Sunday, July 26, 2020

Trận chiến Tết mậu Thân 1968 - Tài Liệu Biên Khảo Của Trung Tá Phạm Văn Sơn (Part 8 and The End)



PHẦN 8

Vào chiều ngày mồng 3 Tết, Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân (BĐQ) biệt phái Đại Đội 1 cho mặt trận Hàng Xanh để hỗ trợ cho Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân. Vào đêm ngày mồng 3, Việt Cộng lại xâm nhập và Ngã Năm Bình Hòa thuộc tỉnh Gia Định. Sáng ngày mồng 4, Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân được đưa tới Gia Định để ngăn chận các toán quân Việt Cộng đã tràn vào Ngã Năm Bình Hòa. Đây là những đơn vị Việt Cộng bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa dồn từ Gò Vấp chạy sang. Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân dàn quân tại đường Trương Công Định và Nguyễn Văn Học. Việt Cộng núp trong các khu nhà cửa bắn ra.

Tại Hàng Xanh, tình hình trở lại yên tĩnh, tuy nhiên Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân vẫn phải ở tại chỗ để lo các công tác giúp đỡ dân chúng tỵ nạn. Vào chiều mồng 4 Tết, chừng một tiểu đoàn Việt Cộng đến tấn ông và uy hiếp cầu Xa Lộ. Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân được tăng cường một chi đội Thiết vận xa tới giải tỏa.

Nhắc lại mặt trận Gò Vấp thì mặt trận này đã diễn ra từ ngày trận khởi hấn. Cánh quân Việt Cộng tại Gò Vấp là Tiểu Đoàn 1 Củ Chi và một tiểu đoàn của Trung Đoàn 101 thuộc Công trường 7 (công trường: một đại đơn vị Cộng Sản với quân số tương dương một sư đoàn) được tăng cường thêm một thành phần của Tiểu Đoàn 2 Cơ Giới R. Cánh quân này tập trung ở vùng Búng thuộc tỉnh Bình Dương cùng với một cánh quân khác là Tiểu Đoàn 2 Gò Môn được tăng cường thêm đội đặc công J1/F100 di chuyển theo cùng một đường xâm nhập về đô thành.

Khi về gần đến nơi, các lực lượng Việt Cộng này tách làm hai. Cánh quân thứ nhất theo hướng xã An Nhơn đánh vào khu căn cứ tiếp vận Gò Vấp. Cánh quân thứ hai theo đường rầy xe lửa qua xóm thơm đột nhập cổng số 4 Bộ Tổng Tham Mưu.

Cánh quân thứ nhất đánh vào khu tiếp vận Gò Vấp ngay từ loạt súng đầu nổ lúc 4 giờ 30 sáng. Họ đột nhập chiếm trại Phù Đổng, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp và chiếm một phần trại Cổ Loa nơi đặt Bộ Chỉ Huy Pháo Binh. Các quân nhân tại đây một phần kịp thời trốn thoát, một phần khác bị Việt Cộng sát hại.
Việt Cộng còn tấn công vào căn cứ 80 Quân Cụ và căn cứ 60 Truyền Tin nhưng không vào được. Tại căn cứ 80 Quân Cụ, Việt Cộng tấn công nhiều lần vào pháo đài 10 nhưng bị các chiến sĩ Quân Cụ dùng lựu đạn và ba khẩu trung liên bắn đẩy lui. Thiếu Tá Đoàn Dư Khương, chỉ huy trưởng căn cứ, đích thân ra chỉ huy. Khi trèo lên chòi quan sát, Thiếu Tá Khương bị Việt Cộng bắn trúng mặt và ông tử thương tại chỗ.

Cánh quân thứ hai của Việt Cộng mãi tới 7 giờ 05 sáng ngày mồng 2 Tết mới bắt đầu đánh vào cổng số 4 Bộ Tổng Tham Mưu. Việt Cộng lọt được vào cổng nhưng chỉ bám vào khu trường Sinh Ngữ Quân Đội nhưng không tiến sâu vào trong.

Đến 09 giờ 00, một đơn vị Nhảy Dù đến tăng cường Bộ Tổng Tham Mưu. Lực lượng này với một vài thiết giáp M-41 mở cuộc phản công ở cổng số 4. Việt Cộng nằm trong các công sự phòng thủ có sẵn, nấp theo các nhà cửa và từ các cao ốc tại đường Võ Di Nguy nối dài bắn vào khiến các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa không thể tiến được. Một chiến xa M-41 bị B-40 bắn cháy, một số chiến sĩ Nhảy Dù bị thương. Cả ngày mồng 2 Việt Cộng bám giữ khu cổng số 4.

Sáng ngày mồng 3 Tết, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) được điều động đến để phối hợp cùng các đại đội Nhảy Dù giải tỏa khu vực này. Nhưng Bộ Tư Lệnh sư đoàn Nhảy Dù xin dành mục tiêu này cho họ thanh toán để tránh tình trạng phối hợp nhiều binh chủng sẽ gây khó khăn cho việc chỉ huy. Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận đề nghị này. Bộ Tư Lịnh sư đoàn Nhảy Dù lập tức điều động Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đến phối hợp với các đơn vị Nhảy Dù đã hiện diện để thanh toán mục tiêu cổng số 4.

Trước cuộc phản công, các phi cơ trực thăng thay nhau xạ kích khu hành chánh của Đại Đội Tổng Hành Dinh, khu trường Sinh Ngữ Quân Đội, khu trường Tổng Quản Trị. Kế đó các đơn vị Nhảy Dù theo hướng từ cổng số 3 và cổng số 2 tiến lên. Trước hỏa lực mạnh mẽ của Nhảy Dù từ 2 mặt dàn rộng ra bắn vào, Việt Cộng phải mở đường máu rút ra phía rào trốn vào đường Võ Di Nguy. Cuộc hành quân này hoàn tất lúc 10 giờ sáng. Việt Cộng bỏ lại chiến địa 10 xác chết.

Những gia đình quân nhân bị kẹt lại kể chuyện rằng nhiều Việt Cộng chết và bị thương trong ngày mồng 2 đã được bọn họ di tản đi. Sở dĩ Việt Cộng có hỏa lực mạnh mẽ là vì lấy được súng đại liên với đạn của quân trú phòng bố trí trong những công sự chắc chắn. Rồi sau đó xử dụng các vũ khí này để bắn ngược lại các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa khi họ mở trận đánh tái chiếm. Các vũ khí của quân đội chánh phủ để trong kho đều bị cháy, một số nhỏ bị mất.

Vừa thoát khỏi hàng rào, Việt Cộng bị các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến của Tiểu Đoàn 2 bọc theo đường Võ Di Nguy săn đánh. Tiểu Đoàn này đã chiếm cổng số 2, số 4 xe lửa và tiến đến Ngã Năm Chuồng Chó giải tỏa Trung Tâm Tiếp Huyết.

Vào buổi chiều, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận lên khu Gò Vấp để làm một nút chắn không cho Việt Cộng rút về phía Nam. Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận tiếp theo lên.

Các trại Phù Đổng và Cổ Loa được chiếm lại vào lúc 18 giờ trong ngàỵ Tại tuyến chận của Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến, Việt Cộng biết bị bao vây nên bằng ba mặt Đông, Tây và Bắc dựa vào các địa điểm trọng yếu và cao ốc họ đã chiếm từ trước mở một cuộc tấn công vào quân đội chánh phủ. Tiểu Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến đã đẩy lui địch và gây cho họ nhiều tổn thất quan trọng.

Vào ngày mồng 4, mặt trận Gò Vấp tạm yên, Việt Cộng lại chuyển chiến tranh sang khu vực Ngã Năm Bình Hòa như đã nói ở trên.
Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân khi đến mặt trận Ngã Năm Bình Hòa vào khoảng 8 giờ ngày mồng 4 Tết bố trí tại ngã ba Nguyễn Văn Học và Trương Công Định. Khu vực này đông dân cư và rất chật hẹp. Việt Cộng đã lợi dụng núp sẵn trên các căn lầu dùng súng AK-50 bắn xối xả vào các toán tiền phong của Biệt Động Quân. Các thiết vận xa M-113 tiến theo lên yểm trợ cho các chiến sĩ mũ nâu (Biệt Động Quân) đánh vào mục tiêu.

Việt Cộng đã chuẩn bị từ trước. Họ ẩn núp trên các mái nhà từ trong các khu xóm đông dân cư của vùng này dùng B-40 thổi vào chiếc thiết vận xa đi đầu nhưng không trúng và phát nổ ngay bên cạnh khiến một binh sĩ Biệt Động Quân tử thương và 2 người khác bị thương.
Điều khó khăn nhất cho Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân là dân chúng rất đông nên khó điều động và khai hỏa vì sợ làm thiệt mạng dân chúng. Đai úy tiểu đoàn trưởng buộc lòng phải tạm ngưng tiến quân và ban lịnh cho các đơn vị kêu gọi dân chúng ráng lánh cư khỏi nơi có Việt Cộng. Nhưng Việt Cộng bám theo chiến lược đã áp dụng tại mỗi khu phố, cố ngăn cản không cho dân chúng thoát ra.

Trong thời gian này, Việt Cộng lợi dụng lúc quân đội chánh phủ không dám khai hỏa đã rút vào các xóm bên trong của khu phố Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Học và Trương Công Định với mưu toan đánh tập hậu vào lực lượng Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc đó vào khoảng 10 giờ sáng, vì đã đề phòng từ trước nên ngay trong lúc chuyển hướng Việt Cộng đã bị các chiến sĩ Biệt Động Quân chận đánh trong các ngõ hẻm. Thấy mưu toan thất bại, Việt Cộng vội rút vào một ngôi chùa gần đường Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Học và vào nghĩa địa đầu đường Phan Văn Trị cùng các tòa nhà lầu đối diện với cây xăng Esso tại Ngã Năm Bình Hòa.

Biệt Động Quân lại một lần nữa yêu cầu đồng bào nên tìm cách sớm rút khỏi khu vực này và sau đó chừng nửa giờ, các thiết vận xa lại yểm trợ cho lực lượng bộ binh tiến vào.
Khi các binh sĩ Biệt Ðộng quân vừa đến góc ngã ba Trương Công Định, Nguyễn Văn Học, Việt Cộng lại từ trên các căn nhà lầu dùng đại liên quật xuống và dùng cả B-40 thổi vào đoàn chiến xa nhưng vô hiệu. Đáp lễ lại, trên nền trời trực thăng võ trang bắn xuống yểm trợ. Các dãy nhà làu cao nằm xung quanh ngã ba, nhà nào cũng bị Việt Cộng đặt súng từ trước.

Tại đây, ngay trước cửa chùa đầu đường Phan Văn Trị, một Tiểu đội Việt Cộng bị tiêu diệt hoàn toàn cùng với vũ khí. Các toán Việt Cộng khác bỏ chạy về phía nghĩa trang Phan Văn Trị. Ngay trước nghĩa địa này, Việt Cộng đặt vị trí cố thủ trên một căn nhà lầu kiên cố mà trước đây là cư xá của quân đội.
Biệt Động Quân tiếp theo đó dùng lựu đạn và tiểu liên xung phong vào hai ngôi nhà lầu kế cận đối diện với ngôi chùa. Ba cán binh Việt Cộng khác bị hạ trước cửa các ngôi nhà trên.
Giữa lúc này, cây xăng Esso ở Ngã Năm Bình Hòa bốc cháy dữ dội cùng một lúc với hãng sơn Bạch Tuyết. Cũng chính trên căn lầu hãng sơn trước khi bốc cháy, Việt Cộng bắn tỉa vào Biệt Động Quân.

Biệt Động Quân tiếp tục tiến sau những chiếc thiết vận xa về phía đường đi miền Đông, vừa đi khỏi cây xăng 50 mét Việt Cộng lại từ những căn nhà phía trước bắn ra gây thương tích cho 2 chiến sĩ. Thiết vận xa thi nhau nổ súng về phía Việt Cộng ẩn núp, nơi mà dân địa phương gọi là Chuồng Bò.
Sau mấy giờ giao chiến, các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tịch thu được một khẩu đại liên Tiệp Khắc và mấy vũ khí cá nhân.
Liền sau đó, Biệt Động Quân được chia ra làm nhiều toán xâm nhập các ngõ hẻm lùng địch. Một toán quay lại đường Phan Văn Trị để tìm lối đi bọc phía sau những toán quân đi trước.
Vừa đến cửa một căn phố trệt gần cây xăng Esso, từ trong đám cháy của hãng sơn Bạch Tuyết bốn cán binh Việt Cộng nấp sẵn trên lầu hãng sơn bắn xối xã. Các binh sĩ Biệt Động Quân lập tức phản công kịch liệt. Thì ra nhóm Việt Cộng này núp trên lầu hãng sơn bắn ra với mục đích yểm trợ cho tiểu đội của họ từ bên phía nghĩa địa rút sang trại gia binh Phan Văn Trị và trong lúc t»ƒu đội này rút lui chạy băng qua đường lộ thì Biệt Động Quân phục sẵn trong đường hẽm bám lấy đuổi theo.

Cuộc săn bắt Việt Cộng cứ thế diễn ra. Sự thật Việt Cộng không có bao nhiêu, nhưng với những khu nhà gỗ, nhà lá ngõ ngách chật hẹp, hơn nữa dân chúng còn bị kẹt rất đông, Biệt Động Quân không dám lợi dụng hỏa lực tấn công mạnh, mặc dù họ biết rõ Việt Cộng khai thác những yếu tố này để bắn lén.

Cũng trong ngày mồng 4 Tết, Tiểu Đoàn 41 Biệt Động Quân được trực thăng vận từ Tuy Hòa về tăng cường cho mặt trận này.
Bước qua ngày thứ hai của cuộc hành quân càn quét, Biệt Động Quân đã loại ra khỏi vòng chiến nhiều Việt Cộng trong khu vực Ngã Năm Bình Hòa kéo dài đến Ngã Ba Cây Thị và mặt trận này trở lại yên tỉnh.

Để thay thế cho Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) được điều động đến khu chùa Ấn Quang tảo thanh các toán Việt Cộng lẻ tẻ còn lẩn quẩn trong các khu dân cư. Việt Cộng vẫn bám sát vào các khu này, nổ súng bắn sẻ vào các toán Cọp Biển (cọp biển: tiếng lóng, cũng có nghĩa là "thủy quân lục chiến"). Việt Cộng di chuyển từng tốp nhỏ từ khu phố này sang khu phố khác có cả cán bộ phụ nữ đi theo.

Tại vùng Chợ Lớn, mỗi ngày áp lực của Việt Cộng mỗi gia tăng. Tuy không có những trận đánh lớn xảy ra, nhưng nhiều dấu hiệu chứng tỏ hai tiểu đoàn Việt Cộng là Tiểu Đoàn 508 Long An từ vùng Tân An mới xâm nhập vào thành phố và Tiểu Đoàn 6 Bình Tân vào từ hôm mồng 2 Tết đã phân tán mỏng hoạt động không chịu rút ra dù đã bị một vài tổn thất khá nặng. Cả hai tiểu đoàn này hoạt động mạnh nhất tại các quận 5, 6, 7 và 8.

Các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã đối phó lại. Họ chia nhau án ngữ tại khắp cả đường phố và ngõ ngách rình bắn từng tên Việt Cộng một. Một vài đám cháy nhỏ bốc lên trong khu Chợ Lớn. Dân chúng sợ hãi bỏ nhà tản cư đến những nơi an ninh hơn.
Hai Đại Đội 3 và 4 của Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân đã từ Quận Bình Chánh được điều động đến giải vây áp lực tại vùng nàỵ Sau một chiến dịch kéo dài tám ngày, Biệt Động Quân mới ổn định được vùng trên và hạ khoảng 100 Việt Cộng, bắt sống 8, tịch thu 35 súng cá nhân, 2 súng cộng đồng.

Vào đêm mồng 6 Tết, từng tốp Việt Cộng từ 3 đến 10 người lén lút di chuyển qua các đường hẻm từ Phan Đình Phùng dẫn vào khu vườn Bà Lớn Nguyễn Thiện Thuật. Họ đi tới đâu, dân chúng kinh hoảng đóng cửa chạy trốn tới đó.
Tiểu Ðoàn 38 Biệt Động Quân lại được chỉ định đến giải tỏa khu này. Khi đến nơi, Tiểu Đoàn đặt bộ chỉ huy trên thượng tầng ngôi nhà 5 tầng ở đường Nguyễn Thiện Thuật và dàn quân vây bắt Việt Cộng.
Con hẻm này nằm ở quãng giữa đường Nguyễn Thiện Thuật, lòng hẻm rộng vào độ 3 mét, ngõ bị cụt bởi hai dãy nhà lầu chắn ngang. Dãy nhà lầu này chạy về hai phía, một dẫn ra đường Phan Thanh Giản, một mở vào lòng phố Phan Đình Phùng. Đây là chưa kể những ngách nhỏ thông vào vườn Bà Lớn.
Việt Cộng đặt một ổ kháng cự tại căn nhà hai tầng số 613/23 và từ căn nhà này bắn vào quân đội chánh phủ. Các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa lập tức dạt sang hai bên đường, rồi tựa vào các bức tường nhà. Các toán quân chiếm các cao thế trên các tầng lầu kể cả bộ chỉ huy đặt trên căn lầu 5 tầng đều xối xả nhả đạn để yểm trợ.

Lúc 10 giờ, Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân đến tăng cường và xiết chặt vòng vây.
Trước khi đánh vào, các binh sĩ Mũ Nâu gọi loa phóng thanh kêu Việt Cộng ra đầu hàng và yêu cầu dân chúng tản cư khỏi chiến địa. Việt Cộng không ra mà lại còn bắn vào những nơi phát thanh. Quân đội chánh phủ dùng trực thăng võ trang xạ kích vào vường Bà Lớn nơi Việt Cộng ẩn nấp trong từ đường gia đình Đỗ Hữu Vi, và đồng thời dàn quân vào bao vây. Việt Cộng dùng B-40 bắn cháy nhà dân để tẩu thoát.

Ngọn lửa bắt đầu cháy lúc 11 giờ 30, bốc cháy từ phía Phan Đình Phùng đổ vào và từ khu vườn Bà Lớn cháy lại. Khi ngọn lửa phát cháy ở khu này, xe chữa lửa đã chạy đến tiếp cứu ngay. Việt Cộng bắn cả vào xe cứu hỏa khiến cho Biệt Động Quân can đảm đến đâu cũng không làm tròn phận sự được.

Giữa lúc đó, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan mang theo một xe Jeep gắn đại bác không giật 90 lỵ Khẩu đại bác bắn hai quả vào căn lầu đặt bản doanh của Việt Cộng. Bốn cánh binh Việt Cộng bị giết. Sau đó Biệt Động Quân tràn vào các hẻm tiêu diệt thêm tại một căn nhà nhỏ kế cận thêm 3 Việt Cộng khác.
Trong lúc nhà cháy, Việt Cộng tháo chạy về đường Bà Hạt, Sư Vạn Hạnh. Vào 5 giờ chiều có đến 20 xe chữa lửa của Sở Cứu Hỏa Đô Thành tới dập tắt đám cháy. Ước lượng trên 300 nóc nhà bị thiêu rụi. Tổng số Việt Cộng bị chết trong trận này là 10 cán binh và 2 người bị bắt sống.

Ngày mồng 3 Tết, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hiệu triệu đồng bào kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh tiếp tay với quân đội, ban hành lệnh thiết quân luật trên toàn quốc và tạm thời đóng cửa các nơi giải trí, các trường học, cấm đoán mọi hình thức tụ tập.
Cũng cùng ngày, Đại Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gởi một nhật lệnh cho toàn quân tố cáo Việt Cộng vi phạm lệnh hưu chiến mà họ đã đề xướng, trình bày tình hình chiến sự tốt đẹp tại các vùng Chiến Tật, khích lệ các chiến sĩ và kêu gọi quân đội bẻ gẫy mọi mưu toan của Việt Cộng bằng bất cứ giá nào.

SOURCE:

THE END


.

No comments:

Post a Comment