Tuesday, July 7, 2020

Nhà báo và mặt trận An Lộc (P3) -- Nam Nguyên



Trong hai bài trước, Nam Nguyên đã kể lại câu chuyện trực thăng vận thành công vào An Lộc ngày 13/6/1972, anh phỏng vấn tướng tử thủ Lê Văn Hưng và gởi tường trình đặc biệt về Hệ thống Truyền thanh Quốc gia; Trong bài thứ 2, Nam Nguyên thuật lại sự kiện anh trở lại An Lộc ngày 7/7/1972 tham gia chuyến đi được bảo mật chặt chẽ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hôm nay trong bài thứ ba, Nam Nguyên lúc đó là Đặc phái viên Hệ thống truyền thanh Quốc gia ghi nhớ những kỷ niệm khó quên, khi mặt trận An Lộc đang ở đỉnh điểm các cuộc tấn công của đại quân Cộng sản Bắc việt.

Ba phóng viên rơi trực thăng giữa rừng An Lộc

Mùa hè năm 1972, An Lộc là chiến trường thách đố với các nhà báo, một thị xã nhỏ bé cách thủ đô VNCH hơn 100 km bị 40.000 quân Cộng sản Bắc Việt có xe tăng, pháo binh, pháo phòng không yểm trợ vây hãm tấn công gần ba tháng. Các phóng viên chiến trường ở Nam Việt Nam lúc đó đều muốn vượt vòng vây vào An Lộc để làm phóng sự. Ở giai đoạn ác liệt của mặt trận An Lộc, vào ngày 29/4/1972 chúng tôi lúc đó là đặc phái viên của Hệ thống truyền thanh quốc gia (VTVN) đã cùng hai nhà báo khác đi vào An Lộc, nhưng trực thăng bị trúng đạn phải hạ cánh khẩn cấp trong vòng vây của quân Cộng sản.

Ngày 29/4/1972 là ngày thứ 22 An Lộc bị phong tỏa, đường bộ từ Chơn Thành theo QL13 bị cắt ở chốt Suối Tầu Ô xóm Ruộng, hỏa lực địch mạnh đến nỗi lực lượng giải vây với các đơn vị tinh nhuệ như nhảy dù, thiết giáp và bộ binh chịu nhiều thiệt hại nhưng đều không thể phá chốt được. Vì thế chúng tôi quyết định thử lửa với trực thăng của Phi đoàn 223 Sư đoàn 3 Không quân VNCH. Nhóm anh em nhà báo gồm chúng tôi Nguyễn Mạnh Tiến thuộc Hệ thống truyền thanh quốc gia (VTVN), Thế Hải Đài Tiếng Nói Tự Do (VOF) và Dương Phục Đài Tiếng Nói Quân Đội. Chúng tôi đã lên tàu ở bãi đáp cạnh rừng cao su non Lai Khê. Lúc đó chúng tôi nghĩ là bay vào tử địa thì kiếm một chỗ ngồi bệt trên sàn trực thăng sẽ chẳng ai đuổi xuống.
Nhưng không phải như vậy, ở mốc thời gian 41 năm sau chiến trường An Lộc, năm 2013 chúng tôi tình cờ gặp lại cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ, phi công chính của chuyến bay định mệnh tháng 4/1972 và mời ông thăm Đài RFA. Diễm Thi của Ban Việt Ngữ đã đề nghị cựu trung úy phi công Võ Văn Cơ cùng chúng tôi tham gia chương trình Video Cuộc Sống Quanh Ta với cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và cảm động. Cựu Trung Úy phi công Võ Văn Cơ cho biết phi công phụ của chuyến bay là Thiếu úy Trương Phương Tuyên hiện cũng định cư ở Hoa Kỳ. Nhớ lại câu chuyện 41 năm trước cựu phi công Võ Văn Cơ nói:

Tư lệnh của chiến trường cấm tất cả các phóng viên sợ nguy hiểm cho họ, thứ nhất là để giữ bí mật quân số vì lực lượng đối phương lúc đó tới ba công trường với ý đồ của đối phương là chiếm lĩnh tỉnh Bình Long, cuối cùng thì họ không khuất phục được ý chí chiến đấu của mình, ta vẫn chiếm lại được. Ngày mà tôi gặp anh Tiến này tại bãi đổ quân của nhảy dù ở phi trường Lai Khê, khi anh lên phi cơ rồi thì tôi trình lại cấp trên là tại sao có phóng viên lên máy bay? cuối cùng ông Chỉ huy trưởng nói thôi được cứ cho phóng viên lên.”

Trong thời gian này áp lực của cộng quân đang mạnh nhất, đối phương đã mở đợt tấn công thứ 4 thứ 5 và trong tháng 5 /72 thì thêm vài đợt tấn công nữa, tất cả đều có xe tăng, pháo binh và pháo phòng không yểm trợ. Trước các đợt tấn công có lúc địch quân pháo tới hơn 8.000 quả đạn trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Cựu Trung tá nhảy dù Bùi Quyền lúc đó là Thiếu tá trưởng Ban 3 hành quân Lữ đoàn 1 nhảy dù, đơn vị tiếp viện trực tiếp chiến đấu bên trong An Lộc. Từ Bắc California Hoa Kỳ ông Bùi Quyền kể lại là quân đội và thường dân thương vong rất nhiều vì các trận mưa pháo của của địch quân.
“Thời gian đó trung bình cứ 2-3 giây là có một quả đạn rơi vào An Lộc rồi thành thử không chỗ nào không trúng.”

Trở lại chuyến đi ngày 29/4/1972 của nhóm nhà báo chúng tôi, tôi nhớ lại đường bay vào An Lộc rất gần, suốt dọc phi trình phi công bay sát đầu ngọn cây cao su để tránh hỏa tiễn tầm nhiệt SA7, tránh cao xạ phòng không đạn nổ hai lần, nhưng không tránh được đại liên và ngay cả súng AK.
Hôm đó đoàn trực thăng trong đó có chiếc chở chúng tôi không đáp được xuống bãi Xa Cam, địch quân pháo kích mù trời, không một chiếc nào nào đáp được hẳn xuống đất để tản thương. Trực thăng giữ độ cao lơ lửng và bốc lên ngay, nhìn qua khoảng trống của chiếc UH1D chúng tôi nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng, một số thương binh còn đủ sức đã đu càng trực thăng, người chậm hơn yếu hơn lại nắm lấy cổ chân đồng đội, trực thăng bốc lên cùng với chiếc thang người đong đưa.
Cả ba chúng tôi Thế Hải, Dương Phục và Nguyễn mạnh Tiến chưa kịp nhảy xuống thì trực thăng bốc lên, bên tai tiếng súng liên thanh bắn vào máy bay, tiếng đạn cối, hỏa tiễn 122 ly nổ liên hồi trên bãi đáp mù mịt khói lửa; hai xạ thủ trên trực thăng cũng khạc đại liên về hướng rừng cao su.

Anh Thế Hải cựu phóng viên Đài Tiếng nói Tự do (VOF) hiện nay định cư ở Hawaii Hoa Kỳ, lần đầu tiên sau 40 năm tôi tìm được số điện thoại và liên lạc với anh. Anh Thế Hải rất xúc động kể lại câu chuyện cũ như hệt một đoạn phim quay chậm:
“Lúc đến bãi Xa Cam nhìn một chiếc xuống trước, Việt Cộng họ pháo kinh khủng từ các đồi xung quanh kinh hoàng vô cùng, các thương binh ra để được chở đi pháo Việt Cộng ‘phơ’ tới bãi đáp tung bụi mù. Chiếc máy bay của mình với Tiến và Dương Phục đảo qua một cái thì phi công không thể xuống được vì máy bay đã bị trúng đạn. Trong lúc đó mình nhiệm vụ vừa là phóng viên truyền thanh VOF vừa cầm cái máy chụp hình vừa nói vào máy hình ảnh diễn ra tại đó…trong lúc bấm máy thì thấy máy bay trước mình binh sĩ họ nhào lên, họ bám vào càng trực thăng, máy bay bốc lên vì không thể chở nhiều thương binh…Lúc đó mình hoảng loạn rồi cứ thế bấm máy, phía xa thấy một máy bay tự nhiên có một móc xích mấy người binh sĩ bám vào càng rồi hai ba anh lại bám vào chân người bám vào càng nữa. Mình ghi được cảnh trực thăng  bay cao lên, chắc là sức gió và sức chuyển động mạnh quá, có một anh đã rớt khỏi cái chân của anh binh sĩ bám trên càng đó. Mình bấm, ai ngờ về sau họ đưa lên tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ thì lúc bấy giờ mình mới biết hình ảnh mình đã ghi được.”


Trực thăng đổ quân Dù tăng viện, đồng thời vội vã tải thương binh ra khỏi mặt trận An Lộc năm 1972. Trực thăng đổ quân Dù tăng viện, đồng thời vội vã tải thương binh ra khỏi mặt trận An Lộc năm 1972.
Cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ, trong cuộc hội ngộ với chúng tôi ở phòng thu hình của RFA năm 2013 đã làm rõ hơn về việc ông bị thương và máy bay bị hư hại nên không thể đáp xuống bãi đáp. Ông nói:
“Khi tôi trúng đạn bên vai phải rồi thì tôi báo cho chiếc CNC liền xác nhận tôi bị thương rồi, máy bay tôi vẫn còn lơ lửng tôi thấy không đưa được phóng viên xuống, hỏa lực địch bắn rát, mũi phi cơ khói xịt lên như vậy trúng bình điện rồi, may mà nó không bị gián đoạn. Nhưng tôi nhận xét âm thanh máy bay vẫn còn đều nên tôi quyết định bay ra. Nếu tôi đáp xuống ở lại đó thì anh và tôi giờ này cũng là đống xương nằm đó thôi chứ không còn nữa! Địch bắt đầu pháo, nhảy dù cáng thương binh đi ra thì mấy chiếc kia bốc về luôn, chiếc nào ra được là đi chiếc đó không có chần chừ, vừa bị pháo mà hai bên ở thế cài răng lược với nhau không thể chần chừ được. Tôi cất cánh đi ra không dám bay trên QL13 nữa bởi vì đối phương hai bên đã án ngữ nhau rồi. Tôi lên khoảng 5 hoặc 6 dậm thì nhìn thấy ở Đông Nam tay trái có một khu rừng nguyên si chưa có vết bom đạn nào hết là tôi xuống liền. Khi tôi báo CNC trong hợp đoàn tôi họ nghe hết, lúc này tôi không còn liên lạc được với ai nữa, hệ thống vô tuyến đứt luôn rồi. Lúc đó có chiếc Gunship đã xả hết rocket và đạn mini gun rồi, nó nhẹ hơn và xà xuống sau lưng tôi liền. Nó bốc được cho tôi một copilot hai xạ thủ và 3 anh phóng viên này. Tới giờ này tôi vẫn nghĩ là nhờ ơn trên mà còn nguyên vẹn hết chỉ phải bỏ chiếc máy bay.”

Tôi nhớ lại Trung úy Võ Văn Cơ là người cuối cùng rời chiếc trực thăng bị trúng đạn bốc khói và phải đáp khẩn cấp, trong lúc người xạ thủ bên trực thăng vũ trang Gunship vẫy tay lia lịa gọi chúng tôi chạy qua mau. Trung Úy Cơ còn làm một số thao tác trên bảng điều khiển, tôi nghĩ là ông Cơ đã vô hiệu hóa các tần số liên lạc.

Thật ra lúc đó mọi sự diễn ra nhanh lắm, bây giờ hồi tưởng lại như một khúc phim quay chậm hiện rõ sự khủng khiếp của chiến tranh. Lần đầu tiên liên lạc với anh Thế Hải sau 40 năm, anh Thế Hải đã kể lại tâm trạng của anh khi máy bay chở chúng tôi phải đáp khẩn cấp trong khu vực do địch quân kiểm soát. Cựu phóng viên VOF Thế Hải kể lại:

“Mình nghĩ chắc đây là ngày cuối cùng của đời phóng viên rồi…Tôi lại sinh ngày 20/4 ngày bị nạn là 29/4, từ đó mình coi như ngày sinh nhật thứ hai của mình được sống lại. Lúc máy bay đáp khẩn cấp xuống một bãi cỏ, tôi còn nhớ rằng anh em mình hò nhau là phải ra khỏi máy bay sợ nó cháy. Rồi một chiếc Gunship từ đâu xà tới, một chiếc nó bắn yểm trợ xung quanh, một chiếc nó bốc anh em mình lên; trong lúc đó nghe tiếng súng AK nổ chát chúa cứ mỗi lúc một gần, mình nghĩ chắc là anh em mình kể như bị bắt rồi, trong lúc đó mình bảo thôi nếu bị bắt rất đau khổ thì thà rằng xin được chết ngay tại trận.”

Ngay từ khi lơ lửng ở bãi Xa Cam với cảnh pháo kích, tiếng súng của xạ thủ quạt lia lịa về hướng các bờ từng cao su, chúng tôi đã tường thuật vào trong máy, khi lên được chiếc Gunship tôi cũng tiếp tục nói vào máy. Khi về tới Lai Khê, cả ba chúng tôi xúm lại để phỏng vấn người phi công bị thương. Cả ba Đài Phát Thanh hôm đó đều có bài tường thuật sôi nổi. sau đó, chúng tôi cũng viết bài phóng sự trên báo Sóng Thần.

Cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ nhớ lại:
“Sau chuyến bay ngày 29/4 và cứu được phóng viên rồi, thì ba ngày sau trên tờ báo Sóng Thần tôi đọc được bài viết ‘ cảm ơn nhân viên phi  đoàn 223 đã cứu mạng sống các phóng viên’ hôm đó tờ báo Sóng Thần ra ngày 2 tháng 5, tôi vẫn còn nhớ.”

Bay trực thăng vào An Lộc những ngày đó thật là nguy hiểm, sau chúng tôi hai ngày hôm 1/5/1972,  Điện ảnh viên quân đội Nguyễn Ngọc Bình ở trong số 11 người kể cả phi hành đoàn, đã hy sinh vì trực thăng của họ bị bắn rơi trên phi trình vào An Lộc. Sau này, một đồng nghiệp của phóng viên Nguyễn Ngọc Bình là anh Đỗ Văn Mỹ đã theo cánh quân Trung đoàn 15 giải tỏa quốc lộ 13, anh đi bộ 15 km đường rừng từ Tân Khai theo hướng An Lộc và tìm thấy chỗ trực thăng bị bắn rơi. Di hài phóng viên điện ảnh Nguyễn Ngọc Bình chỉ còn xương cốt nhưng các reel phim 16 ly và máy quay cháy nám vẫn quàng trên xương ngực. Đỗ Văn Mỹ được biết nhiều hơn với tục danh Mỹ Voi vì người anh cao lớn, Mỹ Voi đã gom xương cốt người bạn thân vào hai thùng đạn súng cối và xin trực thăng tản thương chuyển về Saigon. Bà quả phụ Nguyễn Ngọc Bình sau đó xác nhận đúng là di cốt của chồng, nhờ một vết tích riêng ở răng của anh.

Sau chuyến bay định mệnh ngày 29/4/1972, phải 44 ngày sau tức 13/6/1972 chúng tôi mới vào được An Lộc phỏng vấn Tướng Lê Văn Hưng để gởi về bài tường trình tại chỗ và đến ngày 7/7/1972 chúng tôi trở lại An Lộc theo chân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Mặt trận An Lộc là một chiến trường đầy thách đố với các nhà báo. Riêng đối với chúng tôi nó là phần quan trọng nhất trong cuộc đời phóng viên của mình.

Source:
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/a-radio-journalist-n-battle-of-an-loc-p3-nn-01022015131417.html

.

No comments:

Post a Comment