năm
1960, 1961, những trại Lực Lượng Đặc Biệt, sản phẩm đắc ý của Tổng Thống
Kennedy, người được yêu chuộng nhất của 37 đời tổng thống Mỹ. Nhưng đến bây giờ,
năm 1973 tại Việt Nam, lúc người Mỹ đã quay mũi phi cơ về Clark Field, Guam, bỏ
lại xứ sở Đông Dương mịt mù tiếng đạn trong âm vọng hòa bình, các trại kia chỉ
còn lại là những chiến trường địa phương bị cô lập với thế giới bên ngoài đành
đoạn.
Không phải là chiến tranh nữa, đây chỉ còn là những cơn sốt vỡ da
cho "hòa bình" nguy hiểm. Tống Lê Chân, cơn sốt cuối cùng và dai dẳng.
Dưới chân đồi căn cứ về phía Bắc còn có
đường 246 nối Tây Ninh và Bình Long xuyên qua lớp rừng xanh lá, đây là con lộ
huyết mạch để mặt trận nối liền hai vùng sinh tử, khu C và khu D. Tống Lê Chân
cũng là yết hầu chận ngang đường dây Bắc Nam, nơi bản doanh Cục R và vùng Dầu
Tiếng, để từ đây xâm nhập xuống Bình Dương, Gia Định. Với vị trí chiến thuật
quan trọng như thế, Tống Lê Chân không còn là mục tiêu quân sự thông thường.
Căn cứ nhỏ bé này có một tầm quan trọng khẩn thiết kiểm soát được bốn hướng tây
đông, bắc nam của hệ thống giao liên quan trọng trong lòng căn cứ địa đối
phương.
Từ ngày thành lập, Tống Lê
Chân chưa bao giờ có một ngày thanh bình, tên địa phương là Tonle Tchombe, vị chỉ huy trưởng đầu tiên, Thiếu Tá Đặng
Hưng Long gọi trại thành Tống Lê Chân. Những người ngoài binh chủng Lực Lượng
Đặt Biệt phần đông gọi theo danh từ hàm xúc này, Tống Lê Chân tên tiền định cho
số kiếp nghiệt ngã.
Năm 1970, trong chương trình cải tuyển binh chủng, binh sĩ trại Tống Lê Chân phần đông là những
dân sự chiến đấu thuộc sắc dân Stieng tình
nguyện ở lại cùng căn cứ để biến cải thành Tiểu Ðoàn 92 Biệt Động Quân Biên
Phòng. Tháng 4 năm 1972, song song với các cuộc cường tập vào Lộc Ninh, An
Lộc, Cộng quân đã có ý định "ủi láng" hết dãy căn cứ biên phòng trên
để rộng đường điều quân cùng chuyển vận quân nhu, quân cụ. Tình hình khẩn
trương của thời gian ấy đã khiến Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân ở Quân Khu 3 quyết định
rút hết lực lượng của bốn căn cứ Thiện Ngôn, Katum, Tống Lê Chân và Bù Gia Mập.
Nhưng người chỉ huy của Tống Lê Chân đã có câu trả lời sau khi nhận được lệnh:
- Xin ở lại chiến đấu bảo vệ căn cứ. Di tản tiếc quá. Biệt Động
Quân mà di tản yếu quá.
- Tình hình có giữ nổi không?
- Tất cả binh sĩ đều xin ở lại bằng mọi giá để bảo vệ uy tín binh
chủng.
Định mệnh đã điểm giờ phút đó, lực lượng nhỏ bé của Tiểu đoàn 92
Biệt Động Quân Biên Phòng trở nên những anh hùng lặng lẽ của trận đánh cuối
cùng làm sáng tỏ lòng chiến đấu bền bỉ của người Việt cho hòa bình. Hòa bình Việt
Nam, giấc mơ tội nghiệp của cả một dân tộc được tưới thêm bởi máu nóng của những
người lính vô danh của Tiểu đoàn 92 trong một hốc của núi rừng miền đông Nam Bộ.
Thế giới giữ được cân bằng trên hòa bình vật vã này, toàn thể nhân loại có biết
thế không?
Giữ một vị thế trọng yếu trong hệ thống giao liên giữa căn cứ địa
của địch, bảo vệ được cánh sườn phía tây cho An Lộc, Tống Lê Chân trên bản đồ
hành quân của Ban Tham Mưu R (Việt Cộng) đã được xác định là một mục tiêu cần
phải "dứt điểm". Ngày 10 tháng 5/1972, Cộng quân dồn lực lượng đánh trận
biển người vào căn cứ có chiến xa yểm trợ sau khi đặc công xâm nhập
được vào vòng đai phòng thủ. Nhưng căn cứ vẫn đứng vững như lời nguyền người chỉ
huy của trại tên Lê Văn Ngôn với số tuổi khiêm nhường, 25 tuổi đã giữ được lời
thề
Ngôn thuộc Khóa 21 Đà Lạt, ra trường năm 1966, bây giờ tháng 9 năm
1972, Ngôn mang cấp bậc Trung tá, một thời gian kỷ lục, nhưng không ai tỵ hiềm.
Không thể tỵ hiềm được vì tình hình quân sử thế giới không có một đơn vị nào bị
vây trong thời gian 510 ngày vẫn còn đơn độc chiến đấu. Ngôn và Tiểu Ðoàn 92 của
anh là một biệt lệ, một hiện thực ý niệm cao cả về trách nhiệm và giá trị mà
người lính muôn đời luôn nghĩ đến. Những người lính khắp nơi của thế giới đã
nhiều lần chứng tỏ tầm vóc vĩ đại của mình trên đảo Saipan, trong buồng lái của
những chiếc máy bay Rero, trong những phi vụ trên vùng trời Âu châu được đan
kín bởi một lưới lửa đạn phòng không trong đệ nhị thế chiến…Ở Việt Nam, trận Mậu
Thân 1968, Hạ Lào 1971 và suốt 510 ngày,
cùng một lúc sức chiến đấu lại tăng trưởng theo chiều cao, theo cường độ tấn
công và pháo kích của quân giặc.
Tống Lê Chân bắt chúng ta suy nghĩ khi biết được Gilles, viên tướng
Nhảy Dù lừng danh của Quân đoàn Viễn chinh Pháp đã nói cùng Cogny và Navarre:
"Hãy móc tôi ra khỏi Điện Biên Phủ, tôi vừa sống 6 tháng ở ổ chuột Na San
rồi. Tôi quá sợ những cứ điểm bưng bít như thế này!" Sáu tháng ở cứ điểm
Na San trong vị thế một người chỉ huy cùng với phương tiện vật chất thừa thãi
cũng đủ làm cho ông tướng gốc người Corse phải kinh khiếp, thế nhưng trên ngọn đồi 50 thước, dưới hầm sâu lạnh
tanh, viên Trung tá trẻ nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Lê Văn Ngôn đã sống
đến ngày thứ 510 cùng với Tiểu Ðoàn 92 Biệt Động Quân với số quân thiếu hụt và
thực phẩm phải dè sẻn từng túi cơm sấy. Đau đớn hơn cả, Ngôn chiến đấu
trong hòa bình giả tạo và gian dối mà đối phương cùng thế giới đang nhân danh mỗi
giờ, mỗi phút.
Những phút Tiểu Ðoàn 92 ẩn mình dưới giao thông hào đợi cơn pháo
qua, giờ phút của 510 ngày thiếu ánh sáng mặt trời. Vậy vấn đề được đặt ra cùng
sự kiện như đã trình bày. Chúng ta phải làm gì cho số người nhỏ bé cao cả trên
cao điểm 50 này? Ngăn chận, phát hiện địch, giữ căn cứ để làm bàn đạp, tung
quân tuần tiểu, tấn công và truy kích địch, những mục tiêu đầu tiên mà ý niệm
hành quân đã đặt để cho căn cứ không còn nữa. Chúng ta chỉ còn lại một biểu tượng
bi tráng, chỉ có một chiến trường phi lý để những người anh hùng âm thầm ngã xuống
trong lặng lẽ, làm sáng tỏ sự tàn ác, khiếp nhược của nền hòa bình độc hại.
Chúng ta sẽ làm gì nếu bỏ qua hay thụ động buông thả để duy trì tình trạng phi
lý độc địa này.
Phiên họp đặt
biệt cấp trưởng đoàn ngày 17 tháng 3/1973 do Việt Nam yêu cầu và Hoa Kỳ chủ vị,
chính thức đặt Tống Lê Chân lên bàn hội nghị. Trưởng đoàn Việt Nam Cộng Hòa, tướng Dư Quốc Đống đề nghị ba biện pháp cấp
bách:
1. Cử ngay một toán Liên Hiệp Quân Sự Bốn-Bên Trung ương đi Tống
Lê Chân để điều tra vi phạm ngay lập tức sau khi có thỏa thuận hội nghị.
2. Nếu phe Cộng Sản không thỏa thuận đề nghị, Hoa Kỳ trên tư cách
chủ vị gởi văn thư yêu cầu Ủy Ban Quốc Tế cử người đi điều tra.
3. Yêu cầu phía Mặt Trận Giải Phóng ra lệnh ngay cho các đơn vị của
mình chung quanh Tống Lê Chân phải ở nguyên vị trí, không được bắn lên phi cơ Ủy
Ban Quốc Tế khi đến điều tra.
Nhưng lọc lừa là tính chất cơ bản, phía Mặt Trận Giải Phóng biết
chắc phiên họp đặc biệt này sẽ thảo luận một vấn đề nghiêm trọng mà họ chưa có
chỉ thị để giải quyết: dù Trần Văn Trà mang
quân hàm Trung tướng đi chăng nữa, Trà cũng không bao giờ quyết định được một vấn
đề gì, dù vấn đề đó thuộc về nguyên tắc, thủ tục nếu chưa có chỉ thị trước, nên
Trà đã vắng mặt để cho viên đại tá Đặng
Văn Thu đại diện họp thay.
Trước ba đề nghị xác đáng của một vấn đề cụ thể, Thu không ngập ngừng
bối rối né qua tố cáo: Việt Nam Cộng Hòa đã vi phạm ngưng bắn tại Đức Phổ, Sa
Huỳnh (Quảng Ngãi), Đức Cơ (Pleiku) và kết luận ung dung: chính Việt Nam Cộng
Hòa vi phạm tại các địa điểm trên! Không một lời nói, không một từ ngữ nhắc đến
sự kiện, địa danh Tống Lê Chân. Trưởng phái đoàn Bắc Việt gật gù chiếc đầu tán
đồng lập lại lời phát biểu của Mặt Trận Giải Phóng với thứ tự chữ nghĩa nói
khác đi một chút. Bài học đã được học từ nhà, các cậu học trò cộng sản lập lại
không sai một chữ, bất chấp nội dung rõ rệt của ba đề nghị…Ý kiến - một sự kiện
không có bao giờ có trong đầu của cá nhân người cộng sản khi chưa "hội
ý!"
Thấy hai
phái đoàn Cộng Sản không đá động gì đến ba đề nghị vừa trình bày, phái đoàn Việt
Nam Cộng Hòa lập lại đề nghị lần thứ hai: Nếu Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn-Bên chưa
thống nhất ý kiến thì yêu cầu Hoa Kỳ gởi văn thư cho Ủy Ban Quốc Tế để Ủy Ban
này đi điều tra. Mặt Trận Giải Phóng cùng Bắc Việt lại hát lên một nội dung:
"Không đồng ý việc gởi văn thư cho Ủy Ban Quốc Tế đến để điều tra."Phiên
họp ngưng ở kết luận này. "Tính nhất trí" của Hiệp định, tính chất không bao giờ
có ở bàn hội nghị!
Cho chắc ăn hơn nữa, phía Cộng Sản mớm lời cho hai phái đoàn Ba
Lan, Hung Gia Lợi khi tiếp nhận văn thư của Hoa Kỳ đi điều tra Tống Lê Chân:
"UBQT không đồng ý đi điều tra ở một nơi khi nơi đó chưa được an
ninh." Muốn chắc ăn hơn, hai phái đoàn quốc tế cộng sản này lại đưa thêm
điều kiện: Sẽ chịu đi nếu phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng cử sĩ quan liên lạc
tháp tùng cùng trực thăng. Lẽ dĩ nhiên điều kiện không bao giờ được thực hiện
vì Mặt Trận Giải Phóng chắc chắn không đồng ý cử sĩ quan liên lạc tháp tùng.
Một tuần lễ trôi qua, kể từ phiên họp ngày 17 tháng 3/1973 tất cả
nỗ lực về Tống Lê Chân đều bị chấn lối bởi hai ngón đòn: "Tình hình Tống
Lê Chân chưa rõ rệt, phái đoàn Mặt Trận chờ chỉ thị của thượng cấp và đơn vị Mặt
Trận Giải Phóng không cử sĩ quan liên lạc đi cùng nên Ủy Hội Quốc Tế không thể
đến điều tra." Mặt Trận Giải Phóng, Bắc Việt, Ba Lan, Hung Gia Lợi nương
vào nhau nhồi quả bóng vô liêm sỉ, né tránh hẳn vấn đề.
Ngày 23 tháng 3/1973, chỉ còn 4 ngày nữa là hết thời hạn 60 ngày
làm việc của Ban Liên Hiệp Quân Sự Bốn-Bên, Hoa Kỳ thúc dục phái đoàn Gia Nã Đại
(chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế) trực tiếp thu xếp với Mặt Trận Giải Phóng để sớm điều
tra sự kiện Tống Lê Chân. Mặt Trận Giải Phóng trốn không nỗi, đưa Ðại Tá Võ
Đông Giang, phó trưởng đoàn ra gặp Ðại Tá Lomis (Gia Nã Đại) thỏa thuận cử sĩ
quan liên lạc của Mặt Trận theo Ủy Ban Quốc Tế đến Tống Lê Chân vào ngày 24
tháng 3/1973…Nhưng rốt cuộc cũng là trò đánh tráo. Theo thỏa thuận của Giang,
sĩ quan Mặt Trận sẽ từ Tân Sơn Nhất đi Tống Lê Chân tiếp xúc trước với lực lượng
Cộng Sản ở đây xong trở về Biên Hòa (Biên Hòa là khu V Liên Hợp Quân Sự - tức
là cùng của Việt Nam Cộng Hòa) để đón Ủy Ban Quốc Tế vào Tống Lê Chân. Tên sĩ
quan liên lạc của Mặt Trận nhận chỉ thị trước, nên từ Tống Lê Chân y trở về Tân
Sơn Nhất, làm cho Ủy Ban Quốc Tế đợi ở Biên Hòa suốt ngày 24 tháng 3/1973. Cuộc
điều tra Tống Lê Chân của Ủy Ban Quốc Tế không bao giờ có thể thực hiện được.
Không bao giờ.
Về phía Liên Hợp Quân Sự, sau một tuần lễ cố gắng liên tục kể từ
phiên họp 17 tháng 3/1973, Việt Nam Cộng Hòa buộc Mặt Trận Giải Phóng phải cùng
sĩ quan liên lạc đến Tống Lê Chân để thực hiện tản thương. Nhưng ngày 23 tháng 3/1973, thay vì xuống Tống Lê
Chân như đã dự liệu, tên sĩ quan liên lạc Mặt Trận xuống "Sóc Con
Trăn" cách Tống Lê Chân 10 cây số về phía tây, viên sĩ quan này lấy cớ phải
liên lạc với "địa phương" y trước, sau một hồi tìm kiếm trong vùng, y
trở lại trực thăng lấy cớ vì bom Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã đánh đứt đường giây
y không tìm ra ai. Chiếc trực thăng trở về Saigon, không một thương binh được
di chuyển.
Phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa vẫn duy trì yêu cầu Mặt Trận Giải
Phóng thảo luận để Việt Nam Cộng Hòa tản thương ở Tống Lê Chân. Mặt Trận Giải
Phóng hết cớ từ chối, ngày 24 tháng 3/1973, hai mươi thương binh đầu tiên và cuối
cùng được di tản. Mặt Trận Giải Phóng "hòa hợp, hòa giải dân tộc" với
giá máu này một lần độc nhất, Tống Lê Chân đóng cửa vĩnh viễn với nỗi bi hùng của
nó. Cấp trưởng phái đoàn, cấp trưởng tiểu ban liên tiếp họp để dọn sạch vấn đề
Tống Lê Chân. Nhưng sự thật là một việc, và cách nhìn của người Cộng Sản lại là
một việc khác, nên sự kiện quân đội cộng sản bao vây, cường tập tấn công vào vị
trí của ta biến thành một cuộc hành quân của "quân đội Saigon" lên
chiếm khu vực Tống Lê Chân, một nơi nằm sâu trong vùng giải phóng của chính phủ
Cách Mạng Lâm Thời!
Kèm theo luận cứ, lực lượng Mặt Trận Giải Phóng pháo vào trại là rất
tự kềm chế vì phải cảnh cáo đơn vị trong đồn muốn "nống nấn" ra ngoài
khu vực Mặt Trận Giải Phóng (một đơn vị chỉ hơn hai trăm người có thể nào tấn
công vào vòng vây của một sư đoàn). Về việc gọi loa đầu hàng, Mặt Trận Giải
Phóng giải thích: Đó là giảng "đạo lý, hiệp định" cho binh sĩ trong đồn
biết "đạo lý về hòa hợp, hòa giải dân tộc". Ý nghĩa đích thực của
ngôn từ đã biến mất trên lưỡi của người Cộng Sản. Những điều vô lý thô bỉ đã được
dựng đứng, đài phát thanh Việt cộng ào ào tố cáo. Trần Văn Trà, Lê Quang Hòa gởi
kháng thư tố giác, các thành viên Hung Gia Lơiï, Ba Lan nghiêm chỉnh nghiên cứu
kháng thư. Và biết đâu trên thế giới có một số đông người tin vào kháng thư gian
dối đó. Không hiểu Đức Giáo Hoàng khi đọc bản tin của tòa báo Tòa Thánh đề cập
đến bản kháng thư đó ngài có biết đến những con mắt nổ lửa dưới hầm sâu Tống Lê
Chân đang mong ngày mau đến.
Đau đớn hơn, khi tại Saigon, nơi chỉ cách Tống Lê Chân trăm cây số
đường chim bay, có những người đã không biết hoặc không muốn biết những người
lính Việt Nam đang ở chiếc đồn bị bao vây vào ngày thứ 510. Và nhiều kẻ lại
nhìn vấn đề ngược lại, như đám Ngọc Lan, Chân Tín, như thứ chính khách đối lập
Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Hữu Tường, Trương Gia Kỳ Sanh (những nghị sĩ,
dân biểu được Mặt Trận Giải Phóng nhắc nhở nhiều lần ở bàn hội nghị khi muốn tố
cáo chính quyền Việt Nam Cộng Hòa). Những người này là gì trong khi đồng lõa với
tội ác đẫm máu này? Tính đến ngày của phiên họp đầu tiên đề cập đến Tống Lê
Chân, hai mươi ngày sau khi hòa bình 28 tháng 1/1973, căn cứ có thêm bốn chết
và hai mươi hai bị thương, những người chết này chết cho ai? Phải chăng để bảo
vệ miền Nam, trong đó có những người vừa kể đang nhân danh hòa bình.
Quả tình chúng ta đang ở trong một "trạng thái hòa bình"
sau hai mươi sáu năm nghe tiếng súng nổ và lửa cháy. Chúng ta đã nghe quen tiếng
nổ đại bác hỏa tiễn, chúng ta cũng quen với độ cao của ngọn lửa Mậu Thân, hơi
nóng của An Lộc, Quảng Trị nên hình như khi hưởng được sự yên ổn đau đớn của
ngày hôm nay, chúng ta đã vội vã xóa tan vết tích chiến tranh, muốn quên đi những
hình ảnh tàn khốc của tháng kia, năm trước và trong hạnh phúc tội nghiệp này,
giữa lòng cơn lốc túng đói, chúng ta cũng đã không đủ khả năng để nhớ đến hình ảnh
một căn cứ lẻ loi cố gắng khỏi bị hủy diệt để thể hiện ý muốn sống trong tự do
và hòa bình, nỗi mơ ước của toàn dân tộc…Mơ ước đó có ta dự phần. Vậy, chúng ta
phải làm gì được cho Tống Lê Chân.
Tôi viết lên tiếng kêu bi hùng về Tống Lê Chân vào tháng 6 năm
1973, thời gian quân đội Cộng Sản đang chuẩn bị dứt điểm vào Tống Lê Chân trong
dịp mùa mưa sắp tới của năm 1973. Suốt
năm 1973, chiếc đồn nhỏ bé này đã đứng vững được trước hàng chục cuộc tấn công
và bị pháo kích hàng chục ngàn quả đạn, viên chỉ huy căn cứ, Trung Tá Lê
Văn Ngôn, hình như định mệnh đã gắn chặt tên anh cùng chiếc đồn nhỏ bé đó, lời
nói quyết chí của ngày tử thủ đầu tiên đã được giữ trọn như tên anh đã định trước.
NGÔN --một lòng son sắt giữ mãi một lời nói. Trong nguy nan của mỗi giờ sát
cùng cái chết, người anh hùng lặng lẽ với số tuổi quá nhỏ so với chiến trường
kia quả là một hiên thực hình ảnh linh diệu kết tinh bởi sức chịu đựng vô bờ của
dân tộc. Ngòi bút viết ra cũng hỗ thẹn trước nỗi can trường này.
Những phiên họp của tháng 3, tháng 4/1974 tại Ban Liên Hợp Quân Sự
Hai-Bên trung ương, phía Việt Nam Cộng Hòa lại lớn tiếng báo động: Công Trường
9 (Cộng Sản) nhất định rút ưu khuyết điểm của năm qua, tập dượt trên sa bàn
cùng Trung Ðoàn 27 quyết ủi lán trại. Trung Ðoàn 27 sẽ được yểm trợ trực tiếp
bởi một trung đoàn pháo, một trung đoàn phòng không và lữ đoàn chiến xa, không
kể thành phần trừ bị và tăng viện. Một năm trời thử lửa, một hai tháng thực tập
trên sa bàn và trên địa thế tương tự…quân
cộng sản dùng địa đạo chiến, công kiên chiến khởi từ 5 tháng 4/1974 đến 1:00 giờ
ngày 11 tháng 4/1974 đoạt được đồn.
NGÔN làm gì với quân số 259 người với 50
người bị thương từ trước, 20 người bị thương ở đợt tấn công sau cùng?
Tiểu Ðoàn 92 đã chiến đấu hơn tất cả mọi đơn vị bộ chiến của lịch
sử chiến tranh, con người NGÔN hơn hẳn những người anh hùng chiến trận của nhân
loại: Alamo, Saipan, Wake, hàng trăm ngàn chiến binh của thế giới đã dựng lên tấm
bia can trường về bổn phận cao cả của lính. NGÔN và Tiểu Ðoàn 92 Biệt Động dựng
lên tấm bia lớn nhất, rực rỡ nhất. Cao quý hơn tất cả, NGÔN và 259 Biệt Động
Quân của Tống Lê Chân là những người chiến sĩ chiến đấu cho hòa bình. Hòa bình
của quê hương Việt Nam. Chúng ta trong thành phố bình yên có nghĩ gì khi hay
tin Tống Lê Chân bị đoạt mất. Tiểu đoàn 92 mở đường máu rời căn cứ. Chỉ còn giọt
nước mắt, phải, chỉ còn một giọt nước mắt ngập bi hùng.
Phan nhật
Nam
.
No comments:
Post a Comment