Monday, July 13, 2020

Shepard Lowman, bạn của người Việt tị nạn, vừa ra đi (Related topic " Hội Gia Ðình Tù Nhân Việt Nam của bà Khúc Minh Thơ")


 Mr. Shepard Lowman (1926-2013) 

Tâm Việt

FAIRFAX, Virginia –Sinh ngày 21 Tháng Chín, 1926, ông Shepard Lowman có một cuộc đời dài và tràn đầy ý nghĩa như một nhà ngoại giao, một nhà từ thiện và nhất là như một người bạn thiết thân của Việt Nam và cộng đồng Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard ra, Shep (tên gọi thân thuộc giữa bạn bè và gia đình) đã đi vào ngành ngoại giao và sau khi phục vụ ở một số nhiệm sở, được gởi đến Việt Nam vào năm 1966. Gần như tức khắc, Shep đã yêu Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Tết Mậu Thân 1968, Shep đang làm việc ở Châu Ðốc, nơi mà ông gặp bà Hiệp, vợ ông sau này.

Năm 1974, Shep lại có dịp sang Việt Nam và thời gian này ông phục vụ trong ban chính trị của Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Với chức vụ này, ông được giao trọng trách lo đưa cả ngàn thân nhân gia đình Mỹ và những quan chức Việt Nam ra khỏi nước, trong những ngày hỗn độn vào cuối Tháng Tư, 1975. Ða phần những người này sau đó đã đi định cư ở Hoa Kỳ.

Lúc đầu, Mỹ chỉ có ý định đón nhận 37,000 người Việt mà thôi. Sau đó, Tổng Thống Gerald Ford quyết định nâng con số đó lên 137,000 và chỉ định bà Julia Vadala Taft cai quản luôn chiến dịch đưa những người này vào nước Mỹ. Thật may mắn là bà Taft đã được sự phụ giúp của ba người được thiên hạ gọi đùa là “ba anh cao bồi Sài Gòn” ở Bộ Ngoại Giao. Một trong ba người này là Shep Lowman.

Sau đó, ba người vật lộn với hệ thống quan liêu ở Washington để có được đủ ngân sách lo cho bốn trại tỵ nạn đầu tiên trên lục địa Hoa Kỳ tiếp người Việt Nam, cũng như lo chi trả cho các cơ quan thiện nguyện làm trung gian trong việc tái định cư người tỵ nạn mà lúc bấy giờ còn gọi là “thành phần tạm dung.”
Trong vòng 10 năm sau đó, khoảng 1.5 triệu thuyền nhân được nhận và tái định cư ở Mỹ, Canada, Tây Âu và Úc, cộng với các chương trình khác như ODP, HO, ROVR, con lai…

Trong khi đó, năm 1981, ông Shep Lowman lên tới chức phó phụ tá ngoại trưởng đặc trách chương trình tỵ nạn. Trong vai trò này, Shep giúp thay đổi các chính sách trong chương trình tỵ nạn của Mỹ để cho hợp thời hơn và làm việc không mệt mỏi nhằm đưa những người đã từng là đồng minh của Mỹ trong một cuộc chiến bạo tàn tìm được nơi trú ẩn ở Mỹ.

Trong mọi vai trò ở Bộ Ngoại Giao Mỹ, Shep đã có dịp làm việc với nhiều tổ chức của người Mỹ gốc Việt để cho họ có thể tham gia giúp đỡ chính đồng bào của họ, trong đó phải kể Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (khi ủy ban này đóng cửa vào năm 1990 thì Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS ở Virginia đã thay thế), Hội Gia Ðình Tù Nhân Việt Nam (của bà Khúc Minh Thơ), Ủy Ban Liên Tôn về Tỵ Nạn và Nhân Quyền, Project Ngọc…

Một nguyên tắc làm việc của Shep Lowman là ông tìm cách động viên người đi trước giúp người đi sau. Tại Ðại Hội Thể Thao Bắc Mỹ vào mùa Hè 1987 ở Ðại Học Maryland, ông nói: “Trong khi các bạn đang vui chơi và tranh tài, xin hãy nhớ là có hàng ngàn thanh niên thanh nữ ở trong các trại tỵ nạn cũng đang mơ tới ngày được tranh tài và vui chơi như các bạn.”
Bài nói chuyện này sau đó đã được nhiều thanh niên sinh viên hưởng ứng và ra tay giúp đồng bào trong các trại

Riêng ở vùng Washington, DC, Shep giúp Cộng Ðồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lấy một giao kèo với ACNS (Hội Ðồng Hoa Kỳ Về Các Dịch Vụ Cho Người Thiểu Số) để thành lập BSS (tổ chức Phật giáo Phụng sự Xã hội), cơ quan đã giúp tái định cư 3,000 người tỵ nạn Ðông Dương trong vùng Maryland-DC-Virginia.
Khi Shep về hưu, ông vẫn tiếp tục giúp người tỵ nạn. Ông cũng giữ một số chức vụ ở Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, Jesuit Refugee Service, và Refugees International. Ông tiếp tục kêu gọi tiếp nhận người tỵ nạn Ðông Dương.
Ngày nay, có không biết bao nhiêu người gốc Việt, Miên, Lào đón tiếp được gia đình đoàn tụ là nhờ Shep. Sự thành công của họ chính là bia công đức của ông.

Ngoài ra, từ năm 1991, Shep đã ở trong Ban Quản Trị tổ chức Vietnam Aid to the Handicapped (VNAH), do anh Trần Văn Ca làm chủ tịch, giám sát việc trao xe lăn cho hàng ngàn thương binh người Việt ở khắp hai miền Nam Bắc. Ông cũng giúp Việt Nam thảo ra luật và xây dựng những lối đi cho người dùng xe lăn.

Trong cộng đồng Việt Nam, Shep sẽ được nhớ như một người rộng lòng từ bi, săn sóc cho cả những em như Tuấn Võ, một em bị bệnh hoại huyết ở Mỹ, và cùng với bà Hiệp đỡ đầu cho 60 em nhỏ bị bệnh AIDS ở Việt Nam. Những ai biết Shep thì thế nào cũng sẽ nhớ ông, nhớ tình thân ái và tấm lòng lúc nào cũng chăm lo cho mọi người chung quanh.

Ông Shepard Lowman vừa qua đời hôm Thứ Bảy, 2 Tháng Ba, ở tuổi 86, tại tư gia ở Fairfax, Virginia, để lại người vợ thân thương, bà Hiệp Lowman, bốn người con trai (Thomas Trịnh, Nguyễn Ðình Phúc, John Trịnh, Mark Nguyễn) và bốn người con gái (Kate, Mary, Lina và Lisa).
Ông bà Lowman cũng có 20 cháu nội ngoại và một chắt, và một nghĩa đệ, ông Phạm Tấn Phước.
Vì ông đã quy y theo Phật Giáo Tây Tạng (với pháp danh Lobsang Changchup, nghĩa là Tâm Bồ Ðề) nên tang lễ sẽ được cử hành vào Thứ Sáu, 3 tháng 8, từ 10 giờ đến 12 giờ, ở Lee National Funeral Home, 7482 Lee Highway, Falls Church, VA 22042, theo nghi lễ Phật Giáo Tây Tạng, Ðại Thừa Việt Nam và Tiểu Thừa Lào.

SOURCE:

.

No comments:

Post a Comment